Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật VI PS, Năm B: Nghĩa Thiết Với Chúa

Fri,03/05/2024
Lượt xem: 390

 Chúa nhật 6 Phục sinh B

(Cv 10,25-26.34-35.44-48; Tv 97; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17)

Nghĩa thiết với Chúa

Yêu thương, niềm vui và bằng hữu là những thực tại mà sứ điệp Lời hôm nay thông truyền cho chúng ta. Đó là những lời trăn trối, những di sản mà Chúa Giêsu để lại các môn đệ của Người trong diễn từ giã biệt. Theo đó, chúng ta cùng suy niệm qua ba han từ:

1.          Yêu thương – amore

Trong diễn từ giã biệt, Chúa Giêsu hầu như chỉ nhắc đi nhắc lại điểm cốt yếu là tình yêu – yêu thương nhau. Đó là căn cội, là gia sản của người môn đệ, của những ai muốn bước theo Đức Kitô trên hành của Người: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” và “Đây là điều răn của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau”. Yêu thương là căn tính, là cốt cách của con cái Thiên Chúa: “Anh em là môn đệ Thầy, ở điểm này, nếu anh em yêu thương nhau” (Ga 13,34).

Đây là giáo huấn mà Gioan trong bài đọc thứ hai nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau … Vì phàm ai yêu thương thì được Thiên Chúa sinh ra và người đó biết Thiên Chúa” (1Ga 4,7). Chúng ta được mời gọi để sống yêu thương vì Tình yêu bắt nguồn và có khuôn mẫu từ Thiên Chúa: “Chúa Cha đã yêu thương Thầy thế nào, Thầy cũng yêu thương anh em như vậy” (Ga 15,9; x. 1Ga 4,7). Đó là tình yêu trao hiến cho đến cùng, tình yêu không biên cương “hy sinh tính mạng vì người mình yêu” (Ga 15,13).

Chúng ta được mời gọi để sống yêu thương, vì tình yêu đòi một mối tương quan hỗ tương. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, nghĩa là hãy sống giới luật yêu thương. Tất cả ơn gọi và sứ vụ của chúng ta là yêu thương. Mọi tương quan, những gì chúng ta đảm nhận và thi hành, mọi nẻo đường trong cuộc sống phải dẫn tới tình yêu, là phương thế để biểu lộ tình yêu, là mảnh đất để tình yêu lên ngôi. Mỗi chúng ta, những kitô hữu, và cách riêng những người sống đời thánh hiến, chúng ta phải thâm tín như Vị của con đường thơ ấu, Têrêxa: “Trong lòng Mẹ Hội thánh, con sẽ là tình yêu”.

2.          Niềm vui – Gaudium

“Các điều ấy Thầy nói với anh em, để anh em được hưởng niềm vui của Thầy và niềm vui của anh em được nên trọn”. Tình yêu đưa tới hạnh phúc, hoan lạc. Bởi vậy, sau khi nói lên căn cốt của người môn đệ, Chúa Giêsu khẳng định hoa trái của tình yêu chính là niềm vui (Ga 15,11; 16,20.22.24; 17,13). Tuy nhiên, nhiều lúc, chúng ta tự hỏi: “niềm vui nào đây khi bản thân chúng ta, xung quanh chúng ta nhiều lúc bị bủa vây bởi nhiều thương đau, hiểu lầm, nghi kị, loại trừ, bị tra tấn, bị giết chết…?

Niềm vui của Thầy, niềm vui trọn vẹn: đó là niềm vui được yêu thương, được cứu độ; niềm vui được thực hiện ý định của Chúa Cha như chúng ta vẫn ngân nga hát lên nhiều lần “thánh ý Ngài là gia nghiệp đời con, là tình yêu cho con ủ ấp, là ước mơ con luôn đi tìm, là niềm tin cho con vừng lòng chờ mong”; niềm hoan lạc trong Thánh Thần, chứ không phải là thứ “an nhiên tự tại” của người thế, cũng không phải là chút ngẫu hứng của tuổi teen bên bàn nhậu, bên chầu cafee, nơi sàn nhảy …; niềm vui được phục vụ Tin mừng như các tông đồ trong công cuộc Phúc âm hóa mà chúng ta được nghe trong suốt mùa Phục sinh này. Niềm vui đã làm cho các tông đồ từ những kẻ nhát đảm, run sợ, đào tẩu, trở thành những chứng nhân Phục sinh, cam đảm công bố Tin mừng trọng đại trước dân thành Giêrusalem, trước Thượng hội đồng Do thái; niềm vui vì được chịu đau khổ cùng Đức Giêsu; niềm vui vì vâng lời Thiên Chúa hơn là tìm kiếm sự an toàn bản thân nơi người đời.

Mỗi chúng ta, những kitô hữu, và cách riêng những người bước theo Đức Giêsu trên con đường hẹp, đừng bao giờ mang khuôn mặt đưa đám, ủ rủ như thể chiệc bong bóng bì xì hơi, nhưng phải là những con người của niềm vui, luôn biểu lộ khuôn mặt của người được yêu thương và biết yêu, khuôn mặt của những người luôn ở lại trong tình yêu.

3.          Nghĩa thiết – amicitia

“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu”. Chính Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, Đấng đi bước trước, đã nghiêng trời ngự xuống kết thân với chúng ta, gọi chúng ta là “bằng hữu”. Thiên Chúa trở nên bạn hữu với con người, và mời gọi con người trở nên bạn hữu, nghĩa thiết của Người. Đó là một ân huệ lớn lao. Chỉ mầu nhiệm nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của hạn từ: philia – amicitia – tình bằng hữu.

Chúng ta không còn phải kính nhi viễn chi, không còn là nô bộc không có chút quyền gì. Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, cho phép chúng ta sống gần gũi, thân mật với Người. Chúng ta không còn là khách lạ, nhưng là nghĩa tử, người nhà của Thiên Chúa, là bạn hữu của Thánh tử Giêsu. Chúng ta được mời gọi để sống yêu thương, để cộng tác trong tình thân hữu với Đấng đã kêu gọi chúng ta. Chúng ta có ý thức ân huệ lớn lao này không? Phải chăng làm bạn với Chúa thật khó? Vì lẽ nhiều người đã bỏ cuộc, đã chia lìa tình thân hữu với Người, đi tìm an vui bến đậu nơi người thế.

Tôi chưa có tình thân hữu, nghĩa thiết với Chúa Giêsu bởi tôi chưa “ở lại trong tình yêu” của Người, và vì thế tôi chưa có “niềm vui đích thực”.

Lạy Chúa Giêsu là Chúa, là Thầy, là Bạn hữu, là Tình Quân của con, xin lôi kéo con vào tình yêu siêu nhiệm của Chúa, để con được hoan hưởng niềm vui của bạn hữu.

Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin: