Vai Trò Của Triết Học Đối Với Kitô Giáo

Mon,30/12/2019
Lượt xem: 7555


Triết học (philosophy) được định nghĩa là “yêu mến sự khôn ngoan,” trong khi Kitô giáo xây dựng trên nền tảng niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất là Đấng Khôn Ngoan. Hơn nữa, triết học phát sinh và được trau dồi vào lúc con người bắt đầu nêu câu hỏi về lí do và mục đích của vạn vật,[i] còn Kitô giáo là con đường để trong đó con người tìm kiếm ý nghĩa và cùng đích của mình. Chừng ấy đủ để khẳng định rằng, giữa triết học và Kitô giáo có sự tương kết chặt chẽ với nhau vì cả hai đều quy hướng về Chân Lý. Hơn hai ngàn năm tồn tại, Kitô giáo hòa trong dòng chảy suy tư của nhân loại, ở đó, Kitô giáo cũng đón nhận, cưu mang nhiều tư tưởng triết học. Vậy triết học có vai trò như thế nào đối với Kitô giáo?

Trước khi khai tiển vai trò của triết học đối với Kitô giáo, thiết tưởng chúng ta phải nhìn nhận với nhau rằng: Triết học – nhất là triết học theo nghĩa ban sơ của nó – gần với tôn giáo hơn khoa học đến nỗi đôi khi nó cạnh tranh với tôn giáo vì cả hai đều qui hướng về chân lý đích thực. Một cách đặc biệt, triết học lấy cuộc tìm kiếm chân lý của con người làm của mình, “triết học liên quan trực tiếp tới việc nêu câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời và phác họa một giải pháp. Vì thế, triết học xuất hiện như một trong những nhiệm vụ cao cả nhất của con người.”[ii] Đây là chỗ phóng xuất mối tương liên giữa triết học và tôn giáo, đặc biệt là với mạc khải Kitô giáo. Bỏ qua giai đoạn Kitô giáo có thái độ tiêu cực đối với triết học khi đi từ chỗ coi thường tới chỗ ngờ vực, lên án và loại trừ trong vài thế kỷ đầu,[iii] bây giờ, chúng ta sẽ khai triển một vài đóng góp của triết học đối với Kitô giáo một khi thần học Kitô giáo nhìn thấy những khả thể của triết học mà mình có thể tích hợp.

1. Triết học góp phần hỗ trợ Kitô giáo hội nhập văn hóa những thế kỷ đầu

Trong hai thế kỷ đầu của Kitô giáo, người tín hữu gặp gỡ với văn hóa Do Thái và văn hóa Hi Lạp, triết lý bắt đầu ‘gây sự’ với nhiều vấn nạn đặt ra. Tân Ước cùng lúc giữ vững niềm tin độc thần Do Thái giáo và lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô. Nhiều cầu hỏi đặt ra: làm sao có thể dung hòa được hai sự kiện, một bên, Giavê là Thiên Chúa duy nhất, và bên kia, tin nhận Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa từ trời xuống? Nếu Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối thì đâu là chỗ cho Đức Giêsu Kitô làm Chúa phổ quát?

Đứng trước những truy vấn đó, rõ ràng những chứng cứ lịch sử là không đủ. Để có thể trả lời và thuyết phục người nghe đòi buộc phải suy nghĩ, tranh cãi và biện luận. Nói đúng hơn phải “hội nhập văn hóa” để có thể rao giảng Tin Mừng; và ở đây, triết học Hi Lạp đóng vai trò giúp đỡ Kitô giáo trong việc thực thi sứ mệnh này.

Việc sử dụng ngôn ngữ triết học của văn hóa Hi Lạp thiết lập nên khả thể của việc trình bày mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong ngôn ngữ của một nền văn hóa có thế lực hơn. Nhờ việc chuyển đổi ý nghĩa ngôn ngữ của Tân Ước trong ngôn ngữ của triết lí Hi Lạp, Kitô giáo có thể duy trì sự nguyên tuyền ý nghĩa mầu nhiệm được mạc khải và chuyển tải chân lý mạc khải một cách nguyên vẹn.[iv] Chẳng hạn, muốn hội nhập văn hóa, Kitô giáo bắt đầu dùng đến phạm trù triết học Hi Lạp, đặc biệt là ý niệm Logos. Nhiều nhà tư tưởng Kitô giáo thời đầu đã cố dung hòa quan niệm về Logos của Kinh Thánh và phía triết lí Hi Lạp, làm sao để đi tới chỗ Đức Giêsu Kitô chính là Logos của Thiên Chúa. Thánh Justin, “người quan trọng nhất trong các nhà hộ giáo thế kỷ thứ II, một triết gia ngoại đạo,” trong cuốn Apologie (Hộ Giáo) đã gán “Logos” trong triết lý Hi Lạp cho chính Đức Giêsu Kitô - Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngài còn tiên phong nhìn nhận những “Mầm Ngôi Lời” trong các triết thuyết, trong các tôn giáo, các nền văn hóa khác của nhân loại. Đối với thánh Justin, những hiền triết như Platon, Socrate, Aristote là những ‘ngôn sứ’ của Thiên Chúa, những người có sứ mệnh chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đức Giêsu, của Kitô giáo. Rõ ràng, Ngài là chứng nhân đủ mạnh cho thấy vai trò của triết học trong việc hỗ trợ Kitô giáo hội nhập văn hóa để rao giảng Tin Mừng Đức Kitô.

2. Triết học giúp đào sâu và trình bày giáo lý đức tin Kitô giáo

Mạc khải đã du nhập vào lịch sử một chân lý phổ quát và tối hậu, nhờ chân lý mạc khải trong Đức Giêsu Kitô, bất cứ ai cũng có thể đón nhận được ‘mầu nhiệm’ cuộc đời mình và lịch sử được soi tỏ. Chân lý mạc khải không ngược hay mâu thuẫn với những chân lý được triết học nhận biết vì chân lý chỉ có một nguồn gốc duy nhất là Thiên Chúa. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định rằng: “Chân lý đạt được do triết học và chân lý mạc khải không bao giờ hoàn toàn giống nhau hoặc loại trừ nhau.”[v]

Để trình bày nội dung đức tin của mình, Kitô giáo khai triển những suy tư, xây dựng nên hệ thống thần học. Thần học được thánh Anselmô định nghĩa là sự hiểu biết về đức tin (intellectus fidei), mà đức tin ở đây chính là việc đón nhận và quy thuộc vào một Thiên Chúa duy nhất là Đấng Hiện Hữu từ đời đời. Với Karl Rahner, ngài định nghĩa: Thần học là khoa học giải thích và khai triển một cách có ý thức các mạc khải của Thiên Chúa vốn đã được đón nhận và nắm giữ trong đức tin.[vi] Trong khi đó, Thời cổ đại, Aristote đã định nghĩa: Triết học là khoa học về các nguyên lý đệ nhất và các nguyên nhân đệ nhất; còn Triết học Kinh viện chứng minh Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu, là căn nguyên của thế giới và muôn loài muôn vật.[vii] Như vậy, thật rõ ràng, triết học có những khả thể để thần học Kitô giáo sử dụng như một nguồn hỗ trợ đắc lực trong hành trình tìm kiếm chân lý và trình bày nội dung chân lý mạc khải. Vì cả thần học và triết học đều có mục đích dẫn con người tìm về Chân Lý, cho nên, cả hai sẽ “không yên nghỉ trước khi làm cho con người của ngày mai và Đấng Thiên Chúa của muôn đời gặp gỡ nhau.”[viii]

Ở đây, Thần học Kitô giáo dựa trên nguồn Mạc khải để suy tư và những tư tưởng của triết học thật sự là trợ thủ đắc lực vì triết học là một trong những nguồn lực mà con người có thể sử dụng để tiến tới trong nhận thức chân lý. Chính trong ý hướng này mà một thời người ta định nghĩa “triết học là nữ tỳ của thần học.” Định nghĩa này không hàm ý hạ thấp, coi thường vị trí của triết học nhưng theo nghĩa là triết học có nhiều đóng góp cao quý và cần thiết cho thần học.[ix] Một nền triết học chân chính sẽ mở đường cho lý trí đón nhận chân lý Mạc Khải. Như vậy, Chân lý mạc khải không lệ thuộc vào chân lý của suy tư triết học, nhưng những suy tư của các triết gia góp phần rất lớn giúp thần học Kitô giáo tiệm cận, suy tư và khai phóng những nội dung của chân lý mạc khải.

Triết học giúp đào sâu và trình bày giáo lý đức tin, đồng thời, triết học cung cấp nhiều thuật ngữ, khái niệm cho Kitô giáo trình bày học thuyết đức tin của mình cho nhân loại. Triết học giúp con người đón nhận nội dung của chân lý đức tin được mạc khải qua Lời Chúa và Truyền Thống sống động, bởi vì khi được ghi chép lại hoặc khi được công bố trong lời giảng dạy, chân lý đó lệ thuộc vào lịch sử, vào tư tưởng, vào ngôn ngữ…của những nền văn hóa nhất định. Trong khi, triết học cho thấy những qui luật của ngôn ngữ, cơ cấu của nhận thức và ý nghĩa chính xác của những khái niệm được sử dụng.[x]

Nhiều nhà trí thức Kitô giáo đã sử dụng triết học để suy tư thần học của họ. Origen là một ví dụ tiêu biểu khi ông xây dựng một nền thần học khá đồ sộ bằng cách vận dụng triết học Platon với những sửa đổi cần thiết.

Học thuyết về các ý tưởng (ý niệm), Sự Thiện của Platon được thánh Augustin sử dụng nhiều khi trình bày những suy tư của ngài. Đặc biệt để viết cuốn ‘Thành Đô Thiên Chúa,’ thánh Augusin đã dựa trên ý tưởng của Platon về hai thế giới (thế giới khả giác và thế giới các ý tưởng). Ngoài ra, thánh nhân còn du nhập và điều chỉnh các tư tưởng của Platon về con người, thế giới vũ trụ, Thượng Đế…để trình bày những suy tư của mình về nội dung mạc khải Kitô giáo.[xi]

Thuật ngữ ‘ngôi vị’ (prosopon) trong triết học Hi Lạp cũng được các giáo phụ vùng Capadocia sử dụng để trình bày về các Ngôi vị trong Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.[xii]

Các phạm trù của triết học Aristote đã cung cấp chất liệu cho thánh Tôma Aquinô suy tư về các vấn đề của thần học Kitô giáo. Chẳng hạn như khi trình bày về các bí tích, thánh Tôma đã sử dụng các hạn từ như ‘chất thể’, ‘mô thể’, ‘chuyển đổi bản thể’…Khi trình bày về mầu nhiệm Thiên Chúa thì các hạn từ như ‘bản thế,’ ‘yếu tính’ được đưa vào. Thánh Tôma cũng đã ‘rửa tội’ cho tư tưởng của Aristote để trình bày “Ngũ Đạo” (năm con đường) chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo cũng không ngần ngại sử dụng những thuật ngữ hay khái niệm triết học để trình bày những luận điểm của mình, nhất là khi trình bày về con người và thế giới quan. Các môn thần học như thần học căn bản, thần học tín lý, thần học luân lý cũng cần tới sự trợ giúp của triết học đến nỗi người ta không thể hiểu nó đầy đủ nếu không được đào tạo trước về triết học.[xiii]

3. Triết học góp phần giúp suy tư của Kitô giáo phản tỉnh

Suy tư của Kitô giáo một thời chỉ tập trung vào khai triển các mầu nhiệm cao xa mà lãng quên những thực tại nhân sinh quan. Điều này làm cho Kitô giáo xa rời con người, xa rời với thực tại và thế giới. Và khi tái khám phá những suy tư của triết học cổ điển với những nhà hiền triết như Démocrite, Platon, Socrate, Aristote…Kitô giáo nhận thấy sự quan tâm rất đáng nể của những triết gia này tới các vấn đề căn bản và tổng quan liên hệ tới thế giới và con người. Nhìn nhận vấn đề này, suy tư Kitô giáo phản tỉnh và nảy sinh một nhu cầu đòi buộc phải quay trở lại để suy tư về con người và thế giới mà con người đang sống. Giáo hội phải quan tâm tới con người và thế giới. Con người là con đường của Giáo Hội. Môi trường môi sinh đang bị suy thoái, cần tiếng nói của Giáo Hội.

Hướng suy tư của các triết gia hiện đại cũng giúp Kitô giáo có sự thay đổi trong suy tư của mình nhằm đáp ứng những nhu cầu của thời đại. Sự tách lìa giữa đức tin và văn hóa, chủ nghĩa nhân bản vô thần của một ít các nhà hiện sinh như Jean Paul Sartre, Nietzsche…cổ võ một nền luân lý tương đối, loại bỏ chiều kích siêu hình khỏi triết học, không còn nghĩ về tối hậu hay cánh chung con người…Hệ quả đối với triết học hiện đại là “một số triết gia đã từ bỏ việc tìm kiếm chân lý vì chân lý để nhằm mục đích duy nhất là đạt tới một sự xác thực chủ quan hay một lợi ích thực tiễn.”[xiv] Tất cả dẫn con người tới một sự đe dọa bị hủy hoại trong chính bản thể của mình. Nếu con người chạy theo những trào lưu tư tưởng này cách phiến diện và độc tôn, loại bỏ chiều kích cánh chung siêu hình thì tương lai và tiền đồ của nó sẽ là ‘vực thẳm.’ Lên tiếng cảnh giác đối với những lập trường này để giúp con người xác định lại hướng đi đúng dẫn tới hạnh phúc đích thực là một nhu cầu cấp bách của thời đại. Lúc này, Kitô giáo đóng vai trò quan trọng để lên tiếng và hướng dẫn nhân loại bước đi trong thứ ánh sáng được mạc khải soi rọi. Giáo Hội phải tỉnh thức và phản tỉnh không ngừng để xây dựng nền luân lý chuẩn mực cho mọi hành vi đạo đức của con người thời đại, nhờ đó, Giáo Hội thực sự là người hoa tiêu của nhân loại trên đường tiến về Thành đô Thiên Quốc, thực sự là men, là muối giữa thế gian.

Kết luận: Con người là kẻ đi tìm chân lý,[xv] do đó, có thể nói, mỗi người là một triết gia.[xvi] Triết học đúng nghĩa không chống lại mạc khải Kitô giáo, nhưng bởi vì cùng trên lộ trình đi tìm chân lý cho nên triết học cần được đón nhận trong dòng mạc khải của Kitô giáo và góp phần mình cách đắc lực để con đường tiến về chân lý của nhân loại bớt chông gai. Nếu triết học vượt qua được chính mình để mở ra với chân lý mạc khải trong Kitô giáo; nếu nó tìm lại được “ơn gọi nguyên thủy” của mình, trung thành với khát vọng sâu thẳm của con người thì chắc chắn triết học sẽ đóng góp nhiều điều quan trọng và ý nghĩa trong tòa nhà suy tư của Kitô giáo. Và khi đó, triết học và đức tin sẽ hòa hợp với nhau và tiến về bình minh của Chân Lý Vĩnh Cửu.

 

Jb. Lê Quốc Hưng, Khóa XIII – ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. ĐGH. Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et Ratio.

2. Nguyễn Hồng Giáo, “Giáo hội Công giáo và triết học,” trong Nguyệt San Công giáo và Dân tộc, số 50, (30/4/1999).

3. Nguyễn Hồng Giáo, Để đọc thông điệp Fides et Ratio, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM, 2015.

4. HĐGM Việt Nam, Từ điển Công Giáo, 500 mục từ, NXB Tôn Giáo, TP. HCM, 2011, 320.

5. Marcel Neusch & Bruno Cherm, (Nguyễn Hồng Giáo chuyển ngữ), Tham quan xứ sở Thần học, 2004.

6. St. August, The City of God, Book VII.

7. Phan Tấn Thành, Về Nguồn, Tập 2, Học viện Đa Minh, Tp. HCM, 513.

8. Nguyễn Trọng Tuyển, Op., Lịch sử Triết học Tây Phương, Tập II. Thời Trung Cổ, Học Viện Đa Minh, 1998.

 9. Piô Phan Văn TìnhTriết học tây phương thượng cổ ảnh hưởng trên Kitô Giáo, Nxb. Phương Đông, Tp. HCM, 2010.

10. Nguyễn Khắc bá, Giáo trình Kitô học, ĐCV. Vinh Thanh, 2018.

 


[i] ĐGH. Gioan Phaolô II, (Lm. Nguyễn Hồng Giáo dịch), Thông điệp Fides et Ratio, số 3, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM, 2015.

[ii] Ibidem, số 3.

[iii] x. Nguyễn Hồng Giáo, “Giáo hội Công giáo và triết học,” trong Nguyệt San Công giáo và Dân tộc, số 50, (30/4/1999).

[iv] x. Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Kitô học, ĐCV. Vinh Thanh, 2018, 160.

[v] ĐGH. Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et Ratio, số 9.

[vi] cf. HĐGM Việt Nam, Từ điển Công Giáo, 500 mục từ, NXB Tôn Giáo, TP. HCM, 2011, 320.

[vii] x. Nguyễn Hồng Giáo, Để đọc thông điệp Fides et Ratio, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM, 2015, 18.

[viii] Marcel Neusch & Bruno Cherm, Tham quan xứ sở Thần học, Chuyển ngữ: Lm. Hồng Giáo, 2004, 12.

[ix] x. ĐGH. Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et Ratio, số 77.

[x] x. Nguyễn Hồng Giáo, Để đọc thông điệp Fides et Ratio, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM, 2015, 26.

[xi] x. St. August, The City of God, Book VII.

[xii] x. Phan Tấn Thành, Về Nguồn, Tập 2, Học viện Đa Minh, Tp. HCM, 513.

[xiii] x. ĐGH. Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et Ratio, số 65-68.

[xiv] Ibidem, số 47.

[xv] x. Ibidem, số 28.

[xvi] x. Ibidem, số 30.

Nguồn tin:
Tags :