Diễn Văn Khai Giảng Năm Học Mới 2024-2025

Mon,09/09/2024
Lượt xem: 1201

     “Anh em là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8)

DIỄN VĂN KHAI MẠC NĂM HỌC 2024-2025

Trọng kính quý Đức Cha

Kính thưa cha Tổng Đại diện

Kính thưa quý cha và anh em

Không ít người trong chúng ta đã từng tham dự nhiều lần nghi thức khai giảng và bế giảng năm học. Việc lặp đi lặp lại những công việc này có làm cho chúng ta nhàm chán hay không cốt tại cách nhìn mà chúng ta gán cho nó; và làm sao những điểm mốc này không chỉ đánh dấu một giai đoạn đã qua cho bằng đón nhận những hồng ân luôn mới mẻ trong Chúa, chúng ta cần thổi một luồng sinh khí mới vào mỗi phần việc mà chúng ta đang cử hành. Theo lối nhìn của các học viên phần đời, mỗi lần khai giảng năm học mới là một niềm vui vì nó đánh dấu một  bước tiến, báo hiệu ngày mãn trường gần hơn, và đó cũng là những nấc thang cho sự thành đạt. Chúng ta được mời gọi đi xa hơn, để coi mỗi lần khai khai giảng năm học mới là một bước tiến mạnh mẽ hơn trên hành trình theo Chúa, đánh dấu một quyết tâm lớn lao hơn cho việc lột xác và biến đổi nhiều hơn bởi Đấng đang hấp dẫn và lôi cuốn mình.

Năm học mới này, Trường chúng ta chọn cho mình câu châm ngôn: “Anh em là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8) để xác định rõ hơn động cơ, mục tiêu và thiên hướng của mỗi cá nhân cũng như tập thể.

Làm chứng cho ai thì phải biết rõ về người đó. Nếu chúng ta muốn làm chứng cho Đức Kitô thì phải học biết về Người cách cặn kẽ thâm sâu. Các kiến thức được trang bị, mọi suy niệm riêng tư, các thử thách chúng ta chịu và các cử hành chúng ta thực hiện đều không ngoài mục đích cảm nghiệm sâu sắc tình yêu, sự hiện diện và hoạt động của Đức Kitô giữa chúng ta, trên mọi thành viên và toàn thể cộng đoàn. Như vậy, mọi biểu hiện lơ là uể oải, mọi thái độ mặc cho nước chảy bèo trôi, miễn sao tồn tại qua ngày đoạn tháng đều trái ngược và vô giá trị cho lựa chọn căn bản này, bởi nó không có hồn cốt tông đồ.

Để lời chứng có tính khả tín, các chứng nhân phải là những người đáng tin cậy. Từ lời ăn tiếng nói, các cử chỉ và hành vi của họ trước hết phải không có gì đáng chê trách, không gây cớ vấp phạm. Trong chiều hướng đó, mở mang kiến thức phải đi đôi với trau dồi nhân bản và hun đúc tâm hồn đạo đức. Bao lâu chúng ta còn bị chê trách về đời sống nhân bản; bao lâu thiên hạ vẫn ngao ngán vì những chủng sinh, linh mục thiếu thành thật, cư xử cách lươn lẹo; bao lâu đời sống thiêng liêng của chúng ta vẫn tầm thường, bấy lâu việc làm chứng của chúng ta chỉ có tác dụng hết sức hạn chế, nếu không muốn nói vô tác dụng.

 

Cũng nên tránh xa kiểu tư duy cho rằng, sau này chúng tôi mới làm chứng, bây giờ phải chú tâm vào việc học đã. Không ai và không giai đoạn nào của người Kitô hữu được miễn cho khỏi nhiệm vụ làm chứng cho Chúa. Thánh Phaolô dạy: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10, 31). Chúng ta làm chứng cho Chúa trong học tập, nghiên cứu, trong vui chơi giải trí, trong kinh nguyện, trong lao động và tất cả mọi sinh hoạt khác, cách riêng trong những dịp chúng ta đi ra mục vụ ở ngoài. Nếu có ai đó còn cho rằng giai đoạn hiện tại tôi phải dành thì giờ học cho có kết quả cao, sau này khi đã làm linh mục, tôi mới có thì giờ để làm chứng cho Chúa, thì người đó coi tiến trình đào tạo người môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô cũng như học một nghề, chỉ đơn giản là học nghề, để sau này hành nghề thôi, đó chắc chắn không phải là hạng mục tử như lòng Chúa và Giáo hội mong muốn.

Mặt khác, chứng nhân phải biết vị trí và hạn chế của mình. Thánh Gioan Tẩy giả đã đạt đến đỉnh cao trong vai trò nhân chứng khi sẵn sàng để cho mình chịu lép vế: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Cũng nhờ thế, người có thể rao giảng về một Đấng đến sau mà mình “không đáng cởi quai dép cho Người” (Lc 3,16). Vậy thì những biểu hiện coi thu tích vun vén cho mình là ưu tiên số một; thái độ khoe khoang đánh bóng tên tuổi cách tinh vi hoặc khuếch đại cái tôi cách thô thiển; những toan tính mở rộng các mối tương quan để mong có lợi về vật chất, có vai vế và những lẽ hèn khác sẽ trở thành căn bệnh quái ác, làm dị dạng chân dung nhân chứng cho Chúa Cứu thế, lôi kéo họ trệch khỏi con đường loan báo Tin Mừng chính hiệu, sớm muộn gì họ cũng tạo nên con đường riêng của mình, đặt dấu ấn cho chính mình, khẳng định mình. Chúa sẽ bị xếp vào hàng thứ yếu, thậm chí biến mất khỏi hành trình của họ.

Bởi chứng nhân trung thành là người “qua cuộc sống, lời nói, hành vi của mình, sẵn sàng làm chứng cho Chúa ngay cả bằng máu của mình” (Từ Điển Công Giáo, tr 157), nên mọi thái độ ươn lười, trốn tránh trách nhiệm, ngại khó, ngại khổ, ngại hy sinh sẽ không phải là tư cách của một chứng nhân; thói thích ăn trên ngồi trước và ham hưởng thụ chắc chắn trở thành kẻ phản chứng tỏ tường.

Có lẽ anh em có phần cảm thấy là mình đang phải hy sinh nhiều so với những người khác, điều đó có phần đúng, nhưng nếu xét ở một góc độ khác, chúng ta thấy mình đã đón nhận quá nhiều phúc lộc của Chúa, “cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội thánh nữa” (Kinh Cảm Ơn). Biết bao người đang ao ước trở nên một thành phần trong chúng ta mà ước mơ bao năm vẫn không thành hiện thực. Như thế Giáo hội đặt rất nhiều hy vọng nơi anh em và có quyền đòi hỏi nơi anh em. Chúng ta nên nghiền ngẫm và tập sống lời dạy của Bộ Giáo sĩ trong Ratio 2016, số 123 rằng: “Chủng sinh sẽ sống một tinh thần Công giáo đích thực. Tuy thật lòng yêu mến giáo phận mình, nhưng nếu sau này, do yêu cầu hay do ước muốn bản thân, họ sẽ sẵn sàng dấn thân với lòng quảng đại và tận tuỵ để phục vụ cách chuyên biệt cho Giáo hội Hoàn vũ hay cho các Giáo hội Địa phương khác”.

Nếu “Mỗi người Kitô hữu phải là một môn đệ truyền giáo đích thực” như lời căn dặn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 51, thì chủng sinh sẽ là gì, nếu không phải là những vị tông đồ thứ thiệt không chỉ trong tương lai mà còn trong hiện tại nữa, và như thế, họ sẽ phải dấn thân không mệt mỏi và vô điều kiện để sống chứng tá Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.

Thầy và trò chúng ta cùng nhau mạnh mẽ bước vào năm học mới trong tâm thế và cảm thức nói trên. Xin đừng ai ngăn cản Thần Khí Chúa thổi bùng lên lửa nhiệt thành trong tim, gieo vào trí não thao thức truyền giáo và thôi thúc bước chân mạnh mẽ lên đường để danh Chúa được rạng rỡ hơn qua sứ mạng và bằng chính cuộc sống của mình.

Xin trân trọng cảm ơn!

Xã Đoài,  ngày 07 tháng 09 năm 2024

 

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Vinh

Giám đốc ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê

 

 

 

 

Nguồn tin:
Tags :