Chữ Tâm Trong Chữ Hiếu

Thu,04/06/2020
Lượt xem: 2277

Xin tóm tắt một vài dòng giới thiệu chữ tâm trong chữ hiếu được nhìn từ nhiều lăng kính : Thánh Kinh, Hiếu Kinh, Phật Giáo, và trong dân gian.

 

1. Chữ tâm trong Thánh Kinh.

 

Chữ Tâm trong Thánh Kinh, bắt nguồn từ "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Ga 4, 8), vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đến nỗi phó nộp Con Một của Người cho thế gian.

 

"Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta." (Rm 5, 8). Bởi đó, có lệnh truyền "chúng ta hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em" (Ga 15,17). Chữ tâm được biểu lộ cách trọn vẹn nhất là " Chết cho người mình yêu", một chữ tâm đi cho đến tận cùng khả năng của con người, "hết lòng, hết sức, hết cả trí khôn", người Kitô hữu hoàn tất cuộc đời mình trong chữ tâm.

Chữ tâm trong chữ Hiếu ở mười điều răn, được nhấn mạnh trong điều răn thứ tư mở đầu phần hai của Thập Giới, ấn định trật tự của đức ái. Thiên Chúa muốn rằng sau Người chúng ta phải tôn kính cha mẹ, vì đã sinh thành dưỡng dục, và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa. "Hãy trọng kính cha mẹ ngươi, để được sống lâu bền trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi" (Xh 20,12). Thảo Kính cha mẹ, là tương quan phổ quát nhất, nền tảng nhất cho các tương quan khác : Trò đối với thầy, thợ đối với chủ, công dân đối với tổ quốc,...và ngược lại "thảo kính cha mẹ" cũng hiểu ngầm và bao hàm việc cha mẹ có bổn phận với con cái, chủ đối với thợ, thầy đối với trò, người cầm quyền đối với dân...người sống theo đạo hiếu này thì được những phần thưởng thiêng liêng, và những phần thưởng khác của trần thế là an bình và thịnh vượng.

 

2. Chữ tâm trong Hiếu Kinh.

 

Chữ tâm trong học thuyết của Khổng Tử, luôn thiên về thực tiễn và lấy đạo nhân làm chủ yếu. Nhân là lòng yêu thương rộng khắp bao trùm cả con người và vạn vật. Người có đạo nhân là người mang trong mình dòng máu yêu thương, lấy yêu thương để hoàn tất mọi sự trong đời. Khổng Tử chỉ rõ, chữ Tâm bắt nguồn từ bản thân đến gia đình, theo lẽ thường, cha mẹ, anh chị em, là người thân thiết nhất, ta phải kính yêu, rồi đối với người ngoài mới có lòng dung thứ và từ ái được. Do đó, vấn đề hiếu đễ, lễ nhạc, có vai trò rất quan trọng trong Nho Giáo, đức Khổng Tử giảng dạy rất kỹ cho thầy Tăng Sâm, phần này sau thành sách Hiếu Kinh, đời Hán nó được liệt vào quyển kinh thứ bảy, sau Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu.

 

Hiếu được đặt thành Kinh, cho thấy tầm quan trọng của chữ Hiếu, và trong chữ Hiếu chữ Tâm là quan trọng " Tận tâm kính dường phụ mẫu". Từ việc tận tâm với cha mẹ, người con cũng tận tâm với mọi người "Yêu cha mẹ, ghét người chẳng dám: kính song đường, chẳng dám khinh người". Người yêu kính cha mẹ mình thì thấy cha mẹ người hoặc người già như cha mẹ mình, thì đều yêu kính. Khổng Tử dạy rằng: "Dạy dân thân yêu, chẳng gì hay bằng hiếu; dạy dân lễ nhượng, chẳng gì hay bằng đễ; dời thói đổi tục, chẳng gì hay bằng nhạc; an trên trị dân, chẳng gì hay bằng lễ; lễ đó, kính mà thôi vậy. Cho nên kính của mình cha, thì con đẹp lòng; kính của mình vua, thì bầy tôi đẹp lòng; kính của mình anh, thì em được đẹp lòng; kính một người, mà muôn người được đẹp lòng; phần kính đó là ít, phần đẹp lòng đó nhiều. Ðó là cái gọi là cốt yếu đạo vậy." (Chương 12, sách Hiếu Kinh).

 

3. Chữ tâm trong Phật Giáo.

 

Thường trong kinh nói hiếu là mẹ tất cả các công đức, hiếu là gốc của hạnh. Nói đến hạnh là nói đến hạnh của Phật, nói đến đạo hiếu là nói đến đạo của Phật.

 

Hiếu và Hạnh, đều có tâm làm trọng yếu. Trong nhà Phật thường dạy: Tâm thành thì việc tốt. Tâm thành, dù một việc hết sức bình thường mà tác dụng, kết quả rất to lớn. Cho nên nói tới đạo Phật là nói đến tâm. Việc làm của người con Phật là căn cứ từ nơi tâm. Mọi sinh hoạt của ta phải xuất phát từ tâm chân thành. Lượng bao nhiêu cũng tốt nhưng phẩm chất mới có giá trị.

 

Nói tới tâm thì ai cũng có tâm. Là người mang trong mình dòng máu đỏ, ai cũng từ cha mẹ sinh ra, có sự sống. Chúng ta có ca tụng cha mẹ sinh ra ta với bao nhiêu nhọc nhằn năm tháng nuôi nấng. Có kể hết một đời cũng chưa xong, nhưng theo đó mà trôi tròn hiếu đạo. Việc làm con, chữ hiếu luôn lấy làm trọng thì thân mới vinh.

 

Chuyện kể rằng: một tu sỹ nọ, muốn lên Tây phương để tìm gặp Phật Tổ. Nhiều người biết được, nên gửi gắm ước nguyện và phẩm vật của họ cho vị tu sỹ, mong sao khi vị tu sỹ, gặp được đức Phật, thì dâng các lễ vật để cúng dường. Nhưng đường dài, n hiều gian khó, năm lụn tháng chầy vị tu sỹ này quá mệt mỏi, do đó ông quên và bỏ đ i hết những gì bạn hữu gửi gắm. Cuối cùng ông cũng đến được Tây Phương, nhưng khi tới nơi ông mới vỡ lẽ tất cả những gì ông đã vứt bỏ, đều đang ở bên Ðức Phật, lòng thành của mỗi người đã làm cho lễ vật của họ đến với Ðức Phật. Còn vị tu sỹ, phải lãnh nhận quả báo, trở về, lặn ngụp trong bùn nhơ, để mà mò tìm những gì mà ông đã vứt bỏ. Cho nên, nói được thì phải làm được. Có tâm thành thì mới có sự hoàn tất tròn đầy.

 

Dù cho phẩm vật dâng cho cha mẹ khiêm tốn, giản dị, bình thường với tấm lòng tâm thành, cũng được kể là trọng. Thế nên, Tăng sâm có nói: "Hạnh hiếu đứng đầu trăm hạnh tốt. Hiếu cảm đến trời thì mưa gió hoà thuận, hiếu cảm đến đất thì muôn vật hoá sinh, hiếu cảm đến người thì mọi phúc đều đến". Người cảm được như vậy, nói được và làm được như vậy, chính là người đã làm tròn bổn phận hiếu hạnh của mình đối với cha mẹ. Chủ trương của đạo Phật là chính từ mỗi con người chúng ta phải hoàn bị, đầy đủ, thật trôi tròn nhiệm vụ và tư cách của mình. Bao giờ bổn phận của mình chu toàn thì chung quanh mình được ảnh hưởng. Tinh thần đó bắt nguồn từ tâm thành của mỗi người chúng ta.

 

4. Chữ tâm trong dân gian.

 

Nền luân lý bình dân không có tính cách cao siêu, dạy cho ta một quan niệm xử thế tuyệt đích hay một tôn chỉ thoát tục. Mặc dầu, đối với bản thân, nền luân lý ấy khuyên ta có một tư cách cao thượng thanh khiết. "giấy rách phải giữ lấy lề" hoặc " đói cho sạch rách cho thơm". Ðôi khi, ta thấy ảnh hưởng rõ rệt của Nho Giáo mà sự bành trướng vượt ra khỏi phạm vi giai cấp Nho sĩ để ảnh hưởng tới đại chúng bình dân. Ta không thể phủ nhận ảnh hưởng ấy được, vì ngày trước cũng đã có nhiều vị quan đem những điều mình biết về Nho Giáo, rồi đem ra dạy cho dân, và trong dân cũng có nhiều người tài giỏi sống đời ẩn dật mà giúp đỡ dân học cái đạo lý làm người qua các sách Thánh hiền. Sự lớn rộng của Nho phong ấy đi vào từng nếp sống gia đình, cái đạo lý ấy làm cho gia đình có một nề nếp, có một bầu khí kính trên nhường dưới, có tôn ti trật tự gắn bó yêu thương.

 

Nói thế, người Việt Nam không phải là không có nền luân lý riêng, tuy nó không hệ thống như Nho Giáo, nhưng nó bàng bạc khắp nơi, qua những ca dao bình dân, nền luân lý ấy, đôi khi thật đơn giản, bình thường. Người Việt Nam không nhắm tới việc sống như một ông Thánh mà cốt sao tìm được sự hoà thuận trong gia đình: "Thuận Vợ Thuận chồng, tát bể đông cũng cạn." Hoặc dạy bổn phận làm con, biết ơn cha mẹ : "Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Ðơn giản mà dễ hiểu: "anh em thương nhau như thể tay chân", hoà hảo là hơn hết đối với xã hội: "Một sự nhịn, chín sự lành". Lấy lòng nhân quan trọng hơn hết :"Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Sống với nhau cần có một tấm lòng, cái lòng của một luỹ tre xanh mộc mạc, chất phác mà bao công dụng, để rồi đi đâu, cũng nhớ cũng thương tới những luỹ tre xanh ấy.

 

Xét qua vài góc nhìn về chữ tâm trong chữ hiếu, chúng ta có thể nhận ra rằng, trước khi Kitô Giáo được gieo vào lòng quê Việt Nam, thì từ ngàn đời, Thánh Thần đã chuẩn bị trong tâm hồn người Việt một mảnh đất tốt, để sẵn sàng đón nhận hạt giống Tin Mừng.

 

Lm. Đôminicô Bùi Minh Sơn

Nguồn tin: Giáo phận Thanh Hoá