SO SÁNH QUAN NIỆM VỀ TÍNH NGƯỜI CỦA
KHỔNG TỬ, MẠNH TỬ VÀ TUÂN TỬ
Trung Quốc cổ đại là một vùng đất rộng lớn và đông dân. Trong suốt chiều dài lịch sử, các nhà tư tưởng Trung Quốc thường quan tâm đến việc tìm kiếm đường lối tối ưu để đảm bảo cho đất nước được ổn định, thống nhất, nhân dân được an cư lac nghiệp. Vì vậy từ thời cổ đại, ở Trung Quốc đã xuất hiện nhiều trường phái tư tưởng, các quan niệm khác nhau và cũng gây nhiều cuộc tranh luận giữa các phái; trong đó nổi bật là vấn đề về con người và xây dựng con người, cụ thể là quan niệm về tính người mà tiêu biểu là Khổng Tử, Mạnh Tử và Tuân Tử là ba đại diện tiêu biểu. Qua đó để thấy được nét tương đồng và sự khác biệt giữa các tác giả khi đưa ra những quan niệm khác nhau về tính người.
Như chúng ta đã biết phái Nho gia do Khổng Tử sáng lập, Mạnh Tử phát triển về phía duy tâm tiên nghiệm, Tuân Tử phát triển về phía duy vật. Vấn đề xây dựng con người trong các học phái triết học Trung Quốc cổ là coi trọng sự nỗ lực của cá nhân, sự quan tâm của gia đình và xã hội. Thực ra sự tương đồng trong quan niệm tính người của Khổng Tử, Mạnh Tử và Tuân Tử đều thống nhất với nhau ở chỗ coi trọng sự giáo hóa và đều nhằm phát triển cái thiện. Đồng thời muốn thiết lập một trật tự xã hội có đẳng cấp, có tôn ti trật tự phải lấy Nhân Nghĩa, Lễ, Chính danh làm chuẩn mực.
Bên cạnh nét tương đồng thì trong quan niệm về tính người của Khổng Tử, Mạnh Tử và Tuân Tử đã có sự khác biệt. Đáng chú ý là học thuyết “tính ác” của Tuân Tử tương phản với học thuyết “tính thiện” của Mạnh Tử trên cơ sở những quan niệm của Khổng Tử. Như vậy làm cho tư tưởng triết học Trung Hoa thêm phong phú và sâu sắc, nói lên nhiều khía cạnh tồn tại trong mỗi con người.
Khổng Tử coi xã hội là tổng hợp các mối quan hệ giữa người với người trong đó các quan hệ như: vua – tôi, cha – con, chồng vợ, anh em, bạn bè. Khi bàn về bản tính con người, Khổng Tử cho rằng tính người sinh ra không hiền cũng không ác, bản tính ban đầu là giống nhau, do xã hội tác động mà thay đổi. Theo ông, mục đích của giáo dục là rèn luyện nhân tính:
Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên
Người nhân cũng là người có trí, dũng. Khổng Tử nói: “Mình muốn lập thân thì hãy giúp người khác lập thân. Mình muốn thành đạt thì hãy giúp người khác thành đạt”. Người nhân biết thương người nhưng cũng biết ghét người. “Ghét kẻ bất nhân cũng là nhân vậy”. Đồng thời khi bàn về bản tính con người, ông cho rằng: “tính mỗi người đều gần nhau, do tập tành và thói quen mới hóa ra xa nhau” (Luận ngữ, Dương Hóa, 2). Về cơ bản, tư tưởng của Khổng Tử là bảo thủ, muốn duy trì và phát triển chế độ đẳng cấp tông pháp nhà
Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử đã là gần hai thế kỷ. Mạnh Tử là đại diện xuất sắc nhất của phái Nho học chính thống thời Chiến quốc và ông được tôn là “Á thánh” (bậc thánh nhân thứ hai sau Khổng Tử). Về mặt tư tưởng triết học, luân lý, đạo đức, những luận thuyết của Mạnh Tử xoay quanh các vấn đề tâm tính, thiên, mệnh và tính thiện. Mạnh Tử quan niệm rằng, người ta sinh ra ở đời vốn đã mang sẵn bản tính lương thiện (tính thiện). Không một người nào sinh ra mà tự nhiên bất thiện. Tuy nhiên, lí giải về bản tính này có nhiều cách khác nhau, đồng thời với Mạnh Tử có 3 quan điểm chính:
1. Tính tự nhiên của con người không thiện cũng không bất thiện.
2. Tính tự nhiên của con người có thể là thiện và cũng có thể là bất thiện.
3. Tính tự nhiên của con người có tính thiện, có tính bất thiện.
Mạnh Tử đã bác bỏ mọi quan niệm ấy, theo ông bản tính của con người là thiện, nó là bản nguyên tinh thần vốn có của con người, do con người thiên lý, trời phú cho. Theo Mạnh Tử, tính thiện tự nhiên ấy được biểu hiện ở bốn mặt là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Sự khác nhau giữa con người với con vật, theo Mạnh Tử là ở chỗ trong mỗi con người đều có phần quý trọng và phần bỉ tiện, có phần cao đại và phần thấp hèn, bé nhỏ. Chính phần quý trọng cao đại mới là tính người, mới là cái khác giữa người và cầm thú. Do đó ông khuyên mọi người nên coi trọng việc tu dưỡng nội tâm, bảo tồn cái tính thiện để nó có thể phát triển “lương tri lương năng”, hoàn thiện phẩm chất tốt đẹp (theo quan điểm Nho gia). Tính thiện ấy, theo Mạnh Tử “người quân tử thì giữ được, kẻ thú dân thì bỏ mất” và “không giữ được thì chẳng khác nào loài cầm thú”. Như vậy, quan niệm về tính thiện của Mạnh Tử cũng mang dấu ấn giai cấp và thời đại. Mạnh Tử cũng đã giải thích thêm chữ Nghĩa, xác định Nghĩa là thích nghi, và chủ yếu là thích nghi với Nhân. Ông coi Nhân là tâm của con người, Nghĩa là do đường đi của người đời. Tính thiện của con người đều bắt nguồn từ cái “tâm” của mỗi con người. Tâm là do trời phú cho ta, nhờ có tâm mà phân biệt điều phải trái, thiện ác. Vì vậy sống phải có tâm, đi lại phải có đường, do đó dường như Nhân, Nghĩa của Nho gia gắn bó với con người ở mọi lúc mọi nơi như bóng với hình. Thực ra thì Nhân, Nghĩa cũng không phải là cái gì chung chung như vậy.
Mạnh Tử lại quan niệm rằng, nguyên lý của muôn vật đều nằm trong ý thức của chủ quan con người “mọi vật đều có đầy đủ trong ta” (vạn vật giai bị ư ngã). Không phải tìm kiếm ở đâu xa xôi, chỉ cần phát huy bản năng đạo đức trong nội tâm (tận tâm) là có thể thấu hiểu được bản tính của mọi sự vật ngoài ta (tri tinh). Đồng thời đã là người ai cũng có trong người cái mầm thiện, đó là lòng trắc ẩn (thương xót), lòng tu ố (thẹn, ghét), lòng từ nhượng (khiêm nhường), lòng thị phi (phải trái). Lòng trắc ẩn là đầu mối của nhân, lòng tu ố là đầu mối của nghĩa, lòng từ nhượng là đầu mối của lễ, lòng thị phi là đầu mối của trí. “Đầu mối” ở đây có nghĩa là “gốc”. là “nguồn”. Vì vậy ông khẳng định tính người vốn thiện, người ta sở dĩ có những hành vi bất thiện là do bị “vật dục” che lấp không phát huy mạnh mẽ cái tính thiện trời cho. Nếu biết phát huy các đầu mối ấy thì con người ngày càng mạnh, có đủ sức giữ gìn bốn biển.
Bản tính thiện của con người còn xuất phát từ cái chung của loài người, “phàm những vật đồng loại đều mang một bản chất giống nhau. Tại sao đối với con người ta lại nghi ngờ điều đó? Các bậc thánh nhân và chúng ta đều là đông loại”.
Ý nghĩa tích cực “thuyết tính thiện” của Mạnh Tử là ở chỗ phát huy bốn đầu mối, làm cho phần tốt trong con người ngày càng phát triển, còn phần xấu ngày càng thu hẹp lại. Bên cạnh đó, tính thiện nhằm chứng minh trật tự xã hội và các giáo điều đạo đức do giai cấp thống trị đương thời chế định ra là chân lý phổ biến, bền vững, không thể thay đổi, bởi nó phù hợp với “đức tính bẩm sinh” của nhân loại.
Tuân Tử cũng là một học giả xuất sắc của phái Nho gia nhưng tư tưởng của ông có nhiều chỗ khác với Khổng Tử và Mạnh Tử đặc biệt là ở tính người mà cụ thể là tính ác. Theo Tuân Tử, bản tính đầu tiên của con người là ác. Chính vì vậy mà cần phải học tập tu dưỡng, cần phải có Nhân, Nghĩa, Lễ để dẫn dắt làm cho con người trở thành thiện. Ông cho rằng : “Nay cái tính của người ta sinh ra là hám lợi, thuận cái tính ấy thì dẫn đến sự tranh đoạt mà sự nhường nhịn không có; sinh ra là có ghen ghét, thuận cái tính ấy thì dẫn đến sự làm hại lẫn nhau mà lòng trung tín không có; sinh ra là muốn thỏa mãn tai mắt, thích thân sắc, thuận cái tính của người ta thì sẽ sinh ra sự tranh giành , hợp với việc xâm phạm loạn li mà thành ra tàn bạo. Cho nên phải có thầy, có phép để giáo hóa, có lễ nghĩa để dẫn dắt sau đố mới có nhường nhịn với đạo lý mà thành ra trị. Qua đó thì cái chính của người ta rõ ràng là ác, còn cái thiện của tính là người ta tạo nên”. Học thuyết “ tính ác” của ông tương phản với học thuyết “ tính thiện” của Mạnh Tử. Tuân Tử cho rằng: theo đuổi tìm kiếm sự thỏa mãn những nhu cầu dục vọng, sinh lý là bản tính của con người. Ông nói: “đói muốn no, rét muốn ấm, mệt muốn nghỉ ngơi”. Đó là tính của con người. Ông lại nói: “người ta sinh ra vốn đã có dục vọng: mắt thích đẹp, tai thích tiếng hay” (Tuân Tử - Tính ác). Theo ông nếu ai cũng cứ theo cái bản tính ấy mà hành động thì xã hội tất sẽ diễn ra sự tranh giành, cưỡng đoạt, và sẽ đi đến “bao loạn”. Vì vậy bản tính con người là “ác” coi những nhu cầu về sinh lý như “ăn no, mặc ấm” là “cội nguồn và biểu hiện của tính ác của con người”. Rõ ràng đây là một quan điểm sai lầm. Tuy nhiên trong quan niệm tính ác của Tuân Tử cũng bao hàm nhân tố hợp lý. Ông cho rằng, hành vi đạo đức của người ta không bắt nguồn từ bản tính của con người, mà do công phu rèn luyện mà có. Phẩm chất của con người là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội và là kết quả của sự giáo dục rèn luyện, cải hóa từ ác thành thiện. Do vậy ông đề cao lễ trị. Ông cho rằng Lễ Nghĩa và đẳng cấp trong xã hội là cần thiết để duy trì trật tự xã hội. Những luận điểm này, về cơ bản là có tính duy vật. Vì vậy ông coi trọng, đề cao tinh thần tự tu thân.Trên đây là những nét tương đồng và sự khác biệt quan niệm về tính người của Khổng Tử, Mạnh Tử và Tuân Tử được đặt ra một cách thiết thực. Chính những quan điểm đó đã làm cho tư tưởng triết học Trung Hoa thêm phong phú và sâu sắc, nói lên nhiều khía cạnh tồn tại trong mỗi con người.
Nhận xét:
Từ những phân tích trên đây đã cho thấy vấn đề về tính người đã có những cách hiểu khác nhau. Nhìn chung Nho gia hướng con người vào tu thân và thực hành đạo đức là hoạt động căn bản nhất, luôn được đặt vào vị trí thứ nhất của sinh hoạt xã hội. Quan điểm về vũ trụ, về nhân sinh, về nhận thức luôn thấm đượm ý thức đạo đức. Tất cả mọi vấn đề đều lấy đạo đức làm chuẩn. Vì vậy vấn đề thiện và ác của con người thành tiêu điểm tranh luận quan trọng nhất của lịch sử triết học Trung Quốc. Người Trung Quốc trong lịch sử coi việc tu thân dưỡng tính cá nhân liên hệ mật thiết với nhận thức thế giới khách quan, thậm chí coi tu thân dưỡng tính là cơ sở nhận thức thế giới nhận thức.
Để cũng cố những mối quan hệ cơ bản trong xã hội, Nho gia đã nêu lên những phẩm chất quan trọng bậc nhất mà mọi người phải đạt tới. Con đường phấn đấu là phải ra sức tu dưỡng bản thân để xây dựng cuộc sống gia đình, góp phần vào việc quản lý đất nước, sau đó đem lại yên vui cho thiên hạ. Quan niệm của Khổng Tử và các nhà nho ra đời cách ngày nay khoảng 2500 năm, nhiều tư tưởng và quan niệm của họ đã quá lỗi thời, nhiều nguyên tắc đề xuất không còn hiệu lực và không phù hợp với thời đại ngày nay. Tuy nhiên trong các quan niệm về “tính thiện” và “tính ác” của các tác giả cũng có những thành tố mang tính phổ biến, thậm chí đối với xã hội Đông Á có tính lâu bền. Tôi nghĩ rằng nguyên tắc “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của các nhà Nho đến nay vẫn còn giá trị. Bên cạnh đó trong quan niệm về tính người đã đặt con người trong năm mối quan hệ với những lập luận khá chặt chẽ, làm cơ sở cho mục tiêu phấn đấu và nội dung tư tưởng của con người là có tính hợp lý hơn. Nó thực sự góp phần củng cố trật tự xã hội, nó là sản phẩm của xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ.