Suy niệm Chúa Nhật Khánh Nhật Truyền Giáo - Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Sat,22/10/2022
Lượt xem: 1393

Truyền giáo,
sứ mạng của mỗi người
Kitô hữu

Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo

Chúa Nhật XXX - Thường Niên C

Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cử hành Khánh Nhật Truyền Giáo. Qua thánh lễ này, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta ý thức về sứ vụ truyền giáo của mỗi Kitô hữu là loan báo Tin Mừng cho mọi người.

1. Lý do phải truyền giáo

Quả thế, truyền giáo là bổn phận chính yếu của người Kitô hữu. Bởi lẽ, truyền giáo là lệnh truyền của Chúa Giêsu:

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-16; x. Mt 28,19-20).

Tại sao chúng ta phải truyền giáo? Chúng ta được mời gọi phải truyền giáo, bởi vì, Thiên Chúa muốn cho mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ nhờ việc tin vào Đức Giêsu Kitô (x. 1 Tm 2,4). Chúng ta may mắn được nhận biết Chúa Kitô và tin vào Người. Hồng ân này cần phải được chia sẻ cho người khác để họ cũng nhận biết và tin vào Chúa Kitô như chúng ta.

Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Ad Gentes nói rằng: “Bản chất Giáo Hội là truyền giáo.” Giáo Hội được thành lập để truyền giáo. Từ hơn hai mươi thế kỷ qua, Giáo Hội luôn cố gắng thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu, nhờ đó, Tin Mừng được phổ biến rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Giáo Hội bắt đầu từ một nhóm người rất nhỏ bé, nay đã trở thành một đại gia đình rộng lớn và phát triển mạnh mẽ khắp mọi nơi và mọi dân tộc.

Trong bối cảnh hiện nay, Giáo Hội càng phải tích cực hơn nữa để tiếp tục sứ vụ này. Có thể nói rằng đây là thời điểm mới của truyền giáo. Chúng ta cần phải ra đi để loan báo Tin Mừng cho những người xung quanh chúng ta.

Khi xem xét và nhận định về tình hình của thế giới hôm nay, trong Tông Huấn ‘Niềm Vui Tin Mừng,’ Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói tới ba đối tượng mà chúng ta phải hướng tới để loan báo Tin Mừng.

2. Đối tượng của truyền giáo

Đối tượng thứ nhất đó là những người đã được rửa tội và đang thực hành niềm tin của mình một cách bình thường. Đối tượng này là mỗi người trong cộng đoàn giáo xứ, trong gia đình chúng ta. Mỗi người cần phải tiếp tục Tin Mừng hóa bản thân bằng việc lắng nghe Lời Chúa, nội tâm hóa các giá trị Tin Mừng, thực hành Lời Chúa, nhờ đó chúng ta trở thành những người Kitô hữu đích thực, những người đượm chất Tin Mừng, chứ không phải chỉ là những Kitô hữu trên danh nghĩa. Từ việc Tin Mừng hóa bản thân, chúng ta có thể Tin Mừng hóa gia đình, giáo xứ và môi trường sống. Có thể nói đây là phạm vi mục vụ thông thường.

Đối tượng thứ hai cần được tân Phúc Âm hóa là những người Kitô hữu đã được rửa tội, nhưng nay không còn thực hành niềm tin, không đến nhà thờ nữa, và đã rời bỏ Giáo Hội. Nếu nhìn vào bức tranh truyền giáo của thế giới, những đối tượng này phần lớn thuộc các nước ở châu Âu, châu Mỹ và châu Úc. Ở đó, có rất nhiều người Công Giáo nhưng chỉ trên danh nghĩa, họ không còn sống niềm tin của mình. Có thể nói rằng cánh đồng truyền giáo cho những đối tượng này thật bao la bát ngát. Những người này cần được tiếp tục tái truyền giáo, nhờ đó họ trở lại sống niềm tin của mình.

Đối tượng thứ ba là những người chưa biết Chúa Kitô và Tin Mừng, họ là những người không có tôn giáo nào cả, hoặc thuộc về một tôn giáo nào đó, nhưng chưa nhận biết Tin Mừng và chưa tin vào Chúa Kitô, họ là những người lương dân sống bên cạnh hay trong cộng đoàn. Chúng ta chỉ cần nhìn vào nước Việt Nam, trong số 100 người, chỉ có 8 người là Công Giáo. Như thế, phần lớn là những người chưa biết Tin Mừng Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi đến với những người này, để truyền giáo cho họ.

 3. Cách thức truyền giáo

Vậy làm sao chúng ta có thể truyền giáo cho con người hôm nay? Để trả lời câu hỏi này, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói đến ba cách thức truyền giáo:

• Cách thứ nhất là cử hành phụng vụ.

Nghĩa là truyền giáo bằng việc cử hành các bí tích, đọc kinh, cầu nguyện hằng này. Bởi lẽ, dân Chúa được hình thành nhờ việc cử hành và tham dự các bí tích. Mỗi người được mời gọi mỗi ngày, mỗi Chúa Nhật đến tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa. Qua việc tham dự phụng vụ, chúng ta sống thân tình với Chúa Kitô, nhờ đó, chúng ta được Lời Chúa và Thánh Thể nuôi dưỡng. Một người Kitô hữu đích thực là một người siêng năng tham dự các bí tích. Không thể là Kitô hữu nếu ngày Chúa Nhật họ không đến nhà thờ.

• Cách thức thứ hai là rao giảng Tin Mừng.

Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ: “Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” Truyền giáo là loan báo Lời Chúa. Ngày hôm nay chúng ta cần phải ra đi và chia sẻ Tin Mừng cho những người xung quanh chúng ta. Trong mỗi cuộc gặp gỡ, chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm đức tin của mình cho họ. Chúng ta có thể kể chuyện về Thiên Chúa cho người khác nghe. Chúng ta có thể làm được điều này trong mọi hoàn cảnh, khi gặp gỡ, khi điện thoại, khi thăm viếng, khi đi đường, khi ở nhà hoặc khi làm việc. Tất cả là cơ hội để chúng ta rao giảng Lời Chúa, nói chuyện về Chúa cho người khác.

• Cách thức thứ ba là làm chứng bằng đời sống bác ái.

Truyền giáo bằng những việc làm cụ thể, bằng chính đời sống bác ái. Chúng ta đến thăm viếng những người già, người nghèo, người đau khổ, người bị bỏ rơi trong xã hội. Chúng ta giúp đỡ họ, an ủi họ. Qua những việc làm cụ thể, họ nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Kitô. Bởi vì, lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn. Những hành vi bác ái cụ thể là những bài giảng hùng hồn nhất về Thiên Chúa. Đây là cách thức truyền giáo hiệu quả.

Như thế, trong cả ba cách thức trên, chúng ta đều có thể áp dụng để truyền giáo. Chúng ta hãy mạnh dạn truyền giáo, đừng sợ hãi, đừng ngần ngại, bởi vì, có Chúa Thánh Thần đồng hành và nâng đỡ chúng ta như Người đã đến trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,10-20). Nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần, từ những người nhát đảm, sợ sệt, các Tông Đồ trở thành những người mạnh mẽ, can đảm và hăng say loan báo Tin Mừng, họ có những quyền năng như chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, làm phép lạ… (x. Mc 16,15-20). Tất cả là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Bởi vì Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của công cuộc loan báo Tin Mừng.

Chúng ta được mời gọi hãy mở tâm trí ra và để cho Chúa Thánh Thần biến đổi, nhờ đó chúng ta trở thành những người nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng cho những người xung quanh. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

PGĐ. Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê

 

Nguồn tin: