Con Người Thực Sự Có Tự Do Hay Không?

Tue,16/03/2021
Lượt xem: 2915

 Trong cuộc sống thường ngày, có vẻ như ai cũng cho rằng mình có tự do trong mọi suy nghĩ và hành động, nhưng thực sự, con người có được tự do đó không? Hay đó chỉ là ảo giác do con người tự tạo để che dấu một sự áp đặt nào đó mà con người không biết hoặc không muốn chấp nhận? Trải dài theo dòng lịch sử suy tư triết học, đã không ít các triết gia đầy ưu tư về vấn đề này nhưng với những lập trường khác nhau; chẳng hạn như các triết gia: Augustine, Rousseau, Kierkegaard và Sartre, họ cho rằng con người có “ý chí tự do” (Free Will). Trong khi đó các triết gia khác như: Hobbes, Schopenhauer, Marx, Freud, Dennett and Churchland, lại phản đối; họ cho rằng mỗi người đều bị “định mệnh” (Determinism) chi phối, mọi sự đã được quyết định trước rồi, không hề có cái gọi là ý chí tự do[1]. Trong bài viết này, chủ đích của tôi không phải là đi tìm câu trả lời cho vấn đề nan giải trên, cũng không nhằm thu thập tư tưởng của các triết gia như một bộ sưu tập về cái gọi là “ý chí tự do” hay “định mệnh” của con người, nhưng điều tôi nhắm đến là những suy tư dung hòa, giúp con người làm sao có thể sống trong một cảnh huống mà ý nghĩ về “ý chí tự do” và “định mệnh” đều đồng tồn tại. Với đích nhắm ấy, bài viết của tôi chỉ hướng đến những ai đầy ưu tư về thân phận con người trong viễn cảnh giằng co giữa cái gọi là “ý chí tự do” và cái gọi là “định mệnh” – đã được quyết định rồi.

Vậy “ý chí tự do” là gì? Tôi không đề cập về nó như một định nghĩa, nhưng thay vào đó, tôi trưng dẫn hai lập luận mà những người theo trường phái tự do (Libertarianism) đưa ra để minh chứng cho sự tự do của con người; đó là: sự suy nghĩ thận trọng (Deliberation) và trách nhiệm luân lý (Moral Responsibility). Trong cái gọi là suy nghĩ thận trọng, con người có hai khả thể chọn lựa: làm hoặc không làm[2]. Đó là một quá trình suy tư có chủ đích về hành động hoặc tư tưởng mà con người chọn. Ví dụ như việc hút thuốc lá: một người cầm điếu thuốc trên tay như một phản xạ, hẳn người đó không hề có cái gọi là suy nghĩ thận trọng, nhưng đối với những người đang muốn bỏ thuốc, chắc hẳn khi cầm điếu thuốc trên tay, họ có hai khả thể chọn lựa: hoặc tiếp tục hút, hoặc bỏ điếu thuốc xuống và không hút nữa. Trong quá trình suy tư đó, con người như thể là một chủ thể tác nhân, con người có tự do chọn làm hoặc không làm. Mọi hành động và suy nghĩ của con người đều do chính con người thực hiện và chịu trách nhiệm. Khi đó, con người mang lấy trách nhiệm luân lý về lời nói và việc làm của mình. Thật khó có thể tưởng tượng về một xã hội mà trong đó, tất cả mọi người đều không chịu trách nhiệm về việc mình nói và làm. Tôi lấy một ví dụ khác để minh họa cho chủ thể tác nhân tự do: nếu tôi đưa tay lên, đó không chỉ là việc cánh tay của tôi được đưa lên nhưng mà là chính tôi đưa cánh tay tôi lên. Chính tôi là người gây ra việc đó. Trong nhãn quan ấy, tôi trở thành “chúa” theo một nghĩa nào đó[3]. Nhưng tôi (self) là gì? Đó là một mầu nhiệm không thể lý giải[4]. Tóm lại, con người đành phải chấp nhận sự tự do, và con người có tự do trong suy nghĩ và hành động, với tự do ấy, con người mới có cái gọi là trách nhiệm luân lý. Trách nhiệm này được quy về cho chủ thể tác nhân: cái tôi (self). Nhưng cái tôi lại mở ra một vấn nạn về chính nó. Cái tôi như thể là một khái niệm mơ hồ, con người dường như chẳng biết gì về nó ngoài thuật ngữ cái tôi (self).

Còn “định mệnh” là gì – điều đã được quyết định trước rồi? Cũng theo cách lý giải trên, tôi không đi vào định nghĩa. Tôi chọn luận cứ của những người theo thuyết quyết định (Determinism) với luận đề về tương quan nhân quả (Causal Thesis).

Nếu tôi có khả năng lý luận chính xác, và nếu, cùng một lúc, tôi có đầy đủ kiến thức về khuynh hướng của con người cùng tất cả những sự kiện vây quanh con người, tôi có thể thấy trước kết quả theo dòng chảy của những sự kiện mà con người có thể thích ứng[5].

Thật khó có thể từ chối về mối tương quan nhân quả này, nhưng thực sự con người có thể tiên đoán mọi biến cố tương lai xảy ra trong vũ trụ này không nếu nhìn dưới lăng kính của Buckle? Điều đó có thể. Nhưng còn về những hành động và suy nghĩ của con người thì sao? Phải chăng cũng tuân theo cùng một quy luật như vậy? Có lẽ là vậy. Con người dường như hoàn toàn bị bao phủ bởi quy luật nhân quả. Để rõ hơn về điểm này, tôi xin dùng lại ví dụ về việc hút thuốc được nêu dẫn ở trên để minh họa. Nếu người muốn bỏ thuốc ở trên nói quá trình suy nghĩ thận trong là “ý chí tự do”, thì với lập trường “định mệnh”, họ cho rằng người đó không hề có tự do, người hút thuốc bị chi phối bởi những ước muốn (Desires), mặc dù con người có quá trình suy tư, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là nghiêng chiều theo ước muốn mãnh liệt nhất. Chính ước muốn điều khiển con người như một quy luật nhân quả[6]. Còn cái gọi là chủ thể tác nhân tự do, thực sự đó chỉ là ảo giác của tâm lý. Theo Freud, con người hành động như thể bị sự thúc đẩy của vô thức (Subconscious motive).[7] Nhưng nếu mọi kết quả đều quy về cho nguyên nhân mà không có gì liên hệ đến chủ thể thì lấy đâu ra điểm tựa để phán xét đúng sai. Mọi hành động và lời nói của con người như thể là một kết quả tất yếu của một quy luật nhân quả nào đó và trách nhiệm luân lý cũng ngầm hiểu là phải biến mất. Như vậy, chẳng khác gì con người đã tự giết mình trong một xã hội vô luân.

Lướt qua hai dòng trào lưu của tư tưởng về “ý chí tự do” và “định mệnh”, cả hai tư tưởng trên đều có những điểm mạnh và điểm yếu. Nếu con người chỉ dựa vào một lập trường để sống thì cuộc sống của con người sẽ trở nên què quặt. Ví dụ: nếu chỉ dựa vào tư tưởng “ý chí tự do” thì vô tình con người đã tự thần thánh hóa chính mình, tự tách mình ra khỏi nguồn cội và xóa nhòa dòng chảy lịch sử đời mình nơi mà quy luật nhân quả xuất hiện như một sâu chuỗi; nó kết nối các biến cố trong cuộc sống thường ngày của con người. Còn nếu chỉ dựa vào tư tưởng “định mệnh”, thì con người lại biến mình thành những cỗ máy, hay đúng hơn là những sinh vật chỉ biết sống theo sự thúc đẩy của bản năng, theo một quy luật khách quan nào đó. Cuộc sống của con người khi đó sẽ vắng bóng sự vươn lên, vắng bóng những khát vọng và ước mơ; đánh mất đi cái thánh thiêng huyền nhiệm, cái mà con người vẫn khắc khoải kiếm tìm để lý giải, nhưng mãi mãi không thể đạt đến. Do vậy, cả hai trường phái tư tưởng trên không thể tồn tại độc lập riêng mình. Nhưng như vậy, phải chăng đó cũng là định mệnh khi mà chúng phải đồng tồn tại với nhau trong cuộc sống của con người? Đó không phải là định mệnh cho bằng là thực tế của cuộc sống, thực tế về hai mặt của một thực tại, một sự giằng co nhưng không loại trừ. Chúng chỉ là sự khác biệt trong khía cạnh bổ túc cho nhau. Tại sao tôi lại nói như vậy? Vì trong kinh nghiệm sống thường nhật của mỗi người, dù muốn dù không, con người đều sống trong sự tương hổ của hai khía cạnh ấy.

Trở lại phần mở đề như tôi đã đề cập: điểm nhắm đến của tôi là những suy tư dung hòa, giúp con người làm sao có thể sống trong một cảnh huống mà ý nghĩ về “ý chí tự do” và “định mệnh” đều đồng tồn tại. Nhưng để có thể có những suy tư dung hòa ấy, ắt hẳn phải có được sự hiểu biết phần nào về hai luồng tư tưởng trên trong cái nhìn tách biệt. Do vậy mà tôi đã bỏ công lý giải, mặc dù chỉ là những suy nghĩ vụn vặt, nhưng tôi thiết nghĩ: chúng cũng vén mở phần nào về lối đi của hai dòng tư tưởng. Lối đi ấy không phải là hai đường thẳng song song mà chính là hai đường soắn đan quyện vào nhau, giống như mô hình cấu trúc phân tử ADN của con người. Nếu con người suy tư theo dòng tư tưởng đan quyện này, con người đã bước chân vào dòng chảy của những suy tư dung hòa, còn dung hòa nó như thế nào trong cuộc sống thường ngày, đó không phải là vấn đề của tôi nữa mà là vấn đề của mỗi người. Tại sao vậy? Vì nếu tôi nói về một sự dung hòa tổng quát, chẳng khác nào tôi đang cố gắng cào bằng mọi người về một con người phổ quát, và thực tế trong cuộc sống không hề có con người như vậy. Đó chỉ là con người của khái niệm. Những suy tư về con người của khái niệm cũng mãi chỉ là khái niệm thôi. Cũng vì lý do, mỗi người đều là một con người cụ thể với những khác biệt về quá khứ, hiện tại, khắc khoải, ước mơ, dân tộc và văn hóa. Do vậy, việc sống hòa hợp là tùy thuộc vào mỗi người nếu mỗi người thực sự đầy ưu tư về cuộc sống của riêng mình. Tóm lại, con người có “ý chí tự do” nhưng trộn lẫn trong dòng chảy của “định mệnh”.

Tôma Phạm Ngô Hoàng Dũng

Học Viên Triết II

Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên

[1] Louis P. Pojman, Who Are We? Theories of Human Nature, Oxford University Press, 2006, tr. 250.

[2] Sđd, tr. 252.

[3] Sđd, tr. 254.

[4] Sđd, tr. 255.

[5] “If I were capable of correct reasoning, and if, at the same time, I had a complete knowledge both of his disposition and of all the events by which he was surrounded, I should be able to foresee the line of conduct which, in consequence of those events, he would adopt.” (H. T. Buckle, History of Civilization in England, 1857); Sđd, tr. 250.

[6] Sđd, tr. 252 – 253.

[7] Sđd, tr. 255.

Nguồn tin: https://dongten.net/
Tags :