Giáo Hội Như Ngọn Hải Đăng

Wed,23/09/2020
Lượt xem: 2566

Nếu ai chưa một lần ngồi trước bãi biển để chiêm ngắm cảnh hoàng hôn, chưa cảm được cái đẹp của cảnh chiều tàn thì đúng thật tiếc nửa đời người. Khi ngồi chiêm ngắm, dường như ta được sống lại và cảm thấy mình thật nhỏ bé trước đại dương mênh mông, đồng thời được hòa quyện với cảnh vật thiên nhiên. Hòa chung với khung trời rộng lớn đang chuyển động là ngọn hải đăng đang bắt đầu tỏa ánh sáng của mình trên đại dương mênh mông. Nó trở thành “con mắt” của biển cả để soi chiếu và dẫn đưa những đoàn thuyền cập bến bình an. Mặc dù ngọn hải đăng là một thứ vô tri nhưng lúc này nó tạo cho ta một cảm giác, nó không phải là thứ vô tri mà tự bản chất nó đang có một sức sống mãnh liệt. Nó luôn vững vàng, kiên cố giữa sóng gió, vẫn luôn sừng sững trước Đại dương mênh mông từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác, từ năm này qua năm khác để chiếu tỏa ánh sáng của mình cho các đoàn thuyền. Từ những hình ảnh đó, người viết liên tưởng tới hình ảnh của Giáo hội. Một Giáo hội không bao giờ “chùn bước” trước thử thách gian nan, trước những tư tưởng sai lạc. Một Giáo hội luôn đứng vững trước những cuộc bách hại, một Giáo hội thánh thiện đầy tình yêu thương luôn ôm ấp tất cả các tội nhân. Một Giáo hội luôn vươn xa chứ không phải là một Giáo hội yếu hèn, co cụm. Trải qua dòng lịch sử, Giáo hội vẫn luôn vững vàng trước phong ba bão táp, vẫn luôn soi chiếu ánh sáng của mình để dẫn đường cho mọi người cùng hướng về vinh quang Nước Trời.

Ngọn hải đăng qua hình ảnh cột mây và cột lửa trong Cựu Ước

Biến cố Xuất Hành là tâm điểm kinh nghiệm đức tin của dân Israel. Biến cố này trở thành điểm quy chiếu cho dân qua mọi hoàn cảnh của lịch sử. Trong sách Xuất Hành, Thiên Chúa tự mạc khải là vị Thiên Chúa luôn dấn thân vào lịch sử nhân loại để giải thoát nhân loại, khác hẳn về một Thiên Chúa trừu tượng và xa lạ như người ta thường nghĩ.[1]

Khi dân Israel chịu lầm than khổ cực bên Ai Cập, Thiên Chúa đã sai ông Mô-sê đến để cứu dân Người. Nhờ quyền năng của Thiên Chúa mà Mô-sê đã làm nhiều phép lạ và buộc Pharaô phải để cho dân Israel ra đi. Trên hành trình về đất hứa, Thiên Chúa vẫn luôn chỉ dẫn cho họ: “Khi Pharaô thả cho dân đi, Thiên Chúa không dẫn họ theo ngả đường xuyên qua xứ Philitinh, dù đường đó gần hơn, vì Thiên Chúa nói: Khi thấy phải chiến đấu, dân có thể hối hận mà quay về Ai Cập. Vậy Thiên Chúa đưa dân đi vòng, qua ngả đường sa mạc Biển Sậy. Con cái Israel võ trang đầy đủ từ đất Ai Cập đi lên.” (Xh13, 17-18). Không những chỉ dẫn mà Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện với dân Israel: “Đức Chúa đi đằng trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ có thể đi cả ban ngày lẫn ban đêm. Ban ngày cột mây đi trước dân không rời, ban đêm cột lửa cũng vậy.” (Xh 13, 21-22). Thiên Chúa hiện diện với dân Israel qua cột mây và cột lửa: Cột mây để dẫn đường, cột lửa để soi sáng. Cũng chính qua cột mây và cột lửa mà Thiên Chúa đã tiêu diệt quân Ai Cập để dân vượt qua biển Đỏ một cách an toàn (x. Xh 14, 19-31). Qua cột mây và cột lửa, chính Thiên Chúa hành động để bảo trợ dân Israel trong cuộc Xuất Hành, không như các vị thần của các dân tộc vùng cận đông cổ, là những vị thần tách khỏi thực tại và tách thực tại khỏi địa hạt thân linh của mình.[2]

Qua cột mây và cột lửa, sách Xuất Hành đã nhắc đến một vị Thiên Chúa, Đấng đã đưa dân ra khỏi Ai Cập, một vị Thiên Chúa luôn gắn liền với thực tại và với dân. Một vị Thiên Chúa luôn tuôn đổ hồng ân và luôn đồng hành với dân của Ngài.

Cũng như cột mây và cột lửa trong biến cố Xuất Hành, hình ảnh ngọn hải đăng sừng sững giữa biển khơi với nền móng vững chắc cũng luôn chiếu tỏa ánh sáng của mình để soi chiếu, ôm ấp và mời gọi đoàn thuyền ra khơi và cập bến bình an. Đó cũng là hình ảnh của Giáo hội, một Giáo hội được xây dựng trên nền móng vững chắc là Đức Kitô, được kín múc mọi ơn lành từ Chúa Cha, và được soi dẫn nhờ Chúa Thánh Thần để từ đó luôn chiếu tỏa ánh sáng của mình cho thế giới hôm nay.

Hải đăng  luôn đứng vững trước thử thách gian nan

Đứng trước đại dương mênh mông, ngọn hải đăng thật bé nhỏ nhưng lại có sức sống mãnh liệt. Những trận cuồng phong của biển cả vẫn không thôi gào thét, từng cơn sóng cao ngất đua nhau đổ ập xuống chân hải đăng như muốn quật ngã và cuốn trôi nó đi trong cơn cuồng nộ, nhưng nó vẫn vững vàng và không hề lay chuyển, cho dù đôi khi nó cũng bị sứt mẻ. Biển rộng lớn, biển mênh mông, biển gào thét nhưng Hải đăng  chẳng có chút gì sợ hãi bởi vì nó được xây trên một nền móng vững chắc, đặt vững vàng trên làn nước mênh mông. Cũng thế không có gì lạ, giữa giông bão trần gian, Giáo hội của Chúa vẫn vững vàng không lay chuyển vì được xây dựng trên nền tảng vững chắc là Đức Kitô và được truyền lại qua bao thế hệ cho các tông đồ: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).

Vậy câu hỏi mà mỗi người chúng ta thường đặt ra là: phải chăng Giáo hội là công trình của Thiên Chúa? Tình yêu của Thiên Chúa luôn đi bước trước, Giáo hội không phải là công trình của con người, nhưng nó là sáng kiến khởi xuất từ Thiên Chúa.[3] Giáo hội luôn được Chúa Cha nghĩ đến trong chương trình cứu độ, được chuẩn bị trong lịch sử giao ước với dân Israel và được thiết lập ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Cũng như Đức Giêsu, Giáo hội xuất hiện từ Trời cao, từ chính Thiên Chúa. Chính từ trời mà Con Thiên Chúa đã đến thế gian, mặc lấy xác phàm để cho Giáo hội được sống bằng sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Được khởi xuất từ chính Ba Ngôi Thiên Chúa, Giáo hội được sinh ra từ tình yêu của Chúa Cha, từ sứ mệnh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần.[4] Bởi vì khởi xuất từ chính Ba Ngôi Thiên Chúa nên Giáo hội là một mầu nhiệm. Vậy, Giáo hội tiên vàn là công trình của Thiên Chúa chứ không phải là của con người thì các nguyên tố trần gian, các yếu tố nhân phàm dù có công phá mãnh liệt đến đâu, Giáo hội cũng không thể bị lụy tàn. Trong Giáo hội, Chúa Thánh Thần luôn hoạt động và hướng dẫn Giáo hội đi trên con đường của Ngài để tiến bước về quê trời vinh quang.

Như thế, Giáo hội là một mầu nhiệm khởi xuất từ chính Thiên Chúa thì con người không thể dùng mắt trần để nhìn ra bản tính sâu xa của Giáo hội được. Đành rằng Giáo hội vẫn là một trong những thực tại hiện hữu trong lịch sử, nhưng trong Giáo hội còn có một Đấng đã đi vào lịch sử nhưng không tan biến trong lịch sử, đó chính là Thiên Chúa. Nếu ai đó chỉ muốn xem xét và định nghĩa Giáo hội dựa vào những loại suy của thế giới này, coi Giáo hội giống như một thực tại giữa những thực tại trần thế, người đó không bao giờ hiểu được Giáo hội. Đã có một thế giới khác xuất hiện trong thế giới này, Thần Khí đã đi vào xác thịt, làm cho nó chết đi và sống lại trong đời sống mới: Giáo hội không “nảy sinh từ dưới lên” do ý muốn của nhân loại nhưng là “phát xuất từ trên xuống” do tình yêu của Thiên Chúa. Trước khi xuất hiện trong lịch sử, Giáo hội đã có mặt trong chương trình của Thiên Chúa, Giáo hội vừa ở trong thế giới vĩnh cửu vừa ở ngay giữa lòng lịch sử là “công cuộc của loài người” nhưng vượt quá khả năng của nhân loại, mang tính chất vừa nhân loại vừa thần linh.[5] Giáo hội là nơi gặp gỡ giữa hai thế giới, là một mầu nhiệm, là ngọn Hải đăng  của Thiên Chúa cắm giữa biển cả mênh mông.

Ví Giáo hội như ngọn hải đăng  thì hơi khập khiễng, tuy nhiên cũng như ngọn Hải đăng  phải trải qua những tác động cả bên trong lẫn bên ngoài nhưng nó vẫn luôn vững vàng không lay chuyển.

Giáo hội cũng đã phải trải qua những tác động của các yếu tố nhân phàm cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội, nhưng Giáo hội vẫn luôn đứng vững bởi luôn được Chúa Thánh Thần che chở và hướng dẫn, dù đôi khi phải chịu những thương tổn. Nhìn lại lịch sử phát triển của Giáo hội: các cuộc bách hại, nhiều khi làm cho Giáo hội điêu đứng, nhưng càng bách hại thì Giáo hội càng lớn mạnh và luôn đứng vững. Chính máu của các thánh tử đạo đem lại cho Giáo hội triều thiên chiến thắng, ngày càng mạnh mẽ, kiên trung.

Sống trong thế giới, Giáo hội vừa là một thực tại thần linh nhưng cũng vừa là một cơ cấu hữu hình, đôi khi Giáo hội cũng bị tổn thương bởi những con người trong Giáo hội như: các lạc giáo, ly giáo, hay những con người không làm theo ý muốn của Thiên Chúa chỉ chạy theo ý muốn của thế tục, phàm trần. Tuy nhiên các yếu tố này không làm cho Giáo hội yếu ớt, lụy tàn, mà ngược lại Giáo hội có nhiều kinh nghiệm hơn và ngày càng đổi mới, mạnh mẽ nhờ những kinh nghiệm đau thương mà Giáo hội đã trải qua.

Trải qua lịch sử tồn tại và phát triển của Giáo hội: chúng ta thấy một Giáo hội luôn mạnh mẽ, vững vàng và kiên trung trong mọi thử thách gian nan, luôn chiếu tỏa ánh sáng của mình cho thế giới. Giáo hội không chiếu tỏa ánh sáng riêng của mình mà bằng ánh sáng của Chúa Kitô và được rạng rỡ huy hoàng nhờ “Mặt Trời Công Chính” cho nên Giáo hội có thể nói: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Hải đăng  tỏa sáng để quy tụ, để soi chiếu, ôm ấp, để mời gọi đoàn thuyền cập bến bình an.

Hải đăng trong đêm tối trở thành “con mắt” của đại dương mênh mông. Con mắt của đại dương mênh mông lại mang trong mình những câu chuyện thú vị và đầy ý nghĩa. Với vẻ đẹp nguyên sơ, hải đăng là nơi quy chiếu của các đoàn thuyền, đồng thời với chức năng là “con mắt”, nó luôn chiếu sáng để đoàn thuyền được cập bến bình an. Không những vậy mỗi khi những con thuyền chưa cập bến thì lòng hải đăng đau thắt, lo lắng và không chợp mắt để dõi theo con thuyền chỉ với một ước mong là thuyền quay lại và tìm về với bến của mình.

Cũng như mỗi con thuyền lênh đênh trên biển cả được hải đăng soi sáng, ôm ấp thế nào thì mỗi người Kitô hữu chúng ta sống trong lòng Giáo hội cũng vậy. Nhờ bí tích Rửa Tội chúng ta được gia nhập, được quy tụ trong một Giáo hội duy nhất, được sống trong vòng tay ôm ấp, chở che của Giáo hội. Chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, là chi thể của Chúa Ki-tô và được hiệp nhất trong gia đình Giáo hội. Nhờ bí tích Rửa Tội, mỗi người được thông phần vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, được liên kết với Ngài bằng một giao ước bất khả phân ly, không ngừng được nuôi nấng và chăm sóc (x. Ep 5,29). Sống trong lòng Giáo hội, chúng ta được tuôn đổ đầy tràn mọi ân huệ từ chính Thiên Chúa.

Tuy nhiên cũng giống như những con thuyền lênh đênh trên biển cả, dù được chiếu sáng bởi ngọn hải đăng, nhưng có những con thuyền chưa nhận biết được ánh sáng đó, đồng thời có những con thuyền trật bánh lái để rồi bị sóng biển cuốn trôi ra xa đại dương, xa khỏi ánh sáng của hải đăng. Khi xảy ra những trường hợp đó thì lòng hải đăng đau và luôn dõi theo, luôn ôm ấp với ước mong thuyền trở lại và cập bến được bình an. Cũng thế sống trong Giáo hội, dù luôn được Giáo hội ôm ấp, chở che tuy nhiên con cái Giáo hội sống trong thế giới lữ hành cũng không tránh khỏi những cám dỗ.

Trong một thế giới nhiễu nhương tục hóa ngày hôm nay, tiền tài, danh vọng, lạc thú… là những ma lực đang cuốn hút, cám dỗ con người, con người lao vào đó như một con thiêu thân. Trong một thế giới mà lối sống thực dụng, chủ nghĩa vô thần lên ngôi cổ võ cho những giá trị trần tục, để rồi loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Những tư tưởng của Nietzsche: “Thiên Chúa đã chết”, hay như Karl Marx: “Tôn giáo là thuốc phiện của dân chúng”, là những võng luận hàm hồ luôn bao biện, cổ võ cho một cuộc sống hiện sinh vô thần, một lối sống trần tục hưởng thụ. Một thế giới đầy cám dỗ như vậy đã làm cho một số con cái trong Giáo hội chạy theo những ảo ảnh phù vân đó và rốt cuộc rời xa Giáo hội.

Tuy nhiên dù con cái Giáo hội có tội lỗi đến đâu thì Giáo hội vẫn luôn yêu thương, tha thứ tội lỗi cho con cái mình cho dù đó là những đứa hư hỏng nhất. Giáo hội không ngừng dõi theo và kêu gọi con cái tội lỗi trở về trong vòng tay êm ái của mình. Giáo hội  luôn yêu thương tất cả con cái mình, đặc biệt những người tội lỗi. Đồng thời Giáo hội luôn bảo vệ con cái mình khỏi những sai lạc trong thế giới đầy tăm tối nguy hiểm này. Sự bảo vệ của Giáo hội đối với con cái mình là thường xuyên, là luôn mãi chứ không chỉ trong một khoảng không gian, thời gian nào đó. Giáo hội bảo vệ con cái mình bằng nhiều phương thế khác nhau như: Giáo hội thiết lập các qui chuẩn về Đức tin và luân lý cho con cái mình. Giáo hội đưa ra những chỉ dẫn cần thiết cho con cái mình trong đời sống xã hội. Giáo huấn xã hội của Giáo hội là nền tảng cho hành xử của con cái mình trong môi trường nhân loại đầy thách đố và khó khăn này. Bên cạnh đó Giáo hội luôn mời gọi những người chưa tham dự vào đời sống Giáo hội và giang tay đón nhận họ để giúp họ hướng về Giáo hội và nhờ đó họ được lãnh nhận ơn thiêng của Thiên Chúa.

Tạm kết

Giáo hội không phải của riêng ai nhưng là của Chúa và Người không để cho nó tắt ngúm trong bóng tối. Chính Thiên Chúa luôn nạp năng lượng cho nó, để từ đó Giáo hội luôn soi sáng và tỏa ánh sáng của mình trong một xã hội nhiễu nhương tục hóa ngày hôm nay. Chính Thiên Chúa hướng dẫn Giáo hội, Người luôn đỡ nâng Giáo hội nhất là những lúc khó khăn, nguy hiểm. Người luôn ở gần Giáo hội, bao bọc Giáo hội bằng tình yêu của Người, để Giáo hội thực thi sứ mạng mà chính Người đã giao phó. Cũng như ngọn Hải đăng  luôn chiếu tỏa ánh sáng của mình trên biển cả thế nào thì Giáo hội vẫn tiếp tục sứ mạng mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho thế giới hôm nay.

Cũng thế, mỗi người chúng ta cũng phải biết rằng: sống trong Giáo hội không mở ra cho chúng ta một con đường, trong đó mọi sự đều dễ dàng và an lành, nó không miễn trừ cho chúng ta khỏi các bão táp của cuộc đời, nhưng ban cho chúng ta cái chắc chắn về sự hiện diện và sự che chở trong tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa qua Giáo hội như một bàn tay nắm lấy chúng ta để trợ giúp chúng ta đương đầu với các khó khăn và chỉ cho chúng ta đường đi cả khi có tối tăm.

Giuse Phùng Trọng Hiền, K13

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa - số 11


[1] ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Đường Về Emmau, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012,, tr. 59.

[2] Giuse. Ngô Ngọc Khanh OFM, Dẫn Nhập vào Cựu Ước, Học Viện Phaxicô (Lưu Hành Nội Bộ), 2013,Tr. 89.

[3] x. Lumen Gentium, Số 2

[4] Bruno Forte, Tưởng niệm Đấng Cứu Thế, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, 99.

[5] Felipe Gomez, Giáo hội học, Tủ Sách Antôn & Đuốc Sáng, 39.

Nguồn tin: