Đức Kitô, Sự Thật Về Con Người

Fri,21/10/2022
Lượt xem: 1901

 

Con người là hữu thể “suy tư về”. Bởi lẽ, chỉ có con người là “loài ưu phẩm” nhất trên trái đất này luôn khắc khoải về lẽ hiện hữu của chính mình. Con người là ai? Con người từ đâu đến? Và con người sẽ đi về đâu? Thiết nghĩ câu hỏi về “nguồn cội” sẽ là “chất liệu” cho cuộc sống hiện tại, đồng thời, nó mở ra những khả thể của hữu thể người trong tương lai. Vì thực tế, mọi sự đều biến dịch, vô thường, nay còn mai mất. Con người dù là “linh ưu vạn vật” nhưng cũng ăn, cũng uống, … như chó, mèo. Rồi sau cái chết cũng chỉ như hoa cỏ ngoài đồng chỉ còn là một nắm tro tàn. Điều gì làm cho con người thật là “người”? Đâu là lẽ hiện hữu đích thực của con người?

“Sự thật về con người”, từ xưa tới nay, là vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong tư tưởng tư duy của nhân loại. Sẽ không còn nghĩa lý gì nếu con người không biết nguồn gốc hữu thể cũng như sứ mạng của mình, dù những gì “được con người làm ra” nhiều và tân tiến bao nhiêu. Sự thật về hữu thể nó không hệ tại ở “cái được nghĩ và làm ra” nhưng là điều đã được “nhận lãnh”. Bởi lẽ, “cái được làm ra” thì chỉ là kết quả của thực nghiệm, còn “sự thật” thì phải được gợi mở từ bên ngoài. Nếu thế thì mọi suy tư của con người hoá ra vô nghĩa, trống rỗng ư? Thiết nghĩ, con người mang “mầm của logos”, nên mọi suy tư đều hướng con người đến sự thật, và sự thật sẽ gợi mở toàn bộ khả thể trong con người. Sự thật về con người, phải chăng là kết quả của sự tự nhận thức về chính mình? Hay nó là sự gặp gỡ giao thoa giữa việc tự nhận thức với chân lý mặc khải về con người?

1.      Lý thuyết tự nhiên về con người

Vấn đề về con người luôn là ưu tư khắc khoải của triết học từ mọi thời. Không đâu tư duy phong phú và đa dạng như triết học. Mỗi triết gia và mỗi thời sẽ có những cái nhìn về con người khác nhau. Chắc chắn, triết học không phải là nơi để bàn luận đúng hay sai. Những lý thuyết trước là nền tảng cho những tư tưởng về sau, và tư tưởng đương thời thì bổ túc cho những suy tư đi trước. Ở đây, chúng ta không thể bàn đến tất cả các lý thuyết về con người từ nguyên thuỷ đến nay trong triết học. Tuy vậy, với mục đích như một “khả thể”phát xuất từ bản tính tự nhiên; cách chủ quan, bài viết sẽ cố gắng tóm lại những điều cốt yếu nhất về con người được triết học Đông và Tây đã kinh nghiệm.

Triết học đã cho thấy, con người là hữu thể duy nhất có lý tính. Lý tính chính là tính bản nhiên và cái cốt yếu làm con con người trỗi vượt trên mọi sinh vật. Lý tính này có thể phát xuất thừ nguyên lý là Nước (Thales), Logos (Heraclite), Hữu Thể (Parmernide), …Nghĩa là phát xuất từ Thượng Đế, là Logos, là Nguyên uỷ. Tư tưởng Đông Phương cũng cho thấy “tính” là yếu tính của con người, và “tính” phát xuất từ Trời: “Thiên mệnh chi vị tính” (sách Trung Dung). Tuy vậy, tư tưởng triết học hiện sinh chỉ xem lý tính như một kiện tính, còn “tự do” mới là yếu tính của con người. Con người không gì khác là tự do (J. P. Sartre). Tuy vậy, tự do ở đây không phải là muốn làm gì thì làm, nhưng là tự do có trách nhiệm về hiện sinh của mình, lựa chọn giữa cái “làm được” và “được làm”.

Triết học quan niệm con người như một sự nhị nguyên, con người là hữu thể xác hồn, tách biệt nhau. Triết gia Plato và Desscartes cho rằng, linh hồn con người là một bản thể độc lập, nghĩa là nó có thể hiện hữu và tư duy mà không cần đến thân xác. Nói khác đi, thân xác chỉ là tuỳ phụ, nếu không muốn nói là tù ngục để giam hãm linh hồn. Xác thuộc thế giới khả giác và trương độ nên biến dịch, chỉ là ảo ảnh, và chết đi. Còn linh hồn thuộc thế giới Linh tượng, bất biến dịch, và bất tử. Trái lại với triết gia Aristote và thánh Tôma Aquinô thì quan niệm con người là một hữu thể xác hồn liên kết mật thiết với nhau, linh hồn như là “mô thể” của thân xác, nhờ thân xác mà linh hồn có thể tri giác. Tuy vậy, triết gia Aristote không thể trả lời được một thực tế là linh hồn sẽ thể nào nếu thân xác chết đi.

Về ý chí, với triết học cổ truyền thì nó là một vấn đề tuỳ phụ, cái chết đi cùng thân xác. Tuy vậy, với triết học hiện sinh thì ý chí lại là một vấn đề lớn. Với ý chí quyền lực thì con người là Thiên Chúa như triết gia Nietzsche chủ trương. Hơn hết, triết học còn cho biết, con người tự bản chất mang tính xã hội. Theo tư tưởng Đông Phương, chữ “Nhân” () kết hợp bởi bộ nhân và chữ nhị, vừa mang ý nghĩa siêu hình nền tảng: con người đích thực là nơi hội thông nối kết hai năng lực trời đất; vừa mang ý nghĩa xã hội: con người đích thực phải tạo nên mối giao hoà với tha nhân.[1]

Tựu trung, triết học cho thấy con người là chủ thể của nhận thức, dù rằng có giai đoạn con người đặt vũ trụ hoặc Thiên Chúa  hoặc con người làm trung tâm. Tuy vậy, theo thiển ý, việc con người tư duy về chính mình luôn đặt con người trong sự tư duy về vũ trụ và nhất là về Thiên Chúa. Triết học đề cao lý tính và tự do của con người, vì phát xuất từ Thiên Chúa, tư tưởng Đông Phương cũng tư duy tương tự: Vạn vật bản hồ thiên – vạn vật đều bởi Trời mà ra (Sách Lễ Ký). Triết học cũng giải quyết được vấn đề con người đằng sau cái chết sẽ như thế nào: xác chết còn hồn thì bất tử. Liệu như thế đã ổn thoả chăng? Chúng ta sẽ nghĩ sao về thân xác? Về nguyên tội? Về ơn cứu độ? Về tội lỗi? Nếu triết học coi con người là lý tính và tự do và phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng đó là Thiên Chúa nào? Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp (x. Xh 3,15) hay chỉ là Thiên Chúa từ trong trí óc con người? Thế nhưng, triết học cũng đã trực giác rằng, con người là cái nó chưa là, và không phải là cái nó đang là. Nghĩa là, con người với bản tính là “sự thiếu” và vươn mãi (dự phóng). Thiết nghĩ chúng ta nên nhắc lại những câu hỏi của triết gia Kant về sự giới hạn của con người, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự “mở ra” của con người: Con người có thể tri thức gì? Con người phải làm gì? Con người có quyền hy vọng gì?

2.      Mặc khải Kitô giáo về con người

Những trang đầu của Kinh Thánh đã mặc khải rằng, con người được Thiên Chúa trực tiếp dựng nên, là hữu thể phát xuất từ Hữu Thể và giống hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,27). Vì thế, con người có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng tạo dựng nên mình.[2] Con người không chỉ là lý tính mà còn là cảm tính, điều mà triết học coi là tuỳ phụ và khả hoại. Tất cả mọi thứ mà con người tri giác đều quy hướng về Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của mọi loài. Các Giáo phụ đã khá tính tế khi nhận thấy ngay từ khởi đầu tạo dựng, Thiên Chúa đã mặc khải cho con người biết rằng, con người không phải là hữu thể tại thân nhưng là một hữu thể tha quy. Nói khác đi, trước khi có cái ‘tôi’ đã có cái ‘chúng ta’ phát xuất từ cái “Chúng Ta Vĩnh Hằng’ là Ba Ngôi Thiên Chúa (x. St 1,26). Như thế, tính xã hội là bản chất của con người, vì “ Thiên Chúa sáng tạo có nam có nữ” (St 1,27).

Nếu triết học chỉ coi con người là “một nửa” thì Kitô giáo cho thấy rằng, vốn được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, con người là một hữu thể vừa có yếu tố xác lại vừa có yếu tố tinh thần.[3] Con người không chỉ là linh hồn, nhưng còn là thể xác (x. St 2,7). Do đó, “Sự thống nhất xác hồn thâm sâu đến độ linh hồn phải được coi là “mô thể” của thân xác; nghĩa là, nhờ linh hồn thiêng liêng mà thân xác, vốn được cấu tạo bằng vật chất, là một thân xác nhân linh (corpus humanum) và sống động”[4]. Vậy, thực tại về cái chết được nhìn nhận thế nào? Giáo Hội dạy rằng, linh hồn thì bất tử; linh hồn bất hoại khi lìa khỏi xác trong giờ chết, và sẽ tái hợp với thân xác trong ngày sống lại sau hết.[5]

Triết học coi tự do là yếu tố căn cốt của con người cũng có lý, vì mặc khải Kitô giáo cho thấy con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là con người không chỉ có lý tính, cảm tính, mà còn là tự do. Tự do là hoàn toàn tự nguyện dấn thân để vươn tới sự thiện trọn vẹn là Thiên Chúa. Tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người.[6] Và vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nên con người có một phẩm giá của ngôi vị: không chỉ là một sự vật nào đó, nhưng còn là một ai đó.

Tuy vậy, một “sự kiện” không thể chối cãi là con người đã chống lại Thiên Chúa. Thay vì, con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa chính là hình ảnh của con người. Nói theo ngôn ngữ của triết gia Feuerbach, Thiên Chúa chẳng qua là phóng thể trong tâm trí con người. Do đó, tội đã xâm nhập vào bản tính con người. Tội làm “tổn thương” chính trong hữu thể. Và, kết quả là giữa Thiên Chúa và con người có một khoảng cách quá lớn: con người không còn là “nhân chi sơ tính bản thiện” mà là “nhân chi sơ tính bản ác”. Nói khác đi, “sự thật về con người” chỉ còn là “sản phẩm được nghĩ ra” chứ không là sự thật về hữu thể. Nhưng, “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16), Ngài không để con người hoá hư vô; trái lại, đã chữa lành “tận căn” bằng một chương trình tình yêu, đỉnh cao là việc nhập thể của Con Thiên Chúa.

3.      “Ngôi Lời đã làm người” (Ga 1,14)

Tín biểu Nicêa – Constantinôpôli tuyên tín: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”[7]. Đó là chân lý đức tin, là nguồn mạch cho câu hỏi sự thật về con người. Sự thật về con người  chỉ được sáng tỏ qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Còn gì cao quý và thiết thực hơn việc Con Thiên Chúa tỏ mình để mặc khải cho chúng ta biết về con người và về Thiên Chúa. Thánh Gioan đã tinh tế khi cho thấy nguồn gốc thần linh của Ngôi Lời (x. Ga 1,1), điều mà về sau công đồng Niêa 325 đã tuyên tín trước các lạc thuyết: Con Thiên Chúa “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha”[8]. Thật điên rồ và phi lý! Hữu Thể Tối Cao, Hoàn Toàn Ẩn Dấu lại trở nên khả giác, giống con người chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15), là Đức Giêsu thành Nazareth.

Đức Giêsu đã là cớ vấp phạm (x. Mt 13,57), vì thế đã xuất hiện nhiều giải thích thuần lý khác nhau nhằm biện giải về nguồn gốc của Người, vì người ta không thể hiểu và chấp nhận Đức Giêsu vừa là người vừa là Thiên Chúa. Ví như ông Eutychê thì hiểu nhân tính đã hoà làm một với thiên tính của Đức Giêsu. Hoặc như ông Nestôriô thì tư duy theo kiểu hai bản tính cho hai ngôi vị.[9] Từ chân lý mặc khải, Giáo Hội xác quyết qua Công đồng Chalcêđônia, Đức Giêsu hoàn hảo trong thần tính và hoàn hảo trong nhân tính; là Thiên Chúa thật và là người thật, đồng bản thể với Chúa Cha về thần tính và đồng bản thể với chúng ta về nhân tính; hai bản tính không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt.[10]

Theo thánh Damascênô, “chính nhờ mầu nhiệm Nhập thể mà đồng thời được tỏ ra cho chúng ta thiện tính, sự khôn ngoan, sự công chính và quyền năng của Thiên Chúa”[11]. Thánh Augustinô lý giải thêm, qua mầu nhiệm Nhập thể, Con Thiên Chúa đã tôn trọng bản tính của con người bằng cách đảm nhận lấy nó; Đức Giêsu là kiểu mẫu cho chúng ta về một con người thực sự vì Thiên Chúa đã làm người; đồng thời, nhờ Ngài mà chúng ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (x. 2Pr 1,4) là hạnh phúc chân thật của con người và là mục đích cho đời sống con người.[12] Thánh Tôma Aquinô còn xác tín, Ngôi Lời Nhập Thể để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, không chỉ là tội do nguồn gốc truyền lại cho con cháu, mà còn do mọi tội đã thêm vào sau đó.[13]

Như vậy, Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và cũng là con người thật. Trong Ngài, sự thật về con người mới được tỏ lộ, nhân tính không bị ‘mất hút’ trong thiên tính; trái lại, nhân tính được ‘trả về’ sự tinh truyền nhất nhờ thần tính. Thiên Chúa, với quyền năng của mình, Ngài có thể biến những sự vật vô tri vô giác thành con cháu ông Áp-ra-ham (x. Mt 3,9); tuy vậy, vì tình yêu, Thiên Chúa muốn cứu độ con người ngay chính trong bản tính bị hư hoại bởi tội. Nói khác đi, sự thật về con người hay lẽ hiện hữu của con người chỉ được tìm thấy trong và nhờ Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể. Nhưng sự thật ấy là gì?

4.      Đức Kitô, con người cuối cùng

Thiết nghĩ, chân lý về con người thực sự của Đức Kitô lại được ‘tuyên xưng’ bởi Philatô: “Đây là người!” (Ga 19,5). Với giác quan, thì hình tượng về ‘người’ chỉ là một con người mang lấy trọng tội và kết cục bi thảm, một sự ‘toe tua’ và thất bại. Nhưng, trong đức tin thì đó chính là “kiểu mẫu” về con người, một con người hoàn toàn sống “cho”. Bởi lẽ, tận sâu thẳm hữu thể, con người là kẻ hướng đến Đấng khác, hướng đến Thiên Chúa. Mà chỉ có Đức Kitô luôn hướng về Thiên Chúa Cha, vì Ngài phát xuất “bởi” Chúa Cha; đồng thời, Ngài cũng luôn sống “cho” tha nhân. Đức Kitô đã vượt trên bình diện sinh tồn để đưa toàn bộ nhân tính tiến về vĩnh cửu chính nhờ sự vâng phục. Như vậy, chỉ qua tiến trình “thành người” và “làm người” đó mà con người mới hoàn toàn vượt qua được “thế giới loài vật” để bước vào thế giới của Logos”.[14]

Theo Kitô học của thánh Irênê và giáo phụ Tertullianô, với tư cách là con người, Đức Kitô là trung tâm điểm của ý định tạo dựng, Ngôi Lời Nhập Thể chính là mặc khải về con người và mặc khải về Thiên Chúa cho con người.[15] Điều này đã được thánh Phaolô trình bày Đức Kitô như là “Adam mới”. Mà “Adam” trong Thánh Kinh diễn tả sự duy nhất của tất cả nhân loại, là một “thể nhân”.[16] Như thế, trong Đức Kitô toàn bộ nhân loại được ‘thâu họp’ (x. Ep 1,10), điều mà thánh Phao lô gọi là “Thân Thể Đức Kitô” (1Cr 12,27). Nói theo ngôn ngữ của thánh Gioan thì, “Anh em là một trong Đức Kitô” (Ga 3,18).

Tư tưởng của cha Teilhard de Chardin dù có đôi khi thiên về sinh học, nhưng phù hợp với hướng Kitô học của thánh Phaolô, đồng thời mở ra một cách hiểu mới: Đức Kitô là mẫu người tương lai, mẫu người thoát ra khỏi mọi giới hạn nhân sinh và ra khỏi tình trạng đơn tử của mình.[17] Nói khác đi, Đức Kitô là Con Người mẫu mực, là “Adam cuối cùng”, cũng phát xuất từ Thiên Chúa – triệt để hơn Ađam đầu tiên, vì Ađam đầu tiên được hiện hữu là do hơi thở từ Thiên Chúa, nhưng Ađam mới thực sự là “Con”[18]. Chung cuộc thì toàn bộ lẽ hiện hữu của nhân loại đặt dưới một cá thể cụ thể, là Đức Giêsu Kitô: Cá Thể mở ra một ý nghĩa hiện sinh nhân bản mới cho Toàn Thể. Đối với thánh Gioan, hình ảnh cạnh sườn bị đâm thâu không chỉ là chóp đỉnh của Thập Giá, mà là toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu (x. Ga 19,34). Máu và nước đã tuôn tràn từ cạnh sườn Người nói đến một hiện hữu hoàn toàn rộng mở, một hiện hữu hoàn toàn sống “cho”. Giờ đây, Ngài không còn là một cá thể đơn lẻ, nhưng là “Adam”, chính từ cạnh sườn Adam mà Evà, tức là một nhân loại mới được tạo thành (x. St 2,21).

Điều xem ra nghịch lý với tư duy thực nghiệm lại trở nên hữu lý cho chúng ta trong đức tin, bao lâu chúng ta ra khỏi chính mình và dám sống cho người khác và Thiên Chúa thì chính lúc đó chúng ta mới tìm lại được chính mình, chúng ta tìm thấy lẽ hiện hữu đích thực: đó chính lúc chúng ta hoàn thành tiến trình “thành người”, biến cuộc sống tầm thường thành điều phi thường. Sự thật về con người không nằm trong trí óc của chúng ta, nhưng là tin vào những gì đã được mặc khải: “Tin là chiếm hữu những điều mà người ta không trông thấy” (Dt 11,1). Mà đức tin có được là nhờ biết lắng nghe (x. Rm 10,17), là sự tháp nhập của logos vào Logos Toàn Thể. Đó là sự thần hoá. Sự thần hoá hay nhân hoá không biến đổi bản thể con người nhưng là chữa lành và biến con người thành “người hơn” theo khuôn mẫu Đức Kitô. Khác xa với tư tưởng của Ấn giáo, con người kết hợp với Thiên Chúa không theo kiểu Atman làm một với Brahman. Đó chính là tình trạng phóng thể, nghĩa là đánh mất sự hữu của chính mình. Trái lại, với mặc khải Kitô giáo, con người là một nhân vị và là hình ảnh Thiên Chúa nhờ Đức Kitô - là Thiên Chúa làm người để con người được thông phần vào sự sống vĩnh cửu. Tựu trung, bao lâu con người còn biết nhìn lên “Đấng bị đâm thâu” (Ga 19,37) thì bấy lâu họ còn biết tiến trình “thành người” và “làm người” chỉ qua con đường Thập giá. Tự thân không phải thập giá có giá trị như thế, nhưng chính nhờ Đấng bị treo trên đó có thể trả lời cách đích đáng về câu hỏi sự thật con người: chính Đức Kitô, Đấng bị đâm thâu đó là Con Người kiểu mẫu, là Con Người tương lai, và là Con Người cuối cùng.

Hãy trở nên người công chính” (1Tm 6,11) là tiêu đích của đời người. Tuy vậy, sự công chính mà con người đạt được không phải nhờ duy lý trí (Ngộ đạo), duy ý chí (Pêlagiô). Nghĩa là sự công chính đích thực không phải ‘sản phẩm’ của con người, nhưng là ân ban của Thiên Chúa vì chỉ nơi Người mới có sự công chính đích thực qua Đức Giêsu. Dĩ nhiên, ân sủng cần sự cộng tác của con người không chỉ là lý trí, ý chí, mà còn là tự do; chứ không mặc nhiên cho toàn bộ ân sủng định đoạt (Thệ phản). Mặc lấy sự công chính của Đức Kitô cũng chính là việc chúng ta trở thành “người hơn”. Bao lâu con người còn sống bất chính thì bấy lâu họ chưa tìm thấy được ý nghĩa đích thực của phận người. Còn sống bất chính nghĩa là khép kín bản thân trước ân huệ của Thiên Chúa, và tương quan với tha nhân. Tựu trung, sự công chính của Đức Kitô mới là câu trả lời đích xác cho câu hỏi về sự thật con người; đồng thời, mở ra toàn bộ khả thể trong chúng ta là những kẻ đang lữ hành và tiến đến sự viên mãn.

 Phêrô Phạm Văn Huỳnh, K.XV 

 

 

 


[1] x. Lý Minh Tuấn, Triết học cương yếu Đông Phương, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, 141

[2] x. Công Đồng Vaticanô II (Hội đồng Giám mục Việt Nam - Ủy ban Giáo lý Đức tin dịch), Hiến chế Gaudium et Spes, số 12

[3]x. HĐGMVN - Ủy ban Giáo lý Đức tin dịch, Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, số 362

[4] HĐGMVN - Ủy ban Giáo lý Đức tin dịch, Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, số 365

[5] x. HĐGMVN - Ủy ban Giáo lý Đức tin dịch, Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012,  số 366

[6] x. Công Đồng Vaticanô II (Hội đồng Giám mục Việt Nam - Ủy ban Giáo lý Đức tin dịch), Hiến chế Gaudium et Spes, số 17

[7] DS 150

[8] DS 126

[9] x. Tôma Aquinô, Summa Theologiae III, q.2, a.6

[10] DS 301-302

[11] Tôma Aquinô, Summa Theologiae III, q.1, a.1

[12] x.Tôma Aquinô, Summa Theologiae III, q.1, a.2

[13] x. Tôma Aquinô, Summa Theologiae III, q.1, a.4

[14] x. ĐGH Bênêđictô XVI (Lm Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam dịch), Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2009, 249.

[15] x. Lm. JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Kitô học, Đcv. thánh Phanxicô Xaviê, 2021-2022, 346.

[16] x. ĐGH Bênêđictô XVI (Lm Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam dịch), Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, op.cit., 250.

[17] x. ĐGH Bênêđictô XVI (Lm Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam dịch), Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, op.cit., 253

[18] ĐGH Bênêđictô XVI (bản dịch của Lm Nguyễn Văn Trinh), Đức Giêsu thành Nagiarét – phần 3, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013, 23.

 

Nguồn tin:
Tags :