Bổn Phận Trong Đạo Đức Học Của Immanuel Kant

Sat,24/09/2022
Lượt xem: 3204

 

 

 

DẪN NHẬP

Adolf Eichmann[1]-một tên tội phạm chiến tranh và là kẻ thù số một của dân tộc Do Thái, đã bị toà án Israel kết án tại Giêrusalem vào năm 1960. Eichmann là kẻ chuyên lùng bắt và áp giải hàng triệu nạn nhân Do Thái vô tội tới các trại tập trung và lò hơi ngạt. Một phiên tòa rúng động địa cầu vì tính chất tội ác tán tận lương tri nhân loại. Nhưng cũng là một phiên tòa mang lại niềm trăn trở nhức nhối khôn nguôi cho nhiều lương tri về vấn đề đạo đức khi Eichmann nhất mực chối bỏ trách nhiệm về tội ác của mình. Ông tự thị mình chỉ là một bánh răng trong một guồng máy và chỉ chu toàn bổn phận đối với mệnh lệnh cấp trên. Phiên tòa cũng khai mở cho ta những dấu hỏi về đạo đức: Phải chăng chỉ có thể nói tới đạo đức trong một hoàn cảnh cụ thể? Liệu có một loại bổn phận tuyệt đối vượt trên mọi hoàn cảnh không? Đâu là tiêu chuẩn đúng nghĩa cho một bổn phận đạo đức? 

Triết gia Kant[2]-ông tổ của đạo đức học bổn phận-đã trao cho chúng ta đáp án rốt cùng của những vấn nạn trên. Kant vật vã truy tìm nguyên lý đạo đức và rốt cuộc đã tìm thấy, không phải ở bên ngoài ta, cũng không bị chi phối bởi ngoại cảnh, nhưng nó án ngữ ngay trong chính tâm hồn ta, đó là thiện chí (bonné volonté). Vì thế, mở đầu tác phẩm ‘Grounding for the Metaphysics of Morals’ Kant viết:

“Trong vô vàn những quan niệm tốt lành ta có ở trần gian này, kể cả ở ngoài trần gian, không có gì được coi là tốt tuyệt đối, ngoại trừ thiện chí.”[3]

Khởi từ sự kiện đó, Kant đã đắp cao thăm thẳm tòa lâu đài đạo đức của mình lên tới đỉnh cao chói lọi, đến nỗi triết gia J. Hirscheberger đã xưng tụng về Kant như sau: “Kant đã đẩy lùi tất cả những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng lên những gì đi sau.”[4] Dĩ nhiên, điểm độc sáng của Kant trong lý thuyết đạo đức ở chỗ bổn phận có tính cưỡng chế vô điều kiện. Vì thế, có thể gọi bằng một tên gọi khác, đó là: Đạo đức học phải làm.[5] Cái phải làm chính là bổn phận tra vấn ta tột cùng trong một hữu thể có ý thức đạo đức. Hơn nữa, cái phải làm cũng đã gây ra biết bao tranh cãi sôi nổi trong lịch sử triết học.

Chính vì tính độc đáo của nó, người viết xin dừng chân ở bổn phận và tìm sâu nó, mong tát cạn phần nào ý nghĩa của nó, để rồi kín múc bài học quí báu cho riêng mình. Dĩ nhiên, chúng ta không thể tách biệt bổn phận ra khỏi đạo đức, vì với Kant, bổn phận chỉ là bổn phận đối với đạo đức, đúng hơn, bổn phận là cốt tủy của đạo đức, nên có khi người viết sẽ viết dùng từ bổn phận thì không định tách biệt bổn phận ra khỏi đạo đức, mà vẫn hiểu cả hai có mối gắn kết bất khả phân ly.

Bài khảo luận gồm ba phần: Ngoài phần dẫn nhập và kết luận, phần nội dung gồm ba chương:

Chương (1) bàn về nền tảng của đạo đức học bổn phận, gồm: Tự do-linh hồn bất tử-Thượng Đế;

Chương (2) bàn về bổn phận trong đạo đức học của Immanuel Kant. Chương này tìm sâu vào nhân lõi của bổn phận khởi đi từ khái niệm bổn phận với hai đặc tính tiên thiên và cưỡng bách, để rồi tìm câu trả lời cho câu hỏi: ‘Tại sao phải làm (bổn phận)?’  qua hai lý chứng: Vì để có đức hạnh và vì niềm kính sợ (achtung) qui luật đạo đức. Cuối cùng, người viết sẽ bàn về bổn phận đối với mệnh lệnh tuyệt đối qua hai khía cạnh: Bổn phận với luật phổ quát và bổn phận với tha nhân;

Chương (3) bàn về ý nghĩa lịch sử của đạo đức học bổn phận. Chương này người viết muốn thử tài luận của mình qua việc truy tìm ý nghĩa lịch sử của bổn phận, để cuối cùng đúc kết bài học cho mình.

 

CHƯƠNG 1: NỀN TẢNG CỦA ĐẠO ĐỨC HỌC BỔN PHẬN

1.  Tự do

Con người là hữu thể tự do. Tự do, theo Kant, là khả năng tự quyết của con người trước đòi buộc vô điều kiện của đạo đức.[6] Có thể nói, tự do là điều kiện của đạo đức. Thực vậy, tự do không đơn giản như tự do dân chủ, tự do ngôn luận hay tự do đi lại… nhưng là tự hay do tôi quyết lấy mà không bị chi phối bởi tư lợi, bởi ước muốn hay bởi dư luận. Nói khác đi, tôi tự do vì hành động của tôi không tất định như sự vật hay lệ thuộc bởi khả giác, nhưng tự quyết trong chính lý trí của tôi. Đó là khả năng tự trị (autonomie) của con người. Trái với tự trị là ngoại trị (heteronomie).[7] Tự trị thì con người tự quyết lấy theo sự dẫn dắt của lý trí, kể cả việc lập luật và thi hành luật (mệnh lệnh đạo đức). Trong khi ngoại trị thì quyết định bị chi phối bởi những điều kiện khả giác hay ngoại giới, kể cả việc tuân theo luật lệ của kẻ khác lập ra.[8] Luật này dù là nhân luật hay thiên luật, và dù toàn hảo chăng nữa thì tôi vẫn phải qui phục kẻ khác, mà chẳng có sự tự quyết đích thực, tức chưa tự tôi buộc mình phải hành động trong tư cách của một hữu thể có lý tính. Bởi vậy, tôi là hữu thể đạo đức bao lâu tôi còn tự quyết hay tự buộc mình phải hành động theo lẽ phải (lệnh truyền đạo đức) do chính (lý trí) tôi thiết định.

Tự do cũng đồng nghĩa với tự nhiệm, nếu tôi nhận mình có tự do, lập tức tôi phải thực hiện bổn phận của mình. Không thể có thứ tự do vô tri vô trách, mà tự do đích thị là tự do phải làm (devoir). Tức tự do là điều kiện của bổn phận. Trái lại, cái phải làm cũng minh chứng tôi là kẻ tự do. Bởi phải làm là tiếng nói tự quyết của một hữu thể tự do. Chính xác hơn, đó là mệnh lệnh đạo đức bắt nguồn từ ý thức đạo đức hay từ thiện chí. Tóm lại, có tự do mới có bổn phận, và bổn phận cũng xác quyết về tự do: “Người ta quả quyết rằng mình có thể làm một việc, bởi vì người ta ý thức rằng mình có bổn phận phải làm (soll) việc ấy.”[9] Bởi vậy, các học giả thường viết về Kant như sau: ‘Anh có thể làm (có tự do) nên anh phải làm (bổn phận)’ (tu peux car tu dois).

2.  Linh hồn bất tử

Theo Kant, sự thiện hảo ở đời này là mục tiêu tất yếu của một ý chí hoạt động theo qui luật đạo đức. Con người chỉ đạt tới sự thiện hảo khi ý chí tương ứng với luật đạo đức: Sự tương ứng hoàn toàn ấy có tên là sự thánh thiện (Heiligkeit).[10] Nhưng Kant cũng tuyên bố: Con người chỉ đạt được đời sống đạo hạnh hay sự thiện hảo khi đạt tới sự thánh thiện. Nhưng thực tế lại cho hay, con người làm sao có thể đạt tới sự thánh thiện ở đời tạm ngắn ngủi này cho đặng? May lắm con người chỉ có thể ngưỡng vọng hoặc tiệm cận với sự thánh thiện đích thực mà thôi. Hơn nữa, sự thánh thiện này nhất quyết phải có trong thực hành, nên ta chỉ có thể bắt gặp nó trong một cuộc tiến triển đến vô tận (ins Unendliche gehender Progressus)[11] nơi sinh hoạt đạo đức. Sinh hoạt dài vô tận này chính là bất tử tính của linh hồn.[12] Nghĩa là sự thánh thiện chỉ có thể đạt được trong một cuộc sống kéo dài sau khi chết (linh hồn bất tử). Cho nên, linh hồn bất tử chính là điều kiện thiết yếu của đạo đức.

3.  Thượng Đế

Cũng theo Kant, ta không dựa vào những duyên cớ khả giác nhưng vào lý trí thực hành để nhận rằng bản chất đạo đức đòi buộc phải nhận có linh hồn bất tử, nhưng cũng chính luật đạo đức, một lần nữa đòi buộc sự hiện hữu của Thượng Đế như là điều kiện của đạo đức.[13] Tại sao? Kant khởi đi từ sự kiện hạnh phúc: Hạnh phúc là tình trạng của một hữu thể có lý tính hiện hữu trong thế giới khi mọi sự diễn ra đúng như lòng sở nguyện, đó là hạnh phúc đòi buộc một sự hòa điệu giữa thiên nhiên và mục đích hiện hữu, nhất là hòa điệu với nguyên tắc quyết định của ý chí con người.[14] Nói khác đi, hạnh phúc là một mong ước chính đáng. Hơn nữa, mong ước chính đáng ấy là nhân đức (sống đạo đức) phải được kèm theo bằng hạnh phúc tương xứng. Nhưng con người chỉ có thể hành thiện tích đức mà không thể tạo nên hạnh phúc thực sự cho mình, bởi chưng “con người hoạt động trong thế giới nhưng không phải là nguyên nhân của thế giới lẫn tự nhiên.”[15] Vậy để những ước vọng chính đáng của con người trở thành hiện thực, nhất thiết phải có một vị được coi là Đấng sáng thế nên vũ trụ, đồng thời là tác giả của qui luật đạo đức và thế giới khả niệm. Chỉ có Đấng ấy mới là căn nguyên của tự nhiên, độc lập với tự nhiên, đồng thời có quyền năng liên kết tất yếu giữa hạnh phúc và đạo đức.[16]

Vậy thì, Thượng Đế có hiện hữu mới đảm bảo cho đời sống đạo đức, bằng không sống đạo đức chắc gì đưa ta tới thiện hảo. Nói khác đi, vắng bóng Đấng Tuyệt Đích chân móng đạo đức lập tức bị sói lở. Thực vậy, con người ta kiên tâm chu toàn bổn phận không vì đời tạm này mà vì hy vọng vào đời sau nơi có Thượng Đế hiển trị. Bởi bao lâu ta chưa tin có Trời, chưa tin rằng ‘Hoàng Thiên bất phụ hảo nhân tâm-Trời không phụ người có thiện chí,’ thì sống đức hạnh là ngu dại và thế gian là địa ngục không đáy cho kẻ thiện tâm. Hơn nữa, Kant lý giải thêm, có Thượng Đế bảo chứng cho đạo đức, thì kẻ thiện chí có thể gặp thất bại vô tư mà không nguy hại gì tới sự thiện hảo đời đời. Vì đời sống đức hạnh tiến triển tới vô tận (nhờ linh hồn bất tử) thì con người cũng hy vọng đạt tới hạnh phúc tròn đầy, tức toàn phúc. Nhưng con người chỉ có thể thực hiện cuộc đời đạo hạnh, còn như việc thực hiện cái toàn phúc kia, thì con người chỉ biết phó dâng niềm hy vọng nơi Thượng Đế: “Khoa đạo đức thực ra không phải học thuyết dạy cho biết làm thế nào để được hạnh phúc, nhưng là làm thế nào để xứng đáng được hạnh phúc. Chỉ khi ta bước vào tôn giáo, ta mới có hy vọng một ngày kia được dự phần hạnh phúc mà ta đã một đời tỏ ra xứng đáng.”[17] Bởi vậy, Kant mới quyết tử: Để có đạo đức “tất yếu phải giả định sự hiện hữu của Thượng Đế.”[18]

Tóm lại: Tự do, linh hồn bất tử và Thượng Đế là ba đòi buộc của lý trí thực hành để đảm bảo cho nền đạo đức bổn phận. Vì chưng không có tự do ta sẽ không thể tự chọn để có thể tự nhiệm, tức lãnh lấy trách nhiệm và bổn phận về hành vi của mình; không có linh hồn bất tử sẽ không có sự theo đuổi vô hạn đối với sự thiện tuyệt đối (summum bonum); không có Thượng Đế thì ai sẽ là kẻ phân xử tối hậu người lành kẻ dữ trong một thế giới đầy bất hạnh cho những người kiên tâm sống đạo đức. Từ ba định đề đó, Kant đã kiến thiết tòa lâu đài đạo đức bổn phận của mình.

CHƯƠNG 2: BỔN PHẬN TRONG ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA KANT

1.  Khái niệm bổn phận

Bổn phận (Verbindlichkeit) là việc phải làm (sollen).[19] Kant quyết rằng: Sự tôi phải thi hành luật đạo đức thì gọi là bổn phận. Bổn phận có tính cưỡng chế thực hành, nghĩa là buộc tôi phải thi hành một cách tuyệt đối, dầu tôi không ưa thích mặc lòng.[20] Không giống với động vật, chúng phải nô lệ vào bản năng vì không có tự do, còn con người tự do phải làm vì lẽ phải, vì bị cưỡng bách bởi một căn do nội tại sâu xa chứ không bởi ngoại cảnh. Vì thế, bổn phận là phải làm, không phải vì tư lợi cũng không vì kinh nghiệm dạy cho như vậy, nhưng vì sự cưỡng bách của mệnh lệnh đạo đức xuất phát từ lý trí thực hành. Vì xuất phát từ lý trí thực hành nên bổn phận có những đặc tính: Tiên thiên và cưỡng bách.

1.1.         Tiên thiên

Đặc tính đầu tiên là tiên thiên. Tiên thiên vì luật đạo đức in sâu nơi đáy lòng mỗi người như một ‘sự kiện của lý trí’ (fait de raison).[21] Chính luật này ban bố những mệnh lệnh tuyệt đối và vô điều kiện buộc ta phải làm, dứt khoát phải làm, dầu phải thiệt thân bao nhiêu mặc lòng. Bởi đó, Kant viết: Lý trí thực hành trực tiếp ra luật đạo đức cho ta. Hơn nữa, tiên thiên vì cái phải làm chỉ thuộc về địa hạt lý trí thực hành, chứ không thuộc về địa hạt thường nghiệm của lý trí thuần túy.[22] Tiên thiên vì phán quyết phải làm này của lý trí thực hành không do tập thành, cũng không bởi kinh nghiệm mà ra, trái lại nó hiện hữu minh nhiên tới mức, không cần biện minh cũng chẳng thể hoài nghi. Chẳng hạn, không cần nói thì ai ai cũng biết phải làm lành hay phải tránh ác. Hay trước bất kỳ sự việc xảy ra trong cộng đồng nào chăng nữa, nếu hết mọi người đều đàm tiếu và phê phán điều gì đó, hẳn ta sẽ thấy tất cả những phê phán ấy luôn đương nhiên là phải làm thế này hay thế nọ. Bởi vậy, cái phải làm (bổn phận) là cái không thể học tập, nhưng do tiên thiên. Chính vì tiên thiên nên bổn phận mới có thể cưỡng bách vô điều kiện hay tuyệt đối được.

1.2.        Cưỡng bách

Đặc tính thứ hai là cưỡng bách. Thiên nhiên bị cưỡng bách bởi định luật, động vật bị cưỡng bách bởi bản năng, còn con người đạo đức bị cưỡng bách bởi qui luật đạo đức (loi morale) xuất phát từ lý trí thực hành.[23] Chỉ có mệnh lệnh đạo đức xuất phát từ lý trí thực hành mới có sức cưỡng bách vô điều kiện hay tuyệt đối. Thật vậy, Kant cho hay, không phải thường nghiệm, nhưng lý trí phải quyết định hành vi đạo đức, nghĩa là nhất khoát phải tống khứ mọi thứ duy nghiệm hay duy tình ra khỏi lãnh vực đạo đức. Thường nghiệm là gì? Là chủ quan, thiên tư và vụ lợi trong khi lý trí thì ngay thẳng và minh chính. Vì thế, Kant mới quyết: “Lý trí phải quyết định theo hình thức của qui luật.”[24] Quyết theo hình thức qui luật là phải làm một cách vô điều kiện hay tuyệt đối, mà bất xét tới hoàn cảnh. Như vậy, con người linh ư vạn vật nhờ bởi lý trí, nên đạo đức phải xây trên nền móng lý trí, bằng không sống theo cảm tính với bản chất tùy tiện ‘sáng đúng chiều sai sáng mai lại đúng,’ muôn thuở sẽ chẳng có bổn phận thì nói gì tới đạo đức.

Tắt một lời, bổn phận là phải làm theo lệnh truyền đạo đức (lương tâm). Nhưng tại sao phải làm? Kant trả lời rất gọn ghẽ: Tôi không thể không làm vì muốn còn là người đức hạnh, hơn nữa còn vì tôi tự nguyện tùng phục trước sức mạnh cưỡng bách tuyệt đối của luật đạo đức. Nói cách khác, lý do thúc đẩy ta hành động, trước là nhờ đó để ta trở thành người có đức hạnh, sau nữa là vì niềm kính sợ luật đạo đức.[25]

2.  Những lý chứng của bổn phận

2.1.        Bổn phận là căn nguyên của đức hạnh

Kant cho rằng, người đức hạnh là người hành động vì bổn phận (par devoir) bởi điều phải làm nếu muốn là người, chứ không phải theo bổn phận (conformement au devoir) bởi làm theo người khác hay sợ dư luận.[26] Kant dẫn dụ như sau: Một con buôn dù không ăn lãi quá quắt vì hắn bán đúng giá cho mọi khách hàng nhưng không vì thế mà ta đoan chắc hắn lương thiện, bởi hắn có thể trục lợi cho mình về lâu dài chứ không nhằm mưu ích cho người khác. Trái lại, ai cũng có bổn phận bảo toàn sinh mệnh, nhưng khi dòng đời êm đềm thì xem ra hành động ấy là theo bổn phận; còn khi cuộc đời vật vã tột cùng trong sình lầy đau khổ khiến ta muốn tự tử, bất chợt ta ý thức mình phải có bổn phận bảo toàn sinh mệnh và thôi tự tử, thì ta hành động vì bổn phận.[27] Nghĩa là, người đức hạnh phải hành động vì bổn phận, vì điều phải làm, chứ không vì sở thích hay tư lợi tức là hành vi hoàn toàn vô cầu.

Thực vậy, hành vi hữu cầu mong trục lợi, ngay cả những hành vi cảm tính đều là những mối hại cho đức hạnh. Chỉ có lý trí mới là quan án tối thượng của đức hạnh, tức phải gạt phăng mọi thứ duy tình và duy nghiệm chưa làm đã vội nhắm lợi cho mình mà lãng quên bổn phận.[28] Ta phải làm vì bổn phận, vì là người và nếu muốn còn là người, chứ không chút mảy may truy cầu hạnh phúc, trái lại nhờ đó ta sẽ xứng đáng với hạnh phúc.[29] Khi ta chủ tâm tìm kiếm sự thiện hạnh phúc ắt sẽ đến như bóng đi theo hình.

Tóm lại, bổn phận là cốt tủy của đức hạnh. Ta chỉ trở nên người đức hạnh bao lâu ta còn sống cái bổn phận của mình, mà không vì điều gì ngoài một lòng một ý vì bổn phận thôi. Nhưng vấn nạn ở đây, nếu tôi không làm thì cũng chẳng sao, vì dầu gì tôi cũng có tự do để khước từ bổn phận mà. Kant đã đáp lời rất hay rằng: Niềm kính sợ luật đạo đức buộc tôi phải làm.

2.2.        Bổn phận là hành động tất yếu vì sự tôn kính luật (achtung/respect)[30]

Niềm tôn kính (achtung) đích thực Kant chỉ dành cho qui luật đạo đức chỉ vì nó là qui luật đạo đức.[31] Chỉ có hai thứ để cho Kant run rẩy và kính sợ, đó là: Bầu trời đầy sao và qui luật đạo đức.[32] Cả hai điều mang chiều kích siêu việt (transcendence) ngay trong chính nội tại (immanence): Một nội tại trong sự vật và một nội tại trong con người. Nhưng Kant dành “trọn niềm tôn kính cho con người chứ không cho sự vật.”[33] Tại sao? Kant minh định, trước sức vóc khôn lường của vạn vật cũng đủ khiến ta khiếp run, chẳng hạn một tẹo nọc rắn, một làn khói độc, một hỏa diệm sơn phun lửa cũng đủ ru ta vào cõi tịch diệt. Cao hơn nữa, ta tôn kính vật vì sự huyền nhiệm của vật tự thân (ding-an-sich) nơi chính nó. Nhưng cả thảy ấy có là gì so với niềm tôn kính con người trong tư cách là cứu cánh tự thân, vừa có khả năng lập luật lại vừa có thể thi hành luật.[34] Tức nơi sự vật không có luật tự trị (autonomie) mà chỉ có luật ngoại trị (heteronomie). Luật ngoại trị như nhân luật rồi thiên luật đi nữa, thì cũng là những mệnh lệnh điều kiện thôi, nên tôi không có bổn phận tuyệt đối với luật này. Tôi chỉ tùng phục vô điều kiện với luật do chính tôi thiết đặt trong tư cách là một nhà lập pháp đạo đức. Vì thế Kant viết: “Tôi chỉ tôn kính thuần túy (pure respect) luật tự trị (autonomie) hay luật đạo đức mà thôi.”[35]

Niềm kính sợ qui luật đạo đức là động lực duy nhất cưỡng bách ta sống đức hạnh.[36] Thực vậy, ta tôn trọng nhân vị như những cứu cánh tuyệt đối cũng phát xuất từ lòng kính sợ qui luật đạo đức.[37] Ta tôn kính tha nhân thực chất vì ta kính sợ luật đạo đức, hơn thế vì ta kính sợ sự chu toàn bổn phận đạo đức của người ấy. Ai càng chu toàn lệnh truyền đạo đức thì nhân tính càng cao vời, vì thế ta càng ngưỡng mộ và kính phục:

 “Trước mặt kẻ quyền quí tôi cúi mình nhưng tinh thần tôi không cúi. Trái lại trước một kẻ quê mùa hạ cấp nhưng đức tính ngay thẳng đến mức tôi không có, thì tinh thần tôi cúi mình, dầu tôi vẫn cất cao đầu để anh ta đừng quên tôi là bề trên.”[38]

Bởi vậy, mọi bổn phận đều bắt nguồn từ sự tôn kính lệnh truyền đạo đức như là nguyên nhân của nó. Đích xác hơn, cội nguồn của bổn phận chính là mệnh lệnh tuyệt đối.

3.   Bổn phận đối với mệnh lệnh tuyệt đối (impératifs catégoriques)

Tuân theo mệnh lệnh tuyệt đối (impératifs catégoriques) là chắc chắn ta đang thi hành bổn phận đạo đức.[39] Tại sao? Đơn giản chỉ vì đó là mệnh lệnh tuyệt đối. Tuyệt đối nghĩa là phổ quát và vô điều kiện. Phổ quát và vô điều kiện vì tự nó cưỡng bách tuyệt đối, mà không vì điều gì khác ngoài chính nó là luật đạo đức.[40] Trái lại, mệnh lệnh giả thiết (impératiís hypothétique), tức theo mẫu thức nhân quả nếu thì, chẳng hạn muốn ăn quả anh hãy trồng cây… Vậy, vụ lợi chính là động cơ thúc đẩy hành động, tức chưa phổ quát và vô điều kiện, vì muốn thì làm không thì thôi, nghĩa là không cưỡng bách, tức chưa tuyệt đối. Ta sẽ bàn về bổn phận với mệnh lệnh tuyệt đối của Kant qua hai bổn phận: bổn phận với luật phổ quát và bổn phận với tha nhân.

3.1.         Bổn phận với luật phổ quát

Luật đạo đức phổ quát là: “Anh hãy hành động theo châm ngôn mà đồng thời có thể muốn nó trở thành một luật phổ quát.”[41] Nghĩa rằng, anh hãy hành động sao cho mọi người trong trường hợp của anh đều làm như anh. Chẳng hạn, Kant đưa ra thí dụ, có nên nói dối để vay tiền không? Nếu anh quyết nói dối để vay tiền lập tức châm ngôn sống của anh là: Khi cần tiền tôi sẽ đi vay và hứa trả mặc lòng tôi biết tôi không thể trả. Nếu châm ngôn ấy trở thành luật phổ quát, mọi người đua nhau nói dối để thủ lợi thì xã hội sẽ đại loạn bất tín, nói dối nghiễm nhiên trở nên vô ích (không ai tin ai để cho vay tiền nữa). Hơn nữa, dù tôi muốn dối người thì cũng không muốn bị người dối đồng nghĩa rằng tôi không muốn gian dối trở thành luật sống phổ quát. Thực là mâu thuẫn. Nên phải kết luận ngay: Không được phép nói dối trong mọi trường hợp vì châm ngôn ấy nghịch với luật phổ quát.[42] Đó chính là bổn phận với luật phổ quát.

3.2.         Bổn phận với tha nhân

Khởi đi từ lý trí, cái làm cho con người là người, là cứu cánh tự thân (fin en soi),[43] Kant đã cho thấy tại sao ta phải có bổn phận đối với tha nhân. Thực vậy, con người là một cứu cánh tự thân chứ không bao giờ là một phương tiện. Trái lại, sự vật chỉ là phương tiện chứ không thể nào là cứu cánh tự thân được, bởi chưng ngày nào con người thôi còn nhu cầu thì sự vật lập tức trở nên vô nghĩa. Hơn nữa, là người ai cũng có nhân tính (nhân vị) cả, không ai muốn mình trở thành phương tiện như đồ vật, nên kính trọng nhân tính như một cứu cánh là lệnh truyền thứ hai của đạo đức:

“Anh hãy hành động ra sao để đối xử với nhân tính nơi anh cũng như nơi những người khác như một cứu cánh, và đừng chỉ sử dụng nhân tính đó như một phương tiện thôi.”[44]

Chẳng hạn người quyên sinh mong tìm sự giải thoát, họ sử dụng nhân tính như một phương tiện mà chẳng đoái hoài tới cứu cánh tính nơi họ. Kẻ hứa hảo để quịt tiền người khác cũng vậy, hắn bắt tha nhân cung phụng tính ích kỷ cho hắn, tức coi tha nhân chỉ là phương tiện cho hắn trục lợi mà thôi.[45] Như vậy, người khác cũng là một cứu cánh tự thân như chính tôi, tự thân họ đã là một giá trị tuyệt đối, nên khi tôi xâm phạm tới quyền tự do, quyền tư hữu hay quyền lợi của họ, lập tức tôi đã biến họ thành một phương tiện.[46]  

Tắt một lời, bổn phận là hạt nhân của đức hạnh, là đòi buộc tuyệt đối vô điều kiện trước mệnh lệnh tuyệt đối của lương tâm. Cho nên, di sản bổn phận mà Kant để lại như một cổ trọng pháo có sức công phá dữ dội vào thành trì đạo đức tương đối.

CHƯƠNG 3: Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA ĐẠO ĐỨC HỌC BỔN PHẬN

Như trên, Adolf Eichmann biện minh rằng hắn chỉ là một bánh răng trong một guồng máy phi nhân tính. Đích xác hơn, Eichmann là dấu chứng cho một triết lý sống phi chuẩn mực trong đó mọi sự đều biến dịch. Triết lý ấy đã từng đạt đỉnh nơi Heraclite bằng phương ngôn chí tử: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.”[47] Dĩ nhiên rồi, làm gì có một dòng sông để tắm hai lần, cũng chẳng có một con người để tắm hai lần trên một dòng sông. Bởi chẳng có gì bất dịch ngoài chính sự biến dịch. Chính tôi đây còn biến dịch thì nói gì tới những chuẩn mực cố hữu thường hằng. Cho nên, chẳng thể có đạo đức phổ quát hay tuyệt đối nào đâu, quá lắm đạo đức cũng chỉ là thứ phó phẩm của hoàn cảnh thôi.

Kant đã đảo ngược tình thế ấy bằng khúc quanh quyết liệt của triết học về bổn phận. Dẫu mọi sự có là tương đối thì bổn phận vẫn tuyệt đối. Dẫu vật có đổi sao có dời thì vẫn tồn tại một thứ bổn phận vượt trên mọi đổi thay của hoàn cảnh. Bổn phận đó là gì? Là tuân phục mệnh lệnh của lương tâm một cách vô điều kiện. Mệnh lệnh của lương tâm là gì? Là lẽ phải. Dù là ai chăng nữa, hiền nhân hay ác nhân, và trong bất cứ hoàn cảnh nào thì lương tâm vẫn chỉ gào thét một lệnh truyền độc nhất là lẽ phải. Thật vậy, chỉ cần lẽ phải thôi đã đủ để ta phải làm rồi, dầu vong mạng cũng cam lòng.

Vấn đề phải đặt ra ở đây, điều gì cho phép con người siêu vượt hoàn cảnh chỉ để sống theo tiếng lương tâm? Đó là khả năng tự trị (autonomie) của con người. Bởi con người là kẻ duy nhất có khả năng cư ngụ trong thế giới tinh thần, nên cũng là kẻ duy nhất có thể hành động mà không bị nô lệ bởi điều gì cả. Thực vậy, nhờ lương tâm mới có bổn phận, nhưng nhờ thế giới tinh thần con người mới có khả năng thành toàn bổn phận mà không bị tư dục kéo ghì hay ngoại giới chi phối. Trái lại, con vật không có thế giới tinh thần để cư ngụ, nên nó chẳng thể vuột thoát khỏi bản năng và hoàn cảnh để rồi có bổn phận. Bởi vậy, có thể nói, con vật không thể có bổn phận, Thượng Đế chẳng cần bổn phận (vì ý chí Ngài toàn thánh), nhưng con người không thể không có bổn phận. Thực vậy, tôi phải làm vì là người và muốn còn là người. Tôi là người trong chừng mực tôi chu toàn bổn phận làm người của mình. Phúc thay kẻ hằng sống theo lương tâm vì bởi đó anh ta càng là người hơn. Nhưng khốn thay kẻ hằng chối bỏ lương tâm để sống gian ác vì như thế nhân tính của hắn càng băng hoại xuống hàng súc vật.

Nếu bổn phận chỉ là tùy cảnh, nhất khoát có vô vàn hoàn cảnh sẽ cho vô vàn chuẩn mực đức hạnh khác nhau. Vậy mà tại sao lại hằng hữu những bổn phận tiên thiên và phổ quát trong tim mọi người, mọi nơi và mọi thời như: ‘phải chọn lành tránh ác’ hay ‘đừng làm cho tha nhân điều mình không muốn?’ Nếu bổn phận chỉ là con đẻ của hiện sinh (hiện sinh quyết yếu tính-J.P.Sartre) hay là tùy cảnh (con người là sinh vật hoàn cảnh-Karl Marx) tại sao ta phải tranh đấu cho những giá trị cao viễn như công bình, bác ái hay tự do? Bởi khi ấy đâu còn những giá trị như những cột mốc vĩnh cửu để cho ta vin vào. Sự thật thì sao? Chẳng phải Đông hay Tây đều ra rả xiển dương những anh hùng xả thân đấu tranh cho sự thật, tình thương và công lý đến mức vong thân đó sao?![48] Nếu bổn phận chỉ là tùy cảnh, tại sao những ác nhân lại bị lương tâm dằn vặt đến thất điên bát đảo?! Rồi, nếu bổn phận là tương đối, tại sao nhân loại ai cũng phẫn nộ trước kẻ ác như Hitler, Polpot hay Lê Văn Luyện… đồng thời ai cũng tôn kính những bậc vị vọng như Đức Giêsu rồi Đức Phật như những bậc đức hạnh hàng đầu của nhân loại?! Tất cả điều đó chẳng phải minh chứng rằng: Con người là kẻ duy nhất có bổn phận, hơn nữa còn là kẻ có thể vượt thắng hoàn cảnh chỉ để sống trọn cái bổn phận làm người đó sao?! 

Nghiễm nhiên, sẽ có kẻ phản chứng: Nếu bổn phận làm người là tuyệt đối thì tại sao lại có vô vàn những ác nhân đội sổ thế giới như Hitler, Polpot hay Eichmann? Lẽ nào chúng không có lương tâm? Không! Lương tâm ai cũng có nhưng không phải ai cũng sống theo tiếng lương tâm. Con người là một khả thể đức hạnh. Khi sinh ra con người chẳng phải là thiên thần cũng chẳng là súc vật, nhưng sở dĩ con người trở thành thiên thần hay súc vật vì chưng con người có tự do để quyết chọn hay chống lại lương tâm. Sở dĩ thế giới vẫn đầy dẫy những đồ tể khét tiếng như Hitler hay Polpot là vì chúng đã cố ém nhẹm đi tiếng nói của lương tâm để mặc sức lao vào chém giết đồng loại. Lương tâm vẫn cưỡng bách đấy thôi, nhưng không cưỡng bách bằng sức mạnh vai u bắp thịt nhưng bằng sự cưỡng bách của tinh thần. Bởi đó, ta có thể nói, không gì yếu nhưng cũng không gì mạnh cho bằng bổn phận. Yếu vì chưa bao giờ bổn phận cưỡng bách ai bằng sức mạnh cả. Nhưng mạnh thì không gì bằng, bởi bổn phận còn mạnh hơn cả sự chết. Thực vậy, Đức Giêsu đã chẳng quyết chọn đến cùng bổn phận Thiên Ý chứ không phải ý riêng để rồi chuốc lấy chén đắng khổ giá đó sao?![49] Socrates đã chẳng dốc cạn chén thuốc độc vì quyết tử rằng sống là phải vâng trọn tiếng nói Thánh Thần ngự trị trong chính tâm khảm đó sao?![50] Rồi một linh mục kia bị áp bức ra sao, tù đầy thế nào cũng chẳng rỉ môi nửa lời bí mật tòa cáo giải đối với một tên tội phạm khét tiếng vì lương tâm đòi buộc như thế sao?! Bách hại, tù đầy, chết chóc ai mà chẳng sợ vì chúng mạnh thật, nhưng bổn phận (mệnh lệnh của lương tâm) còn mạnh hơn và đáng sợ khôn cùng.

Như vậy, với Kant, ta thấy bổn phận như là đà vươn lên cao tới mức chạm tới Thần Linh vì nó như là dấu chứng của Tuyệt Đối, nhưng cũng cúi xuống thật sâu, chạm tới những gì là căn yếu sâu xa nhất của phận người xét như là con người (humain en tant qu’humain). Đến nỗi, có thể nói, sống là bổn phận. Làm người cũng là một bổn phận. Chính vì vậy, Kant đã đi thật xa tới mức thật gần với Tin Mừng. Câu chuyện người Samaritanô nhân hậu cúi xuống cứu người bị nạn vì anh ta là người. Anh không làm vì anh là người miền này xứ nọ, càng không vì là người có tôn giáo, nhưng chỉ vì bổn phận làm người đòi buộc anh như thế. Kant đã lay ta tỉnh một cơn mê trong nhà tù biên giới: Biên giới của hoàn cảnh, biên giới của chính trị, biên giới của sắc tộc và tôn giáo… tất cả đều minh chứng cho một lối sống cục bộ địa phương. Kant muốn phá bung tất cả để vươn lên miền phổ quát. Trong một thế giới mà lương tâm bị ru ngủ bởi muôn vàn học thuyết tương đối, Kant đã thức tỉnh ta bằng tiếng nói Thần Thánh của bổn phận: Đó là tiếng nói không tuyệt đối và không thể đảo ngược trước cái ác và sự gian dối; nhưng là tiếng nói tuyệt đối và không thể đảo ngược đối với Chân-Thiện-Mỹ.

 

KẾT LUẬN

Có thể nói, Kant là người đầu tiên tôn vinh vị thế của bổn phận lên một tầm cao khôn sánh. Bổn phận là căn nguyên của đức hạnh. Bổn phận là tiếng nói quyết tử của lương tri trước mọi hoàn cảnh nên bổn phận có tính cưỡng bách tuyệt đối. Sức cưỡng bách ấy không bởi ngoại giới, cũng không bởi những cảm tình chóng vánh, nhưng phát xuất từ thế giới tự trị của tinh thần. Trong thế giới tinh thần ấy, vừa thâm sâu lại vừa cao cả, con người trở nên chóp đỉnh của thế giới thụ tạo bởi có thể quyết sống đến kỳ cùng cái lẽ phải. Chỉ có lẽ phải mới thực là lẽ sống, là bổn phận và là sứ mệnh cao cả làm người. Cao hơn nữa, bổn phận vừa nội tại lại vừa siêu việt con người như là dấu chứng của Đấng Tuyệt Đối. Để kết thúc bài luận, không gì bằng ghi lại những dòng suy tưởng cao sâu của Kant về bổn phận, hằng ám ảnh và day dứt ta tới mức khôn cưỡng:

“Bổn phận! Ôi danh hiệu vĩ đại và cao cả, không hề ngụ ý một cái gì khoái trá, cũng không có gì là phỉnh nịnh, nhưng đòi buộc phải qui phục: Mi không hề dọa nạt bằng những gì có thể gợi lên trong lòng sự chán ghét hay sự kinh khiếp hãi hùng hòng thúc đẩy ý chí, nhưng chỉ thẳng thắn đặt ra một qui luật tự nó đi thẳng vào tâm can và chiếm được niềm tôn kính (mặc dầu không luôn bắt con người phục tùng); niềm tôn kính này bắt các xu hướng phải im bặt, mặc cho chúng âm thầm chống cưỡng. Nguyên do nào mới xứng với mi? Mi cao quí không chịu có gì chung với những xu hướng, và chính sự cao quí ấy mới là điều kiện làm nên giá trị duy nhất mà con người tụng xưng về mình.” [51]

 

                                                                                                       Phêrô Võ Tá Thông, K.XVI 

 

 

THƯ MỤC THAM KHẢO CHÍNH

1.   Immanuel Kant (Translated by James W. Ellington), Grounding for the Metaphysics of Morals (ebook), Hackett Publishing Company, America, năm 1993.

2.   Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán lý tính thực hành, Nxb. Tri thức, Hồ Chí Minh, năm 2015.

THƯ MỤC THAM KHẢO PHỤ

1.   J. Donald Butler, Four Philosophies and Their Practice In Education and Religion, Harper&Row, New York, năm 1957.

2.   Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán lý tính thuần túy, Nxb. Văn Học, Hồ Chí Minh, năm 2014.

3.   Lm. Trần Thái Đỉnh, Triêt học Kant, Nxb. Văn Học, Hồ Chí Minh, năm 2014.

4.   Johannes Hirschoberger (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Lịch sử triết học (tập I & tập II), Nxb. Tri thức&Thời đại, Hồ Chí Minh, năm 2020.

5.   Samuel Enoch Stump&Donald C.Abel (Lưu Văn Hy dịch), Nhập môn triết học phương Tây, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2003.

6.   Howard Caygill (Tập thể dịch giả), Từ điển triết học Kant, Nxb. Tri thức, Hồ Chí Minh, năm 2013.

7.   Costica Bradatan (Trần Ngọc Hiếu dịch), Chết cho tư tưởng-cuộc đời nguy hiểm của các triết gia, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, năm 2017.

8.   Kinh Thánh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, năm 2011.

9.   Nguyễn Hoàng Đức, Điệu kèn cô đơn, Nxb. Thanh Hóa, Thanh Hóa, năm 1998.

 


[1] X. Adolf Eichmann, https://vi.wikipedia.org. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2021.

[2] Immanuel Kant (1724-1804) là triết gia Đức, người được mệnh danh là kẻ đào mồ chôn siêu hình học (fossoyeur) khi quyết rằng: Ta chỉ biết được hiện tượng (phénomène) chứ không thể biết gì về vật tự thân (noumène). Đây là lập trường bất khả tri (agnostics) của Kant. Kant còn được biết đến như là đại triết gia đã khởi xướng hai cuộc đại Copernic bậc nhất trong lịch sử triết học: Một trong tri thức luận và một trong đạo đức học. Trong tri thức luận, Kant cho rằng vật phải tùy tâm chứ không phải tâm tùy vật như chủ trương của triết học truyền thống. Tại đây, Kant tỏ ra là người hòa giải thành công bậc nhất giữa hai lập trường duy nghiệm và duy lý bằng mệnh đề: ‘Thiếu nội dung ý tưởng sẽ rỗng tuếch, thiếu quan niệm trực giác sẽ mù tịt.’ Trong đạo đức học, Kant cực lực phê phán thứ luân lý sự thiện cổ truyền chủ trương rằng: Sự thiện đích thực phải ở bên ngoài con người như là nguyên lý của đạo đức, và Kant đã thay thế bằng luân lý bổn phận: Sự thiện không ở bên ngoài như hệ tại ở trong ta. Nói cách khác, không phải sự thiện bên ngoài nhưng bổn phận nội tại mới xác định đời sống đạo đức.

[3] Immanuel Kant (Translated by James W. Ellington), Grounding for the Metaphysics of Morals (ebook), Hackett Publishing Company, America, năm 1993, 28. Nguyên văn: “There is no possibility of thinking at anything at all in the world, or even out of it, which can be regarded as good without qualification, execpt a good will.

[4] Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán lý tính thuần túy, Nxb. Văn Học, Hồ Chí Minh, năm 2014, XXVIII.

[5] Ibidem, A238, XX.

[6] X. Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán lý tính thực hành, Nxb. Tri thức, Hồ Chí Minh, năm 2015, A53, 54.

[7] X. Ibidem, A113, 115.

[8] X. Samuel Enoch Stumpf & Donald C.Abel (Lưu Văn Hy dịch), Nhập môn triết học phương Tây, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, năm 2003, 258.

[9] Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán lý tính thực hành, op. cit., A54, 56.

[10] X. Ibidem, A220, 220.

[11] X. Ibidem.

[12] X. Ibidem.

[13] X. Ibidem, A223, 222.

[14] X. Ibidem, A225, 223.

[15] Ibidem.

[16] X. Ibidem.

[17] Ibidem, A234, 229.

[18] Ibidem, A226, 224.

[19] X. Johannes Hirschoberger (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Lịch sử triết học (tập II: Triết học cận đại và hiện đại), Nxb. Tri Thức&Thời Đại, Hồ Chí Minh, năm 2020, 411.

[20] X. Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán lý tính thực hành, op. cit., A143, 151.

[21] Ibidem, A56, 57.

[22] X. Ibidem, 1. Kant phân chia khả năng của lý trí thành: Lý trí thuần túy (raison pure spéculative) và lý trí thực hành (raison pure pratique). Khả năng của lý trí thuần túy chỉ dừng lại ở tri thức thường nghiệm, trong khi khả năng của lý trí thực hành vượt qua thường nghiệm để vươn tới đạo đức bổn phận.

[23] Lm. Trần Thái Đỉnh, Triết học Kant, Nxb. Văn Học, Hồ Chí Minh, năm 2014, 206.

[24] Ibidem, 197.

[25] Ibidem, 268.

[26] X. Samuel Enoch Stumpf&Donald C.Abel (Lưu Văn Hy dịch), Nhập môn triết học phương Tây, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, năm 2003, 304.

[27] Ibidem, 308.

[28] Ibidem, 197.

[29] X.Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán lý tính thực hành, op. cit., 229.

[30] Immanuel Kant (Translated by James W. Ellington), Grounding for the Metaphysics of Morals (ebook), op. cit., 35. Nguyên văn: ‘Duty is necessary of an action done out of respect for the law.’

[31] X. Howard Caygill (Tập thể dịch giả&Bùi Văn Nam Sơn chủ biên), Từ điển triết học Kant, Nxb. Tri Thức, Hồ Chí Minh, năm 2013, 469.

[32] Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán lý tính thực hành, op. cit., A289, 278. Nguyên văn: “Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến, đó là: bầu trời đầy sao trên đầu và qui luật luân lý ở trong tôi.”

[33] Ibidem, A136, 146.

[34] X. Ibidem.

[35] Immanuel Kant (Translated by James W. Ellington), Grounding for the Metaphysics of Morals (ebook), op. cit., 35.

[36] X. Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán lý tính thực hành, op. cit., A139, 148.

[37] X. Ibidem, A136, 146.

[38] Ibidem.

[39] X. Dr. Motimer J.Adler (Phạm Phương Viêm&Mai Sơn dịch), Những tư tưởng từ những tác phẩm vĩ đại, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, năm 2006, 88.

[40] X. Samuel Enoch Stumpf&Donald C.Abel (Lưu Văn Hy dịch), Nhập môn triết học phương Tây, op. cit., 306.

[41] Immanuel Kant (Translated by James W. Ellington), Grounding for the Metaphysics of Morals (ebook), op. cit., 56. Nguyên văn: “Act only according to the maxim whereby you can at the same time will that it should become a universal law.”

[42] Ibidem.

[43] X. Sumuel Enoch Stumpf (Đỗ Văn Thuấn&Lưu Văn Hy dịch), Lịch sử triết học và các luận đề, Nxb. Lao Động, Hồ Chí Minh, năm 2007, 259.

[44]  Immanuel Kant (Translated by James W. Ellington), Grounding for the Metaphysics of Morals (ebook), op. cit., 64. Nguyên văn: “Act in such a way that you treat humanity, whether in your own person or in the person of another, always at the same time as an end and never simply as a means.”

[45] Ibidem.

[46] X. Lm. Trần Thái Đỉnh, Triết học Kant, op. cit., 240.

[47] J. Donald Butler, Four Philosophies and Their Practice In Education and Religion, Harper&Row, New York, năm 1957, 354. Nguyên văn: “One cannot step twice into the same river.”

[48] X. ‘Chủ tịch nước đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ đối với em sinh viên Nguyễn Văn Nhã’, https://tuoitre.vn. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2021. Ngay trong xã hội Cộng sản Việt Nam, một xã hội băng hoại đạo đức điển hình, vậy mà còn biết xiển dương những hành vi xả thân cứu người, như trường hợp chàng thanh niên dũng cảm cứu một bé trai rơi từ tầng 12 của tòa chung cư. Gần đây hơn, chuyện về chàng sinh viên Nguyễn Văn Nhã chấp nhận hiến sinh để trục vớt thành công 3 nữ sinh đuối nước được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ, đã phủ đặc trên khắp các mặt báo điện tử lề trái và lề phải của đảng. Có tờ báo đảng còn giật tít một hàng rất đậm tính bổn phận của Kant: ‘Nghe tiếng kêu cứu là lao ngay xuống biển, cứu người là mệnh lệnh của trái tim, em Nguyễn Văn Nhã là người như vậy.’

[49] Cuộc đời Chúa Giêsu là một sự đón nhận và vâng phục trọn vẹn Thánh Ý Chúa Cha. Biến cố nhập thể cho thấy, Người phải đến vì yêu con người, trong biến cố Tử Nạn, Người phải đau đớn tận căn và phải chết nhục nhằn vì ý định của Chúa Cha như thế, nên Người không thể không đón nhận. Câu nói cho thấy Người chọn ý Cha làm lẽ sống: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén này xa con. Nhưng, xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha.” (Lc 22,42.)

[50]  X. Costica Bradatan (Trần Ngọc Hiếu dịch), Chết cho tư tưởng-cuộc đời nguy hiểm của các triết gia, Nxb. Tri thức, Hà Nội, năm 2017, 262. Socrates (khoảng 470 – 399 TCN) là triết gia Hy Lạp cổ đại đã bị tòa án Athens kết án tử vì tội danh dụ dỗ lôi kéo làm hư hỏng thanh niên và du nhập thần thánh mới vào thành quốc. Socrates nhất mực rằng chính vị thần ở cổng đền Delphi đã trao cho ông thông điệp sống công chính là duyên cớ độc nhất khiến ông sống kỳ cùng bổn phận cái lẽ phải. Đến nỗi, khi những môn đệ ra sức bênh vực cho ông được sống, ông đã thẳng thừng từ khước: Tôi vô vàn hàm ơn quí vị đã tận tụy vì tôi, nhưng tôi còn có bổn phận lớn hơn là tùng phục Thượng Đế.

[51] Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán lý tính thực hành, op. cit., A155, 159. Để đồng bộ, người viết đã thay thế từ nghĩa vụ mà dịch giả Bùi Văn Nam Sơn dùng thành từ bổn phận.

 

Nguồn tin:
Tags :