Vấn Đề Tri Thức Theo Immanuel Kant

Tue,10/11/2020
Lượt xem: 7502

DẪN NHẬP

“Vật đè lên đầu, hay đầu đè lên vật” – là vấn đề nan giải xưa nay mà triết học chưa thể giải quyết được. Nói cho có trí thức, tri thức là do bẩm sinh, hay do thực nghiệm mang lại. Những quan niệm này đã làm nên các khuynh hướng khác nhau trong nền triết học xưa và nay. Trước hết phải nên nhắc đến Platon (428-347 TCN), ông là người được người ta gán cho “cái mác” đặt nền móng cho nhị nguyên thuyết và về sau đã ảnh hưởng rất mạnh đến nền triết học. Trong học thuyết về Linh tượng, ông đã hoàn toàn cự tuyệt với thế giới khả giác, chấp nhận sống như một “bóng ma” cô hồn trong cái thế giới này. Theo ông, chỉ có những gì tồn tại trong thế giới các ý tưởng mới là thật, là hoàn hảo, đó mới là tri thức chân chính.[i] Nhưng cái gì cũng có mặt đối lập, có trường phái thì gạt bỏ hoàn toàn quan niệm tri thức bẩm sinh và chỉ chấp nhận những gì từ thực nghiệm, như Locke (1632-1704), David Hume (1711-1776).

Với Immanuel Kant, ông đã dựa trên những nền tảng đó để xây dựng một học thuyết cho riêng mình, với một cái tên khá mới mẽ và thú vị, triết học siêu nghiệm: “Tôi gọi tri thức là siêu nghiệm khi nó không bận tâm nhiều đến các sự vật cho bằng đến những khái niệm tiên nghiệm của ta về sự vật.”[ii] Từ định nghĩa đó cho thấy, tri thức của ông không hẳn là Duy lý như Descartes (1596-1650), cũng không hẳn là Duy nghiệm, cũng không duy tâm tuyệt đối như Berkeley (1685-1753), cũng không hẳn là có sự dung hòa. Trong khuôn khổ cho phép, con xin được trình bày nội dung cơ bản và thiếu yếu về vấn đề tri thức dựa vào cuốn “Phê phán lý trí thuần túy” của Immanuel Kant.

I.  Cuộc đời và tác phẩm

Immanuel Kant (1724 – 1804) sinh ở Konigberg, trong một gia đình có truyền thống đạo hạnh theo phái mộ đạo Tin Lành. Ông là một con người khá nề nếp, ăn mặc lịch lãm, nhưng sống độc thân.

Ông đã có nhiều nghiên cứu, và viết ra nhiều tác phẩm triết học. Nhiều tác phẩm quan trọng đã đánh dấu tên tuổi của ông, như:

-       Phê phán lý tính thuần túy (Kritik der reinen Vernuft) – xuấn bản lần 1 năm 1781, lần 2 năm 1787.

-       Phê phán lý tính thực hành (Kritik der praktischen Vernuft) – năm 1788.

-       Phê phán năng lực phán đoán (Kritik der Urteilskraft) – năm 1790.

-       Tôn giáo trong giới hạn của lý trí – năm 1793.


II.  Tư tưởng

1.    Quan niệm tri thức

Theo Kant, mọi nhận thức của ta đều bắt đầu từ kinh nghiệm, vì đối tượng tác động đến giác quan của ta, sau đó quan năng sẽ nhận thức, một phần sẽ dừng lại ở hình tượng, một phần được xử lý nhờ giác tính. Xét về mặt thời gian, không nhận thức nào đi trước kinh nghiệm.[iii] Cụ thể, đối tượng sẽ được nhận thức bởi cảm năng (5 giác quan), nếu dừng lại ở đây thì ta không hơn gì một con vật, vì thế sẽ không đủ để nhận thức, nên đối tượng sẽ được mã hóa nhờ việc suy tưởng của giác tính.[iv] Ví dụ, khi tay tôi cầm một quả cam, thì mắt tôi thấy hình dạng, mũi ngửi thấy mùi, thậm chí lưỡi nếm vị, từ đó giác tính sẽ suy tưởng và đưa ra một khái niệm về “quả cam”. Từ vấn đề trên, Kant đã cho thấy rõ mối tương quan khăng khít giữa tư tưởng và đối tượng được nhận thức: “những tư tưởng không có nội dung thì trống rỗng, những trực quan không có khái niệm thì mù quáng.”[v] Tức là, giác tính phải dựa vào cảm năng, và cảm năng phải dựa vào giác tính.

Nếu nói như thế thì Kant đề cao kinh nghiệm như Locke chăng? Đúng, nhưng không phải vì thế mà tất cả đều bắt nguồn từ kinh nghiệm (hậu nghiệm – a posteriori), mà là tiên thiên (có trước kinh nghiệm – a priori): “sự tồn tại của thế giới kinh nghiệm không phải do trí khôn tạo ra, nhưng trí khôn áp đặt các ý niệm của nó trên các dữ kiện đa dạng của kinh nghiệm, được rút ra từ thế giới các sự vật tự nó.”[vi] Đối tượng được nhận thức bởi cảm năng chỉ là chất liệu thô để giác tính (trí năng) suy tưởng, đưa ra các khái niệm, và chính lý trí sẽ chuẩn nhận. Nghĩa là, lý trí[vii] sẽ trực tiếp ‘làm việc’ với trí năng, chứ không phải cảm năng (vì cảm năng thường bị tác động bởi nhiều yếu tố như tâm lý, cảm xúc,… do đó nhận thức không thực). Cái mà có lý trí thuần túy (100% lý lính) đưa ra gọi là tri thức tiên thiên, hay siêu nghiệm.

Cũng như Platon, Kant cho rằng các ý niệm đó đã có sẵn trong tâm trí (linh tượng): “ý niệm (I dee)”, hay khái niệm của lý tính, siêu nghiệm, tức là cái “vô điều kiện không thể nhận thức được, không thể tìm thấy gì trong kinh nghiệm.”[viii] Nhưng Platon chỉ đề cập đến cái chung chung và không rõ ràng, còn Kant đã biến cái “chung” đó làm cái “sự vật cá biệt” hay gọi là Ý thể (Das ideale), và theo ông Ý thể là nguyên mẫu Linh tượng.[ix]

Theo Kant, lý trí là một trong ba cột trụ chính trong quá trình nhận thức của con người: cảm năng (sinnlich keit), giác tính (verstand) và lý trí (vernunft).[x] Nhưng những nhận thức của chủ thể có giá trị chân thực khi quá trình nhận thức đó được đặt trong không gian và thời gian.

2.    Không gian và thời gian

Theo Kant, không gian và thời gian ở đây không phải là những phần chia nhỏ như chúng ta nghĩ, nhưng không gian và thời gian ở đây chính là mô thức của trực quan cảm tính. “Không gian là một trực quan thuần túy, tiên nghiệm chứ không thường nghiệm, là mô thức cho mọi hiên tượng của giác quan bên ngoài, tức là điều kiện chủ quan của cảm năng, nhờ đó trực quan bên ngoài mới có thể có được cho ta.”[xi]  Còn, “Thời gian là mô thức của giác quan bên trong, tức trực quan của chính ta về trạng thái bên trong (nội tâm của ta).”[xii] Ví dụ, khi nói về sự kiện tai nạn giao thông, cần có không gian (ở đâu) và thời gian (khi nào), nhờ đó giác tính của ta sẽ bắt đầu suy tưởng về sự kiện đó và đưa ra một khái niệm tiên thiên trên sự việc. Tóm lại, không gian và thời gian là hai nguồn của nhận thức, là các mô thức thuần túy của mọi trực quan cảm tính, do đó chỉ là điều kiện cho sự tồn tại của sự vật như là những hiện tượng. Ngoài không gian và thời gian, còn có những mô thức trí năng thuần túy, tức là những phạm trù (12 phạm trù) hoặc những cấu trúc tổng quát của tư duy mà trí tuệ con người tạo ra để nhận thức các hiện tượng vật lý.[xiii]

3.    Những hiện tượng và vật tự thân

Kant cho rằng, những hiện tượng (Phaenomena) là “những gì xuất hiện ra cho ta và ta có thể buộc chúng phù hợp với các khái niệm do ta đặt vào nơi chúng.”[xiv] Hay nói cách khác, hiện tượng là chính biểu tượng trung thực và đích xác ở sự vật theo như nó được trình diện nơi giác quan của ta.[xv] Vì những hiện tượng thì đa tạp, biến đổi[xvi], và biến đổi là luôn thường tồn.  

Theo ông, những gì ta nhận thức (tiên nghiệm) thực ra chỉ là những hiện tượng (Phaenomena) bên ngoài của vật, còn những vật tự thân[xvii] (noumena) như thế nào thì hoàn toàn nằm ngoài phạm vi nhận thức của ta: “Tôi không biết gì về tự thân của nó cả, và thậm chí không có bất kỳ khái niệm nào về nó ngoài khái niệm về đối tượng (siêu nghiệm) của một trực quan cảm tính nói chung.”[xviii] Nghĩa là, vật tự thân là đối tượng của trực quan phi cảm tính, giả định rằng có một phương cách trực quan đặc biệt, trực quan trí tuệ, nhưng trực quan này không phải của ta và ta không biết gì về khả năng này. Như thế, khái niệm về vật tự nó “không thêm gì cho nhận thức của chúng ta, mà chỉ nhắc nhở chúng ta về các giới hạn nhận thức của chúng ta.”[xix] Vật tự thân đặc biệt mà ông thường nhắc tới là Thiên Chúa, linh hồn bất tử và tự do. Tuy không thể nhận thức được chính những đối tượng ấy như là những vật tự thân thì ít ra ta cũng có thể suy tưởng về chúng. Kant lý giải điều này để tránh mệnh đề vô lý rằng hiện tượng là cái gì xuất hiện ra mà lại không có cái xuất hiện.[xx]

4.    Triết gia của niềm tin

Kant đã thấy rất rõ ràng giới hạn của lý trí, dù đối tượng phụ thuộc vào khái niệm của giác tính suy tưởng, nhưng rõ ràng ta không thể hiểu được “yếu tính” hay cái nội tại của vật. Trong tác phẩm “Phê phán lý trí thuần túy”, ông đã chấp nhận sự hạn hẹp của mình để rồi khiêm tốn trở về với niềm tin tôn giáo, đó là lối thoát duy nhất. “Lòng tin” là từ ngữ khá quan trọng trong triết học của Kant. Ông khẳng định rằng: “lòng tin là cách diễn tả khiêm tốn đứng về mặt khách quan, nhưng đồng thời là sự tin về mặt chủ quan.”[xxi]

III.         Nhận định

Về vấn đề nhận thức, Kant đã khá khôn ngoan khi thấy được tầm quan trọng của kinh nghiệm khả giác, điều mà Platon cự tuyệt hoàn toàn; về sau chính Descartes đẩy cao tuyệt đối nhị nguyên và theo đó bản thể tư duy (Cogito) chỉ tin nhận những gì là bẩm sinh. Nhưng Kant cũng không hoàn toàn ôm trọn thế giới kinh nghiệm như Locke. Từ vấn đề tri thức dưới cái nhìn tiên nghiệm (a priori) của Kant đã cho thấy rằng, chính giác tính suy tưởng và đưa ra khái niệm cho vật, xét về mặt hiện tượng. Thực ra trước Kant khá xa, st. Thomas Aquinas (1225-1274) đã đề cao vai trò của giác quan trong việc tri giác: “không có gì đi vào trí khôn mà trước hết không đi qua giác quan.”[xxii] Như vậy, trực giác của Kant là thuần túy thuộc giác tính, khác xa với trực giác của Decartes chỉ hoạt động nơi tư duy và qua tư duy (Cogito). Và trực giác với Kant chỉ là phương tiện, không như Locke nghĩ trực giác là tri thức nền tảng.

Quan niệm tri thức kiểu tiên thiên của Kant xét về mặt nội dung cũng không khác xa với các nhà tư tưởng trước ông, chỉ khác ở hình thức trình bày. Ví như st. Tôma Aquinô, nhận thức bằng trí tuệ (mức nhận thức cao nhất) thì đối tượng được nhận thức nằm trong chủ thể, nhận thức theo hình thái của chủ thể, nhưng cần có ảnh tượng là trung gian.[xxiii] Các nhà tư tưởng bên Đông Phương cũng đã khám khá ra điều tương tự về tri thức. Mạnh Tử cho rằng, tri thức không phải do thực nghiệm với ngoại giới mà có, mà thuộc về bản tính con người, thuộc về tri thức tiên thiên: “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí phi do ngoại thược ngã dã, ngã cố hữu chi dã –  Nhân, Nghĩa. Lễ, Trí không phải từ bên ngoài nung đúc cho ta, ta vốn đã có rồi vậy.”[xxiv]  Nghĩa là, tri thức nằm ở phía chủ thể. Chủ thể tri giác đối tượng bằng giác quan, rồi suy tưởng đối tượng thành một khái niệm và chính khái niệm (tên ta đặt cho vật) sẽ giúp ta có một mối quan hệ trong nhận thức. Ví dụ, cùng một vật mà nhiều nơi gọi bằng những tên khác nhau: cá lóc, cá tràu, cá quả. Và, tri thức này nó không hiểu là bẩm sinh, nghĩa là sở đắc từ kiếp trước, mà có phần nghiêng hẳn về học thuyết soi sáng[xxv] của thánh Augustinô.

Thiết tưởng đầu tiên, Kant duy lý tuyệt đối như Descartes, chỉ khác ở cách thức. Bởi vì ông hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào lý trí thuần túy, đến độ ông dùng “Lý trí thực hành” thay cho ý chí trong quan niệm về vấn đề đạo đức học của ông. Nhưng khi ‘đụng’ phải vật tự thân, ông đã chấp nhận lý trí có giới hạn, vì không thể trực giác hay biết bất cứ cái gì về vật tự thân. Cái mà Aristote (384-322) đã gọi là “nội tại”, “lực – forces” của Nietzche (1845-1900), “đà sống – Élan Vital” của Bergson (1589-1941), hay cái mà con quan niệm là sự huyền nhiệm trong chính sự vật. Hegel (1770-1831) cho vấn đề “vật tự thân” của Kant là giả tạo, một sự trừu tượng trống rỗng và không thể giải quyết được.[xxvi] Cuối cùng ông cũng gói ghém vật tự thân trong “Tinh thần tuyệt đối”, không khác mấy với Kant đã đặt hạn hẹp đó nơi niềm tin.

Đồng ý với Kant rằng, dù không biết vật tự thân, nhưng ít ra lý trí có quyền suy tưởng. Và đi xa hơn chút, với cái nhìn theo triết lý “nhân – quả” thì ít ra có cái gì đó huyền nhiệm trong sự vật cần biết. Theo Aristote, vạn vật hướng đích, hay nói theo ngôn ngữ triết lý Đông Phương: “Vạn vật bản hồ thiên – vạn vật đều dẫn về Thượng Đế.” Như thế, theo thiển ý, ta không biết được vật tự thân, nhưng những hiện tượng mà ta tri giác được sẽ dẫn về một cùng đích. Đó chính là điều mà Platon đã ấp ủ: “tri thức chân chính là tri thức mang tính tất yếu của chân lý.” Hẳn nhiên, xét về mặt Hữu thể học thì điều này hoàn toàn đúng. Trên vạn vật, Thượng Đế đã để lại dấn ấn của ngài trên đó, nói thì theo như kiểu “lưu xuất” của Plotinus, nhưng hiểu lại là một vấn đề khác. Hay theo cách hiểu của một người có niềm tin thì vạn vât phải có cứu cánh (con đường thứ 5 trong Ngủ đạo luận của thánh Tôma Aquinô). Và cái “đích”, “cứu cánh” đó chính là Thiên Chúa.

Và như Kant đã đề xướng, việc nhận thức những hiện tượng phải luôn đặt trong các mô thức thuần túy của giác tính là không gian và thời gian. Cái mà triết học truyền thống đã đánh mất khi bàn về Hữu thể, về sau Heidegger đã triển khai phương diện này khá triệt để. Còn về vật tự thân thì vấn đề này lại khác hẳn! Nhưng, mô thức thời gian và không gian ở đây chỉ tồn tại trong nhận thức của ta, riêng với Thiên Chúa, sự bất tử của linh hồn và tự do (hiểu theo nghĩa ân ban và thông dự) thì vượt hẳn ngoài những mô thức đó, tức nó không bị lệ thuộc bởi không gian và thời gian, điều mà thánh Augustinô đã trầm tư khá nhiều trong chương 11 của cuốn Tự thuật.

KẾT LUẬN: Triết học của Kant đã ảnh hưởng khá sâu rộng, cái mà ông khá tự hào và coi đây như một cuộc cách mạng Corpenic, nhất là trong lãnh vực tri thức. Triết học siêu nghiệm của ông đã làm mới lại tinh thần triết học đã bị xơ cứng trong quá khứ, đồng thời đặt nền tảng và ảnh hưởng rất lớn đến nền triết học hiện sinh. Riêng vấn đề tri thức tiên nghiệm của ông đã phần nào khai trí ta rất nhiều, tránh lối suy tư thiếu căn cứ hoặc bị đóng khung trong những chuẩn mực mang tính giáo điều. Đặc biệt, qua vấn đề “vật tự thân” chính ông đặt ra đã giúp con người ý thức hơn về sự hạn hẹp của mình, đằng khác chân nhận tính huyền nhiệm trong sự vật để tránh một cái nhìn “cai trị” khắt khe trên vạn vật. Và quan trọng hơn hết, qua vẽ đẹp (những hiện tượng) của vạn vật trong vũ trụ chúng ta nhận thức được ‘khuôn mặt’ của một Thiên Chúa duy nhất và quan phòng qua lối cách vật, chứ không phải là trục vật. Dầu vậy, bản thân cũng tự hỏi, liệu cái “đầu” thuần túy này là phổ quát, hay chỉ dạng đặc biệt như của Kant? Cái đầu thuần túy này có chứa tri thức tiên nghiệm về tội hay không? Lo ngại rằng chính cái đầu thuần túy này cũng sẽ đưa ra các mệnh lệnh tuyệt dối để thay thế Thượng Đế chăng?

 

Phêrô Phạm Văn Huỳnh

Chủng sinh khoá 15

 


[i] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử Triết học Tây Phương – tập 2, Nxb. Hồ Chí Minh, HCM, 2001, 54.

[ii]  Will Durant (Trí Hải và Bửu Đính dịch), Câu chuyện triết học, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2014, 224.

[iii] Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải), Phê Phán Lý Trí Thuần Túy – tập 1, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2014, 77.

[iv] Ibid., 135.

[v] Ibid., 139

[vi] Samuel Enoch Stumpf (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2007, 251.

[vii] Kant phân biệt khá rõ ràng giữa trí năng và lý trí. Theo ông, Trí năng là tài năng đứng quy tụ các hiện tượng thành một mối duy nhất, theo những quy luật nhất định. Lý trí là những tài năng đứng quy tụ những quy luật của trí năng về một mối duy nhất, theo một số nguyên tắc nhất định.

[viii] Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải), Phê Phán Lý Trí Thuần Túy – tập 2, op.cit., 638.

[ix]Ibid., 910.

[x] x. Lm Nguyễn Hữu Thi, Lịch sử Triết học Tây Phương (Từ thời Cổ đại đến ngày nay), Nxb. Trung tâm Mục vụ CGVN, giáo phận Trier, CHLB Đức, 187.

[xi] Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải), Phê Phán Lý Trí Thuần Túy – tập 1, op.cit., 149.

[xii] Ibid., 160.

[xiii]x.  Mai Sơn, 101 Triết gia, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007, 341.

[xiv] Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải), Phê Phán Lý Trí Thuần Túy – tập 1, op.cit., 47.

[xv] x. Trần Thái Đỉnh, Triết học Kant, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2014, 88.

[xvi] Đây là từ ngữ quan trọng trong triết học của Kant,  nghĩa là một phương cách tồn tại tiếp theo một phương cách tồn tại khác của cùng một sự vật, nó khác hẳn với từ “thay đổi”.

[xvii] Vật tự thân (Das Ding an Sich) – theo tiếng Việt ngĩa là “vật tự thể”, “vật tự nó”, “vật tự nội”

[xviii] Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải), Phê Phán Lý Trí Thuần Túy – tập 1, op.cit., 536

[xix] Ibid., 537.

[xx] Ibid., 539.

[xxi] Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải), Phê Phán Lý Trí Thuần Túy – tập 2, op.cit., 1165.

[xxii] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học phương Tây – tập 2, op.cit., 219.

[xxiii] x. ĐVC Vinh-Thanh, Đại cương Triết học phương Tây, Lưu hành nội bộ, 74.

[xxiv] GS. Nguyễn Đăng Thực, Lịch sử Triết học Phương Đông, Nxb. Từ Điển Bách Khoa, Hà Nội, 2006, 202.

[xxv] St. Augustinô quan niệm có ba loại nhận thức: Giác quan, hạ đẳng (khoa học) và thượng đẳng (minh triết). Nhận thức thượng đẳng là nhận thức Thiên Chúa và vũ trụ trường cửu, nhưng Thiên Chúa là ánh áng của linh hồn ta, chính Ngài soi sáng để ta nhìn thấy mọi sự, tựa như ánh sáng mặt trời cho ta thấy vạn vật.

[xxvi] x. Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải), Phê Phán Lý Trí Thuần Túy – tập 2, op.cit., 582.

Nguồn tin: