Cách thờ phượng Thiên Chúa đúng nghĩa

Fri,27/08/2021
Lượt xem: 1912

CÁCH THỜ PHƯỢNG THIÊN CHÚA ĐÚNG NGHĨA

(Suy niệm Chúa nhật 22 TNB)

 

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Câu chuyện: Hai người bộ hành.

Có hai người bộ hành đi đường xa. Đêm đến họ phải vào một cái miếu để ngủ nhờ. Đây là một ngôi miếu nổi tiếng là nhiều ma quái. Bầu không khí lạnh lẽo đến rợn người làm cho hai người khách bộ hành cảm thấy sợ khi đã vào trong miếu.

 Trong hoàn cảnh này, người không Kitô nói với bạn Kitô rằng: “Anh làm ơn cho tôi mượn cây thánh giá anh đang đeo ở cổ đi. Tôi sợ quá. Hy vọng rằng cây thành giá của anh sẽ làm cho tôi bớt sợ”.

Thế là người Kitô kia đã gỡ cây Thánh giá anh đang đeo ở cổ trao cho người bạn không Kitô. Hai người nằm nghỉ đêm.

Trời về khuya, con yêu tinh xuất hiện, nó rờ vào cổ của người Kitô, tính sát hại người này, bỗng nó thốt lên: Người này có trong mà không có ngoài. Con yêu tinh có ý nói rằng người này là người Kitô đích thực, tuy không mang trong mình một dấu hiệu Kitô nào.

Qua người không Kitô, con yêu tinh chạm đến cây Thánh giá người này đeo ở cổ, nó thốt lên: Người này có ngoài mà không có trong. Con yêu tinh có ý nói rằng, người này tuy mang Thánh giá ở cổ, nhưng không phải là người Kitô đích thực.

Câu truyện trên đây cho chúng ta hiểu rằng bản chất của người Kitô không hệ tại những tô điểm bên ngoài. Chiếc áo dòng không làm nên ông thầy tu. Cây Thánh giá mang vào cổ cũng chẳng thể biến ngay một người trở thành Kitô hữu được.

1.   Rửa tay hay lối sống hình thức bên ngoài không phải là thờ phượng Thiên Chúa?

Những người Pha-ri-sêu đặt nặng hình thức bên ngoài qua việc giữ truyền thống rửa tay, thanh tẩy trước khi dùng bữa: “họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.” (Mc 7, 3-4). Vì thế, khi thấy các môn đệ của Đức Giê-su không rửa tay trước khi dùng bữa, họ đã vội vàng kết tội và lên án các môn đệ nói chung, cách riêng Đức Giê-su vì đã vi phạm Lề Luật. Họ đặt Lề Luật hay truyền thống do con người làm ra cao trọng hơn Thiên Chúa, Đấng sáng tạo muôn loài muôn vật. Họ quên mất rằng giáo huấn hay lệnh truyền Thiên Chúa không bao giờ được thay đổi, còn truyền thống có thể thay đổi. Qua cách nhìn và thái độ của người Pha-ri-sêu, Đức Giê-su đã không ngần ngại để trả lời họ như thế này: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.”(cc. 6-8). Quả thật, đạo hình thức/ giả hình/ đạo đức giả/ thích hình thức, thích vẻ bề ngoài/ trau chuốt cái bên ngoài/ yêu chuộng cũng như chạy theo vẻ bề ngoài/ bề nổi,…Phải chăng đây là lối sống mà Chúa Giê-su đang lên án khắt khe? Ngài mong muốn là “rửa” cái bên trong, “rửa” tâm hồn?

Quả thật, qua lối giữ đạo của người Pha-ri-sêu ngày xưa là chú trọng cách thờ phượng Thiên Chúa ngang qua hình thức bề ngoài, chúng ta cũng không ngần ngại xét lại lối sống đạo của chúng ta ngày hôm nay. Nhiều người bị giới hạn việc thờ phượng Thiên Chúa trong nhà thờ: như đi tham dự thánh lễ mỗi tuần, đọc kinh nhiều, hay chỉ cần chịu Phép Rửa tội để có danh hiệu Ki-tô hữu hoặc chỉ cần thực hành một số điều bên ngoài mà Lề luật đòi buộc. Do đó, họ đi đạo mà không sống đạo. Đó là lối sống hữu danh vô thực. Họ chỉ nệ vào hình thức bên ngoài mà không màng tới chiều kích thực hành đạo. Như vậy, lối sống của họ diễn tả một tôn giáo chỉ còn là cái xác không hồn. Họ quên mất rằng đón nhận Tin Mừng bình an của Đức Ki-tô không chỉ là “đi lễ, đọc kinh”, mà còn là hoán cải và phục vụ trong cả cuộc sống. Họ đọc kinh xem lễ nhưng bên trong chất chứa nhiều điều xấu xa thì không phù hợp là người con cái của Chúa. Đúng là “Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao!” (truyện Kiều).

Trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện thánh Mátta sáng 23-3-2017, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng đã nói: “Khi chúng ta không chăm chú nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ lánh xa Ngài và quay lưng lại với Ngài. Nếu chúng ta không lắng nghe Lời Ngài, chúng ta sẽ tìm nghe những lời khác…Khi khước từ Lời Chúa và khi cứng lòng, chúng ta sẽ trở thành những người công giáo bất trung, những người dân ngoại, và tệ hại hơn, những người công giáo vô thần, bởi vì chúng ta không yêu mến Thiên Chúa hằng sống”. Vì thế,

2.   “Rửa sạch” bên trong mới là quan trọng, là cách thờ phượng Thiên Chúa phù hợp?

Tại sao cần “rửa” cái bên trong? Vì Chúa Giê-su đã nói: cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Mà cái gì ô uế, nhất là tâm hồn ô uế thì càng phải tẩy rửa. Cái ô uế bên trong cần được tẩy rửa hơn bao giờ hết. Một tâm hồn thánh thiện dễ dàng đón đợi Chúa đến. Hay nói cách khác, Chúa chỉ thực sự ngự vào những tâm hồn thanh sạch và trong sáng. Tâm hồn ô uế làm sao có thể mời Chúa bước vào trú ngụ được? Theo Đức Giê-su, cái làm cho con người ra ô uế là cái từ bên trong, từ lòng người chứ không phải từ bên ngoài. “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”(Mc 7, 21-23). Những người Pha-ri-sêu dạy rằng sự ô uế tìm cách để từ bên ngoài thâm nhập vào trong con người; còn Đức Giê-su lại bảo rằng, sự ô uế tự trong mà ra. Chẳng phải thức ăn làm cho con người ra ô uế, nhưng đúng hơn là thế này, những gì được thốt ra trên môi miệng, trong ngôn từ của người nào, thì chính là sự diễn tả những tâm tư và tính cách của người ấy. Tâm hồn là nền tảng hiện hữu của con người, là nguồn mạch của những cảm xúc, tư tưởng, tình cảm, khát vọng cũng như hành động của người ấy. Đây cũng chính là nơi dung chứa cái căn cớ gây ra sự ô uế về mặt luân lý của con người. Đức Giê-su nhấn mạnh vào nguồn cội bên trong này bằng hai cụm từ: “từ bên trong” (không phải là bên ngoài) và “ từ lòng người” (không phải là thức ăn). (xem Chân ngôn, chủ giải Tin mừng các chủ nhật và đại lễ năm B, Học viện Đa mình 2011, trang 460). Như vậy, Chúa Giê-su đã “khử thiêng” các nghi thức tập tục bên ngoài của người Do-thái vì trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, không có gì là ô uế cả. Đụng đến người bệnh, xác chết hay máu, đâu phải là xúc phạm đến Thiên Chúa. Ăn món này món kia, ta đâu có xúc phạm đến Thiên Chúa. Tội lỗi là điều xuất phát từ lòng người chứ không phải là điều ta làm mà không cố ý. (xem phần chủ giải Kinh Thánh trọn Bộ, Tin mừng Mác-cô, trang 1681, xuất bản năm 2010).

Thật vậy, chúng ta theo đạo, theo Chúa không là chạy theo hình thức bề ngoài nhưng cách thờ phượng Thiên Chúa đúng nghĩa phải chẳng là “anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.”(Gc 1, 21b-22); Và “Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.”(c.27). Hơn nữa, bên cạnh phải tuân giữ các Giới luật như Mô-sê mời gọi dân Israen trong bài đọc I, chúng ta cần thực hành liên lỉ những điều Chúa dạy nơi môi trường sống của chúng ta, vì “cũng như xác không hồn là xác chết, thì đức tin không việc làm là đức tin chết.” (Gc 2,26). Nghĩa rằng là giữa đời sống nhà thờ và đời sống xã hội phải có sự nối kết chặt chẽ mà không tách rời. Không thể chỉ giữ đạo nhà thờ mà lại bỏ qua những quy tắc sống nơi môi trường chung quanh. Không thể môi miệng nói mến Chúa, mà trong lòng lại không thể yêu nổi anh chị em mình. Không thể chỉ đề cao cung cách giữ đạo sao cho đẹp, cho văn hoá - văn minh mà lối sống, hành vi cử chỉ thường ngày lại vô tâm, vô cảm, hận thù, ghen ghét, phân biệt đối xử với anh chị em đồng loại.

Nói tóm lại, mỗi khi đã thực sự trở thành ki-tô hữu ngang qua Bí tích Rửa tội, chúng ta không thể không có những biểu lộ bên ngoài là năng nguyện kinh, năng tham dự Thánh lễ, nhất là lễ Chúa nhật, cũng như thành tâm tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa và Giáo hội. Tuy nhiên, chúng ta phải ý thức rằng thờ phượng Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài, nhưng điều quan trọng là để Lời Chúa cũng như các giới răn của Chúa thấm nhập vào đời sống thường ngày qua lối sống đượm tình bác ái yêu thương.

Nguồn tin: