Cái Chết Không Phải Là Tiếng Nói Chung Cuộc - Suy Niệm Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời

Thu,31/10/2024
Lượt xem: 324

Cái Chết Không Phải Là Tiếng Nói Chung Cuộc

(G 19,1.23-27a; Rom 8,14-23; Lc 7,11-17)

Hợp nhau đây để cầu nguyện cho các đẳng linh hồn, những người đã hoàn tất hành trình làm người, làm Kitô hữu, hành trình thanh luyện để được thành hình trong Đức Kitô, trong vinh hiển của Thiên Chúa cùng các thánh. Đây là dịp chúng ta sống mầu nhiệm hiệp thông Giáo hội, sống niềm hy vọng hồng phúc của chúng ta, niềm hy vọng sự sống vĩnh cửu trong Nước Chúa, đồng thời cũng là cơ hội để cháu con diễn tả lòng hiếu đạo với đấng sinh thành. Theo đó, tôi xin gợi lên vài điểm suy niệm qua sứ điệp Lời Chúa của cử hành phụng vụ hôm nay.

    1. Cái chết không phải là tiếng nói chung cuộc của thân phận con người

Là thân phận cát bụi, chúng ta chấp nhận qui luật nghiệt ngã của thời gian, trở về với bụi cát: khi tôi sinh ra là tôi đang đi về cõi chết, đang đi về với nơi tôi được tạo tác. Thánh Vinh 103 diễn tả thực tại nhân sinh này: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươithắm như cỏ nội hoa đồng. Một cơn gió thoảng là xong. Chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (cc. 15-16). Hay bi đát hơn như Vịnh gia 90,10 trình bày:

“Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục.

Mạnh giỏi chẳng là được tám mươi.

Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ.

Cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi”

Thân phận con người trong thời gian dường như đó là một định mệnh nghiệt ngã, làm cho con người, dầu biết chắc điểm đến của mình – sự chêt, nhưng luôn sợ hãi. Jean Paul Sartre, một triết gia hiện sinh vô thần đã thốt lên cách bất lực “Phi lí tôi phải chết. Cái chết chấm dứt mọi dự phóng của tôi”. Đối với người không có đức tin, không có niềm hy vọng, thì cái chết quả là sự nghiệt ngã khốn cùng, nhưng đối với những ai tin, sự chết không phải là tiếng nói chung cuộc trên thân phân của hữu thể nhân linh, rằng: “sống gởi thác về”, “thác là thể phách, còn là tinh anh” (Nguyễn Du).

Dẫu là thân cát bụi, nhưng con người đã được Thiên Chúa gọi vào hiện hữu, được nhào nắm bởi bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, được trở nên sinh động nhờ Thần Khí, để trở nên hình ảnh của Thiên Chúa, “nhân linh ư vạn vật”. Quả vậy,“Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu” (Kh 1,13-15). “Thiên Chúa đã sáng tạo con người. Cho họ được trường tồn bất diệt, họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người…” (Kh 2,23-24).

Vậy nên, việc cầu nguyện cho những người quá cố không chỉ là nghĩa cử biết ơn, báo hiếu của cháu con với đấng sinh thành, với tổ tiên, thân nghĩa…, nhưng trên hết sống mầu nhiệm đức tin, là chứng tá của niềm hy vọng tin tưởng, bén rễ sâu trong xác tín rằng cái chết là cửa ngõ dẫn vào cõi sống vĩnh cửu. Con người được gọi đi vào hiện hữu, giống hình ảnh Thiên Chúa, có nguồn gốc và sự thành toàn nơi Thiên Chúa. Và như thế chết là lỗi dẫn về với Thiên Chúa, cội nguồn của hiện hữu của chúng ta. Đó là xác tín mà Thánh Phaolô nói lên: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Chết là tiếng gọi yêu thương đi về với cùng đích như lời Kinh Tiền Tụng 1 lễ cầu hồn xác nhận: “Vì lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nương náu ở trần gian này bì hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ ở vĩnh cửu trên trời” Đó là niềm niềm tin, niềm trông cậy của chúng ta.

    2. Niềm hy vọng hồng phúc nơi Thiên Chúa

Sở dĩ chúng ta nói rằng chết không phải là tiếng nói chung cuộc trên thân phận con người là bởi chúng ta đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa Hằng Sống. Gióp, trong khổ lụy nhân sinh đã nói lên niềm xác tín ấy, niềm xác tín mà nhạc sỹ Ân Đức đã viết lên: “Tôi tin rằng Đấng cứu chuộc tôi hằng sống, và ngày tận thế, tôi sẽ từ bụi đất sống lại, để với thân thể của tôi chiêm ngưỡng chính Người chứ không ai khác” (G 19,27).

Dù là thân phận bụi đất, như cây cỏ đồng nội nay còn mai mất, nhưng lòng từ bi Chúa đã thức tỉnh chúng ta, dưỡng nuôi chúng ta, đưa chúng ta đi vào cõi sống. Chính tình yêu thương xót của Người đã dụng chạm, và đánh thức chúng ta từ vực sâu của đau khổ, sự chết, sự tàn lụi của thọ tạo, để trở nên hưu thể nhân linh, giống hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi đi vào trong sự hiệp thông với Người. Đó là chân lý, là niềm hy vọng mà Thánh Phaolô trong thứ gửi tín hữu Roma đã minh định: “nhờ Phép Rửa trong sự chết và phục sinh của Đức Kitô, và nhờ sự vinh hiển của Người, chúng được hợp nhất trong sự sống vĩnh cửu của Đấng đã đánh bại thần chết (cf. Rom 6,3-9);

Bởi vậy, Công đồng Vat. II trong hiến chế Gaudium et Spet đã khẳng định: “Mầu nhiệm con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời làm người” (22). Niềm hy vọng sự sống vĩnh cửu của chúng ta được bắt nguồn bởi Đấng Hằng Sống, Đấng mà Matta tuyên xưng là “Sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25); niềm hy vọng được bảo đảm bởi Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã chấp nhận mang thân cát bụi của chúng ta, đã chấp nhận đi tới chỗ sâu nhất của khổ lũy nhân sinh – đã chết và đã sống lại để đêm lại ý nghĩa tròn đầy và bảo đảm chắc chắn cho những ai tin, vì “ai sống và tin vào Chúa sẽ không bao giờ chết” (Ga 11,26).

“Lạy Thiên Chúa từ bi vô biên, chúng con tín thác cho lòng lành vô cùng của Chúa những ai đã từ bỏ cõi đời này, cách riêng ông cố Gioan, chúng con hy vọng ông Cố sẽ được chung hưởng niềm vui sung mãn của Đấng đã phục sinh từ cõi chết”. Và Xin hướng lòng chúng con về thực tại thượng giới, đệ sự sống mới đang tiềm tàng nơi chúng con được đạt tới sự viên thành khi Đức Kitô Nguồn sống của chúng con xuất hiện, chúng con sẽ được xuất hiện với Người trong vinh quang (Cfr. Cl 3,1-4). Amen.

Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin:
Tags :