Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20
Trong bài đọc I, một thiên thần nói với các môn đệ:
“Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,11).
Đây là một dịp để chúng ta làm sáng tỏ một lần cho tất cả khái niệm thiên đàng hay trời mà chúng ta nói đến có ý nghĩa gì. Trong quan niệm của hầu hết mọi người, nói đến trời là nói đến nơi cư ngụ của Thần Linh. Ngay cả Kinh Thánh cũng sử dụng ngôn ngữ theo nghĩa không gian này:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).
Nhưng với sự ra đời của kỷ nguyên khoa học, tất cả những ý nghĩa tôn giáo này được áp dụng cho từ “trời” hôm nay bị khủng hoảng. Các tầng trời là không gian mà trong đó hành tinh của chúng ta và toàn bộ thái dương hệ di chuyển, và không có gì khác. Có lẽ tất cả chúng ta đều nghe lời tuyên bố của phi hành gia Liên Xô, sau khi trở về từ chuyến đi của mình vào không trung: “Tôi đã bay vào không trung một thời gian dài và tôi không hề gặp thấy Thiên Chúa ở đâu cả!”
Do đó, thật là quan trọng để cố gắng làm sáng tỏ những gì mà chúng ta hiểu khi nói: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” hoặc khi nói rằng có ai đó “đã lên thiên đàng.” Trong những trường hợp này, Kinh Thánh tự thích nghi với cách nói thông thường. Đó cũng là điều mà ngay cả trong kỷ nguyên khoa học, chúng ta vẫn nói rằng mặt trời “lên” và mặt trời “lặn.” Nhưng Kinh Thánh biết rõ và dạy rằng Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, trên thiên đàng, trên trái đất và trong tâm hồn mọi người. Như thế, khi nói “Chúa ở trên trời” có nghĩa là Người “ở trong ánh sáng không thể tới gần được;” như “trời cao hơn đất thế nào” thì Người cách xa chúng ta như vậy.
Chúng ta, những Kitô hữu, cũng đồng ý rằng khi nói về trời như là nơi ở của Thiên Chúa, chúng ta hiểu nó như một trạng thái của sự hiện hữu hơn là một nơi chốn. Nếu chúng ta nói về Thiên Chúa, thật là vô lý khi nói rằng Người ở “trên” hay “dưới,” “lên” hay “xuống” theo nghĩa đen. Do đó, chúng ta không nói trời không tồn tại mà chỉ vì chúng ta thiếu các phạm trù để có thể diễn tả nó một cách đầy đủ và tương xứng, nên mới nói như thế. Chẳng hạn, khi chúng ta yêu cầu một người mù bẩm sinh mô tả cho chúng ta các màu sắc khác nhau: màu đỏ, màu xanh, hay xanh lam… Anh ấy không thể nói với chúng ta bất cứ điều gì bởi vì anh không có nhận thức được màu sắc như chúng ta nhận thức qua cặp mắt của chúng ta. Điều này giống như những gì liên quan quan đến “trời” và cuộc sống vĩnh cửu đối với chúng ta, nó ở ngoài không gian và thời gian.
Trong ý nghĩa mà chúng ta vừa nói, việc chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu lên trời có nghĩa là gì? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong Kinh Tin Kính:
“Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha.
Và Người sẽ trở lại trong vinh quang,
để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”
Như thế, Chúa Kitô đã lên trời có nghĩa là Người “ngồi bên hữu Chúa Cha,” nghĩa là, như một con người, Người đã bước vào thế giới của Thiên Chúa; Người đã được đặt làm Đức Chúa và là đầu của mọi sự, như thánh Phaolô nói trong bài đọc II.
Đối với chúng ta, “lên thiên đàng” hay “về thiên đàng” có nghĩa là bước theo và “sống với Chúa Kitô” (x. Pl 1,23). Thiên đàng của chúng ta là Đấng Kitô Phục Sinh cùng với những ai mà chúng ta sẽ “làm nên” một “thân thể” trong ngày phục sinh của chúng ta. Đôi lúc chúng ta ước ao có ai đó trở về từ thiên đàng để bảo đảm với chúng ta rằng thiên đàng thật sự tồn tại chứ không phải là một ảo tưởng đạo đức. Nhưng điều đó không xảy ra. Có một Người, nếu chúng ta biết nhận ra Người – đã từ trời đến với chúng ta mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể, để bảo đảm cho chúng ta và làm mới lại lời hứa của Người, đó là Đấng Phục Sinh.
Những lời của các thiên thần nói: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời?” cũng ẩn chứa một lời khiển trách: chúng ta không nên chỉ “đăm đăm nhìn trời” và suy đoán những điều xa xăm, nhưng tốt hơn chúng ta phải sống trong sự chờ đợi Người trở lại, bước theo Người, rao giảng Tin Mừng cho đến ngày tận thế, cải thiện cuộc sống hiện tại trong thế giới này.
Chúa Giêsu đã lên trời nhưng Người không xa rời trái đất. Người không còn hiện diện hữu hình với chúng ta nữa, nhưng Người hiện diện một cách vô hình với chúng ta. Như Người đã hứa với chúng ta trong Tin Mừng:
“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Nên mừng lễ Chúa Giêsu lên trời mang lại niềm vui và hy vọng cho chúng ta cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
PGĐ. Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê