Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá Năm A

Fri,03/04/2020
Lượt xem: 1905

                                                                      Bạn chọn thái độ nào?
                                                               Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14–27,66

Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh, là tuần cao điểm của năm phụng vụ, để cử hành và tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Nếu chúng ta để ý, chúng ta thấy phụng vụ của Lễ Lá có sự mâu thuẫn:
Trước thánh lễ, đó là nghi thức rước lá: nghi thức diễn tả thái độ vui mừng và nồng nhiệt của dân Do Thái đón tiếp Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem: họ cầm lá trong tay, rồi còn lấy áo mình trải cho Chúa Giêsu đi, một cử chỉ rất nồng nhiệt như chào đón một vị vua hay Đấng Cứu Thế.
Tuy nhiên, khi bước vào thánh lễ, các bài đọc lại diễn tả toàn là những sự đau khổ của Chúa Giêsu, đặc biệt trong bài Thương Khó.
Đây là sự tương phản mà Giáo Hội có dụng ý muốn diễn tả qua phụng vụ này để làm nổi bật sự mâu thuẫn của thái độ hay thay đổi của con người. Sự mâu thuẫn này bắt nguồn từ lòng dạ của con người, từ trái tim của mỗi người chúng ta: mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm, mâu thuẫn trong thái độ sống, giữa lời tuyên xưng niềm tin và đời sống cụ thể.
Sự thay lòng đổi dạ này là sự kiện lịch sử đã xảy ra trong vụ án Giêsu, mà Giáo Hội truyền lại cho chúng ta để chúng ta khám phá ý nghĩa của nó và giúp chúng ta sống tốt đức tin mình hơn.

1- Thái độ của người Do Thái

Trước hết, thái độ và lòng dạ của Dân Do Thái: Đây là thái độ mâu thuẫn và bất nhất của họ đối với Chúa Giêsu: chỉ trong mấy ngày trước, khi Chúa vào thành Giêrusalem, họ vui mừng, tung hô, hò reo, tôn vinh Chúa là Con Vua Đavít, nhưng sau đó mấy ngày, chính họ là những người hô to: “Đóng đanh nó đi, giết nó đi.” Đó là thái độ bất nhất!

2- Thái độ mâu thuẫn của các môn đệ

Thứ đến là thái độ của các môn đệ, trong đó có thái độ của Phêrô, một môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu, trước đó, ông hùng hổ dám tuyên bố với Chúa rằng ai đến bắt Chúa thì phải bước qua xác con. Vậy mà chỉ sau đó một thời gian ngắn, một cô gái hỏi: “Ông có phải là môn đệ Đức Giêsu không?” Phêrô đã chối đành đạch ba lần rằng: “Tôi không biết Người ấy.” Ôi người nhát đảm quá!
Một Giuđa mới ngày hôm trước ngồi ăn với Chúa, gần gũi với Chúa, thầy thầy, con con, nhưng ngày hôm sau, ông đã bán rẻ Chúa với giá 30 đồng bạc. Ông dùng nụ hôn là nghĩa cử yêu mến để làm dấu cho người ta bắt Chúa. Bên ngoài đạo đức, bên trong là dao găm, nham hiểm! Đồ hai mặt!

3- Thái độ của những người lãnh đạo tôn giáo

Họ là những Luật Sỹ, Kinh Sư hay là thuộc nhóm Pharisêu. Họ là duy lề luật, cứng nhắc, thành kiến và khó thay đổi trong xác tín và niềm tin của mình. Trước sứ điệp mới mẻ của Chúa Giêsu, họ không chỉ không đón nhận mà còn tìm mọi cách để chống đối Chúa Giêsu. Chính họ là những người đã gây nên vụ án của Chúa Giêsu. Họ là những người đạo đức giả, chạy theo bề ngoài, nhưng tâm địa đầy độc ác và gian thâm.
Tuy nhiên, khi suy niệm cuộc khổ nạn Chúa Giêsu, chúng ta không phải chỉ tưởng nhớ những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng khi suy niệm những thái độ sống của những nhân vật trên, chúng ta được mời gọi liên hệ đến mình, soi bóng mình trong đó. Cử hành là liên hệ với đời sống chúng ta.
Nếu hiểu như thế, khi suy ngắm những mâu thuẫn của những người Do Thái và các môn đệ đối với Chúa Giêsu, chúng ta cũng khám phá ra chính chúng ta cũng có những thái độ tương tự như thế đối với Chúa. Sự mâu thuẫn luôn có mặt trong cuộc đời và trong đời sống đức tin của mỗi người.
Mới ngày hôm qua chúng ta đọc kinh, xem lễ đạo đức lắm, nhưng hôm nay đã chối Chúa rồi.
Mới hôm qua hứa với Chúa sẽ không phạm tội, nhưng hôm nay đã phạm tội rồi.
Ở trong nhà thờ chúng ta sốt sắng tuyên xưng Chúa là Vua, Đấng Cứu Độ, nhưng ra khỏi nhà thờ, chúng ta lại sống như những người vô đạo, lừa lọc, gian dối với anh chị em mình…

Nhưng chúng ta có thể chọn theo một trong ba thái độ sau:

Thái độ thứ nhất là tuyệt vọng: Giống như Giuđa, biết mình phạm tội, nhưng ông đã tuyệt vọng trong tội lỗi, và ông đã đi thắt cổ tự tử. Đó là thái độ tuyệt vọng trước tội lỗi của mình và đánh mất niềm tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Thái độ đó đưa đến bế tắc, tự tử.
Thái độ thứ hai là cố tình ở lỳ trong tội: những người lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ, là những người trực tiếp gây ra án chết của Chúa Giêsu, nhưng sau khi Chúa phục sinh, họ vẫn cố tình ở lỳ trong tội, không chấp nhận sám hối, không biết ăn năn để trở về với Chúa.
Thái độ thứ ba là sám hối: Đó là thái độ của Phêrô, ngài ý thức tội của mình, khóc lóc, sám hối, và khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình, xin Chúa tha thứ, nhờ đó, từ kinh nghiệm về tội lỗi và sám hối, ông đã trở thành người đứng đầu trong Giáo Hội và hướng dẫn cộng đoàn, nhờ thái độ khiêm tốn và sám hối của mình.
Như thế, tuyệt vọng, ngoan cố, ở lỳ trong tội, hay là sám hối trở về, trong ba thái độ đó, anh chị em chọn thái độ nào? Câu trả lời là tùy thuộc vào quyết định của anh chị em trước mặt Chúa trong tuần thánh này. Amen!

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương

Nguồn tin: Người Ngư Phủ