Giới Trẻ, Độc Thoại Nội Tâm!

Mon,25/05/2020
Lượt xem: 3265

Lời mở

Ngày hôm nay là tương lai của ngày hôm qua và là quá khứ của những ngày hôm sau, thời gian cứ xoay và thế giới không ngừng thay đổi. Thế giới chuyển mình từng khắc đã cuốn theo con người vào guồng quay điên cuồng của nó. Nhà văn Shakespear đã rất chí lý khi nói rằng “thời gian không đợi một ai”, con người đang chạy đua với thời gian, chạy đua với cuộc sống đang thay đổi từng ngày trên mọi lĩnh vực. Nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy thay đổi của công nghệ và khoa học, vào một “thế giới phẳng” đang phát triển. Nhiều người không còn ý thức được ý nghĩa thực sự của cuộc sống là gì, nhất là các bạn trẻ. Cũng chính thời đại hôm nay, nhiều bạn trẻ đã đánh mất chính mình trong thế giới ảo, trong một nền “văn hóa sự chết.” Phải chăng đã đến lúc các bạn trẻ cần những thời khắc thinh lặng? Phải chăng đã đến lúc các bạn trẻ cần quên đi thế giới ồn ào náo nhiệt bên ngoài mà trở về với thế giới nội tâm của mình cũng ồn ào không kém? Đi vào thế giới nội tâm của mình để tìm lại khoảng không gian thinh lặng còn sót lại trong con người. Thinh lặng để tìm lại chính mình, thinh lặng để thấu cảm được ý nghĩa thực sự của cuộc sống, thinh lặng để không im lặng trước sự thay đổi của thế giới. Với những tâm tình đó, tôi muốn mời gọi các bạn trẻ nhìn lại lý do tại sao bạn cần những giây phút thinh lặng trong cuộc sống. Đây chỉ là một vài suy tư và ý nghĩ theo hướng chủ quan của cá nhân, chỉ là một khía cạnh nhỏ của cuộc sống để làm nên cuộc đời của bạn. Tôi hy vọng những chia sẻ nhỏ này giúp bạn có một cái nhìn về cuộc sống hiện tại và giúp bạn sống ý nghĩa hơn.

1. Thinh lặng không phải là im lặng

Nhiều bạn trẻ thường nhầm lẫn giữa hai hạn từ là “im lặng” và “thinh lặng.” Bạn cho rằng mình không nói có nghĩa là mình đang thinh lặng, nhưng thật ra có một sự khác biệt giữa thinh lặng và im lặng. Đồng ý với bạn im lặng là không lên tiếng, không gây ồn ào. Im lặng là một không gian yên tĩnh, không tiếng động. Im lặng đó mới chỉ là không gian bên ngoài. Thực vậy, có những bạn trẻ bên ngoài thì im lặng thật sự, nhưng tâm hồn họ chất chứa bao sự xáo trộn ngổn ngang, phiền muộn, sợ hãi, ví dụ như những bạn trẻ rơi vào tự kỷ, trầm cảm. Nhiều bạn trẻ thất tình, xích mích trong chuyện tình cảm, họ thường im lặng, họ không nói nhiều, không chia sẻ, có chăng thì là những dòng “sad status” trên những trang mạng xã hội, nhưng tâm hồn họ đang thực sự đau đớn, đang bị tổn thương, bị dày vò. Có thể ví rằng, im lặng mới chỉ là cái bề ngoài cũng giống như vòng xoáy trên mặt hồ. Nhìn từ trên bờ, vòng xoáy có vẻ yên bình, chỉ thấy những gợn sóng nhẹ nhàng, những vòng tròn đồng tâm rất đẹp nhưng khi thả một vật gì vào đó thì nó nuốt chửng và nhấn chìm xuống đáy hồ.

Thinh lặng không phải như vậy, thinh lặng có ý nói đến chiều sâu trong nội tâm nhiều hơn. Thinh lặng là khoảng lặng của tâm hồn, một sự lắng đọng không bị xao động, không bị chi phối bởi bất cứ thứ gì từ bên ngoài cũng như bên trong. Thinh lặng là lúc nội tâm như đi vào cô tịch. Lúc thinh lặng thật sự là lúc tâm hồn bình yên nhất. Có câu chuyện kể rằng:

Ngày xưa, có một ông vua tổ chức một cuộc thi để tìm ra người nào vẽ được bức tranh yên bình nhất. Nhiều họa sĩ đã tham gia và nộp bài. Nhà vua xem xét tất cả các bức tranh và ông chọn ra hai bức ông thích nhất. Nhưng ông vẫn phải chọn ra một bức tranh đạt giải. Bức tranh thứ nhất vẽ một hồ nước tĩnh lặng đến mức có thể thấy những ngọn núi cao vút xung quanh soi bóng dưới hồ. Bên trên là bầu trời trong xanh, mây trắng. Đó là một bức tranh mà ai nhìn vào cũng phải mê mẩn. Bức tranh thứ hai cũng vẽ cảnh núi, nhưng nó mấp mô và trần trụi. Bên trên là bầu trời u ám, vần vũ như sắp có mưa bão, sấm chớp. Phía dưới một ngọn núi là thác nước đổ xuống ào ào. Nhưng khi nhà vua nhìn kỹ, ông thấy bên cạnh thác nước là một bụi cây nhỏ nằm trong một kẽ đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang làm tổ. Giữa thác nước đang gào thét, chim mẹ nằm yên bình trong tổ. Nhà vua đã chọn bức tranh thứ hai và giải thích: “Bởi vì yên bình không có nghĩa là bạn ở một nơi không có tiếng ồn, không gặp rắc rối, không phải làm việc vất vả. Yên bình là khi sống giữa tất cả những thứ đó, bạn vẫn cảm thấy bình an trong tim. Đó mới là yên bình thực sự.”

Nhưng để có được sự thinh lặng không hề dễ dàng, nội tâm chúng ta không dễ thanh bình, sự khắc khoải không dễ thành cô tịch, và tính khí hướng ngoại tìm sự an ủi không dễ dàng nhường đường cho sự thinh lặng.[1] Im lặng là điều kiện cần để có thể dẫn bạn vào thinh lặng. Sự im lặng rất hữu ích. Nhưng bạn không cần phải có sự im lặng thì mới giúp bạn tìm ra sự thinh lặng. Ngay cả những khi có tiếng ồn, bạn vẫn có thể nhận ra đang có sự tĩnh lặng bên dưới những ồn ào, nhận ra khoảng không gian từ đó tiếng động được phát sinh. Đó chính là không gian bên trong của mỗi người. Thinh lặng có thể giúp bạn nhìn lại bản thân mình, rũ bỏ hết những khó khăn, hiểu lầm, vun bồi lại những quan hệ thân thiết trong đời mình, vượt lên trên những thói quen xưa cũ, những cách hành xử tiêu cực, thay đổi quan hệ của bạn với mọi người và với cuộc đời.

2.   Thinh lặng để nhìn lại

Grorge Aschenbrenner giới thiệu về tác phẩm “Phút Hồi Tâm” của Timothy M. Gallagher như sau: “Sống mà không hồi tâm nhìn lại thì không đáng sống.”[2] Quả vậy, tình cảm đích thực trong tâm hồn luôn chịu tác động bởi xã hội qua các quan hệ hỗ tương trong thế giới. Giữa dòng tác động hỗ tương của các ảnh hưởng này, nhìn lại mình giữ một vai trò hết sức thiết yếu để chúng ta có thể sống một cách văn minh. Sống trong nền “văn hóa sự chết”, người trẻ thiếu khả năng kiểm soát sức mạnh của những xung động bạo lực đang làm xói mòn dần lòng tin cậy giữa con người với nhau. Trở về với tâm hồn là trở về nơi thâm sâu nhất của con người, nơi đó không phải là nơi thú vị và dễ chịu, vì nó giống như một căn nhà bỏ hoang. Khi ta trở về với nội tâm là ta đang đi vào chốn dung thân của những mặc cảm tội lỗi, nỗi xấu hổ, chán nản, buồn đau và thất vọng. Vì khiếp đảm, nên ta cũng không muốn đến nơi đó. Thay vào đó, ta thường tránh né để khỏi đến nơi đó bằng một hình thức đáng sợ - thế giới ảo.    

Sống giữa một xã hội ồn ào, bon chen, dành giật nhau để kiếm sống, các bạn trẻ thường dễ dàng quên đi nguyên nhân tại sao mình hiện hữu? Nhờ đâu mình được hiện hữu? Sống trong thời đại chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa vật chất lên ngôi, các bạn trẻ thường lơ là về đời sống tâm linh, đời sống tinh thần. Các bạn thường quên điều này là sự sống của mình được hình thành là một món quà của Thượng Đế. Thượng Đế, Đấng ban cho bạn sự sống, Đấng đã yêu thương bạn bằng mối tình muôn thuở và đã biết bạn trước khi bạn được hình thành (x. Gr 31,3; 1,5). Sự sống của bạn được hình thành một cách kỳ diệu. Sự sống đó là hoa trái của người nam và người nữ, là tình yêu giữa cha và mẹ bạn, sự sống được hình thành khi hai yếu tố nhỏ li ti là trứng và tinh trùng kết hợp với nhau. Sự sống đã bắt đầu và phát triển một cách âm thầm và kỳ diệu trong lòng người nữ. Sự sống đó huyền diệu đến nỗi Shakespear Hamlet đã thốt lên: “Con người, ôi một công trình tạo dựng tuyệt vời! Thật cao sang với trí tuệ! Vượt trên mọi biên giới với khả năng sáng tạo! Thật là giá trị và xứng đáng biết bao nhiêu!”

Hoàn cảnh của bạn hiện tại có phủ nhận nguồn gốc bạn sinh ra chăng? Có bạn trẻ cho rằng, tôi sinh ra đã không được sống trong một gia đình bình yên, hạnh phúc, cha mẹ tôi đã ly dị, cuộc sống gia đình tôi thật đáng kinh sợ, giống như là địa ngục. Bạn lên án cuộc sống hiện tại của bạn, bạn đổ lỗi cho người sinh ra bạn, bạn than vãn cuộc đời nhưng có bao giờ bạn dừng cuộc sống và nghĩ về những giây phút khi cha mẹ bạn đang hạnh phúc với men say của tình yêu? Bạn là kết quả của tình yêu chứ đâu phải là kết quả của sự ghen tuông, giận hờn hay không chung thủy giữa cha mẹ. Có bạn trẻ nghĩ rằng, mình là kết quả của sự lạm dụng tình dục, “nạn nhân” của một vụ hiếp dâm, bạn bất mãn, tự ti về nguồn gốc của mình được sinh ra. Có bạn mặc cảm vì bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, phải sống nương nhờ người khác. Có bạn trách móc cuộc đời bất công, trách móc người mẹ đã sinh ra mình mà không cho bạn biết ai là cha và biết bao lời than vãn về sự hiện hữu của bạn tương tự như thế. Cũng không thể phủ nhận điều này là có nhiều bạn trẻ sống tốt, tự hào về nguồn gốc của mình, tự hào về gia đình mình, bạn có cha mẹ anh chị em luôn hòa thuận hạnh phúc. Điều đó thật là hạnh phúc cho bạn. Khi bạn biết lo lắng, hiếu thảo với những vị sinh thành, dưỡng dục bạn, bạn là một người tốt. Sách “Huấn ca”, một tác phẩm được viết từ thế kỷ II trước công nguyên đã dạy rằng “ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì trích trữ kho báu” (Hc 3,3). Dù hoàn cảnh bạn lúc này thế nào, bạn hãy dành ít thời gian mỗi ngày, lắng đọng tâm hồn, chìm vào thinh lặng, đi vào tâm hồn để suy tư về nguồn gốc cao cả của mình. Có một Đấng yêu thương bạn, hằng che chở, bảo vệ bạn. Bạn đừng trách móc, nguyền rủa người đã sinh ra bạn, vì nhờ họ bạn được hiện hữu.

Bạn được hiện hữu là một phép mầu, và bạn còn giá trị hơn vì Thượng Đế đã ban cho bạn có một nhân phẩm cao hơn tất cả mọi loài khác trên mặt đất. Trong sách “Khởi nguyên” của đạo Công giáo nói đến việc Thiên Chúa tạo ra con người giống hình ảnh Ngài và ban cho “con người chẳng thua kém thần linh là mấy” (Tv 8,6). Các truyền thuyết của người Hy Lạp cũng cho thấy rằng con người được các thần linh tạo nên. Trong truyền thuyết của người Việt, con người xuất phát từ dòng dõi Rồng-Tiên qua câu chuyện “Con rồng, cháu tiên.” Ngay từ những truyền thuyết đã cho thấy sự cao cả của con người, đều có nguồn gốc từ thần linh. Mỗi người khi được tạo thành đã trở thành độc nhất vô nhị trong thế giới này. Mỗi người khi được thụ thai trong bụng mẹ, đã không còn sống cho người cha hay người mẹ mà bắt đầu một sự sống mới, một nhân vị mới trong thế giới này. John Henry Newman, một triết gia người Anh nói rằng: “Tôi được tạo dựng để thực hiện một điều đặc biệt, để trở nên một người độc đáo.” Nhân phẩm là một món quà cao quý mà con người được nhận từ Thượng Đế. Nó là riêng, là duy nhất và làm nên giá trị cuộc sống của người đó. Vì vậy, không ai có quyền xâm phạm, làm hại nhân phẩm của mình cũng như của người khác. Các bạn được mời gọi thinh lặng để nhìn lại nguồn gốc, nhìn lại giá trị và nhân phẩm của mình. Nhìn lại trong thinh lặng để trở nên người có trách nhiệm với bản thân. Như triết gia Robert Spaemann người Đức đã nói: “Chúng ta không bắt con vật chịu trách nhiệm cho hành vi của chúng. Nhưng con người có thể có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm cho những gì mình làm. Thụ tạo đặc biệt này có phẩm giá. Phẩm giá ấy không phải do những cá thể khác trao cho mỗi người, nhưng là điều mỗi người sở hữu chỉ vì họ thuộc về loài người biết suy tư.”[3] Các bạn mang trên mình phẩm giá cao quý, các bạn là những con người, mà làm người có nghĩa là không bao giờ để cho bản thân mình bị bất cứ ai khác sử dụng như một phương tiện để đạt một mục đích nào đó. Phẩm giá cao quý của bạn không gì có thể đổi chác được. Quý trọng phẩm giá con người là thái độ căn bản, nền tảng của mọi thứ tương quan giữa con người với nhau.

Ấy vậy mà, có nhiều bạn trẻ đánh mất nhân phẩm mình một cách vô trách nhiệm. Có những bạn để cho người khác sử dụng thân xác mình như một đồ chơi tiêu khiển, thỏa mãn nhu cầu của người khác, không chỉ các bạn nữ mà còn cả các bạn nam, bán thân xác mình mua vui cho kẻ khác. Có những bạn trẻ chỉ vì tiền, tiền chỉ là phương tiện giúp ta sống, mà đánh mất lương tri, con người thật của mình, sống trong giả dối, lưu manh, lừa lọc. Có những bạn bán rẻ nhân phẩm của mình vào những trò chơi vô bổ, trụy lạc như rượu chè quá chén, hút chích ma túy, thác loạn. Có những bạn sống theo chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa khoái lạc mà nuông chiều thân xác quá mức. Cũng chính vì vậy, nhiều thanh thiếu nữ rơi vào tình trạng “dính bầu” sau những cơn say ngất khoái lạc của đam mê thể xác, sau những cuộc chơi thác loạn, và hệ quả dẫn đến là giết đi những đứa con đang thành hình trong bụng, không bao giờ có cơ hội chào đời. Những thanh thiếu nữ đó đánh mất nhân phẩm của mình đã đành mà còn giết hại một nhân vị khác đang bắt đầu sự sống, phá thai. Và thậm chí, có những bạn sẽ không bao giờ còn cơ hội làm mẹ, vì phá thai quá nhiều.

Bên cạnh hạ giá nhân phẩm của mình, có những bạn trẻ còn hạ giá hay làm mất nhân phẩm của người khác. Đó là sự xúc phạm đến thanh danh, vu oan, đổ lỗi cho người khác. Đó là những lần bạn dèm pha, ghanh tị mà nói xấu công khai về người khác. Đó là bạn “xử đẹp” người khác trước công chúng, đặc biệt là các bạn học trò nữ, bạo lực học đường vẫn đang là chủ đề hót. Đó là những lần bạn trở thành những “anh hùng bàn phím” trên những trang mạng xã hội, bạn “thét ra” những câu nói làm tổn thương người khác. Có bạn trẻ xâm hại đến mạng sống người khác vì những lý do đơn giản “ghen”, vì một vài lời nói, vì một vài status, vì một cái nhìn không ưa hay chỉ vì một nụ cười không thân thiện.

Giữa một xã hội đầy bất công, giữa một thế giới của nền văn hóa sự chết, giữa một thế giới công nghệ sinh học phát triển, giá trị và phẩm giá con người bị hạ thấp tới mức trở thành vật thí nghiệm. Giữa một thế giới xô bồ, gian dối, lừa lọc, lạm dụng người khác, thế giới xung quanh bạn như một guồng máy quay không nghĩ và bạn bị cuốn vào guồng máy đó, nhân phẩm của bạn bị chà đạp, bị nhấn chìm, bị khinh rẻ. Bạn cần những khoảng thinh lặng để nhìn lại phẩm giá của bạn.  

Bạn đánh mất chính mình khi lời nói và việc làm không đi đối với nhau, bạn không sống thật được với chính mình. Có thể biện hộ cho bạn một nguyên nhân cho lối sống “tâm khẩu bất nhất” được nhìn thấy trong một xã hội, nhất là tại Việt Nam, mà trong đó mọi giá trị đã bị đảo lộn hết. Vì chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Sợ hãi khiến người ta gian dối. Sĩ diện, danh dự khiến ta gian dối.[4] Kinh nghiệm này ai trong chúng ta cũng từng trải qua và quen biết đến. Sợ bị bắt, tra tấn, hù dọa, bị đánh, bị phạt, bị cô lập, bị chê cười, bị liên can đến gia đình khiến ta không sống thật với chính mình. Những tham lam vô độ, những hành vi thủ đoạn hung ác, những suy đồi đạo đức có căn nguyên ở chỗ con người ta đã phải giả dối quá lâu: Từ khi bắt đầu tiếp xúc với xã hội, từ đứa bé mẫu giáo trở đi đã phải bắt đầu biết giả vờ rồi, từ những bài hát, từ những câu chào, rồi sau đó là cách hành xử sau này bắt chước người lớn. Dần dần nó ăn vào căn cốt quá lâu rồi. Chúng ta không còn lấy làm ngạc nhiên, khi sự gian dối trong mọi lãnh vực là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của xã hội chúng ta đang sống. Khi sự giả dối, lừa lọc ngự trị và sẽ thành “chuẩn mực” và quy luật phổ quát của xã hội, khó mà có thể chờ đợi sự thật ở trong một bầu khí sợ hãi như vậy. Nói như vậy, không  có nghĩa là bạn sẽ buông xuôi, đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhưng bạn cần thinh lặng để nhìn lại lối sống của bản thân trong một thế giới đầy gian dối. Bạn đã sống thật hay là sống theo gian dối?

Mỗi người được tạo thành đều có giá trị. Giá trị cuộc sống của bạn là khi bạn có mục đích để phấn đấu, vậy bạn cần nhìn lại mục đích sống của bản thân mình. Cuộc sống con người không phải chỉ là một cuộc chiến đấu thảm hại để tồn tại, nhưng phải là cuộc chiến đấu đi từ cuộc sống đơn thuần, sống qua ngày đến một cuộc sống có ý nghĩa. Cuộc sống có ý nghĩa không gì khác hơn là từ “sung sướng” thân xác phải dẫn tới “hạnh phúc” trong tâm hồn. Để có cuộc sống như thế, bạn cần nhìn lại mục đích sống của bạn là gì? Thượng Đế, Đấng yêu thương bạn từ đời đời muốn bạn được sống hạnh phúc khi cho bạn hiện hữu. Bạn hiện hữu, bạn cần có một lý tưởng để sống, vì nhờ lý tưởng đó sẽ có một tác động trên những chọn lựa mà bạn làm trong cuộc sống. Cũng giống như chiếc thuyền đi trên biển khơi, nếu không có la bàn, không có bánh lái, chiếc thuyền sẽ không biết hướng nào mà đi, cuộc sống con người cũng vậy nếu như không có mục đích để đạt tới, sẽ không biết trôi về đâu. Sống có mục đích là đường dẫn đến bình an, là cách sống đích thực.[5] Đáng thương thay, nhiều bạn trẻ ngày nay không biết quý trọng cuộc sống của mình, đánh mất đi ý nghĩa cuộc sống vì không xác định được mục đích mình sống để làm gì. Có những bạn trẻ sống vất va vất vưởng cho qua ngày đoạn tháng. Đặc biệt vào thời đại của kỹ thuật số, một số đông bạn trẻ đang sống trong thế giới ảo, bạn mất thời gian quá nhiều cho mạng xã hội hơn là đọc sách hay làm việc, dường như bạn chỉ ăn và sống khi không rời xa chiếc smartphone của bạn. Mục đích sống của bạn là gì?  

Các bạn được mời gọi duyệt lại những mối quan hệ của bản thân. Con người trở nên một nhân vị và có ý nghĩa đầy đủ khi sống các mối tương quan như triết gia Karl Jaspers nói: “Chúng ta trở thành những con người thật sự nhờ có thể trò chuyện cùng nhau.” Cũng trong những mối tương quan, con người mới đón nhận được tình yêu. Con người không thể sống thiếu tình yêu, nếu tình yêu không được tỏ bày cho con người, nếu con người không tìm gặp tình yêu, nếu con người không thể cảm nghiệm và tiếp nhận tình yêu, nếu con người không tham dự mật thiết vào tình yêu, thì con người vẫn là một hữu thể không hiểu nổi chính mình.[6] Tình yêu luôn tăng trưởng hướng đến những tầm cao hơn và thanh luyện từ bên trong. Để hiểu được tình yêu, cần thinh lặng, đi vào nội tâm của bản thân bạn để nhìn lại mối quan hệ của bạn với bản thân, với người khác.

Công nghệ phát triển, mạng xã hội phủ sóng toàn cầu, tất tần tật có trên chiếc smartphone nhỏ gọn và có thể nói nó như là “vật bất ly thân” của người trẻ. Bạn trẻ dành thời gian cho gia đình, cho cha mẹ, anh em mình ít hơn. Bạn dành thời gian cho bạn bè nhiều, bạn biện hộ “tôi nhắn tin, tôi gọi điện thường xuyên, tội hẹn hò cà phê thường xuyên với những người bạn khi có thời gian rảnh...” và muôn kiểu lý do biện hộ như vậy. Nhưng bạn thân mến, điều cần thiết giữa các mối tương quan là phải hiểu được tâm lý, cảm xúc, nhu cầu thực sự của người đối diện. Nhưng sự thật, bạn trẻ ngày nay ít nói chuyện trực tiếp với nhau. Có nhiều bạn trẻ hẹn hò, ngồi với nhau cả buổi, thậm chí cả ngày nhưng được bao nhiêu câu nói phát ra từ cửa miệng? Thay vào đó bạn a dua, thi nhau trở thành những “anh hùng bàn phím”, ai cũng muốn có quyền “dân chủ” trên các diễn đàn, ai cũng muốn thể hiện mình hiểu biết một cách sâu sắc và đưa ra những câu triết lý mà không thể hiểu nổi. Những triết lý đó của một số bạn lại là những lưỡi dao đâm sâu vào tâm hồn người khác. Bạn cần một sự thinh lặng, cần tạm dừng tất cả mọi việc để trở về với lòng mình, bạn nhìn lại cách sống của mình đối với người khác như thế nào? Cuộc sống cần những mối tương giao, cần gây dựng những mối tình bằng hữu thực sự, nhờ đó cuộc sống của bạn mới có giá trị như Martin Buber, triết gia người Do Thái, đã nói: “Sống trong tình bằng hữu, mới thật sự là sống.” Đức Phanxicô cũng nói trong “Thông điệp Laudato Si” như sau: “Sự khôn ngoan đích thực là hòa trái của việc xét mình, đối thoại và gặp gỡ phong phú giữa các ngôi vị.” Sự xét mình đó không gì hơn là trở về với nội tâm trong thinh lặng. Trở về với nội tâm để nhìn lại cách mình đối xử với người khác như thế nào, nhất là những người gần gũi với bạn nhất như ông bà, cha mẹ, anh chị em lối xóm, những người “sáng tối tắt đèn có nhau”?

Sự sống là một điều kỳ diệu thì cái chết đối với mỗi người cũng là một huyền nhiệm. Có lẽ bạn cho rằng khi nghĩ về cái chết là một điều tiêu cực? Triết gia vĩ đại Aristotle nói: “mọi vật hướng đích”. Thực vậy, mọi sự trong trời đất này và ngay cả con người đều có một đích để hướng tới và đích hướng tới của con người là cõi vĩnh hằng. Hầu hết mọi tôn giáo đều tin rằng có một sự sống khác sau khi chết, điều đó có nghĩa là tin con người có một phần bất tử là linh hồn. Giáo lý của đạo Công giáo dạy: “Thân xác hay hư nát ngày sau sẽ sống lại và kết hợp với linh hồn nhờ quyền năng và sức mạnh của cuộc phục sinh của Đức Giêsu và sẽ chịu phán xét chung, sẽ được sống trên thiên đàng đời đời với Thiên Chúa hay sẽ chịu trầm luân ở hỏa ngục muôn kiếp tùy thuộc vào cuộc sống hôm nay.”[7] Còn giáo lý nhà Phật dạy: Con người sẽ có kiếp luân hồi, nghĩa là sau khi chết ở đời này thì người đó sẽ đầu thai kiếp khác, và sự đầu thai này lại tùy thuộc vào cuộc sống lúc này. Dù bạn là người thuộc tôn giáo nào, hay bạn là người vô thần, tôi tin rằng bạn vẫn hy vọng có một cuộc sống sau khi bạn chết.

Có một sự thật mà bạn không thể chối, đó là bạn sẽ chết. Quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” sẽ không trừ một ai. Cái chết sẽ đến với bạn cách bất đắc kì tử vì tai nạn hay vì một ai làm hại bạn? Nó sẽ đến với bạn cách êm dịu vì tuổi già, bệnh tật, nhờ an tử, hay một cái chết “lãng xẹt” như khi bạn tự kết thúc sự sống của mình, tự tử? Một hình ảnh cho bạn suy tư về cái chết đó là “nghĩa trang.” Bạn đã có cơ hội đến nghĩa trang hay chưa thì đó cũng sẽ là nơi bạn nằm nghĩ sau khi chết. Quả vậy, nghĩa trang là một hình ảnh đẹp để suy tư về cái chết, nơi đó thể hiện mối liên đới đặc biệt giữa người chết và người sống. Nghĩa trang là nơi nằm nghỉ của mọi người, dù sống trên đời quen biết nhau hay không, dù có là kẻ thù của nhau hay không, thì khi chết cùng nằm chung với nhau trên một mảnh đất. Nơi đó thể hiện tình cảm của người sống dành cho người chết qua những nén nhang ngày tảo mộ. Nguyễn Du đã nêu lên hai ngày lễ, hội của văn hóa rất đặc biệt trong “Truyện Kiều”, đó là: “Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.” Tư rất lâu con người đã suy tư về cái chết, cách đây bốn ngàn năm, tác giả sách “Giảng viên” cũng đã viết về sự sống và cái chết: “một thời để chào đời, một thời để lìa thế” (Gv 3,2). Cuộc sống con người như “hoa sớm nở chiều tàn.” Tác giả sách “Thánh vịnh” cũng đã cất lên: “tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng thì được tám mươi” (Tv 90,10). Bạn đang sống có nghĩa bạn sẽ chết:

“Mạng người dù giá cao mấy nữa,

thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời.

Nào phàm nhân sống mãi được sao

mà chẳng phải đến ngày tận số ?

Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,

kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,

bỏ lại tài sản mình cho người khác.

Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,

nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,

nơi họ ở muôn đời muôn kiếp” (Tv 49,9-12).

Nhưng bạn sẽ sống và sẽ chết như thế nào cho ý nghĩa? Một cõi riêng tư trong lòng, một nơi không tiếng ồn của cuộc sống bon chen, không tiếng làm phiền của mọi sự, thay vào đó là một sự thinh lặng trong tâm hồn và chỉ trong thinh lặng bạn mới lắng đọng để suy nghĩ về cái chết sẽ đến với bạn. Quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” là một quá trình của đời người. Đời người được hình thành từ những giây phút cuộc sống hiện tại của bạn, và bạn xây dựng cuộc đời bạn như thế nào?

3.  Thinh lặng để thấu cảm

Có lẽ chưa thời đại nào nhiều bạn trẻ lại dửng dưng, vô cảm một cách đáng sợ như trong thời đại công nghệ, “thế giới phẳng 4.0” như hôm nay. Nguyên nhân dẫn đến sự vô cảm này xuất phát từ cuộc khủng hoảng sâu xa trong chính con người, đó là thái độ chối bỏ tính ưu việt của con người, dẫn đến tình trạng thiếu quan tâm thật sự đến con người. Bạn trẻ thu hẹp mối quan tâm của mình đến người khác vào chỉ quan tâm bản thân mình, và nhu cầu độc nhất bạn hướng đến là: hưởng thụ. Một nền văn hóa “tương thân tương ái, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, hay môi hở răng lạnh” đã dần trở thành dĩ vãng đối với nhiều bạn trẻ. Trong khi bạn đang vui, bạn đang hưởng thụ những thành quả do bạn làm ra hay người khác cho bạn, thì có những mảnh đời bất hạnh đang lên tiếng kêu cứu. Elie Wiesel, người từng đạt giải Nobel Hòa Bình, đã nói về sự dửng dưng như sau: “Phản nghĩa của yêu thương không phải là thù ghét mà là dửng dưng. Ngược lại với đức tin không phải là kiêu ngạo nhưng là dửng dưng. Ngược lại với hy vọng không phải là tuyệt vọng nhưng là dửng dưng. Sự dửng dưng không phải là khởi đầu của một quá trình, nó là kết thúc của một quá trính.” Bạn cần một sự thinh lặng, bạn cần trở về với nội tâm để cảm thấu được với những tiếng kêu than đó.

Thinh lặng để cảm được tiếng kêu của tha nhân. Bạn đang sống trong các mối tương quan với người xung quanh. Hằng ngày, bạn tiếp xúc với biết bao người, có thể trực tiếp, có thể từ các thông tin, hình ảnh qua truyền thông, mỗi mảnh đời đều có những nỗi bất hạnh riêng và đều để lại thông điệp mời gọi bạn thấu cảm. Tiếng kêu cứu bạn có thể nghe đầu tiên là của những thai nhi, của những em bé chưa mở mắt chào đời đã không bao giờ có cơ hội để chào đời. Những sinh linh bé bỏng chưa biết cuộc đời là gì, chưa biết thế giới là thế nào, không có khả năng để tự vệ thì đã bị người khác cướp mất đi sự sống. Quả thực, sự sống của một con người bắt đầu từ thời điểm trứng thụ tinh. Sự sống ấy không thuộc về cha hay mẹ, mà là của chính đứa trẻ, một người mới với sự phát triển riêng của nó.[8] Do đó, từ giây phút thụ thai, sự sống phải được bảo vệ. Chính vì vậy, phá thai hay là giết trẻ sơ sinh là xúc phạm đến một con người, một phẩm giá, một nhân vị và là tội ác tồi tệ khôn xiết. Hằng ngày, vẫn có biết bao sinh linh bé bỏng bị đẩy ra khỏi thế giới, tiếng kêu của các sinh linh ấy vẫn không ngừng vang lên. Bạn được mời gọi để thấu cảm với tiêng kêu cứu ấy.

Tiếng kêu cứu của những mảnh đời bất hạnh, những “thiên thần mới sinh” bị bỏ rơi, những trẻ em khuyết tật đang nhờ sự chăm sóc của người khác, những bạn trẻ sống cơ nhở, không nơi nương tựa, sống cuộc sống ở gầm cầu, khu nhà ổ chuột hay cuộc sống “màn trời, chiếu đất”. Hằng ngày, bạn nghe, bạn thấy, bạn đọc những lời than thở như “tôi bị xã hội loại bỏ, tôi như một người chỉ có cái xác không hồn; tôi chỉ là một tên nô lệ, tôi chỉ là một người làm công...” và điệp từ than thở ấy là một chuỗi dài vô tận của biết bao nhiêu mảnh đời không thể kể ra hết. Ai sẽ thấu cảm những tiếng than thở đó? Bạn có dành thời gian dừng cuộc sống của bạn lại để nghe họ tâm sự chăng? Nghe thôi chưa đủ, bạn phải thấu cảm được hoàn cảnh, nổi lòng của họ, bạn phải trở nên một người “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).

Bạn có bao giờ dừng cuộc sống của bạn để cảm nhận được tiếng kêu của thiên nhiên. Cũng chưa có thời đại nào mà môi trường thiên nhiên, ngôi nhà chung của chúng ta đang rên siết quằn quại vì chúng ta đang tiêm nhiễm vào đó những mối nguy qua cách sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng như thời đại hôm nay.[9] Vì lợi ích kinh tế, con người không ngừng phá hủy các khu rừng nguyên sinh, giết hại các sinh mạng của động vật, đẩy nhiều loài vô nguy cơ tuyệt chủng. Vì sự phát triển một nền công nghiệp hiện đại, môi trường không khí, sông ngòi hay biển cả ngày càng ô nhiễm, gây ra nhiều sự biến đổi và dẫn đến nhiều thiên tai con người không thể kiểm soát. Bạn được mời gọi để lắng nghe những tiếng kêu thảm thiết của thiên nhiên, của trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta đang dần đến hồi kết, nếu nó không được khắc phục. Thay vì giúp thiên nhiên phát triển hài hòa, con người đã hành hạ và bức tử thiên nhiên. Tiếng kêu đó đã được cô giáo Trần Thị Lam, giáo viên trường chuyên Hà Tĩnh gói gọn trong những vần thơ đầy bức xúc:

“...Đất nước mình buồn quá phải không anh

Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc

Rừng đã hết và biển thì đang chết

Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…”[10]

Còn chúng ta, bạn và tôi đang chứng kiến môi trường đang chết đi từng ngày, đang bị bóc lột, khai thác và tàn phá một cách vô tội vạ, vô trách nhiệm. Tôi có một tâm tình như cô giáo Lam chăng?

4. Thinh lặng để không im lặng

Sau khi bạn nhìn lại nguồn gốc, nhìn lại nhân phẩm, giá trị của mình, của người khác. Sau khi bạn thấu cảm được với con người và vạn vật, tôi mời gọi các bạn thực hiện một bước mới: Thinh lặng để không im lặng. Thách thức trước mắt là phục hồi nhân phẩm của bạn, tiếp đến là bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, đó là thế giới ta đang sống, cần phải quy tụ nhân loại để cùng tìm kiếm một hướng phát triển trọn vẹn và bền vững, vì chúng ta biết mọi thứ có thể thay đổi. Chỉ có sự hoán cải tâm hồn mới có thể làm cho thế giới đầy khủng bố và bạo lực của chúng ta trở nên nhân bản hơn.[11] Và sự hoán cải này cũng đồng nghĩa cần có sự nhẫn nại, công bằng, khôn ngoan, đối thoại, liêm chính, liên đới với các nạn nhân là những người túng thiếu và nghèo khổ nhất, cần có sự cống hiến vô hạn, dám yêu cho đến chết vì tha nhân (x. Ga 15,13). Để có được sự hoán cải đó, trước hết cần trở về với thinh lặng, trở về với tâm hồn mình. Nhờ sự im lặng đó, bạn có thể vạch ra cho bản thân những hướng đi, những chương trình, những kế hoạch để phát triển bản thân, để lên tiếng giúp đỡ tha nhân, để lên tiếng bảo vệ công lý và hòa bình.

Bạn được mời gọi sống cùng, sống vì và sống cho người khác, bạn được mời gọi xây dựng tình yêu đối với tha nhân. Sống cùng người khác nghĩa là dù bạn sang hay hèn, giàu hay nghèo, dù bạn là người lành lặn hay người khuyết tật, bạn được mời gọi đi vào cuộc sống liên đới với người khác. Bạn không những sống cùng mà còn phải sống vì người khác. Bạn vui là vì người khác vui, bạn buồn là vì người khác buồn, bạn chia sẻ cuộc sống, tâm tư, tình cảm với người khác. Và trên hết phải là sống cho người khác, bạn cần sự can đảm, cần nhiều hy sinh để chấp nhận những gì khiếm khuyết nơi người khác, để tha thứ những sai lỗi nơi người khác. Tình yêu đòi hỏi một sự hy sinh: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1Cr 13,4-8). Mọi thứ rồi cũng sẽ qua đi, ngay cả trời đất này cũng sẽ qua đi như ông Côhêlét đã nói “phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2), duy tình yêu vẫn trường tồn mãi mãi.

Bạn thinh lặng để không im lặng trước bất công, để lên tiếng bảo vệ chân lý. Dan Assan, một nhà hoạt động vì nhân quyền tại Tel Aviv nói: “Thiếu tự do, thì chẳng có hòa bình; thiếu công lý, thì chẳng có tự do; thiếu tình yêu, thì chẳng có công lý.” Đất nước Việt Nam đã công bố nền độc lập từ năm 1945, với khẩu hiệu “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” nhưng thử hỏi cho đến nay, mọi người đã được độc lập, được tự do và hạnh phúc? Nền công lý ở đất nước mình đã thực sự vì con người, một nền “dân chủ” hay vẫn là chế độ độc tài mang cái mác của “chủ nghĩa xã hội”? Người dân Việt ưa trọng cái tình hơn cái lý “một thùng cái lý, không bằng một tý cái tình”, nhưng thử hỏi công bằng và tình thương ở đâu, khi bọn quan tham vẫn ngày ngày móc túi của nhân dân? Chế độ cộng sản gọi “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, nhưng thử hỏi tại Việt Nam, ai là cán bộ ai là đầy tớ, phải chăng đi ngược lại với khẩu hiệu trên? Có chế độ đất nước nào người cầm quyền lại điều hàng ngàn quân về đàn áp người dân trong đêm? Thật là một lời tuyên ngôn “chắc như đinh đóng cột”, có ý nghĩa với người dân đất nước mình, nếu lời kêu gọi của Hồ Chí Minh được áp dụng một cách triệt để tại đất nước Việt: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước..., nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và bè lũ cướp nước.” Bạn được mời gọi thinh lặng để suy nghĩ về công lý, hòa bình, sự thật tại nước Việt mình và tôi hy vọng bạn sẽ không im lặng trước những bất công đó.

Thinh lặng để ra tay giúp đỡ tha nhân. Mẹ Têrêsa Calcutta, một người phụ nữ đã đạt giải Nobel về Hòa Bình năm 1979, người mà được cả thế giới ngưỡng mộ, tâm phục về lòng thương xót và chăm sóc người khác đã nói: “Tình yêu phải bắt đầu ngay hôm nay. Hôm nay ai đó đang đau khổ; hôm nay ai đó đang vất vưởng trên phố; hôm nay ai đó đang đói khát.  Công việc của chúng ta là cho ngày hôm nay, vì hôm qua đã qua rồi, và ngày mai lại chưa đến.” Bạn được mời gọi thinh lặng để nhìn lại nơi mình cũng như nơi người khác có một phẩm giá cao quý của con người. Nhờ vậy, bạn mới có thời gian để vạch ra những chương trình, những kế hoạch để sống mối tương thân tương ái với người đồng loại. Bạn thinh lặng để nhìn, để nghe, để thấu cảm những tiếng kêu van giúp đỡ từ những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, nhờ đó bạn lên tiếng kêu gọi mọi người ủng hộ tinh thần, vật chất để những mảnh đời đó có một điều kiện tốt hơn, sống một cuộc sống xứng với nhân phẩm con người. Cuộc sống không bất công với ai bao giờ, bạn giúp người hôm nay, hôm sau sẽ được người giúp lại. Có nhiều bạn trẻ sợ hãi khi phải giúp đỡ người khác, sợ mình “làm ơn mắc oán”, nhưng ông Gioan, môn đệ của Đức Giêsu sống cách chúng ta hơn hai ngàn năm đã nhắc nhở: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1 Ga 4,18). Bạn giúp đỡ người khác cũng không phải chỉ là nơi đầu môi chót lưỡi, mà phải bằng những việc làm cụ thể và làm một cách chân thật. Đức Giêsu cũng dạy: “Điều gì các con muốn người khác làm cho mình, thì các con hãy làm cho người ta như vậy” (Mt 7,12).

Bạn không im lặng trước một nền “văn hóa sự chết”, một nền văn hóa xem sự sống con người nhiều khi không bằng con vật, đặc biệt trên đất nước Việt chúng ta. Thêm vào đó, bạn cần tìm cách để xây dựng một nền văn minh tình thương và sự sống, đó có thể làm chương trình bảo vệ sự sống, bảo vệ các thai nhi chưa kịp chào đời. Một lần nữa, tôi lại nhấn mạnh đến sự sống và nhân phẩm con người, nhất là đối với những sinh linh chưa chào đời và những em bé không đủ khả năng tự vệ, chăm lo cho bản thân. Việt Nam được biết đến là một trong những nước có tỉ lệ phá thai hàng đầu thế giới. Nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành nước có tỉ lệ phá thai cao có lẽ cũng vì chữ “sĩ diện”, vì danh dự của bản thân và gia đình, dòng họ, khi mỗi bạn thanh thiếu nữ lầm lỡ, họ rơi vào khủng hoảng và không cách nào khác giải quyết tốt hơn là không để thai nhi chào đời. Những người thiếu nữ lầm lỡ, trót dại lại chịu một sức ép khủng khiếp từ dư luận của xóm làng, nhất là tâm thức của người dân quê “ăn cơm trước kẻng” là không thể chấp nhận. Bạn thinh lặng để tìm giải pháp, rồi lên tiếng khuyên can những người mẹ trẻ giữ lấy con mình, khuyến khích những người liên quan yêu mến sự sống. Bạn cần lên tiếng với những dư luận trái chiều nhắm đến những “bà bầu nhí” đáng thương, những bà mẹ trẻ khi phải chịu áp lực từ gia đình, xã hội mà giết hại con mình. Ngoài ra, bạn cần lên tiếng trước nạn bạo hành trẻ em, những thiên thần vô tội bị cha mẹ hay các bảo mẫu hành hạ. Những đứa trẻ này khi bị bạo hành không chỉ tổn thương thể lý mà còn cả tâm lý về sau. Bạn thinh lặng để nhìn lại những phương tiện hằng ngày bạn dùng đã đúng mục đích? Bạn đã sử dụng nó như những phương tiện phục vụ ích lợi cho cuộc sống hay là dùng nó để làm hại, để hạ thanh danh, hạ nhân phẩm của người khác vì sự ích kỷ, lòng tham của bản thân?

Ngoài trách nhiệm liên đới với con người, bạn còn đảm nhận một trách nhiệm với môi trường thiên nhiên. Chúng ta không được phép xem thiên nhiên như một kẻ thù cần khống chế và đánh bại, nhưng cần phải học lại cách hợp tác với thiên nhiên. Một câu chuyện trong sách “Khởi nguyên” của đạo Công giáo về sự sáng tạo trời đất rất hay, từ ban đầu Thiên Chúa đã sáng tạo nên trời đất muôn vật, Người cũng sáng tạo ra con người và cho làm chủ mọi loài Người đã dựng nên (x. St 1,1-30). Vì thế, con người có một mối liên hệ tương hỗ với mọi loài trong trời đất. Con người được sử dụng thiên nhiên để phục vụ cuộc sống mình, nhưng sử dụng trong tinh thần trách nhiệm, không chỉ là những kẻ hưởng thụ mà còn phải là những người quản lý chúng. Bạn không im lặng trước những hành vi của nạn phá rừng, giết hại các loài động vật, gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Bạn cần lên tiếng để kêu gọi bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên không chỉ cho bản thân mà còn cho thế hệ mai sau. Chúng ta hèn nhát khi môi trường ô nhiễm mà không dám lên tiếng. Sự hèn nhát, sợ hãi, sự dửng dưng, vô cảm của chúng ta đã phản bội thiên nhiên, phản bội môi trường sống. Tôi thinh lặng để cảm nhận cái đau của thiên nhiên, tình trạng “bệnh” của thiên nhiên sẽ tác hại lên bản thân tôi, lên sức khỏe của tôi, tôi cần phải có những kế hoạch cụ thể để “chữa lành” nó. Tôi phải làm gì? Tôi có sử dụng lãng phí các tài nguyên thiên nhiên? Tôi có thiếu ý thức bảo vệ môi trường?

5.  Tôi sống thinh lặng, tạm kết

Thế giới xoay, mọi sự không ngừng thay đổi, thì bạn cần trở về sống đúng với nhân phẩm của mình. Hằng ngày, bạn được mời gọi trở về nội tâm của chính bạn để duyệt xét lại ngày sống, bạn xét lại những thay đổi của tâm hồn, xét lại những hướng đi, những hành vi của bạn. Những hành vi của bạn có làm cho nhân phẩm, nhân vị của bạn cũng như người khác bị đánh mất, bị hạ giá?  Bạn được mời gọi sống chậm lại, nói ít hơn, lắng nghe nhiều hơn và quan sát kỹ hơn. Bạn được mời gọi yêu mến các giá trị đẹp đẽ trong tâm hồn hơn là những cái hào nhoáng, xinh đẹp, nhưng không bao giờ là mãi mãi ở bên ngoài như thân xác, địa vị, danh lợi, của cải. Bạn được mời gọi hưởng các giá trị của thiên nhiên mang lại như tiếng hót của chim ngàn, tiếng suối của rừng núi. Bạn được mời gọi chiêm ngưỡng những tuyệt tác của thiên nhiên. Khi thiên nhiên được chữa lành, được các bạn sử dụng một cách có trách nhiệm, thì nó là một người bạn luôn mang đến những giây phút bình an cho tâm hồn. Các bạn trẻ không được an bài để ngã lòng, nhưng ước mơ những điều lớn lao, tìm kiếm những chân trời xa rộng, hướng lên cao hơn, gánh vác thế giới này, đón nhận những thách đố và cống hiến nhiều nhất có thể để xây dựng một cái gì đó tốt đẹp hơn. Bạn trẻ đừng để mình bị tước mất niềm hy vọng, đừng để ai xem thường tuổi trẻ của bạn. Bạn đừng tiếc cống hiến tuổi thanh xuân cho những điều tốt đẹp và cao thượng, qua đó bạn kiến tạo một tương lai đầy sức sống và sự phong phú tâm hồn.[12]

 

Ước mong qua một vài chia sẻ nhỏ phía trên, bạn có thời gian nhìn lại chính bạn để giữa một thế giới luôn chuyển động, thay đổi bạn vẫn giữ cho tâm mình được an bình như giáo sư tâm lý Trần Thị Giồng nói: “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.”


                                                                                                                                                  Phanxicô Assisi - K.16  

Trích từ Tập san Đức Tin và Văn Hóa, số 14    


[1] Ronald Rolheiser (Nguyễn Thái Hòa dịch), Chiều sâu của thinh lặng, Nxb. 2017, 8.

[2] Timothy M. Gallagher (Giang Trung Kiên dịch), Phút Hồi Tâm, 2014, 11.

[3] Robert Spaemann, triết gia người Đức, trong cuộc phóng vấn trên đài phát thanh ngày 14 tháng 9 năm 2007.

[4] Nguyễn Đức Vinh, Tâm lý mục vụ trong bối cảnh Việt, một phác họa 2019.

[5] Rick Warren (Minh Anh dịch), Sống có định hướng, 2006, 46.

[6] Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, số 10.

[7] GLHTCG, số 997.

[8] Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae, số 60.

[9] Phanxicô, Laudato Si, 2015, số 2.

[10] Cô giáo Trần Thị Lam, Bài thơ Đất nước mình ngộ quá phải không anh? 2016.

[11] Phanxicô, Laudato Si, số 13.

[12] Phanxicô, Vivit Christus, số 17.

 

Nguồn tin: