Thần Học Phải Giả Thiết Đức Tin

Tue,22/10/2024
Lượt xem: 475

Dẫn nhập

Thần học trong nỗ lực đối thoại với những chất vấn của thời đại, của tính đa nguyên văn hoá qua các giai đoạn lịch sử đã cho thấy tính năng động và đa dạng trong lối trình bày của mình. Thật vậy, trong thời Cổ đại, thần học được trình bày theo hình thức hộ giáo, nhằm mục đích bảo vệ và đặt nền cho những tín lý, đồng thời chuẩn bị cho con người đi tới việc tuyên xưng đức tin. Thời Trung cổ, thần học kinh viện sử dụng triết học như là phương pháp để trình bày một cách hệ thống, khúc chiết các chân lý đức tin. Tới thời Ánh sáng, với ảnh hưởng của xu thế đề cao lý trí và phương pháp khoa học, để trở thành “khoa học”, thần học đã xây dựng cách hệ thống để có khả năng biện giải về những tri thức mà mình đưa ra. Trong thời Cận đại, với ảnh hưởng của triết học hiện sinh, ưu tư của thần học trong thời đại này là “Đức tin nói cho cùng đem lại cho cuộc sống con người ý nghĩa thiết thực gì?”. Trong thời này, thần học cố gắng trình bày đức tin trong tiến trình con người đi tìm ý nghĩa cuộc sống.

Sơ lược qua như thế để thấy rằng, mặc dù trải qua các thời kì, thần học cho thấy những thay đổi trong cách đặt vấn đề, những chuyển biến trong cách trình bày, từ đó cho thấy tính đa nguyên của thần học, nhưng không phải vì thế mà thần học biến mình thành “thằng hề”, sẵn sàng múa nhảy trên bất kì nền nhạc nào của thời đại, để rồi trở thành ngờ nghệch, lố bịch, nhạt nhoà mà không có bản sắc. Thật vậy, xét như là một khoa học thánh, thần học dù ở trong thời kỳ nào đi chăng nữa vẫn luôn cần đến lý trí như là một công cụ hữu hiệu, để minh giải nội dung đức tin. Tuy nhiên, lý trí lại không thêm gì vào nội dung đức tin, nhưng đúng hơn nhờ suy tư, suy luận chặt chẽ của khoa học mà làm sáng tỏ, và nhờ đó có thể hiểu hơn về điều mà mình đã lãnh nhận trong đức tin. Có thể nói điều kiện tiên quyết để làm thần học đó chính là đức tin. Vậy, nhờ đâu mà đức tin lại có một chỗ đứng như thế trong thần học? Vai trò của đức tin trong thần học là gì?

Để trả lời cho câu hỏi trên, bài viết sẽ chia làm 3 phần: Phần thứ nhất sẽ trình bày về đối tượng của thần học, từ đó cho thấy tính đặc thù của thần học so với các ngành khoa học và triết học; Phần thứ hai sẽ định vị chỗ đứng của đức tin trong thần học, đồng thời qua đó giải thích vì sao lại nói thần học phải giả thiết đức tin; Phần thứ ba sẽ đề cập đến tính duy nhất của đức tin. Phần này sẽ cho thấy đức tin chính là nguyên lý và nền tảng thống nhất thần học.

1. Thần học, một khoa học đặc thù

Trước hết, trong bất kì lãnh vực nào của tri thức cũng đều có chủ thể và đối tượng. Tuy nhiên, nếu khoa học là lãnh vực của các “vấn đề”, nghĩa là đối tượng mà khoa học nghiên cứu chính là những vấn đề mà ta có thể gặp, nó nằm trước mắt ta, có thể xem xét nó, giản lược nó, thậm chí định tính và định lượng nó, thì đối với lãnh vực triết học, theo Marcel lại là lãnh vực của “huyền nhiệm”, mà “huyền nhiệm” lại là điều mà ta dìm mình vào trong một bầu khí, bấy giờ “trước mắt tôi”, hay “trong tôi” không còn giá trị hay ý nghĩa nào nữa. Như vậy, đối tượng của triết học không thể là một thực tại khả giác, hay những dữ kiện đa phức để có thể đi đến một kết luận vững chắc, nhưng là một đối tượng của tinh thần.

Trong suốt dòng chảy lịch sử tư tưởng triết học, các triết gia với những triết lý, quan niệm khác nhau đã cho ra đời vô số ý niệm về Thượng Đế. Đối với Platon, Thượng Đế là Đấng Toàn Thiện. Với Aristote, Thượng Đế lại là nguyên nhân để vạn vật có ý nghĩa chứ không là nguyên nhân sáng tạo. Còn Thượng Đế của Decrates trong trường phái duy lý chỉ là một ý tưởng rõ ràng và minh bạch[1]. Tóm lại, Thượng Đế của các triết gia là một thực tại trong suy tưởng, chứ không thực hữu. Như vậy, khi tìm hiểu về một huyền nhiệm mà con người chưa từng có kinh nghiệm, lẫn ý niệm cách đầy đủ, đúng đắn, thì dường như bằng lối tiếp cận duy lý của mình, triết học đang nỗ lực đóng khung Thượng Đế trong giới hạn của lý trí và trí tưởng tượng của con người.

Cũng giống với Thượng Đế của triết học, Thượng Đế của thần học cũng là một huyền nhiệm mà họ không thể hiểu được. Tuy nhiên, nếu Thượng Đế của triết học là nguyên lý tối hậu chỉ thực hữu trong suy tưởng, là họa ảnh được phóng chiếu bởi lý trí của những nghệ sĩ là các triết gia, thì đối với những kẻ tin, Thượng Đế của họ hiện hữu sống động, có ngôi vị, là Đấng không ngừng tỏ lộ, mạc khải chính Người cho con người. Thật vậy, Thượng Đế của thần học là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3, 6). Đối với một Thiên Chúa như thế, những kẻ tin ngoài hành vi mở ra để đón nhận thì không thể làm gì khác hơn. Bởi lẽ, con người với ánh sáng của lý trí tự nhiên không thể nắm bắt một huyền nhiệm siêu vượt trên mình, và nếu lý trí có tỏ ra bất mãn để đòi hỏi chút quyền lợi thì cũng chẳng khác nào những thầy bói mù cùng cố gắng gọi tên một sự vật, nhưng lại cho ra không biết bao nhiêu kết luận khác nhau.

Như vậy, khác với khoa học và triết học, đối tượng của thần học không phải là một cái gì đó, hay một điều gì đó được bắt gặp thông qua giác quan; cũng không phải là một ý niệm thuần tuý, nhưng là một Ai đó, một Con Người. Và để có thể đến với một ai đó, thần học tiên vàn phải bắt đầu bằng đức tin.

2. Đức tin, tiền đường dẫn vào thần học

a. Tin là con đường bước vào tương quan với Thiên Chúa

Thiên Chúa của người Kitô hữu mặc dù là một Thiên Chúa tự hữu, siêu việt và tròn đầy trong chính mình, nhưng không vì thế mà Người là một thực tại xa lạ, tách biệt, không dính dự với thế giới thụ tạo. Trái lại, Người không ngừng tỏ mình ra với con người ngang qua những mạc khải trong lịch sử. Như vậy, giữa Thiên Chúa và con người tồn tại một tương giao liên vị sống động. Từ phía mình, Thiên Chúa nói với con người qua mạc khải. Phần mình, con người đáp trả Thiên Chúa bằng đức tin.

Tương tự như cuộc đối thoại được thực hiện giữa hai người, cuộc đối thoại giữa con người với Thiên Chúa mang lại sự hiệp thông nội tâm giữa trái tim con người và mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Cuộc đối thoại này mở đầu bằng sự tin tưởng lẫn nhau, không do sự hiểu biết của lý trí, khoa học hay kỹ thuật, nhưng đến từ tình mến trong sự tự do và liên đới[2].

Mối tương giao đó đã tạo nên lối tiếp cận đặc thù của thần học. Nếu các khoa học khác sử dụng lý trí như phương thế đạt tới tri thức về đối tượng mà mình tìm hiểu, thì thần học lại đòi hỏi đức tin làm khởi điểm. Nói khác đi, nếu biểu tượng của tri thức tự nhiên là đôi mắt của chim cú, thì biểu tượng của tri thức thần học lại là đôi tai biết lắng nghe. Bởi lẽ, thần học gia nói riêng và các tín hữu nói chung không thể bước vào tương giao với Thiên Chúa duy chỉ bằng lý trí, nhưng trên hết và trước hết phải bằng con tim của một kẻ tin.

Thật vậy, để hiểu một vấn đề ta cần đến khả năng tổng hợp, phân tích của lý trí, nhưng để bước vào trong tương giao với một ai đó, một Đấng nào đó tiên vàn phải chấp nhận (đặt niềm tin) người đó, và tiếp đó là cần đến một khả năng lắng nghe (hear). Cũng vì thế mà có sự phân biệt giữa cái “biết” (know) của khoa học và cái “nhận biết” (recognize) của thần học. Ngoài ra, trong Kinh Thánh, công thức mà Thiên Chúa mạc khải cho con người luôn là: “Nghe đây, hỡi Itraen”; “Thiên Chúa phán”;…[3] Như vậy, để có thể nhận biết Thiên Chúa, con người trước hết phải tin, bởi có tin thì mới kiên nhẫn và khiêm tốn lắng nghe; có lắng nghe thì mới có thể đón nhận trong tương quan liên vị. Cuối cùng, chỉ có bước vào trong tương quan với Thiên Chúa thì mới có thể thực sự “nhận biết” Chúa.

b. Tin là ơn ban nhưng không từ Thiên Chúa

Quả thực là một điều khó có thể chấp nhận được khi mà, làm thế nào một Thiên Chúa vô hình, toàn năng, siêu việt lại có kết nối với những thụ tạo hữu hình, bất tất, khiếm khuyết được? Mà giả như, Thiên Chúa có hạ mình chiếu cố để đến với con người đi chăng nữa, thì bằng cách nào để hai thực tại khác biệt ấy có thể giao tiếp và trò chuyện với nhau đây?

Là một thực tại thánh thiêng, giữa Thiên Chúa và con người vẫn luôn tồn tại một hố thẳm bất khả đổ đầy. Thế nhưng, Thiên Chúa đã thổ lộ với con người ngang qua trung gian là thế giới hữu hình để con người có thể giao tiếp được với Người (Dt 1,1). Tuy nhiên, trước hết mạc khải là một tiến trình chưa đạt đến sự “viên mãn”, hơn nữa trong thân phận giới hạn của mình, lý trí con người không thể tự mình đón nhận đầy đủ nội dung được mạc khải. Chính vì thế, con người cần đến ân sủng của Thiên Chúa mở đường, soi sáng để có thể đón nhận những chân lý mạc khải[4].

Thật vậy, Thánh Kinh đã nhiều lần khẳng định rằng: “Không ai có thể đến với tôi, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (Ga 6, 65); “Không ai có thể nói rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12, 3). Ngoài ra, Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Dei Verbum đã trình bày đức tin là ơn ban từ Thiên Chúa, qua đó chính đức tin đã giúp con người đón nhận mạc khải. 

“Nhờ sự vâng phục của đức tin, con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do “dâng lên Thiên Chúa mạc khải sự quy phục hoàn toàn của lý trí và ý chí”, đồng thời sẵn lòng chấp nhận mạc khải Ngài ban cho. Để được niềm tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài thúc đẩy và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và làm cho “mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý”. Và để việc hiểu biết mạc khải được sâu rộng thêm mãi, cũng chính Chúa Thánh Thần không ngừng kiện toàn đức tin qua các ơn của Ngài”[5]

Công đồng đã cho thấy, niềm tin mà nhờ đó con người đón nhận mạc khải không phải khởi đi từ con người, nhưng mang một nguồn gốc thần linh, đó chính là nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Hơn hết, đức tin một khi được gieo nơi mỗi người lại được không ngừng kiện toàn nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Như vậy, vai trò của đức tin lại càng trở nên quan trọng trong việc làm thần học. Nếu không có sự suy phục khiêm hạ của đức tin, nếu đức tin không đi bước trước thì lý trí con người, dù mang một nguồn lực lớn lao hay cố gắng đến đâu đi chăng nữa, cũng chỉ là những lời bập bẹ về Thiên Chúa. Bởi lẽ, Thiên Chúa đã không mạc khải những chân lý cao siêu nhiệm mầu cho kẻ thông thái, nhưng là cho những kẻ bé mọn, khiêm nhu, nhẫn nại (Lc 10, 21-24). Như vậy, tin là ơn ban từ Thiên Chúa, là điều kiện để đón nhận mạc khải.

c. Tin trong chiều kích lịch sử

Lần ngược về lịch sử Giáo hội ta nhận thấy rằng, Giáo hội sơ khai không phải khởi đi từ những nỗ lực của thần học, cho bằng chính đức tin can trường của những người Kitô hữu, những người sẵn sàng rao giảng về một Đấng Phục Sinh bằng chính giá máu mình. Nói cách khác, kinh nghiệm đức tin của những người Kitô hữu có trước hoạt động thần học[6]. Hơn nữa, nơi những người tín hữu, đức tin không chỉ là kết quả của ơn ban từ Thiên Chúa, cũng không chỉ là kết quả của nỗ lực từ ý chí con người, nhưng trong đó còn là hoa trái của dòng chảy đức tin từ truyền thống. Cũng vì đó mà kho tàng của thần học không chỉ là mạc khải trong Thánh Kinh, nhưng còn là truyền thống đức tin sống động được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác[7]. Vì thế, thần học không là một công việc thuần lý, trung lập và có khoảng cách, mà tự bản chất nó là hoạt động của người tín hữu chịu sự tác động của đức tin nơi chính hữu thể của họ[8].

Khi đề cập đến kinh nghiệm đức tin và yếu tố truyền thống trong thần học, ta nhận thấy chiều kích lịch sử xuất hiện như là một đối tượng và yếu tố căn bản của thần học. Bởi lẽ, trước hết đối tượng của thần học tiên và là mạc khải, mà mạc khải là gì nếu không phải là những biến cố đã xảy ra trong lịch sử. Đàng khác, mạc khải đó đã được đón nhận, hiểu và thấm nhập trong lịch sử và xuyên qua lịch sử. Nói khác đi, nếu mạc khải là lịch sử thì tin và sự hiểu biết đức tin cũng phải là lịch sử. Trong cách hiểu đó, truyền thống và kinh nghiệm đức tin không chỉ có nghĩa gìn giữ hay lặp lại một cách máy móc như thể đó là một yếu tố bất biến, bất di bất dịch, nhưng là “lịch sử tác động” của mạc khải nơi cộng đồng những người tin[9]. Trong ý nghĩa đó, đức tin giờ đây trong bầu khí của thần học không còn chỉ là phương tiện để đó nhận mạc khải, nhưng đã trở nên đối tượng của thần học. Nói cách khác, thần học tìm cách hiểu được bằng lý trí cái mà nó đã có kinh nghiệm.

3. Đức tin, nguyên lý thống nhất thần học

Như đã trình bày ở phần dẫn nhập, lịch sử cho thấy thần học rất đa dạng, những hình thái, những lối trình bày, tiếp cận khác nhau. Tính đa nguyên thần học vì thế chắc chắn là cần thiết và chính đáng[10]. Tính cách này phát sinh trước tiên từ sự phong phú vô hạn của đối tượng suy tư mà thần học nhắm đến. Đối tượng của thần học là mạc khải về Thiên Chúa và con người, vì thế nó mãi luôn là “huyền nhiệm” đối với khả năng của con người. Con người nói cho cùng không bao giờ có thể hiểu biết về toàn thể mạc khải, nhưng chỉ có thể nắm bắt dưới từng khía cạnh loại biệt. Thêm vào đó, lý do thứ hai khiến thần học mang tính đa nguyên là bởi khía cạnh chủ thể của các nhà thần học. Họ suy tư về đức tin Kitô giáo theo cách thức, nhãn quan hoặc nhạy cảm riêng của họ. Nói cách khác, suy tư thần học mang chiều kích lịch sử và do đó có nhiều cách thức tiếp cận, và được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau của các nhà thần học[11].

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, dù có đa dạng và phong phú đến mấy đi chăng nữa, thần học vẫn cần có một điểm nối kết và hội tụ. Một đàng, thần học cho thấy những đòi hỏi về tính đa dạng là cần thiết và hợp lý, nhằm khai mở nhiều lối tiếp cận mạc khải khác nhau trong nhiều chiều kích, và hơn hết là mở ra những đường lối đối thoại mới mẻ với thời đại. Nhưng đàng khác, thần học không thể vì thế mà đánh mất đi nền tảng căn bản nhất của mình. Nền tảng đó chính là đức tin vào Đức Giêsu Kitô, nơi mà Thiên Chúa và con người, thần học và nhân học chi phối lẫn nhau, đan kết vào nhau đến mức sâu xa và trọn vẹn nhất[12].

Như vậy, nếu mạc khải Kitô giáo đặt trọng tâm nơi một nhân vật lịch sử là Đức Giêsu Kitô, thì tất cả những khái niệm khác phải xuất phát và quy chiếu về trọng tâm ấy. Nói khác đi, tất cả các ngành thần học phải được khởi đi từ nền tảng đức tin căn bản đó[13]. Nếu đánh mất đi trọng tâm này, thần học sẽ có nguy cơ gạt bỏ những gì khác với mình, tự tuyệt đối hoá, tự cho mình những quy chuẩn riêng và dĩ nhiên sẽ không còn là thần học đúng nghĩa nữa. Tóm lại, tính duy nhất của đức tin không làm cho thần học trở nên lủng củng, nghèo nàn, nhưng nhờ được đặt nền trên nền tảng đức tin, thần học ngày một trở nên phong phú, sáng tạo, sống động và thống nhất hơn[14].

Kết luận

Nói cho cùng, đức tin là linh hồn của thần học. Nếu không có đức tin, thần học mất hết ý nghĩa của nó. Mặc dù thần học phải giả thiết đức tin, tuy nhiên nếu đức tin thiếu đi lý trí, thì đức tin đó sẽ trở nên mê tín hay cuồng tín. Trái lại, nếu lý trí cố tình khước từ đức tin, thì dẫu có những bước tiến bộ lớn đến đâu đi chăng nữa, lý trí vẫn không thể nào vươn tới những gì Thiên Chúa đã mạc khải. Với thánh Anselm, mặc dù thần học cần đến khả năng của lý trí, nhưng thần học phải được đặt nền trên đức tin. Thần học nói cho cùng chỉ là sự thông dự của con người vào tri thức của Thiên Chúa về chính mình người. Nói cách khác, nhờ tin mà con người nhận biết Thiên Chúa và cũng nhờ tin vào Thiên Chúa mà con người được thông dự vào tri thức của Thiên Chúa về chính Người[15].

                                                                                                         Antôn Lee

        ĐCV. Phanxicô Xaviê



[1] Dominique Morin, (LM. Phêrô Đặng Xuân Thành và ĐGM. Luy Nguyễn Anh Tuấn dịch), Gọi Tên Thượng Đế, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2019, 32

[2] Giuse Phạm Quốc Điểm, Giới Thiệu Thần Học Kitô Giáo, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2021, 137.

[3] JB. Nguyễn Khắc Bá, Thần Học Căn Bản, ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê, 2022, lưu hành nội bộ, 308

[4] Ibidem., 306

[5] Công đồng Vaticanô II, Hiến Chế Dei Verbum, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM, 2016, số 5, 194

[6] Marcel Neusch, (Thanh Thuỷ và Lm Trần Ngọc Anh chuyển ngữ), Dấu Vết Thiên Chúa, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, 15

[7] JB. Nguyễn Khắc Bá, Thần Học Căn Bản, ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê, 2022, lưu hành nội bộ, 329

[8] Marcel Neusch, (Thanh Thuỷ và Lm Trần Ngọc Anh chuyển ngữ), Dấu Vết Thiên Chúa, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, 15

[9] Nguyễn Quốc Lâm, Tin và Mạc Khải, Lưu hành nội bộ, 2019, 99

[10] Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế (Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin chuyển dịch), Thần Học Ngày Nay: Viễn Cảnh, Nguyên Lý Và Tiêu Chuẩn, 2012, 91, số 77.

[11] JB. Nguyễn Khắc Bá, Thần Học Căn Bản, ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê, 2022, lưu hành nội bộ, 28-29.

[12] Ibidem., 34

[13] Marcel Neusch, (Thanh Thuỷ và Lm Trần Ngọc Anh chuyển ngữ), Dấu Vết Thiên Chúa, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, 26.

[14] JB. Nguyễn Khắc Bá, Thần Học Căn Bản, ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê, 2022, lưu hành nội bộ, 38.

[15] Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế (Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin chuyển dịch), Thần Học Ngày Nay: Viễn Cảnh, Nguyên Lý Và Tiêu Chuẩn, 2012, số 16, 27 

 
Nguồn tin:
Tags :