Khi Nào Mới Gọi Một Người Là Thánh? Phải Chăng Mọi Người Được Vào Thiên Đàng Đều Là Thánh?

Fri,08/05/2020
Lượt xem: 2374

Thỉnh thoảng người ta hỏi nhau: các Thánh là ai? Nhiều người nói: ai được vào Thiên Đàng thì đều là thánh. Có lý. Nhưng thực tế Giáo Hội lại có một tiến trình phong thánh phức tạp rồi mới tuyên bố ai đó là "Thánh". Nếu vậy thì Thánh là vô số người chưa xác định được hay chỉ là một số người mà Đức Giáo Hoàng phong thánh thôi?

 

Vấn đề chính xác đang được bàn ở đây là ý nghĩa của từ "Thánh" khi áp dụng cho con người. Có thể nói, theo cách nhìn trong Giáo Hội và Kinh Thánh, một cách tổng quát, từ Thánh được gán cho một trong ba nhóm sau, tuỳ theo hoàn cảnh sử dụng: (1) tất cả mọi tín hữu Kitô đều là thánh; (2) tất cả các người được vào Thiên Đàng là thánh; (3) những ai được Giáo Hội tôn phong hiển thánh thì là thánh.

 

I. Theo quan điểm đầu tiên, các sách Tân Ước gọi tất cả những người tin theo đạo Chúa Giêsu là "thánh". Quả vậy, khi đề cập đến những người đã tin theo đạo mới của Chúa Giêsu, sách Công Vụ Tông Đồ gọi họ là "các thánh" (Cv 9,13.32), không phân biệt còn sống hay đã qua đời. Các thư của Thánh Phaolô cũng vậy (Rm 1,7; 1Cr 6,1). Bản Kinh Thánh Công Giáo tiếng Việt thường dịch là "dân thánh" hay "dân Chúa", nhưng trong bản gốc tiếng Latinh, các từ này là "sanctis" - tương đương tiếng Anh là "saints" nghĩa là "các thánh".

 

Thật vậy, chính vì thuộc về Hội Thánh là thân mình của Chúa Kitô, Đấng Thánh vô cùng, mà mọi Kitô hữu đều là thánh tự bản chất (GLHTCG 823). Khi được chịu phép Rửa, linh hồn chúng ta lập tức được tẩy sạch tội tổ tông, đón nhận tràn đầy ơn huệ Chúa Thánh Thần và kết hợp vào thân thể của Chúa Giêsu Kitô, thì liền trở nên thánh thiện về bản chất. Tuy nhiên, vì vẫn mang bản tính con người có thể phạm tội, người Kitô hữu vẫn phải không ngừng thanh luyện chính mình bằng sự sám hối liên lỉ và các việc lành, thì mới đạt đến được cùng đích tình trạng "thánh" đã được dành cho mình từ đầu.

 

II. Theo quan điểm thứ hai, Giáo Lý Công Giáo nói rằng tất cả những ai đã chết trong ơn nghĩa Chúa và đã được thanh luyện trọn vẹn thì đạt đến tình trạng thánh viên mãn và chung cuộc, sẽ được vào Thiên Đàng sống mãi với Thiên Chúa Ba Ngôi, trở nên giống Thiên Chúa và đồng hiển trị với Người đến đời đời (GLHTCG 1023-1029). Thiên Đàng là cùng đích tối hậu của cả cuộc đời con người, là mục đích của phép Rửa Tội, là hoa trái của ơn cứu độ và là lý do của mọi nỗ lực sống đức tin. Ở đó, các phúc nhân hoàn toàn là thánh - nghĩa là tốt lành và thiêng liêng - vì được sống với Thiên Chúa và nhìn thấy mặt Người diện đối diện, không có gì ngăn cản, và được thưởng công đến vô cùng vô tận vì mọi điều lành mình đã làm.

 

III. Và theo quan điểm cuối cùng, "Thánh" là danh hiệu Giáo Hội dành cho một số tín hữu được công nhận đã thực sự sống cuộc đời nhân đức và trung thành với ân sủng Chúa cách anh hùng, đến mức trở thành gương mẫu xứng đáng cho mọi tín hữu noi theo, và hiện tại chắc chắn đã ở trên Thiên Đàng, có sức chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho người ở thế gian (GLHTCG 828). Với nghĩa này, chỉ những người đã qua quá trình điều tra cẩn thận và thể hiện mình đang ở bên toà Chúa bằng dấu hiệu phép lạ được chứng thực thì mới được gọi là "thánh".

 

Đó là 3 quan điểm về từ "thánh" trong Giáo Hội. Với quan điểm thứ nhất, có từ lâu đời nhất, thì cả tôi và bạn hay bất cứ ai trong Hội Thánh Công Giáo, đang sống hay đã qua đời, cũng đều là thánh; với cách nhìn thứ hai, ông bà, cha mẹ đã qua đời của chúng ta hay bất cứ người đã khuất nào trong Giáo Hội cũng có thể đang là thánh, mặc dù thánh theo nghĩa này thì không kiểm chứng được; cách hiểu cuối cũng là hẹp và bảo đảm nhất, với các thủ tục và bằng chứng chắc chắn, thánh chỉ là những ai được Giáo Hội tôn phong mà thôi. Gộp cả ba lại thì có thể nói: Ai cũng là Thánh, ai vào Thiên Đàng rồi là Thánh đã viên mãn, ai được tôn phong thì là Hiển Thánh.

 

Như vậy, "thánh" theo nhãn quan thứ nhất và thứ hai là tình trạng do Thiên Chúa ban, còn "thánh" theo cách nhìn thứ ba là do Giáo Hội quyết định.

 

Ngày nay, theo cách sử dụng chính thức và tuân thủ giáo luật, thì từ "Thánh" được áp dụng theo quan điểm thứ ba như kể trên. Nghĩa là, mặc dù một người có thể sống rất thánh thiện và ai cũng tin là đã lên Thiên Đàng, thì chỉ khi Giáo Hội chính thức tuyên phong Hiển Thánh, người đó mới được gọi công khai là "Thánh". Còn ai chưa được phong, thì không gọi là "Thánh" được, ít nhất là trong phụng vụ. Thật vậy, theo quy luật hiện tại, ngay cả khi đã công nhận một người thật sự sống đời thánh thiện anh hùng, Giáo Hội cũng chỉ gọi người đó là "Đấng Đáng Kính"; khi đã nhìn nhận một vị Đáng Kính thực sự ở Thiên Đàng và có năng lực chuyển cầu bên Chúa thông qua một phép lạ được kiểm chứng, Giáo Hội cũng chỉ mới gọi là "Chân Phước" tức "Á Thánh". Đến bậc "Thánh" còn cần một phép lạ nữa.

 

Vì vậy, dù ngày nay cộng đồng tín hữu Việt Nam nói chung đều tin Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã ở trên Thiên Đàng sau một đời sống thánh thiện, thì cũng chưa ai được phép gọi ngài là "Thánh"; dù cha Phanxicô Trương Bửu Diệp có được tin là đã ở bên toà Chúa để chuyển cầu cơ man ơn lành cho dưới đất, ngài vẫn cần chờ một thời gian dài quá trình điều tra của Giáo Hội để được gọi là "Thánh".

 

Gioakim Nguyễn

 

Nguồn tin: Conggiao.info