Trong đời sống thiêng liêng của những người sống đời thánh hiến, Đức Maria là khuôn mẫu đầu tiên trình bày cho chúng ta như là mẫu gương đặc biệt của cầu nguyện.[1] Mẹ giúp chúng ta thấu hiểu tốt hơn ý nghĩa sâu xa của cầu nguyện, và Mẹ đòi chúng ta một cách cương quyết trong con đường kết hợp sâu xa với Đức Kitô. Bởi vậy, Đức Maria được coi như người thầy của cầu nguyện, nhất là trong thinh lặng nội tâm, chiêm niệm Chúa Giêsu với cái nhìn của đức tin. Đức Maria là Mẹ và mẫu gương hoàn hảo trong tất cả các khía cạnh nền tảng của đời sống thánh hiến: Trong chiêm niệm (tương quan cá nhân với Thiên Chúa), trong việc tìm kiếm sự hoàn thiện (nhân đức, hồng ân, khổ hạnh và kết hợp với mầu nhiệm với Đức Kitô), trong việc đi theo Tin Mừng (tuyên khấn các lời khuyên Tin Mừng), trong đời sống huynh đệ (như là biểu hiện đặc thù của đời sống hiệp thông Giáo Hội) và trong sự sẵn lòng truyền giáo.[2]
Một trong những phương thế tỏ lòng tôn kính Mẹ của người tu sĩ đó là cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Theo thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, chính là khởi đi từ kinh nghiệm của Đức Maria, được coi như lời cầu nguyện ưu tiên để chiêm ngắm khuôn mặt Đức Giêsu, cảm nghiệm tình yêu của Người.[3] Trong tông thư Kinh Mân Côi –Rosarium Virginis, ngài trình bày cho chúng ta năm chiều kích tạo nên đặc tính chiêm niệm:[4] cùng với Đức Maria tưởng nhớ Đức Kitô, học biết Đức Kitô từ Đức Maria, nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, cùng với Đức Maria khẩn cầu Đức Kitô, cùng với Đức Maria loan báo Đức Kitô. Thật vậy, lần hạt Mân Côi là chiêm niệm với Đức Maria khuôn mặt Đức Kitô, nghĩa là “dìm mình trong chiêm niệm mầu nhiệm của Đấng là sự bình an của chúng ta”.[5]
Đức Maria, người phụ nữ diễm phúc, đã chiêm ngắm Thiên Chúa qua chính Đức Kitô. Mẹ đã đón nhận người con ấy khi tự do cất lên “này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38). Kể từ khi đó, Mẹ đã bắt đầu chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa trên cuộc đời của Mẹ cũng như cuộc đời Đức Giêsu Con Mẹ. Đức Maria không khoa trương, khoe khoang khi biết Thiên Chúa sẽ có những dự phóng của Người trên Mẹ. Mẹ đã “suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19) để rồi hiệp thông vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Từ khi cất tiếng xin vâng, Mẹ đã kết hợp vào những đau khổ mà Mẹ phải đối mặt, cũng như con của Mẹ phải trải qua sau này. Mẹ đã chiêm ngắm từng bước chân của con từ lúc sinh ra cho tới khi chịu chết trên thập giá. Tột đỉnh của cuộc lữ hành trần gian trong đức tin là đồi Canvê, nơi đó Đức Maria sống một cách thâm sâu mầu nhiệm Vượt qua của Con mình. Vì thế, công đồng Vatican II khi nói diễn tả về Mẹ đã dùng hình ảnh “người nữ tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin” (LG số 58). Trong thông điệp “Thân mẫu Đấng Cứu Chuộc-Redemproris Mater” thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nói “Đức Trinh Nữ Maria đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin và Mẹ đã trung thành kết hợp với Người Con cho đến chân thập giá”.[6] Đức Maria đã làm cho mình được hiện diện thật sự trong mầu nhiệm của Đức Kitô chính vì Mẹ đã tin.
Với chuỗi Kinh Mân Côi, người tu sĩ cùng Mẹ chiêm ngắm những mầu nhiệm trong biến cố Đức Giêsu. Thứ nhất thì ngắm, thứ hai thì ngắm…Ngắm ở đây không chỉ đứng nhìn, đứng xem và chứng kiến những gì đang xảy ra. Ngắm còn là sự suy đi, nghĩ lại như Đức Maria đã chiêm ngắm những gì xảy ra nơi Con của Mẹ. Trước mỗi chục hạt, chúng ta cất lên một mầu nhiệm tóm tắt để cùng suy chiêm mầu nhiệm ấy. Không chỉ đọc nơi môi miệng, chúng ta còn suy đi nghĩ lại trong lòng, dành hết tâm trí để chiêm ngắm biến cố đang xảy ra nơi Đức Giêsu. Cùng với Mẹ, chúng ta cảm nếm biến cố ấy với trọn trái tim.
Lời chào “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng bà” mở đầu cho cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Đức Maria qua sứ thần. Biến cố truyền tin ấy, hẳn là một cuộc phân định rất khó khăn đối với Mẹ. Cuộc đối thoại rõ ràng và cũng dứt khoát. Mở đầu là lời chào của sứ thần và kết thúc là lời đáp của Đức Maria. Những câu hỏi và câu trả lời trong biến cố truyền tin ấy là mô mẫu cho sự phân định của người tu sĩ trong thế giới hôm nay. Chỉ khi ở trong ơn sủng của Thiên Chúa, chúng ta mới phân định được rõ ràng, mới nhận ra được chương trình của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Người tu sĩ đến với Chúa cũng như Đức Maria xưa đã đón nhận thánh ý Chúa. Lời chào “đầy ân sủng” của thiên thần đối với Đức Maria cũng giúp người tu sĩ ý thức về ân sủng của Thiên Chúa dành cho mình. Nhờ bước trong ân sủng, đức tin của người tu sĩ lớn dần lên trong hành trình bước chân của Đức Kitô tới chân thập giá như Đức Maria cũng đã hiện diện trong từng bước chân của con Mẹ lên đồi Canvê. Biến cố Đức Giêsu chết trên thập giá là đêm tối đức tin lớn nhất với Đức Maria, đức tin của Mẹ được thử thách như Ápraham xưa. Người tu sĩ cũng sẽ phải trải qua những đêm tối đức tin như vậy, nhưng với Mẹ, người tu sĩ sẽ vững lòng tin.
Khi ngắm những mầu nhiệm trong chuỗi Mân Côi, người tu sĩ đi lại hành trình đức tin của Đức Maria. Ngay từ lúc sứ thần truyền tin, Mẹ đã không đòi chứng cớ như Tôma sau này “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”( Ga 20, 25 ). Nhưng với Mẹ, chỉ một lời sứ thần nói “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1,35), Mẹ đã đáp lên “xin vâng”. Niềm tin ấy còn rõ ràng hơn trong tiệc cưới Cana, khi Đức Maria đã bảo các gia nhân “Người bảo gì các anh hãy làm như vậy” (Ga 2,5). Có thể nói, phép lạ đầu tiên này là do lòng tin của Mẹ cầu xin Chúa Giêsu cho con người. Và tột đỉnh của niềm tin khi Mẹ đứng dưới chân thập giá trên đồi Canvê. Mẹ chiêm ngắm một Thiên Chúa toàn năng mà phải chịu treo nhục nhã trên thập giá. Mẹ đã phải trải qua đêm tối của đức tin.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa trời, cầu cho chúng con… Lời kinh được cất lên như một niềm phó thác vào Đức Mẹ. Người tu sĩ đặt trọn con người, tâm hồn vào tay Đức Mẹ. Mẹ luôn cầu xin Chúa Giêsu để giúp chúng ta trong những cơn nguy khốn và thử thách ghê gớm. Đức tin làm cho người tu sĩ trong sáng và luôn mới mẻ khi ở giữa trăm ngàn thử thách và nghịch cảnh trong đời sống cộng đoàn, đời sống huynh đệ. Người tu sĩ cũng sẽ trải qua những giai đoạn đen tối và thử thách của đức tin, nhưng nhìn vào Mẹ như là sao mai dẫn đường, người tu sĩ vững bước đi về phía trước.
Tóm lại, với chuỗi Kinh Mân Côi, người tu sĩ nhìn vào Đức Maria như là mẫu gương, là mẹ và là thầy dẫn dắt người tu sĩ đến với Chúa. Đức Maria là mẫu gương với sự dâng hiến hoàn toàn cho Chúa, lòng trung thành của Mẹ với ơn gọi đã lãnh nhận. Người tu sĩ sống mối tương quan con thảo với Mẹ và xây dựng lòng trung thành với ơn gọi đã lãnh nhận. Noi gương Mẹ, mỗi người tu sĩ có thể trở thành như người môn đệ thực thụ để sẵn sàng đáp lới “xin vâng” với Thiên Chúa. Nhờ đó, người tu sĩ biết sử dụng nội tâm để nhìn Thiên Chúa trong tất cả mọi sự và trong tất cả những hành trình mà họ đi qua, trog đâu khổ đời thường và trong tình yêu cho tới khi chết. Người tu sĩ phó thác hoàn toàn cho Đức Maria và đón nhận “sự hiện diện tác động và mẫu tử của Mẹ với niềm vui”.[7] Sống trog sự hiệp thông đời sống noi theo mẫu gương của Mẹ, nghĩa là để cho Đức Maria như người Mẹ đi vào “trong tất cả không gian đời sống nội tâm của mình”[8] để dấn thân phục vụ và trao ban niềm vui Tin Mừng cho mọi người như Mẹ đã làm.
Phanxico Assisi
ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê