Ở Lại Trong Tình Yêu - Suy Niệm Chúa Nhật VI Phục Sinh A

Fri,12/05/2023
Lượt xem: 789

Ở lại trong Tình yêu

(Cv 8,5-8.14-17; Tv 65; 1Pr 3,15-18; Ga 14,15-21)

 

“Ở lại trong tình yêu” là di ngôn, nỗi khắc khoải mà Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại với các môn đệ trước khi bước vào “giờ” của Người. Quả thực, Chúa Giêsu không để lại cho các môn đệ thân tín một khối sản đồ sộ với những tài khoản tín dụng hay bất động sản, mà là “bảo chứng tình yêu - giới luật yêu thương”. Tình yêu, mối dây liên kết tuyệt hảo, là phẩm cách của môn đệ Chúa Kitô, làm cho họ nên giống Thầy của mình để được toàn nhập vào trong mối liên hệ nghĩa thiết, bạn hữu với Chúa Giêsu và với Chúa Cha. Tình yêu làm cho người môn đệ không bị khóa chặt trong nỗi sợ hãi, đơn côi và dẫn bước vào hành trình yêu cho đến cùng như Thầy.

 

1.      Anh em không mồ côi

Người ta chỉ sợ hãi, đơn côi khi vắng bóng tình yêu. Chúa Giêsu nhắc nhớ các môn đệ của mình về nguyên lý để ở trong sự bình tâm trước những bể dâu giông bão, nghĩa là tình yêu. Quả thực, trong bài Tin mừng hôm nay, chủ đề tình yêu xuất hiện ngay từ đầu: “Nếu anh em yêu mến Thầy…” (Ga 12,15) và kết thúc “Ai yêu mến Thầy thì Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Thầy sẽ yêu mến người ấy và tỏ mình cho người ấy” (Ga 14,21). Các môn đệ “xao xuyến”, “khiếp sợ” trước lời loan báo về cái chết của Thầy mình, và các ông được Chúa Giêsu khích lệ khi khai mở cho họ nỗi lòng của Người, gọi họ là “bằng hữu” chứ không phải là “tôi tớ” (Ga 15,15), ban cho họ gia sản là Thánh Thể và mở ra cho họ một đời sống mới: đó là tình yêu trao hiến cho nhân loại qua Thập giá. Thập giá của Người là mặc khải cụ thể về Thiên Chúa, Đấng yêu thương đến cùng khi trao ban cả chính mình, dấu chỉ cho sự hiện diện không hạn định của Người trong thế giới. Trên Thập giá Chúa Kitô không bị đánh bại nhưng đưa đến sự trọn hảo việc biểu tỏ tình yêu không biên cương: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã chết vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy nếu anh em tuân giữ những điều Thầy truyền dạy” (Ga 15,13-14).

Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng tình yêu của Người hiến dâng là động lực cho phép họ không khoá chặt mình trong quá khứ, nhưng mở ra với tương lai được cảm nhận như là không gian của sự trung thành với Người trong Giáo Hội và thế giới. Chỉ khi người môn đệ đón nhận sự thật về cái chết của Chúa Giêsu, họ mới có thể mở ra với một tương quan mới với Đấng chịu đóng đinh và phục sinh: mới thực sự bước đi với Việc Phục Sinh.

Thập giá không phải là đích điểm mà là khởi đầu cho một hành trình mới, một tương quan vững bền với Đức Kitô Phục Sinh: với cái chết và sự phục sinh, Người đã khai mở “Con đường” dẫn tới “Chân lý” của việc kinh nghiệm về Thiên Chúa, Đấng là “Sự Sống” viên mãn.

Chiều thứ sáu tuần thánh, các tông đồ rơi vào hoảng sợ cần được ủi an bởi Chúa Kitô, khi loan báo cho họ tình yêu của Người: “Thầy không để anh em mồ côi”. Chiều hôm ấy, Đức Giêsu không mấy bận tâm về chính mình, nhưng cho các bạn hữu của Người, Người biết cách sâu xa sự yếu đuối của họ, khổ đau tốt cùng của việc bị bỏ rơi và Người biết làm gì để khích lệ họ. Chính Chúa Giêsu cũng được Thiên Thần tới an ủi trong cơn hấp hối trong Vườn Dầu, trong giây phút mà nảy sinh nơi Người ý muốn thoát khỏi thập giá: “Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén đắng này khỏi con, nhưng không phải ý con mà là ý Cha được thực hiện nơi con”. Chúa Giêsu hứa ban Đấng an ủi cho chúng ta, Người muốn ở với chúng ta luôn mãi: con người, mỗi người đều biết được vực thẳm của thử thách và cô độc. Chúa Giêsu chiến thắng vẻ vang cuối cùng khi thực hiện kế hoạch lớn lao của Tình yêu đối với chúng ta.

Hôm nay, lúc này, Chúa Giêsu nhắc lại cho chúng ta: “Thầy không để anh em mồ côi”. Những lời đã là, bây giờ và mai ngày luôn là một bảo đảm chắc chắn cho những ai đi theo Người, hôm qua, hôm nay, và luôn mãi. Người nói những lời này trong giây phút rất khó khăn hiện sinh của Người giữa chúng ta, tới khi đạt tới đích điểm, gần như trở nên tiếng nói của nỗi sợ hãi của chúng ta, khi bị tất cả bỏ rơi, khi thốt ra từ thập giá: “Lạy Thiên Chúa của tôi, Lạy Thiên Chúa của tôi, tại sao Chúa bỏ tôi” (Mt 27,46). Chúa Kitô Phục Sinh tái khẳng định với chúng ta rằng: “Ai yêu mến thì ở trong tình yêu”, Người mang người ấy trong trái tim cũng như cuộc sống của Người. Chúng ta luôn luôn ở trong Thiên Chúa, Đấng yêu chúng ta từ đời đời. Nếu chúng ta yêu mến Người, Người cũng ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Người.

2.      Nếu anh em yêu mến Thầy…

“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14,15), Câu này lặp lại như một điệp khúc cũng như trong các câu 21 và sau đó là 23 và 24. Đây không phải là một mệnh lệnh, nhưng là khai mở sự tốt lành: “Nếu” anh em yêu mến, anh em sẽ đi vào trong một thế giới mới. Tất cả khởi đầu với liên từ “Nếu”, hạn từ chất chứa sự tế nhị và tôn trọng: nếu anh em yêu mến… “NẾU”: một điểm khởi đầu rất khiêm tốn và tự do và tin tưởng, điều này giúp chúng ta hiểu rằng việc giữ các điều răn của Chúa Kitô không phải là vâng phục một thứ luật bên ngoài, mà là sống với Người trong tình yêu. Như các tông đồ đầu tiên của Chúa Kitô và của Tin mừng, những người đã khởi đi từ tình yêu được sống như là lề luật, cũng vậy, chúng ta bắt nguồn từ tình yêu Chúa Kitô, chúng ta đã khởi hành để tiếp tục bổn phận đem tình yêu Thiên Chúa nhập thể trong thế giới.

Nếu chúng ta yêu mến Chúa Kitô, Đấng ở trong tâm trí, trong hành động và lời nói của chúng ta, và Người biến đổi chúng ta. Khi đó, chúng ta ở trong đời sống tốt lành, cao đẹp và hạnh phúc của Người. Nếu chúng ta yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ giới luật tình yêu của Người, không chỉ chúng ta không làm tổn thương, không phản bội, không nói dối, không sát hại, nhưng cứu trợ, đón nhận và vâng phục.

Trọng tâm của sứ điệp Lời Chúa hôm nay là tình yêu. Đó là tiêu chuẩn để thẩm định tính chân thực của tình yêu đối với Chúa Kitô, là sự vâng phục đối với ý muốn của Người, nghĩa là tuân giữ cách cụ thể những điều răn điều mà nơi Gioan, dẫn tới điều răn yêu thương anh em. Tình yêu là cái gì đó mà khi chúng ta yêu thương một con người, con người này ở trong lòng và trong tâm trí chúng ta, và trở thành nguyên tắc trong đời sống của chúng ta. Chúng ta biết cái gì người đó suy nghĩ, cái làm nên hiện hữu người ấy, và chúng ta làm điều mà người đó làm, bởi chúng ta cũng yêu mến những gì mà người ấy làm. Tóm lại, tình yêu không đơn thuần là cảm giác mà đụng chạm tới tất cả hiện hữu của một con người. Tình yêu:

ü  Đụng tới sự hiểu biết: chúng ta biết một con người nếu chúng ta yêu mến, và “tình yêu là con đường để biết Thiên Chúa” (Đức Phanxicô);

ü  Đùng chạm tới ước muốn: tình yêu là muốn điều tốt cho người khác, quả vậy muốn điều tốt lành của họ;

ü  Đụng tới hành động: nếu đụng tới “sự hiểu biết và ý muốn thì cũng đụng tới hành động, là hành động như người khác.

Tình yêu là sự hiệp thông vào hiện sinh cách thâm sâu, là sự hiệp nhất của sự hiểu biết, ý muốn, và hành động mà làm cho chúng ta giống Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, với chính trí hiểu, ý muốn và hành động của Người. “Ở lại trong tình yêu Chúa Giêsu, nghĩa là tôn Người là chủ trong lòng chúng ta” như thánh Phêrô nhắc nhớ chúng ta trong bài đọc thứ hai.

3.    Đây là những điều răn của Thầy

Chúng ta nhận ra với liên từ “Nếu” được liên kết với đại từ sở hữu “của tôi”. Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em tuân giữ các điều răn”, Người nói các điều răn “của Thầy”. Điều này muốn diễn tả: các điều răn là của Thầy không phải những quy định của từ Thầy, nhưng vì chúng diễn tả những gì là Thầy và tương lai của anh chị em. Các giới răn thâu tóm về Thầy và tất cả đời sống của Thầy, Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ sống như Thầy và với Thầy.

Nếu yêu mến Chúa Kitô, tuân giữ các giới răn của Người, Người sẽ ở trong chúng ta và biến đổi suy nghĩ, hành động của chúng ta, thành tư tưởng, hành động và lời tốt lành của Người. Và như vậy, chúng ta tham dự vào sự tự do, bình an và niềm vui của đời sống trong tình yêu của Người. Thậm chí Chúa Giêsu còn khẳng định, nếu chúng ta sống tình yêu trong niềm tin vào Thiên Chúa, vào Người, chúng ta có thể làm được những việc Người làm và còn hơn thế nữa (cf. Ga 14, 12). Đó là việc biểu tỏ vinh quang của tình yêu như chính Người đã thực hiện. Đó là việc làm chứng cho tình yêu bằng chính đời sống kitô hữu của chúng ta.

Sống chứng tá kitô hữu chính là việc sống giới răn yêu thương cách cụ thể và chân thật. Đó cũng là việc chứng thực niềm hy vọng của chúng ta với lương tâm ngay thẳng, kiên trì trong khiêm hạ để thực hiện ý muốn của Thiên Chúa như thánh Phêrô khuyên nhủ chúng ta: “Anh em hãy sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em… Trả lời cách hiền hoà và đầy lòng kính trọng, hãy giữ lương tâm cho ngay thẳng... thà chịu đau khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý Chúa, còn hơn là điều ác” (1Pr 3,15-17).

 

Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin:
Tags :