JACQUES MARITAIN: TRIỂN KHAI HỌC THUYẾT NHÂN BẢN KITÔ GIÁO[1]
Tuấn Việt dịch
Mục lục |
Phải thừa nhận rằng: nhìn chung giới trẻ ngày nay, những nạn nhân của sự tiến bộ nhanh chóng phi nhân bản, dường như đang chán nản về sự chuẩn bị lâu dài mà lý trí đòi hỏi. Tuy nhiên, việc dẹp bỏ lý trí sẽ phải trả giá rất đắt. Sự thống lĩnh của tình cảm không bảo đảm cho một ước muốn về chân lý tuyệt đối, hay một cuộc cải cách Kitô giáo không chú ý đến sự khôn ngoan và thần học, sẽ là tự sát trong sự ngụy trang của tình yêu. Nhiều người trong thời đại ngày nay đang di chuyển như một bầy đàn theo những kẻ ngu muội hạ giá lý trí. (Nghệ thuật và Trường phái Kinh viện)
Bất cứ nghệ thuật nào – cho dù của Anh, Hy Lạp, Trung Quốc – cũng có một mức độ nào đó về sự trang nghiêm và thuần khiết, đó thực sự là Kitô giáo, Kitô giáo trong hy vọng, bởi vì mỗi ánh sáng rực rỡ của tinh thần là một hứa hẹn và một biểu tượng của những sự hòa hợp thần thiêng với Tin Mừng (Nghệ thuật và Trường phái Kinh viện)
Liên quan đến những nhiệm vụ chung phải được thực hiện, dưới khía cạnh vật chất, chúng ta phải nói về một nền văn minh Kitô giáo không còn ngây thơ nữa, mục đích chung của nhân loại không còn xuất hiện như là một công việc của Thiên Chúa phải được con người thực hiện trong trần gian, nhưng đúng hơn, đó là công việc của con người phải được thực hiện trong trần gian và đặt vào đó một điều gì thần thiêng - cụ thể đó là tình yêu - vào trong các phương tiện của con người và vào trong chính công việc của con người. (Học thuyết nhân bản toàn diện)
Nền văn minh hiện đại là một tấm áo đã mòn sờn. Người ta không thể dệt vào những sợi chỉ mới. Có thể nói được rằng, nó đòi hỏi một tổng thể, một sự biến đổi giá trị của các nguyên lý về văn hóa: cần phải cho ra đời nguyên tắc chất lượng hơn số lượng, công việc hơn tiền bạc, con người hơn công nghệ, khôn ngoan hơn khoa học, việc phục vụ chung đối với các nhân vị hơn những khao khát cá nhân về việc làm giàu cách vô giới hạn của lòng tham lam quyền lực vô hạn của giới chính quyền… (Học thuyết nhân bản toàn diện)
* * *
Đối với nhiều người, thuật ngữ “học thuyết nhân bản” (humanism) dường như mang ẩn ý chống lại tôn giáo. Những người theo nhân bản thuyết vô thần thường lên án tôn giáo như là một rào cản cho sự phát triển con người toàn diện, bởi vì tôn giáo làm cho các tín hữu lệ thuộc vào các cơ cấu độc tài và không cho họ điều khiển cuộc đời mình theo lý trí.
Ngược lại, các Kitô hữu thường kết án các nhân bản thuyết với dáng vẻ thế tục của nó, như là một thứ lạc giáo phủ nhận vai trò đích thực của Thiên Chúa trong cuộc sống con người.
Kết quả dây chuyền của sự mâu thuẫn này giữa nhân bản thuyết với tôn giáo đó là: các nhiệm vụ quan trọng của việc phát triển con người, sự phong phú về mặt văn hóa và tiến bộ xã hội được trao cho những người không phải là tín hữu. Trong bối cảnh đó, các Kitô hữu với một hiểu biết sâu rộng về tôn giáo của họ bị đặt vào thế phòng thủ, luôn luôn buộc phải đưa ra lời giải thích rằng họ rất quan tâm tới sự phát triển và tiến bộ. Hơn nữa, khi các Kitô hữu vắng bóng trong các dự phóng thăng tiến đời sống con người, thì công ích bị xâm phạm, và nhân bản thuyết thế tục bị mất đi một bên đối thoại quan trọng.
Một cách vượt ra khỏi sự mâu thuẫn bên ngoài giữa nhân bản thuyết và tôn giáo đó là triển khai một nhân bản thuyết Kitô giáo hiệu quả và có sức thu hút, điều đó quảng bá các mục tiêu nhân bản truyền thống trong lãnh vực đức tin. Chúng tôi sẽ trình bày những gợi hứng mạnh mẽ và sáng chói từ cuộc đời và tư tưởng của triết gia Kitô giáo Jacques Maritain (1882-1973), một nhân vật rất nổi tiếng. Hầu hết bạn bè và đồng nghiệp của ông đều đồng ý rằng họ có ấn tượng về bản tính liêm chính và đời sống thánh thiện hơn là những tư tưởng sâu sắc đầy thuyết phục của ông. Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh cách mà Maritain đã sống thuyết nhân bản Kitô giáo với những gì ông viết một cách sâu sắc và uyên bác.
Sinh tại Paris vào ngày 18 tháng 11 năm 1882, Jacques chịu ảnh hưởng từ sự giáo dục của người mẹ có tư tưởng phóng khoáng, bà đã giúp ông phát triển một tình yêu dành cho việc học hành và đánh giá cao về đời sống tri thức. Mặc dù được rửa tội bởi một mục sư Cải Cách và lớn lên trong bầu khí chung của thuyết cải cách tự do (liberal Protestantism), nhưng ông không phát triển bất cứ niềm xác tín tôn giáo nghiêm túc nào. Khi ở tuổi thiếu niên, Jacques trải qua một cơn lo buồn và sự thất vọng khi ông thất bại trong cuộc đương đầu với những vấn đề to lớn về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời. Sự thất vọng về mặt tri thức càng gia tăng khi ông đi đến Sorbonne để tiếp tục học. Đại học Paris thời đó chịu sự thống trị bởi chủ nghĩa khoa học (scientism), một quan niệm được khai sinh vào đầu thế kỉ bởi August Comte, quan niệm ấy cho rằng khoa học nên thay thế tôn giáo như là một thế giới quan toàn diện hơn. Phương pháp tiếp cận hạn chế này đối với các câu hỏi sâu xa nhất của đời sống hoàn toàn không làm thỏa mãn lòng đam mê truy tìm chân lý của người thanh niên này.
Vào giữa cuộc truy tìm, Jacques gặp một người con gái mà sau này đã trở thành vợ của ông, Raissa Oumensoff, một người Nga nhập cư rất thông minh đầy khéo léo và tài năng, cô đã có chung niềm đam mê tìm kiếm lời giải đáp cho những vấn đề to lớn của cuộc đời. Họ cùng nhau đọc thơ và thảo luận triết học, và dần dần họ chuyển sang chủ nghĩa hoài nghi (scepticism). Chán nản, buồn phiền vì những nghi ngờ về mặt tri thức của mình, họ nghĩ đến cái chết, và họ tự đặt ra cho mình thời hạn một năm để “tìm kiếm ý nghĩa của hạn từ chân lý”. Thật may mắn, họ đã tìm ra một ý nghĩa nào đó về sự tuyệt đối trong triết học giàu sức sống của Henri Bergson, họ đã tham dự tất cả các bài giảng của Bergson tại Collège de France.
Phản ứng chống lại chủ nghĩa khoa học đang thống lĩnh lúc bấy giờ, Bergson đã nhấn mạnh rằng chúng ta có thể đạt tới một tri thức đích thực về thế giới đang phát triển này, không chỉ thông qua lý trí nhưng còn thông qua trực giác (intuition), điều này thiết lập nên một “thông truyền đầy cảm thông” (sypathetic communication) với thực tại sống động. Tư tưởng triết học của Bergson không chỉ đem lại cho đôi bạn trẻ niềm hy vọng trong việc tìm kiếm của lý trí nhưng còn cung cấp cho Jacques một khái niệm chìa khóa về “trực giác”, điều này vẫn luôn là yếu tố quan trọng trong tư tưởng hoàn chỉnh sau này của ông. Tuy nhiên, triết học của Bergson xét như một tổng thể không làm thỏa mãn sự khao khát của chàng trai trẻ Maritain về một hệ thống toàn diện.
Khoảng một thập niên sau, một lần nữa, với sự giúp đỡ của Raissa, ông đã tìm thấy một tổng hợp thỏa mãn hơn trong tư tưởng của thánh Thomas Aquinas, một thần học gia, triết gia lỗi lạc thời Trung cổ, người đã đưa triết học Aristotle vào môi trường Kitô giáo. Với niềm tin tưởng rằng Thomas Aquinas đã trình bày cho chúng ta một triết học có giá trị lâu dài chứa đựng chân lý thiết yếu, Maritain trở thành người lãnh đạo của phong trào mà chúng ta biết đến qua tên gọi Trường phái tân Thomas (neo-Thomism).
Trong toàn bộ cuộc đời, ông đã làm việc không ngừng nghỉ để đem học thuyết thánh Thomas ra thảo luận với thế giới hiện đại, sử dụng khung làm việc được thánh Thomas xây dựng để trả lời một cách bao quát hết các vấn đề hiện đại. Trong quá trình làm việc, ông tiếp tục thanh lọc cách hiểu của chính ông về “chủ nghĩa duy thực thánh Thomas” (Thomistic realism), chủ nghĩa này khẳng định khả năng của chúng ta có thể hiểu biết về thế giới thực sự thông qua khả năng của lý trí bằng việc trừu xuất từ dữ liệu của giác quan và đưa ra những phán quyết về thực tại. Trong luận văn thạc sĩ của ông về đề tài này, với tựa đề “Các mức độ của tri thức” (Degrees of Knowledge), Maritain phân biệt ba loại tri thức: khoa học, phát xuất từ quan sát thực nghiệm nhằm lĩnh hội các sự vật; siêu hình, phát xuất từ suy tư loại suy và mở ra thế giới của sự hiện hữu và sự tối hậu, và siêu lý (supra-rational) xuất hiện trong kinh nghiệm thần bí, nó vượt ra ngoài khả năng lý trí của con người và dẫn đến Thiên Chúa. Việc phân tích mang tính triết học này cho phép Maritain vượt qua chủ nghĩa hoài nghi lẫn chủ nghĩa khoa học, cung cấp nền tảng cho những cuộc chiến đấu lâu dài chống lại các loại chủ nghĩa bài trí năng (anti-intellectualism).
Một nhân bản thuyết theo khuôn mẫu của Maritain sẽ là sự đam mê chân lý. Lý trí là bạn đồng minh lớn trong việc truy tìm này, điều đó cho phép chúng ta vượt qua chủ nghĩa hoài nghi trong khi vẫn chống lại cám dỗ đưa ra những câu trả lời quá dễ dàng. Chủ nghĩa bài trí năng tồn tại trong thế giới thế tục lẫn thế giới tôn giáo phải bị lột trần mặt nạ như là một sự thoái thác trách nhiệm sử dụng trí năng để phục vụ cho sự phát triển của con người. Mặt khác, lý trí và phân tích logic không phải là những phương tiện duy nhất để đạt tới chân lý, khoa học cũng không cung cấp một thế giới quan đầy đủ. Khả năng của trí năng chúng ta vượt quá những gì lý trí có thể đạt tới. Triết học giải quyết các vấn đề vượt qua phạm vi của khoa học. Một nhân bản thuyết đích thực đổ đầy hiểu biết của nó về chân lý với tất cả nguồn có sẵn, bao gồm tri thức được đạt tới nhờ suy tư triết học cũng như sự khôn ngoan phát xuất từ kinh nghiệm tôn giáo. Một nhân bản thuyết đương đại biết học từ tinh thần cởi mở của Maritain, hơn đơn thuần lặp lại những kết luận hạn chế của ông, sẽ nhận ra những con đường triết học đa dạng dẫn đến chân lý và không chỉ một con đường do Maritain vạch ra.
Câu chuyện cuộc đời của Maritain bao gồm một hành trình theo đuổi một thế giới quan tôn giáo như là chân lý triết học. Ngay sau khi kết hôn vào năm 1904, Jacques và Raissa gặp gỡ tiểu thuyết gia Leon Bloy, một người Công giáo sốt sắng, là người đã giới thiệu cho họ về các tác phẩm của các nhà thần bí và các thánh. Bloy dần dần làm thấm nhuần trong họ niềm xác tín sâu sắc rằng nếu có nỗi buồn thực sự trong đời sống thì không phải là một vị thánh.
Được gợi hứng mạnh mẽ bởi Đạo Công giáo qua những gì Bloy cung cấp với một nhân sinh quan đầy đủ và rõ ràng, đôi vợ chồng trẻ này tham gia lớp dự tòng Công giáo, và đã được Rửa tội gia nhập Công giáo vào tháng 6 năm 1906. Đạo Công giáo trở thành một lối sống trọn vẹn của họ, cũng như là lối sống trọn vẹn của Bloy bạn của họ. Họ tham dự Thánh Lễ hàng ngày, nghiên cứu các giáo thuyết của giáo hội, đọc kinh Mân Côi, và thực hành giáo huấn của giáo hội về bác ái và công bằng. Jacques cột chặt căn tính của mình với sự trở lại Công giáo, ông tự mô tả về chính mình như là “người trở lại, một con người Chúa đã lộn mặt trong ra bên ngoài như một chiếc găng tay” (turned inside out like a glove). Đối với ông, Đạo Công giáo cung cấp một thế giới quan bao quát toàn bộ và một hệ thống giá trị toàn diện giúp hướng dẫn và tiếp thêm sinh lực cho cuộc đời nghiên cứu và phục vụ.
Maritain bắt đầu sự nghiệp dạy học vào năm 1912, tại Collège Stanislas và hai năm sau ông được bổ nhiệm vào ghế giáo sư lịch sử triết học và lịch sử hiện đại tại Học viện Công giáo Paris, một vị trí mà ông nắm giữ cho đến năm 1939. Trong suốt những năm này, ông trở nên nổi tiếng như là người lãnh đạo của việc hồi sinh học thuyết thánh Thomas trong giới Công giáo. Theo yêu cầu của các giám mục Pháp, ông cho ra đời hai sách giáo khoa về triết học cho các sinh viên Công giáo. Đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng, Maritain đã giảng thuyết và viết rất nhiều bài báo, mà sau này được tổng hợp lại thành những cuốn sách. Vào năm 1936, ông cho xuất bản tác phẩm kinh điển của mình, Học thuyết nhân bản toàn diện (Bản tiếng Anh: Integral Humanism, Scribner, 1968). Tác phẩm này không chỉ vạch trần những sai lầm trong nhiều hình thức khác nhau của nhân bản thuyết vô thần và nhân bản thuyết bất khả tri, nhưng còn trình bày một quan điểm tích cực về một nhân bản thuyết Kitô giáo mới. Sự nổi tiếng của ông ngày càng lan rộng, do đó, ông đã có nhiều chuyến lưu giảng ở Hoa Kì và Canada.
Thêm vào đó, Jacques thanh lọc và truyền bá tư tưởng của mình thông qua các cuộc thảo luận đều đặn vào chiều Chúa Nhật do ông và Raissa tổ chức tại nhà riêng của họ trong suốt những năm làm giáo sư tại Học viện Công giáo Paris. Những cuộc quy tụ này dần dần phát triển thành nhóm nghiên cứu trường phái Thomas nổi tiếng, thường xuyên gây được sự chú ý của các nhà tri thức Công giáo hàng đầu ở Pháp và đôi khi còn có những cuộc thăm viếng của các học giả nước ngoài. Gần như một cách đều đặn, Jacques bắt đầu các buổi hội thảo này với một phần trình bày chính thức về một khía cạnh nào đó trong tư tưởng thánh Thomas, sau đó, phần trình bày này sẽ được sử dụng làm nền tảng cho những thảo luận thoải mái hơn. Đôi khi nhóm quyết định về một buổi thảo luận để đưa ra những tuyên bố về các vấn đề công lý và hòa bình.
Trong suốt thời gian này, Maritain đặc biệt quan tâm đến thế giới nghệ thuật. Nhiều mối quan tâm phát triển trong thời gian quen biết Raissa, cô là một nhà thơ đầy tài năng với những cảm quan nghệ thuật tuyệt vời. Cùng với nhau, họ đã hình thành nên một tình bạn lâu bền với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, bao gồm họa sĩ Georges Rounault, nhạc sĩ Igor Stravinsky, và nhà thơ Paul Claudel.
Rút ra từ những mối liên hệ và kinh nghiệm này, Jacques đã viết một số cuốn sách liên quan đến khía cạnh triết lý của nghệ thuật bao gồm tác phẩm gây ảnh hưởng rất lớn Nghệ thuật và trường phái Kinh viện xuất bản lần đầu tiên vào năm 1920, cũng như một công trình toàn diện, Trực quan sáng tạo trong nghệ thuật và thi phú.
Theo Maritain, nghệ thuật mở ra chiều kích siêu việt của đời sống con người. Nghệ thuật được theo đuổi vì nghệ thuật và có một giá trị tinh thần. Các nghệ sĩ cần phải làm im lặng các giác quan của họ và tập trung các năng lực tinh thần để các trực quan tiền ý thức của họ có thể được giải phóng vào trong hoạt động nghệ thuật. Nghệ thuật thẩm mĩ, được biết đến bằng trực giác và đem lại niềm thích thú, cho phép chúng ta “nhìn thoáng qua sự huy hoàng vượt ra khỏi trọng lực” và tin rằng thiên đường lạc mất mà chúng ta tìm kiếm cuối cùng cũng có thể đạt tới. Thiên Chúa là Nghệ Sĩ Tối Thượng, là nguồn của mọi vẻ đẹp mà sự rạng ngời của Ngài chiếu tỏa khắp thế giới thụ tạo. Nhờ vẻ đẹp ấy, cùng với khả năng nhìn sâu, các nghệ sĩ có thể trình bày “ánh rạng ngời thiêng liêng” để người khác có thể dễ dàng nhận ra được. Do đó, nhiệm vụ của nghệ sĩ là dẫn đưa mọi người đến với Thiên Chúa bằng cách chỉ ra cho thấy làm thế nào Thiên Chúa thể hiện qua những gì là khả giác. Nghệ thuật đích thực có khả năng tạo ra một hình thức suy tư không chỉ làm vui thích tinh thần, nhưng còn quảng bá các hành vi cao thượng và yêu thương.
Trong khi không nói riêng về nghệ thuật Công giáo, Maritain cũng tin rằng Đạo Công giáo sắp xếp toàn bộ đời sống hướng đến chân lý và vẻ đẹp thần thiêng, do đó, tạo ra một bầu khí lành mạnh cho sáng tạo nghệ thuật. Việc đánh giá cao nghệ thuật của Maritain, đặc biệt trong hội họa và thi phú, không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn ông nhưng còn cung cấp cho ông với một mô thức cụ thể về con đường tôn giáo và văn hóa có thể hình thành một tổng hợp có hiệu quả.
Phân tích của chúng ta về khía cạnh thứ hai trong cuộc đời và tư tưởng của Maritain gợi lên rằng nhân bản thuyết và tôn giáo không nhất thiết là đối nghịch nhau, nhưng có thể bổ sung cho nhau. Mục tiêu phát triển nhân vị của nhân bản thuyết và sự đề cao về mặt văn hóa có thể được theo đuổi trong bối cảnh của đức tin theo Thánh Kinh. Thiên Chúa của Thánh Kinh trao ban cho nhân loại trách nhiệm xây dựng cộng đoàn yêu thương và bảo đảm rằng nỗ lực này sẽ đạt tới sự hoàn thành mĩ mãn. Dấn thân theo Đức Kitô đòi hỏi các cá nhân phải phát triển những hồng ân Chúa ban để phục vụ công ích tốt hơn. Kitô giáo không hề ngăn cản sự phát triển của con người, nhưng đem lại một cái nhìn bao quát hơn và một bối cảnh của ý nghĩa trong đó sự phát triển nhân vị có thể được theo đuổi mà không hề rơi vào ích kỉ hay chán nản.
Ngoài ra, Kitô giáo làm phong phú toàn thể dự án nhân bản bằng cách cho thấy chiều kích siêu việt hiện diện trong toàn bộ đời sống con người. Nhân loại được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và do đó, quý giá hơn bất cứ điều gì trên trần gian. Trong việc cố gắng hoàn thiện chính mình, các cá nhân mở chính mình ra cho tinh thần thiêng liêng, nhờ đó chuẩn bị cho hạnh phúc tối hậu của họ khi họ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Khi các cá nhân tương tác một cách đầy thương yêu, họ đem đến trần gian “ngọn lửa của sự sống vĩnh cửu”. Các diễn tả về văn hóa phản ánh sự tự do của tinh thần con người hướng sự chú ý của chúng ta đến nguồn thánh thiêng với toàn bộ khả năng sáng tạo của con người. Mặc khải Thánh Kinh vạch trần sự hời hợt và hạn hẹp của những nhân bản thuyết quy ngã, bởi vì chúng thờ ơ đối với nguồn gốc và cùng đích tối hậu của đời sống. Hơn nữa, nhân bản thuyết Kitô giáo vượt xa các mục tiêu của nhân bản thuyết truyền thống, bởi vì nó nhận thấy tinh thần của Chúa Giêsu trong công việc và trong mọi nỗ lực hợp pháp để nâng cao giá trị đời sống con người.
Câu chuyện cá nhân của Maritain cũng có một chiều kích hay giai đoạn chính trị. Trong khoảng 15 năm, ông tham gia một phong trào cánh hữu chống dân chủ được biết đến dưới tên gọi “Action Francaise”. Khi tổ chức này bị đức giáo hoàng Piô XI kết án vào năm 1926, Maritain gắn kết với tổ chức này và với nhà lãnh đạo của nó là Charles Mourras. Hành động chậm trễ nhưng vẫn đầy can đảm này đã gây ra một sự tố cáo trả đũa đầy cay đắng của những người bạn cánh hữu của ông, kể cả tiểu thuyết gia Georges Bernanos.
Maritain trải qua một sự ăn năn sâu sắc và kiên trì về sự liên hệ không minh bạch của ông với phong trào chính trị, điều đó trái ngược với các khuynh hướng tự nhiên của ông. Một cách kiềm chế, ông xác định cần phải thanh luyện triết học chính trị của ông và đóng vai trò tích cực hơn và thận trọng hơn trong các vấn đề chính trị. Ví dụ, trong suốt thời gian diễn ra cuộc nội chiến Tây Ban Nha, ông từ chối tham gia vào phe của nhiều người bạn Công giáo của ông để chống lại tướng Franco, thay vào đó, ông tích cực tham gia vào việc hòa giải trong thời gian diễn ra cuộc chiến và thời gian hậu chiến.
Khi Đức chiếm đóng Pháp vào năm 1940, Maritain đang ở Bắc Mỹ trong một chuyến lưu giảng như thường lệ của ông. Ông và Raissa buộc phải ở lại Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh, họ cư ngụ tại Greenwich Village ở thành phố New York. Trong thời gian này, ông làm việc không biết mệt mỏi vì lợi ích của người Do Thái ở Âu Châu. Trong các tác phẩm của mình cũng như các buổi nói chuyện hàng tuần của ông trên đài truyền thanh được truyền tới Pháp, ông chống lại việc bài Do Thái dựa vào lý do tôn giáo, ông nhấn mạnh rằng người Do Thái không mắc tội tập thể trong cái chết của Chúa Kitô, và do đó, các Kitô hữu không được lên án họ về tội giết Chúa.
Chịu nhiều ảnh hưởng bởi mối quan hệ mật thiết của ông với người vợ gốc Do Thái, Jacques cho thấy sự hiểu biết và thông cảm đối với người Do Thái. Điều này đã khiến cho Reinhold Niebuhr – một thần học gia người Hoa Kỳ có ảnh hưởng lớn – phát biểu rằng không một thần học gia Kitô giáo nào nói một cách sâu sắc và hăng say về cảnh khốn khổ của người Do Thái cho bằng Maritain. Thậm chí một cách mạnh mẽ hùng hồn hơn, những lời nói và hành động của Maritain luôn đi đôi với nhau. Việc liên hệ lòng trắc ẩn với lý trí thực tiễn, ông sử dụng ảnh hưởng cá nhân và những tiếp xúc chính trị để giúp giải cứu những cá nhân sống dưới chế độ Phát xít. Những nỗ lực bền bĩ của ông vì lợi ích của người Do Thái được công chúng biết đến vào năm 1961 khi ông được trao tặng giải thưởng Edith Stein cao quý về việc thúc đẩy sự cộng tác giữa các Kitô hữu với người Do Thái.
Từ năm 1945 đến năm 1948, Maritain giữ chức vụ đại sứ của Pháp tại Vatican, một vị trí mà ông chấp nhận một cách bất đắc dĩ sau những thúc ép mạnh mẽ của tướng de Gaulle. Với tư cách là đại sứ, ông làm việc gần gũi với Tổng giám mục Roncalli, người đã từng giữ chức sứ thần tòa thánh tại Pháp, và sau này trở thành giáo hoàng Gioan XXIII. Ông cũng có được những ảnh hưởng đáng kể đối với Đức Ông Montini, giáo hoàng Phaolô VI tương lai, người đã đưa vào trong các thông điệp xã hội của mình một vài nguyên tắc nền tảng của Maritain.
Maritain còn tích cực tham gia phục vụ công ích không chỉ trong các vấn đề của giáo hội, nhưng còn trong các vấn đề dân sự, đặc biệt là trong những mối quan tâm của ông với Liên Hiệp Quốc. Vào năm 1947, ông được bầu làm chủ tịch hội nghị quốc tế lần thứ II của UNESCO và được vinh dự đọc diễn văn khai mạc. Trong đó, ông đã trình bày một vài chủ đề quan tâm của ông, ông nhấn mạnh rằng các dân tộc khác biệt nhau về văn hóa và truyền thống tâm linh vẫn có thể cùng nhau tham gia với nhau trong những mục đích chung, dựa trên nền tảng của sự tôn trọng nhân quyền. Thậm chí khi các cá nhân có những quan điểm khác nhau về bản chất và nguồn gốc của các quyền ấy, họ vẫn sống hòa hợp bằng việc chấp nhận một “đức tin dân sự” chung, tìm kiếm tôn trọng phẩm giá, tự do và bình đẳng của con người.
Dựa trên niềm xác tín này, Maritain đã làm việc cùng với những người khác để soạn thảo “Tuyên Ngôn Nhân Quyền Chung của Liên Hiệp Quốc” được các quốc gia thành viên nhất trí thông qua vào năm 1948. Đối với ông, việc thông qua bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền này có một ý nghĩa lịch sử quan trọng bởi vì nó đặt nền tảng cho việc thúc đẩy nền công lý và hòa bình mang tính toàn cầu. Maritain thực sự là một nhà hoạt động quốc tế về những vấn đề mang tính toàn cầu. Ông hiểu được nhu cầu về một chính quyền mang tính thế giới, nhưng ông cũng nhìn nhận sức mạnh rất lớn của chủ nghĩa quốc gia.
Trong nhiều cuốn sách, cụ thể là trong Trường phái Kinh viện và chính trị, và Con người và Chính quyền, Maritain đã triển khai quan niệm của ông về nhân quyền như là một nền tảng vững chắc cho nền triết học chính trị đương đại. Các quyền của con người không phải như những cá nhân tách biệt, nhưng là những ngôi vị tinh thần độc lập với các mục đích siêu việt. Như là các loài thụ tạo mang tính xã hội, các ngôi vị cần được lớn lên trong xã hội và môi trường chính trị. Các quyền của họ được bảo vệ cách tốt nhất bởi một chính quyền, nhằm đáp ứng các mối quan tâm của toàn xã hội một cách đa dạng và rộng lớn hơn. Luật lệ và chính quyền là cần thiết nhưng chúng nên đóng vai trò như một đường lối sư phạm của tự do. Với những kinh nghiệm rất tích cực khi sống tại Hoa Kì, Maritain nhận thấy giá trị của các hình thức chính quyền dân chủ, chúng cho phép công dân tham gia vào tiến trình chính trị.
Những học thuyết nhân bản Kitô giáo đi theo mẫu gương và học thuyết của Marritain không thể giúp ích được gì nếu chỉ tập trung trách nhiệm vào việc cải tiến trật tự xã hội. Trong khi lãnh vực chính trị phải bao gồm việc duy trì tính chất tự lập của chính nó, các Kitô hữu có trách nhiệm đi vào thế giới xã hội, để nhân loại có thể sống trong nền công lý, hòa bình và hòa hợp hơn. Sự biến đổi như vậy có thể phù hợp trước hết với Kitô hữu giáo dân, họ là những người đem giá trị luân lý và nguyên tắc đạo đức để giải quyết các vấn đề xã hội và xây dựng đường lối chung.
Theo Maritain, sự tiến triển này đòi hỏi một tinh thần giáo dân mới, biết khao khát một sự thánh thiện không tách rời khỏi thế giới. Nhìn nhận sự thay đổi sâu sắc này, ông phát biểu một cách mạnh mẽ như sau: Do đó, một cuộc canh tân xã hội Kitô giáo thực sự sẽ là công việc thánh hóa, nếu không, nó sẽ chẳng là cái gì cả; một sự thánh hóa hướng tới những gì là tạm thời, trần tục (Học thuyết nhân bản toàn diện, trang 122).
Các Kitô hữu phải khao khát tạo ra một xã hội mới vừa mang tính cộng đồng vừa mang tính cá nhân. Xã hội như vậy sẽ thúc đẩy các thiện ích chung bằng cách nâng cao sự sung túc về mặt vật chất của các cá nhân để sự tự do tinh thần có thể được nuôi dưỡng. Xã hội mà Maritain vạch ra không phải là một vương quốc trần thế hay một xã hội không tưởng theo kiểu Marxist. Đúng hơn, đó là một cộng đồng chính trị sống động được gợi hứng bởi các giá trị Tin Mừng, trong đó nhân loại được tự do khao khát sự công bằng cao nhất có thể và nền hòa bình tương đối nào đó.
Những người đi theo chủ thuyết nhân bản Kitô giáo cần sự khôn ngoan thận trọng và biết nhạy cảm về các thực tại cụ thể của trật tự xã hội. Họ cần phải có – theo cụm từ nổi tiếng của Maritain – “những cái đầu cứng rắn và những trái tim nhạy cảm”. Cái nhìn mang tầm mức hoàn vũ của họ cần phải đi đôi với sự quan tâm đến những cá nhân cụ thể. Những người theo chủ thuyết nhân bản được nâng đỡ và hướng dẫn bởi đức tin được tự do hoạt động toàn tâm toàn ý cho sự tiến bộ xã hội và cải cách chính trị mặc dù có những thất bại, - chính vì họ tin rằng việc thiết lập vương quốc là công trình tối hậu của Thiên Chúa.
Sau khi hoàn tất nhiệm kì đại sứ ở Vatican vào năm 1948, Maritain giữ chức giáo sư triết học tại Đại học Princeton cho đến năm 1960. Trong suốt thời gian này, ông giảng dạy rộng rãi trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, lôi kéo được một đám đông những người hâm mộ và làm cho danh tiếng của ông ngày một nổi tiếng hơn như là một trí thức công giáo hàng đầu của thế kỉ XX. Mục tiêu của ông là làm cho sự khôn ngoan vĩnh cửu được tìm thấy trong học thuyết của thánh Thomas phù hợp với đám đông thính giả để nó được sử dụng nhằm giải quyết các vấn đề của thời đại.
Ông thường trở về các đề tài quen thuộc. Ông cho rằng các học thuyết nhân bản thế tục đã thay thế Tin Mừng, nghĩa là các cá nhân đã đánh mất khả năng trao ban chính mình trong các mối tương quan yêu thương, điều đó đã tạo ra một cơn khủng hoảng về các giá trị trong nền văn minh hiện đại. Học thuyết Marx đóng vai trò như là một tôn giáo hứa hẹn sẽ cứu độ thế giới, đã sát tế nhưng cá nhân để làm cho họ trở nên “những vị thần vô danh của lịch sử”. Với những thất bại này, thế giới cần một học thuyết nhân bản quy hướng về Thiên Chúa, nhìn nhận sự vĩ đại tự nhiên của con người phát xuất từ Thiên Chúa.
Học thuyết nhân bản chấp nhận sự phi lý trong bản tính con người, để biến thành hợp lý, và siêu lý, để tiếp tục mở ra với chiều kích siêu việt của Thiên Chúa. Học thuyết nhân bản của nhập thể làm việc để tạo ra một trật tự tạm thời xứng đáng với con người và có lợi cho sự phong phú về mặt vật chất lẫn thiêng liêng. Để đạt được điều này, chúng ta cần một “nền dân chủ cá vị Kitô giáo” (Christian-personalistic democracy) bảo đảm chống lại chủ nghĩa cá nhân được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa tư bản và sự nô lệ hóa được ra lệnh bởi nền độc tài toàn trị cộng sản chủ nghĩa.
Nhắc lại tổng hợp rất thành công của Maritain về tôn giáo và văn hóa trong thế giới trung cổ, Maritain đã mô tả về xã hội lý tưởng như là các nước theo Kitô giáo. Ông nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa quay về với quá khứ, nhưng là những nỗ lực mới để nhân bản hóa trật tự xã hội tự trị thông qua sức mạnh của các giá trị Tin Mừng. Áp dụng nguyên tắc loại suy, ông tuyên bố rằng chúng ta không nên bắt chước hoàn toàn cũng không nên bỏ mặc xã hội Kitô giáo. Thay vào đó, chúng ta nên rút ra những chân lý bất biến theo thời gian trong việc thúc đẩy xã hội truyền thống một cách thành công, và áp dụng chúng một cách loại suy vào các điều kiện khác nhau của thế giới đương đại. Ví dụ, chúng ta cần tổ chức một “đức tin dân sự” để liên kết và hướng dẫn tất cả mọi công dân, như trong thế giới trung cổ, các thành viên xã hội được ràng buộc với nhau bởi đức tin Kitô giáo. Xã hội Kitô giáo mới sẽ không phá hủy sự phát triển của quá khứ nhưng làm cho trở nên thực sự nhân bản và tiến bộ hơn bằng cách mở ra với sức mạnh của tinh thần thiêng liêng.
Maritain dần dần nhận thức được sự tương đồng giữa quan niệm của ông về nền xã hội Kitô giáo mới và “chiều hướng của những khuynh hướng thiết yếu” (the direction of certain essential trends) đang tồn tại ở Hoa Kì. Trong một phân tích đầy đủ trong tác phẩm Suy tư về Hoa Kì, ông ca ngợi cách thức mà quan niệm về tự do đã vượt qua óc phân biệt chủng tộc, làm cho xã hội trở nên linh động hơn. Ông cũng ấn tượng với việc tách giáo hội ra khỏi chính quyền nhưng vẫn tạo cơ hội cho việc truyền cảm hứng tôn giáo thâm nhập vào đời sống thế tục. Trong khi phương pháp của ông cũng chỉ ra những thiếu sót và giới hạn ở xã hội Hoa Kì, Maritain vẫn tin rằng Hoa Kì của những năm 1950 đã áp dụng một số ý tưởng về chính trị quan trọng và chứng tỏ đó là nền tảng hiệu quả cho việc phát triển một học thuyết nhân bản Kitô giáo.
Ngày nay, nhiều người cảm thấy khó có được cái nhìn lạc quan và tích cực về xã hội Hoa Kì. Tuy nhiên, học thuyết nhân bản Kitô giáo vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ nhận ra được sự tiềm tàng trong xã hội đương đại và tìm ra những cách thức cụ thể để áp dụng các truyền thống tôn giáo vào trong những vấn đề hóc búa của đời sống xã hội.
Khi Raissa qua đời vào năm 1960, Jacques mất đi người bạn đời thân thiết và cũng là cộng sự viên thông minh, người phụ nữ mà ông gọi là “một nửa linh hồn của ông”. Đau buồn nhưng ông vẫn chấp nhận sự mất mát này, ông rời Hoa Kì và sử dụng những năm tháng còn lại để suy niệm và viết sách ở một đan viện của Dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu ở Toulouse. Cuối năm 1965, Maritain giờ đây đã là một ông cụ yếu ớt đi đến Roma để tham dự lễ bế mạc Công đồng Vatican II. Trong một cử chỉ đầy xúc động cho thấy rõ những đóng góp rất lớn của Maritain, Đức giáo hoàng Phaolô VI trịnh trọng đặt trong tay ông bản văn chính thức của thông điệp cởi mở và tích cực của công đồng nói với các trí thức của thế giới.
Maritain hoan nghênh nhiều thành tựu của công đồng, đặc biệt quan trọng khi sự tiến bộ còn nhiều hạn chế đã đặt ra nhiều câu hỏi về sự tự do tôn giáo và mối tương quan với các Kitô hữu và Do Thái giáo. Tuy nhiên, ông cũng lo sợ những người quá nồng nhiệt với sự mới mẻ và không quan tâm đến truyền thống mà ông tin đã được ấp ủ nuôi dưỡng bởi một vài khuynh hướng của công đồng. Ông ghi lại những nối lo sợ này trong một tác phẩm sắc bén như thường lệ với tựa đề Người nông dân của miền Garrone, đã trở thành sách bán chạy nhất vào năm 1967 ở Hoa Kì. Sự xuất hiện của cuốn sách này là dấu hiệu của ảnh hưởng đã giảm bớt của Maritain đối với giới Công giáo. Việc cải cách do Công đồng thực hiện dựa trên sức mạnh tri thức và sự hướng dẫn không phải đi theo Maritain và những người theo trường phái tân Thomas (neo-Thomists), nhưng đi theo những người theo trường phái được gọi là Thomas siêu nghiệm (transcendental Thomists), ví dụ như là Karl Rahner, là những người đã gây được một ảnh hưởng mạnh mẽ trên các khuynh hướng triết học và văn hóa thời hiện đại. Khi Maritain qua đời vào ngày 28 tháng 4 năm 1973, ngọn đuốc lãnh đạo của giới trí thức Công giáo đã được chuyển cho người khác. Ngày nay, sự im lặng vẫn luôn bao vây xung quanh tên tuổi và các tác phẩm của Maritain đã bị phá vỡ, bởi vì đã có những người tìm thấy sự hướng dẫn trong triết học chính trị của ông, và tìm cách tranh luận với các lý thuyết kinh tế của ông. Thậm chí lý tưởng tuyệt vời của học thuyết nhân bản Kitô giáo hiếm khi được đưa ra bàn cải, ít nhất là về những thuật ngữ quan trọng.
Tuy nhiên, các Kitô hữu không thể thoát ra khỏi trách nhiệm tiếp tục những nỗ lực của Maritain được gợi hứng từ Tin Mừng để nâng cao đời sống con người. Chúng ta không thể để dự án này cho những người theo chủ nghĩa thế tục hay cho phép họ áp dụng tất cả những hàm ý được thuật ngữ “học thuyết nhân bản” gợi ra. Trong khi trả lời cho những thách đố này, chúng ta không nên bỏ qua Maritain. Thậm chí những ai không cảm thấy hoàn toàn hài lòng với hệ thống triết học tân Thomas của ông cũng có thể học được từ mẫu gương đầy thu hút và những suy tư sâu sắc của con người vĩ đại này. Ông vẫn là một mẫu người rất ấn tượng cho học thuyết nhân bản toàn diện gắn liền với sự tốt nhất về văn hóa trong một khung giá trị Tin Mừng. Jacques Maritain sống theo học thuyết nhân bản Kitô giáo đầy lôi cuốn được nối kết với suy tư triết học cùng với những hoạt động chính trị thực tiễn, sự phát triển ngôi vị với sự quan tâm đến công ích, và theo đuổi một tri thức với sự nồng ấm của tình yêu.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 85 (Tháng 11 & 12 năm 2014)
[1] Dịch theo James J. Bacik, Contemporary Theologians, The Mercier Press, 1992, trang 197 – 208.