Yêu Thương, Chân Tính Môn Đệ (Suy Niệm Chúa Nhật V Phục Sinh C)

Thu,15/05/2025
Lượt xem: 933

Yêu Thương, Chân Tính Môn Đệ

(Cv 14,20b-26; Tv 144; Kh 21,1-5a; Ga 13, 31-33a.34-35)

“Tất cả đường lối Chúa là tình yêu và thành tín”, bởi Người là Tình yêu. Ai yêu thương thì biết Thiên Chúa và được Thiên Chúa sinh ra. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm và sống chân tính của chúng ta, đó là TÌNH YÊU. Xin được gợi lên 3 điểm suy niệm:

1.  Yêu thương, giới răn mới, lời trăng trối của Chúa

Chúa Giêsu tuyên bố với các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau” (c.34). Đây là lời trăng trối của Chúa Giêsu cho các môn đệ, cho Giáo hội, cho mỗi chúng ta. Nhưng tại sao gọi là giới răn mới? Trong sách Lề Luật có chép: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”. Vậy tại sao Chúa lại gọi điều răn ấy là mới, trong khi Người biết chắc điều đó đã có từ xưa?

Thánh Augustinô khi minh giải về điều này đã viết: “Phải chăng điều răn ấy mới vì nó mặc cho ta con người mới, sau khi con người cũ được cởi bỏ? Thật vậy, tình yêu đổi mới những ai nghe điều răn đó, nói đúng hơn với những ai tuân giữ. Tuy nhiên, tình yêu nói ở đây không phải là bất cứ tình yêu nào, nhưng là thứ tình yêu khác với tình yêu phàm nhân, như Chúa muốn phân biệt khi nói thêm: “như Thầy đã yêu thương anh em”. Tình yêu đó đổi mới, làm cho chúng ta thành những con người mới, những kẻ kế thừa Giao Ước mới, những người hát bài ca mới”.[1]

2.  Yêu thương như Chúa đã yêu thương

Chúa Giêsu không đưa ra một khẩu hiệu, một mệnh lệnh chung chung rồi buộc người ta thi đua như thiên hạ vẫn làm, nhất là trong thời mà quảng cáo, tiếp thị lên ngôi như hôm nay. Không phải là thứ tình yêu “nơi đầu môi chót lưỡi” nhưng là tình yêu đích thực như Thánh vịnh 144 thưa lên: “Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và t bi với công cuộc của Chúa” (c.8-9).

Tình yêu Thiên Chúa không chỉ được cảm nghiệm qua kỳ công của Người mà còn được biểu lộ, được nhập thể nơi Đức Giêsu, khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa. Người mời gọi chúng ta thực thi đức yêu thương với khuôn mẫu là chính Người: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”

Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta bằng tình yêu trọn vẹn: “yêu cho đến cùng” (Ga 13,1), yêu đến “hiến mạng sống cho người mình yêu” (Ga 15,13). Đối với Chúa Giêsu, tình yêu là trao ban, là phục vụ của những người thân hữu: “Thầy không coi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy coi anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,15). Người là Chúa, là Thầy, các môn đệ là con người, là môn đệ những được ngồi đồng bàn, được gọi là bạn hữu. Nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ cũng được, nhưng không vậy, Chúa đã coi họ là bạn hữu ngang hàng với Người, “tri âm tri kỷ” nên “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Người là mẫu gương của mỗi chúng ta. Thánh Phêrô chân nhận điều đó: “Đức Kitô chịu đau khổ vì anh em, để lại cho anh em một mẫu gương để anh em dõi bước theo Ngài” (1Pr 2,21). Nhạc sĩ Cao Huy Hoàng, trong bài hát “Xin định nghĩa tình yêu” đã viết: “Yêu là chết đi, là đóng đinh, là biết hy sinh cho người mình yêu. Yêu hãy đừng nói yêu nhưng là hãy yêu bằng tình yêu mến mến yêu. Yêu! Yêu là chết đi, yêu là đóng đinh là biết hy sinh cho người mình yêu. Yêu hãy đừng nói yêu nhưng là hãy yêu bằng tình chung thủy, bằng tình thủy chung”. Và ông dẫn tới khuôn mẫu trong điệp khúc: “Hãy yêu như Giêsu, chết đi cho dương gian, đóng đinh cho người mình yêu mến. Hãy yêu trong an vui, thủy chung trong đau thương, sống trong cuộc đời đầy mến yêu”.

3.  Yêu thương, dấu chỉ nhân ra môn đệ Chúa

Yêu thương làm nên cốt cách của người kitô hữu, là dấu chỉ để nhận ra nhau là môn sinh của Thầy Giêsu: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Truyện kể rằng: “Một vị giám mục kiểm tra khả năng của một nhóm dự tòng xin lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy. Ngài hỏi: Bằng dấu chỉ nào mà người khác nhận ra các con là người Công giáo? Không có tiếng trả lời. Rõ ràng, không có ai ngờ một câu hỏi như thế. Vị giám mục lặp lại câu hỏi. Và ngài lặp lại thêm một lần nữa, lần này ngài làm dấu Thánh giá có ý nhắc nhớ cho các người dự tòng một câu trả lời chính xác. Bất chợt một ứng viên trả lời: Đó là tình yêu. Vị giám mục rất ngạc nhiên! Khi sắp mở miệng nói “sai”, ngài bỗng kịp thời im lặng. Thánh giá biểu lộ tình yêu. Dấu chỉ của tình yêu là Thánh giá. Đạo Công giáo là đạo của bác ái yêu thương.

Đạo của chúng ta là đạo yêu thương, và do đó, chúng ta là con cái của tình yêu, sự hiện diện của chúng ta phải là sự hiện diện của tình yêu. Công việc, sứ vụ của chúng ta phải nhập thể tình yêu, làm cho tình yêu lên ngôi và triển nở trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, trong những môi trường, công việc, trong các tương quan của chúng ta.

Nhìn nhà thờ, khuôn viên, nhà xứ của chúng thật đẹp và tráng lệ, ước gì đó là thành quả, là sự phản chiếu đời sống đức tin, là hoa trái của tình yêu mà chúng ta đã rắc gieo trong cuộc sống. Ước gì mỗi khi người ta, nhất là những người chưa nhận biết Chúa, nhìn vào tháp nhà thờ, khi nghe tiếng chuông ngân vang, người ta nhận ra dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa gọi mời, làm cho lòng người nếm cảm được niềm vui, bình an và hoan lạc.

Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy, nếu anh em biết yêu thương nhau” (Ga 13,35). “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc làm của anh em, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ng trên trời” (Mt 4,16).

Lm. Hoa Thập Tự

 

 

 

 



[1] Bài đọc Kinh sách thứ 5 Tuần IV PS

Nguồn tin:
Tags :