Ba Ngôi Trong Những Suy Tư Đương Thời (1) - Ngôi Vị Tính Của Chúa Thánh Thần

Tue,23/11/2021
Lượt xem: 2196

“Mỗi lời cầu nguyện đích thực được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện cách bí nhiệm trong mỗi trái tim con người” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bài phát biểu với các Hồng Y, 11/1986).

Trước khi suy tư về ngôi vị tính, những hành động, tên gọi, và hình ảnh dành cho Ba Ngôi, cũng cần lưu ý rằng chúng ta đang tìm hiểu về Ba Ngôi Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi phải tìm hiểu về sự hiện hữu cá vị của Chúa Thánh Thần, bởi lẽ có điều gì đó không được nhận biết cách rõ ràng về Người. Trong những lá thư của thánh Phaolô và những nơi khác, người ta đặc câu hỏi phải chăng Thần Khí chỉ là sự nhân cách hóa các hoạt động và biểu lộ Thiên Chúa? Nếu “Khôn Ngoan” trong Cựu Ước mang những đặc tính ngôi vị và không phải là một ngôi vị phân biệt, tại sao chúng ta lại phải đi tìm kiếm một ngôi vị phân biệt trong những gì có thể coi là ít diễn tả những đặc tính ngôi vị, là “Thần Khí” đó chăng? Trường hợp đức khôn ngoan trong Cựu Ước cho chúng ta thấy rằng những đặc tính ngôi vị không đủ minh chứng sự hiện diện một ngôi vị phân biệt; chúng ta có thể hiểu đây chỉ là một sự “nhân cách hóa” thuần túy. Vấn đề đặt ra là: loại đặc tính nào có thể hướng tới kết luận mà chúng ta đối diện với một ngôi vị phân biệt theo nghĩa hữu thể? Dựa vào đâu để có thể chứng minh rằng chúng ta không chỉ tìm thấy một dạng thức mới của hoạt động thần linh trong lịch sử cứu độ mà còn là một sự hiện diện cá vị và phân biệt? Có phải chúng ta tìm thấy trong các thư của Phaolô và những trước tác Kitô Giáo sau này chứng tá cho một kinh nghiệm hướng dẫn các tín hữu đi xa hơn và vượt lên ý tưởng của Do Thái để nhận biết trong Thiên Chúa không chỉ có một ngôi vị phân biệt là Chúa Con nhưng còn có một ngôi vị phân biệt là Chúa Thánh Thần?

1. Một sự hiện hữu phân biệt

Hai tín biểu quan trọng của Kitô giáo nói rất ít về Chúa Thánh Thần và về Ngôi vị Người. Hơn 50 năm sau lời tuyên tín từ Công Đồng Nicea (“Chúng tôi tin Chúa Thánh Thần”), Công Đồng Constantinople I (381) nhận thấy cần phải nói nhiều hơn, bởi vì nhóm Pneumatomachi phủ nhận thần tính Chúa Thánh Thần. Từ đó, Công Đồng thêm:

“Chúng tôi tin kính Chúa Thánh Thần, là Đức Chúa và là Đấng Ban Sự Sống, Người bởi Đức Chúa Cha mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.”

Công Đồng Constantinople I cũng đã quy chiếu về sự thụ thai đồng trinh như Mátthêu và Luca khẳng định để nói lên vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong biến cố này. Thật vậy, nhập thể được diễn ra nhờ Chúa Thánh Thần và Đức Trinh Nữ Maria. Tín biểu Nicea – Constantinople tuyên xưng rất ít về căn tính và hoạt động của Chúa Thánh Thần: Người là Đức Chúa và được phụng thờ cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, nghĩa là Người là Thiên Chúa; Người nhờ các tiên tri mà phán dạy; Người luôn hiện diện và đồng hành với Chúa Giêsu.

Mặc dầu tín biểu của các Tông Đồ nói rất ít về Chúa Thánh Thần, chỉ tuyên xưng quyền năng Chúa Thánh Thần hoạt động nơi mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu, và Người là đối tượng của đức tin (Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần). Dầu nói rất ít, nhưng tín biểu này là một tuyên xưng niềm tin rất quan trọng. Cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Chúa Thánh Thần là đối tượng của niềm tin chúng ta vì Người là một ngôi vị.

Các giáo phụ đã suy tư và phát triển cách phong phú hơn thần học về Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn, suy tư của thánh Augustinô về Chúa Thánh Thần như là Tình Yêu mà Chúa Cha và Chúa Con dành cho nhau. Mặc dầu giáo huấn ấy có nhiều điều thú vị, tuy nhiên, cách thức chú giải về tương quan Chúa Cha/Chúa Con của thánh nhân cho thấy có điều gì đó vẫn rõ ràng và thụ động về Chúa Thánh Thần mà không có một hoạt động xét theo ngôi vị. Tình Yêu mà Chúa Cha và Chúa Con ban tặng cho một ngôi vị thứ ba xem ra có thể không cho phép để xác định một căn tính rõ ràng áp dụng cho Chúa Chúa Thần. Tại sao và làm sao quà tặng tình yêu hỗ tương (từ hai, bởi hai và tới hai ngôi vị) làm phát sinh một ngôi vị thần linh phân biệt? Lịch sử cứu độ, đặc biệt mạc khải Tân Ước minh chứng và giải thích điều này để giúp chúng ta trả lời câu hỏi đó.

Từ sự nhân cách hóa của Cựu Ước, Thần Khí Đức Chúa đã hoạt động trong tạo thành và trong sứ vụ của các tiên tri, chúng ta chuyển sang Tân Ước nơi mà tương quan với Chúa Giêsu và các môn đệ Người làm chứng về ngôi vị tính và hoạt động cá vị của Chúa Thánh Thần. Nhờ Người, Thiên Chúa sáng tạo và thánh hóa con người của Chúa Giêsu, kết hợp bản tính nhân loại với ngôi vị Con Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần tác động để mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa được thực hiện, Người thánh hóa và kết hợp bản tính nhân loại vào trong ngôi vị của Con Thiên Chúa. Đó là công trình thật lớn lao do quyền năng Chúa Thánh Thần thực hiện. Theo thánh Luca giải thích: Sứ vụ của Chúa Giêsu sẽ cho thấy Chúa Thánh Thần là nguyên nhân của những hoạt động cá vị của Chúa Giêsu như việc loan báo tin mừng cho người nghèo khổ, giải thoát những ai bị tù đày, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền (x. Lc 4,18-21). Hiệu quả này minh chứng có một tác nhân ngôi vị, hơn là một sức mạnh thuần túy, hay một hành vi siêu nhiên nào đó hoạt động.

Sự phục sinh của Chúa Giêsu mạc khải quyền năng ngôi vị (hơn là một sức mạnh chung chung) thể hiện trong hoạt động này (Rm 8,11). Chúa Thánh Thần đã hoạt động cách tài tình và quyền năng trong mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu, Người ban sự sống thần linh vì Người là Đấng Ban Sự Sống.

Đối với các tội nhân sám hối, Chúa Thánh Thần ban ơn giải thoát khỏi tình trạng của cái chết (Rm 7,24) đi vào đời sống mới và bình an (Rm 8,6). Người cũng hoạt động như một ngôi vị để đổi mới tâm hồn con người khi lắng nghe sứ điệp của Chúa Giêsu. Tin Mừng Gioan áp dụng điều này cho cả Chúa Cha, Đấng lôi kéo con người tới Chúa Giêsu (Ga 6,44.65), hay Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống (Ga 6,63; 3,6). Chúa Thánh Thần làm chứng cho Chúa Giêsu và nhắc lại cho các môn đệ mọi điều họ đã được Chúa Giêsu chỉ huấn (Ga 14,26; 15,26). Theo sách Khải Huyền, Thần Khí hướng dẫn các tín hữu qua việc “nói với bảy Giáo Hội (Kh 2,7; 3,6 tt). Trong ngôn ngữ của Phaolô, Thánh Thần là Đấng giúp các tín hữu nhận biết và tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa (1 Cr 12,3) và Người là Đấng khắc tạo hình ảnh Chúa Kitô trong trái tim con người (2 Cr 3,2-3). Thánh Thần thánh hóa các tín hữu và làm cho họ trở nên con cái Thiên Chúa. Đó là những công việc của một ngôi vị.

Trong đời sống Giáo Hội, Thần Khí ban tặng vô số ân sủng để xây dựng Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô (1 Cr 12,4-13). Thánh Thần ban sức mạnh cho những người được rửa tội để kết hợp với Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha và đưa mọi đau khổ của con người cũng như mọi thụ tạo tới sự giải phóng chung cuộc và biến đổi hoàn toàn (Rm 8,14-30). Chúa Thánh Thần đã bắt đầu những công việc thuộc cánh chung. Đó là những việc làm minh chứng Thánh Thần là một tác nhân có ngôi vị.

Khi mạc khải tương quan giữa Chúa Giêsu và con người, với những người khác, với toàn thể thế giới thụ tạo và Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần thực hiện những hiệu quả trong chương trình cứu độ, đó là những việc làm đòi hỏi phải là một tác nhân ngôi vị. Chúng ta có thể tóm tắt rất nhiều điều về hoạt động của Thánh Thần như là người mang Chúa Kitô đến ở với, cho và trong chúng ta. Nhờ việc ban sức mạnh cho Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần làm cho Người đến hiện diện với chúng ta qua việc nhập thể, để chúng ta cũng được kết hợp với đời sống, sứ vụ của Người. Nhờ Thánh Thần, Đấng Phục Sinh hiện diện trong chúng ta qua biến cố Chúa từ cõi chết phục sinh.

Sự khác biệt giữa khuôn mặt của “Bà Chúa Khôn Ngoan” trong Cựu Ước và những sự bày tỏ rất cụ thể của Chúa Thánh Thần trong các thư của Phaolô và những bản văn Kinh Thánh khác không cho phép giải thích sai lầm rằng: Đó chỉ là một hình thức của việc nhân cách hóa các hoạt động của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, ảnh hưởng của Khôn Ngoan là không rõ ràng theo cách thức nó tác động lên con người “ở đây và lúc này.” Khôn Ngoan từ ban đầu đã hoạt động trong việc tạo thành, trong lịch sử xuất hành, nhưng không bao giờ được đồng hóa với một ngôi vị riêng biệt và cụ thể. Trừ sách Huấn Ca, tác giả suy tư về vai trò của Khôn Ngoan trong đời sống mình (Hc 51,1-27). Trái lại, khi nói vai trò của Chúa Thánh Thần, Phaolô đã trình bày một loạt những cách thế mà nhiều cộng đoàn Kitô hữu đón nhận và kinh nghiệm về Thánh Thần ngay ở đây trong tác phẩm của Phaolô (1 Cr 12,1-31; Gl 3,2-5). Đối với các Tông Đồ, Thánh Thần không phải những gì kinh nghiệm ngày xưa, giờ truyền lại, nhưng Người hoạt động một cách mạnh mẽ và mới mẻ “ở đây và lúc này” trên vô số các cộng đoàn và cá nhân.

Tuy nhiên, những kinh nghiệm ấy có thể dễ dàng để đánh giá cao trong lịch sử Giáo Hội nhưng có thể không minh chứng một cách rõ ràng như thế theo mức độ thế giới.  Ở đây có những hoạt động mang tính hoàn vũ của Thánh Thần để có thể nhận biết một cách rõ ràng về Người xét như là một ngôi vị. Đây là một trường hợp để tìm hiểu về sự tác động cá vị của Thánh Thần qua những hiệu quả xảy ra cho viên đại đội trưởng Corneliô, thân quyến và bạn hữu của ông (Cv 10,24,44-48). Sau đó, Thánh Thần ngự xuống trên những nhóm người dân ngoại khi họ lắng nghe lời chứng của Phêrô về cuộc đời, chết và phục sinh của Đức Giêsu và sau đó họ đón nhận Phép Rửa gia nhập cộng đoàn tín hữu. Toàn bộ câu chuyện về Corneliô diễn tả sự cảm nhận sâu sắc về ngôi vị và liên vị của Thánh Thần từ đầu cho đến cuối. Tương tự như thế, thật dễ dàng nhận ra ngôi vị của Thánh Thần ẩn dấu đằng sau những lời tiên tri của những bậc thầy đầy đoàn sủng sau này như thánh Brigitta ở Thụy Điển (1373) và thánh Catarina thành Siena (1380).

Hơn nữa, nơi các nền văn hóa và dòng lịch sử, tiềm chứa những yếu tố để giải thích hành động cá vị và hoàn vũ của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động ở trong đó. Trong đó, chúng ta có thể suy tư về một sức mạnh ít tính ngôi vị tác động như một luồng gió thần linh thổi đến không xác định được (x. Ga 3,8), một nguồn ân sủng rộng lớn hiện diện khắp nơi, hay sự tương dự tinh thần chung của toàn thể con người và mọi vật. Vâng, đặc tính ngôi vị của hoạt động hoàn vũ của Thánh Thần tiếp tục thể hiện trong cả hình thức chiều dọc và chiều ngang. Trước hết, theo chiều dọc, bất cứ nơi nào Thánh Thần tác động vào trái tím con người hướng về Thiên Chúa, ở đó có cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa và đó không chỉ là một ý thức tôn giáo mơ hồ, nhưng là một kinh nghiệm sống động. Thứ đến, theo chiều ngang, Chúa Thánh Thần hoạt động chống lại sự tha hóa, bất công và bạo lực trong con người và thế giới để làm lan tỏa sự đoàn kết, công chính và hòa bình khắp mọi nơi.

Vì thế, chúng ta có thể mô tả những “hoa quả” của Thánh Thần (Ga 5,22-23), những thực tại liên vị và xã hội như thế cho thấy có một tác nhân cá vị hoạt động là Chúa Thánh Thần.

Trong phần sau chúng ta sẽ tìm hiểu về sự phân biệt giữa hành vi Thiên Chúa (những gì chung với Ba Ngôi) và những phạm vi hữu hình của những hành động này, cho phép chúng ta phân biệt giữa Ba Ngôi. Liên quan đến hoạt động của Thần Khí trong thế giới bên ngoài cộng đoàn Kitô Giáo, chúng ta cũng phải nghĩ về hạn từ là “cánh chung.” Đó là lúc kết thúc mọi sự và toàn thể lịch sử nhằm giúp chúng ta phân biệt phạm vi hữu hình của những hoạt động Thánh Thần trên thế giới và vũ trụ này.

Trong trật tự cứu độ và tạo thành, những chức năng rộng lớn của Thánh Thần là ngôi vị định nghĩa và minh chứng một căn tính phân biệt được diễn tả. Thánh Thần chứng tỏ những đặc tính ngôi vị của tình yêu, hoạt động hướng tới mục đích, là nguồn gốc và Đấng bảo trợ của mọi hoạt động bên trong chúng ta hướng về Thiên Chúa (nhờ Chúa Giêsu và hướng tới Chúa Cha), theo chiều ngang (hướng về nhau), và theo nghĩa cánh chung (hướng về tương lai được biến đổi của toàn thể vũ trụ). “Một Thần Khí” (Ep 4,4) đang hoạt động hơn là nhiều “thiên thần” Thiên Chúa hoặc nhiều thần khí như những người Tropici đã chủ trương.

2. Bảo vệ ngôi vị Chúa Thánh Thần

Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu vắn gọn câu nói của Phaolô về “Thần Khí của Thiên Chúa” (1 Cr 2,11.14). Nếu thuật ngữ này được dùng để định nghĩa hoặc cho rằng “Thần Khí là Thiên Chúa” và đẩy tới sự thái quá, nó có thể đưa chúng ta rơi vào điều Georg Hegel giải thích Thần Khí như là một hạn từ phù hợp nhất cho Thiên Chúa. Đối với Hegel, hạn từ này diễn tả sự hiện diện khắp nơi của Thiên Chúa ở trong mọi thụ tạo, nhất là trong con người. Trong tác phẩm của Hegel nói về ý thức, Thần Khí Tuyệt Đối là Lý Trí hướng dẫn lịch sử phát triển một cách rất sáng tạo. Trong toàn bộ lịch sử vũ trụ, Lý Trí được đặt trong con người và hoàn thiện con người nhờ sự hiểu biết và ước muốn của nó trong chính đối tượng này. Thần Khí Tuyệt Đối, với ba năng động của nó, được biểu tượng hóa bởi Thiên Chúa Ba Ngôi trong niềm tin Kitô Giáo. Ở đây, Ba Ngôi được diễn tả giống như vết tích phiếm thần của Thiên Chúa (Thần Khí Tuyệt Đối) với thế giới thụ tạo. Trong tư duy của Hegel, vì được che chở và được bao bọc bởi Chúa Cha và Con, Thần Khí Tuyệt Đối thực hiện và trở thành “mọi sự trong mọi người” (1 Cr 15,28).

Ngoài việc được suy tư triết học duy tâm bảo vệ, nhiều lúc Thần Khí được trình bày theo những diễn tả Ba Ngôi mà thánh Gioan đặc biệt nói đến: “Thiên Chúa là Thần Khí” (Ga 4,24) và loại bỏ những phân biệt cá vị trong Thiên Chúa. Những cách thế này cho thấy những cái nhìn khác nhau, nhưng chúng có thể định nghĩa cho nhau. Chúa Giêsu không phải là Ngôi Lời Thiên Chúa hoặc là Con Thiên Chúa theo một nghĩa cao nhất hoặc riêng biệt của tước hiệu này. Giống với tư tưởng của thuyết dưỡng tử cổ đại, Người được hiểu như là một con người hoàn toàn mà Thiên Chúa như là Thần Khí đã đến ở trong và hoạt động trong thế giới. Năng lực thần linh tiếp tục hoạt động để tạo thành một nhân loại mới và thế giới mới. Như thế, Thần Khí Thiên Chúa đơn giản có nghĩa là một cách thế của việc nói về một Thiên Chúa hiện diện trong và qua con người Đức Giêsu. Trong Thiên Chúa, không có một sự phân biệt nào giữa Chúa Con và Thần Khí. Thần Khí đơn giản trở thành một hạn từ diễn tả sự tỏ mình ra của Thiên Chúa với thế giới, với Chúa Giêsu như là hiện thân cao nhất của sự tỏ ra này. Nền Thánh Linh học này không còn xa lạ đối với sự nhân cách hóa về Thần Khí như là hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới và sự hiện diện của Thiên Chúa trong tương quan với thế giới.

Một bằng chứng thứ ba về Thần Khí có một thế giá và thú vị hơn cả: Người ta trình bày Thánh Thần như là nguyên lý nữ tính trong Ba Ngôi. Được thúc đẩy bởi lý thuyết của Carl Gustav Jung với những hình ảnh về nữ tính như là những hình thức biến đổi, Donald Gelpi đi theo những người khác trong việc nghiên cứu những người cổ xưa, nhóm Ngộ Đạo, ý tưởng về Thần Khí như là Mẹ Thần Linh. Trong một số hình thức của Ngộ Đạo, Thần Khí là một hình ảnh người mẹ thấp hơn hình ảnh Sophia Prunicos, Đấng đi xuống và đảm nhận một thân xác vật chất. Vâng, những người Ngộ Đạo và những tư tưởng khác không được làm lu mờ truyền thống nữ tính về Thần Khí được nói trong những tác phẩm của thánh Éphrem ở Siria (373), đặc biệt trong những suy tư của ngài về Phép Rửa. Từ thời Trung Cổ, chúng ta có chứng tá của thánh Catarina thành Siena, trong nhiều đoạn thánh nữ đã hiểu Chúa Thánh Thần là một người nữ. Yves Congar đã nghiên cứu từ truyền thống những tác giả là những người đã đề cao vai trò nữ tính của Thần Khí trong sự lớn lên của chúng ta hướng về Thiên Chúa. Qua các thời đại, Kitô hữu đã kinh nghiệm vai trò nữ tính của Chúa Thánh Thần như là Đấng hình thành và sinh họ ra trong Thiên Chúa (x. Ga 3,5).

Quả thế, thật là bổ ích cho chúng ta ở đây khi nhắc lại một số những ý tưởng nổi bật được diễn tả ngoài công thức Ba Ngôi về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong Phép Rửa, và trong những công thức khác của truyền thống. Dựa trên nền tảng của một hình ảnh Chúa Giêsu hành động như một người mẹ (x. Mt 23,27) và những đoạn khác của Tân Ước, thánh Anselmô (1033-1109), thánh Bênađô (1090-1153), Giulianô thành Norwich (1423), và những tác giả Trung Cổ nhiều lần gọi Chúa Giêsu như là người “Mẹ.” Trong những thế kỷ đầu, những nhân vật như Clêmentê thành Alexandria, Origene, thánh Gioan Kim Ngôn, thánh Ambrôsiô, thánh Augustinô cũng đã viết về Chúa Giêsu chăm sóc và dạy bảo các môn đệ Người như một người mẹ. Ở đây Chúa Con có thể được gọi là Mẹ. Đôi lúc một số người gọi Chúa Thánh Thần như là Cha: chẳng hạn Bonaventura, Stephen Langton, trong một thánh thi được gán cho ngài: Veni, Sancte Spiritus, dành cho Thần Khí tước hiệu là Cha của kẻ nghèo khó (Pater pauperum).

Như thế, trong dòng lịch sử, theo suy tư và diễn tả của mình, các thánh đã gán cho Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần tước hiệu là Mẹ và là Cha. Ngày nay, trong thần học Ba Ngôi, các tước hiệu và danh xưng được xác định rõ ràng hơn. Tước hiệu Cha dành cho Ngôi Nhất, tước hiệu Con thuộc về Ngôi Hai, tước hiệu Mẹ được áp dụng cho Ngôi Ba. Như thế, trong Thiên Chúa, có Cha, Mẹ và Con như một cộng đoàn gia đình Thiên Chúa.

3. Chúa Thánh Thần của tương lai

Chúng ta phải chờ đợi điều mà một số nhà tư tưởng lớn đã gọi Thần Khí là “Cha của thế giới sẽ đến trong tương lai.” Thay vì chúng ta thường dùng tước hiệu này để áp dụng cho Chúa Giêsu như trong cuốn Catholicum Hymnologium Germancum: “Chúa Kitô, Hoàng Tử Hòa Bình, và Con Thiên Chúa tối cao, Cha của thế giới sẽ đến, chúng ta sẽ vui mừng ca hát với niềm vui thánh thiện.” Đây là một thánh thi vọng lại điều được nói trong Isaia: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9,6).

Thật vậy, những ai đề cao sự liên kết của Thánh Thần với sự hoàn tất cánh chung của tất cả mọi sự, họ sẽ tìm thấy niềm vui khi tìm thấy thuật ngữ “Người Cha của thế giới sẽ đến” này được gán cho Thánh Thần. Như chúng ta tìm hiểu ở trên, rõ ràng Tân Ước không bước theo Cựu Ước trong việc trình bày Thánh Thần như là người hoạt động trong tạo dựng và bảo vệ thế giới. Khi trình bày chủ đề này, Tân Ước thường khẳng định vai trò sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa dành cho Chúa Kitô (x. Ga 1,3; Cl 1,16-17).

Tân Ước không gán quyền năng này trong cuộc sáng tạo tiên khởi cho Thánh Thần. Tuy nhiên, Tân Ước lại gán cho Chúa Thánh Thần vai trò thánh hóa trong công trình tạo dựng mới và chung cuộc để thanh tẩy mọi sự nên thánh thiện hơn (Rm 8,18-30). Nhờ tác động giải thoát của Thánh Thần, con người có kinh nghiệm và sẽ kinh nghiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi. Toàn thể thế giới vật chất khắc khoải trong những tiếng rên xiết khôn tả về cuộc tạo dựng mới này (x. Rm 8,22), và quà tặng của Thánh Thần làm cho các Kitô hữu rên xiết khôn tả vì cuộc biến đổi hoàn toàn này sẽ đến (Rm 8,23). Khác với cái nhìn vũ trụ của Phaolô, Luca làm sáng tỏ cách thức mà Thánh Thần là quà tặng và sức mạnh cánh chung.

Thời đại của Giáo Hội là thời gian giao thời giữa sự phục sinh của Đức Giêsu chịu đóng đinh và sự trở lại cuối cùng của Người trong vinh quang, đây là thời đại của Chúa Thánh Thần. Nhờ Thánh Thần, lịch sử nhân loại bắt đầu mang một dấu tích rõ ràng hơn như là lịch sử của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần sai Philiphê đến với viên chức Ethiopio (Cv 8,29), hướng dẫn Phêrô tới gặp người đại diện đến từ nhà viên đại đội trưởng Corneliô (Cv 10,9; 11,12), Thánh Thần tách riêng Phaolô và Barnaba để đi loan báo Tin Mừng cho Dân Ngoại (Cv 13,2). Linh hồn cho sứ vụ truyền giáo toàn cầu là Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn cách đặc biệt những nhà lãnh đạo Kitô giáo, để họ loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc. Những lời rao giảng của họ làm nên một epcilesis là lời cầu xin Chúa Thánh Thần xuống thay đổi nhân loại và vũ trụ trở thành Triều Đại cuối cùng của Thiên Chúa (Cv 28,31). Chúng ta tất cả đang ở trong thời đại của Chúa Thánh Thần, thời gian của sự hoàn tất cuối cùng của lịch sử.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương

Nguồn tin: