Đức Tin Cá Vị Và Cộng Đoàn - Suy Niệm Chúa Nhật II Phục Sinh A

Fri,14/04/2023
Lượt xem: 7675

 

Đức tin cá vị và cộng đoàn

(Cv 2,42-47; Tv 117; 1Pr 1,3-9; Ga 20,19-31)

 

Tin mừng Phục sinh chính là Tin mừng bình an, đó chính là suối nguồn tình thương, lòng ái tuất của Thiên Chúa đổ đầy vào tâm hồn các tín hữu, nghĩa là Thánh Thần của Đấng Phục sinh. Xin được gợi lên hai điểm chia sẻ trong Chúa nhật II PS, Chúa nhật Lòng thương xót Chúa.

1. Đấng Phục sinh, Nguồn Bình an của chúng ta

Có thể nói, biến cố Thập giá đã phá tan giấc mộng của nhiều môn đệ đối với Rabbi Giêsu: họ đào tẩu, hồi hương, đóng kín cửa nhà vì sợ hãi. Thực ra, cửa lòng, niềm hy vọng của họ đã khép lại như Tin mừng hôm nay diễn tả: “Các ông sợ người Dothái, nên các cửa đều đóng kín” (Ga 20,19). Một sự vô vọng bao trùm. Tuy nhiên, biến cố Phục sinh đã vãn hồi niềm hy vọng của họ. Tin vui mà mấy người phụ nữ loan đã thắp lên trong họ ngọn lửa hy vọng, nhưng vẫn còn một hành trình để có được niềm xác tín, niềm vui đích thực của những chứng nhân phục sinh.

Chính sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục sinh đã phá tan sự đóng kín của các môn đệ. Người đã xua tan nỗi sợ hãi nơi họ bằng Thần Khí bình an của Người: “Bình An cho anh em”. Việc trao bình an, ban thần khí của Đấng Phục Sinh tương ứng với việc trao thần khí cho Adam buổi tạo dựng. Chính Đức Giêsu Phục sinh, với cạnh sườn được mở toang đã làm nên tạo thành mới, một nhân loại mới, nhân loại mà các Tông đồ là những người trước tiên loan truyền.

Chính sự hiện diện của Đấng Phục sinh và việc trao Thần Khí, các tông đồ đã được biến đổi hoàn toàn, từ những con người nhát đảm, sợ sệt, chạy trốn và khép mình đã trở nên những chứng nhân kiên cường, dám lên tiếng giữa đại hội dân Chúa, nơi các công trường và cả giữa thượng Hội đồng Dothái.

Đức Kitô tử nạn và phục sinh là nền tảng của toàn bộ tòa nhà đức tin của Hội thánh, của mỗi chúng ta. Chúng ta chỉ có thể tuyên xưng vào Đá tảng ấy qua việc gặp gỡ với Đấng đã từ cõi chết sống lại trong Hội thánh, qua phụng vụ, nhất là qua việc lắng nghe Lời và Tham dự Lễ bẻ bánh như hai môn đệ Emmaus. Đó là cuộc gặp gỡ ở bên trong: trong cung lòng Hội thánhtrong tâm hồn mỗi chúng ta. Đó là cuộc gặp gỡ đem lại cho chúng ta bình an đích thực. Cuộc gặp gỡ mà chúng ta đang thực hiện lúc này đây.

2. Gặp gỡ Đấng Phục Sinh, cuộc gặp gỡ của đức tin cá vị và cộng đoàn

Khi đọc trang Tin Mừng này, chúng ta cần lưu tâm tới ý hướng của tác giả Tin mừng: Đức tin cần một xác tín cá vị và đức tin gắn liền với công đoàn chứng nhận

2.1. Đức tin cần một xác tín cá vi

Để viện dẫn đặc tính cá vị của đức tin, chúng ta khởi đi từ sự hoài nghi tới việc suy phục đức tin của Thomas. Thomas thường được người ta gán cho biệt danh “kẻ cứng lòng”. Khi được các tông đồ loan báo Thầy đã Phục Sinh, vì ông không ở với các bạn của mình trong những lần Chúa hiện ra, nên phản ứng của ông trước tin ấy là thái độ hoài nghi. Ông khẳng khái: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (c.25). Thực ra, lần dở các trang Tin Mừng, chúng ta thấy không chỉ Thomas, mà nhiều môn đệ cũng có sự ngờ vực ấy (cf. Mt 28,17; Mc 16,11.13.14; Lc 24, 37-41). Một cách nào đó, Thomas là đại diện cho những người chủ trương thực chứng, “xem tận mắt, bắt tận tay”.

Tuy nhiên, nơi Thomas, sự nghi hoặc một mực đòi kiểm chứng không phải là chủ trương của những nhà duy nghiệm chủ nghĩa, cũng không phải là sự lưng chừng của kẻ tiến thoái lưỡng nan. Song đó là con đường của đức tin, con đường tra vấn để suy phục Chân Lý. Ông hoài nghi vì muốn biết chắc, muốn tự mình khẳng định niềm tin, muốn có một sự xác quyết cá nhân về sự Phục Sinh của Thầy mình. Và khi đối diện với chính Thầy, ông không cần phải chứng nghiệm, ông suy phục đức tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (c.28).

Đức tin đòi hỏi chính mỗi chúng ta, chính tôi tuyên xưng vào Đấng tôi tin. Đó phải là cuộc giáp mặt, đụng chạm tới dấu đinh, cạnh sườn, nghĩa là đụng chạm tới Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.  Đó là việc đối diện, giáp mặt với Đấng  mà chúng ta “đã đâm thâu qua” (Ga 19,37) để tuyên xưng “Người là Thiên Chúa của tôi” (x. Mc 15,39), “Lạy Thiên Chúa của con” như Thomas. Chúng ta biết rằng, lời tuyên xưng của Thomas là đỉnh cao về việc tuyên tín Danh tính Đức Giêsu trong Kinh thánh. Đó là lời mà Giáo Hội tuyên xưng mỗi ngày, lời mà cả vũ trụ phải cúi mình để nói lên như Phaolô trong Thánh thi gửi các tín hữu Philipphe: “và mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu là Chúa” (Pl 2,11).

Dĩ nhiên, cũng trong trình thuật này, chúng ta thấy, việc tuyên xưng đức tin phục sinh chỉ có thể thực hiện trong cộng đoàn Giáo hội. Thomas khi không ở với Cộng đoàn Tông đồ, ông đã không có đức tin vào Thầy của mình, song khi ông hiện diện với Tông Đồ đoàn, có Chúa Phục sinh ở giữa, ông tuyên xưng đức tin cá vị. Vậy nên, đức tin không chỉ hành vi cá vị mà còn gắn kết với cộng đoàn tin.

2.2. Tin gắn liền với cộng đoàn chứng nhân

Trong Tự sắc “Cánh Cửa Đức Tin”, Đức Benedict 16 đã viết “Việc tuyên xưng đức tin là một hành vi bản thân và đồng thời cũng có tính chất cộng đoàn”. Khía cạnh này chúng ta gặp thấy trong bài Tin Mừng hôm nay và nhất là trong bối cảnh Hội thánh Hiệp hành hôm nay. Chúng ta cất bước hành trình theo Đức Giêsu, Đấng là đường, là Thủ lãnh của chúng ta cùng với Hội thánh, với anh chị em chúng ta.

Khi tách ra khỏi cộng đoàn tông đồ (c.24), Thomas đã không thể tuyên xưng đức tin Phục Sinh. Nhưng hôm nay, ông nhập đoàn, “ở với” các tông đồ, có Chúa Phục Sinh ở giữa, ông đã bày tỏ đức tin của mình một cách mạnh mẽ như chúng ta đề cập ở trên. Thomas “đã thấy” và “đã tin”. Ông đã tuyên xưng đức tin Phục Sinh trong cộng đoàn chứng nhân, cộng đoàn đức tin.

Từ lời tuyên xưng của Thomas, Chúa Giêsu đưa ra sự đối lập giữa “thấy” và “tin”: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (c.29). Điều này liên hệ tới việc tuyên xưng đức tin của chúng ta, của tôi và của anh chị em. Từ nay, kinh nghiệm về chứng từ Phục sinh của cộng đoàn chứng nhân sẽ là bảo đảm cho lời tuyên xưng của mỗi một chúng ta, trong Hội thánh cùng nhau cất bước.

Quả vậy, các tông đồ, nói như Thánh Gioan, là những người đã nghe, đã thấy, đã chiêm ngưỡng và đụng chạm tới Đấng Phục Sinh , Đấng là “khởi nguồn và cùng đích của đức tin” (Dt 12,2), còn chúng ta tuy không thấy, nhưng lòng vẫn kính tin, bởi chúng ta được thông truyền từ lời chứng của các Ngài.

Như vậy, đức tin vừa là hành vi cá nhân, vừa mang tính cộng đoàn. Hai chiều kích làm nên lời tuyên tín của chúng ta. Nói theo ngôn ngữ của GLHTCG: Tôi tin cũng là cộng đoàn chứng nhân, Giáo Hội, Mẹ chúng ta đáp lại tiếng mời gọi của Thiên Chúa bằng đức tin của mình, và dạy chúng ta thưa “Tôi tin” “Chúng tôi tin” (số 167).

Hành trình đức tin của chúng ta là hành trình cùng với và trong cộng đoàn tin – “những người cùng một lòng một ý”. Trong hành trình ấy, chúng ta được mời gọi sống đức tin qua việc khám phá sức mạnh và vẻ đẹp của đức tin, để trở nên dấu chỉ khả tín cho người khác. Xin Đức Kitô Phục Sinh củng cố và kiện toàn đức tin của chúng ta. Xin Người dẫn chúng ta bước sâu vào mầu nhiệm trung tâm của đời sống chúng ta. Ngõ hầu chúng ta dụng tới suối nguồn thương xót của Thiên Chúa, lòng đầy bình an của Thần Khí và mau mắn làm chứng cho Tin mừng Cứu độ.

Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin:
Tags :