Diễn Văn Khai Mạc Năm Học 2020-2021 Của Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê

Thu,10/09/2020
Lượt xem: 1991

DIỄN VĂN KHAI MẠC NĂM HỌC 2020-2021

(07/09/2020)

Trọng kính quý Đức Cha

Kính thưa Cha Tổng Đại diện

Kính thưa quý Cha và anh em Chủng sinh

Chúng ta bước vào năm học mới với vài điều mới mẻ nằm ngoài dự kiến, có thể đem lại không ít bất lợi cho chúng ta: đại dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp trên khắp thế giới, sự đe doạ về sức khoẻ và thậm chí tính mạng con người đâu đó đang ẩn tiềm ẩn khó lường. Chẳng biết có điều gì bất trắc sẽ xảy ra trong năm học mới hay không, nhưng điều chắc chắn là sự di chuyển của các giáo sư thỉnh giảng bị hạn chế, thậm chí dán đoạn, điều này đòi hỏi chúng ta phải chủ động và linh động khi cần thiết. Hơn nữa, việc Đức Cha Phụ tá được đặt làm Giảm quản Tông toà GP. Hưng Hoá là niềm vui chung, nhưng đối với chúng ta lại là một bất tiện đáng kể, vì ngài đang đảm nhận khá nhiều môn học tại đây. Điều này mời gọi chúng ta chung tay góp sức tìm ra giải pháp.

Dầu sao, mọi sự đều nằm trong sự quan phòng đầy khôn ngoan từ ái của Chúa, việc của chúng ta là chu toàn bổn phận hết sức có thể. Châm ngôn sống chúng ta chọn cho năm học mới là “Để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17,23).

Sự hiệp nhất không phải là điều gì mới mẻ, nhưng lại là một đòi buộc thường xuyên, và là điều hay bị quên lãng. Tất cả chúng ta được mời gọi hiệp nhất trong lời cầu nguyện, trong chương trình đào tạo, hiệp nhất trong ý hướng và hành động để nên một trong Chúa Ki-tô.

Mục tiêu Giáo hội đề ra cho chương trình đào tạo là cung cấp cho đạo, cho đời những con người Mầu nhiệm - Hiệp Thông và Sứ vụ, mà khuôn mẫu và cùng đích của tiến trình này là nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô là Đầu và là Mục tử”, điều này đòi hỏi một sự đạo tạo trường kỳ.

Đáng tiếc, người ta thường có khuynh hường cắt ngang chương trình đào tạo, nghĩa là sau chủng viện, coi như hết học. Điều này rất tai hại, vì khi đã “đỗ cụ”, người ta bị cám dỗ coi mình không còn là người học trò, người môn đệ của Đức Ki-tô nữa, và việc nên đồng hình đồng dạng với Ngài coi như đã hoàn tất! Lúc đó không còn khuôn mẫu nữa, không còn mục tiêu nữa. Mỗi người tự đặt mình và ý riêng của mình làm mục tiêu. Lúc đó, họ không còn “nên một” nữa, mạnh ai nấy thể hiện bản lĩnh, mà thực ra là phô bày “cái tôi” của mình.

Trong khi đó, Giáo hội thường xuyên kêu gọi các linh mục không bao giờ thôi là môn đệ của Chúa, luôn ở lại trong Ngài qua Hội thánh. Thánh Gian Phao-lô II chỉ dạy trong Tông huấn Pastores Dabovobis: “Thừa tác vụ được phong ban, do tự bản chất, chỉ có thể được hoàn thành trong mức độ mà linh mục hiệp nhất với Chúa Kitô bằng sự hội nhập hiểu theo nghĩa bí tích vào trong hàng ngũ linh mục và bởi đó trong mức độ mà linh mục hiệp thông với giám mục về phương diện phẩm trật. Tự căn rễ, thừa tác vụ được phong ban mang “bản chất cộng đồng” và chỉ có thể được hoàn thành như là “công trình thập thể”. Công đồng đã diễn tả rất nhiều về bản chất hiệp thông ấy của chức linh mục, đã lần lượt nghiên cứu các quan hệ giữa linh mục với giám mục của mình, với các linh mục khác và với giáo dân. Thừa tác vụ linh mục trước hết là sự hiệp thông, sự hợp tác thiết yếu và có trách nhiệm vào thừa tác vụ của giám mục…, cùng với giám mục, làm thành một linh mục đoàn duy nhất trong khi phục vụ Giáo Hội ấy” (PDV, 17).

Điều này hay bị vi phạm khi linh mục tự coi mình là đủ, tự đặt mình làm trung tâm và có tham vọng buộc thành phần còn lại của thế giới phải làm theo ý mình.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã bắt mạch căn bệnh này trong Tông huấn “Hãy Vui Mừng Hoan Hỷ”, điều mà ngài cho là HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN, đó là Thuyết Ngộ Đạo Hiện Đại và Thuyết Tân Pêlagiô. “Ngộ đạo thuyết giả định “một đức tin hoàn toàn chủ quan với mối quan tâm duy nhất là một kinh nghiệm nào đó hay một tập hợp các ý tưởng và các thông tin nhằm mục đích an ủi và soi sáng, nhưng rốt cục nó cầm tù người ta trong chính các tư tưởng và các cảm nghĩ của họ” (GE. 36). Nói cách đơn giản là họ chỉ cậy dựa vào lý trí của mình. Chuyện cậy dựa vào lý trí này không phải là điều xa lạ. Đức Giáo hoàng chỉ rõ: “Nó có thể có mặt trong Giáo hội, cả nơi giáo dân ở các giáo xứ lẫn nơi các thầy dạy triết học hay thần học tại các trung tâm đào tạo” (GE, 39).

Điều này cảnh giác tất mọi người chúng ta, đối với người dạy, Đức Giáo hoàng cảnh báo: “Những người theo ngộ đạo thuyết nghĩ rằng những giải thích của họ có thể làm cho tất cả đức tin và Tin Mừng có thể được nhận hiểu hoàn toàn. Họ khư khư bám chặt vào các lý thuyết của họ và ép người khác phải chấp nhận cách nghĩ của họ” (GE, 39). Lời nhắc nhủ của vị cha chung mời gọi các giáo sư trong lúc vận dụng hết mọi khả năng và sáng kiến để truyền đạt, thì luôn theo sát chương trình và ý hướng của Chúa qua Hội Thánh và không bao giờ để chuyên môn hoá lấn át đời sống nội tâm. Điều này đã được Thánh Phanxicô Assisi nhắc Thánh Antôn Padua: “Tôi vui mừng về việc anh dạy thần học cho các anh em, miễn là… anh không dập tắt tinh thần cầu nguyện và lòng đạo đức khi làm loại công việc nghiên cứu này” (GE 46).

Đối với các chủng sinh, một trong 4 chiều kích đào tạo là tri thức, nhưng tri thức có thể bị lệch lạc khi mang hơi hướng của thuyết Ngộ Đạo Hiện Đại: “Bởi vì trong khi đề cao quá đáng sự hiểu biết hay một kinh nghiệm chuyên biệt nào đó, thì nó coi cái nhìn của nó về thực tại là toàn hảo. Vì thế, có lẽ thậm chí chính nó không ngờ, ý thức hệ này dựa trên chính nó và càng trở thành cận thị hơn. Nó có thể trở thành ảo tưởng hơn nữa khi nó mang cái mặt nạ của một linh đạo thuần thiêng” (GE, 40). Một chủng sinh câu nệ vào một vài kiến thức và kinh nghiệm nội tâm vượt trội của mình, có thể dẫn tới thái độ kẻ cả với anh em, thiếu tinh thần hợp tác, và vì chỉ quen giải quyết mọi việc theo cách cá nhân, họ có thể tự cô lập mình với anh em, không cởi mở với cha đồng hành và đóng kín với ân sủng Chúa nữa.

Thuyết Tân Pêlagio lại “gán cho ý chí, tức sự nỗ lực riêng của con người” (GE, 48) một sức mạnh vượt trội lấn át ân sủng Chúa. “Ở đây mầu nhiệm và ân sủng không bị giành chỗ bởi trí năng, mà bởi ý chí con người. Người ta quên mất rằng mọi sự “tùy thuộc không phải vào ý chí hay nỗ lực của con người, nhưng tùy thuộc vào Thiên Chúa là Đấng thương xót” (Rm 9,16).  “Những ai theo tâm thức pêlagiô hay nửa-pêlagiô, ngay cả dù họ sốt sắng nói về ân sủng của Thiên Chúa, thì “rốt cục họ chỉ tin tưởng vào sức mạnh của mình và cảm thấy mình cao hơn người khác bởi vì họ giữ một số qui tắc hay kiên thủ trung thành với một phong cách Công giáo nào đó” (GE, 49).

Những gì đang diễn ra khá phổ biến trên khắp thế giới và tại quê hương chúng ta: văn hoá ứng xử của Tin Mừng không được coi trọng;  một số kỷ luật của Hội thánh không được thi hành cho đúng; nhiều truyền thống tốt đẹp bị dẹp bỏ; những phê bình chỉ trích thiếu căn cứ, dựa vào cảm tính; những lối cắt nghĩa luật Hội thánh cách độc đoán và lập dị… tất cả do thổi phồng ý chí, công trạng của mình và ảo tưởng về cái tôi hoàn hảo của mình, phá hoại sự hiệp nhất của Hội Thánh. Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, nếu không bình tĩnh sáng suốt để phân định tình hình, người ta dễ mắc mưu li gián của ma quỷ, kẻ thù của sự hiệp nhất.

Nếu một chủng sinh nhuộm phải những tư tưởng độc hại này, thì chương trình đào tạo của Giáo hội là không quan trọng đối với họ; việc tuân giữ kỷ luật chỉ là đối phó; những lời khuyên đạo đức cũng bằng thừa, vì họ đã có lối sống đạo đức của mình; môi trường chủng viện chẳng thêm gì cho họ, vì mọi thứ không có gì quan trọng bằng xác tín riêng của họ; việc tự đào tạo sẽ trở thành độc quyền, và Chúa Thánh Thần cũng bị trói tay trước ý chí kiên định bệnh hoạn của họ. Và như thế, việc biến đổi cho nền đồng  hình đồng dạng với Chúa Ki-tô chỉ là việc của cá nhân, chỉ diễn tiến trên bề mặt của vấn đề chứ không thể đụng chạm tới bản chất con người của họ; và Đức Ki-tô mà họ trở thành, không biết là Ki-tô nào ? chắc lại là một thứ khác Ki-tô!

Chúng ta có thể đặt lại vấn đề rằng, làm gì có chuyện ai đó trong Chủng viện lại theo tà thuyết? Đúng vậy, nhưng tà thuyết rất tinh vi, biến hoá khôn lường, nên người ta mất cảnh giác và mắc mưu nó; nhưng bản chất của nó thì vẫn không thay đổi, nên khi đã mắc thì không có chỗ cho Thiên Chúa trong tâm hòn họ nữa. Rõ ràng trên danh nghĩa tôi không theo tà thuyết, nhưng liệu trong thực tế tôi có sống khác tâm thức của họ không?

Tất cả những lệch lạc như vừa nói phá hoạt sự hiệp nhất vốn là điều kiện tiên quyết, là yếu tố sống còn của Hội Thánh. Đứng trước vấn đề hệ trọng này, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (G17, 20-24).

Khẩu hiệu “Để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17,23) vừa là sự gợi ý cầu nguyện, vừa là châm ngôn sống của chúng ta năm nay, để nhờ ơn Chúa, qua lời bầu cử của thánh Quan thầy, nhà đào tạo và người được đào tạo đều nên một trong Chúa, cùng nhau thụ huấn với Đấng là Thầy dạy duy nhất, để ai nấy đều là môn đệ của Chúa ki-tô, cùng với mọi thành phần trong Hội thánh làm thành “một đoàn chiên và một Đấng chăn”. Đặc biệt, năm nay chúng ta tổ chức ngày truyền thống của Trường theo chu kỳ 3 năm, ước mong nhờ dịp kỷ niệm này mà tình liên đới hiệp thông giữa các thế hệ chủng sinh xuất thân tại đây được hâm nóng và thắt chặt hơn.

Với những tâm tình, ước nguyện và chí hướng hành động đó, chúng ta chính thức bước vào năm học mới. Xin trân trọng cảm ơn!

 

Phêrô Nguyễn Văn Vinh

Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê

Nguồn tin: