Trở nên người công chính

Sun,03/10/2021
Lượt xem: 2201

 “TRỞ NÊN NGƯỜI CÔNG CHÍNH”

(Bài phát biểu khai giảng năm học 2021-2022)

Quý Cha Giáo và Anh em Chủng sinh thân mến,

Trong buổi họp đầu tiên của năm học mới, tôi xin gợi mở một tầm nhìn mang tính định hướng cho công cuộc đào tạo linh mục nói chung và việc đào tri thức nói riêng ở Chủng viện, giúp cả nhà đào tạo lẫn người thụ huấn thực hiện tốt châm ngôn mà năm nay chúng ta chọn làm ý lực sống: “Hãy cố gắng trở nên người công chính (1 Tm 6,11) qua việc thực hiện những nguyên tắc sau đây:

1) Huấn luyện là hướng tới sự siêu việt và tuyệt đối. Đây là năng động kép: Một đàng, Thiên Chúa đến với ta và tự thông ban chính mình cho ta. Đàng khác, mỗi người được phú bẩm khả năng tự siêu việt để hướng về Người. Nói theo ngôn ngữ của Rahner, đó là sự hiện sinh siêu nhiên (supernatural existential). Theo đó, huấn luyện là hướng tới Thiên Chúa. Huấn luyện là giúp ứng sinh trở thành “người của Thiên Chúa.” Ratio của HĐGMVN nói đến việc đào tạo ứng sinh trở thành “con người của Mầu nhiệm.” Nghĩa là người có kinh nghiệm sống động, hiểu biết đầy đủ, yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và hiến thân cho Người. Việc nghiên cứu triết – thần dẫn ta tới Thiên Chúa. Xét ở góc độ này, “người của Thiên Chúa,” “người của mầu nhiệm” và “người công chính” là đồng nhất, cùng một ý nghĩa, người sống chiều kích dọc của mình cách trọn vẹn nhất.

2) Huấn luyện cũng là giúp thụ huấn sinh biết yêu mến Hội Thánh và phục vụ người khác. Ơn gọi linh mục ở trong Hội Thánh và cho người khác, chứ không phải cho mình. Nên việc huấn luyện đích thực là giúp ứng sinh biết yêu mến Hội Thánh và có khả năng phục vụ tha nhân, trở thành “người của Hội Thánh.” Thế nên, “cố gắng trở nên công chính” cũng có nghĩa là “cố gắng trở nên người của Giáo Thánh, con người hiệp thông.” Đó là người sống chiều kích ngang một cách đủ đầy nhất: một người tử tế, biết tôn trọng kẻ khác, biết đối thoại, biết cộng tác và có tâm hồn tông đồ. Người nắm vững giáo huấn của Hội Thánh để thi hành sứ vụ theo suy nghĩ, cảm thức và tinh thần Hội Thánh (Sentire cum Ecclesia).

3) Huấn luyện là hướng tới giá trị hơn là cấm đoán. Mục tiêu huấn luyện là giúp ứng sinh biến đổi. Nếu không biến đổi là không có kết quả. Mà con người chỉ thực sự biến đổi nhờ sống và nội tâm hoá các giá trị. Đó là lý do tại sao Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng: “Đừng huấn luyện theo kiểu cảnh sát!” Chúng ta chỉ có thể trở nên người công chính khi sống các giá trị Tin Mừng. Nếu không sống các giá trị sẽ không có giá trị bản thân.

4) Huấn luyện bao gồm mọi phạm vi, không chỉ ở phạm vi chính thức (formal) mà cả phạm vi không chính thức (informal). Nghĩa là không chỉ huấn luyện trong môi trường nghiêm túc, như ở lớp học, nhà thờ, nhưng ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực, như thể thao, âm nhạc, hoạt động văn hóa, lao động chân tay, nơi sân cỏ, tại bàn ăn, ngoài đường, khi giao tiếp, đi dã ngoại, khi nghỉ hè… tất cả đều được nhìn như là phương tiện và cơ hội để đào tạo. Cố gắng trở nên người công chính là cố gắng sống tốt mọi phạm vi này.

5) Huấn luyện phải theo nguyên tắc bao gồm (inclusive) và loại bỏ não trạng loại trừ (exclusive). Nghĩa là lối tiếp cận huấn luyện một con người bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai; bao gồm những khả năng, tiềm năng và cả những yếu đuối, giới hạn cũng như những tổn thương của thụ huấn. Nguyên tắc này có thể áp dụng cho nhiều lãnh vực như nghiên cứu, mục vụ, tổ chức và lượng giá... Nó mở ra cho ta nhiều cơ hội. Còn lối loại trừ thì ngày nay đã lỗi thời và không nên áp dụng trong giáo dục. Trở nên người công chính là sống nguyên tắc bao gồm này.

6) Huấn luyện là dám can đảm đi từ vùng an toàn tới vùng rủi ro, cần mạo hiểm để đi sâu hơn, đi xa hơn tới vùng mới lạ trong con người và cả chân trời tri thức. Nghĩa là không chỉ dừng lại ở khu vực an toàn, nhưng phải thám hiểu vào vùng rủi ro. Đức Giáo hoàng Phanxicô có trực giác rất hay: “Người ta không thể giáo dục ở vùng an toàn. Không! Điều này ngăn chặn nhân cách phát triển. Cần phải đi vào vùng rủi ro. Hãy giữ sự quân bình giữa các bước đó thật tốt.”[1] Hầu hết chúng ta chỉ thích dừng lại ở vùng an toàn, thoả mãn với những gì đã có, bề ngoài, nên ít biến đổi và tiến bộ thực sự. Huấn luyện là dám mạo hiểm đặt chân đến những vùng ẩn khuất, nơi chứa dựng những bất nhất và những vấn đề dấu mặt để được uốn nắn, biến đổi từ cốt tuỷ bên trong. Trở nên người công chính là người được biến đổi từ bản chất.

7) Cuối cùng, viễn tượng tiếp cận, thái độ và tinh thần huấn luyện:

Mục tiêu huấn luyện linh mục là đào tạo các ứng sinh trưởng thành toàn vẹn về các phương diện nhân bản, tu đức, tri thức và mục vụ. Vì thế, chúng ta không được xem nhẹ một phương diện nào và cần tránh lối huấn luyện duy tu đức, duy tri thức, hay duy hoạt động.

Các ứng sinh linh mục phải được đào tạo để có kiến thức toàn vẹn về mọi lĩnh vực liên quan đến đời sống và sứ vụ linh mục, nên lối tiếp cận của ta phải mang tính liên nghành (interdisciplinary) và đa diện (plurality), thì mới phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Các Chủng sinh được mời gọi theo sát chương trình đào tạo, học tốt tất cả các môn, không bỏ bê hay coi nhẹ một môn nào.

Trong năm nay, Anh em được mời gọi vượt thắng tâm thức học cho qua chuyện, hay đối phó, nhưng luyện tập tinh thần không ngừng học hỏi, nghiên cứu sâu rộng hơn, với tinh thần khoa học và sáng tạo, để tạo nên sự mới mẻ và độc đáo cho từng công việc của mình. Đừng để mình lạc hậu về tư duy và tầm nhìn! Đó là sự lạc hậu nguy hiểm nhất. Do đó, tôi ước mong anh em phát huy việc tự nghiên cứu, siêng năng đọc sách, biết ghi chép, biết quản trị thời gian, sử dụng nhiều hơn thư viện...

“Trở nên người công chính” là mặc lấy nếp sống thinh lặng, khiêm tốn, lắng nghe, đối thoại và suy tư. Tránh lãng phí thời gian trong những chuyện vô bổ, không cần thiết, nhưng biết tận dụng mọi thời gian và điều kiện Chúa ban để chuẩn bị tốt nhất ơn gọi và sứ vụ linh mục của mình.

Nhờ gương mẫu và lời bầu cử của thánh Giuse, người công chính, xin kính chúc quý Cha giáo và tất cả Anh em được dồi dào ơn Chúa Thánh Thần và gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp trong năm học mới.

Đại Chủng Viện ngày 25/9/2021

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương

Giám học



[1] ĐGH. Phanxicô, Discorso agli studenti delle scuole Gesuiti in Italia e Albania, 7 tháng 6 năm 2013.

Nguồn tin: