Được Chọn Gọi – Được Huấn Luyện – Được Sai Đi

Fri,09/07/2021
Lượt xem: 1778

ĐƯỢC CHỌN GỌI – ĐƯỢC HUẤN LUYỆN – ĐƯỢC SAI ĐI

(Gợi ý giảng lễ Chúa nhật 15 TN B)

 

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Sứ vụ loan báo Tin mừng bắt nguồn từ Thiên Chúa khi sai Con của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô xuống làm người. Đức Giê-su xuất hiện nơi trần gian nhằm để loan báo Nước Thiên Chúa đã gần đến, và kêu gọi con người ăn năn hối cải để đón nhận ơn cứu độ. Ngang qua biết bao lời giảng dạy cùng với các phép lạ, Đức Giê-su muốn con người nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa để con người được sống và sống dồi dào. Ở đâu có sự hiện diện của Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su là ở đó được thi ân giáng phúc. Nơi nào Đức Giê-su có mặt là người què đi được, người câm nói được, người mù được nhìn thấy, người điếc được nghe, người bệnh hoạn tật nguyền được chữa lành, ngay cả người chết cũng được hồi sinh,…Qua đó, nhiều người đã tin nhận vào Đức Giê-su và đi theo Ngài.

Với vai trò là Thiên Chúa làm người, Đức Giê-su có thể làm được mọi sự và không cần sự cộng tác của con người để loan báo Tin mừng cứu độ cho muôn người. Tuy nhiên, chúng ta đã nhận thấy Đức Giê-su đã chọn gọi các môn đệ Ngài muốn để các ông ở lại với Ngài, rồi Ngài sai họ đi rao giảng Tin mừng khắp mọi nơi. Tin mừng hôm nay (Mc 6, 7-13) cho chúng ta thấy việc Đức Giê-su sai các Tông đồ ra đi loan báo Tin mừng. Nhưng để hiểu rõ hơn bối cảnh của bài Tin mừng này, chúng ta phải biết rằng làm sao các Tông đồ được sai đi nếu trước đó không ở lại với Đức Giê-su? Làm sao ở lại với Ngài nếu không được chọn gọi bởi Đức Giê-su?

Chính vì thế, chúng ta phải khởi đi từ việc chọn gọi các Tông đồ. Quả thật, để tiếp nối sứ vụ loan báo Tin mừng cho muôn dân, Đức Giê-su đã đích thân chọn gọi cho mình những môn đệ Ngài muốn. “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.” (Mc 3, 13-15). Chính Đức Giê-su chủ động chọn gọi các ông như Ngài đã nói: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em.” (Ga 15,16). Ngài đi bước trước để kêu gọi cho mình những người nối nghiệp trung thành và can đảm trong việc loan báo Tin mừng. Như vậy, chúng ta biết rằng ơn gọi làm môn đệ, ơn gọi loan báo Tin mừng là xuất phát từ ý định của Thiên Chúa chứ không phải tự ý con người. Chính Thiên Chúa kêu gọi và con người cần đáp trả để kế hoạch của Ngài được thực hiện.

Thế nhưng, chọn gọi xong không có nghĩa là đủ khả năng để thực thi sứ vụ, mà các môn đệ phải ở lại và hiện diện với Đức Giê-su để cùng với Ngài rảo bước khắp mọi nẻo đường nhằm giúp các môn đệ biết nhìn, biết nghe, biết yêu, biết tha thứ, biết cảm thông, biết chạnh lòng thương, biết gần gũi với những kẻ bị coi là tội lỗi, biết thân thiện với những mảnh đời éo le và khổ sở,…Vì thế, trước khi được sai đi, các Tông đồ phải bắt buộc phải ở vói Đức Giê-su. Vì Ở vói Đức Giê-su, để các môn đệ học cung cách cư xử đối với mọi người nhằm loan truyền “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Ở với Đức Giê-su để học hỏi các nhân đức của Ngài là khiêm nhường, là hiền lành, là hy sinh, là quảng đại, là vị tha, là bao dung, là cởi mở, thân thiện và gần gũi. Ở với Đức Giê-su để biết chấp nhận mọi sỉ nhục, mọi đau thương, ngay cả sẵn sàng chịu chết để mưu ích phần rỗi cho muôn người. Như thế, ở lại với Chúa là để được huấn luyện trở nên những nhà thừa sai cứng cáp, nhiệt huyết, nhiệt thành, can đảm, và hăng say dấn thân ra đi rắc gieo Tin mừng khắp muôn nơi.

Quả thật, sau khi đã được hướng dẫn, được học hỏi và được huấn luyện cũng như chịu nhiều thử thách nơi Thầy Giê-su, các Tông đồ bắt đầu đón nhận sứ vụ sai đi của Thầy mình. Như Tin mừng hôm nay trình thuật: “Khi ấy, Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế.” (Mc 6, 7). Đức Giê-su sai đi ‘từng hai người một’, là muốn họ có tinh thần cộng đoàn, nghĩa là họ không làm việc đơn lẻ nhưng làm việc theo nhóm, theo anh em. Chúng ta thấy điều đó trong Công vụ Tông đồ khi các môn đệ luôn luôn đồng hành từng cặp với nhau: Phê-rô và Gioan (Cv 3,1; 4,13); Phaolô và Barnabe (Cv 13, 2); Giuđa và Sila (Cv 15, 22b),…Khi sai đi, Đức Giê-su cũng ban cho các Nhóm Mười Hai một quyền năng của Ngài, đó là quyền trừ quỷ, như một trong dấu chỉ xác thực rằng sự hiện diện của Nước Thiên Chúa giữa trần gian.

Bên cạnh đó, khi sai các Tông đồ ra đi rao giảng, Đức Giê-su mong muốn các ông không được lệ thuộc vào của cải vật chất, các tiện nghi nhưng hãy sống ký thác mọi sự cho Chúa và sống nhẹ nhàng khoan thai. “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.” (c.8-9). Như vậy, người ra đi rao giảng Tin mừng không được màng tới hoặc đòi hỏi những đồ dùng này đồ dùng kia, không phải lo lắng cho bản thân quá nhiều, mà cần thanh thoát, bỏ đi những thứ xem ra cần thiết cũng như không cần thiết để dễ dàng phục vụ và dấn thân cho tha nhân. Đức Giê-su xác tín cho các ông rằng hãy hết mình khi ra đi rao giảng và hy sinh phục vụ, mọi sự khác sẽ có Chúa và mọi người lo liệu. Vì làm thợ thì đáng được nuôi ăn. Một sự sẵn sàng lên đường mà lòng không vướng bận là điều mà một người loan báo Tin mừng luôn luôn phải có. Cứ dấn thân, cứ nhiệt huyết, cứ hăng say, cứ ra đi, cứ gặp gỡ,…Chúa sẽ dùng nhiều cách thế để giúp đỡ, để an ủi và bổ túc tất cả những thiếu thốn khác ngang qua các ân nhân hoặc các mạnh thường quân trong hành trình sống.

Hơn nữa, Đức Giê-su còn căn dặn các Tông đồ : “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.” (c.10). Nói như vậy là Đức Giê-su muốn những nhà thừa sai, những người loan báo Tin mừng đừng chọn nhà này hơn nhà khác, đừng chọn theo sở thích của bản thân mình nhưng hãy thoả mãn và vui vẻ chấp nhận sự chật hẹp hay khó khăn nơi gia đình, nơi làng xóm mà mình được sai đến. Thật vậy, theo bản tính con người, ai ai cũng thích chỗ sung sướng, thoải mái, ăn ngon mặc đẹp, phòng ốc đàng hoàng, có điều hoà khi thời tiết nóng, có nóng lạnh khi mùa đông đến,…nhưng theo Đức Giê-su, một khi đã được sai đi rao giảng Tin mừng, chúng ta không màng tới điều đó nhưng biết hội nhập tất cả cũng như chịu đựng những khó khăn nơi vùng miền được sai đến.

Điều đặc biệt các Tông tồ cần hướng đến là đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối để được ơn tha tội và được hưởng ơn cứu đội của Thiên Chúa. Ngang qua việc trừ quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa lành các bệnh nhân, các Tông đồ dễ dàng giới thiệu cho mọi người biết về tình yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cũng như Lòng thương xót của Ngài. Cũng vậy, nơi người loan báo Tin mừng ngày hôm nay cũng được mời gọi hãy sống bằng chứng nhân, bằng những việc làm cụ thể là bác ái yêu thương, là hy sinh phục vụ các bệnh nhân, người già cả neo đơn, là tiếp đón người nghèo mà không phân biệt lương giáo, hay sắc tộc. Qua những việc làm cụ thể và thiết thực đó, chúng ta đang thu hút và cảm hoá nhiều người biết về đạo yêu thương, đạo của Chúa Giê-su. Quả thật, Đức Thánh Cha Phanxico đã nhấn mạnh điều đó rằng Giáo hội phát triển không phải bằng chiều dụ nhưng bằng sức thu hút. Như vậy, Đức Giê-su mong muốn mỗi người hãy là muối, là ánh sáng cho trần gian (x.Mc 9, 50; Lc 14, 34-35) ngang qua cách sống yêu thương và tha thứ của chúng ta.

Quả thật, ơn gọi trở nên chứng nhân của Chúa cho con người ngày hôm nay là ơn gọi phổ quát, tuy nhiên, có những người đặc biệt đã được chọn gọi, được huấn luyện tại các trường Đại chủng viện, học viện, tu viện để trở nên những thừa sai đích thực, chuyên môn và nhiệt huyết nhằm ra đi lan toả Tin mừng cho mọi người ở khắp mọi nơi. Điều quan trọng mà Chúa Giê-su mong muốn là ai được sai đi dấn thân phục vụ Tin mừng và giới thiệu tình yêu Thiên Chúa cho muôn dân thì tiên vàn phải là người cầu nguyện, là người có đủ ơn Chúa, đủ sức mạnh từ Chúa; là người thanh thoát với của cải vật chất để chủ tâm cho công việc loan báo Tin mừng; là người sống nối kết với anh chị em mà không ích kỷ hay riêng rẽ; là những chứng nhân đích thực ngang qua cách sống vui vẻ, cởi mở, thân thiện, quảng đại, vị tha và đượm tình bác ái yêu thương. 

Nguồn tin: