Mối Tương Quan Giữa Ba Nhân Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến

Mon,20/05/2019
Lượt xem: 12542

                                                                                             Tác giả:    Lanrung branch

 Dẫn nhập

Ngày nay, thế giới đang phát triển nhanh chóng về mọi mặt và trên mọi phương diện. Không ai có thể phủ nhận những đóng góp tích cực do sự phát triển ấy mang lại cho nhân loại. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc này cũng ảnh hưởng không nhỏ cho sự tồn tại của xã hội và đời sống luân lý của con người. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, người tín hữu đang tiếp cận một nền văn hóa hội nhập nhưng thiếu sự chọn lọc. Họ đang dần dần đánh mất những nấc thang giá trị cao đẹp vốn là luân thường đạo lý. Lối sống này chắc hẳn có ảnh hưởng tới đời sống Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến của người Ki-tô hữu. Vì vậy, việc am tường mối tương quan giữa các nhân đức đối thần là điều hết sức cần thiết và quan trọng trong đời sống đức tin, bởi vì các nhân đức đối thần là linh hồn của tất cả mọi việc thờ phượng Chúa.

    1. Mối Liên Hệ Mật Thiết Giữa Đức Tin Và Đức Mến

Như mọi hồng ân của Thiên Chúa, đức tin và đức ái bắt nguồn từ tác động của một và cùng một Thánh Thần (x.1Cr 13). Mối tương quan giữa hai nhân đức này tựa như mối tương quan giữa Bí tích Rửa tội và Bí tích Thánh Thể. Bí tích Rửa tội đến trước bí tích Thánh Thể, nhưng bí tích Rửa tội là sự chuẩn bị của bí tích Thánh Thể. Cũng vậy, đức tin đến trước đức ái, nhưng đức tin chỉ trở nên chân thực hay được chứng minh là thật khi được đội triều thiên bởi đức ái. Mọi sự khởi đi từ việc đón nhận đầy khiêm hạ của đức tin, nhưng đức tin phải đạt đến chân lý là đức ái, vốn tồn tại mãi mãi và là sự viên mãn của tất cả các nhân đức (x.1Cr 13,13).[i] Đức tin là biết chân lý và gắn bó với chân lý (x.1Tm 2,4), đức ái là ‘bước đi’ trong chân lý (x. Eph 4,15).  Với đức tin, chúng ta bước vào tình bằng hữu với Chúa; với đức ái, chúng ta sống và nuôi dưỡng tình bằng hữu này (x. Ga 15,14). Đức tin làm cho chúng ta đón nhận mệnh lệnh của Chúa và Thầy, đức ái cho chúng ta hạnh phúc trong việc đưa mệnh lệnh ấy ra thực hành (x. Ga 13,13-17). Trong đức tin, chúng ta được sinh ra làm con cái Thiên Chúa (x. Gl1,12); đức ái làm cho chúng ta kiên trì cách cụ thể trong việc làm con cái Thiên Chúa qua việc mang lại hoa quả của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5,22). Đức tin cho phép chúng ta nhận ra những hồng ân mà Thiên Chúa nhân lành và đại lượng đã trao phó cho chúng ta; đức ái làm cho chúng sinh hoa kết quả (x. Mt 25,14-30). Như vậy, rõ ràng là chúng ta không bao giờ có thể tách rời giữa đức tin và đức mến. Hai nhân đức đối thần này liên kết chặt chẽ với nhau như cá với nước, như cây với cành.

Vậy để đức ái triển nở trong đức tin, chúng ta phải thể hiện đức ái đó như thế nào trong đời sống kitô hữu chúng ta? Thánh Giacôbê đã quả quyết: đức tin không hành động là đức tin chết. Bởi lẽ, sống đức tin là biểu lộ tình thương và lòng bác ái một cách cụ thể. Còn sống bác ái là biểu lộ niềm tin một cách quyết liệt trong yêu thương và phục vụ. Chỉ khi tin thật sự chúng ta mới dám hiến thân và xả thân. Xả thân vì Chúa. Vì khuôn mặt của Chúa chính là khuôn mặt của những con người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Thật vậy, Thiên Chúa chẳng ai thấy bao giờ (x. 1Ga 4,11). Nếu không có đức ái, tức là hành động đức tin, thì dù có tuyên xưng đức tin cũng chỉ là hão huyền. Nhưng nếu được đức ái thúc đẩy, thì những lời tuyên xưng ngoài miệng của chúng mới thực sự trở nên hữu hiệu. Hành vi đức tin là một hành vi mang tính hiện sinh cá nhân hướng về Thiên Chúa.[ii] Nhờ đức tin, tâm hồn chúng ta bám vào chân lý và tìm thấy trong đó một niềm cậy trông vô biên và không thể huỷ hoại.

     2. Mối Tương Quan Tương Đức Cậy Và Đức Mến

Không thể yêu mến nếu không cậy trông. Tình yêu cần không gian để lớn lên và phát triển; đó là một điều kỳ diệu, nhưng rất mong manh theo một nghĩa nào đó. ‘Môi trường’ đặc biệt mà đức mến cần để được hình thành là đức cậy. Nếu đức mến không phát triển hay trở nên lạnh lùng, thì rất thông thường, nó bị bóp nghẹt bởi những bận tâm, lo lắng, sợ hãi hay nhát đảm. Đức Giêsu nói với thánh Faustina: “Cản trở lớn nhất của sự thánh thiện là nhát đảm và sợ sệt.”[iii] Chân Phước Francis Mary Paul Libermann đã từng nói: “Nhát đảm huỷ hoại linh hồn”. Vì thế, phương thức chữa lành tốt nhất là khám phá cội rễ của sự nhát đảm và học lại cách nhìn vào khía cạnh đặc biệt đó của cuộc sống bằng đôi mắt của đức trông cậy.

Đức cậy nổi bật với vai trò chính của mình là làm cho đức mến lớn lên và phát triển. Bản chất của cuộc chiến đấu thiêng liêng của người Kitô hữu là: nhờ sức mạnh của đức tin, duy trì một cái nhìn tràn trề hy vọng về mọi hoàn cảnh, về chính mình, về người khác, về Giáo Hội và thế gian. Một nhãn quan như thế có thể giúp chúng ta ứng xử trước mọi hoàn cảnh bằng đức mến. Những suy xét này cho thấy vai trò chính của đức cậy trong đời sống Kitô giáo. Có thể nói, trong khi đức mến là nhân đức cao cả nhất trong ba nhân đức đối thần, thì trong thực tế, đức cậy là nhân đức không kém phần quan trọng. Chừng nào còn cậy trông, đức mến còn phát triển. Nếu cậy trông tuyệt chủng, đức mến trở nên lạnh nhạt. Một thế giới không có hy vọng sẽ sớm trở thành một thế giới không có tình yêu. Nhưng đức cậy cần đức tin mà từ đó nó phát xuất. Thánh John Climacus, giáo phụ thế kỷ thứ bảy nói: “Đức tin mang lại điều dường như vô vọng trong tầm với của chúng ta”; Ngài nói thêm: “Một người tin không phải là người tin Thiên Chúa có thể làm mọi sự nhưng là người tin rằng, họ có thể đạt được mọi sự từ Thiên Chúa”.

     3. Mối Tương Quan Giữa Đức Tin Và Đức Cậy

Đức tin không đi kèm với đức cậy thì đức tin không hợp nhất với Đức Kitô, hay cá nhân không trở thành thành viên sống động trong thân thể Đức Kitô. Vì cậy trông là nhân đức gây ảnh hưởng. Nhờ cậy trông, chúng ta biết mình có thể tin tưởng mong đợi mọi sự từ Thiên Chúa. Thật vậy, thánh Phaolô khẳng định rằng: “Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (x. Pl 4,13). Cậy trông làm cho đức mến có thể mở rộng và phát triển. Nhưng để cậy trông trở thành một động lực thực sự trong đời sống, nó cần có một nền móng vững chắc, một đá tảng chân lý. Nền tảng vững chắc đó được thiết lập bởi đức tin, chúng ta có thể ‘hy vọng điều không thể hy vọng’ vì chúng ta ‘biết Đấng chúng ta tin’. Đức tin giúp chúng ta bám chắc vào chân lý mà Thánh Kinh truyền lại, chân lý về sự tốt lành, lòng nhân từ và sự tuyệt đối trung thành với lời hứa của Thiên Chúa.

Thiếu trông cậy, chúng ta không thực sự tin Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta hạnh phúc và như thế, chúng ta xây dựng hạnh phúc của mình từ lòng thèm muốn và ham mê nhục dục. Không mỏi mong tìm kiếm sự sung mãn của đời mình trong Thiên Chúa và vì thế, chúng ta tự hình thành một bản tính nhân tạo dựa trên kiêu căng. Việc thiếu niềm tin vào những gì ân sủng Chúa có thể làm trong đời sống chúng ta và những gì chúng ta có thể làm nhờ sự trợ giúp của Người dẫn đến một sự co rút cõi lòng, một đức mến thu nhỏ lại. Nhưng như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói: “cậy trông dẫn đến yêu thương”. Nếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta, chúng ta chỉ sống tương quan đối thần là đời sống đức tin, thì đức tin ấy không được trọn vẹn.[iv] Đức tin mời gọi chúng ta nhìn về tương lai bằng đức cậy, trong kỳ vọng chắc chắn rằng chiến thắng của tình yêu Đức Kitô sẽ đạt đến sự viên mãn của nó. Thật vậy, thánh Phaolô khẳng định rằng: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1).

    4. Ba Nhân Đức Đối Thần Không Thể Bị Tách Biệt.

Đức tin, đức cậy, đức mến là những nhân đức đối thần hay hướng Chúa[v], bởi vì trọng tâm quy hướng về Thiên Chúa. Cả ba nhân đức này liên hệ chặt chẽ với nhau, bởi vì chúng đưa chúng ta kết hiệp với Ba Ngôi Thiên Chúa ở đời này, với niềm hy vọng sẽ được hưởng vinh quang trong tương lai.[vi] Quả vậy, nhờ đức tin chúng ta biết Chúa; đức cậy dựa trên lời hứa của Chúa sẽ ban cho chúng ta đạt tới hạnh phúc là chính Chúa; đức mến liên kết chúng ta với Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4,8). Cho nên, đối với người Kitô hữu đó là ba cách sống liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa, là sự gặp gỡ với Ngài. Ba trạng thái linh hồn này đã được thánh Phaolô nói đến và nhắn nhủ như sau: “Chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô” (Tx 1, 3) và thánh Phaolô động viên họ: “Chúng ta hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ” (Tx 5, 8). Đức tin tạo ra đức cậy, đức cậy làm cho đức mến khả thi và giúp nó lớn lên. Động cơ này của các nhân đức đối thần là hoa trái của ân sủng, công trình của Chúa Thánh Thần, nhưng nó còn cần đến sự hợp tác của ý chí con người. Mục tiêu chính của nhân đức đối thần là giúp con người đối thoại, gặp gỡ Thiên Chúa. Con người không thể được công chính hóa, được cứu độ nếu không có lòng tin, cậy, mến. Nhờ đức tin, đức cậy và đức mến, con người có khả năng hiểu được lời cứu độ của Chúa, đón nhận lời ấy vào lòng và đáp lại. Thật vậy, “Các nhân đức thần linh ấy là nền tảng xây dựng đời sống tôn giáo của con người, đời sống liên hệ với Thiên Chúa. Chúng kết nối con người và toàn bộ hoạt động của con người, rồi cùng với các hoạt động ấy chúng liên kết toàn thể thế giới, với việc phụng sự Chúa và với nước Chúa Kitô.”[vii]

Tuy tách biệt ra từng nhân đức để dễ học hỏi và phân tích, nhưng thực sự tất cả đều quy về một mối duy nhất là đức ái. Thật vậy, nhân đức quan trọng nhất là đức ái hay tình yêu. Đức tin và đức cậy chỉ là tạm thời; chúng chỉ tồn tại trên trần gian này và sẽ qua đi. Trên trời, đức tin sẽ được thay thế bằng việc nhìn thấy và đức cậy sẽ được thay thế bằng việc sở hữu; chỉ đức mến là không bao giờ qua đi thôi. Nó sẽ không bao giờ bị thay thế bởi bất cứ điều gì khác bởi nó là mục tiêu mà tất cả hướng tới. Trên trần gian này, đức mến là sự thông phần sung mãn nhất sự sống trên trời; đức tin và đức cậy chỉ tồn tại cho nó. Nhưng đức mến không thể tồn tại mà không có hai ‘đầy tớ’ này, đức tin và đức cậy. Nó cần chúng để có thể lớn lên và phát triển. Thánh tông đồ còn nói: “không có đức mến tôi cũng chẳng là gì…”. Tất cả những đặc ân, công việc phục vụ hay nhân đức mà “không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,1-4). Đức mến cao trọng hơn mọi đức tính, đứng đầu các nhân đức đồi thần. Thánh Tôma Aquinô gọi nó là  “mẹ” của mọi nhân đức, vì tất cả các nhân đức khác phát sinh từ đó. Đức ái cho phép khám phá những gì quan trọng hơn đối với chúng ta. Nó giúp chúng ta thống nhất các động cơ khác nhau đang ngự trị nơi chúng ta, bằng cách chạm đến chúng ta ở chốn sâu thẳm nhất của con người chúng ta. Đó là tình yêu, là chính sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta. Cũng vậy, thánh Phaolô gọi Đức Ái là “mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14), là linh hồn của mọi nhân đức, sự viên mãn của lề luật, là nguồn mạch và cùng đích của việc thực hành các nhân đức. Thánh Phaolô khẳng định: “Hiện nay đức tin, đức cậy và đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,13). Tóm lại, Đức tin hay đức cậy hoặc đức mến dĩ nhiên phải lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Điều này đồng nghĩa với giáo huấn “Hãy mặc lấy Đức Kitô”, đặt niềm tin nơi Người, chứ không ở nơi ta, hay nơi của cải, tiền bạc, quyền lực.”[viii]

     Kết luận

Đối với người công giáo, đời sống nào cũng dựa vào Thiên Chúa là sức mạnh và cứu cánh. Đời sống Kitô hữu được xuất phát từ Thiên Chúa và được tổ chức theo ý Ngài. Đời sống của người có đạo liên hệ mật thiết với Thiên Chúa và ăn rễ sâu vào Ngài. Vì vậy, việc thấu đáo mối tương quan của các nhân đức đối thần là điều rất quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Vì trên hết và trước hết, Kitô hữu là người tin vào Thiên Chúa, hy vọng mọi sự từ Người, muốn yêu mến Người và yêu thương tha nhân hết lòng. Các giới răn, kinh nguyện, bí tích và mọi ân sủng đến từ Thiên Chúa chỉ có một mục đích duy nhất là gia tăng lòng tin, cậy, mến. Mặt khác, các nhân đức đối thần mở tâm hồn con người đón nhận Thiên Chúa và kết hiệp với Người. Chúng thắp sáng và hướng dẫn đời sống tôn giáo. Tất cả các cử hành phụng tự sẽ chỉ là trống rỗng hời hợt, giả hình nếu không xuất phát từ lòng tin, cậy, mến. Đàng khác, các nhân đức đối thần cũng cần những biểu hiện, hành vi bên ngoài như cầu nguyện, nghi thức phụng vụ củng cố, duy trì và phát triển.Vì cầu nguyện là cách bày tỏ sự thờ phượng của con người. Còn các hành vi phụng vụ, các biểu tượng và các bí tích là những dấu hiệu công bố lòng tin và bày tỏ đức cậy cũng như đức mến của con người đối với Thiên Chúa.



[i] Đức Thánh Cha Bênêđictô xvi, Sứ Điệp Mùa Chay 2013, http://gxdaminh.net/z/tusach/thuchung/sd_mchay2013.htm,  truy cập ngày 14.12.2017

[ii] Dermot Late, Nguyễn Luật Khoa dịch, Kinh Nghiệm Về Thiên Chúa , Nxb Phương Đông, tr 118.

[iii] Thánh Faustina, Petit Journal, tr. 480.

[iv] x. H. Wandenfels, Lm. Lê Văn Chính chuyển ngữ, Thần Học Căn Bản, năm 2009, tr. 284.

[v] x. Phan Tấn Thành,  Đời Sống Tâm Linh, tập 3,  Roma 2003,  tr 197.

[vi] x. Phan Tấn Thành,  Đời Sống Tâm Linh, tập 12,  Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2014,  tr 272-273.

[vii] Thần học luân lý chuyên biệt 1, tủ sách chuyên đề, tr 16.

[viii] x. Đức Thánh Cha Phanxicô, “Những câu nói bất hủ”https://hddmvn.net/nhung-cau-noi-bat-hu-cua-duc-thanh-cha-phanxico/ . Truy cập ngày 27.04.2019.

 

Nguồn tin: