DIỄN VĂN LỄ KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2022-2023 CỦA CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN VINH, GIÁM ĐỐC ĐCV. THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ

Fri,09/09/2022
Lượt xem: 2254

 

DIỄN VĂN KHAI MẠC

Trọng kính quý Đức Cha,

Kính thưa Cha Tổng Đại diện,

Kính thưa quý Cha giáo và anh em Chủng sinh,

Chương trình đào tạo của chúng ta dĩ nhiên là trung thành với Ratio của Bộ Giáo sĩ cùng với “Định Hướng và Chỉ Dẫn” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Năm nào chúng ta cũng xoay quanh bốn chiều kích đào tạo: nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ, với những cố gắng thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, mỗi năm chúng ta tìm cho mình một châm ngôn làm ý lực sống hầu hiện thực hoá các chiều kích đào tạo cách triệt để hơn. Câu châm ngôn của chúng ta năm may là: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32).

Trong bối cảnh Giáo Hội hiệp hành hướng tới Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ 16, chúng ta được mời gọi nhìn thẳng vấn đề đào tạo cách nghiêm túc hơn. Trong bối cảnh,  bệnh thành tích trong giáo dục đào tạo đang tràn lan, từ đó những công trạng được đánh bóng, những con số được thổi phồng và những triệu chứng thường bị giấu nhẹm. Chúng ta cần làm một điều gì đó khác hơn nhờ xác tín: sự thật sẽ giải thoát chúng ta.

Thực tế là chúng ta đang tận hưởng vô số những tiện lợi bởi xã hội tân thời mang lại, đồng thời đứng trước nhiều lựa chọn, nhiều cơ hội và nhiều lời hứa hẹn có cánh nhiều khi làm cho mình bị choáng ngợp và chạy theo những hứa hẹn đổi đời cách nhanh chóng. Với nghệ thuật ru ngủ và chiêu bài lừa dối tinh vi của công nghệ hiện đại mà mục đích chính yếu là lôi kéo người ta ra khỏi những giá trị đích thực để đắm mình trong những thứ hào quang lấp lánh nhưng chóng tàn. Kết quả thu được chính là cuộc sống phi Thiên Chúa, là một lối sống đạo đức giả, hành đạo duy ý chí, thậm chí trình bày về những chân lý của đạo cách nguỵ biện và phản Tin Mừng, xa lạ với Truyền thống chính thức của Hội Thánh. Những hứa hẹn tự do nấp dưới các chiêu bài giải phóng và những mốt thời thượng rốt cuộc là nô lệ hoá con người, làm méo mó hình ảnh của Thiên Chúa nơi họ.

Đây không chỉ là chuyện ngoài đời, mà là cả chuyện trong đạo nữa; nó không là độc quyền của những tín hữu giáo dân mà còn là sở hữu của các giáo sĩ, tu sĩ và chủng sinh nữa. Chúng ta đang sống trong bối cảnh khủng hoảng về sự tín nhiệm ở mọi góc độ. Một vấn đề được đưa ra, người ta có quyền bình phẩm, đánh giá và phê bình, lý lẽ của ai cũng sắc bén và thuyết phục cả. Một sự kiện xảy ra trong Giáo hội, lập tức có nhiều phản hồi theo nhiều chiều khác nhau, và thường thì ai cũng muốn dành phần thắng! Và thái độ đắc thắng vô độ dẫn đến hỗn loạn, đổ vỡ như lời Đức Hồng y Bo: “Những cái tôi được thổi phồng làm tổn hại cả quốc gia”. Chỉ có sự thật sẽ giải thoát con người.

Đứng trước những vấn đề của Giáo Hội hoàn vũ và Giáo hội địa phương, không ít người xem ra mất phương hướng, mất niềm tin và có những phản ứng tiêu cực, điều đó càng dẫn tới bế tắc và có lợi cho kẻ phá hoại. Chúng ta phải có đủ vững vàng để xác tín rằng, mọi sự phải được giải quyết nhờ chân lý. Không phải sự thắng thế của ý thức hệ; không phải sự áp đảo của số đông; không phải sự lên ngôi của các trào lưu hiện đại; không phải là sự nhạy bén của những kẻ thức thời, mà “sự thật sẽ giải thoát anh em”. Để xây dựng Giáo hội hiệp hành, chúng ta phải thận trọng trong từng cú nhấp chuột, từng lời bình luận, từng hành vi phản đối hay ủng hộ, phải liệu làm sao mọi sự được tiến hành trong chân lý.

Nếu một lúc nào đó bạn không còn biết tin vào ai, hãy tin rằng chân lý sẽ giải thoát bạn. Nhưng biết tìm đâu ra chân lý, có chân lý thật không? Thưa chân lý có thật. Chân lý là chính Chúa. Đối với anh em chủng sinh,  nếu anh em vào đây để tìm chân lý đích thực, chắc chắn anh em sẽ gặp và chân lý sẽ giải thoát anh em. Còn nếu có ai vào đây để tìm điều gì khác, chắc chắn người đó sẽ thất vọng, Giáo hội sẽ thất vọng và Chúa cũng thất vọng về anh em.

Vấn đề còn lại là chúng ta trả lại cho chân lý chính giá trị của nó, đừng có thái độ độc quyền về chân lý, đừng sản xuất ra chân lý; đừng tự cho rằng chân lý thuộc về tôi, về nhóm của tôi; đừng đặt mình làm chuẩn mực của chân lý. Nếu có ai cố chấp, bảo thủ, luôn biện bạch, bảo vệ cho điều sai trái của mình, người đó không có chân lý, họ đã không giải thoát được chính mình thì chắc chắn không thể giải thoát người khác được: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư?”(Lc 6,39) 

Trong công cuộc đào tạo và tự đào tạo, nếu không có sự thành thật cởi mở để đón nhận chân lý, người ta sẽ bị nô lệ bởi cái tôi của mình, nấp trong tổ kén và không bao giờ được giải thoát, không thể biến đổi, không bao giờ nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và có nguy cơ trở thành một thứ kitô khác, thậm chí là phản kitô, đó là một thảm hoạ.

Khi Chúa Giêsu nói “chân lý sẽ giải thoát anh em”, mấy người Do Thái cãi lại: "Chúng tôi là dòng dõi ông Ápraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?" Vấn đề ở chỗ đó. Người ta không để cho Chúa giải thoát vì họ tự phụ cho rằng mình đầy tự do.  Ðức Giêsu đã kiên nhẫn chỉ cho họ điều chính yếu đáng lẽ ra họ phải hiểu: "Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.” Nếu khiêm tốn nhận ra điều này và mở lòng ra với Chúa, để “nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (x. Ga 8, 32-35).

Một vài anh em có thể nói, xin các cha để cho anh em tự do trưởng thành. Điều đó tốt và đáng trân trọng, nhưng tự do phải là tự do đích thực. Tự do đích thực chỉ có trong Chúa. Đừng ai để mình rơi vào tình trạng mà Sắc lệnh về Đời Sống Thánh Hiến số 91 cho rằng: “Những quan niệm về tự do đã tách rời tự do đích thực là quyền thiết yếu của con người, ra khỏi tương quan căn bản với chân lý và tiêu chuẩn đạo đức”.

Trong cuộc họp Ban Đào tạo Mở rộng vừa qua, đã có những ý kiến rất mạnh mẽ lưu ý Ban Đào tạo nội trú phải chú trọng hơn về vấn đề nhân bản của chủng sinh, thậm chí có ý kiến cho rằng cần loại hẳn những chủng sinh thiếu nhân bản. Mà đây không phải là những ý kiến lẻ loi. Chúng tôi, và những thế hệ đào tạo trước đây đã từng được góp ý như thế, hoặc bị khiển trách liên quan đến trách nhiệm của mình về những điều chướng tai gai mắt nơi một số linh mục đã ra Trường và của một số chủng sinh. Vậy mà về phía anh em chủng sinh, có anh người nói, chủng sinh trưởng thành rồi, các cha đừng nhắc nhở nhiều quá,  làm thế là thiếu sự tôn trọng chủng sinh. Chúng tôi phải tiếp thu ý kiến mọi chiều để điều chỉnh công việc của mình, trong lúc vẫn có những chủng sinh cho rằng, các cha không nên dựa trên ý kiến người ngoài để nhắc nhở chủng sinh. Có quan điểm cho rằng cần tham khảo ý kiến các cha giáo dạy trên lớp để biết thêm về thái độ, về nhân bản của chủng sinh, trong lúc có ý kiến chủng sinh lại cho rằng Ban Đào tạo không nên dựa vào những câu hỏi và những phát biểu trên lớp của chủng sinh để đánh giá người đó. Chúng tôi nhận được phản hồi từ nhiều phía về chủng sinh, đó là quyền lợi và là nhiệm vụ của mọi thành phần dân Chúa, trong lúc đó, có ý kiến chủng sinh cho rằng Ban Đào tạo xem ra tin tưởng người ngoài mà không tin chủng sinh đủ. Tôi nghe người ta nói lại, có chủng sinh phàn nàn rằng, người ta đã bỏ mọi sự để theo Chúa vào Nhà Trường, vậy mà còn phải nghe những bài huấn đức nhắc nhở nọ kia. Cần nhớ rằng, ai đã bỏ mọi sự theo Chúa vào đây mà cảm thấy khó chịu về những lời nhắc nhở thì thiết tưởng, người đó chưa từ bỏ ý riêng, và thế là chưa từ bỏ chính mình.  Nếu chưa từ bỏ chính mình thì rốt cuộc không từ bỏ gì cả!

Ngoài những lời lẽ mang tính quy kết kiểu như là “các ông trong đó làm ăn kiểu gì mà có những linh mục trẻ và những chủng sinh như thế” thì cũng có những lời góp ý chân thành, mà đó là trách nhiệm của mọi thành phần dân Chúa xây dựng Hội thánh, vì đào tạo là việc của toàn Giáo hội.

Về phía Ban Đào tạo, xin các cha, chúng ta còn làm việc ngày nào ở đây, chúng ta phải cam đoan dựa vào Lời Chúa, vào Giáo huấn chính thức của Hội thánh để thi hành nhiệm vụ. Chúng ta không làm việc để tránh tiếng chê hoặc tìm lời khen mà làm với hết lương tâm trách nhiệm bởi xác tín rằng chân lý sẽ giải thoát chúng ta. Chúng ta phải thật lòng với nhau và với trách nhiệm của mình, thấy điều nào chưa phù hợp, chắc chắn chúng ta phải điều chỉnh. Các cha vào đây là để đào tạo chủng sinh, chúng ta phải hành động với hết khả năng của mình trong chân lý.

Về phía chủng sinh, các thầy phải chân nhận một điều chắc chắn rằng, mình vào đây là để được đào tạo và tự đào tạo. Đừng ai tự cho mình là đã đủ. Cũng trong chiều hướng nói thẳng nói thật, tôi lưu ý rằng nếu ai đó có thái độ cho mình như là đã hoàn hảo, miễn cưỡng chịu sự đào tạo, hoặc muốn sự đào tạo phải theo ý mình, thì người hãy nhớ lời thánh Phaolô rằng: “Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10, 12). Hơn nữa, người môn đệ Chúa Kitô phải luôn trong tư thế sẵn sàng ngồi dưới chân Chúa để được Người dạy dỗ. Các thầy có quyền bày tỏ ý kiến của mình, và điều đó đáng trân trọng. Nhưng đừng bao giờ quên rằng: Nguồn mạch của sự thật là Chúa. Chúng ta cần Thánh Thần Chân lý để phân định đâu là sự thật, đâu là những ý kiến được gợi hứng từ Chúa, đâu là những ý kiến do động lực cá nhân, đâu là những hành động theo tinh thần phe nhóm.

Một khi đã cố gắng hết mình sống trong sự thật, đừng ai trong anh em lo sợ người khác mách chuyện của mình với cha giáo, bởi “cây ngay không sợ chết đứng”. Thánh Gioan quả quyết: “Kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.” (Ga 3,21).

Lỗi lầm yếu đuối là không tránh khỏi, nhưng gian dối dưới mọi hình hình thức thì tuyệt đối phải loại trừ. Cả thầy và trò, chúng ta phải sống thật với chính con người của mình, thật với động lực ơn gọi của mình, luôn ý thức mình vào đây để làm gì. Sống thật trong việc thiêng liêng, thật trong thi cử, thật trong các mối tương quan, thật với cha linh hướng, thật trong đời sống kỷ luật, thật lòng với những phát biểu của mình; phải nhận ra con người thật của mình để hoán cải, cố gắng hết sức xin Chúa biến đổi từng ngày. Xin đừng ai để mình bị cám dỗ dùng nghệ thuật nguỵ trang và tài che đậy để nín thở qua cầu, vì như thế không có chân lý và sẽ không được giải thoát, dù có tiến chức tới cỡ nào!

Thêm vào chương trình xuyên suốt đó, năm nay chúng ta tổ chức ngày Truyền thống của Trường. Trong sự tham gia cùng Giáo hội hiệp hành và quyết tâm sống trong chân lý, chúng ta có ý tưởng ngay từ đầu để tổ chức ngày đó cách tốt đẹp.

Với lòng thành thật thống hối lỗi lầm và quyết tâm đổi mới, trong tâm tình tin tưởng vào lòng Chúa xót thương và cậy trông ơn biến đổi của Chúa Thánh Thần, dù với hết lòng khiêm tốn, chúng ta cũng can đảm hiên ngang bước vào năm học mới như một hành trình liên lỉ truy tìm và sống trong chân lý. Chắc chắn Chúa cùng đi với chúng ta trong Giáo Hội hiệp hành đang từng bước hoàn thành lịch sử dầu gặp gian nan thử thách!

Xin trân trọng cảm ơn!

ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê, ngày 08 tháng 09 năm 2022

                                   Lm. Pet. Nguyễn Văn Vinh

                                      Giám đốc

Nguồn tin: