Thần Học Và Niềm Hy Vọng Kitô Giáo (Trong đời sống đức tin Kitô giáo)

Tue,05/10/2021
Lượt xem: 2138

Đề dẫn

Một câu chuyện nhỏ,

Ở bên nước Pháp có một triết gia vô thần luôn chống đối đạo Công giáo. Đặc biệt, ông chống lại niềm tin vào sự phục sinh. Ông cho rằng thật là hão huyền và lố bịch khi đặt niềm tin vào sự sống lại trong ngày tận thế. Không những viết nhiều sách vở phản bác, ông còn đi giảng thuyết, lập các hội đoàn công khai giễu cợt, phỉ báng niềm tin ấy của người Công giáo. Khi ông qua đời, người ta đọc thấy trong di chúc của ông điều này: “Xin hãy chôn tôi trong cái huyệt đổ thật dày và chắc chắn. Để nếu có ngày sống lại trong ngày tận thế thì tôi cũng không thể phá nấm mồ mà chỗi dậy. Trên bia mộ tôi xin hãy viết: Nơi đây an nghỉ một người khước từ sự sống lại!” Người ta đã thực hiện đúng theo di chúc khi chôn cất ông.

Thời gian trôi qua, mưa làm mai mốt nước sơn trên ngôi mộ; gió mang đến những hạt giống rơi vào trong các kẽ nứt. Một trong số những hạt giống ấy lớn lên, nảy mầm thành một cây lớn bóng. Rễ của nó ăn sâu xuống đất, đâm ra tứ phía, lớn dần lên dưới ánh mặt trời. Cuối cùng, nấm mồ của con người không tin vào sự phục sinh đã bị rễ cây của hạt giống nhỏ làm vỡ tung ra.

Câu chuyện dung dị ấy phần nào gợi lại cho nhiều người điểm khác biệt cốt yếu của những người có đức tin Kitô giáo và những người chủ trương vô thần. Niềm hy vọng vào sự sống mai hậu của người tín hữu, theo người viết, là điều mang lại cho con người ý nghĩa hiện sinh nhất, bởi vì nó trả lời cho những truy vấn căn cơ của nhân loại: Tôi đến từ đâu? Tôi sống để làm gì? Tôi sẽ đi về đâu?...

Triết học tự cổ chí kim cho rằng con người là hữu thể thống nhất của xác thể và tinh thần. Gắn bó thực tại tinh thần của con người là cảm thức tôn giáo, như G. Marcel đã phát biểu rằng: “Con người là hữu thể tôn giáo” (homo religiosus). Con người có khả thể và khao khát hướng thượng, quy về một Đấng Siêu Việt, được đặt để sâu thẳm trong tâm hồn mỗi một nhân vị - điều mà, nhà thần học Karl Rahner gọi là “khả năng siêu việt hóa” chính mình.[1]

Bởi lời mời gọi yêu thương ấy của Thiên Chúa, con người trong khả thể giới hạn của mình, vẫn không ngừng vươn tới và tìm cách diễn đạt về Thiên Chúa, tìm cách nói về Thiên Chúa – Đấng Siêu Việt vô hạn đồng thời là một Thiên Chúa rất gần gũi trong đời sống đức tin của họ.

Cùng đích của con người là được thông phần bản tính của Thiên Chúa, và tham dự vào sự sống vĩnh cửu trong đời sống siêu nhiên với Ngài.[2] Tuy nhiên, con người tự mình không thể đạt tới cứu cánh nhưng phải nhờ đến ân sủng của Thiên Chúa – Đấng tự thông ban chính mình cho nhân loại. Nếu thần học là sự biện giải của con người về Thiên Chúa và với Thiên Chúa, thì thần học trước hết phải hướng về cùng đích của con người. Một cách tự nhiên nhất, thần học có mối tương quan với niềm hy vọng Kitô giáo.

Trong giới hạn cho phép, bài biết này, với lòng khiêm tốn, cố gắng trình bày mối tương quan giữa thần học và niềm hy vọng Kitô giáo xét như hai phạm trù trong đời sống đức tin người Kitô hữu.

I. Hiểu biết tổng quát về thần học và niềm hy vọng Kitô giáo

1. Thần học là gì?

“Mạc khải khởi đi từ Thiên Chúa và thể hiện trong môi trường thụ tạo tới mức con người có thể cảm nghiệm, diễn tả và trao đổi được.”[3] Ba động từ “cảm nghiệm”, “diễn tả” và “trao đổi” trên phương diện nào đó đã là một định nghĩa sơ khởi về thần học. Tuy nhiên để làm rõ hơn về phạm trù thần học, ta sẽ phải mạo muội bước chân vào địa giới của nó. Với ơn Chúa, dù chỉ là những bước chân dạo bìa rừng, hy vọng cũng giúp ta có cái nhìn tổng quát hơn về thần học.

1.1. Định nghĩa

Danh từ “thần học” được dịch ra từ Theologie, Theology, Theologia, gồm 2 chữ Hy Lạp là Theos: Thiên Chúa, Thượng đế, Thần và Logos: ngôn từ. Theo đó thần học cách giản lược nhất là nói về Thiên Chúa hay nói với Thiên Chúa.

Thần học giả định rằng “Thiên Chúa hiện hữu” và “con người có thể diễn tả Ngài bằng ngôn ngữ.” Liên từ “và” trong giả định trên của thần học không xác lập một vực thẳm nhưng là một sự trùng khớp hay ít ra là một sự tương hợp giữa hai mệnh đề.[4] Nỗ lực đó của thần học có xóa đi được sự nghi hoặc của con người, vì con người là thụ tạo bất toàn chăng? Liệu khi nói về Thiên Chúa, Đấng khác với những gì ta hiểu biết, vượt lên trên hoặc bao trùm cái mà ta đã biết, lý trí có khả thể để diễn đạt đúng Ngài hay không? Quả thực giữa con người và Thiên Chúa là một khoảng cách vô hạn bởi sự khác biệt vô hạn về phẩm tính.

Kitô giáo trong dòng chảy của mình cố gắng trình bày, biện giải mạc khải của Thiên Chúa cho con người nhằm giúp con người phần nào tiếp nhận được điều Thiên Chúa thông ban. Thần học theo đó cũng được nhận diện qua nhiều định nghĩa khác nhau tùy theo cách tiếp cận của mỗi nhà thần học, mỗi trường phái thần học.

Thần học là khoa học hay môn học nghiên cứu tìm hiểu về Thiên Chúa,[5] “một khoa học về đức tin nhưng môn học này không thể được hoàn thành mà lại không có một kinh nghiệm sống động về đức tin và việc thực hành đức tin.”[6] Như vậy, đức tin là nền tảng và nội dung của thần học, đức tin không bao giờ được phép vắng mặt trong công việc của thần học gia. Điều này ngay từ thế kỷ XI, thánh Anselmô (1033-1109) đã đồng thuận khi ngài định nghĩa thần học là “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết” (Fides quaerens intellectum).[7]

Một số nhà thần học hiện đại cả Tin Lành và Công giáo cũng đưa ra những định nghĩa thần học theo xu hướng nhấn mạnh đến vai trò của nó.

Paul Tillich định nghĩa thần học “là sự di chuyển qua lại giữa hai cực: Chân lý vĩnh cửu làm nền tảng và hoàn cảnh thời gian trong đó Chân lý vĩnh cửu này được đón nhận.”

Nhà thần học Lonergan lại đưa ra định nghĩa khác: “Thần học làm trung gian giữa môi trường văn hóa và ý nghĩa cũng như giá trị tôn giáo trong môi trường đó.”

Karl Rahner – nhà thần học xuất sắc của thế kỷ XX – định nghĩa: Thần học là khoa học đức tin. Nó giải thích và khai triển một cách có ý thức và phương pháp các mạc khải của Thiên Chúa vốn đã được đón nhận và nắm giữ trong đức tin.

Có nhiều định nghĩa thần học khác nhau, tùy thuộc vào mỗi trường phái và mỗi thần học gia tiếp cận theo những chiều kích nào. Sự phức tạp trong các định nghĩa suy cho cùng hệ tại ở con người, không phải là ở Thiên Chúa. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân. Một là bởi con người giới hạn, hay thay đổi theo thời gian và không gian. Hai là con người, bởi ảnh hưởng của tội nên nhìn về Thiên Chúa không giống nhau. Còn Thiên Chúa thì trường cửu, bất biến, “vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8).

1.2. Sự cần thiết của thần học

Điều đang cứu xét ở đây là vai trò thiết yếu của thần học đối với đời sống của Giáo hội xét như là một cộng đoàn đức tin và trong đời sống đức tin mỗi người tín hữu.

Thần học là lãnh vực quan trọng của Giáo hội hơn hai ngàn năm nay. Nhờ và qua thần học, Giáo hội đi tìm lại chính mình để hướng tới Nước Trời. Sự phát triển của Giáo hội tại thế đồng hành với sự phát triển của thần học khi nó trình bày và triển khai các chân lý được mạc khải qua những nỗ lực suy tư. Những biện giải của thần học giúp hoàn thiện hơn về giáo lý, đồng thời qua đó, Giáo hội không ngừng cật vấn và nhận chân rõ hơn về căn tính, sứ mạng của mình giữa thế giới theo sứ điệp của Tin Mừng.

Đối với đời sống người Kitô hữu, thần học góp phần khai sáng đức tin đã được đón nhận từ cộng đoàn hay từ kinh nghiệm nội tâm về Thiên Chúa. Nhà thần học như “người hộ sinh cho kinh nghiệm đức tin”[8] của người tín hữu và mỗi cộng đoàn.

2. Hiểu thế nào về niềm hy vọng Kitô giáo

Con người là thụ tạo bất toàn, mang trong mình khao khát mãnh liệt được hạnh phúc, đó là một khao khát tự nhiên và phổ quát có nguồn gốc thần linh. Hạnh phúc mà con người mong ước không chỉ là hạnh phúc tạm bợ ở thực tại trần thế chóng qua nhưng là hạnh phúc miên trường ở một thực tại vĩnh cửu khác.

Chết không phải là hết. Đúng hơn, sự chết không phải là tiếng nói cuối cùng của con người trong chương trình tình yêu của Đấng Tạo Hóa. Đây là điểm làm nên tính độc sáng và ý nghĩa của đức tin Kitô giáo. Khi con người bước chân vào cõi chết, họ không kết thúc mọi sự nhưng là bước qua lằn ranh để tiến vào một thực tại mới. Nếu con người không chối từ Thiên Chúa, nhưng sống theo những giá trị Tin mừng, thì khi nhắm mắt từ giã cõi đời này họ được chiêm ngắm vinh quang và chia sẻ sự sống hạnh phúc với Thiên Chúa. Giáo lý Kitô giáo dạy rằng: chính Thiên Chúa đã đặt để niềm khao khát đó trong trái tim con người để lôi kéo con người đến với Ngài, Đấng duy nhất có thể làm thỏa mãn sự khao khát ấy. Thánh Tôma Aquinô nói: “chỉ có Thiên Chúa mới làm con no thỏa.”[9]

Đối với những người không có đức tin thì câu hỏi chết rồi sẽ ra sao không thành vấn đề. Theo họ, chết là hết. Chết là kết thúc cuộc sống ở trần thế này và sẽ trở về hư không. Nhà văn Nhất Linh, một ngày bâng khuâng, ông tự hỏi mình :

- Chết rồi sẽ ra sao nhỉ ?

Nghĩ ngợi một chốc, rồi ông lại tự trả lời lấy :

- Hồi Hai Bà Trưng, tôi chưa ra chào đời. Thế khi ấy tôi ở đâu ? Chết, tức là trở về tôi hồi ấy vậy.

Nói cách khác, định mệnh bắt tôi phải đầu hàng thần Chết vô điều kiện. Tôi đã bởi hư vô mà có, thì chết rồi, tôi lại rơi vào cõi hư vô. Thảo nào, một thi sĩ lương dân đã phải khóc lên não nuột khi tưởng nhớ đến giây phút tủi nhục này: Nhưng mà tôi sẽ chết than ôi !

Tôi run như lá, tái như đông,

Trán chảy mồ hôi, mắt lệ phồng,

Năm đẩy tháng dồn tôi đã đến

Trước bờ lạnh lẽo cõi hư không.

Đối với một số người, không những chết là hết nhưng chết còn là một nỗi tuyệt vọng khủng khiếp. Karl Marx, ông tổ thuyết Mácxít vô thần, trong một bức thư viết cho người bạn của ông là Lassanler đã nói về cái chết của đứa con mình như sau :

“Cái chết của đứa con trai tôi đã làm cho tôi đảo điên. Lúc nào tôi cũng cảm thấy như cái chết ấy mới xẩy ra ngày hôm qua thôi. Còn vợ tôi thì hoàn toàn ngã gục vì biến cố này.”

Ai trong chúng ta cũng cảm thông được với nỗi đau đớn tột cùng này của ông. Cái chết là một mất mát mà không gì có thể lấp đầy được. Sự mất mát ấy lại càng khủng khiếp hơn khi con người không còn một niềm hy vọng nào vào cuộc sống mai hậu. Chối bỏ cuộc sống mai hậu cũng có nghĩa là tự đọa đầy mình vào một nỗi tuyệt vọng khủng khiếp nhất (D. Wahrheit, Phép lạ trong cuộc đời, tr 257).

Nếu không còn niềm tin vào cuộc sống mai hậu thì người ta dễ đi đến những kết luận bi quan, muốn tận hưởng trước khi chết để đi vào hư vô:          

Người ơi, tận hưởng đi mùi thế tục

Trước ngày tan nát cõi tha ma. (Omar) 

Nhà triết học Heiddeger đã nói:

Nếu chết là hết, thì người đời luôn luôn sống trong lo sợ. Bởi vì biết rằng mình sẽ chết, vậy sẽ trở về cõi hư vô, thì tức là đã mang hư vô trong mình rồi. Sống làm gì nữa để ngày mai rơi vào cõi hư vô.”[10]

Niềm tin Kitô giáo không như vậy, bởi vì Kitô giáo là tôn giáo của niềm hy vọng. Tôn giáo này dẫn con người đi tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu sau cái chết bằng một niềm hy vọng trong Đức Giêsu Kitô. Kitô giáo gieo trong tâm hồn những ai tin nhận hạt giống hy vọng vào một cõi vinh phúc mai hậu là Thiên Đàng, nơi chỉ có hạnh phúc, không có đau khổ; nơi đó con người được thông dự tròn đầy vào sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Khởi đi từ thân phận yếu đuối tội lỗi của con người, Kitô giáo đặt niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ. Niềm hy vọng Kitô giáo nâng con người đứng dậy trong những vấp ngã trên cuộc lữ hành, tiếp thêm sức mạnh chữa lành những vết thương, nỗi gian khó, đau khổ của con người.

Niềm hy vọng lớn nhất của Kitô giáo là niềm hy vọng được phục sinh cùng với Đức Kitô, Cứu Chúa. Đó là Tin mừng của niềm hy vọng khởi đi từ biến cố Phục sinh của Đức Kitô. “Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết” (Rm 6,9), và chúng ta sẽ được cùng sống lại với Ngài và trong Ngài. Đây không phải là một niềm hy vọng vu vơ để trấn an chúng ta nhưng là một điều chắc chắn mà chính Thiên Chúa đảm bảo “ai tin vào Ta sẽ có sự sống đời đời” (Ga 3,36).[11]

Niềm hy vọng sống lại bao trùm viễn cảnh cuộc lữ hành đức tin người Kitô hữu. Nó trở nên động lực, mục đích của đời sống tạm bợ này. Nhờ niềm hy vọng đó, đoàn người lữ hành đông đảo với đức tin là đuốc sáng trong tay hướng về quê hương vĩnh cửu. Niềm hy vọng Kitô giáo được Thánh Phaolô xác tín cách mạnh mẽ:

“Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).

II. Tương quan biện chứng giữa thần học và niềm hy vọng Kitô giáo

Thần học có trước hay niềm hy vọng Kitô giáo có trước? Đứng trước câu hỏi này có hai lối tiếp cận. Một lập trường cho rằng niềm hy vọng có trước thần học vì thần học chỉ là sự triển khai cái đã có là niềm hy vọng. Lập luận khác cho rằng thần học có trước niềm hy vọng vì thần học định dạng niềm hy vọng.

Phải đồng ý rằng cả hai lối tiếp cận này đã đề cập đến vai trò của mỗi lãnh vực lên nhau, song cả hai chưa trình bày được bản chất nội hàm sâu xa tạo nên mối tương quan của chúng. Niềm hy vọng và thần học theo nghĩa rộng, xét cho cùng, không phân tách đến nỗi ta có thể nói rằng lãnh vực nào có trước, lãnh vực nào có sau. Theo chiều hướng này, thần học và niềm hy vọng Kitô giáo cùng đồng thời xuất hiện. Rõ ràng lối tiếp cận này có cơ sở vững chắc nếu ta cứu xét đến bản chất của mỗi lãnh vực. Niềm hy vọng Kitô giáo là mối tương quan của thụ tạo vào Thiên Chúa – Đấng sáng tạo, trong khi thần học biện giải mối tương quan đó. Như vậy khi đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa, con người cũng đã bắt đầu hành trình biện giải chính niềm hy vọng, nghĩa là thần học đã được khai triển khi hạt giống hy vọng được gieo vãi. Niềm hy vọng là nội dung, còn thần học diễn tả nội dung đó.

2.1. Thần học soi chiếu niềm hy vọng Kitô giáo

Đức tin Kitô giáo dạy chúng ta đặt niềm hy vọng vào một vị Thiên Chúa toàn năng, vô thủy vô chung. Ngài là tình yêu đã tự thông ban chính mình và biểu lộ “kế hoạch yêu thương” (Ep 1,9) để con người được thông phần bản tính với Ngài.

Tuy nhiên, bởi sự giới hạn của yếu tính thụ tạo và hậu quả của tội lỗi, con người tự mình không thể đón nhận và hiểu thấu hết những mạc khải của Thiên Chúa. Nội dung mạc khải là những gì thuộc “cảnh vực thần linh”[12] được Thiên Chúa tỏ lộ cho con người, và những bí nhiệm cao cả ấy không phải tất cả mọi người đều đón nhận được cách tỏ tường, đúng đắn với giá trị tự thân của nó trong đời sống đức tin.

Niềm hy vọng Kitô giáo không phải là niềm hy vọng mù quáng vào một vị Thiên Chúa xa lạ. Giáo hội trong tư cách là Mẹ đức tin chỉ dạy cho con cái mình trưởng thành trong đời sống đức tin, trong niềm hy vọng. Thần học Kitô giáo qua đó đóng góp phần quan trọng nhất để làm sáng tỏ niềm hy vọng vào một Thiên Chúa là cùng đích của con người.

Niềm hy vọng Kitô giáo cũng chính là nội dung của đức tin, kín múc từ nguồn mạch không bao giờ vơi cạn là Kinh Thánh. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể đọc và hiểu được các thông điệp mà Thiên Chúa mạc khải qua Sách Thánh. Đến lượt mình, thần học khảo cứu những trang Kinh Thánh – là linh hồn của mình,[13] biện giải nó để soi chiếu cho đức tin, cho niềm hy vọng.

Đức tin Kitô giáo hy vọng điều gì? Đối tượng của niềm hy vọng Kitô giáo là gì? Thần học có nhiệm vụ đưa ra ánh sáng câu trả lời để hướng dẫn đức tin con người bước đi với niềm hy vọng.

Thần học hiện đại đặt trên nền tảng là đức tin Công giáo, cố gắng liên kết các yếu tố siêu nhiên hàm chứa trong những mạc khải tự nhiên và siêu nhiên của Thiên Chúa. Mọi cố gắng của Thần học nhằm mục đích đưa đến cho con người thấy ngày một rõ hơn, gần gũi hơn với Thiên Chúa. Thần học đã chỉ đường và dẫn dắt nhân loại gặp gỡ một Thiên Chúa sống động nơi chính sự hiện hữu của vũ trụ, nơi chính thân xác của mỗi con người. Vượt qua những giới hạn của ngôn ngữ, văn hóa, quan điểm, lịch sử... thần học giải thích, liên kết các sứ điệp, các mầu nhiệm chứa đựng trong mạc khải, trong công trình cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô.

Như thế, thần học đã vượt qua tất cả lằn ranh của vũ trụ, của xã hội và lịch sử con người để dẫn con người đến với Thiên Chúa - một Thiên Chúa sống động, một Thiên Chúa là Cha yêu thương ta hơn ai hết, là Đấng Emmanuel. Thần học đã thể hiện được vai trò của mình trong việc giúp nối kết con người với Thiên Chúa và làm sống động đức tin của người tín hữu.

“Anh em hãy sẵn sàng trả lời cho những ai chất vấn về niềm Hy vọng của anh em”

                                                                                            (1Pr 3,15).

Đối với thánh Phêrô, khi khích lệ các Kitô hữu hãy luôn sẵn sàng đưa ra câu trả lời liên quan đến Logos – ý nghĩa và lý do – cho niềm hy vọng của họ thì từ “hy vọng” là tương đương với từ “đức tin”.[14] Những lý lẽ mà thánh Tông đồ trưởng viện dẫn để trả lời cho niềm hy vọng đó là kết quả của thần học.

Không phải vô cớ mà thần học trong thời gian cuối của thế kỷ XX đã hết sức nhấn mạnh đến Hy vọng như chiều kích căn bản của niềm tin Kitô giáo và nhìn đến tương lai như chân trời Siêu việt. Đi tiên phong trong lãnh vực này là nhà thần học J. Moltmann với nền thần học hy vọng.

Thần học hiện nay phát triển với nhiều mảng, ngành khác nhau cũng bởi nhu cầu của đức tin thời đại. Mỗi phân khoa thần học là nỗ lực đi tìm câu trả lời cho từng khía cạnh của nỗi hoang mang hoài nghi trong một thế giới đa tạp và đầy biến động. Thế giới ấy cần một niềm hy vọng sống động được soi chiếu, đào sâu bởi nền thần học. Nói khác đi, trong màn đêm của thời đại, thần học như đèn soi trong tay người lữ khách trên hành trình đức tin hướng về niềm hy vọng là cùng đích cuộc đời.

Thần học dẫn ta đến với Thiên Chúa là đối tượng của niềm hy vọng. Điều này thật quan trọng vì những ai không biết đến Thiên Chúa, cho dù người ấy có tràn trề mọi loại hy vọng thì tối hậu cũng chỉ là vô Hy vọng, cũng không có một Hy vọng cao cả nâng đỡ toàn bộ cuộc đời (x. Ep 2,12).[15]

2.2. Thần học nuôi dưỡng niềm hy vọng

Niềm hy vọng Kitô giáo được gieo bởi đức tin phải được nuôi dưỡng để không ngừng triển nở. Trong một thế giới đầy bất công, đau khổ… con người dễ bị rơi vào hai trạng thái, hoang mang và bi quan với sự vong thân và những luẫn vọng mang màu sắc xám xịt. Đâu là hướng đi đích thực cho cuộc đời? Đâu là ý nghĩa của cuộc đời? Ta hy vọng vào điều gì?... Đó là những cật vấn hiện sinh của con người, của thời đại mà chính nhân loại phải đối diện.

Những khám phá của khoa học kỹ thuật mang lại cho con người một nếp sống văn minh, tiện nghi nhưng nó không có sức mạnh giải thoát con người khỏi những nỗi hoang mang, nghi ngờ. Thật sai lầm khi tin rằng “con người có thể được cứu rỗi bởi khoa học? Cái kì vọng đó đòi hỏi quá đáng nơi khoa học, hy vọng loại đó thật hão huyền.”[16] Khoa học không thể giải thoát con người, nhưng chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới giải thoát được con người.

Thần học đứng trước những thách đố đó và phải đưa ra những câu trả lời cho nỗi hoài nghi của thời đại. Thần học nói về Thiên Chúa, xác quyết về Thiên Chúa cho niềm hy vọng bừng cháy cách mạnh mẽ trong tâm hồn những ai tin nhận. Thần học “không yên nghỉ trước khi làm cho con người của ngày mai và Đấng Thiên Chúa của muôn đời gặp gỡ nhau trong chân lý.”[17]

Sứ mạng của thần học là dẫn dắt, đồng hành và củng cố niềm hy vọng Kitô giáo, để với đức tin, người Kitô hữu đến với nguồn nguyên khởi ân sủng là chính Thiên Chúa, qua đó định hình khuôn mẫu và rập đời sống cùng niềm hy vọng của mình trong hoàn cảnh hiện tại. Đức Thánh Cha Phanxicô, khi ngỏ với các nhà thần học quốc tế năm 2015, đã nói: “một trong các trách vụ chính yếu của các nhà thần học là biện phân và suy nghĩ xem làm một Kitô hữu ngày nay, “ở đây và lúc này” có nghĩa là gì?”[18]

2.3. Niềm hy vọng Kitô giáo trở nên lực đẩy cho thần học phát triển

Niềm hy vọng Kitô giáo khi cứu xét đồng nhất với đức tin Kitô giáo (x. 1Pr 3,15) trở thành NỘI DUNG của thần học. Cũng như Kinh Thánh sẽ là một cuốn sách chết, nếu không dẫn con người đến một niềm hy vọng cứu rỗi nhờ việc gặp gỡ tin nhận một Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, thần học cũng sẽ là một tập hợp rỗng, vô nghĩa nếu không có nội hàm là niềm hy vọng Kitô giáo.

Niềm hy vọng Kitô giáo trở nên lực đẩy cho thần học phát triển. Thiên Chúa mạc khải chính mình trong lịch sử cứu độ và thành toàn nơi “biến cố Đức Kitô,” từ đó gieo lên trong tâm hồn những ai tin nhận niềm hy vọng. Thần học đón nhận điều đó, biện giải qua những suy tư của mình, và qua đó thần học có thể khải mở và chạm tới những chân trời của Chân lý mạc khải.

Sự phát triển của thần học trong những thế kỷ gần đây với nhiều phân khoa khác nhau như thần học giải phóng, thần học môi trường, thần học nữ quyền, thần học hy vọng, thần học thân xác… là sự phân tách “hạt nhân hy vọng” của những chiều kích khác nhau trong niềm hy vọng chung cục của Kitô giáo. Niềm hy vọng Kitô giáo càng được tiếp cận với những phương diện và biên cương khác thì nền thần học càng được đào sâu, khám phá nhiều hơn.

Niềm Hy vọng Kitô giáo được mạc khải, trình bày trong Kinh Thánh. Kinh Thánh là linh hồn, là trọng tâm của thần học,[19] nên có thể nói niềm hy vọng Kitô giáo cũng chính là linh hồn, là trọng tâm của thần học Kitô giáo.

2.4. Niềm hy vọng Kitô giáo gắn kết thần học với đời sống đức tin

Đời sống đức tin là lối sống diễn tả niềm hy vọng vào Đức Kitô phục sinh. Thần học có vai trò quan trọng trong đời sống đức tin, bởi thần học không chỉ suy tư về các bản văn Kinh Thánh, vốn là điều có tính nền tảng, nhưng còn phải xem xét các biến cố lịch sử trong đời sống.[20]

Thần học can thiệp vào mọi góc cạnh của đời sống đức tin để gieo hạt giống là niềm hy vọng vào mảnh đất ấy. Với niềm hy vọng là cầu nối, thần học đi vào trong đời sống đức tin của con người, gắn kết với đời sống đức tin cá vị cũng như đức tin cộng đoàn.

Thần học mặc dù là khoa học về Thiên Chúa song thần học dẫn giải một vị Thiên Chúa là một AI ĐÓ thật gần gũi và sống động. Khi gieo niềm hy vọng cho con người, thần học không xa lạ với đời sống đức tin, không còn làm người ta phải sợ. “Thần học say mê niềm tin của những ngày mới, quan tâm tới tất cả những gì xuất hiện trên sâu khấu thế giới và văn hóa, và tỉ mỉ dò xét tương lai.”[21] Một thời người ta sợ khi nhắc đến hạn từ “thần học” vì lí thuyết quá cao siêu. Tuy nhiên đó là khi thần học tập trung diễn tả về Thiên Chúa – Đấng Siêu Việt Tối Cao. Một khi thần học quay về với con người, mang theo niềm hy vọng cho con người thì thần học trở nên gần gũi với con người trong đời sống đức tin.

III. Thần học và niềm hy vọng Kitô giáo trong đời sống đức tin

Ở trên ta đã tiếp cận vai trò riêng lẽ của từng lãnh vực với nhau, ở đây ta cứu xét vai trò của hai lãnh vực này đối với đời sống đức tin của người Kitô hữu.

Niềm hy vọng của người Kitô hữu là dạng thức sống động của kinh nghiệm đức tin. Trong khi đó, khoa Thần học “cố gắng nhận hiểu và diễn giải kinh nghiệm đức tin của một cộng đoàn, đưa kinh nghiệm đó vào trong sự diễn đạt bằng ngôn ngữ và biểu tượng.”[22] Cả hai giúp con người tiến gần với Thiên Chúa hơn, đem lại và cũng cố giá trị của cuộc sống, giá trị của con người

Xét theo nghĩa nào đó, thần học chính là chiều kích năng động của niềm hy vọng Kitô giáo và ngược lại, niềm hy vọng chính là chiếu kích tĩnh tại của thần học. Một niềm hy vọng nhưng được triển khai dưới nhiều chiều kích, nhiều suy tư, nhiều ngành thần học khác nhau. Tính năng động của thần học không làm dị biệt niềm hy vọng Kitô giáo nhưng làm cho niềm hy vọng đó được sáng tỏ và chất đầy tính “hy vọng” hơn.

Thần học và niềm hy vọng Kitô giáo, cả hai vừa thuộc thực tại siêu việt, vừa thuộc thực tại lịch sử. Thuộc thực tại siêu việt vì thần học và niềm hy vọng Kitô giáo đều phát xuất từ Thiên Chúa và quy hướng về Ngài là cùng đích. Thiên Chúa – Hữu thể Siêu việt - là Anpha và Omega của niềm hy vọng Kitô giáo và thần học. Thuộc thực tại lịch sử vì cả hai tồn hữu trong môi trường con người với lịch sử, hoàn cảnh văn hóa và xã hội nhất định của con người. Thần học và niềm hy vọng Kitô giáo khởi đi từ Thiên Chúa, trao ban và trú ngụ cách sống động nơi con người để rồi sẽ trở về với Thiên Chúa.

Cả thần học và niềm hy vọng Kitô giáo  vẫn đang còn trên hành trình nên trọn vẹn, điều đó sẽ được khi nhân loại và vũ trụ này được mặt giáp mặt với cùng đích của mình, khi Thiên Chúa quy tụ tất cả trong Đức Giêsu Kitô (x. Ep 3,9-10). Tất cả chúng ta được mời gọi gia nhập Giáo hội trong Chúa Kitô, gia nhập vào đoàn người lữ hành trên dương gian, và nhờ ân sủng Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi nên thánh trong Giáo hội. Mỗi người Kitô hữu cần thấu hiểu được ‘tình trạng đức tin’ và niềm hy vọng của mình. Tất cả chỉ thành toàn viên mãn trong vinh quang trên trời (Cv 3,21), khi toàn thể vũ trụ cùng với nhân loại được thiết lập toàn vẹn trong Chúa Kitô (Ep 1,10; Cl 1,20; 2Pr 3,10-13).

Hiện tại, Giáo hội lữ hành mang khuôn mặt chóng qua của đời này, vẫn sống giữa muôn loài thụ tạo còn rên siết và quằn quại trong cơn đau đớn và mong đợi con cái Thiên Chúa xuất hiện (Rm 8,19-22). Vì thế, đang khi chúng ta còn phải lưu đày xa Chúa (2Cr 5,6) Chúng ta hãy mạnh mẽ tin tưởng, trông đợi và hy vọng hạnh phúc vào ngày trở lại vinh quang của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (Tt 2,13). 

Kết luận:

 “Đức Giêsu Kitô là niềm hy vọng của chúng ta” (1Tm 1,1). Tin vào Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô nghĩa là nhận lấy niềm hy vọng Kitô giáo.[23] Một niềm hy vọng được đặt vững vàng, chắc chắn nơi ‘Biến cố Phục sinh’. Nhờ sự phục sinh của Đức Kitô mà không ai trong chúng ta phải đầu hàng sự chết và tội lỗi, không ai phải sống trong tuyệt vọng. Theo kiểu nói của Moltmann: một cái nhìn về tương lai của Đức Kitô sẽ lôi kéo niềm hy vọng ấy không ngừng vươn lên.[24] Đến lượt mình, thần học với những nỗ lực suy tư giúp con người có cái nhìn đúng về tương lai ấy, qua đó, dẫn con người tới niềm hy vọng cuối cùng của cuộc đời.

Là người Kitô hữu, cách riêng là người chủng sinh, ta được mời gọi đào sâu, khám phá, học hỏi thần học để làm triển nở hạt giống hy vọng nơi bản thân và nơi tâm hồn mỗi người, vì trong sâu xa, mỗi người Kitô hữu không chỉ là chứng nhân, nhưng còn là thầy dạy của niềm hy vọng Kitô giáo.

JB. Lê Quốc Hưng, K13

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 11


[1] X. Geogry Langemeyer, Nhân văn luận Thần học qua các tác giả, ĐCV. Thánh Giuse, tr. 246.

[2] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum, số 2.

[3] Gm. Nguyễn Văn Viên, “Mạc khải và Truyền thống trong nội dung đức tin Kitô giáo,” trong Tập san Đức tin và Văn hóa, số 2 (5/2013), 6.

[4] X. Marcel Neusch & Bruno Cherm, (Lm Hồng Giáo dịch), Tham quan xứ sở Thần học,  2004, 12.

[5] HĐGM. Việt Nam, Từ điển Công giáo, 500 mục từ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, 320.

[6] Gerard O’Collins, SJ., (Lm Nguyễn Đức Thông dịch), Thần học căn bản, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, 19.

[7] Thomas SP Rausch, SJ., Dẫn vào Thần học, Nxb. Tôn Giáo, TP HCM, 2008, 17.

[8] Marcel Neusch & Bruno Cherm, Tham quan xứ sở Thần học, Sđd., 12.

[9] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1718.

[11] X. Henri Bourgeois, Vấn nạn về đức tin, không rõ dịch giả, 85.

[12] Ngôn ngữ của Teilhard de Chardin trong tác phẩm Le Millieu Divin (Cảnh vực Thần linh).

[13] x. Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum, số 25.

[14] X. ĐGH. Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, số 2.

[15] X. Ibidem, số 27.

[16] Ibidem, số 25.

[17] Marcel Neusch & Bruno Cherm, Tham quan xứ sở Thần học, Sđd., 12.

[19] Thomas SP Rausch, SJ., Thần học căn bản, Sđd., 338-339.

[20] x. Ibidem, 340.

[21] X. Marcel Neusch & Bruno Cherm, Tham quan xứ sở Thần học, Sđd., 10.

[22] Thomasp. Rausch, S.J, Thần học căn bản, Sđd., 16.

[23] X. ĐGH. Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, Sđd., số 3.

[24] X. Học viện Đa minh, Thời sự Thần học, Sđd., tr. 88.

Nguồn tin: