Tiểu Luận Triết Học: Năng Động Tính Của Chân Lý

Thu,19/09/2024
Lượt xem: 641

Mục Lục

Dẫn Nhập                                           

I.      Những Nẻo Đường Chân Lý                                  

1.     Định nghĩa                                                                   

2.     Chân lý nơi một số nền tư tưởng, tôn giáo                       

 

3.     Đức Giêsu Kitô, Chân Lý mang phẩm chất năng động của Ngôi Vị                     

II.    Tính Cách Năng Động Của Chân Lý                            

1.     Chân Lý vô hạn đi vào hữu hạn                                       

2.     Chân Lý tràn đầy quyền năng nội tại                                

3.     Chân Lý dẫn thế gian vào vinh quang                              

III.   Tình Yêu, Phẩm Tính Hoàn Bị Của Chân Lý               

1.     Nội tại của Chân Lý là Tình Yêu                                       

2.     Tình Yêu thúc đẩy con người bước ra thế giới                   

3.     Đức Ái thánh hóa thế gian 

Kết Luận                                                                            

Dẫn Nhập

Quẩn quanh nơi vòng cơm áo, người đời như bị các giá trị thế tục che khuất tầm nhìn. Cái trần trụi của kiếp nhân sinh đã đưa đẩy con người đến với lọc lừa, dối trá và gian tham. Thế giới như đang quay cuồng trong mớ hỗn độn thật giả. Sự thật đôi khi chỉ là một điều gì đó tầm thường. Giả dối đôi khi là một thú vui tao nhã. Sự thật đôi khi bị đóng khung trong sự giả dối. Giả dối đôi khi mặc lấy sự thật, để rồi ngạo nghễ với đời. Điều đó như một bệnh lý đang mơ ngủ mà chưa được đánh thức trong cơn mê sảng. Nó thôi thúc trong ta một cuộc canh tân cho những giá trị làm nên cuộc sống này: Sự thật có từng tồn tại? Lòng người có dám đối diện với những gì xem ra là công chính mà nay đã bị bóp méo giữa dòng thế tục hôm nay?

Từ cổ chí kim, con người vẫn luôn miệt mài lữ hành trên con đường tìm kiếm chân lý. Bao nền tư tưởng, bao nền văn minh đã đi qua và để lại vô vàn hoa trái mang đậm ‘những dấu tích’ của sự thật: Sự thật không nằm ở một thế giới đóng khung, mờ tối và lạnh lẽo; Sự thật cũng chẳng thuộc về đám đông khi mà nó đòi hỏi người ta phải đánh đổi một cái giá để có thể đạt đến, ngay cả mạng sống mình; Sự thật là ánh sáng thật, có sức chiếu tỏa cái thật và làm cho vạn vật cũng hiện diện cách chân thật. Chỉ nơi sự thật, con người mới được giải thoát, vạn vật mới tìm thấy được căn nguyên và thế giới mới tìm ra câu trả lời. Tuy nhiên, liệu có tồn tại quan niệm sự thật đi tìm con người không? Nếu là một áng tư tưởng vĩ đại, thì sự thật chắc phải là một hành trình tìm kiếm; Nếu là chiều sâu vô lượng của một ‘ngôi vị’, thì nội tại sự thật tràn đầy vô vàn phẩm tính của sự năng động. Chỉ khi con người biết ngụp lặn thật sâu trong thiện chí, sự thật mới được bắt đầu.

Chân lý xét như là điều gì, thì vẫn luôn nằm im để con người tìm đến mà chiếm lấy; Chân lý xét như là ‘con người’, xét như là ‘ngôi vị’, thì lại lại chủ động tìm kiếm con người. Chân lý mà con người đi tìm, thì im lìm bất động mà tỏa hương thơm ngào ngạt; Chân lý đi tìm con người, thì lại dư dật tính năng động nội tại để mang hương thơm ngào ngạt đến cho con người. Đó là thứ Chân Lý mà Kitô giáo muốn nói đến. Phải chăng, điều này là một sự mẫu thuẫn, là một quan niệm nghịch lý? Bài viết này sẽ là một câu trả lời ngắn cho một vài nghi vấn trên:

Chương I. Những nẻo đường chân lý: Đây là phần diễn tả những quan điểm khác nhau về chân lý của một số triết gia; một số nền tư tưởng, tôn giáo tiêu biểu, đại diện là ‘Tam giáo đồng nguyên’. Nhờ những quan điểm này, chúng ta sẽ nhận ra ‘giá trị nền tảng’, cũng như chân nhận sự ‘độc đáo’ của Chân Lý Kitô giáo. Chương II. Tính cách năng động của Chân Lý: Đây là phần trọng yếu diễn tả sức sống nội tại của Chân Lý theo dòng lịch sử nhân loại. Chân Lý đó không ngừng biểu lộ phẩm vị tuyệt diệu của mình là Nguyên nhân và là Cứu cánh của thế giới vạn vật. Chương III. Tình Yêu, phẩm tính hoàn bị của Chân Lý: Đây là phần chóp đỉnh nói lên tính cách năng động viên mãn của Chân lý. Tình Yêu là khuôn mặt, là tiếng nói, là sức sống và là lý tưởng hoàn bị của Kitô giáo.

INhững Nẻo Đường Chân Lý

1Định nghĩa

‘Năng động’ là có thể chuyển động, đạt được. Hay, ‘năng động’ là có tác động tích cực làm biến đổi thế giới xung quanh. ‘Năng động tính’ là sự hoạt động tích cực do bản thân tự thúc đẩy mình. 

‘Chân’ là thật. ‘Lý’ là lẽ phải. ‘Chân lý’ là lẽ thật. ‘Chân lý’ là lẽ thật vốn có một khách quan. Người ta phải nhìn nhận nó, không tùy thuộc vào sở thích hay ý muốn cá nhân. Chân lý hay đức chân thật cốt tại việc con người tỏ lộ chính mình cách thành thật trong lời nói và việc làm, không dối trá hay giả hình. 

Từ thời Cổ Đại, con người đã không ngừng cho thấy niềm khao khát tìm kiếm chân lý của mình. Sự ngạc nhiên và tính tò mò của con người đã khơi mở bao niềm cảm hứng cho những nỗ lực tìm kiếm chân lý. Đại diện cho thời đại này có Parménides với câu hỏi: Các sự vật thực sự là gì? Với ông: “Chân lý là esse – chân lý là hữu thể”. Nghĩa là, “bất cứ cái gì tồn tại đều phải tồn tại tuyệt đối hoặc hoàn toàn không tồn tại” – cái gì là chính nó chứ không phải là cái khác. Với quan điểm này, Parménides đã chỉ ra rằng: “Sự thật ấy chính là sự tồn tại có đó nơi sự vật”. Do đó, cái hiện hữu là cái tuyệt đối, hiện hữu là sự thật và mọi sự đều tràn đầy hiện hữu.

Bước qua thời kì Kinh Viện, thánh Tôma Aquinô đã chỉ ra quan điểm của người khi nói về sự thật mà chưa nài đến mặc khải Kitô giáo: “Chân lý là sự tương hợp giữa sự vật và trí khôn” (verits est adaequatio rei et intellectus). Nghĩa là thực tại trong nhận thức của con người đúng như chúng tồn tại nơi thực thể khách quan. Hay chăng, khi lý trí con người phản ánh sự vật đúng như nó là, thì lúc ấy con người tìm được chân lý.

2Chân lý nơi một số nền tư tưởng, tôn giáo

Ghi dấu nơi các hệ tư tưởng hay nơi các nền tảng giáo lý của các tôn giáo, Mầm Thiện (Chân lý) luôn được diễn tả cách sống động với đầy đủ những sắc thái khác biệt. Tuy nhiên, với mỗi nền văn hóa khác nhau, mỗi hệ tư tưởng khác nhau, mỗi tôn giáo khác nhau… lại xem chân lý của mình mới thật là chân lý mà nhân loại phải đạt cho được, hiểu cho thấu, nắm cho chắc. Liệu rằng, có một thứ Chân Lý nào là Chân Lý của mọi chân lý không? Chân lý được xét là điều gì hay được xét là ai?

Với Phật giáo, chân lý được Đức Phật gọi là ‘Tứ Diệu Đế’ hay còn gọi là ‘Chân lý Cao Diệu’. Tứ Diệu Đế ấy chính là bốn chân lý về: Khổ, Nguồn gốc của khổ, Diệt khổ và Nhập đạo. Đó chính là nền tảng cốt lõi của Giáo pháp, là trái tim của Đạo Phật. Chân lý ấy là hướng đích về một nền tảng vững chắc để con người tự tìm ra và níu giữ con đường giải thoát cho chính mình. 

Với Nho giáo, chân lý là ‘Thiên Mệnh’. Thiên Mệnh là nguyên lý để xây dựng đời sống con người đi tới chỗ an hòa nhu thuận. Con đường đó là con đường thành nhân và thành đạo dẫn con người đến Tâm học là cái học cao trọng nhất của Nho gia. Nếu nhân sinh học là cái học căn bản để thành nhân, thì cái học về Tâm linh là cái học cao cả để trở thành quân tử, thành thánh hiền. Nó dẫn con người tiến vào tâm linh và đắc đạo tâm linh. 

Với Lão giáo, chân lý là ‘Đạo’. Đạo là đường, là nguyên lý dẫn dắt con người và vạn vật. Đạo chất chứa thành tố của đạo lý và siêu hình. Đạo là nền tảng của sự tối cao làm nên nguyên lý của trật tự vũ trụ. Đạo là thứ mà ta có thể thấy và cũng có thể không thấy vì nó là nguồn và là tạo hóa của thực tại. Trước khi có vũ trụ đã có Đạo. Đạo xuất hiện ở khắp nơi, mang cấu trúc đơn giản, không có giới hạn và đặt muôn sự theo thứ bậc để nó vượt trên tất cả.

 ‘Tứ Diệu Đế’ của Phật giáo, ‘Thiên Mệnh’ của Nho giáo hay ‘Đạo’ của Lão giáo xét như là ‘điều gì’, thì quả thật chúng đã cho thấy giá trị phong nhiêu sâu xa, bởi đã được rút ra từ những nền triết lý nhân sinh uyên thâm và sâu sắc, từ những nhà tư tưởng đã vươn tầm trí huệ và từ những tinh hoa trác tuyệt của trí tuệ nhân loại. Chúng đã mang những luồng sức mạnh để giải thoát con người khỏi ách nô lệ của sự vô minh là sự dốt nát, u mê, tham lam, dục vọng, thế gian, xác thịt… Những nền tư tưởng đó đã cắm rễ sâu trong các nền văn minh của nhân loại, trong những nét văn hóa đậm đà bản sắc thiện mỹ và trong chính những nhận thức của bao lớp người muôn thế hệ. Và quả thật, những chân lý kia đã kiến tạo nên một thế giới mang âm hưởng đến từ trên cao. Dẫu vậy, nếu những chân lý kia xét như là ‘ai’, thì lại là một điều nghịch lý. Một mặt nào đó, chúng chỉ là những giáo thuyết, mang âm hưởng từ trên cao, tuy nhiên lại không thể biểu hiện năng động tính nội tại của chính mình được. Mặt khác, chúng không được cấu tạo là một ‘ngôi vị’ mang bản tính nhân linh hay thần linh. Cho nên, những chân lý đó chỉ giải thoát con người bằng cách vạch lối để khách thể tự thân vận động, nhưng chúng lại không là lối đi cũng không phải là kẻ dẫn lối để trở nên nguyên nhân cứu cánh mang tính cơ động năng. Điều đó chỉ được tìm thấy nơi Chân Lý của Kitô giáo mà thôi. Vậy, Chân Lý đó là gì? 

3Đức Giêsu Kitô, Chân Lý mang phẩm chất năng động của Ngôi Vị

Dọc dài những trang sử của nhân loại, lật dở bao nền văn minh tư tưởng hay truy tìm nơi bao kho tàng giáo lý từ các nền tôn giáo khác nhau hay các nền tư tưởng khác nhau, chúng ta cũng không thể bắt gặp một ai tự xưng mình là ‘sự thật’ ngoại trừ Giêsu của Kitô giáo. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa trần tình: “Tôi là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Liệu rằng, Giêsu tự nhận mình là Chân Lý có đủ căn cứ hay chăng?

Từ thời Cổ Đại, các triết gia tiền Socrates vẫn xem lý tính chính là tính bản nhiên làm nên điều cốt yếu cũng như vị thế trỗi vượt của con người. Lý tính có thể phát xuất từ những nguyên lý, ví dụ như: ‘Nước’ theo quan niệm của Thales; ‘Logos’ theo quan niệm của Heraclite; ‘Hữu Thể’ theo quan niệm của Parménides,… Nghĩa là những nguyên lý tối cao được hiểu như là Logos, Thượng Đế, Đấng Hóa Công hay Nguyên Uỷ. ‘Logos’ chính là thực thế siêu hình để diễn tả hữu thể. Tuy nhiên, nó lại không được diễn tả như một ngôi vị sống động, nhưng chỉ là cái có đó để diễn tả cái có khác mà thôi. Cùng một mạch nguồn suy tưởng, Platon xem sự ‘Thiện’ là cái đem lại ý nghĩa cho sự hiện hữu. Nó ở bên kia thế giới và không thể đồng hóa nó với hữu thể xét như là ‘cái là’, nhưng nó là cái gì trên cao cắt nghĩa cho mọi cái là khả giác. Đó là cái ‘Hữu’ chân thật nhất, đẹp đẽ nhất mà nhờ nó, cái gì thực hữu hay là hữu theo nghĩa đích thực thì luôn ở trong mức độ tham dự ít nhiều vào sự Thiện. Ấy vậy, Hóa Công của Platon lại như một nghệ nhân tuôn trào những ý tưởng về các ý niệm của hữu thể, và mọi vật có thể chuyển động là vì nó thu hút mọi sự hướng về nó. Với Aristote, ‘Động Cơ Đệ Nhất’ (Thượng Đế) là hiện thể thuần túy và là hữu thể theo nghĩa cao nhất và vượt lên trên thế giới. Nhờ vào vị Thượng Đế này, mọi thực thể mới tìm thấy nguyên nhân để giải thích sự hiện hữu cho chính mình cũng như mục đích của sự hiện hữu đó là gì. Dẫu vậy, Thượng Đế của Aristote tuy là nguyên lý, nhưng rốt cuộc là vị Thượng Đế không biết đến thế giới hay bất cứ thực tại nào khác mà chỉ biết tận hưởng và chiêm ngắm chính mình. Cũng thế, Plotin xem ‘Nhất Thể’ là điều tối hậu, nhờ Nhất Thể vạn vật mới được hiện diện trong sự tròn đầy của một bản thể thống nhất mà không bị phân tán. Tuy nhiên, Nhất Thể của Plotin lại thật khó hiểu khi người ta cắt nghĩa về nó, bởi định nghĩa nó không là cái gì, thì dễ hiểu hơn định nghĩa nó là cái gì.

Với Kitô giáo, ‘Logos’ đã vượt ra khỏi sự đóng khung của ý tưởng để khẳng định phẩm vị siêu việt của mình. Mặc khải Kitô giáo đã diễn tả một Đức Giêsu Kitô, Chân Lý ngàn đời:

“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4). 

Logos ấy chính là Ngôi Lời. Vậy, chúng ta phải hiểu thế nào về phẩm vị tuyệt diệu của Logos Kitô giáo? Vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x.St 1), cho nên chúng ta cần hiểu về ‘lời’ của chúng ta trước khi nghĩ về ‘Lời’ của Thiên Chúa. Lời là gì ? Thông thường, chúng ta có sự lẫn lộn khi quan niệm về bản chất của ‘lời’ và ‘tiếng’. ‘Tiếng’ là cái mà tai có thể nghe được. ‘Lời’ là nội dung điều nói hoặc viết nhằm mục đích nhất định. Như vậy, tiếng là một biểu hiện những ý tưởng của lời. Phải có lời trước nơi chủ thể, thì tiếng mới được phát ra. Lời vẫn là thứ trọng tâm của một ý tưởng nhân linh. Nó mang bản chất của những tâm tư, tình cảm, ý muốn, nội tâm và những khuynh năng cốt lõi của lý tính mỗi người chúng ta. Với cách diễn giải này, khi chúng ta nói đến ‘Ngôi Lời’ (Logos) của Thiên Chúa là chúng ta nói đến ‘Thượng Trí’ của Người. Nói cách khác, nói đến Ngôi Lời là nói đến chính Thiên Chúa (bởi Thiên Chúa là Đấng hiện hữu thuần túy, nghĩa là hiện hữu và yếu tính của Người là một), nói đến bản tính thần linh chứ không phải chỉ nói đến ý niệm trừu tượng của triết học hay là một định nghĩa giới hạn nào đó về Thượng Đế. Logos vượt qua sự đóng khung của lý trí con người. Chúng ta như đã hình dung được phần nào đó tính cách năng động sâu xa của Ngôi Lời khi mà: “Ngôi lời đã làm người và sống giữa chúng ta” (Ga 1,8). Logos đã trở nên bản thể khả giác là Đức Giêsu Kitô, một Thiên Chúa làm người, mặc lấy những gì là phong trần nhất cũng như những khả năng siêu việt nhất của con người. Lời mang lấy Ngôi Vị. Điều này đã minh định cho chúng ta về thần tính chân chính của Đức Kitô.

Đức Kitô chính là Ngôi Lời phát xuất từ Thiên Chúa cho nên Người là Thiên Chúa. Người là Thiên Chúa, thì Người cũng là Chân Lý tối cao đầy sống động. Sống động vì Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo và là cứu cánh của muôn loài. Sống động vì Người là Đấng tương quan liên vị với con người và thế giới vạn vật. Triết gia Soren Kierkegaard đã nhận định: “Thiên Chúa mặc khải là một thực thể hiện hữu, nghĩa là có khả năng giao tiếp tương quan với con người cũng như có mối quan hệ trực tiếp với con người”. Cho nên, “Thiên Chúa đã đi vào thế gian để thiết lập tiêu chuẩn chân lý giữa dòng lịch sử nhân loại”. Người là Thiên Chúa thật mang bản tính thần linh; Người là con người thật mang bản tính nhân loại. Từ một Thiên Chúa thuần túy vô hạn nay đã đi vào cái hữu hạn của không gian và thời gian để mặc lấy xác phàm mà biểu lộ chính mình một cách nhãn tiền cho loài hữu hạn. Chân Lý không chỉ là cái ‘Hữu’ vô hình, trừu tượng và xa lạ nữa, nhưng đã trở nên xương thịt con người, sống tương quan liên vị với con người và đi vào quy luật ‘sinh, trụ, dị, diệt’ của kiếp con người.

IITính Cách Năng Động Của Chân Lý

Đức Kitô đã đến giữa thế gian, sống giữa thế gian, nhưng Người không thuộc về thế gian. Người là Thiên Chúa thật, nên Người đến với thế gian; Người là con người thật, nên Người ở giữa thế gian. Phải nói rằng, Đức Kitô đứng cao hơn vạn vật vì là Đấng Tạo Vật, và Người trở nên thấp hơn vạn vật vì tự thân Người muốn như vậy. Phải nói rằng, Chân Lý biểu lộ tính cách năng động của mình bằng chiều đi xuống với biến cố nhập thể, bằng chiều đi lên với biến cố cứu chuộc.

1Chân Lý vô hạn đi vào hữu hạn 

Từ trên cao, Thiên Chúa đã cúi mình xuống thật sâu. Sự cúi mình của Thiên Chúa nói lên Người chẳng phải như vị vương đế chỉ biết ngồi trên ngai mà phán; Người chẳng phải chỉ biết nói lời yêu mà không biết hành động và Người cũng chẳng phải người Cha im lìm không biết tỏ lộ xúc cảm khi nhìn thấy những đứa con mình sinh ra mà nay quằn quoại đau khóc… Phải nói rằng, sự cúi mình của Thiên Chúa đã cho thấy mối tương quan liên vị một cách sâu xa giữa Đấng Tạo Vật và các loài thọ tạo. Thiên Chúa đã cúi mình để “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 14,12); cúi mình để biết thấu cảm với những phận đời ngang trái; cúi mình để biết xót thương chút phận. Cái cúi mình đó không chỉ không làm giảm đi sự vinh hiển nơi Thiên Chúa, nhưng lại càng lột tả cách rõ nét hơn về sự vĩ đại của một Trái Tim chỉ biết yêu và khao khát để được yêu. Điều đó lại giúp cho con người cảm nghiệm cách sâu xa về sự gần gũi của Thiên Chúa trong cái khoảng cách bao la giữa cái hữu hạn và cái vô cùng, cái mà lý trí con người có thể tìm đến, nhưng không thể động chạm đến. Vậy thì, Chân Lý đó đã cúi mình như thế nào?

Chân Lý ấy đã nhập cuộc. Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng: “Chân Lý đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người”. Nghĩa là, Chân Lý không còn chỉ là trực giác thuần túy nữa, không còn là một hành động ý chí thuần túy nữa, hay cũng chẳng còn là một điều gì đó thuần túy như Người từng là nữa. Giờ đây, Chân Lý sống là một con người để ở với con người và đồng hóa với số kiếp con người. Chính cuộc đời của Đức Giêsu đã nói lên tất cả:

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phầm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2, 6 -7).

Người vốn giàu sang phú quý nhưng lại trở nên nghèo hèn túng quẫn để cùng chật vật với người kẻ túng quẫn nghèo hèn (2Cr 8,9). Người vốn uy quyền tự do nhưng phải lang thang tị nạn để cùng lênh đênh với kẻ tị nạn lang thang (Mt 2,13-15). Người vốn đủ đầy nhưng đã trở nên bần cùng để nên gian khổ với người bần cùng khốn tận (2Cr 8,9). Và cũng như thế, Chân Lý đó đã từng hy vọng, phó thác, khóc lóc, vui tươi, mệt nhọc và cũng phải chết đi như quy luật của kiếp người hữu hạn. Thiên Chúa giờ đây có trái tim biết run lên để yêu thương và sợ hãi; có đôi tay ấm biết níu giữ và trao ban; có ánh mắt hiền để thấu cảm và sẻ chia; có đôi vai rộng biết chở che và nâng đỡ. Chân Lý giờ đây vật lộn với nhân sinh.

Chân Lý Kitô giáo không phải là một áng tư tưởng hay một hệ thống triết lý im lìm bất động, nhưng là một con người mang lấy Ngôi vị thần linh với biết bao phẩm chất tôn quý đầy uyển chuyển. Chân Lý đó đi từ cái vô hạn đến cái hữu hạn, đi từ cái thuần túy đến cái khả giác và đi từ cái hiện hữu đến cái tương quan liên vị trong tình yêu. Chân Lý đó không ngừng biểu lộ năng động tính tự thân. Bời vì từ nội tại, Chân Lý đã tràn ngập Thiện-Mỹ. Chân Lý không chỉ là nguyên lý hoạt động, nhưng là sự Sống cho sự tiếp diễn của tồn tại được kéo dài.

Chân Lý đã hiện sinh trước khi con người hiểu về hiện sinh. Chân Lý đã trở nên một con người trần thế và sống như một con người thế trần. “Người đã mang lấy ý nghĩa của cuộc nhân sinh, là con người có xương có thịt sinh hoạt hằng ngày trong xã hội. Con người đó không phải mang nghĩa phổ quát nhưng là một chủ thể, là con người có nhân vị tự do”. Người vượt lên những gì là tạm bợ của sự tồn tại để xây dựng vị thế của mình là ‘nhân linh ư vạn vật’. Nói cách khác, Chân Lý đã biểu hiện vị thế của một con người có lý trí.

Đức Kitô đã hiện sinh theo cách của Người để hoàn thiện con người tính nơi chính Con Người. Chân Lý biểu lộ một hình thức hiện hữu đầy hiện sinh để cùng hiện sinh như và với con người. Trước sự cảm dỗ của sự đói khát, dục vọng, trần tục, thế gian, nói theo ngôn ngữ của Karl Jasper, Người đã cho thấy sự siêu việt nơi con người của Người: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng là nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,1-11). Người đã cho thấy nơi những thiếu thốn của thân xác chỉ được lấp đầy bởi những giá trị tạm thời mà thôi, nhưng con người phải mang lấy vóc dáng của sự vĩnh cửu là những giá trị siêu việt không thể hư nát. Cũng vậy, trước những nghịch lý của cuộc đời, nói theo ngôn ngữ Jean Paul Sartre, Người đã ‘buồn nôn’ với những gì là tầm thường của tính xác thịt và trần thế: “Các ngươi đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16), “Thà nó đừng sinh ra còn hơn” (Mt 26,14-75), “Muôn đời chẳng còn ai ăn trái của mày nữa” (Lc 11,14)… Dường như những lời của Người như lên án những điều xem ra là phi lý, bất công và thấp hèn trong cuộc sống chung quanh chúng ta. Người buồn nôn vì chúng đáng buồn nôn. Ở một góc nhìn khác, Đức Kitô đã tỏ lộ một sự hiện hữu không phải là ‘có đó’ nhưng là ‘đó có’. Nói theo ngôn ngữ của Heiderger: Đức Kitô dự phóng về cuộc lữ hành của mình khi Người tiên báo về cuộc khổ nạn (Lc 9,51), Người nói trước về ngày Thiên Chúa quang lâm (Mc 13,24-32), về sự sống mai hậu (Lc 20,27-38)… Hơn nữa, Đức Kitô là con người hiện sinh bởi chính người biết làm thế nào để đưa mình vào chốn vô cùng. Nói theo ngôn ngữ của Kierkergaad, Người đã nên hiện sinh trước mặt Đấng Tối Cao là Cha trên trời: “Rồi Người lui vào nơi thanh vắng mà cầu nguyện” (Lc 5,12-16), “Lạy Cha, xin tha cho họ vì học không biết việc họ làm” (Lc 23,34), “Một theo ý Cha, đừng theo ý con” (Lc 22,42)… Người đã kết hợp với Chúa Cha trong mọi sự và như thế Người lại nên là chính mình hơn. Có thể nói rằng, Chân Lý đã biểu lộ tính cách năng động bằng một cuộc hiện sinh sống động đậm chất con người nhưng lại vô cùng phong nhiêu. Người đã đi trước loài người trước khi loài người đang mò mẫm trong cuộc nhân sinh này.

2Chân Lý tràn đầy quyền năng nội tại

Năng quyền là sức mạnh nội tại của Chân Lý. Nói cách khác, Chân Lý Kitô giáo đã là như dòng chảy không ngừng. Dòng chảy đó không chỉ quẩn quanh nơi phạm vi nội tại, nhưng là mở ra để đến với vạn vật, tìm đến con người, ở với con người. Xét cho kĩ về phương diện này, chúng ta mới cảm nghiệm một cách sâu xa sứ mạng cứu nhân độ thế của Chân Lý. Quả thật như phần trên, đến với thế gian và ở giữa con người, Chân lý đã biểu lộ một sức sống đầy tính năng động trong cách tương quan và liên đới với thế giới hữu thể. Song, sức sống đó được tỏ lộ cách tột đỉnh nhất ngang qua hành vi cứu chuộc của Người.

Chân Lý đã cứu lấy thế gian trước những gì là hư hoại bởi sự dữ. Khi nói về sự dữ, thánh Augustinô đã quả quyết rằng:

 “Sự dữ là do khuyết thiếu sự thiện”. “Sự dữ nơi thân xác con người ấy chính là sự hư hoại và hư hoại chỉ có ở vật khả diệt mà thôi. Thiên Chúa là sự tốt lành bất diệt và điều gì người muốn đều tốt lành. Nếu có thể bị hư hoại thì không phải là Thiên Chúa”. 

Điều này đã cho chúng ta thấy, muôn vàn sự dữ cũng như vô vàn tội lỗi mà con người phải mang lấy ấy là sự khuyết thiếu Chân Lý ấy thôi. Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27), thì con người cũng được thông dự vào bản tính thánh thiện của Người. Tuy nhiên, vì mang lấy những đổ vỡ năm xưa, con người đã rơi vào tình trạng khuyết phạp, cái tình trạng mà chỉ nơi Thiên Chúa, do Người và nhờ Người, con người mới lấy lại được vị thế của mình. Qua sự dữ, Thiên Chúa biểu lộ quyền năng tuyệt đối của mình. Với biến cố Vượt Qua, Chân Lý ấy đã chiến thắng tử thần, Người đã phá tan mãnh lực của sự dữ thế gian, để rồi tội lỗi, sự chết, đau khổ, thế gian, xác thịt… Người đã mang vào thân thể mà đóng đinh chúng vào Thập Giá. Chân Lý đã dẫn đưa tất cả vào vinh quang của Người theo cách đó đúng như lời tiên báo: “Một khi được cất cao khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” (Ga 12,23). Chân Lý đã kéo mọi thứ lên, Chân Lý đã biểu lộ năng quyền nội tại; Vạn vật được kéo lên, vạn vật mới được thông dự cách tròn đầy. Bởi vì, Người không chỉ là Nguồn, nhưng còn là Cứu Cánh ; Người không chỉ là nơi bắt đầu của vạn vật, nhưng còn là cùng đích của mọi sự. Chừng nào còn sáng tạo, chừng đó còn cứu lấy. Do đó, năng quyền của Thiên Chúa chính là sự biểu hiện sức mạnh nội tại của Người.

Chân lý đã chữa lành và biến đổi thế gian. Chính Đức Kitô đã phán rằng: “Chân Lý sẽ giải thoát các ông” (Ga 8,32), thì những dấu lạ kèm theo đã minh chứng cho năng quyền của Người: kẻ câm được nói, kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy (Mc 1,31-37) và vô số bệnh hoạn tật nguyền đã được cứu chữa. Với nhiều cách thế khác nhau và với nhiều loại bệnh hoạn tật nguyền khác nhau, Chúa Giêsu đã biểu lộ một cách sống động quyền uy của Người trước mọi sự dữ mà con người phải gánh lấy. Song, điều lớn lao hơn cả, Người đã chữa lành và biến đổi tâm hồn cho chính họ nữa. Chân lý đã chữa lành và giải thoát con người khỏi sự nghi ngờ và chất vấn, khỏi hận thù và đau khổ, khỏi tính ích kỷ và tham lam, khỏi sự kiêu ngạo và bê tha, khỏi sự thất vọng và u mê, khỏi những đau buồn và mù lòa tâm linh… Và hơn hết, Chân Lý đã giải thoát con người khỏi tình trạng cũng như hệ quả của tội lỗi. Người đã chữa lành thế gian không phải từ những gì là ma thuật, phù phép đầy hiếu kì, nhưng từ lòng khoan dung tột độ, từ lòng khiêm nhượng thẳm sâu, từ một trái tim khao khát được yêu và từ chính nội tại đầy ánh sáng của Chân Lý Người. Bởi đâu mà Chúa Giêsu làm được những điều như vậy nếu như Người không phải là Thiên Chúa? Bởi đâu Chân Lý đã đẩy lùi sự dữ nếu như Người không đến từ Trời cao? Và bởi đâu Sự Thật lại có năng quyền như vậy nếu Người không mang lấy phẩm vị siêu việt nơi chính mình? Chân lý đã băng bó lại những đổ vỡ năm xưa nơi vạn vật, và nhờ vậy một sự sống mới được khai mở, một niềm hy vọng mới được trao ban và một niềm an ủi được giữ trọn. Vì vậy, tính cách năng động của Chân Lý ấy chính là quyền năng nội tại của Người. “Chính Chân Lý của chúng ta đã hiện xuống đây, đã gánh lấy sự chết cho chúng ta và đã giết nó bằng sự sống dồi dào của Người”.

3Chân Lý dẫn thế gian vào vinh quang

Khi nghĩ về cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, rõ ràng thế gian xem đó là điều quá đỗi vô lý, ảo tưởng và điên rồ. Dân thành Athens đã phải bật cười chế diễu khi Phaolô rao giảng những điều xem ra là nghịch lý đó (Cv 17,23). Vậy thì, Đức Kitô là Chân Lý thật, nhưng Chân Lý mà có thể bị đóng đinh, bị giết chết liệu có được đón nhận hay không? Chân Lý đó liệu có vĩnh hằng? Bởi vì, để định nghĩa được vạn vật, để đảm bảo cho sự vận hành của muôn loài thọ tạo và để giải quyết định mệnh của thế giới hữu thể thì mọi hệ quả đòi buộc phải có một sự toàn hảo, tuyệt đối và hằng hữu của cái làm nên nguyên lý đằng sau. Do đó, nếu Thiên Chúa là nguyên lý của vạn vật, thì Người không thể chết. Chân Lý đòi buộc phải vĩnh hằng. Nếu Chân Lý mà chết đi thì đó không phải là Chân Lý mà chúng ta đang kiếm tìm. Nội tại của Sự Thật có nghịch lý hay chăng?

Năng quyền của Chân Lý trỗi vượt trên tất cả mọi sự, kể cả sự chết. Thiên Chúa là Đấng quyền năng tuyệt đối, cho nên Người có quyền chết đi và cũng có thể lấy lại. Nói cách khác, Thiên Chúa chết đi ấy là một sự biểu lộ tính cách năng động nội tại của Người. Bởi lẽ, Chân Lý đã trở nên Người thật, vì chỉ có nên là người thật thì mới có thể chết thật. Do đó, cái chết của Chân Lý ấy là một biểu lộ tột đỉnh của năng quyền và tình yêu. Điều đó đã được minh định nơi chương trình cứu độ của Người :

“Cũng như mưa với tuyết từ trời sa xuống không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn. Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55, 10-11). 

Điều này chứng tỏ, Chân Lý của Thiên Chúa mang trong mình sứ mạng cao cả từ Trời và sự chết đi là điều Người muốn. Phải nói rằng: Thiên Chúa đã tự ‘chống lại chính mình’ bằng việc chết đi, để nhờ đó tột đỉnh của sứ vụ nhập thể mang lại hoa trái phong nhiêu là ơn cứu độ cho con người. Chân Lý có quyền chết đi, Chân Lý cũng có quyền sống lại để cứu lấy những gì đã chết. Chết đi là một sự biểu hiện mạnh mẽ tính cách năng động của Chân Lý. Nói cách khác, Chân Lý chết đi chính là lúc đời sống chúng ta được bắt đầu.

Chân Lý dẫn thế gian vào vinh quang Nước Trời. Nếu nói rằng chết là hết thì chúng ta không còn gì bàn luận ở đây nữa. Chân Lý Kitô giáo không phải vậy, đã chết đi nhưng nay đã sống lại (Mt 28,1-8), sự chết không có quyền gì trên Chân Lý ấy (1Cr 15), bởi vì Người đã phục sinh (Ga 11,24). Phục sinh chính là lời giải đáp cho mọi nghịch lý, mọi thắc mắc hư ảo và mọi thứ khôn ngoan của thế gian. Chính Chân Lý đã bày tỏ chính mình rằng: “Ngày nào các người treo Ta lên cao”, các ngươi sẽ nhận biết Ta là ai (Ga 8,30). Nghĩa là, ngày nào thế gian đóng đinh Chân Lý và treo thân Người trên cây khổ giá thì khi đó thế gian mới hiểu ra rằng: “Ta là Đấng Ta là - Chân Lý là Đấng Hằng Hữu” (Xh 3,14). Vì lẽ này, Chân Lý phục sinh thì cũng đồng nghĩa với việc Chân Lý tỏ lộ năng quyền cứu nhân độ thế của mình. Chân Lý đồng một trật là Thiên Chúa thật và là con người thật nên sự phục sinh cũng đồng đồng một trật là sự sống lại của một Thiên Chúa thật và của con người thật. Người về trời (Lc 24,46-53) ấy là Lời đã hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó. Thánh Phaolô quả quyết rằng:

“Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc ngàn thu trong Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1Tx 4,14).

 Vì vậy, Chân Lý khai mở một Trời mới Đất mới, dấn đưa cái hữu hình đi vào cái vô hình, cái hữu hạn đi vào cái vô cùng. Người phục sinh chính mình thì Người cũng cho phép chúng ta được phục sinh vinh hiển như Người. Nhờ đó, chúng ta được thỏa mãn về nỗi niềm cứu cánh của cuộc đời; thỏa mãn sự đói khát về hiểu biết đằng sau sự sống và cái chết; thỏa mãn một Chân Lý toàn vẹn là câu trả lời hoàn bị cho tất cả mọi nghi vấn.

IIITình Yêu, Phẩm Tính Hoàn Bị Của Chân Lý

Hơn 2000 năm qua, Tình Yêu Kitô giáo vẫn luôn được rao giảng, được làm chứng tá cách sống động giữa lòng thế giới. Tình Yêu đã cứu lấy thế giới bằng giá máu của mình. Tình Yêu đã không còn là cái gì đó mờ ảo đầy mộng mị trên thế giới này nữa. Tình Yêu đã đến thế gian với một thế giá và một sứ mạng đầy uy quyền, được diễn tả một cách minh thị và chân thực, được biểu lộ một cách sâu xa về nguồn gốc xuất thân cũng như cùng đích của mình. Tình Yêu đến từ Trời cao.

1Nội tại của Chân Lý là Tình Yêu

Cũng bởi đã ngụp lặn quá sâu trong sự Thiện tối cao, thánh sử Gioan đã diễn tả về Ngôi Lời một cách cao thâm nhưng lại rất gần gũi, huyền nhiệm nhưng lại rất thân quen. Cũng vì lẽ đó, trong thư thứ nhất của mình, thánh nhân đã gói trọn gia tài Nước Trời mà rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Song, Thiên Chúa cũng là Chân Lý, cho nên Tình Yêu cũng chính là Chân Lý. Nơi Đức Kitô, Tình Yêu được diễn tả một cách tròn đầy, sống động và toàn thiện.

Bản chất nội tại của Chân Lý ngôi vị là Tình Yêu. Chúng ta hiểu rằng, bản chất là tình yêu, cho nên nội tại đó đòi buộc phải có một nguyên lý. Bởi vì, Tình Yêu tự bản chất chính là tương quan để đi ra khỏi mình và đến với; Tình Yêu là nguồn sức sống tạo nên nguồn cảm hứng cho cuộc đời; Tình Yêu có sức mạnh làm thay đổi số phận… Quả thực, Mầu nhiệm “Một Thiên Chúa Ba Ngôi” đã nói lên nội tại sâu xa của Tình Yêu Thiên Chúa.

“Chúa Cha ở trong Tôi và Tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 19,38), “Thánh Thần ở trong Cha và Con” (Ga 15,26), “Con cũng ở trong Thánh Thần” (Lc 10,21). Như vậy, “Ai nhìn thấy Chúa Con là nhìn thấy Chúa Cha” (Ga 14,7), “Ai vâng lời Thầy là vâng lời Đấng đã sai Thầy” (Ga 12,44).

Kitô giáo là tôn giáo độc thần, tuy nhiên độc thần ở đây không phải như một ‘khối’ đá. Nghĩa là Thiên Chúa Ba Ngôi nói lên nơi chính Người đã có một mối dây liên đới vô cùng bền chặn, sự tương quan vô cùng mật thiết và sự hiệp thông vô cùng liên lỉ, đến nỗi: ‘đụng’ tới Cha là ‘đụng’ tới Con; ‘đụng’ tới Con là ‘đụng’ tới Thánh Thần; ‘đụng’ tới Thánh Thần là ‘đụng’ tới Cha. Giữa Ba Ngôi là sự đan quyện nên một trong Tình Yêu. Do đó, ‘đụng’ tới Chân Lý là ‘đụng’ tới bản chất nội tại là Tình Yêu Thiên Chúa. Vì vậy, phẩm vị cao quý của Chân Lý là hiện hữu trong chính nội tại đầy năng động của Thiên Chúa ấy thôi.

Tình Yêu mang bản chất tương quan, cho nên sáng tạo là một biểu hiện của hành vi tương quan. Khái niệm ‘sáng tạo’ của Kitô giáo là một đóng góp vô cùng to lớn cả về mặt thần học lẫn triết học. Với Platon, ý niệm ‘Thiện’ thì nằm im lìm mà mọi thứ càng xa sự Thiện thì càng bớt đi sự hoàn hảo. Mọi thứ luôn hướng về cái Thiện còn cái Thiện thì chẳng màng chi mọi thứ kia. Thiện chẳng màng chi sự xuất thân hay số phận của vạn vật. Với Aristote cũng vậy: ‘Động Cơ Đệ Nhất’ cũng chẳng đụng chạm chi đến sự sinh tồn của vạn vật mà chỉ hướng về bản thân mình và tự chiêm ngắm chính mình mà thôi. Với Kitô giáo, Thiên Chúa là Đấng đầy uyển chuyển và năng động trong tương quan: “Thiên Chúa phán liền có mọi sự (St 1,1-10). Người hành động chứ không phải im lìm. Cũng thế, Người đã nắn ra con người (St 2,7), trò chuyện với con người (St 3), giáo dục con người (St 3-4). Bởi bản chất là Tình Yêu, Thiên Chúa không thể không tương quan. Tương quan chính là một biểu hiện tròn đầy tính cách năng động của Thiên Chúa.

Yêu là nhập cuộc. Chân Lý đã đến với thế gian với hết tất cả nội tại của mình. Tình Yêu Thiên Chúa sống giữa thế gian một cách trần trụi, phong trần và chân phương. Nó không phải như thứ gì đó thực thực hư hư, nhưng là một Tình Yêu, một con người thực sự. Người nhập cuộc nhưng Người không đến như một vị vương đế đầy uy quyền hay như một lãng khách đầy vẻ phong lưu. Người nhập cuộc bằng con đường khổ giá. Người đã dùng giá máu để cứu chuộc, đã dùng cái chết để đổi lấy và đã dùng Trái Tim bị đâm thâu mà ôm trọn thế gian vào lòng. Như chính lời Người đã phán quyết: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,7-19). Đó như là lời tuyên bố tột đỉnh của Tình Yêu. Chỉ khi thực sự yêu và yêu tột cùng thì người ta mới dám xả thân vì người mình yêu. Và, tình yêu của Đức Kitô là vậy, đã chết đi mà không luyến tiếc; đã cho đi mà không đắn đo; đã tự hiến mà không bị ai ép buộc. Tất cả chỉ vì yêu và được yêu. Tình Yêu đó cứu lấy những gì đã mất, biến đổi những gì đã hư hoại và dấn đưa đến sự sống mới trong chính Tình Yêu. “Ta đến để các con được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Tình Yêu tự thân mang lấy sức mạnh biến đổi và hoán cải nhân loại. Chính Đức Kitô đã quả quyết rằng: “Chân Lý sẽ giải thoát anh em (Ga 8,32), thì chúng ta chân nhận rằng, Tình Yêu là con đường giải phóng cho chúng ta. Như đã nói ở phần trước, Thiên Chúa không phải là Đấng chỉ biết đứng ở trên cao mà ngỏ lời yêu thương, nhưng là Đấng nhập cuộc vào hành trình yêu thương để cứu rỗi nhân loại. Nếu Thiên Chúa chỉ sáng tạo rồi bỏ bê ở đó, thì Tình Yêu của Người có chừng có hạn thôi sao? Nếu Thiên Chúa chỉ sinh ra mà không cứu lấy, thì phải chẳng quyền năng của Người chưa thực là vô tận? Nếu mọi sự là điều tốt lành dưới bàn tay của Đấng Sáng tạo mà lại trở nên hư vô, thì phải chăng công nghiệp của Người quá phi lý và bất công?... Và còn vô vàn lý lẽ để chứng minh cho lý tính chúng ta thấy rằng: Thiên Chúa không tự chống lại chính mình trong cái vô luân, không nghịch lý với chính mình trong ý tưởng và không trái ngược với chính mình trong mọi hành động. Có sáng tạo thì có hiện hữu, có hiện hữu thì có tốt lành và có tốt lành thì có hoàn thiện. Người đã sinh ra vạn vật thì Người cũng cứu lấy vạn vật.

2Tình Yêu thúc đẩy con người bước ra thế giới

Năng động tính của Chân Lý không chỉ là sự phản ánh bên ngoài chúng ta, nhưng còn là đi vào nội tại của mỗi con người. Chân Lý không ngừng uyển chuyển. Như một tòa lâu đài, ánh sáng có thể đi từ ngoài vào trong làm cho giá trị hiện hữu của nó được nhân lên. Ánh sáng cũng có thể đi từ trong ra ngoài làm cho sự hiện hữu bộc lộ chiều sâu nội tại. Theo hai cách đó, Chân Lý đã tác tạo để mặc cho con người một sự hiện diện cao quý làm nên phẩm vị tuyệt diệu đi từ ngoài vào trong. Chân Lý cũng trở nên mạch nguồn nội tại để lan tỏa sức sống bên trong diễn tiến sống động ra bên ngoài. Bởi vì, “các vị sáng lập tôn giáo chỉ dừng lại ở việc đưa ra một mẫu gương, còn Đức Kitô không chỉ nêu gương, Người còn ban ân sủng”. Nghĩa là Chân Lý không ngừng tác động. Chân Lý không đứng yên. Chân Lý là Tình Yêu.

Tình Yêu thúc đẩy chúng ta ‘đi ra’. Đức Kitô đã đi ra từ nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi. Lời đã đi ra từ Thượng Trí của Thiên Chúa. Vì thế, Người cũng muốn dẫn chúng ta đi ra từ nội tại của chính mình. Người là Chân Lý nên người không thể chối bỏ phẩm tính cao quý của mình. Phẩm tính cao quý đó tự thân là nguyên lý của mọi chuyển động. Và, mọi chuyển động không thể thiếu Chân Lý là Nguồn. Thánh Phaolô quả quyết rằng: “Tôi sống nhưng không phải là tôi mà Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nghĩa là, Tình Yêu Đức Kitô sống trong đời sống của chúng ta và chính Tình Yêu đã biến đổi, hoán cả và thánh hóa chúng ta, làm cho chúng ta nên mới trong một bản thể không thay đổi. Có thể nói rằng: Tình Yêu giúp chúng ta đi ra  không nằm trong thế tự thân nữa, chúng ta không còn rơi vào tình trạng cá nhân chủ nghĩa nữa, mà giờ đây chúng ta là những con người mới, những bản thể được tân trang bởi một sinh khí mới và đầy những tinh thần quảng đại. Đi ra là chúng ta không sống trong chủ nghĩa của khoái lạc, hưởng thụ và trần tục, mà đó là một sự canh tân đời sống nội tâm và đổi mới nhân đức. Đó là một sự gọt a tỉ mỉ những thói hư tật xấu, những biến thái của tâm hồn và những nếp sống thô tục thấp hèn. Đi ra là một cánh cửa mới để chúng ta vươn mình tới nơi những phương trời đầy hứa hẹn.

Tình Yêu thúc đẩy chúng ta ‘ra đi’. Ra đi là lên đường. Ra đi là loan báo niềm vui ơn cứu độ. Ra đi là đến với tha nhân, đến với thiên nhiên vạn vật. Đức Kitô đã phục sinh và lệnh truyền của Người còn vang vọng: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Việc chúng ta đi ra là một bổn phận và việc chúng ta ra đi là một sứ vụ. Như Đức Kitô luôn sống tinh thần dẫn thân: “Tôi phải tiếp tục đi” (Lc 13,33), thì Thánh Phaolô lại sôi sục tiếp nối tinh thần đó: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi, đi làm Tông đồ cho Chúa” (2Cr 5,14), ngõ hầu “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 15,12). Ra đi không có nghĩa là chúng ta đi đâu đó xa xôi, nhưng là ra đi nơi chính đời sống mỗi cá nhân và gia đình của mình, ra đi nơi chính hiện tại của đời sống mình, nơi chính con tim và hơi thở, nơi những ý tưởng và khát vọng… Nghĩa là mỗi chúng ta tự nhìn về đời sống thực tại của mình để ra đi cho chính bản thân mình, ngõ hầu tìm về những giá trị đưa tới cứu cánh cuộc đời. Song, điều đó cũng giúp chúng ta xây dựng mối dây liên đới giữa người với người, quốc gia với quốc gia, dân tộc với dân tộc. Ra đi, một hành động hòa bình.

Như chính Chân Lý đã chạnh lòng thương bao người đói khát (Mc 8,2), khóc than bao kẻ phải chết đi (Lc 16,19-31), đồng cảm với người bị bỏ rơi, hay nhìn về phận người mà động lòng trắc ẩn (Lc 13,31-35)…, thì Người cũng muốn thúc đẩy chúng ta biết cách ra đi như Người. Người dạy chúng ta học cách ra đi để hướng tới chứ không chỉ quẩn quanh nơi chính mình. Sự hướng tới đó biểu lộ bằng hành động chứ không phải chỉ là một cái nhìn thoáng qua. Như chính Người đã không ngừng hành động, thì Người cũng muốn chúng ta diễn tả sự sống động đó trong các mối tương quan liên vị, bởi vì mỗi chúng ta đã được ghi dấu Mần Chân Lý một cách sâu đậm trong lòng. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có đôi lời trần tình rằng:

“Không đau khổ lấy chi làm chất liệu

Không buồn thương sao biết chuyện con người

Không nghèo đói làm sao thi vị hóa

Không lang thang sao biết gió mưa nhiều

Không hổ thẹn sao biết đời vinh nhục

Không đau buồn sao biết nghĩa gian nan

Không yêu thương sao biết sầu ly biệt

Không hiểu thảo sao biết đạo làm người”.

Phải chẳng, sự ra đi là một điều gì đó thật đáng lưu tâm trong thế giới hôm nay, khi mà cái đa phức của cuộc sống đòi hỏi người môn đệ phải dấn thân tuyệt đối? Không có những chất liệu của tinh thần ra đi, chúng ta không thể biểu lộ tình yêu của Chân Lý; Không có một trái tim tràn ngập Chân Lý, chúng ta không thể sống chứng tá cho niềm tin; Không làm nên một với Đấng Tình Yêu, chúng ta không thể nên một với nhau giữa dòng đời. Ra đi là vào đời. Ra đi là hành trình mang yêu thương đến với những người đói vật chất, khát tinh thần; mang niềm vui phục sinh cho những người đã và đang đánh mất hy vọng về cứu cánh cuộc đời, cho một thế giới đang chiến tranh, hận thù và đau khổ. Ra đi là để bảo vệ mẹ thiên nhiên, để thực thi sự làm chủ đích thực của loài người và để nắn lại lương tâm, lương tri, lương năng nơi lòng người khô cứng. Mỗi sự ra đi là mỗi niềm hy vọng, mỗi niềm hy vọng là mỗi niềm hân hoan.

3Đức Ái thánh hóa thế gian

Tình Yêu thánh hóa lòng người nhân thế. Sinh ra giữa kiếp bụi trần ai mà không phải ít nhiều đau khổ, ai mà không phải ít nhiều đắng cay. Ấy vậy, có số phận nào giống số phận nào: Người thì giàu nứt đổ vách, kẻ thì nghèo rớt mồng tơi; Người thì huy hoàng sáng láng, kẻ thì bần cùng khốn tận. Công đồng Vaticano II đã khẳng định rằng: “Không có gì liên quan đến nhân loại mà không có tiếng vang trong cõi lòng các tín hữu”. Quả thực, giữa những khung cảnh bi ai của chiến tranh, giữ những cảnh chết chóc của hận thù và đau khổ, hay giữa những vết thương lòng của những ghen tương và ích kỉ, chúng ta như nghe được những nài nỉ than khóc của những phận người đang sống trong cảnh lầm than, những số kiếp đang phải kêu gào vì những bất công ngang trái giữa đời. Qua ngôn sứ Edekiel, Thiên Chúa phán rằng:

Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt” (Ed 36,26). 

Thiên Chúa đã đặt quả tim mới là Tình Yêu của Người nơi từng con người cụ thể là chúng ta, để rồi cứ thế mà biến đổi thế gian. Tình Yêu đó thức tỉnh lòng nhân ái của đồng loại; thôi thúc một cuộc hoán cải tận căn cõi lòng nhân thế; gột rửa những chai sạn nơi trái tim đã hoen rỉ và thanh tẩy những vết nhơ của lòng người ngây dại. Tình Yêu cứ thế tái thiết một nền văn minh tình thương đậm đà giữa lòng thế giới; kiên cố một nền công lý toàn thiện và phổ quát; xây đắp một nền hòa bình chân chính và đích thực. Tình Yêu làm nên chất liệu trong các mối tương quan giữa con người với con người, con người với Thượng Đế và con người với thiên nhiên vạn vật.

Lòng người hoán cải, thế giới đổi thay. Mầm Chân Lý đã được gieo trong các nền văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, thì Mầm Chân Lý cũng được gieo nơi trái tim con người. Thế giới hôm nay có trở nên tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào những giá trị yêu thương mà con người trao ban cho nhau và trao ban cho thế giới vạn vật. Điều đó còn phụ thuộc vào chính khả năng yêu thương của mỗi người chúng ta nữa. Chân Lý đi qua đời ta để lại gì? Chân Lý đã được mời ở lại hay Chân Lý tựa bóng câu vội vàng rồi vụt mất? Chân Lý có còn sống động trong đời sống của chúng ta nữa không? Giữa biển đời lênh đênh này, ta có nhận ra Chân Lý thật hay ta chỉ mải mê vào thế sự nổi trôi để rồi bị cuốn vào vòng thật giả? “Nếu con người sống mà không có Chân Lý, thì cuộc đời sẽ trôi dạt và cuối cùng chân lý sẽ thuộc về những ai mạnh thế hơn”. Vì thế, tất cả cũng chỉ là tương đối, mờ mờ ảo ảo, chẳng thật cũng chẳng giả, cần mà cũng chẳng cần chút gì… Mượn lời của nhà thơ Xuân Nam xin ngỏ ý:

“Nửa cốc nước đủ làm vơi cơn khát

Nửa vầng trăng đủ cho kẻ mộng mơ

Nửa ‘sự thật’ không còn là sự thật

Và tình yêu không một nửa bao giờ”.

 Kết Luận

Một vài ý tưởng nghèo nàn trên chắc có lẽ sẽ không thể diễn tả hết chiều sâu và chiều rộng của Chân Lý. ‘Chân Lý vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy cho mãi đến muôn đời’ (Hr 13,8). Nói sao cho phải vẻ đẹp sâu xa của Chân Lý; nói sao cho đành sự khôn thấu đầy uy quyền của Đấng Sáng tạo; nói sao cho hết sự tròn đầy của Tình Yêu thiên thượng. Chân Lý đó vẫn tiếp tục uyển chuyển với tính chất năng động của mình mà tự thân đã là như vậy. Như lời của đại thi hào Dante Alighieri:

“Ôi lưỡi phàm nhân bấy lời khôn tả thấu

Như trẻ thơ no sữa mẹ ê…a…

Tưởng nói nhiều như ‘cưỡi ngựa xem hoa’

Đúng như tôi tỉ tê về Tuyệt Đối”.

Quả thực, tỉ tê về Tuyệt Đối giống như ‘cưỡi ngựa xem hoa’ vậy. May chẳng, chúng ta mới chỉ biết đến đó mà không thể biết thêm, như lời thánh Gioan trần tình: “Còn có nhiều điều khác Ðức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21,25). Chừng đó thôi cũng đủ để cho ta nhận ra cái giới hạn của kiếp con người so với cái vô hạn của Đấng Tình Yêu. Chân Lý đã là như dòng sông không ngừng chảy để dung dưỡng cho thế giới vạn vật. Chân Lý đó đầy sức mạnh năng động nội tại, đầy sự uyển chuyển của Tình Yêu và đầy quyền năng của nguyên lý Tuyệt Đối. Ước mong rằng, với những gì mà Chân Lý đã và đang tỏ lộ cho loài người, chúng ta biết đón nhận mà sống tâm tình cảm tạ tri ân, biết mà đáp trả lời mời gọi ra đi, biết mà dấn thân cho lý tưởng của đời mình. Nhân loại hôm nay còn đó thoi thóp, nhân loại ngày mai đầy sức sống vươn lên. Những nấc thang thứ thiệt đó không chỉ mang giá trị cho con người hôm nay nhưng là niềm hy vọng cho tương lai và còn cả mai sau nữa.

 

 

 

 

 FX. Trần Mạnh Cường, K. XVII

 

 

 

THƯ MỤC TRÍCH DẪN:

 

 

 1 Trần Văn Hiến Minh, Từ điển và danh từ triết học, Nxb. Phương Đông, Tp. HCM, 2014, tr 216.

 

 2 Ibid., tr 836.

 3 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin - Ủy Ban Từ Vựng Công Giáo, Từ Điển Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, Tp.HCM, 2019, tr 123.

 4 Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin dịch,  Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, số 2505, tr 23.

 5 Cf, Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuẫn và Lưu Văn Hy dịch, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2004, tr 81 – 82.

 6 Tôma Aquinô, Tổng luận Thần học, Iq. 21a. 2c.

 7 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin - Ủy Ban Từ Vựng Công Giáo, Từ Điển Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, Tp.HCM, 2019, tr 123.

 8 Joseph Ratzinger, Đức Giêsu thành Nadaret, Phần II, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, tr 233-234.

 9 Cf, Chan Khoon San, Phật Học, Lê Kim Kha dịch, Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM, 2013, tr 30 – 31.

 10 Cf, Antoni Nguyễn Văn Đoàn, Con người biết suy tư, Lưu hành nội bộ, tr 137.

 11 Ibid., tr 149.

 12 Ibid., tr 215.

 13 Viện Ngôn Ngữ Học, Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, Tp.HCM, 2021, tr 1250.

 14 Ibid., tr 741.

 15 Cf, Tôma Aquinô, L’Etre et l’essence, chapitre VI trad, được trích lại trong: Dẫn nhập Siêu hình học, Lm. Athanase Nguyễn Quốc Lâm, Nxb. Tôn Giáo, Tp.HCM, 2022, tr 143.

 16 Soren Kierkegaard, Fear and Trembling, Kính sợ và run rẫy, Nguyễn Nguyên Phước dịch, Nxb: Hồng Đức, Tp.HCM, 2019, tr 39.

 17 Tôma Aquinô, Tổng luận Thần học, Iq. 16a. 5c.

 18 Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium Et Spes, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2019, số 22, tr 246.

 19 Cf, Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2008, tr 22 – 24.

 20 Augustinô, Tự Thuật, Đgm. Micae Nguyễn Khắc Ngữ dịch, tr 175.

 21 Ibid., tr 101.

 22 Raniero Cantalamessa, Đức Maria tấm gương cho Giáo Hội, Lm. Athanas Nguyễn Quốc Lâm dịch, Nxb. Tôn Giáo, Tp.HCM, 2022, tr 39.

 23 https://www.vienchuyentu.com, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Con đường bình yên, Truy cập ngày 30/2/2023.

 24 Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium Et Spes, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2016, số 1, tr 215.

 25 Ibidem.

 26 Tôma Aquinô, Tổng luận Thần học, Iq. 16a. 5c.

 27 https://www.toploigiai.vn, Xuân Nam, Một nửa, Truy cập ngày 30/2/2023.

 28 Dante Alighieri, Thần khúc, Lm. Đình Chẩn dịch, (Thiên Đàng, ca khúc XXXIII), trích lại trong: Hướng đến 400 năm Văn học Việt Nam, Lm. Trăng Thập Tự chủ biên, tập 3, tr 362.

 

Nguồn tin: