Suy Niệm Chúa Nhật XXVI Thường Niên B - Các Đặc Sủng Vì Ích Chung

Fri,27/09/2024
Lượt xem: 600

Các đặc sủng vì ích chung

(Ds 11,25-29; Tv 18; Gc 5,1-6; Mc 9,37-42.44.46-47)

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhận diện và phân định sự khác biệt của các ân huệ. Các đặc sủng không đối chọi nhau, nhưng hướng tới thiện ích chung – ơn cứu độ con người. Và vì ơn cứu độ - sự sống còn, chúng ta cần nhận ra những trở ngại để đi vào cuộc thanh luyện, cắt tỉa và đồng thời hình thành đời sống chứng nhân đức ái.

1.  Nhận ra các đặc sủng trong Giáo hội

Con người thường có xu hướng vạch rõ ranh giới giữa nhóm này, nhóm kia, phái này, phái nọ, người Do thái, người Hi lạp… Nếu không cùng môn phái, không cùng phe nhóm, người ta khó có thể thực hiện các tương giao, thậm chí tiêu trừ lẫn nhau. Đó không chỉ là câu chuyện nơi cuộc sống ngoài xã hội mà trong Kinh thánh, trong dọc dài lịch sử Giáo hội, nơi chúng ta, cũng đã có những đường ranh tách biệt các ân huệ, đặc sủng của Thần Khí: linh mục dòng, linh mục triều, dòng này với dòng kia, hội này, đoàn thể nọ… cũng không thiếu những kỳ thị, bài loại lẫn nhau.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay, chúng ta bắt gặp hai cảnh huống như thế. Giôsuê đã hỏa tốc báo cho Môsê để ngăn không cho Eldad và Medad phát ngôn; Gioan, người môn đệ Chúa yêu, xin Thầy ngăn cản những kẻ nhân Danh Tôn sư của mình để trừ quỉ vì họ không cùng nhóm. Những ý nghĩ của các môn sinh của Môsê và của Đức Giêsu đều xuất phát từ lòng ghanh tỵ hơn là việc nói lên sự khác biệt, và nhất là không hướng tới việc kiếm tìm thiện ích chung. Nói cách khác, người ta không thấy được tính năng động của các ân huệ của Thần Khí trong đời sống cộng đoàn, những đặc sủng khác nhau nhằm xây dựng ích chung, vì ơn cứu độ con người. Bởi vậy cần thấy mọi thứ mới mẻ – hoa trái của Thần khí trong Đức Kitô.

Những gì mang lại cho việc phục vụ thiện ích của con người, cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa đều xuất phát từ một Thần Khí. Giáo huấn này được thánh Phaolô trình bày trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô 12: các đặc sủng khác nhau nhằm xây dựng Thân thể Chúa Kitô. Ơn nói tiên tri là đặc sủng mà Thiên Chúa tặng ban để giúp Môsê hướng dẫn Dân ưu tuyển trong hành trình sa mạc; để có thể trừ quỉ, người ta phải nhờ tới ngón tay của Thiên Chúa, tức là Thánh Thần. Những việc này đều quy hướng về thiện ích phục vụ con người và là dấu chỉ cho sự hiện diện của Nước Thiên Chúa. “Ai không chống lại Ta là ủng hộ ta”. Ai không đi ngược với Thần khí của Thiên Chúa là đang tiến bước trên con đường của những kẻ tìm kiếm thiên nhan Chúa Trời.

Nếu có ghen tị, nói theo cách của Thánh Phaolô, thì “ghen cái ghen của Thiên Chúa” là để mọi người, để cho anh em mình được đi vào trong sự kết ước với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Vì cái ghen này và vì thiện ích – sự sống còn, cần thực hiện việc nhận diện, phân định những thần khí xấu vốn đối chọi với Thần khí của Đức Kitô, để thực hiện việc thanh tẩy và tiến bước theo Thần Khí của Thiên Chúa.

Trong cuộc nói chuyện với Tòa sứ thần và các tu sĩ dòng Tên ở Slovakia, Đức Phanxicô nói: sự tự do của Tin mừng là tầm nhìn của Giáo hội hiện nay. Ngài nói rằng, một điều đau khổ của Giáo hội hiện nay là cám dỗ đi lùi. Cuộc sống, sự tự do làm cho chúng ta sợ. Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau và thế giới ảo, chúng ta sợ tự do. Đức Thánh Cha khẳng định ngày nay Chúa mời gọi chúng ta tự do, trong sự cầu nguyện và phân định. Đây là một thời đại đẹp, và có thể có cả thánh giá. Do đó, viễn tượng Chúa mời gọi là tiến tới với sự tự do của Tin mừng.

Sự tự do của Tin mừng đòi hỏi mỗi chúng ta đi ra khỏi não trạng khép kín và loại trừ. Đó là một thứ cám dỗ mà chúng ta dễ mắc phải, khóa chặt Tin mừng trong sự ái kỷ của chúng ta. Chỉ có tình yêu bắc những nhịp cầu giúp chúng ta ra khỏi chính mình để phá đổ các bức vách để thiết lập tương quan huynh đệ nhờ mối dây liên kết tuyệt hỏa là đức ái.

2.  Nhận diện những trở ngại và chấp nhận thanh tẩy

Sự sống của thân thể có thể bị tổn hại, thậm chi điêu tàn nếu một phần chi thể bị thương tổn. Qua hình ảnh cột “cối đá lớn” vào cổ người gây gương mù và “cắt bỏ” những chi thể tối quan trọng như tay, chân, mặt, Chúa Giêsu nhấn mạnh việc cần chân nhận những “chướng ngại” trên hành trình của những kẻ tin – những kẻ bé mọn.

Mọi “gương xấu” được ví như việc “đặt bẩy” cho người khác trong cộng đoàn, có thể gây tổn lại tới đức tin – sự sống của những người tin Chúa. Hệ quả từ gương xấu càng nghiêm trọng bởi những người có thế giá trong cộng đoàn, những thừa tác viện của Giáo hội. Chúa Giêsu từng lên án lối sống chuộng hình thức, bất nhất giữa nói và làm, những kẻ dẫn đường mù quáng đưa tới chỗ diệt vong. Vậy nên, chúng ta cần thực hiện việc nhận diện và phân định tương giao của chúng ta với chính mình, với Thiên Chúa và với anh em mình. Đâu là những thương tổn, những chướng ngại cho “sự sống còn” trong đời sống đức tin – ơn gọi và sứ vụ của tôi, của anh em tôi lúc này? “Nếu tay con, nếu chân con, nếu măt con … làm cớ cho con vấp ngã, thì “cắt”, “chăt”, “móc” nó đi” (cc. 43.45.47). Nhận diện chi thể - dù thiết yếu, tối cần-  nhưng đang xâm hại đến sự sống cơ thể thì phải chấp nhận cắt bỏ. Điều này cần thiết đối với sự sống còn của thân thể thế nào, thì càng hệ trọng đối với đời sống thiêng liêng, vì rằng: “Thà cụt tay, thọt chân và chốt mắt mà bảo toàn được sự sống đời đời còn hơn toàn thây mà bị quẳng ra ngoài nơi tối tăm”.

Tiến trình làm người, làm kitô là tiến trình, cùng với Thánh Thần, không ngừng của việc “phân biệt ra”, “làm rõ ra” – educere - sự thật về con người chúng ta. Đó là việc nhận biết chính mình: những khả năng, những ân huệ, những thương tổn, những chấn động để bước vào việc “formatio” của cắt tỉa, nhào nắn, khuôn đúc dáng đứng của môn đệ Chúa Kitô.

Huấn luyện là một công trình biến đổi, công trình này đổi mới con tim và trí óc con người – ứng sinh, để họ có thể phân định đâu là ý Chúa, cái gì tốt, cái gì đẹp lòng Thiên Chua, cái gì hoàn hảo. Suốt tiến trình đào tạo, phát triển nội tâm, nghĩa là khuôn đúc con người linh mục, có mục tiêu chính là dần dần biến linh mục tương lại thành một người có khả năng đọc ra những thực tại của cuộc sống dưới sự soi dẫn của Thánh Thần và hành động theo ý Chúa (RFIS, 43).

Tiến trình lớn lên như thế là việc được nắn đúc bởi luật pháp của Chúa, luật của Tình yêu, luật làm “hoan lạc tâm can” làm cho mỗi chúng ta được “tinh toàn và thanh khiết” khỏi mọi thứ sần sùi, kiêu căng và dòn mỏng. Tiến trình cắt tỉa những thương tích, chướng ngại để trở nên con người lan tỏa hương thơm gương lành bác ái

3.  Chân nhận tầm quan trọng của gương lành - đức ái lôi cuốn

Gương lành là ánh sáng cho người khác. Gương lành được bày tỏ qua đức bác ái vì tình yêu đối với Chúa Kitô và tha nhân. Phần thưởng sẽ không mất đối với ai thức thi đức ái, dầu chỉ là cốc nước lạ. Đức bác ái đối với “những kẻ thuộc về Đức Kitô - kẻ bé mọn” (cc. 41.42) làm cho chúng ta thoát khỏi trạng thái đóng kín của những kẻ ghen tương, giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ vào “thứ của cái hư nát” như Thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai nhắc nhở chúng ta để trở nên tự do của con cái Chúa, con cái của đức bác ái.

Chúng ta được mời gọi “tự đào luyện mình sao cho con tim và cuộc sống mình phù hợp với hình ảnh Chúa Giêsu”, có khả năng yêu thương bằng con tim mới mẻ, quảng đại và tinh tuyền, với lòng siêu thoát thực sự khỏi chính mình, trong khi trao hiến trọn vẹn một cách bền bỉ và trung thành. Và linh mục sẽ cảm thấy điều này như ‘cái ghen’ của Thiên Chúa, của tình âu yếm mang cả sắc thái của tình mẫu tử” (RFIS, 40.39).

Lạy Chúa, xin cho con nhận biết con, nhận biết những khả thể, những ân huệ Chúa ban, để sống giá trị các ân ban trong việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô bằng mối dây liết kết tuyệt hảo là đức ái. Amen.

Lm. Hoa Thập Tự

 

Nguồn tin:
Tags :