Fr. Joseph Tân Nguyễn, ofm
Từ thời Trung Cổ, từ “khoa học” (science) đã được dùng để nói đến các bộ môn học thuật có tiêu chuẩn tri thức rõ rệt và dựa trên các nguyên tắc lý luận nền tảng dang được áp dụng tại đại học. Tuy thần học có lúc phải biện minh cho tính khoa học (tri thức) của mình, nhưng triết học thì luôn được xem là một khoa học chính yếu và căn bản nhất vì đó là môn nghiên cứu nguyên nhân dệ nhất của hữu thể. Trong hơn hai thế kỷ qua sự thành công và ảnh hưởng vượt bậc của khoa học tự nhiên, chúng ta đã rơi vào thói quen hiểu khoa học và mục đích của nó theo nhãn quan hạn hẹp của khoa học tự nhiên. Nhãn quan này không đủ phổ quát để cung cấp một định nghĩa chung cho khoa học. Nếu nhìn từ quan điểm lịch sử thì khoa học tự nhiên chỉ là một đứa trẻ “sinh sau đẻ muộn,” như các khoa nhân chủng học, tâm lý học chiều sâu, etc., trong gia đình các môn khoa học. Do đó, chúng ta phải khởi đầu bằng một quan điểm phổ quát hơn, từ những đặc điểm chung mà mọi bộ môn khoa học đều có. Trước tiên, mọi môn khoa học đều là những hệ thống tri thức, được gắn bó với nhau bằng những nguyên lý căn bản, có mục tiêu và đối tượng rõ ràng. Thứ đến, mọi hoạt động khoa học phải có những tiêu chuẩn minh bạch, vạch rõ giới hạn đâu là những thực hành mang tính khoa học hay phi-khoa học. Cuối cùng, khoa học phải cung cấp những tri thức chính xác, tức là “nguyên nhân” của các sự kiện và tiêu chuẩn để xác định tính chính xác này. Khoa học chỉ có thể phát triển nếu có những khả năng tự phê phán trên đây.
Chúng ta hãy lược qua ba đặc điểm căn bản trên đây của khoa học. Thứ nhất, khoa học là một hệ thống tri thức được gắn bó bởi nguyên lý đầu tiên hay còn gọi là “Nguyên lý đệ nhất.” Đây là những chân lý nền tảng mà từ đó mọi lý luận của khoa học đều xuất phát. Nếu muốn xây một toà nhà thì trước tiên phải bắt đầu từ nền nhà, thì khoa học nào cũng phải có những nguyên lý đệ nhất mà dựa trên đó mọi hoạt động khoa học đều được biện minh. Nguyên lý đệ nhất phải là hiển nhiên vì chân lý của chúng không cần phải chứng minh. Chúng dựa trên lôgic phi-mâu thuẫn và các nguyên lý toán học như: (1) Tổng thể thì lớn hơn mỗi phần tử; (2) Nếu cả hai vế của một phương trình được cộng thêm hay trừ bớt cùng một số lượng thì sự cân bằng của phương trình sẽ không có gì thay đổi.
Đặc tính thứ nhì là để vạch rõ giới hạn của những khám phá khoa học. Mọi hoạt động và kết luận của nghiên cứu khoa học đều phải được minh chứng là có nguồn gốc từ những nguyên lý đệ nhất. Trong khi nguyên lý đệ nhất của khoa học là hiển nhiên, tức là, không thể chứng minh nhưng chỉ được “tiếp nhận”, thì những khám phá khoa học phải được suy diễn trong phạm vi các nguyên lý đệ nhất cho phép. Khoa “tướng số” hay “chiêm tinh” không thể là một khoa học chân chính, vì chúng khởi đầu dựa trên những nguyên lý xem như hiển nhiên đến từ kinh nghiệm sống, nhưng khi giải thích các kết luận thì rất là tùy tiện. Một ngành khoa học chân chính phải phân định rõ ràng đâu là đối tượng chất thể và đối tượng mô thể của nó. Khoa học phải vạch rõ đâu là giới hạn cho hoạt động khoa học. Mọi định đề khoa học phải được thống nhất với nguyên lý đệ nhất của nó. Một phát minh chỉ thật sự là “phát minh khoa học” khi nó tuân thủ cách xuyên suốt các nguyên lý đệ nhất của khoa học.
Thứ ba, tri thức mà khoa học cung cấp là chính xác bởi bởi chúng cho ta tri thức về nguyên nhân của mọi sự thay đổi, biến dịch trong thế giới vật chất. Vật lý học là khoa học về nguyên nhân làm cho vật thể chuyển động, cho dù đó là các hành tinh hay những nguyên tử vi mô. Hóa học nghiên cứu về nguyên nhân làm cho vật chất biến dạng hay tỏ hiện những đặc tính mới. Một khi nhà khoa học giải thích các chuyển động hay biến dịch, họ khẳng định tri thức của họ về nguyên nhân của những hiện tượng đó. Như thế, tri thức khoa học trở nên hữu ích vì nó cung cấp tri thức về nguyên nhân của những hiện tượng mà nó nghiên cứu.
Vậy chúng ta có thể tóm tắc 3 đặc điểm của khoa học: (1) Khoa học là một hệ thống tri thức có nguyên tắc tổ chức dựa trên những chân lý hiển nhiên; (2) Mọi khám phá và kết luận của khoa học phải minh chứng là phù hợp cách tự nhiên với các nguyên lý đệ nhất; (3) Tri thức khoa học được chấp nhận là tri thức chắc chắn vì chúng là tri thức về nguyên nhân, giải thích các hiện tượng biến dịch.
I. ĐỐI TƯỢNG CỦA KHOA HỌC TỰ NHIÊN
Mỗi môn khoa học được xác định bằng hai cách: đối tượng chất thể và đối tượng mô thể. Đối tượng chất thể xác định mục tiêu của bộ môn khoa học, về chủ đề nghiên cứu cụ thể. Ví dụ, đối tượng chất thể của môn côn trùng học là các loài sâu bọ. Đối tượng mô thể của một môn khoa học là nhãn quan, góc độ, cách tiếp cận hay khía cạnh qua đó đối tượng chất thể được nhà khoa học nghiên cứu. Đối tượng mô thể mới khẳng định tính cách đặc thù của một khoa học. Ví dụ, thần học tín lý và thần học tự nhiên có cùng một đối tượng chất thể (Thiên Chúa) nhưng lại khác nhau về đối tượng mô thể (những gì được mạc khải thì khác với khả năng của lý trí). Trong lúc đó, sinh vật học và địa chấn học tiến hóa có cùng đối tượng mô thể nhưng khác nhau về đối tượng chất thể vì hai bộ môn khoa học này nghiên cứu vật chất khác nhau nhưng cùng một nhãn quan của thuyết “tiến hóa”.
Giờ đây chúng ta có thể áp dụng sự phân biệt này vào khoa học, triết học tự nhiên và siêu hình học. Cả ba bộ môn khoa học đều có chung đối tượng là hữu thể, nhưng khác nhau về đối tượng mô thể. Siêu hình học và triết học tự nhiên có cùng một đối tượng mô thể (nghiên cứu hữu thể) nhưng khác nhau về đối tượng chất thể (“ens qua ens” versus “ens mobile”). Trong lúc đó, khoa học tự nhiên và triết học tự nhiên có cùng đối tượng chất thể (hữu thể vật chất) nhưng khác nhau về đối tượng mô thể (nguyên tắc nghiên cứu).
Trong khi chú tâm của triết học tự nhiên là “hữu thể biến dịch” (ens mobile), tức là hữu thể giới hạn trong phạm vi thay đổi, thì siêu hình học nghiên cứu hữu thể xét như hữu thể, không lệ thuộc giới hạn nào hết. Khi bàn về hữu thể biến dịch tức là nói về hữu thể vật chất tiêu biểu, loại hữu thể bị lệ thuộc và sự thay đổi và biến dịch trong mọi cách thức nó thể hiện chính nó. Như thế, cả đối tượng chất thể và mô thể của triết học tự nhiên chính là hữu thể vật chất trong sự toàn diện của nó. Trong khi khoa học tự nhiên chỉ lưu tâm đến một số khía cạnh của thế giới vật lý, thì triết học tự nhiên bao gồm mọi khía cạnh của vũ trụ vật chất.
Một sự khác biệt nữa là triết học tự nhiên là một loại khoa học suy lý hay tư biện (lý thuyết) trong lúc đó khoa học duy nghiệm là khoa học thực hành mà mục tiêu tối hậu là đưa đến hành động. Mọi hoạt động của loại tri thức thực hành là hướng về thiết lập các chỉ tiêu thực hành, như trong môn đạo đức học. Khoa học suy lý theo đuổi tri thức cho mục tiêu của chính nó. Đôi khi, triết học tự nhiên cũng được gọi là vũ trụ luận, và Aristotle gọi nó là “physics” và siêu hình học là “meta-physics.” Ngày nay, hai môn vũ trụ luận (cosmology) và vật lý đã phát triển theo các chiều hướng phức tạp hơn, do đó để tránh sự lầm lẫn, chúng ta sẽ dùng tên gọi triết học tự nhiên, hay triết học thiên nhiên.
Mọi ngành khoa học đều chú tâm vào một khía cạnh nào đó của hữu thể, nhưng siêu hình học nghiên cứu hữu thể như là hữu thể theo nghĩa phổ quát nhất (ens qua ens). Siêu hình học muốn đào sâu ý nghĩa của hiện hữu và mọi cách mà hữu thể thể hiện tính hiện hữu của nó. Siêu hình học được chia thành hữu thể học và thần học tự nhiên (thần lý học). Hữu thể học chú tâm và những khái niệm sơ khởi như bản thể, khác biệt giữa tiềm thể và hiện thể, yếu tính và tồn tại, và nhiều cách hữu thể thể hiện chính nó. Siêu hình học lưu tâm đến những nguyên nhân tối hậu của hữu thể và các nguyên lý đệ nhất của mọi nguyên lý. Đóng góp quan trọng nhất của khoa siêu hình là chúng cho ta tri thức khách quan về những chân lý nền tảng về ý nghĩa của sự tồn tại của chính chúng ta. Hai câu hỏi quan trọng nhất cho siêu hình học là: (1) Chúng ta đến từ đâu (nguồn gốc của hiện hữu)? (2) Chúng ta đang đi về đâu (cứu cánh của hiện hữu)?
Trong phạm vi phổ quát của siêu hình học thì triết học tự nhiên chỉ giới hạn vào các đối tượng vật chất có khả tính biến dịch theo như khái niệm “ens mobile” (hay “ens sensibile”), và triết học tinh thần nhắm vào các đối tượng biến dịch vừa vật chất và vừa phi-vật chất theo như khái niệm “ens mobile animatum.” Nếu đối tượng chất thể của triết học tự nhiên bao gồm tất cả mọi hữu thể vật chất thì toàn thể vũ trụ hiện hữu trong sự biến dịch của nó chính là đối tượng mà chúng ta cần phải nghiên cứu. Chúng ta đã có sẳn một số tri thức trực giác về biến dịch vì chính chúng ta cũng đang thay đổi. Chúng ta không chỉ quan sát hiện tượng biến dịch, nhưng chúng ta chứng kiến sự biến dịch như là những chủ thể đang thay đổi. Nhưng triết học tự nhiên muốn đi từ tri thức trực giác đến tri thức triết lý về biến dịch. Chúng ta nhận diện biến dịch khi chúng ta cảm nghiệm nó đang xảy ra. Nhưng nếu muốn đạt được tri thức triết lý về “bản chất” hay “yếu tính” của biến dịch là gì thì chúng ta cần phải đi sâu hơn vào hiện tượng biến dịch và loại hữu thể có khả tính biến dịch—đó chính là hữu thể vật chất (ens mobile). Tri thức triết học về biến dịch phải khách quan hơn là tri thức trực giác.
Do đó, trước tiên chúng ta phải hiểu khái niệm “hữu thể” (ens) trong cụm từ “ens mobile”. Trước khi biến dịch (mobile) thì phải có hữu thể nào đó thực sự trải nghiệm sự thay đổi. Hữu thể đó phải là một thực thể vật lý và mang những yếu tính của vật chất như lượng tính, quãng tính (có sự tồn tại trải dài trong thời gian và không gian). Và một cách nhanh chóng chúng ta khám phá rằng với hữu thể vật lý thì sự những khía cạnh biến dịch, chuyển động, thời gian, không gian đều có sự gắn bó mật thiết với nhau. Khả tính biến dịch của hữu thể vật lý tỏ lộ cho chúng ta thấy chúng mang một đặc tính chung là tùy thuộc (bất tất), vì bản chất và sự tồn tại của chúng không tự có và cũng không hoàn toàn độc lập khỏi những yếu tố khác. Như thế thì câu hỏi được lý trí nêu ra là bản thể của hữu thể tùy thuộc là gì? Có gì khác biệt giữa yếu tính và hiện hữu, bản thể và phụ thể, bản thể bất tất và bản thể tất yếu? Cuối cùng, đâu là nguyên nhân tối hậu của biến dịch, e.g., nguyên nhân tác thành và nguyên nhân cứu cánh? Một khi tri thức con người cố tìm câu trả lời cho loại câu hỏi hỏi này thì chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa thần học, khai triển mối tương quan giữa niềm tin tôn giáo và nguồn gốc của vũ trụ (Tạo Dựng hay Cánh Chung).
II. ĐỐI TƯỢNG CỦA TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN
Siêu hình học là ngành căn bản nhất của triết học vốn điều phối mọi nguyên tắc suy tư của triết học. Triết học tự nhiên có chung đối tượng mô thể với siêu hình học vì cả hai đều trăn trở với những câu hỏi hóc búa về hữu thể và đều đi vào bên dưới tồn tại để nắm bắt yếu tính của hữu thể. Siêu hình học có một phạm vi rộng lớn hơn triết học tự nhiên, vì nó xét hữu thể như là hữu thể nói chung (ens qua ens) và không loại trừ một khả tính gì của hữu thể. Trong lúc đó, triết học tự nhiên giới hạn đối tượng nghiên cứu vào hữu thể vật chất, hữu thể mang khả tính biến dịch hay thay đổi (ens mobile), hữu thể vật lý hay thế giới vật chất.
Nhưng triết gia tự nhiên phải cẩn thận không dẫm chân lên khoa vật lý hay khoa siêu hình. Triết gia tự nhiên không quên rằng đối tượng chất thể của mình chính là thế giới vật lý, nhưng đối tượng mô thể thì lệ thuộc phạm vi siêu hình. Mục tiêu của họ là khai triển tri thức nền tảng về hữu thể vật chất, bắt đầu từ hữu thể vật chất, những gì nghe, thấy, nếm, ngửi, và sờ được. Do đó, triết gia tự nhiên cần phải giữ mối tương quan lành mạnh với các ngành khoa học tự nhiên. Cả hai bổ túc cho nhau. Triết gia tự nhiên không phải là nhà khoa học tự nhiên, tuy rằng trên nguyên tắc, không có gì ngăn cản. Triết gia tự nhiên phải là người liên lĩ muốn học hỏi từ các môn khoa học tự nhiên, cùng lúc phải có cái nhìn phổ quát và điều phối hơn là những gì nhà khoa học đang làm trực tiếp trong các phòng thí nghiệm. Công việc của hai bên không loại trừ nhau, như bổ túc cho nhau, cố gắng gia tăng sự hiểu biết con người về thế giới vật chất cả chiều sâu lẫn chiều rộng.
Một nhà khoa học tự nhiên lưu tâm đến các khía cạnh hiện tượng của hữu thể vật lý, tức là đưa ra những giải thích (nguyên nhân) từ những gì quan sát được. Nhà khoa học có thể không ý thức cách trực tiếp về yếu tính của hữu thể, nhưng họ vẫn dựa vào sự hiểu biết đó trong khi thí nghiệm và khám phá những khía cạnh khác của hữu thể. Họ vẫn giả định yếu tính đó đang được tỏ hiện qua những phẩm tính và khả năng hoạt động của thực thể mà họ đang nghiên cứu trong những điều kiện cụ thể. Nhưng triết gia về tự nhiên phải chú tâm về yếu tính của hữu thể một cách trực tiếp và có ý thức. Triết gia về tự nhiên cần phải nhìn thế giới vật lý một cách phổ quát qua một nhãn quan bao hàm và toàn diện hơn là khoa học tự nhiên để nhận diện yếu tính chung của mọi hữu thể chuyễn động.
Triết học tự nhiên quan tâm về vũ trụ như là tổng thể của hữu thể vật chất vì nó thể hiện những phẩm tính của hữu thể vật chất. Vũ trụ thay đổi theo những nguyên tắc hay định luật vốn xác định tính vật chất của nó. Trong khi đó, khoa học tự nhiên thì chuyên biệt và nhắm vào khía cạnh đặt thù của thế giới vật chất để thiết lập tri thức, tiên đoán về hoạt động và thay đổi của các thực thể cá biệt hay tập thể. Cả khoa học tự nhiên và triết học tự nhiên đều bắt đầu từ quan sát cụ thể và những tri thức tiền-khoa học, nhưng khoa học tự nhiên đi tìm nguyên nhân cụ thể để giải thích cho hoạt động bên ngoài, thì triết học tự nhiên nhắm vào các nguyên nhân của biến dịch, nhưng để nói lên tính bất tất và tùy thuộc của hữu thể vật chất, và từ đó suy ra sự tồn tại của hữu thể tất yếu. Tuy nhiên, triết học tự nhiên cũng cần phải bám sát vào những khám phá mới của khoa học tự nhiên.
Tự nhiên, thế giới vật lý, thế giới vật chất, sự tổng thể của hữu thể vật chất (thể trừu tượng mobile) đạt dến một tổng thể chặt chẽ không chỉ đơn thuần là tập hợp của tất cả hữu thể vật lý. Hạn từ “cosmos” có một ý nghĩa rất đặc biệt, là một sự kết hợp chặt chẽ của các sự vật, giống như một tập hợp vừa đẹp vừa chân thực của những thành phần khác nhau, tạo nên một thể thống nhất có tổ chức. Nó là một thực tại trái ngược hoàn toàn với sự hỗn độn (hư vô) – là mớ vật chất vô trật tự, vô tổ chức mà vũ trụ được hình thành nên từ đó. Những người Hy Lạp cho rằng không có những tư duy trong một điều kiện mà ở đó chẳng có gì tồn tại. Trong những huyền thoại về nguổn gốc vũ trụ Hy Lạp, không có sự kiện sáng tạo nhưng lại có điểm chuyển biến quan trọng khi mà các vị thần đã sắp xếp lại trật tự từ sự hỗn độn và tạo thành vũ trụ hoặc thế giới như chúng ta biết ngày nay. Sự hư vô thì hỗn độn, chẳng có chi ý nghĩa. Ở nơi hư vô, không có hệ thống, không nguyên tắc lề luật, cũng chẳng có ý nghĩa gì. Có vật chất, hữu thể vật lý nhưng vô định hình, không có sự tương tác từ chính nội tại, nó như một khối xáo động của sự rời rạc và bất liên kết, một sự đối ngược hoàn toàn với vũ trụ. Thiên nhiên là một thứ mà hình thành nên một tồng thề liên kết chặt chẽ. Vì lý do đó mà nó có thể nhận thức được bằng trí tuệ.
Đối với các triết gia, việc nhận thức rằng vũ trụ vật lý có một sự đồng nhất về những nguyên tắc trật tự ngay từ mhững sự việc đơn giản nhất, mang một ý nghĩa to lớn. Mọi thứ trong thiên nhiên đan xen vào nhau. Chúng ta không thể dùng những thuật ngữ về tổng thể để nói về hư không. Khi ta cố gắng nhận thức thiên nhiên thì ta thực ra đang nhìn nó như một tổng thể. Có những triết gia hiện sinh kết luận rằng chúng ta đang sống trong một thế giới phi lý và con người hành động một cách vô ý thức. Nhưng hành vi con người có được bị đánh đồng ngang hàng với vũ trụ xét như một tổng thể không? Hành vi của con người có được xem như sự phản chiếu lại thiên nhiên của vũ trụ không? Hơn nữa, những nhà hiện sinh biện luận rằng chúng ta đang sống trong một thế giới vô nghĩa, nhưng điều này chỉ có nghĩa là trái ngược với sự có ý nghĩa, và chỉ có thể xét trong những hạn từ của sự có ý nghĩa. Kết luận, thiên nhiên - thế giới vật lý không phải là một vật hỗn tạp, lửng chửng và cũng không phải là sự đối lập với những thực thể vật lý. Nó không miêu tả một trạng thái hỗn độn của những sự việc. Thiên nhiên là một vũ trụ, là một thế giới, là một tổng thể liên kết chặt chẽ và hợp nhất. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy ý nghĩa.
Tổng kết: triết gia tự nhiên cần phải lèo lái theo một lộ trình trung dung giữa hai hố sâu: một bên muốn biến triết học tự nhiên thành siêu hình học, một bên muốn đồng dạng triết học tự nhiên với triết khoa học. Vì thế, triết học tự nhiên vừa phải bảo tồn cách suy tư của triết học, mặc khác phải nhớ rằng đối tượng của mình bị giới hạn trong phạm vi thế giới vật chất và hữu thể biến dịch.
III. LUẬT VẬT LÝ VÀ LUẬT TỰ NHIÊN
Để hiểu rõ hơn về những quy luật thiên nhiên hay luật vật lý, chúng ta nhìn vào cách mà những quy luật này phù hợp trong một bối cảnh rộng lớn hơn cái mà nó được xác định rõ đặc điểm và được thiết lập bởi một hình thức luật tối thượng. Những triết gia duy vật vẫn giữ quan điểm rằng những quy luật vật lý tự thân chúng là hình thức luật tối thượng, và vì vậy sự xác nhận của những quy luật đó được xem như là cùng đích đối với bất cứ vật nào hoặc bất cứ ai trong vũ trụ. Những triết gia này khá sai lầm khi giả định rằng những quy luật của thiên nhiên là những quy luật tối thượng của vũ trụ. Những quy luật của thiên nhiên phụ thuộc vào một luật đối với vũ trụ, một luật mà nó chi phối mọi vật tồn tại và luật đó là luật vĩnh cửu của Thiên Chúa. Vũ trụ mà trong đó mọi sự tồn tại, tồn tại vì một và chỉ một lý do duy nhất, đó là Thiên Chúa muốn nó được hiện hữu. Những triết gia tự nhiên quan tâm tới một điều cơ bản là về tính xác thực của thế giới vật lý, nó là kết quả trực tiếp của nguyên nhân siêu nhiên. Không thể hiểu được thế giới vật chất, không thể thấu hiểu yếu tính của nó nếu như không nhận ra cách thức nó liên hệ với Thiên Chúa như kết quả đối với nguyên nhân.
Chúng ta nói một cách đơn giản là Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ. Thiên Chúa là nguyên nhân cho kết quả là vũ trụ. Trong bất kì mối liên hệ nhân quả, chúng ta có kết luận một số điều về bản chất của nguyên nhân tạo ra kết quả cách rõ ràng. Nguyên nhân đóng dấu ấn vào khía cạnh này hoặc khía cạnh khác của căn tính riêng nó lên trên kết quả; nó để lại trên kết quả dấu vết của nó như thể là một dấu nhiệu đặc trưng riêng tư. Khi một họa sĩ vẻ một bức tranh phong cảnh được xem là đẹp thì bức tranh phải là một sự mô phỏng của một thực tại có trật tự. Trí tuệ thông minh của người họa sĩ được phản ảnh qua công việc của người họa sĩ. Người họa sĩ có thể tạo ra một bức tranh phong cảnh đẹp bởi vì người họa sĩ đi theo những quy tắc trong hội họa. Có thể so sánh với cách thức mà một người nghệ sĩ để lại dấu ấn trí tuệ trên những tác phẩm mà người nghệ sĩ làm ra, thì theo một cách hoàn toàn độc nhất Thiên Chúa đã lưu lại dấu ấn đặc trưng của Ngài trên trái đất mà Ngài đã tạo dựng. Thánh Tôma biện luận rằng toàn thể công trình sáng tạo được tràn ngập và chứa đầy sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Để xem xét nguồn gốc của mọi sự thì chính là sự khôn ngoan thánh. Và sự khôn ngoan thánh chiếu tỏa và được biểu lộ nơi tất cả mọi vật như lời Thánh Vịnh “Trời xanh tường thuật vinh quang của Chúa, và không trung loan báo việc tay Người làm.” (TV 19:1)
Sự khác biệt nằm ở chỗ nghệ nhân không phải là người sáng tạo ra những quy luật nghệ thuật mà nghệ nhân diễn đạt trong những tác phẩm nghệ thuật. Người nghệ sĩ chỉ tiếp nhận chúng. Đối với Thiên Chúa, chính Chúa là nguồn gốc của mọi sự hiện hữu. Nghệ nhân tạo ra tác phẩm nghệ thuật nhưng không tạo ra vật liệu cũng như không tạo ra những quy luật nghệ thuật. Trái lại, Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ và những quy luật, bởi chúng mà vũ trụ được tạo thành như vũ trụ và được điều hành. Thiên Chúa vừa là nguồn gốc của vật được điều khiển bởi luật và vừa là nguồn gốc của luật. Thiên Chúa không bị điều khiển bởi một hệ thống nguyên tắc hoặc quy luật ngoại tại nào trổi vượt hơn chính Chúa. Thiên Chúa hành động hoàn toàn bởi chính quyền năng siêu việt của Chúa. Đó là trí tuệ siêu việt tự tại và được biểu lộ thông qua công trình sáng tạo của Chúa. Luật vĩnh cửu của Thiên Chúa (Thiên luật) tự biểu lộ ra thành 3 dạng riêng biệt: luật Tự Nhiên, luật Siêu Nhiên và luật Vật Lý.
Luật vật ký được thấu hiểu bởi lí trí con người; còn khi áp dụng cho đạo đức con người thì được gọi là luật Tự Nhiên hoặc luật luân lí (ethical & moral). Đây là thứ luật được khắc ghi trong lòng như thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Rô-ma (Rm 2:15). Luật Tự nhiên liên hệ mật thiết tới việc làm của lương tâm. Thông qua luật Tự nhiên, chúng ta có thể nhận biết ý định của Thiên Chúa đến nổi nó ảnh hưởng lên hành vi của chúng ta. Luật Tự nhiên là luật vĩnh cửu của Thiên Chúa, cụ thể áp dụng cho thụ tạo lý tính và chính bởi luật Tự nhiên chúng ta nhận ra nó nơi tất cả những tiềm ý của nó nhờ bởi hành động của lí trí. Luật Tự nhiên là một thành phần nội tại trong trật tự vũ trụ. Nó là một luật đặc biệt áp dụng cho những thụ tạo lý tính sở hữu tự do lí trí và vì vậy chúng có khả năng tự phản ánh lại luật đó. Điều mà luật Tự nhiên cho chúng ta thấy đó là trật tự vật lí và trật tự luân lí trong vũ trụ. Luật Tự nhiên được nhận thức ra bởi lí trí con người. Thiên luật hay luật Siêu nhiên không thể nhận thức được nhưng là do bởi Mặc Khải. Luật vĩnh cửu của Thiên Chúa được biểu lộ như sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vừa hợp nhất nội tại và vừa được biểu lộ chính nó thông qua những mối tương quan có trật tự tồn tại ở khắp nơi trong vũ trụ vật lí.
Những quy luật vật lí trong tính tổng thể cấu thành nên toàn bộ những mối tương quan có trật tự tồn tại trong vũ trụ vật chất. Có những quy luật mà việc khám phát hiện ra chúng khiến các nhà khoa học đổ dồn toàn bộ năng lực tâm trí vào đó, vì những quy luật này tiết lộ những hoạt động bên trong của sự vật. Những quy luật của tự nhiên là những nguyên tắc tạo nên tính liên kết chặt chẽ trong thế giới vật lí và khả niệm tính. Thế giới vật lí có thể được xem như là một hệ thống rất lớn giữa những nguyên nhân tương quan một cách phức tạp với nhau. Để biết những nguyên nhân của sự vật thì phải có tri thức về yếu tính của sự vật – cách thức một sự vật hoặc một sự kiện cụ thể có liên quan đến một sự vật hoặc một sự kiện cụ thể khác được gọi là quan hệ nhân quả. Như vậy tri thức mang đến cho nó một năng lực của sự tiên đoán, vì nếu chúng ta đã tạo nên mô hình của nguyên tắc (regulare: luật lệ, tiêu chuẩn) trong quá khứ, thì qua đó có thể cho rằng mô hình đó sẽ đúng trong tương lai.
Nhưng để nhận biết những nguyên nhân và mô hình của hoạt động trong thế giới vật lí không có nghĩa là chúng ta phải có nhìn xác quyết và máy móc, cái mà loại trừ ý chí con người hoặc mọi nguyên nhân phi vật chất. Người thợ máy sẽ đánh lừa chính bản thân mình nếu như anh ta tự cho mình là nguồn cội của những hành động, vì anh ta biết rõ rằng trong thực tế những hành động của anh ta hoàn toàn được quyết định bởi các nguyên nhân vật chất. Cũng vậy, triết gia thiên nhiên cần liên quan đến những quy luật vật lí mà chúng điều hành vũ trụ.
Tuy nhiên, quan tâm đến quy luật vật lý không có nghĩa là triết tự nhiên phải chấp nhận thuyết tiền định. Một cách đơn giản, triết tự nhiên nhìn vũ trụ một cách thực tế là một vũ trụ, một trật tự dựa trên những nguyên tắc được thiết lập, chứ không phải là sự hỗn độn. Có nghĩa là thế giới được sắp đặt trong cách mà nó là. Không có nghĩa là thế giới không thể vượt trên cái cách mà thực sự nó là hay cách thức chúng ta đang cảm nhận nó. Thiên Chúa không buộc phải sáng tạo một thế giới cụ thể mà thực tế Ngài đã tạo dựng. Chúa lựa chọn tạo dựng thế giới này một cách tự do mà không phải cái gì khác. Theo những quy luật, Chúa đã thiết lập cho sự quản trị của nó. Ai cũng có thể tưởng tượng ra một thế giới vật lí khác với thế giới vật lí mà chúng ta có, được điều hành bởi một hệ thống những quy luật vật lí khác, nhưng vì đây là một thế giới thực sự đã tồn tại; nó được xác định để tồn tại trong một cách thức mà trí tuệ siêu nhiên muốn nó tồn tại.
Là con người, chúng ta là những thụ tạo phức hợp gồm linh hồn và thân xác, vật chất và phi vật chất. Chính bởi tình trạng này chúng ta cùng lúc là những thụ tạo vừa xác định vừa không xác định. Chúng ta đơn giản chỉ là cách thức mà chúng ta là; chúng ta là cách thức mà Thiên Chúa đã dựng nên để hiện hữu. Một cách cụ thể nhất, trạng thái xác định của chúng ta phải hành động theo tính vật chất của chúng ta, và tự do của chúng ta không cho phép chúng ta tồn tại độc lập khỏi những quy luật của lực hấp dẫn. Chúng ta tương tác với quy luật này trong nhiều cách thức có thể tưởng tượng được, nhưng luôn luôn trong bối cảnh được thiết lập bởi những quy luật của thế giới vật lí. Chắc chắn có những giới hạn mà chúng ta không thể vượt qua được. Nhưng tất cả những gì chúng ta làm như những hiện hữu vật lí là những người chỉ đơn giản vượt trên những hiện hữu vật lí. Mặt khác, chúng ta thì giới hạn nhưng luôn có quyền hướng đến cái vô hạn nhờ vào sự tự do của chúng ta.
IV. TẦM QUAN TRỌNG CỦA TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN
Kể từ cách mạng khoa học ở thế kỷ 17, nhiều khoa học gia không còn nhận ra giá trị của triết học tự nhiên nữa. Đến thế kỷ 19, dưới ảnh hưởng của thành tích đáng kể trong khoa học tự nhiên, họ kết luận là chỉ có khoa học tự nhiên mới là đỉnh cao của trí tuệ con người. Khoa học tự nhiên được xem là có khả năng duy nhất và tối hậu giải quyết mọi vấn nạn của nhân loại. Đó chính là “vương miện” của tri thức con người, sẳn sàng thay thế cho mọi hình thức tri thức thấp kém hơn trước đây (tôn giáo, triết học, thần học). Tuy nhiên, khuynh hướng tuyệt đối hóa khoa học tự nhiên này đã tự phủ lên nó một sự hào nhoáng giả tạo và làm băng hoại các nguyên tắc chân chính của khoa học tự nhiên. Hậu quả là chủ thuyết duy khoa học (scientism) đã mặc lấy thái độ bất khả tri, bài tôn giáo, loại trừ mọi suy tư thần học và hoài nghi các nền tảng siêu hình của triết học cổ điển. Giá trị của triết học tự nhiên bị gạt bỏ một bên. Trong thế kỷ này, khoa học gia nhận thức được những giới hạn của khoa học tự nhiên và có một cái nhìn khiêm tốn hơn về tri thức khoa học.
Sau cách mạng khoa học, triết học tự nhiên có khuynh hướng bị lôi cuốn theo hai thái cực. Một bên chọn quan điểm tiêu cực về khoa học tự nhiên, và đơn sơ loại bỏ mọi khám phá chân thực mà khoa học đã đạt được khi cho rằng chỉ có triết học mới cung cấp tri thức chân chính và phổ quát về thế giới, trong lúc đó khoa học tự nhiên chỉ dựa trên sự quan sát về các hiện tượng bên ngoài. Quan điểm thứ nhì từ bỏ con đường của triết học tự nhiên, cho rằng phương pháp cổ hủ này không còn thích ứng để nghiên cứu thế giới vật chất ngày nay, và khẳng định rằng triết học tự nhiên nên theo đuổi hướng đi của triết khoa học (philosophy of science) nếu muốn tiếp tục tồn tại.
Tuy nhiên, triết học tự nhiên không nhất thiết phải đánh đồng với triết khoa học. Hai môn học thuật này đều có đối tượng mô thể khác nhau. Triết khoa học có trách nhiệm phân tích phương pháp tư duy của khoa học tự nhiên, giá trị tự nhiên của lôgic suy diễn và qui nạp đang áp dụng trong khoa học. Trong lúc đó, triết học tự nhiên, dựa trên các nguyên lý siêu hình và viễn tượng phổ quát và bao hàm hơn khoa học tự nhiên, muốn đạt đến tri thức triết học về thế giới vật chất. Triết học tự nhiên được trao phó trách nhiệm khác với khoa học tự nhiên, đó là cung cấp cho chúng ta tri thức phổ quát về hữu thể vật lý, trong toàn thể phẩm tính căn bản và giới hạn của nó.
Nếu như không có sự mâu thuẫn giữa đức tin và lý trí, thì cũng không có sự mâu thuẫn giữa triết học tự nhiên và khoa học tự nhiên. Cả hai đều diễn tả chân lý về hữu thể vật lý, một thực tại mà không một loại ngôn ngữ nào có độc quyền thể hiện cách hoàn toàn và đầy đủ. Cả hai đều cần lẫn nhau. Nhà vật lý mô tả hoạt động hay thay đổi của thực thể vật chất bằng những lượng tính chính xác. Triết gia tự nhiên nhìn chuyển động của thực thể vật chất như là trường hợp đặt thù nói lên yếu tính của hữu thể vật chất. Nhà vật lý lưu tâm về tính của chuyển động của vật thể tại đây và lúc này, nhà triết học chú tâm về chuyển động như là một khả tính của hữu thể vật chất. Triết học tự nhiên luôn theo dõi những khám phá mới của khoa học tự nhiên hầu để học hỏi thêm về những căn tính sâu sắc nhất của vũ trụ vật lý.
Trong mối tương quan giữa con người và vũ trụ, tôn giáo cho rằng con người là trung tâm của một vũ trụ được tạo dựng bởi Đấng Tạo Hóa tốt lành. Tôn giáo đã tìm cách lý giải cho sự có mặt của sự dữ (thiên tai, bệnh tật, đau khổ) trong khi bảo tồn tính toàn năng và toàn thiện của Thiên Chúa (thần lý học). Mặt khác, khoa học tự nhiên xem vũ trụ như là một phòng thí nghiệm vĩ đại để con ngưởi tìm hiểu và khám phá các qui luật tự nhiên. Vũ trụ là một cổ máy phức tạp, điều hành theo các nguyên tắc có sẳn, và vô tư và vô cảm trước hạnh phúc của con người. Sự hiểu biết về thế giới vật lý mà khoa học tự nhiên ngày nay đã đạt đến cao độ phức tạp và đa dạng ngoài tầm nắm bắt của bất cứ một môn khoa học chuyên biệt nào.
Tuy nhiên, tri thức khoa học về thế giới vật lý không chỉ là tri thức độc nhất về thế giới. Trí tuệ con người không chỉ thỏa mãn với tri thức khoa học mà còn muốn vươn lên hơn nữa. Trí tuệ con người hầu như đã được tạo thành để vượt qua giới hạn của thế giới khả giác. Triết học tự nhiên có trách nhiệm thỏa mãn các nhu cầu này của trí tuệ. Triết học tự nhiên không thể dừng chân với những gì khoa học tự nhiên cung cấp. Tri thức làm cho triết học tự nhiên hãnh diện phải là tri thức đem đến sự ngạc nhiên về hữu thể vật chất, trong muôn vàn cách thể hiện của nó nhưng lại tuân thủ theo một trật tự của vũ trụ vật lý, vốn làm cho chúng ta phải tự hỏi về nguốn gốc và cứu cánh của mọi sự tồn tại. Đó chính là mục tiêu cuối cùng của triết học tự nhiên.
[1] Xem: Triết Học Tự Nhiên, Joseph Tân Nguyễn, ofm. Học Viện Phanxicô, 2020.