Gm. Phêrô Huỳnh Văn Hai
Thật khó khi phải viết về những vấn đề thuộc về con người, vì con người là một huyền nhiệm, đặc biệt là viết về sự trưởng thành của con người. Đề tài sự trưởng thành đã được rất nhiều tác giả triển khai. Trong bài này, tôi chỉ phân tích và chia sẻ về đề tài này qua các đề mục sau: Sự trưởng thành là gì? Sự trưởng thành nhân bản nhắc chúng ta điều gì? Làm sao để đạt sự trưởng thành? Những chiều kích khác nhau của sự trưởng thành.
I. SỰ TRƯỞNG THÀNH
Trưởng thành là gì? Theo các từ điển Petit Larousse, Le Robert, trưởng thành là trạng thái của trái cây chín mùi, giai đoạn cuộc đời giữa tuổi trẻ và tuổi già. Nghĩa bóng: trạng thái của con người hay đồ vật đạt tới sự phát triển trọn vẹn…; đứng tuổi, tuổi tiếp theo của tuổi trẻ, lúc mà con người đạt được sự tròn đầy về phương diện thể lý và tri thức.
1. Trưởng thành nhân bản
Có thể nói, sự trưởng thành nhân bản là sự nối kết cơ bản giữa nhân cách hiện có của chúng ta với nhân cách tương lai mà chúng ta dự định trở thành. Thí dụ, hôm nay, chúng ta là sinh viên, là một nông dân, nhưng trong những năm tháng sắp tới chúng ta sẽ trở thành một nhà giáo, một thương nhân. Đây là một sự trở thành, một sự trở thành chín mùi, trọn vẹn. Điểm cốt yếu và thuyết phục nhất về sự trưởng thành là trách nhiệm và sự trung thành khi người trưởng thành thực hiện một cam kết và sống bổn phận của mình. Bản thân dấn thân vào một công việc nghiêm túc, kiên trì thực hành đến nơi đến chốn một công việc đã được khởi sự có tính toán, nhận ra và sửa chữa những sai lầm tai hại cho bản thân và cho cộng đồng. Một người chăm chỉ thực hành nhiều đức tính tốt thì trưởng thành nhanh chóng.
Dĩ nhiên, ai trong chúng ta cũng biết là muốn có sự trưởng thành thì cần phải có thời gian, nghĩa là sự trưởng thành không đến sau một ngày hay sau một đêm, giống như chúng ta muốn trình diễn một bản nhạc, muốn đọc một bài diễn văn, chúng ta phải chuẩn bị một thời gian dài. Thiên Chúa khi tạo dựng loài người, Ngài đã xếp đặt hài hòa các khả năng, các đức tính khác nhau và mỗi khả năng, mỗi đức tính có vị trí của chúng, nhưng do tội nguyên tổ, con người qua nhiều thời đại sống trong xã hội đã làm đảo lộn mọi thứ, cho nên, để khôi phục trật tự đó đòi hỏi một nỗ lực thực sự. Sự trưởng thành nhân bản là sự xếp lại trật tự và sự hài hòa của các đức tính bên trong này.
2. Đức tính của người trưởng thành
Trưởng thành là phẩm chất của một người biểu thị sự hoàn hảo nhân bản cao cả. Nhưng, những thói quen hay đức tính nào đáng chú ý hơn khi trưởng thành? Trong sự hoàn hảo của con người, tất cả các đức tính đều quan trọng và không nên thiếu.
- Thay vì để cảm xúc chi phối nhận thức và hành động của mình, người trưởng thành để cho đức tin và lý trí của mình trở thành những người hướng dẫn sự hiểu biết về cuộc sống và sự kiện xảy ra xung quanh và trên thế giới. Người trưởng thành giáo dục lương tâm của mình bằng cách đọc và suy nghĩ kỹ lưỡng Tin Mừng của Chúa, Giáo huấn của Giáo hội về cái tại sao có quy luật đạo đức và luân lý. Người trưởng thành cố gắng nhìn thấy sự thật trước mắt và một cách rõ ràng, không nhượng bộ trước những phán đoán liều lĩnh dựa trên cái bên ngoài giả tạo. Người trưởng thành biết cách kiềm chế chính mình và không phải là nô lệ cho ý thích, tính khí thất thường hoặc thành kiến của mình.
- Thay vì hành động cách ngẫu nhiên, tình cảm hoặc ích kỷ, người trưởng thành suy nghĩ, thận trọng đưa ra những lựa chọn hợp lý và thông thạo khéo léo. Ý chí của người đó được tình yêu, lý trí và đức tin chiếu sáng, hướng dẫn người đó đi tìm điều thiện thực sự, trong mọi nơi và mọi lúc. Vì vậy, sẽ không dễ bị lừa bởi sự thiện giả tạo. Người trưởng thành sống theo những nguyên tắc và niềm xác tín mà anh ta đã tự do chấp nhận.
- Bởi vì tâm trí và ý chí của người trưởng thành thì ngay thẳng và tập trung vào những gì là đúng và tốt, nên anh ta hưởng được sự bình an nội tâm. Sự bình an có thể được nhìn thấy trên khuôn mặt của người đó, vì trạng thái bên trong của con người thường được phản ánh qua ánh mắt và qua những biểu hiện thông thường trên khuôn mặt.
- Sự bình an nội tâm và tính thẳng thắn cương trực, làm cho người trưởng thành có mối quan hệ tốt với những người khác. Người trưởng thành không bị ảnh hưởng bởi sự bất an và hành động của họ không bị thúc đẩy bởi nhu cầu phải chứng minh điều gì đó đối với người khác (“Ta đây”). Rất khiêm nhường, người trưởng thành hoàn toàn không tự cho mình là trung tâm. Sự cởi mở cơ bản này với người khác cho phép người trưởng thành có thể lắng nghe và hiểu nhu cầu của người khác, và sẵn sàng đề nghị giúp đỡ người khác khi cần thiết.
- Sự bình an nội tâm làm cho người trưởng thành trở nên một người vững vàng, thanh thản trong nhân cách, và trong những gì họ muốn thực hiện. Tương tự như vậy, người trưởng thành khiêm tốn, sẵn sàng học hỏi và thích nghi với hoàn cảnh sống mới, không cứng nhắc khăng khăng với ý tưởng hoặc thói quen của riêng mình, nhưng mềm dẻo hơn, có thể đáp ứng tốt với những thách thức mới. Và khi một người trưởng thành hoàn toàn mở ra dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thì người đó sẽ đi đến sự thánh thiện.
3. Trưởng thành và tuổi tác
a. Sự trưởng thành có phụ thuộc vào tuổi tác không? Có một phần, bởi vì những người quá trẻ tuổi không có đủ thời gian để củng cố những thói quen hay đức tính tốt của sự trưởng thành. Tuy nhiên, yếu tố quyết định nhất không phải là tuổi tác mà là nỗ lực liên tục của cá nhân ở bất kỳ tuổi nào để có một cuộc sống mẫu mực.
b. Trưởng thành có thể ở trẻ em không? Chúng ta có thể nói có một sự trưởng thành nơi trẻ em, khi đứa trẻ thực hiện các đức tính trưởng thành theo cách phù hợp với lứa tuổi của chúng. Ví dụ, một đứa trẻ như sau: thích chơi đùa, nhưng lại chu toàn trách nhiệm được giao phó cách nghiêm chỉnh ; thích giúp đỡ và phục vụ người khác, mặc dù đóng góp của đứa trẻ đó có hạn, không là bao nhiêu.
c. Người lớn vẫn luôn trưởng thành? Những người lớn tuổi đã đạt đến sự trưởng thành về thể chất và sinh học là điều không ai chối cãi; nhưng sự trưởng thành này vẫn còn thiếu sự trưởng thành nhân bản. Có những người lớn chưa đạt được sự trưởng thành nhân bản, bởi vì họ sống cách vô trách nhiệm, ích kỷ, liều lĩnh, thiếu sự tỉnh táo và hời hợt, v.v., và trong những trường hợp này, chúng ta thể nói rằng họ chưa có sự hoàn hảo phù hợp với sự trưởng thành nhân bản. Họ, người lớn tuổi nhưng hành động theo cách trẻ con.
d. Điều gì về sự trưởng thành ở tuổi thiếu niên? Rõ ràng, trên thực tế có sự trưởng thành nơi đứa trẻ, thì cũng có sự trưởng thành ở tuổi thiếu niên. Và ngược lại, nếu có những người lớn tuổi chưa trưởng thành, thì cũng có như thế đối những thanh thiếu niên. Nói chung, sẽ có sự trưởng thành ở tuổi thiếu niên khi người trẻ tuổi rèn luyện những đức tính phù hợp với sự trưởng thành của độ tuổi của mình: chăm chỉ và có trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, phục vụ và quan tâm đến việc giúp đỡ người khác, kiên định trong nỗ lực của mình, lắng nghe và đánh giá cao lời khuyên của bề trên, của những người tốt trưởng thành.
e. Sự chưa trưởng thành ở tuổi thiếu niên?
Ngược lại, sự chưa trưởng thành nơi tuổi thiếu niên, khi chúng còn quá trẻ nhưng lại đòi hỏi những quyền thuộc về người lớn tuổi. Đó là các thiếu niên sống và hành động thiếu sự tôn trọng đối với bề trên: cha mẹ và thầy cô giáo…, họ sống tự hào, cảm thấy mình như người lớn và sống độc lập, họ không cần bề trên ; các thiếu niên chưa trưởng thành khi mong muốn vui chơi quá mức, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành bổn phận của chính mình.
II. PHƯƠNG PHÁP ĐẠT TỚI SỰ TRƯỞNG THÀNH
1. Phương pháp thủ đắc sự hoàn hảo nhân bản này
Muốn đạt được sự hoàn hảo nhân bản thì chúng ta phải luyện tập, bằng cách lặp đi lặp lại các việc tốt, việc thiện, các truyền thống tốt. Với sự lặp lại này, chúng ta có được những thói quen tốt về những đức tính nhân bản. Những thói quen tốt này giúp chúng ta hành động cách dễ dàng và tự nhiên với độ chính xác về những sự hoàn hảo nhân bản. Lúc đó chúng ta là người trưởng thành. Ngoài ra còn một phương pháp thực hành ba động từ để đạt được sự trưởng thành: xem – xét – làm.
2. Ba động từ thực hiện để đạt sự trưởng thành nhân bản
Có ai trong chúng ta thích nghe, thích bị phê bình là người chưa trưởng thành, thiếu trưởng thành không? “Thiếu trưởng thành” là những lời chỉ trích giết chết tinh thần con người, một loại vũ khí thâm hiểm thường được “chế tạo” bởi người lớn tuổi: giáo viên, phụ huynh, linh hoạt viên, ông chủ. “Thiếu trưởng thành”, “Bạn thiếu trưởng thành!” quật ngã bạn hoặc khóa miệng bạn lại, mọi sự hoàn toàn sụp đổ.
Tôi chưa trưởng thành bởi vì tôi để bản thân bị cảm xúc chế ngự, lúc nào tôi cũng gặp thất bại, tôi cảm thấy khó khăn khi tham gia, làm việc với anh em trong cộng đoàn, làm sao tôi có thể vượt qua sự chưa trưởng thành này ?
Ba động từ có thể giúp tôi tiến bộ trong lĩnh vực trưởng thành: xem - xét - làm. Sống cách trưởng thành là biết phương thế kết hợp ba hành vi này, giống như chúng ta hít vào và thở ra. Và việc kết hợp này có thể áp dụng cho tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta: giải trí, tình yêu, lựa chọn, định hướng, công việc, sáng kiến ...
a- Xem: Nhìn những sự việc xung quanh
Bắt đầu bằng việc nhìn thấy. Thấy điều gì? Thấy những nhu cầu, những ưu điểm và khuyết điểm, thấy những tình huống của tôi và của người khác. Thấy giống như lời Chúa Giêsu giảng dạy: “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc..”” (Lc 14, 28-30)
Tôi có làm một buổi tiệc thết đãi khách nhân ngày lên chức Giám đốc công ty. Tôi phải xem số lượng khách mời đó cần bao nhiêu bàn ngồi, ăn những thức ăn nào, mỗi loại thức ăn cần bao nhiêu cân thịt, bao nhiêu cân cá v.v... Điều đó có nghĩa là tôi phải nhìn, mở mắt và tai của tôi.
Điều tốt nhất và cũng thật sự cần thiết là chú ý không chỉ với bản thân mà còn với những người khác. Tôi là một huynh trưởng thiếu nhi, nhân dịp nghỉ hè, cha xứ tổ chức đi Vũng Tàu tắm biển. Thế là tôi phải trông coi các em thiếu nhi suốt buổi tắm biển, không để một em nào bị tai nạn, không để một em nào bị bắt nạt bởi một anh chị em khác. Nhìn thấy là như thế.
Nhìn thấy, nó cũng có thể khá đơn giản là tìm kiếm thông tin. Trước khi đi Vũng Tàu, tôi liên lạc với cha mẹ các em thiếu nhi, tôi nhìn bản đồ, thuê xe, thuê chỗ ăn, chỗ nghỉ cho các em thiếu nhi. Ngoài ra, tôi còn phải hiểu biết về vị trí địa lý, sơ lược lịch sử và những danh lam thắng cảnh Vũng Tàu để có thể tận dụng một ngày tốt đẹp đi thăm viếng, mở mang kiến thức cho các em thiếu nhi giáo xứ của tôi.
Để đạt được sự trưởng thành trong cách nhìn: Nếu bạn là những người mơ mộng siêu thực, cứ suy nghĩ những chuyện trên trời cuối cùng bị té xuống giếng giống trường hợp của Thalès trong tác phẩm Théétète (173c-174b) của Platon, nếu bạn có chút cá nhân tính, hơi ngại ngùng thậm chí là nhút nhát, thì cố gắng mở mắt ra, mở tâm trí ra để xem thực tế và chú ý hơn đến những gì đang xảy ra xung quanh bạn: không đóng kín.
b- Xét: Phán đoán để phân tích
Kế đến là giai đoạn phán đoán tình huống hoặc sự kiện đã xảy ra mà chúng ta thấy được, chứng kiến tận mắt, hoặc nghe được qua người khác hoặc qua báo đài. Hãy cẩn thận, đây không phải là vấn đề chúng ta có ngay lập tức một ý kiến, hay một phán đoán kiên quyết không bàn thảo được nữa, mà là phân tích bằng cách để thời gian suy nghĩ chín chắn. Phải phân tích ưu và khuyết điểm của công việc mình sẽ làm. Ví dụ: các bạn trẻ nhà nông, thấy cái lợi trước mắt, đi nuôi tôm, nuôi cua kiếm được một ít tiền, nhưng không thể kéo dài được vì nuôi tôm cua đôi khi cũng thất bại. Nên bạn trẻ đó phải suy nghĩ lại và tiếp tục việc học để sau này có tương lai hơn.
Dành thời gian để suy nghĩ thường là phải dành ra một thời gian ngắn, tránh những quyết định vội vàng gây ra sai lầm. Đồng thời cũng nên xin lời khuyên của những người có khả năng, của bề trên, của những hiền giả trong giáo xứ. Trong việc tìm hiểu ơn gọi sống độc thân và sống đời đôi bạn, có nhiều bạn trẻ nam và nữ, sau khi cá nhân đã cầu nguyện, đã suy nghĩ và đã vào những năm làm tập sinh, cũng hỏi ý kiến của cha xứ, của cha mẹ và ông bà nội ngoại, của những người đi trước, xin những lời khuyên để hiểu biết, phân định những hoàn cảnh khác nhau…và sau đó quyết định chọn con đường mình cảm thấy thích hợp và tiến bước.
Như thế, sự hiểu biết và phân định là rất quan trọng, và không chỉ trong lĩnh vực công việc, trong tình bạn, trong tình yêu, nhưng trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
Để đạt được sự trưởng thành trong phán đoán: Việc phán đoán đều xảy ra, có mặt nơi những người bốc đồng, tình cảm hay nơi những người thận trọng sống bằng lý trí và đức tin. Nhưng để đạt được sự trưởng thành trong lĩnh vực này, chúng ta hãy tập thói quen suy nghĩ nhiều hơn trước bất kỳ quyết định hay hành động nào, đặc biệt nếu chúng ta dễ bị cảm xúc hoặc đam mê chế ngự chúng ta. Thà đi chậm mà chắc, như lời của triết gia Descartes trong tác phẩm Phương Pháp Luận phần II (1637) nói: “Nhưng, như một người đi một mình và trong bóng tối, tôi quyết định đi rất chậm và thận trọng hết sức có thể trong tất cả mọi tình huống, bởi vì, dù tôi chỉ đi tới rất ít, nhưng tôi sẽ gìn giữ tôi, ít nhất là, khỏi bị té ngã”.
c- Làm: Hành động từng bước một
Chúng ta đã xác định hai động từ nhìn thấy và phán đoán, một khi chúng ta đã tìm thấy một câu trả lời thích hợp thì chúng ta đưa nó vào thực hành. Phải thực hành để thấy được kết quả. Một ngôi nhà cần phải được xây dựng, chớ không nằm trong đồ án mãi!
Sau cùng là hành động. Hành động sau khi nhìn thấy, suy nghĩ và lựa chọn. Đây là phương pháp được sử dụng bởi tất cả mọi người được gọi là khôn khéo: các chiến lược gia, các nhà lãnh đạo, các giáo viên, giáo sư, các giáo sĩ và tu sĩ. Hành động là con đường làm chúng ta đạt được mục đích mà chúng ta xây dựng trong tâm trí và ý chí.
Anh muốn vào trường Đại Học Sorbonne bên Pháp, hay anh muốn vào Đại Học Oxford bên Anh để sau này anh trở thành người hữu ích cho bản thân và cho cộng đồng của anh, thì bắt buộc anh phải bỏ thời gian để học tiếng Pháp, tiếng Anh. Và phải đi học ngay, chớ không chần chừ lưỡng lự.
Nếu chúng ta chuẩn bị tốt cho hành động, thì cách chung, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu ấn định. Hành động đó mở ra những cánh cửa cho những trải nghiệm mới, chúng còn dẫn chúng ta đến những quyết định khác, những việc làm khác nữa. Chớ thì thành công không phải là ở cuối con đường hay sao ? Xin nhắc lại một lần nữa: chúng ta phải nhìn thấy, phán đoán và hành động để làm lại cuộc đời.
Để đạt được sự trưởng thành trong hành động: Đừng để đến ngày mai mới thực hiện những gì mà bạn đã quyết định làm sau khi đã nghĩ kỹ về nó. Theo ý này, chúng ta có thể tham chiếu phúc âm thánh Matthêu 6, 34: “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”. Nếu bạn thiếu ý chí, thiếu sức mạnh tinh thần…, thì hãy đặt ra cho mình những mục tiêu hành động nhỏ và từng bước thực hiện mục tiêu, từ mục tiêu nhỏ đến mục tiêu lớn và thực hiện đến cùng, chớ không dừng lại nửa chừng và cho rằng việc đó tạm được rồi, hoặc có ý niệm: “cứ từ từ…” ! Tùy khả năng, sau khi đã hoàn thành một mục tiêu đề ra, hãy thư giãn một chút như là hình thức của một phần thưởng cho mình.
Cho nên hãy yên tâm: con người chúng ta không được sinh ra là trưởng thành ngay, nhưng chúng ta dần dần trở nên trưởng thành bằng cách nhìn, đánh giá và hành động trong thời gian tốt nhất.
3. Làm thế nào để có được những đức tính này cách dễ dàng hơn?
Ngoài những phương pháp trên, chúng ta không thể nào quên rằng chúng ta nên xét mình hằng ngày, cần có những người tốt đồng hành hướng dẫn, và đặc biệt là cầu nguyện để có được sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, mọi nỗ lực cá nhân là cần thiết, nhưng sống với Thiên Chúa và với những người tốt thì làm cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn.
4. Trưởng thành, đó có phải là điều tương tự như sự thánh thiện không?
Thông thường, trưởng thành chỉ được hiểu là sự hoàn hảo về phương diện tự nhiên của con người, trong khi sự thánh thiện tương đương với sự trưởng thành nhân bản và siêu nhiên. Sự thánh thiện là sự hoàn hảo trong các nhân đức của con người và thuộc về siêu nhiên. Sống theo những gì Chúa Giêsu dạy, đi theo và bắt chước Ngài, bởi vì Ngài vừa là Thiên Chúa hoàn hảo vừa là con người hoàn hảo.
III. NHỮNG CHIỀU KÍCH CỦA SỰ TRƯỞNG THÀNH
1. Trưởng thành xã hội
Trưởng thành xã hội có thể được định nghĩa bởi những thay đổi của trạng thái sống. Một người sẽ ít nhiều trưởng thành về mặt xã hội tùy theo việc anh ta thích ứng ít nhiều ở trong một xã hội thay đổi: thay đổi môi trường sống. Người đó có thể rời khỏi gia đình, trường học, người đó đã có thể kết hôn và sinh con, thay đổi khu phố và bước vào cuộc sống nghề nghiệp mới với sự tự tin. Mặc dù có sự thay đổi môi trường sống, nhưng người trưởng thành về mặt xã hội có một nhận thức toàn bộ về xã hội để có thể thấy vị trí của mình trong đó: Mình có sự trưởng thành một phần nào đó, hay toàn phần của xã hội; mình có vai trò gì trong một xã hội mới mà mình hội nhập?
a. Hội nhập và nhận thức
Sống trong xã hội, thì không ai là một hòn đảo, vì thế mọi người cần phải hòa đồng với nhau, sống với nhau, chia sẻ với nhau. Sống như thế tạo ra sự trưởng thành ở chiều kích xã hội. Từ thái độ sống này, khái niệm hội nhập xuất hiện, hoàn thiện sự trưởng thành, và như thế mới có thể thiết lập một giai đoạn trưởng thành mới. Về vấn đề hội nhập, chúng ta có thể xem thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô: “Nhưng mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho. … Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô…. Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi dạt theo mọi chiều gió đạo lý, .. Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4, 7-16).
Hội nhập trong con người. Con người gồm hồn và xác. Các chi thể khác nhau trong thân xác phải hòa hợp cùng nhau “Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Giả như chân có nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: “Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không có thể bảo tay: “Tao không cần đến mày”; đầu cũng không thể bảo hai chân: “Tao không cần chúng mày.”” (1 Cor 12, 14-21). Cao hơn một chút, lý trí, ý chí, tình cảm và đời sống siêu nhiên của người phải tương tác lẫn nhau… Quá trình hội nhập là một quá trình của sự thống nhất. Tất cả các phần của con người gồm hồn và xác này phải hội nhập để trở thành con người đúng nghĩa, một con người trưởng thành.
Chính từ trong trạng thái này mà việc hội nhập với người khác và việc nhận thức được điều gì đó mà trước đây chúng ta không biết luôn là sự ngạc nhiên đối với con người chúng ta.
b. Sự đánh giá cao mối quan hệ với người khác
Sự nhận thức có thể sai hoặc có thể đúng với thực tế tùy thuộc vào mức độ cảm tính chủ quan mà chúng ta đã sống. Thường thì chúng ta luôn có tính chủ quan khi xem xét, phân tích một sự việc, bởi vì chúng ta bị ảnh hưởng bởi tình cảm. Những người trưởng thành trong chiều kích xã hội dùng mọi nỗ lực, cần cầu nguyện, để nhìn một sự việc và đặc biệt là nhìn người khác với phẩm chất khách quan của nó. Đây là điều kiện để có mối quan hệ tốt với người khác, để hội nhập với người khác sống trong cùng một cộng đồng xứ đạo, trong Giáo hội và trong xã hội.
Với tư cách là người trưởng thành, hội nhập xã hội còn bao gồm việc thích nghi với thế giới xung quanh như nó vốn có, và thúc đẩy chúng ta có một cái nhìn, phán đoán và hành động một cách khôn ngoan, ngoài ra còn phải tuân thủ các chuẩn mực kinh tế xã hội, các chuẩn mực văn hóa của thế giới trưởng thành. Theo lương tri, các chuẩn mực này đã được chấp nhận và trở thành như khung tham chiếu chung cho một lý thuyết trưởng thành. Dĩ nhiên, khung tham chiếu này cần phải mang tính khách quan và cởi mở tránh dựng lên lý thuyết hẹp hòi mang tính dân tộc chủ nghĩa, giai cấp…..
2. Trưởng thành trong tình yêu
a. Trưởng thành trong tình yêu là thế nào?
Dĩ nhiên là có nhiều định nghĩa về tình yêu, nhưng ở đây, chúng ta giới hạn trong đề mục của chúng ta. Yêu là mong muốn điều tốt cho người khác. Tình yêu vợ chồng cũng thế: người chồng muốn điều tốt cho người vợ và ngược lại. Chúng ta yêu một người khi chúng ta muốn điều tốt, điều lành đến với cho họ. Cha mẹ yêu thương con cái, thì muốn cho con cái mình thành công, không cha mẹ nào muốn cho con cái mình thất bại. Tình yêu đích thực đòi hỏi loại bỏ sự ích kỷ, và đó là một đặc điểm rõ ràng của sự trưởng thành. Chúa Giêsu là mẫu gương trong trưởng thành ở chiều kích tình yêu. Về điều này, Thánh Gioan viết: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1). Đến cùng ở đây có nghĩa yêu thương cho đến chết, đến hết đời sống tạm bợ này và Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15 ,13), nghĩa là không có mức độ tình yêu nào cao cả, quảng
đại hơn, tốt lành hơn nữa. Một tình yêu như thế thì không thể diễn tả được, không còn gì để lại cho mình, tất cả là giao trọn cho người khác, giao trọn cho những kẻ thuộc về mình.
b. Ly hôn có liên quan đến sự trưởng thành?
Đây là một vấn đề lớn trong xã hội, và trong Giáo hội chúng ta hôm nay. Về phương diện trưởng thành này, ly hôn và những vấn đề hôn nhân liên quan trực tiếp đến sự thiếu trưởng thành trong tình yêu. Bởi vì nó tiềm ẩn sự ích kỷ và hiểu lầm, thiếu kiên nhẫn và thiếu trung thành. Đó là những dấu hiệu của sự thiếu trưởng thành và đồng thời gây ra những vấn đề đau buồn trong đời sống hôn nhân, và chắc chắn không ai muốn như thế.
c. Có cách nào nhanh chóng để trưởng thành trong tình yêu?
Một lời đề nghị nhỏ: Trưởng thành nhanh chóng có được bằng cách cầu nguyện hằng ngày và chịu đựng đau khổ lẫn nhau. Cách này là cách không mấy dễ chịu, cầu nguyện liên tục, mỗi người hy sinh một chút, mỗi người bỏ đi tinh thần vị kỷ (muốn thỏa mãn tình dục cá nhân) và giữ lấy tinh thần vị tha nhiều hơn. Vượt qua đau khổ này thì tình yêu được cải thiện và đáng sống. Có thể nói, lúc đó con người trưởng thành trong tình yêu.
d. Làm thế nào để đào tạo con cái chúng ta trưởng thành?
Phần cá nhân cha mẹ: Cha mẹ tốt phải làm tấm gương sống trưởng thành, bằng cách thực hành những gì bạn giảng và sống những gì bạn dạy, như thế, mới có thể làm gương và thầy dạy con cái của mình.
Đối với con cái:
1. Khi con bạn còn nhỏ, bạn là cha mẹ, đại diện cho Chúa. Bạn hãy nuôi chúng bằng sữa đức tin, hãy dạy con bạn biết kính Chúa yêu người, biết nói sự thật, vì chúng sẽ sống trong môi trường mà sự giả dối ảnh hưởng đến chúng rất nhiều, dạy cho chúng luôn có sự tha thứ và bắt đầu lại cơ hội sống mới.
2. Đừng đầu hàng cho ý thích bất chợt của con cái của bạn. Khi con cái của bạn yêu cầu quá mức và việc yêu cầu này có thể làm bạn thua cuộc. Như thế chúng muốn làm gì thì làm, chúng muốn làm vua!
3. Khi con cái của bạn phải đối mặt với những thực tế gây bất ổn cho chúng, chẳng hạn như những chỉ trích, hiểu lầm của chúng bạn, của thầy cô giáo, của bề trên…thì hãy hướng dẫn chúng, an ủi cách nhẹ nhàng và trìu mến, giúp chúng hiểu biết và thông cảm với những hoàn cảnh như thế.
4. Đồng thời, bạn hãy giúp chúng hiểu rằng khi bị phạt (bị kỷ luật), chúng chớ vội than phiền, bởi vì những điều này luôn hợp lý và tương xứng với hành vi vi phạm của chúng. Bạn không nên phạt chúng khi bạn nóng giận (lúc mất bình tĩnh và thiếu sự khôn ngoan), bởi vì, sau này chúng nhớ và sẽ ít tôn trọng thẩm quyền của bạn. Từ đó, chúng sẽ hiểu lầm ý nghĩa về đời sống đạo đức và luân lý.
5. Nếu có những thời cơ, nhất là vào bữa ăn tối, bạn hãy kể chuyện cho chúng nghe về những danh nhân, hiền nhân quân tử đạo đức, hãy dạy chúng cách đánh giá những sự kiện xảy ra trong ngày, trong Giáo hội, trong xã hội và trên thế giới một cách công bằng và hài hòa. Nên nhấn mạnh điểm tích cực, chớ phê bình chỉ trích quá đáng. Tạo cho chúng sống tinh thần bác ái vị tha không tính toán, chia sẻ và tiếp cận với người khác một cách thân thiện.
6. Giao trách nhiệm cho con cái của bạn (ví dụ phụ dọn bàn, phụ lau bàn ghế, vệ sinh trong nhà) và có lời khen tặng chúng vì đã chu toàn tốt. Giao cho chúng trách nhiệm lớn hơn khi chúng thành công những công việc nhỏ.
7. Dạy chúng biết trung thành với công việc, với mục tiêu đặt ra. Không nên làm, không nên học phân nửa rồi bỏ cuộc. Phải đi cho cuối con đường mình chọn.
8. Hãy để cho con cái của bạn có tinh thần tự lập dần dần. Không nên can thiệp nhiều vào công việc của chúng. Chúng phải ra đi: ra đi học chữ, ra đi học khôn, ra đi lập gia đình, ra đi tìm một nghề… Nếu bạn bảo vệ, bênh vực chúng quá mức, chúng sẽ quá dựa vào bạn và không làm được việc gì, tự mình không vượt qua một chướng ngại vật nào, và bởi vì bạn không thể nào ở bên cạnh chúng mãi được. Dạy được như thế chúng ta góp phần làm cho con cái chúng ta trưởng thành theo lứa tuổi của chúng.
Bài viết này mong chia sẻ một phần rất nhỏ về một vài tính chất của sự trưởng thành, phương pháp để đạt sự trưởng thành, và những chiều kích của sự trưởng thành. Còn nhiều vấn đề về con người trưởng thành, hy vọng có thể được khai triển trong những bài sau.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 120 (Tháng 9 & 10 năm 2020)