Lm. Giuse Phan Trọng Quang, MF - Lm. Giuse Ngô Đức Tài, MF
WHĐ (03.7.2021) - “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12, 49). Những người sống đời thánh hiến được mời gọi như “ngọn nến thắp sáng những ngọn nến khác”.[1]
Một cuộc khảo sát trên 1450 bạn trẻ tuổi từ 18-29, đại diện cho giới trẻ ba miền Bắc-Trung-Nam của Italia vào năm 2015, về đời sống đức tin và căn tính tôn giáo dựa trên 50 câu hỏi và phỏng vấn trực tiếp. Người ta ghi nhận: số bạn trẻ vẫn còn xác tín và đang giữ đạo sốt sắng chỉ chiếm khoảng 10,5 %; trong khi đó có tới 28 % bạn trẻ đã không còn tin vào Thiên Chúa (năm 2007 là 23 %). [2] Một điều đáng lưu tâm nữa, đó là một số lớn trong nhóm bạn trẻ có niềm tin Công giáo theo truyền thống đang ở ngưỡng cửa không tin.
Một ghi nhận khác tại Châu Âu, đó là số các bạn trẻ tham dự các kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới, số bạn trẻ thiện nguyện bác ái, số bạn trẻ tìm đến trung tâm hành hương và cầu nguyện (chẳng hạn như tại cộng đoàn Taizé tại Pháp) rất đông, nhưng lại vắng bóng nơi các nhà thờ, chủng viện và các dòng tu.
Chắc chắn có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, và hệ quả là niềm tin tôn giáo nói chung và đời sống thánh hiến nơi các dòng tu nói riêng không còn hấp dẫn hay ít là thu hút sự quan tâm của người trẻ hôm nay.
Người Kitô hữu Việt Nam hôm nay nói chung, cách riêng là người trẻ, chưa đến mức như ở Châu Âu. Các nhà thờ chúng ta vẫn đầy ắp người dự lễ; các sinh hoạt hội đoàn, các phong trào vẫn rầm rộ; các dòng tu vẫn không thiếu vắng ơn gọi.
Tuy nhiên, vẫn còn đó lắm những mối lo, và mối lo lớn nhất: đó là làm sao giúp người tín hữu cũng như giới trẻ hôm nay không những giữ đạo sốt sắng, mà còn tìm thấy được ý nghĩa và giá trị đích thật trong niềm tin của mình; và đang khi sống giữa một xã hội với muôn vàn giá trị, thì người tín hữu phải nhận thấy Kitô giáo luôn là giá trị ưu việt và cứu cánh cho đời mình.
Vì thế, bài viết này muốn nhắc lại giá trị căn bản Kitô giáo của mọi tín hữu và những người môn đệ tin theo Chúa, và trên nền tảng những giá trị này, những người môn đệ, những người sống đời thánh hiến được mời gọi như là cuốn sách chú giải về giá trị Kitô giáo cho con người trong thế giới hôm nay.
Hay nói cách khác, đâu là lý tưởng đích thật của người môn đệ theo Chúa? Và đây là câu trả lời của Chúa Giêsu.
Tin Mừng thuật lại, đang khi có một người trẻ chối từ Chúa, không phải do lối sống vô tính hay vô luân của anh, mà chỉ vì anh không dám từ bỏ mọi sự (x. Mt 19, 16 -22; Mc 10,17 -22; Lc 18, 18 -23), thì môn đệ Phêrô mới hỏi Chúa rằng: '“Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”. Chúa Giêsu trả lời: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội [các bản khác: gấp trăm] và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp”. (Mt 19,27 -30; x. Mc 10, 28 -30; Lc 18,28 -30).
Sự sống đời sau là cùng đích Kitô giáo mà mọi tín hữu đều chân nhận; điều này không gây vấn đề. Nhưng vấn đề là nơi câu trả lời của Chúa Giêsu, trong đó, Chúa hứa ban phần thưởng “gấp bội/gấp trăm” ngay “ở đời này” cho những người tin theo Chúa.
Vậy câu hỏi cần được đặt ra: có đúng thật là những người Kitô hữu, những người tin theo Chúa, những người làm môn đệ Chúa, bên cạnh lời hứa ban phúc lành là sự sống vĩnh cửu đời sau, thì họ có được mọi ơn lành dồi dào xác hồn ngay trong đời này như đúng nghĩa đen của lời nói Chúa Giêsu không?
Nhìn vào tổng thể giáo huấn của Chúa; nhìn vào chính đời sống của Chúa; nhìn vào đời sống các tông đồ, các môn đệ Chúa, và kết cục của các ngài nơi hành trình dương thế; chúng ta tin chắc rằng Chúa không muốn nói với chúng ta theo nghĩa đen như vậy. Giải thích sau đây bổ sung vào khẳng định này:
“Đây là lối nói điển hình của thi ca mang đậm tính cường điệu khi mô tả sự vĩ đại của ơn phúc lành cánh chung, và nó vượt quá mọi tính toán của những mất mát ban đầu. Danh sách đại diện của bảy hạng mục (con số 7: (1) nhà cửa, (2) anh em, (3) chị em, (4) cha, (5) mẹ, (6) con cái và (7) ruộng đất: biểu tượng sự toàn vẹn) tượng trưng cho tất cả những mất mát [...]. Và tất cả những mất mát này sẽ được đền bù trong phúc lành cánh chung mà các môn đệ Chúa Giêsu được hưởng. Nhưng phúc lành lớn nhất của tất cả mọi người sẽ là được thừa hưởng sự sống đời đời”.[3]
Cũng cần phải nói thêm rằng lời chất vấn của Phêrô mang đậm bản chất của niềm hy vọng Do Thái giáo, nghĩa là đang nhắm đến những giá trị được mất của thực tại thế trần, và lối suy nghĩ này cũng được phản ánh qua các môn đệ khác của Chúa, điển hình như hai ông Giacôbê và Gioan khi khát mong được chiếm vị trí đặc quyền bên hữu và bên tả Chúa, nhưng với Chúa, đó lại là chén đắng (x. Mc 10,35-40; Mt 20,20-23).
Dựa trên những điều này, chúng ta có thể xác quyết rằng: phần thưởng “gấp trăm” “ở đời này” mà Chúa Giêsu hứa ban cho những người môn đệ tin theo Chúa không thể được hiểu theo ý nghĩa theo kiểu thế gian như môn đệ Phêrô hoặc các môn đệ khác, nhưng phải được quy về những giá trị của thực tại cánh chung.
Nếu Giáo huấn của Chúa Giêsu cho các môn đệ như thế, thì người tín hữu, khi nói về ơn phúc lành Kitô giáo, chúng ta phải hiểu như thế nào? Đọc lại Giáo lý Hội Thánh Công giáo, chúng ta ngạc nhiên về vẻ đẹp và sự cao trọng của ơn phúc lành theo đúng tinh thần Kitô giáo.
Phúc lành (Felicitas) Kitô giáo[4]
Một số điểm chính trong sách GLHTCG 1716-1727:
- Tự trong thâm sâu, con người khát khao hạnh phúc, và các mối phúc Kitô giáo chính là nền tảng của đời sống và lấp đầy khát vọng hạnh phúc nơi người tín hữu. Các mối phúc chính là trung tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu. Lời chúc phúc được hứa ban cho tổ phụ Abraham không còn hướng đến việc thừa hưởng một mảnh đất nơi trần gian, nhưng là hướng đến Nước Trời.
- Hạnh phúc thật không cốt tại của cải trần thế hoặc tiện nghi, cũng không phải trong vinh quang nhân loại hay quyền lực thế gian, cũng không ở trong bất cứ loài thụ tạo nào, nhưng duy chỉ ở nơi Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi điều thiện hảo.
- Niềm hạnh phúc của người tin theo Chúa có thể đạt được “gấp trăm” “ngay ở đời này” là: “Nước Thiên Chúa, nhìn thấy Thiên Chúa, thông phần bản tính thần linh, sự sống muôn đời, được làm con Thiên Chúa và yên nghỉ trong Thiên Chúa” (số 1726).
Ân sủng (Gratia) Kitô giáo[5]
Ngoài phúc lành (Felicitas) ra, Thiên Chúa còn hứa ban ân sủng (Gratia) cho con cái Người, hay theo cách nói thông thường là ơn lành. Vậy ân sủng Chúa ban là gì?
- Ân sủng là một hồng ân, một sự trợ giúp nhưng không mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta đáp lại lời kêu gọi của Ngài, là trở thành con cái Thiên Chúa, làm nghĩa tử, tham dự vào bản tính Thiên Chúa, và vào sự sống muôn đời (số 1996).
- Ân sủng là tham dự vào sự sống Thiên Chúa, đưa chúng ta vào sự thân mật của sự sống Chúa Ba Ngôi: nhờ bí tích Rửa tội, Kitô hữu tham dự vào ân sủng của Đức Kitô. Với tư cách là “nghĩa tử”, họ có thể gọi Thiên Chúa là “Cha”. (số 1997)
Tóm lại, trở thành nghĩa tử, được làm con cái Chúa, được thông phần sự sống thần linh và sự sống muôn đời, là ơn phúc lành mà Chúa hứa ban cho mọi người tín hữu, và đây cũng chính là những ơn phúc lành mà người tín hữu cần phải cậy trông mỗi ngày và trong suốt đời mình, chứ không phải bất cứ những ‘ơn phúc lành' nào khác.
Đẹp thay người Công giáo Việt Nam chúng ta vẫn còn giữ truyền thống đến với Chúa trong ngày Chúa Nhật. Chắc chắn đây không chỉ đơn thuần là một việc ‘giữ luật' cho xong phận vụ, nhưng đa phần người tín hữu chúng ta đến còn với Chúa để kín múc nơi Người muôn ơn lành hồng phúc cho cuộc sống.
Tiếc rằng, do bởi những âu lo về cuộc sống (người có lo theo kiểu có, người không có lo theo kiểu không có), hay do bởi ảnh hưởng tinh thần của tập tục và tín ngưỡng dân gian Việt Nam hay các tôn giáo khác, người tín hữu chúng ta có khuynh hướng trần thế hóa ơn phúc lành Kitô giáo, nghĩa là chúng ta chú trọng xin ơn phúc lành theo kiểu người đời, là những giá trị mà những người anh em tôn giáo bạn hay lương dân họ cũng có thể đạt được mà không cần tin vào Chúa, để rồi quên đi những giá trị thiêng liêng quý giá mà ơn phúc lành theo tinh thần Kitô giáo mang lại.
Rất dễ thấy, trong các lời nguyện,[6] các lời chia sẻ và những lời cầu chúc nhau, người tín hữu thường ưu tiên cầu chúc những giá trị thế trần, vốn rất dễ làm vừa lòng nhau. Kiểu nói thông dụng phổ biến của người tín hữu: “cầu chúc muôn ơn phước lành trên mỗi người chúng ta” hay “Xin Chúa chúc lành...” thường được ẩn giấu ý nghĩa này.
Mấu chốt vấn đề ở đây không phải là do bởi người tín hữu không có lòng đạo đức sốt mến, nhưng chỉ vì chúng ta bị trượt khung giá trị - ý nghĩa giữa ơn phúc lành theo tinh thần Kitô giáo và ơn phúc lành theo kiểu thế gian.
Hậu quả của quan niệm này đã làm cho không ít người tín hữu xem nhà thờ như là một ‘siêu thị ơn phúc', nơi đó có thể tìm thấy tất cả nhu cầu cho đời sống cách miễn phí, và như thế Thiên Chúa tốt lành ngự nơi nhà thờ trở thành nơi giải quyết vấn nạn đời thường (theo nghĩa đen) cho con người.
Không những ảnh hưởng trên lối sống đạo, quan niệm này dần dần định hình một tiêu chuẩn giá trị: người tin hữu có ơn và có phúc là người được nhiều phúc lộc. Tiêu chuẩn này gây không ít nguy hại khi chúng ta áp dụng cho những thân phận con người hèn kém và thiếu may mắn.
Điều đáng lo ngại hơn, đó là quan niệm thiếu sót này lại được rao giảng và thực hành cách công khai và dần dần trở nên một ‘lẽ sống' của người tín hữu.
Vì thế, cần thiết tìm lại căn nguyên giá trị của hạnh phúc và ân sủng Kitô giáo; và góp phần vào trong nỗ lực này chính là những người môn đệ, những người sống đời thánh hiến đang sống, làm chứng tá và rao giảng về Nước Thiên Chúa.
Thế giới chúng ta đang phải đối diện nhiều vấn đề được xem như là sự dữ, chẳng hạn như dịch bệnh, thiên tai. Những vấn đề này chất vấn mọi người, cả với các tín hữu chúng ta. Trước những sự dữ đó, lược đồ ơn phước lành theo tinh thần thế trần dường như không đứng vững. Vì thế, cần thiết phải quay trở lại lược đồ ơn phước lành Kitô giáo đúng theo lời Chúa Giêsu dạy. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, Thiên Chúa cũng không bỏ rơi chúng ta bao giờ; trái lại, như người Cha nhân lành, Người đồng hành với con cái trong yêu thương để tiến về thực tại cánh chung.
Lịch sử Hội Thánh Chúa cũng đã minh chứng điều này; dù trải qua bao cơn gian nan, hoạn nạn thử thách, người tín hữu vẫn luôn thuộc về Chúa. Vì thế, đời sống thánh hiến, với việc chọn Chúa và những giá trị Nước Trời làm gia nghiệp như là một dấu chỉ hùng hồn của ơn phúc lành Kitô giáo cho người trẻ hôm nay đang khi phân định đời mình.
Tông huấn Đời sống Thánh hiến khẳng định rõ về giá trị đặc biệt của bậc sống này, đó là “làm chứng về Tin Mừng các mối phúc; là nhắc nhớ cho những người đã được rửa tội về các giá trị cơ bản của Tin Mừng, nhờ chứng tá rạng rỡ và cao vời rằng thế giới không thể được biến hình đổi dạng và dâng hiến cho Thiên Chúa nếu thiếu tinh thần của các mối phúc, sứ mạng của đời tận hiến càng trở nên hùng hồn và hữu hiệu hơn, đó là nhắc nhở cho các anh chị em khác hãy đưa mắt chăm chú tìm kiếm hoà bình tương lai, và cố gắng đạt tới hạnh phúc vĩnh viễn ở bên Thiên Chúa”.[7]
Ngoài ra, Tông huấn còn lưu ý cho các Hội Dòng tận hiến, đang khi dấn thân không mệt mỏi cho các hoạt động xã hội và phục vụ công ích, thì không được quên sót nhiệm vụ chứng tá về thực tại Nước Trời của mình: “Ngày nay, các mối ưu tư hoạt động tông đồ ngày càng có vẻ cấp bách hơn và sự dấn thân vào các công việc trần thế ngày càng thu hút hơn, nên đó là cần đặc biệt lưu ý về bản chất cánh chung của đời thánh hiến. “Kho tàng của bạn ở đâu, thì lòng bạn cũng ở đó” (Mt 6,21): kho tàng duy nhất là Nước Trời gợi lên nguyện ước, chờ mong, dấn thân và chứng tá. Trong Giáo Hội tiên khởi, người ta sống cao độ niềm chờ mong Đức Chúa ngự đến. Qua các thời đại, Giáo Hội không ngừng duy trì lòng trông mong đó: Giáo Hội tiếp tục mời gọi các tín hữu đưa mắt hướng về ơn cứu độ sắp tới lúc được biểu lộ rồi, “vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7,31; 1 Pr 1,3-6). [8]
Trong các cuộc khủng hoảng, khủng hoảng lớn nhất là khủng hoảng về đức tin và giá trị. Giáo hội Chúa đang ưu tư về đức tin và giá trị sống của các tín hữu và những người trẻ hôm nay. Rõ ràng họ đang đứng trước một biển lớn các giá trị, và họ cũng cần những ngọn đuốc sáng tinh tuyền dẫn đường; đó không phải là những ngọn đuốc đưa con người về những giá trị ‘thuộc Caesare', nhưng phải là những ngọn đuốc dẫn đến những giá trị ‘thuộc về Thiên Chúa'. Đức tin không tách rời cuộc sống; Giáo hội không ngừng đồng hành với thế giới; tuy nhiên, cần đồng hành và bước đi với con người hôm nay trong tinh thần Kitô giáo đích thật. Chính đây mới là giá trị mà thế giới cần; chính đây là giá trị có thể mang lại cứu cánh cho những người trẻ, là những người vốn đã mệt nhoài trong những giá trị chóng qua này.
Vẫn có rất nhiều người trẻ hôm nay với những khát vọng sống chân chính, như chính Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận: “Nơi một số người trẻ, chúng ta nhận ra họ có một khát vọng về Thiên Chúa [...] một mơ ước về tình huynh đệ [...], một khát vọng thực sự muốn phát triển các tài năng của mình để cống hiến điều gì đó cho đời”.[9] Chúng ta tin chắc rằng đời sống đạo và nếp sống tu trì sẽ vẫn còn có thể hấp dẫn người trẻ hôm nay nếu vẫn giữ được những giá trị cứu cánh tinh tuyền này.
Vì thế, chúng ta, những người thánh hiến, đang tiếp nối bước đường của các tông đồ, chúng ta được mời gọi, bằng chính đời sống thánh hiến của mình, giúp cho người trẻ hôm nay xác quyết về một lý tưởng sống nền tảng, chân chính của Kitô giáo.
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12, 49)”. Vâng lời Thầy Giêsu, những người môn đệ chúng ta cũng cần bước ra khỏi những giá trị và não trạng cũ để ra đi thắp sáng thế giới này, bằng chính đời sống chứng tá về những giá trị đích thật của các Mối Phúc và của Nước Trời.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 122 (Tháng 1 & 2 năm 2021)
[1] Thánh Alberto Hurtado, SJ.
[2] X. R. BICHI - P. BIGNARDI, Dio a modo mio. Giovani e fede in Italia, Vita e Pensiero, Milano 2015. F. GARELLI, Piccoli atleti crescono. Davvero una generazione senza Dio?, Il Mulino, Bologna 2016.
[3] Hagner, D. A. (2002). Vol. 33B: Word Biblical Commentary: Matthew 14-28. Word Biblical Commentary (566). Dallas: Word, Incorporated.
[4] Phần này xin đọc GLHTCG số 1718-1729.
[5] Sđd, số 1996-2029
[6] Trừ các lời nguyện trong sách Lễ Rôma, vốn tập trung chủ yếu vào giá trị Nước Trời, và thường ít được chú ý!
[7] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống Thánh hiến (1996), 32.
[8] Như trên, 44.
[9] Đức Phanxicô, Tông huấn Đức Kitô sống (2019), 84.