Triết Lý...Để Sống!

Tue,29/09/2020
Lượt xem: 2876

Dẫn nhập

 Hẳn ta khá rõ, ớt thì cay, chanh thì chua, 2 với 2 là 4, nước sôi ở 100­­0C, lá màu xanh… Rất nhiều điều nữa (không chỉ hữu hình mà còn siêu hình) mà trong cuộc sống này ta biết được, đó chính là tri thức. Tại sao tôi lại biết được những cái đó? Hẳn là kinh nghiệm! Đúng, vì chính giác quan tôi kiểm chứng. Nhưng vấn đề đặt ra là, ‘cay’, ‘chua’ đó là do “tôi” hay chính trong sự vật. Hay nói rõ là, tri thức bắt nguồn từ chính trong chủ thể hay ở đối tượng được tri giác. Theo thiển ý, vấn đề sâu xa này đã được triết học ‘thai nghén’ và nghiên cứu, đó chính là bộ môn tri thức luận (Epistemology). Theo nguyên nghĩa Hy Lạp, Epistemology phát xuất từ Episteme (tri thức) và logos (lời nói, sự tường thuật).

Ba câu hỏi quan trọng mà các triết gia mọi thời đều quan tâm và tìm hướng giải quyết liên quan tới tri thức. Tôi có thể đạt được tri thức nào? Trong phóng dụ về Cái hang, Plato đã cho thấy hai ‘đăng cấp’ rõ rệt: tri thức của ý kiến, bàn luận (doxa) và tri thức thực tại (Linh tượng).[1] Thế giới của doxa thì đa tạp, khả thể, biến dịch: “Thệ giả như tư phù, bất xa trú dạ” (Luận ngữ: Tử Hãn ), nên nó không thể là tri thức bền vững, chắc chắn. Nhưng nhờ đó, con người có thể vươn đến ánh sáng bền vững trong thế giới khả niệm, bởi lẽ, “linh hồn chúng ta có thể nhận ra các Hình thái, vì linh hồn hiện hữu trong thế giới các Hình thái trước khi chúng ta được sinh ra.”[2] Có lẽ, từ Plato đã khai mở cho ta thấy được được một viễn tượng xa hơn những gì giác quan ta thấy, cảm được; như thế mới đáng sống, mới là người thực. Làm thế nào tôi có thể biết nó (tri thức)? Khó mà trả lời! Vì quan điểm mỗi triết gia mỗi khác, từ đó hình thành nên những trường phái triết học khác nhau. Người thì cho rằng, tri thức là ‘bẩm sinh’ chỉ đạt được qua trí tuệ, đó là trường phái Duy lý (Rationism). Đối lại, phái Duy nghiệm (Impiricism) chủ trương rằng, tri thức thủ đắc được chỉ qua kinh nghiệm của giác quan. Nhưng cũng có triết gia có cái nhìn dung hòa, tức vừa duy lý vừa duy nghiệm. Cuối cùng, những giới hạn nào mà tôi có thể biết? Dù ‘nhân linh ư vạn vật’ hay như chủ trương của một số triết gia hiện sinh thì ‘con người là kẻ sáng tạo ra ý nghĩa vạn vật’, nhưng có những tri thức vượt quá sự hiểu biết của tôi. Theo Kant, ta lý trí của ta biết được những hiện tượng nhờ giác quan, nhưng với vật tự thân thì bất khả tri.

Một phần nào đó muốn làm rõ ba câu hỏi trên, bài viết chỉ trình bày cách giản lược về chủ nghĩa duy lý với con người tiêu biểu là Descartes, với duy nghiệm có John Locke và đỉnh cao là David Hume, đồng thời DASEIN có lối nhìn nhận tri thức ôn hòa hơi thiên lệch về Immanuel Kant. Hơn thế, DASEIN tạm thời muốn dùng ‘Mục đích luận’ của Aristote để phần nào “ý thức” về điều mình đang làm.

    1.    Chủ nghĩa Duy Lý

 Descartes xem như là người đặt nền móng cho chủ thuyết duy lý. Với ông, trực giác và diễn dịch là những con đường chắc chắn dẫn đến tri thức. Trong Suy Niệm Thứ Nhất, Descartes đã đưa trí tuệ tách khỏi giác quan. Thực tế, ông thấy rằng giác quan chuyên đánh lừa ta: thanh sắt bị bẻ cong trong nước, mặt trời quay quanh trái đất, ta nghe rõ ràng có ai đó đang nói nhưng thực ra là con vẹt kêu, miếng sáp ong trước và sau khi hơ lửa, … Đối lại có gì trong toán học lại chắc chắn, vì dầu tôi thức hay ngủ thì 2 với 2 vẫn là 4. Vì thế, ông có thái độ hoài nghi tất cả, và tìm đến một cái chắc chắn, một điểm tựa tượng tự như Archimedes đã làm. Cuối cùng, trong sự hoài nghi ông nhận ra một điều chắc chắn và minh bạch mà không quỷ thần nào đánh lừa được ông, là sự hiện hữu của chính mình: Cogito, ergo sum – Tôi tư duy nên tôi hiện hữu. Như thế, Cogito đã là khởi điểm triết học của ông (Suy Niệm Thứ Hai). [3] Và chính sự hiện hữu của Thiên Chúa là bảo chứng đảm bảo cho Cogito, tuy nhiên việc chứng minh của ông không phải như lý luận của thánh Tôma, nhưng “ông phải chứng minh sự tồn tại của Thượng Đế mà chỉ dựa trên ý thức duy lý về sự tồn tại của chính ông và các tư duy của trí khôn”[4] (Suy Niệm Thứ Ba). Như thế, con người chỉ đơn thuần là bản thể tư duy (Cogito) và chỉ qua đây mới có tri thức rõ ràng và minh bạch, cái mà ông gọi là tri thức bẩm sinh.

Nhưng thực tế cho thấy, chính qua thân xác ông mới biết thế nào là đau, là đói, … mà một hữu thể vô chất thuần túy như thiên thần không biết. Trong Suy Niệm Thứ Sáu, ông đã biện luận cho sự tương quan giữa tinh thần và thể xác chỉ đơn thuần theo lối cơ học, do tuyến tùng điều khiển, linh hồn không trực tiếp làm chuyển động của thân xác.[5] Như thế, con người cũng chỉ là bản thể tinh thần.

Vậy, cách nôm na nào đó có thể hiểu, “cay”, “chua”, …cho đến những thực tại xa hơn như linh hồn, Thiên Chúa, vũ trụ là những tri thức hoàn toàn ‘bẩm sinh’, phát sinh từ chính bản thể tư duy (Cogito). Tri thức hoàn toàn nằm ở lý trí, không có chỗ cho kinh nghiệm ngoại giới.

Spinoza đã kế thừa di sản của Descartes, ông đã trình bày vấn đề nhận thức qua ba giai đoạn: trí tưởng tượng, lý trí (tri thức khoa học): đầy đủ và đúng, trực giác: đỉnh cao của tri thức, hiểu biết các sự vật cụ thể, và biết Thượng Đế hơn.[6]

 Cũng không mới mẽ gì, con người hoàn toàn là lý trí. Theo thiển ý, về mặt hình thức thì chúng ta như những bóng ma, nhận thức không qua giác quan. Tri thức hoàn toàn bẩm sinh ở chủ thể, mà chủ thể chỉ đơn thuần là lý trí, không chân không tay.  Bên Đông Phương, Mạnh Tử cũng cho rằng, tri thức không phải do thực nghiệm với ngoại giới mà có, mà thuộc về bản tính con người, thuộc về tri thức bẩm sinh: “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí phi do ngoại thược ngã dã, ngã cố hữu chi dã – Nhân, Nghĩa. Lễ, Trí không phải từ bên ngoài nung đúc cho ta, ta vốn đã có rồi vậy.”[7]

Sâu xa hơn, về mặt nhận thức, chủ nghĩa duy lý đã cho thấy tính siêu việt của con người, làm nổi bật được đặc tính ‘con người là con vật có lý tính’. Mặc dù, với Descartes, Thiên Chúa là nguồn đảm bảo cho chủ thể tư duy của ông, nhưng Thiên Chúa đó cũng phát xuất, hay là hệ quả của chính việc ông nhận thức ra chân lý đầu tiên là sự hiện hữu của mình. Như thế, liệu một ý tưởng phát xuất từ bản thể tư duy nó có thực sự tương hợp với thế giới thực tại hay không? Hay đó chỉ là chuyện vẽ vời của trí tuệ? Rồi phần lý tính ai cũng được như Descartes chăng? Nếu không thì bản thể tư duy nào một đưa ra tri thức đích thực; bởi lẽ, anh tư duy, tôi cũng tư duy? Khó có thể chấp nhận hoàn toàn, rồi những kinh nghiệm giác quan thì sao? Câu hỏi về kinh nghiệm giác quan quá lớn để có thể hình thành nên một trào lưu, một hướng đi mới về tri thức.

   2.    Chủ nghĩa Duy nghiệm

 Thuyết Duy lý đã mang tầm vóc của lý trí cao như thế nào, thì Duy nghiệm lại khác hẳn, đề cao kinh nghiệm giác quan thế ấy. John Locke được coi là người đặt nền tảng, ông phủ nhận Ý Niệm Nội Tại của Descartes, tri thức hoàn toàn phát xuất từ kinh nghiệm: “Chẳng có sự hiểu biết nào lại không được khởi đầu hình thành thông qua cánh cửa giác quan.”[8] Để đánh bật quan niệm bẩm sinh, theo ông, khi mới sinh ra, tâm trí con người như một mảnh giấy trắng tinh. Tâm trí thủ đắc các ý niệm dần dần theo thời gian nhờ vào kinh nghiệm giác quan. Điều này, hẳn ta dễ thấy tri thức ở một đứa trẻ và người lớn bình thường. Đứa trẻ đâu biết ớt ăn sẽ cay, sờ vào dây điện đó sẽ giật, xuống nước sẽ chết ngạt nếu không biết bơi, … Như thế, không có cảm giác, tri thức sẽ không thành lập. Theo Locke, có 2 nguồn gốc phát sinh ý niệm: Cảm giác và phản tỉnh. Cảm giác là sự tri giác rõ ràng về vật nhờ vào giác quan. Còn phản tỉnh là tri giác về các hoạt động của trí không nội tại trong ta, đưa ra ý niệm khác không thể có từ các sự vật bên ngoài.[9] Như thế, ở Locke, dù đề cao kinh nghiệm, nhưng vẫn còn cho thấy tầm quan trọng của lý tính trong việc nhận thức.

Kế thừa trên nền tảng đó, David Hume đã đẩy cao hơn nữa kinh nghiệm trong việc nhận thức, nếu không quá lời thì đến độ cực đoan. Triết học của ông nằm gọn ở 2 khái niệm: ấn tượng (impession) và ý tưởng hay ý niệm (idea - ở đây không giống như ý niệm của Plato). Ấn tượng là những tri giác sống động hơn mà chúng ta có thể nghe, nhìn, cảm thấy, yêu thương hay giận ghét, ước vọng hay mong muốn. Còn, ý niệm thì kém hơn, không sống động bằng những ấn tượng, là những bản sao hiện lên trong tâm trí ta khi chúng ta nhớ đến hay nghĩ lại những ấn tượng ban đầu.[10] Như thế, ý niệm chẳng qua là các bản sao của ấn tượng. Ví dụ, ta ăn mít, ta biết mùi vị của nó nhờ vào vị giác – đây chính là ấn tượng; khi không ăn nữa, dù nhắc đến ta vẫn biết được mùi vị của mít, nhờ vào ý niệm. Tri thức nhất thiết phải đi qua 5 giác quan của ta. Thực tế, ta không thể suy nghĩ ra được điều gì nếu giác quan chưa biết. Vậy, ý niệm không thể có trước ấn tượng, nhưng không phải mọi ý niệm đều liên quan đến ấn tượng. Ví dụ, có bao giờ ta đã thấy được núi vàng? Thiên thần? Rồng? Người ngoài hành tinh?...

Theo Locke, những ý niệm như thế phát xuất từ sự liên tưởng; thức tế, sự liên tưởng là vô hạn, vượt ra ngoài vũ trụ, nhưng thực ra đó cũng chỉ là sự liên kết các ý niệm có sẵn, tức liên kết các ý niệm đơn thành đa phức.[11] Núi vàng là sự kết hợp của quả núi mà thị giác ta biết với vàng. Chứ thực ra ta không có một ấn tượng nào về núi vàng. Locke cũng từ chối khái niệm nhân quả, vì thực ra không có ấn tượng nào về nhân quả. Thực ra, cái gọi là nhân quả chẳng qua là những ấn tượng nối tiếp nhau. Chẳng hạn, khi trái bi-a A và B chạm nhau, thì đâu hẳn phải là B sẽ chuyển động về trước, còn A đứng yên, có khi cả 2 cùng chuyển động về trước, cũng có khi A sẽ lùi lại, hoặc cả 2 cùng đứng yên. Dựa trên nền tảng ấn tượng, Locke cho rằng không có sự hiện hữu của cái gọi là thực thể (Substantia), mà đó chỉ cái nền giả định để tựa đỡ cho các phẩm chất mà chúng ta thấy tồn tại.[12]

Tỉ dụ như, không có bản thể của cái cây, đó chẳng qua là các lá cây màu xanh, thân gỗ nhiều nhánh kích thước khác nhau, đó chính là những cái mà giác quan thấy được. Thực ra, những luận điệu trên đây ‘cậy’ vào ấn tượng để Locke đánh bật đi những gì là siêu hình, vì cái thực hữu phải là cái gì giác quan thu nhận được. Vươn xa hơn nữa, ông muốn đánh bật ý niệm về Thiên Chúa. Mà thật ra, chúng ta nào đâu có ấn tượng về Thiên Chúa, để rồi sản sinh ra ý niệm về Người. Xét về mặt Logic, lập luận của ông hoàn toàn chính xác một cách rất thuần lý. 

 Thiết nghĩ, chính Hume đã đưa con người về lại với thực tại, bằng việc nâng cao vai trò của giác quan qua thân xác. Đến thời điểm hiện tại, bản thân không thể suy nghĩ hay biết hơn điều gì nếu không qua 5 giác quan. “Bạn có chắc chắn không? Chắc chắn, vì tôi nhìn, nghe, ngửi, sờ, nếm thấy nó mà.” Câu nói khá quen trong cuộc sống của ta! Nhưng hẳn cần phải nghiêm túc hơn trong vấn đề này, con người không lẽ chỉ là ở 5 giác quan. Con vật hẳn nó cũng có một ấn tượng sống động, có khi hơn hẳn con người; trong đêm tối mắt ta nào thấy sự vật, nhưng chim cú, chim dơi có thể thấy được. Khả năng về thính giác, khứu giác của con chó hơn hẳn con người. Nếu bảo ý niệm chỉ là bản sao, còn ấn tượng mới làm nên tri thức thì quả con vật hơn hẳn con người. Theo thiển ý, nếu chỉ dừng lại ở kinh nghiệm, thì Hume đã đánh mất đi chiều kích vô cùng tai hại, con người có lý tính lại chỉ bằng con vật không hơn không kém. Nếu tri thức chỉ do kinh nghiệm giác quan mang lại thì làm sao ta có được cái phổ quát, vì giác quan đâu phải ai cũng như ai. Tỉ dụ như, tôi biết tờ 10.000 vì tôi thấy nó, nhưng người mù cũng biết tờ tiền đó chỉ nhờ vào cảm giác của tay; như thế, tri thức của tôi mới là thật hay là của người mù kia? Đến bậc thánh nhân như Khổng Tử cũng phải thốt lên: “ Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật!”[13] Descartes đã chỉ ra rằng, thế giới này biến dịch và giác quan luôn đánh lừa ta, hẳn ta cần suy nghĩ! Nếu không phán oan thì duy nghiệm đã đánh mất đi chủ thể tính. Rồi chủ nghĩa duy nghiệm lí giải sao, nhiều người cùng nhìn thấy hòn đá bên vệ đường, tất cả họ sẽ nghĩ đó là đá; nhưng vươn xa hơn có người nhìn thấy đó là bức tượng khá đẹp, có người thấy nó sẽ là viên đã góc tường, người khác chi rằng đó là vật trang trí rất đẹp, … Liệu đó là những hệ quả của giác quan hay xa hơn là tầm vóc của lý tính?

Descartes giảm con người thành những tinh thần thuần túy, con người với Hume chỉ là những cơ thể: tay, mắt, tai, miệng, mũi. Hẳn những quan niệm này chỉ xét trên bình diện tri thức, một người đã thái quá trong cái “ruột”, người kia thì thiên về “vỏ”. Chắc hẳn, đây cũng là những tiền đề khá quan trọng để nhiều triết nhân hậu bối có cái nhìn trung dung. Vấn đề này hẳn phải đề cập tới Immanuel Kant.

   3.    Cấu trúc của lý tính: tính khả giác và tính khả niệm

 Kant hoàn toàn tán thành ý kiến của Hume, nhận thức của ta đều bắt đầu từ kinh nghiệm, nhưng không phải vì thế mà tất cả đều bắt nguồn từ kinh nghiệm (hậu nghiệm – a posteriori), mà là tiên thiên (có trước kinh nghiệm – a priori): “sự tồn tại của thế giới kinh nghiệm không phải do trí khôn tạo ra, nhưng trí khôn áp đặt các ý niệm của nó trên các dữ kiện đa dạng của kinh nghiệm, được rút ra từ thế giới các sự vật tự nó.”[14] Tỉ dụ trái táo, tay tôi cầm, miệng ăn, mắt thấy,… đó là các ấn tượng, từ đó, cảm giác cung cấp dữ liệu thô, giác tính đưa ra ý niệm và cuối cùng lý trí phán quyết: ý niệm “táo”. Như thế, có hai nguồn nhận thức của con người, từ một gốc chung: Cảm năng (sinn-lichkeit) – đối tượng được cung cấp cho ta, và giác tính (năng lực hiểu biết) – đối tượng được tư duy. [15] Theo Kant, cảm giác hoạt động nhờ vào không gian và thời gian, còn giác tính nhờ vào 12 phạm trù, tất cả độc lập với kinh nghiệm. Vậy, Kant đã cho thấy thuyết duy nghiệm về các ý tưởng liên kết với thuyết duy lý về kiến thức; bởi vì, “nếu không có lý trí tất cả những gì chúng ta có chỉ là niềm tin, không phải là kiến thức. Lý trí là thẩm phán cuối cùng và người dẫn lối trong mọi lĩnh vực cho ta.[16] Đó chính là lý trí thuần túy, tức biệt lập với giác quan.

Liệu nhờ vào sự liên kết mật thiết giữa cảm năng và giác tính mà mọi đối tượng đều được nhận thức chăng? Tri thức đó là thực tại là chân lý chăng? Thực tế Kant khá khiêm tốn,ông cho thấy lý trí của ta có giới hạn: một mặt bị giới hạn vào thế giới kinh nghiệm, mặt khác vào cách thức mà các năng lực tri giác và tư duy của chúng ta tổ chức các dữ liệu thô của kinh nghiệm. Nghĩa là, “kiến thức con người bị giới hạn vào những dáng vẽ bên ngoài hay hiện tượng (phenomena), trong khi đó những vật tự thân hay bản thể (noumena) chỉ nghĩ tới mà không thể hiểu được.”[17] Vật tự thân đặc biệt mà ông thường nhắc tới là Thiên Chúa, linh hồn bất tử và tự do. Tuy không thể nhận thức được chính những đối tượng ấy như là những vật tự thân thì ít ra ta cũng có thể suy tưởng về chúng. Kant lý giải điều này để tránh mệnh đề vô lý rằng hiện tượng là cái gì xuất hiện ra mà lại không có cái xuất hiện.[18]

Quan niệm tri thức kiểu tiên thiên của Kant xét về mặt nội dung cũng không khác xa với các nhà tư tưởng trước ông, chỉ khác ở hình thức trình bày. Ví như st. Tôma Aquinô, tri thức con người là sự liên hợp giữa nhận thức giác quan và nhận thức trí năng; trong đó, nhận thức bằng trí tuệ (mức nhận thức cao nhất) thì đối tượng được nhận thức nằm trong chủ thể, nhận thức theo hình thái của chủ thể, nhưng cần có ảnh tượng là trung gian.[19] Triết lý trong Upanishad của Ấn giáo cho rằng có hai loại tri thức: hạ trí (aparâ vidyâ) và thượng trí (parâ vidyâ). Hạ trí là cái biết của lý trí, là khả năng tri thức về thế giới hiện tượng. Còn thượng trí là cái biết về thực tại, cái mà Kant cho rằng bất khả, vật tự thân. [20]

 Về mặt lý thuyết, chủ trương của Kant khá là perfect, vừa có ‘lý’ vừa có ‘nghiệm’, nhưng lý tính luôn nằm ở thế thượng phong. Nhưng cái lý tính đó không là siêu việt, không là Thượng đế vì nó có cấu trúc giới hạn, chỉ ‘phán’ trên các hiện tượng do chính đối tượng tác động, còn vấn đề bản thể, hay hữu thể là bất khả. Chính vì điều đó, Kant khá khiêm tốn và khôn ngoan khi viện dẫn từ lý trí thuần túy sang lý trí thực hành, tức nhắm mục đích đạo đức. Nếu không lầm, theo thiển ý, Kant cũng đã chạm tới tự thân, thực tại như các Linh tượng của Plato, chính là những hữu thể trường tồn trong Lý tính tối cao. Còn về ý niệm trên sự vật đơn thuần chỉ là ‘tên’ của sự vật, nhờ đó giúp ta có tương quan với nó, chứ còn thực tại thì vượt xa ngoài lý trí hữu hạn của ta.[21] Đó chính là cái huyền nhiệm sâu xa của vũ trụ vạn vật!

Tôi có thể biết gì? Câu hỏi then chốt của Kant phần nào trả lời cho ba câu hỏi ban đầu! Dù đó không là chân lý vững chắc, vì vẫn mang tính chủ quan. Dù Kant có cho rằng tri thức tiên thiên phải mang tính tất yếu và tính phổ quát, nhưng chắc gì các phần đa số đưa ra dù là thuần lý thì cũng đâu phải là chân lý. Biết đâu tôi không mặc đồ gì lại là thật trong khi mọi người đều mang đồ! Không ai biết được! Vã lại hiếm thay mới thấy được cái lý tính thuần túy như của Kant. Tóm lại, điều đáng học hỏi ở Kant là cái hữu hạn phải nhỏ đi, để chính cái Vô Hạn đâm rễ và phát triển trong cái hữu hạn.

Kết luận

Thiết nghĩ cả Duy lý và Duy nghiệm đều quan trọng như nhau, thực tế không thể nói là tri thức là do ‘bẩm sinh’ của lý tính hay do kinh nghiệm ngoại giới. Theo thiển ý, thực ra hai trường phái đang thể hiện những khía cạnh khác nhau của tri thức, một đàng muốn nói bản chất sâu xa của tri thức, cái mà chỉ con người mới có; một đàng nói về cách thức mà tri thức được con người tri giác. Chưa ai dám khẳng định Kant đã giải quyết được vấn đề đặt ra, nhưng ít nhất ông đã phần nào dung hòa và chỉ ra được giới hạn của lý tính. Lý tính chỉ có quyền trên sự vật hiện tượng, còn với chính hữu thể thì bất khả, vì hữu thể không là đối tượng của lý trí, nhưng là điều kiện cho phép ta suy tư. Cũng như Plato, Kant đã dẫn lối cho tri thức luận sang đạo đức. Phải chăng đó cũng chính là mục đích luận của sự vật, là lẽ hiện hữu, hay chức năng của tri thức. Và câu hỏi cuối cùng của Kant đã gợi ra biết bao suy nghĩ, tôi có thể hi vọng điều gì? Câu hỏi này cũng mở ra một viễn cảnh mới cho bản thân, nếu tri thức là thực thì nó phải mang tính tất yếu của Chân lý. Tức dẫn con người vươn đến một thực tại vượt xa ngoài những gì là khả giác, cái mà Platon muốn ta phải “nâng tâm hồn” lên. Bởi lẽ, cái gì từ Thượng Đế mà ra thì cũng sẽ dẫn về với Ngài: “Vạn vật bản hồ thiên” (sách Lễ Ký), cái gì sinh bởi Thần Khí thì sẽ về với Thần Khí.

Nhưng cái thực tại đó nó đã tồn hữu trong chính cái thế giới khả giác này rồi, đó chính là những con người đúng nghĩa. Hay nói cách khác, cái thực tại đó đã cụ thể hóa nhờ việc ‘ý thức’ từ những kiến thức mà mình đã sở đắc. Sống không gì khác là ‘tiêu hóa’ những gì mình biết, thay vì chỉ biết tích trữ kiến thức cho đầy để cho thấy mình là uyên bác, học rộng. Thánh Tôma đã nhận thấy mấu chốt của vấn đề, ngài cho rằng, một nhà thần học, triết học có thể thua một bà lão nông dân quê mùa. Kiến thức thì có lẽ kém xa, nhưng vươn đến cái biết sâu xa, và ý thức điều mình biết thành cung cách sống thì chắc là hơn. Có lẽ phần nào ta cũng thấm thía vài câu nói cửa miệng của cha ông, học một biết mười, biết ít hiểu nhiều. Nhưng lập luận như thế không phải gạt bỏ đi khía cạnh sở đắc tri thức, cho bằng, bản thân muốn nhấn mạnh đến việc sinh lời từ đồng bạc mà Thượng Đế ban tặng. Chắc hẳn đây mới mà khía cạnh làm cho cuộc đời đáng sống.

Bộ môn siêu hình là một lời nhắc nhở con người luôn hướng về những gì là ý nghĩa tối hậu của cuộc đời, Kant đã chỉ ra nó không gì xa xôi nhưng tự bản tính con người đã có, đó là năng hướng tự nhiên của “con người xét như là con người”. Nếu một chiếc lá, một bát cơm, một chiếc áo, … ta chỉ nhìn dưới khía cạnh là sự vật, là kinh tế thì nó đâu là ý nghĩa của cuộc sống. Thực ra, chúng ta đang sống trong những thực tại siêu hình; một giọt nước mắt không chỉ đơn thuần là tổ hợp của muối và nước, nhưng đó là cả một biển trời đau khổ, cảm xúc. Công bằng mà nói, biết đâu trong thế giới của con vật nó cũng có tri thức. Con chó còn biết chủ: không sủa, không cắn, ngoắt đuôi khi chủ trở về. Con khỉ nó làm nhiều hành động như con người. Nhưng chắc chắn nó không ý thức về những gì mình ‘biết’, con chó thì không cần chó ‘hơn’. Đối lại, con người phải năng động hơn với những gì mình biết, tri thức không là gì nếu không giúp con người là người ‘hơn’.

Phêrô Phạm Văn Huỳnh

Chủng sinh K15-ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê

 



[1] x. Samuel Enough Stumpf & Donald C. Abel (Lưu Văn Hy dịch), Triết Học Nhập Môn, Nxb. Tổng Hợp Tp HCM, HCM, 2004, 35.

[2] Ibid., 36.

[3] x. Ted Honderich (Lưu Văn Hy dịch), Hành Trình Cùng Triết Học, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2006, 265.

[4] Samuel Enoch Stumpf (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2007, 198.

[5] Ibid., 200.

[6] Ibid., 205-206.

[7] GS. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử Triết học Phương Đông, Nxb. Từ Điển Bách Khoa, Hà Nội, 2006, 202.

[8] William S.Sahakan & William L.Sahakan (Lâm Thiện Thanh & Lâm Duy Chân dịch), Tư Tưởng Của Các Triết Gia Vĩ Đại, Nxb. Tp Hồ Chí Minh, HCM, 2001, 202.

[9] Bernard Morichère (Phan Quang Định dịch), Triết Học Tây Phương Từ Khởi Thủy Đến Đương Đại, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2010, 549-550.

[10] x. Samuel Enough Stumpf & Donald C. Abel (Lưu Văn Hy dịch), Triết Học Nhập Môn, op.cit., 58.

[11] x.Bernard Morichère (Phan Quang Định dịch), Triết Học Tây Phương Từ Khởi Thủy Đến Đương Đại, op.cit., 582.

[12] x. Samuel Enoch Stumpf (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, op.cit., 470.

[13] Hoavouu, “Chuyện Nồi Cơm của Khổng Tử”, 2012, https://hoavouu.com/a21102/chuyen-noi-com-cua-khong-tu. Truy cập ngày 10/5,2019.

[14] Samuel Enoch Stumpf (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, op.cit., 251.

[15] x. Bernard Morichère (Phan Quang Định dịch), Triết Học Tây Phương Từ Khởi Thủy Đến Đương Đại, op.cit., 722.

[16] Ted Honderich (Lưu Văn Hy dịch), Hành Trình Cùng Triết Học, op.cit., 624.

[17]  Ibid., 566.

[18] Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải), Phê Phán Lý Trí Thuần Túy – tập 1, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2014, 539.

[19] x. ĐVC Vinh-Thanh, Đại cương Triết học phương Tây, Lưu hành nội bộ, 74.

[20] x. Lý Minh Tuấn, Triết học cương yếu Đông Phương, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, 389-391.

[21] x. Joseph Ratzinger (Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm dịch), Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2009, 135.

Nguồn tin: