Vọng ngóng trong canh thức nguyện cầu

Sat,27/11/2021
Lượt xem: 1764

 CHÚA NHẬT I MV C

(Gr 33,14-16; 1 Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36)

VỌNG NGÓNG TRONG CANH THỨC NGUYỆN CẦU

Lm. Hoa Thập Tự

Chúng ta bước vào một chu kì Phụng vụ mới với Mùa Vọng. Mùa Vọng, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta điều gì? Các bài đọc phụng vụ Lời Chúa hôm nay diễn tả ý nghĩa của mầu nhiệm chúng ta đang cử hành: Mùa Vọng, mùa loan báo niềm vui cứu độ: loan báo việc Chúa sinh ra, loan báo ngày trở lại của Chúa Giêsu; Mùa Vọng, mùa mong ngóng đợi trông; Mùa Vọng, mùa canh thức nguyện cầu.

1. Mùa Vọng, mùa loan báo niềm vui cứu độ

Mùa vọng là mùa của những lời loan báo:  Loan báo Chúa Giêsu sinh ra, loan báo thời cứu độ, thời mà Đức Chúa sẽ thực hiện việc giải phóng Israel với sự xuất hiện của CHỒI NON CÔNG CHÍNH cho triều đại của David như Giêrêmia loan báo trong bài đọc thứ nhất. Qua mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, thời công lý & hòa bình ấy đã được thực hiện, và chúng ta đang hướng về ngày mà TRIỀU ĐẠI CÔNG LÝ NGỰ TRỊ cách sung mãn.

Đó là việc loan báo ngày trở lại của Chúa Kitô, về NIỀM HY VỌNG HỒNG PHÚC của chúng ta. Lời loan này là trọng tâm của các bài đọc trong Mùa Vọng, cách riêng trong các bài đọc thứ hai và bài Tin Mừng hôm nay, rằng: “Ngày của Con Người” “sẽ đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả” (Lc 21,27) “với các thánh của Người” (1Tx 3,12).

Mặc dầu việc loan báo về ngày của Con Người với những biến động rung chuyển trên trời đất và biển cả, làm cho “người ta hồn siêu phách lạc”, nhưng trọng tâm vẫn là việc loan báo niềm vui trọng đại, niềm vui ơn cứu độ, điều mà thánh Phaolo nhắc nhớ: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại, vui lên anh em. Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi. Chúa đã gần đến” (Pl 4,4-5).

2. Mùa Vọng, mùa mong ngóng, đợi chờ

Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Từ ngữ Chúa đến” được nhắc đi nhắc lại nhiều trong phụng vụ, với bốn chiều kích: Chúa đến trong lịch sử nhân loại, chúng ta đang hưởng về ngày Đại Lễ Giáng Sinh, mừng kỉ niệm Mầu Nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14); Chúa đến trong ngày phán xét chung, ngày quang lâm; Chúa đến trong giờ chết của mỗi người; Chúa đến trong ơn thánh hằng ngày.

Mùa Vọng chính là mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi Chúa đến.

“Mùa mãi trong ta mùa vọng ngóng
Mỗi nhịp đời một nhịp đợi. Khôn ngơi… 
Mong Người đến giữa cuộc trần cháy bỏng
Thánh hóa ta bằng dịu ngọt sương trời

Ta về với mùa về thao thức
Đốt đời lên trong thơm ngát hương trầm
Trong lặng lẽ lời kinh và ánh nến
Dọn đời như máng cỏ âm thầm

Đêm canh thức ta cầm đèn đón đợi
Mời Người vào giữa loạn lạc đời ta
Đêm sẽ sáng bừng lên mùa nắng mới
Có Người, sa mạc cũng nở hoa” (Cao Gia An.S.J)

3. Mùa Vọng, mùa thức tỉnh, nguyện cầu

Để mùa vọng trở nên mùa của niềm vui, Chúa Giêsu gọi mời chúng ta cần có tâm thái của người đón đợi ơn cứu độ:

Thứ nhất, Đứng thẳng và ngẩng đầu lên”: Đứng thẳng là động thái hiên ngang dũng cảm vượt trên mọi đam mê tội lỗi. Đứng thẳng mới khỏi sa chước cám dỗ và những lôi cuốn mời mọc hấp dẫn trong cuộc đời; Ngẩng đầu lên: đây là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả.

Đó là tâm thái của Đức tin, đức cậy, đức mến mà thánh Phaolô nhắn nhủ giáo đoàn Thesalonica: “Chúng ta hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ” (Tx 5, 8).

Thứ hai, Người đứng thẳng và luôn ngẩng cao đầu là người  luôn  tỉnh thức và cầu nguyệnđể “ngày đó không còn thình lình đến như chiếc lưới chụp xuống”, đểđủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến, và đứng vững trước mặt Con Người”.

Thức tỉnh và cầu nguyện không chỉ giúp  tín hữu  thoát khởi nỗi sợ hãi từ những biến cố bất chợt xẩy ra, nhưng là canh chừng trước tình thần thế tục. Thánh Phaolô nhắc nhớ: “Anh em hãy tỉnh thức và hãy cầu nguyện luôn!… hãy đề phòng, đừng để cho lòng trí mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em“. Ngài còn khuyên: “những ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cor 10,12).

Thức tỉnh và nguyện cầu giúp tín hữu giữ chân tính Kitô và nhận ra manh lới, sức mê hoặc của tinh thần thế tục. Đức Phanxicô nói: Đừng hủy bỏ căn tính Kitô hữu, cũng đừng mặc lấy tinh thần thế gian, vì những điều ấy tất yếu dẫn đến việc chối đạo và những bách hại.”[1] Lúc bắt đầu, tinh thần thế gian là một mầm mống nhỏ bé, nhưng khi lớn lại trở thành đồ ghê tởm khốc hại, và kết thúc trong sự bắt bớ, chết chóc. Chính tinh thần thế tục sẽ hủy hoại căn tính Kitô hữu và dẫn tới một não trạng “bầy đàn”:

Ngài nói: “Trong thời đại ngày nay, chúng ta dễ bị tinh thần thế tục tiêm nhiễm cách chậm rãi từ từ, và sau đó sẽ phát triển lớn mạnh, hợp lý hóa chính mình và bắt đầu gây nhiễm bệnh. Rất nhiều những thứ xấu xa đã xuất phát từ đó. Nó làm cho người kitô đắm chìm trong niềm vui thế sự, không còn mảy may về thực tại Nước Trời.” Đó là thảm họa đang sập xuống nhân loại hôm nay.

Câu chuyện minh họa: Trong một Trung Tâm điều tra, có ba xác chết đều có bộ mặt đang mỉm cười. Một nhà báo đặt câu hỏi về nguyên nhân cái chết của họ. Người hữu trách trả lời:

-       Đây là ông A. Ông ta chết ngay sau khi biết tin mình trúng xổ số 10 tờ độc đắc.

-       Và Đây là B. Ông ta chết khi nghe tin toà án cho ly dị vợ mà không phải chia gia sản được hưởng toàn bộ.

-       Còn đây là C. Ông ta chết vì bị sét đánh.

Hai người trước thì có thể hiểu được nụ cười, còn ông này cười cái gì? Phóng viên hỏi:

Ồ, ông này say rượu, khi thấy tia sáng của sét đánh xuống mà ông ta cứ ngỡ mình đang được chụp hình nên vẫn cứ cười !

Người ta chết với những nụ cười, không phải là nụ cười của niềm vui trào tràn của việc mong ngóng ơn cứu độ, nhưng là niềm vui trần tục. Thế giới vô cảm hôm nay đang thỏa mãn với niềm vui chóng tàn, còn tôi, đâu là niềm vui mà tôi đang hoan hưởng? 

Trong cuộc thăm viếng đan viện Clara ở Spello gần Assisi ngày 12.11.2021, Đức Phanxicô ngỏ lời với các nữ đan sỹ bằng câu nói nổi tiếng của thánh Augustinô: “Tôi sợ rằng khi Thiên Chúa đi ngang qua và tôi không nhận ra Người”. Ngài khuyến khích các nữ đan sĩ luôn siêng năng chiêm niệm. Một tâm trí tốt là một tâm trí không lãng phí thời gian cho những tư tưởng để tán gẫu. Trong lúc chờ đợi Chúa, chúng ta phải có một tâm hồn bình an và phải nhớ lại khoảnh khắc của ơn gọi, giây phút con tim cảm thấy niềm vui bước theo Chúa Giêsu. Xin Chúa giúp chúng ta luôn hướng lòng về trời cao, trong NIỀM HY VỌNG HỒNG PHÚC, NGÀY CHÚA TRỞ LẠI.



[1] Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 16. 11.2015, tại nhà nguyện Santa Marta

Nguồn tin:
Tags :