Phải Chăng "Sự Gì Thiên Chúa Đã Phối Hợp, Loài Người Đã Phân Ly."?

Sat,05/10/2024
Lượt xem: 134

Nhìn vào thực trạng ngày nay, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy quá nhiều gia đình tan nát, ly hôn, ly dị không chỉ nơi các gia đình ngoài công giáo mà ngay cả trong các gia đình công giáo. Lý do nào mà ngày nay lại xảy ra nhiều tình trạng ly hôn – ly dị như thế? Nguyên nhân nào vậy? Cũng vì đó, mà chúng ta đang đối diện với nhiều hoàn cảnh khổ sở vì bỏ chồng – bỏ vợ, con cái nheo nhóc, mồ côi cha mồ côi mẹ, con cái sa vào các tệ nạn vì thiếu gia đình, thiếu tình thương của bố mẹ. Hậu quả thật sự đau thương khi tình trạng ly hôn – ly dị xảy ra hằng ngày. Là người công giáo, con cái của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi nhìn lại thực trạng đó để cầu nguyện và cố gắng nỗ lực sống tốt cho nhau và cảm thông cho nhau để tình yêu gia đình luôn được bền vững. Đó cũng là lời thúc bách của Chúa Giê-su hôm nay: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10, 9).

Quả thật, ý muốn của Thiên Chúa ngay từ ban đầu là muốn cho muôn loài muôn vật, nhất là loài người luôn được hạnh phúc và bình an trong sự quan phòng của Ngài. Vì thế, Ngài đã thiết định luật hôn nhân để giúp con người có mối tương trợ lẫn nhau, bổ túc cho nhau và cùng nhau xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi nên Ngài cũng muốn sẻ chia tình yêu đó cho nhân loại, cụ thể nơi tổ tông loài người là Adong và Eva. Tuy nhiên, thay vì làm theo và sống theo ý muốn của Thiên Chúa, thì con người đã chạy theo ý riêng của mình và kết cục sinh ra sự chia rẽ, đổ lỗi, mất tương quan và thậm chí giết chết lẫn nhau. Đọc lại những trang đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta thấy rất rõ điều này. Tuy nhiên, thay vì sống Lời Chúa “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10, 9), thì hôm nay một số gia đình đã sống: Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người đã phân ly! Vậy,

1. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rạn nứt, thậm chí ly dị - ly hôn nơi các gia đình trong thế giới hôm nay?

Thiết tưởng lý do đầu tiên là do thiếu hiểu biết, thiếu niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa. Họ quên mất rằng chính Thiên Chúa là chủ mọi sự. Ngài quyết định mọi sự. Con người chúng ta chỉ là người quản lý và là người thực thi các quyết định tình yêu của Thiên Chúa. Con người đi trệch “đường ray” những chỉ định – giới răn của Thiên Chúa thì con người sẽ bị ‘tai nạn’ và sẽ mất tất cả không muốn nói là sẽ tự giết chết chính mình chứ chưa muốn nói đến việc loại bỏ tha nhân. Do tình trạng thiếu học hỏi giáo lý, nhất là giáo lý hôn nhân kỹ càng dẫn đến thiếu hiểu biết về vai trò cũng như trách nhiệm làm chồng làm vợ và làm cha làm mẹ.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng các gia đình ngày nay thường xuyên xảy ra cãi vạ, tranh chấp, đố kỵ và thậm chí khước từ nhau là do thiếu sự tìm hiểu nhau rõ ràng dẫn đến việc yêu vội yêu vàng và cái kết là bỏ nhau rất nhanh chóng. Thiếu giao tiếp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự xa cách trong hôn nhân. Các cặp vợ chồng thường không biết cách lắng nghe, không hiểu và không giải quyết các vấn đề của nhau. Sự bất đồng quan điểm mà không được giải quyết dần dần tích tụ và dẫn đến xung đột. Cũng vậy, giao tiếp không hiệu quả khiến cho những hiểu lầm và mâu thuẫn gia tăng, đôi khi dẫn đến tình trạng ngoại tình hoặc tìm kiếm sự an ủi ở người khác. Đúng là “vô tri bất mộ”, hai người yêu nhau không tìm hiểu, không biết nhau kỹ càng thì tình yêu chỉ đến rồi tình yêu sẽ bay đi. Họ quên mất rằng tình yêu là yếu tố tiên quyết và căn bản của hôn nhân công giáo. Vì thế, không có tình yêu thì không có hôn nhân. Không có tình yêu thì chỉ là xã giao, chỉ là xác thịt, chỉ chóng qua mà thôi.

Tiếp đến, trong xã hội ngày nay đôi khi vì bị đồng tiền chi phối cho nên nhiều người tìm đến với nhau là vì tiền, vì vật chất của cải. Do hiểu sai và do đặt đồng tiền quyết định hôn nhân gia đình nên khi hết tiền, hết của cải thì gia đình tan hoang và đương nhiên đường ai nấy đi. Do đó, yêu vì tiền thì hạnh phúc gia đình không chóng thì chầy sẽ có nhiều nguy cơ tranh chấp và dẫn đến việc ly hôn – ly dị.

Một nguyên nhân nữa cũng là nguyên cớ dẫn đến tình trạng ly hôn – ly dị là ngoại tình và thiếu chung thủy giữa đôi bên. Khi một người trong mối quan hệ không giữ lòng trung thành, nó gây tổn thương sâu sắc cho đối phương và làm tan vỡ niềm tin. Sự phản bội này khó lòng được hàn gắn và thường dẫn đến ly hôn. Phải nói ngay rằng vì tha phương cầu thực, nhiều vợ chồng phải xa cách để đi phương xa kiếm kế sinh nhai nhằm nuôi gia đình, nhưng cũng là mối đe dọa cho các gia đình vì tình trạng ngoại tình, ‘chồng nem vợ chả’. Vì lý do đó mà nhiều cặp vợ chồng, nhiều gia đình đã phải ra tòa, phải chia tài sản và chia con cái. Vậy,

2. Chúng ta phải làm gì để giảm bớt tình trạng ly dị và giúp các gia đình sống chung thủy với nhau suốt cuộc đời?

Là những mục tử, là những người đồng hành, mỗi chúng ta đều có trách nhiệm cầu nguyện cho nhau cũng như giúp nhau, nhất là trong đời sống hôn nhân gia đình để làm sao mỗi gia đình trần gian – tại gia là hình ảnh Hội Thánh thu nhỏ. Lời Chúa Giê-su trong Tin mừng hôm nay “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10, 9), phải chăng là lời mời gọi và là lời nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình hãy ý thức đời sống vợ chồng công giáo chính là sự nối kết, phối hợp của Thiên Chúa. Do đó, mỗi thành viên trong gia đình hãy trân trọng và quý chuộng sự nối kết từ Chúa để nối kết với nhau dẫu không thể tránh khỏi những va chạm, ghen tương và hận thù. Như Đức Giê-su đã yêu thương Hội Thánh và chấp nhận chết vì yêu Hội Thánh dù Hội Thánh còn vương vấn bao tội lỗi, thì người chồng người vợ cũng phải biết cảm thông, tha thứ và chia sẻ tình yêu cho nhau dù người này người kia vẫn còn đó những vết tích của những yếu đuối, sai lẫm và ngay cả tội lỗi. Như Chúa đã tha thứ cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Kinh Lạy Cha chúng ta vẫn đọc mỗi ngày là muốn nhắc nhở chúng ta về điều này. Quả thật, yêu thương là sự hy sinh, và tha thứ là điều cần thiết để duy trì mối quan hệ vợ chồng. Hôn nhân không thể tồn tại nếu không có lòng tha thứ, vì tất cả chúng ta đều không hoàn hảo. Đúng là “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8:7). Và đôi khi chúng ta cũng phải suy nghĩ lại lời Chúa Giê-su nói: “Hỡi kẻ giả-hình, hãy lấy cây đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em.” (x. Lc 6). Như thế, đời sống hôn nhân gia đình mong mới được bền vững.

 Ngoài ra, những nhà chức trách, những mục tử phải ý thức sự đồng hành và gặp gỡ các gia đình trẻ là cần thiết trong bối cảnh nhiễu nhương hôm nay. Chúng ta cần tổ chức các khóa học, các khóa chuyên đề, các khóa thăng tiến hôn nhân gia đình để qua đó giúp cho các gia đình trẻ hâm nóng lại tầm quan trọng của hôn nhân gia đình cũng như giúp giải quyết những rạn nứt, những khúc mắc, những hiểu lầm, những chia rẽ trong đời sống gia đình.

Điều quan trọng hơn hết để giữ cho gia đình công giáo được hạnh phúc và giữ mãi vuông tròn, chúng ta phải biết mời Chúa như là thành viên chính thức trên ‘chiếc thuyền gia đình’ qua việc cầu nguyện sáng tối nơi gia đình, qua việc thúc dục nhau tham dự thánh lễ và các việc đạo đức khác. Vì ‘con thuyền gia đình’ sống giữa trần gian này không thể không có ‘sóng gió, bão tố’ của những hiểu lầm, ghen tỵ, tham lam, ngoại tình, nói xấu, … tự sức chúng ta khó để chèo chống và chiến đấu và đôi khi dễ ngã gục, chúng ta hãy ý thức sự hiện diện của Chúa trên ‘con thuyền gia đình’ của chúng ta để trông cậy vào sức mạnh của Ngài nhờ đó chúng ta vượt qua được mọi phong ba bão táp.

Nguyện xin Chúa ban cho các gia đình Việt Nam sống an lành và hạnh phúc, nhất là các gia đình mà các thành viên không cùng tôn giáo, xin Chúa ban ơn đức tin cho mỗi gia đình. Nguyện xin Chúa tác động mạnh mẽ nơi từng thành viên để bất cứ môi trường nào, những người con của Chúa cũng đủ mạnh mẽ và kiên định sống niềm tin của mình. Cách riêng, chúng con nguyện xin Chúa chúc phúc và nối kết các gia đình đang trên đà ly thân và ly dị để họ biết tha thứ và chấp nhận nhau dù có nhiều chông gai và thử thách. Amen

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

 

 

Nguồn tin:
Tags :