Tình Cảm Và Thánh Thể (phần II)

Thu,24/11/2022
Lượt xem: 841

 Cơn cám dỗ về thứ lòng nhân ái viễn vọng

(La tentation de la philantropie télescopique)


Mở lòng ra với tình yêu là vô cùng nguy hiểm. Ta sẽ có thể bị thương tổn vì điều này. Bữa Tiệc Ly là câu chuyện kể về sự bất trắc tất phải có vì yêu. Đức Giê-su đã phải chết: bởi vì Ngài đã yêu. Và đây là điều đặc biệt nguy hiểm đối với một linh mục hay một tu sĩ. Trong khi yêu người ta đánh thức dậy những đa mê và ước muốn cực kỳ sâu xa và xao xuyến; có thể người ta có thể bị nguy cơ đánh mất ơn gọi của mình hay đưa đến một đời sống lứa đôi. Ân sủng sẽ là điều luôn cần thiết nếu người ta muốn vượt qua những nguy cơ này. Nhưng không mở lòng ra với tình yêu lại còn nguy hiểm hơn gấp bội: đây là mối nguy hiểm chết người. Xin mời quý vị nghe C. S. Lewis phát biểu: “Yêu là thực tại duy nhất làm cho trở nên dễ bị tổn thương. Hãy yêu bất cứ điều gì, và con tim các bạn sẽ bị xé nát vì điều ấy, và có thể bị vỡ tan nữa. Nếu các bạn muốn chắc chắn giữ cho con tim khỏi bị sứt mẻ, thì các bạn đừng dâng hiến con tim các bạn cho bất cứ người nào, thậm chí là ngay cả một con vật. Các bạn hãy bao bọc con tim thật kỹ lưỡng bằng những chuyện tầm phào và những đồ trang sức rẻ tiền; hãy tránh né tất cả mọi sự dấn thân; hãy cất giữ thật an toàn con tim các bạn trong một cái hòm hay trong một cái quan tài do thái độ vị kỷ của các bạn chế tạo ra. Nhưng, trong cái hòm kiên cố, tối tăm, bất động và kín mít này, con tim sẽ biến dạng. Nó sẽ không bị tan vỡ; nó sẽ trở nên sắt đá, bất khả xâm nhập vào được, bất khả đụng chạm đến được. Tùy sự lựa chọn của các bạn, khả năng duy nhất còn lại, khác hơn tấn bi kịch như vừa nói, hay ít ra là có nguy cơ thành bi kịch như thế, chính là lời kết án. Nơi duy nhất, bên ngoài thiên đàng, trong đó các bạn được bảo vệ khỏi tất cả mọi sự nguy hiểm và mọi nỗi thăng trầm của tình yêu, đó là hoả ngục.” [1]


Khi chúng ta cử hành Thánh Thể, chúng ta nên nhớ rằng máu Đức Ki-tô đã đổ ra “vì anh em và vì tất cả mọi người”. Trong ý nghĩa sâu xa nhất, mầu nhiệm tình yêu đồng thời vừa mang tính cá nhân vừa mang tính phổ quát. Nếu tình yêu của chúng ta chỉ thực sự mang tính cá nhân, thì tình yêu này có nguy cơ bị giới hạn vào thái độ hướng nội và trở nên ngột ngạt. Nếu tình yêu này thực sự là một tình yêu mơ hồ và vô định đối với toàn thể nhân loại, thì nó có nguy cơ trở nên trống rỗng và hão huyền. Cơn cám đỗ của một cặp vợ chông có thể là muốn có một tình yêu thật mãnh liệt nhưng lại khép kín và loại trừ ; thường thường, điều duy nhất khi đó có khả năng cứu cho cặp vợ chồng này khỏi bị đổ vỡ, đó là sự xuất hiện của người thứ ba, đứa con, người sẽ mở rộng tình yêu của họ. Cơn cám dỗ của những người sống độc thân có thể là một tình yêu thuần tuý phổ quát, một tình yêu mặn nồng nhưng mơ hồ đối với nhân loại. Trong Bleak House (Ngôi nhà lạnh lẽo), tiểu thuyết gia Dickens[2] kể cho chúng ta biết lý do tại sao quý bà Jellyby lại là một người có một “lòng nhân ái viễn vọng, bởi vì bà đã không thể nhìn thấy bất cứ cái gì gần gụi hơn là lục địa Châu phi”. Bà đã yêu mến cái Châu phi chung chung, nhưng thậm chí không nhận ra cả sự hiện hữu của những người con của riêng bà.


Trong số chúng ta những ai là tu sĩ không thể lẩn trốn trong một thứ nhân ái viễn vọng như thế. Việc tiến đến gần với mầu nhiệm tình yêu cũng muốn nói rằng chúng ta đang yêu thương những con người, đôi khi bằng tình bạn, đôi khi bằng tình cảm quyến luyến sâu xa. Chúng ta phải học cho biết cách hội nhập các loại tình yêu này vào trong căn tính tu trì của chúng ta. Dường như ngày xưa người ta thường cảnh giác các tu sĩ hãy chống lại “những tình bạn đặc biệt”. Anh Gervase Mathew[3] đáng kính của chúng tôi đã luôn luôn nói rằng anh còn e ngại “những mối hiềm khích đặc biệt” nhiều hơn gấp bội!


Bède Jarret là Bề trên Giám tỉnh tỉnh dòng Đa-minh Anh quốc trong những năm 30. Ngài đã viết một bức thư tuyệt vời gửi cho một đan sĩ trẻ tuổi dòng Biển Đức, tên là Hubert van Zeller, người mà sau chiến tranh đã trở nên nổi tiếng nhờ những tác phẩm viết về linh đạo. Vị đan sĩ trẻ này đã gặp phải tiếng sét ái tình với một người mà chúng ta chỉ biết được chữ cái đầu của tên người ấy là P. Đây là một thử thách khủng khiếp. Vị đan sĩ trẻ ấy đã lo sợ rằng mối tình này sẽ đặt dấu chấm hết cho ơn gọi tu trì của anh ; Cha Bède lại thấy đây mới chỉ là khởi đầu trong ơn gọi của anh. Về điểm này, tôi sẽ trích dẫn khá dài cho quý vị. Ta phải ngỡ ngàng không ít khi nhớ lại rằng lá thư này đã được viết ra lúc ngài đã được bảy mươi tuổi.


“Tôi thấy hạnh phúc [vì anh đã bị tiếng sét ái tình của P] bởi vì tôi nghĩ rằng sự cám dỗ đã làm cho anh luôn bị phơi bày ra đó, nó thuộc về chủ thuyết thanh giáo (puritanisme), một sự hẹp hòi, một sự phi nhân nào đó. Khuynh hướng của anh đã luôn là sự khước từ tôn trọng vật chất. Anh có vẻ yêu Chúa [Giê-su], nhưng chắc anh không thực sự yêu mến công cuộc Nhập thể. Thực vậy, anh có vẻ sợ hãi. Có lẽ anh nghĩ (ở đây tôi quy cho anh mọi loại thiếu sót mà không cần hằng chứng) rằng, nếu anh thôi chống trả, anh sẽ bị huỷ diệt. Nơi anh đầy dẫy những ức chế. Những ức chế này suýt nữa đã giết chết anh, và suýt nữa thì làm tiêu ma nhân tính của anh. Anh có vẻ sợ hãi cuộc đời bởi vì anh mong muốn là một vị thánh và bởi vì anh tưởng anh là một nghệ sĩ. Người nghệ sĩ trong anh có thể nhìn thấy vẻ đẹp ở khắp nơi ; vị thánh của ước muốn lại bảo “Nhưng điều đó chính là điều nguy hiểm kinh khủng “ ; còn người tập sinh trong anh thì nói “Hãy nhắm tịt mắt lại “. Và Claude [tên thánh của Hubert van Zeller] suýt nữa đã bị nổ tan tành. Nếu P đã không bước vào cuộc đời anh, thì rất có thể anh đã bị nổ tan xác mất rồi. Tôi tin rằng P sẽ cứu cuộc đời anh. Tôi sẽ dâng một thánh lễ tạ ơn vì những gì P đã là, và đã làm, cho anh. Chắc là anh cần có P lâu dài đấy. Những kẻ đồng tính chẳng phải là giải pháp đâu. Cũng không phải là những lão ông giám tỉnh bụng phệ này đâu nhé.”[4]


Tôi không muốn nói là tất cả chúng ta sẽ phải hối hả xông ngay ra cửa để tìm một ai đó mà yêu! Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta những tình yêu và tình bằng hữu góp phần tạo nên nẻo đường để chúng ta lữ hành đến với Ngài, Đấng là tình yêu sung mãn. Chúng ta ở trong sự mong chờ ai đó mà Thiên Chúa gửi đến, khi nào, và như thế nào. Nhưng khi những điều đó xảy đến, chúng ta phải can đảm để ôm choàng lấy khoảnh khắc ấy, như Đức Giê-su đã thực hiện trong Bữa Tiệc Ly.


Vậy, sống thanh khiết nghĩa là gì ?


Khi thực hiện điều này, chúng ta sẽ phải học để làm những con người thanh khiết. Tất cả mọi người, những người độc thân, những người đã xây dựng gia đình, tu sĩ nam nữ, chúng ta hết thảy đều được mời gọi sống thanh khiết. Từ ngữ thanh khiết không phổ biến lắm trong thời đại chúng ta. Nó vang dội bên tai như gợi đến một thực hữu đoan trang thuỳ mỵ, lạnh lùng, xa vắng, nửa sống nửa chết, chẳng quan tâm đến điều gì hết. Herbert McCabe, o.p., đã viết rằng “sự thanh khiết nào không phải là một biểu đạt của tình yêu thì chỉ là xác chết của sự thanh khiết đích thực” [5]. Xác chết của một con chó vẫn giống với con chó. Thậm chí người ta có thể nhầm lẫn và nghĩ rằng đó là một con chó đang ngủ yên. Nhưng đó không phải là một con chó, mà chỉ vốn là một con chó [trước kia nó là chó : un ex-chien]. Cũng tương tự như thế, một người nào đó sống độc thân nhưng không biết yêu thương gì hết, thì vẫn có thể giống với một người thanh khiết, nhưng người ấy coi như đã chết rồi.


Như vậy thì, sống thanh khiết có nghĩa là gì ? Trước hết sự thanh khiết không hệ tại ở việc triệt tiêu những ham muốn, ít ra là theo truyền thống của thánh Tô-ma A-qui-nô. Ham muốn và những đam mê hàm chứa nhiều chân lý sâu xa về những gì chúng ta đang là và những gì thực sự cần thiết đối với chúng ta. Bóp chết nghẹt những ham muốn và đam mê sẽ chỉ tổ giết chết chúng ta về đàng tinh thần mà thôi, hoặc, một ngày nào đó, sẽ khiến cho chúng ta bị lệch lạc. Chúng ta phải giáo dục những ham muốn của bản thân chúng ta, mở rộng đôi mắt nhìn vào những đối tượng thực tế của chúng, giải phóng chúng khỏi những khoái lạc ti tiện. Chúng ta phải ham muốn càng ngày càng sâu xa hơn và càng ngày càng trong sáng hơn nữa.


Thánh Tô-ma đã viết một điều mà có lẽ chính ngài cũng dễ dàng rơi vào tình trạng khó giải thích. Ngài nói thế này : sự thanh khiết cốt ở chỗ sống theo trật tự của lý trí (II-II,151,1). Điều này xem ra hơi lạnh lùng, và hơi quá lý trí, như thể việc sống thanh khiết hoàn toàn nằm trong khả năng của tinh thần vậy. Nhưng, qua từ ngữ ratio, thánh Tô-ma muốn nói đến việc sống trong một thế giới thực tế, “theo chân lý của những sự vật có thực” [6]. Điều đó muôn nói rằng tôi phải sống trong thực tại của những gì mà tôi đang là và thực tế của những gì nơi những người mà tôi thương mến đang thực sự là. Đam mê và ham muốn có thể lôi cuốn chúng ta đến chỗ sống trong sự tưởng tượng, trong khi sự thanh khiết đưa chúng ta trở về lại với mặt đất này, và có khả năng nhìn thấy được sự vật như chúng đang là. Đối với một tu sĩ, hay đôi khi đối với những người sống độc thân, có thể nảy sinh cơn cám dỗ muốn ẩn mình trốn trong cái ảo tưởng nguy hiểm rằng chúng ta là những thiên thần thanh khiết chẳng dính dáng gì đến tính dục cả. Điều này có vẻ giống như sự thanh khiết, nhưng đây lại là sự đồi bại và lệch lạc. Điều này khiến tôi nhớ lại câu chuyện của một người Anh Em của tôi khi đến dâng thánh lễ trong một tu viện của các nữ tu. Một chị nữ tu ra mở cửa, nhìn thấy anh và nói : “À, đúng là cha đây rồi ! Con tin rằng đây là một người đàn ông”.


Người ta khó có thể tưởng tượng được một cuộc cử hành tình yêu nào lại tầm thường hơn là Bữa Tiệc Ly. Trong Bữa Tiệc Ly chẳng có chút gì là lãng mạn cả : Đức Giê-su đã nói không úp mở với các môn độ của Người rằng mọi sự sắp đến hồi kết thúc rồi, rằng một trong số các ông sẽ phản bội Người, rằng Phê-rô sẽ chối bỏ Người, rằng những người khác sẽ bỏ trốn. Đây hoàn toàn không phải là một bữa ăn tối ấm cúng và dễ thương với những ánh nến lung linh sáng trong một trattoria [một quán ăn bình dân ở I-ta-li-a]. Đây thực sự là một kiểu duy thực tột cùng. Tình yêu tạ ơn đặt chúng ta trong tư thế phải đối diện thẳng thắn và không ngần ngại với những rắc rối của tình yêu, với những thất bại ê chề, cũng như với chiến thắng tối hậu của tình yêu.


Trong những loại ảo ảnh nào mà ước muốn có thể khiến chúng ta mắc bẫy ? Tôi xin được phân biệt hai loại ảo ảnh. Loại ảo ảnh thứ nhất là cơn cám dỗ tin rằng người khác là tất cả, tất cả những gì chúng ta đang tìm kiếm, tất cả những gì có khả năng đáp ứng cho những khát vọng của chúng ta. Đây là một sự ám ảnh. Loại ảo ảnh thứ hai là không có khả năng nhìn thấy được nhân tính nơi người khác, giản lược người khác xuống hàng phục vụ nhằm thoả mãn những xung động của chúng ta. Đây là một sự dâm dục. Hai loại ảo ảnh này thực ra cũng không khác nhau vì ngay từ đầu chúng đã giống nhau rồi. Ảo ảnh này là phán ảnh của ảo ảnh kia.


(Còn tiếp)


Lm. Timothy Radcliffe, OP.

(Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Hữu Nghị, OP.)

 


[1] Clive Staples Lewis, nhà tư tưởng và minh giáo người Anh, 1898-1963. The Four Loves (Londres, 1960), tr. 111.

[2] Charles Dickens, tiểu thuyết gia người Anh, 1812-1870. Bản dịch Pháp ngữ tác phẩm Bleak House do Sylvère Monod thực hiện, nhà xuất bản Âpre-Vent [ghi chú của toà soạn thêm vào, không phải của chính tác giả]

[3] Authony Gervase Mathew (1905-1976), tu sĩ Đa-minh giáo sư sử học tại Oxford trong thập niên 40, và là nhà khảo cổ học lại Kenya (ghi chú của toà soạn thêm vào, không phải của chính tác giả).

[4] Thư của Bède Jarrett (nhà xuất bẩn Downside Abbey 1989) tr 180.

[5] Law, Love and Language , tr. 22.

[6] Josef Pieper, The Four Cardinal Virtues [Bốn nhân đức trụ] (nhà xuất bản Notre Dame University, 1966), tr. 156.

 

Nguồn tin: Đa Minh