Bộ môn: Triết Học Tôn Giáo
Giáo sư hướng dẫn: Fr. Giu-se Vũ Uyên Thi, S.J.
Học viên thực hiện
Phê-rô Đặng Đình Tùng, S.J.
Tháng 12 năm 2020
Dẫn nhập
Nhắc đến mạc khải, liên hệ đầu tiên và trực tiếp nhất với đại đa số người nghe có lẽ là thần học. Thế nhưng, cha Karl Rahner (1904-1984), S.J., một thần học gia lỗi lạc thế kỷ 20, đồng thời là một triết gia có tiếng thuộc trường phái siêu nghiệm, là người thay vì bàn về chủ đề này trong khung cảnh của khoa học thánh, đã làm điều đó trong lãnh thổ triết học. Trong tựa đề tác phẩm “Kẻ Lắng Nghe Lời”, ngài ngụ ý hai điều: Một là khả năng Lời được trao tặng bằng một cách thức nào đó mà ngài gọi là mạc khải và hai là con người có khả năng nghe được Lời ấy. Triết gia này đã khởi sự tác phẩm của mình với việc đặt nền tảng cho triết học tôn giáo bằng cách đặt nó trong tương quan với thần học. Qua những diễn dịch chặt chẽ của mình, ông nhận định rằng việc xem xét mối tương quan ấy hóa ra chính là việc truy vấn một ngành nhân học siêu hình nơi đó con người được hiểu như là “những hữu thể, trong thân phận mang tính lịch sử của mình, tìm kiếm một mạc khải có tính biến cố đến từ Thiên Chúa”[1].
Phát biểu đầu tiên của nhân học siêu hình khẳng định : “Sự siêu vượt tuyệt đối tiên thiên hướng về hữu thuần túy và đơn nhất thuộc về bản chất căn cơ của con người. Đó là lí do tại sao một con người được gọi là một tinh thần”[2]. Cùng với đó, hữu thể luận cũng chứng minh rằng : Hữu tự bản chất là biết và được biết trong một sự thống nhất uyên nguyên, hay bản chất của hữu là sự-tự trình(self-presence). Hai phát biểu này như là hai phần của một chiếc bản lề, nâng đỡ toàn bộ công trình đặt nền tảng cho triết học tôn giáo của Karl Rahner.
Câu hỏi căn cốt mà siêu hình học đặt ra là hữu của hữu thể là gì. Câu hỏi này hàm chứa ba khía cạnh[3] :
- Nó truy vấn về hữu toàn thể (all being), cái là một và thuộc về mọi hữu thể chứ không phải tổng toàn bộ tất cả các hữu thể.
- Nó phải tra vấn về hữu.
- Nó nhắm tới hữu của hữu thể nên nó phân biệt hữu và hữu thể.
Việc phân tích câu hỏi này phải cho chúng ta biết bản chất của hữu thể nói chung và của con người nói riêng, kẻ tất yếu phải hỏi câu hỏi đó.
Karl Rahner chứng minh rằng bản chất của hữu là biết và được biết trong một sự thống nhất uyên nguyên, hay nói cách khác, bản chất của hữu là sự tự-trình, sự hiển minh (luminosity)[4]. Sự quy hồi của chủ thể vào trong chính mình[5] là thuật ngữ thánh Tô-ma trước đó sử dụng để diễn tả khái niệm tự-trình này. Vậy nếu hữu là sự tự-trình hay đã hiển minh, nếu chúng ta có khả năng quay vào trong chính mình thì tại sao chúng ta còn phải truy vấn về hữu? Tác giả một lần nữa đồng ý với thánh Tô-ma rằng hữu mà con người đang tra vấn không đơn thuần và từ mọi khía cạnh trùng hợp với hữu của người tra vấn ấy. Vị triết gia siêu nghiệm cho rằng :
Mọi sự vật không ngừng nỗ lực trở về với chính mình, nó mong muốn đi vào bên trong mình, chiếm hữu được chính nó, vì đó là những gì nó muốn nó là, tức là hữu, trong mức độ nó chiếm hữu được chính nó. Sự tự chiếm này là một giai đoạn kép : một sự mở rộng hướng ra, sự đặt ra bên ngoài yếu tính của nó từ nền tảng của nó – và một sự chiếm-lại, một sự tái hợp của yếu tính này cái đã bước ra từ nền tảng của nó và xuất hiện như nó được tỏ lộ. Hai giai đoạn này càng nội tại đối với hữu cái đi ra và trở về với chính mình, thì một hữu thể càng có thể tỏ lộ chính mình và giữ những gì được tỏ lộ trong chính nó, càng có thể hấp thụ (assimilate) cái yếu tính đã được phát tỏ, và càng thông dự vào hữu, như là một sự trình ra cho chính nó. Cũng như hữu, sự tự-trình và sự hiển minh là các khái niệm loại suy. Hữu vật chất chỉ tỏ hiện cho những đối tượng khác nó, và ẩn kín đối với chính nó. Chỉ nơi con người, sự bộc lộ yếu tính của ta trong tư tưởng và hàng động ngay trong lần đầu đã quay lại hoàn toàn với chúng ta. Tuy nhiên ngay cả nơi con người thì nhận thức về hữu cũng không phải là tuyệt đối vì nó không thể chiếm toàn bộ hữu. Chỉ có hữu thuần túy mới là sự đồng nhất tuyệt đối của hữu và biết, và hoàn toàn thấu đạt khái niệm hữu là gì. Như thế chỉ trong hữu tuyệt đối mới không còn câu hỏi nào phải đặt ra.[6]
Con người tất yếu phải hỏi câu hỏi về hữu. Bản chất căn sơ của chúng ta là có thể và phải truy vấn về hữu. Do đó chúng ta không phải là ý thức tuyệt đối (absolute consciousness), nhưng chỉ như là “ý thức siêu việt”, những tinh thần hữu hạn. Ý thức tuyệt đối không được hàm chứa trong sự truy vấn siêu hình của chúng ta. Ý thức tuyệt đối này không trở về với chính nó trong chúng ta cũng không trở về trong ý thức siêu việt của chúng ta. Khi chúng ta cảm thấy tra vấn về hữu là một đòi hỏi bức thiết, nó cho thấy tính hữu hạn của tinh thần trong một cách thức mà bản thân câu hỏi đã tỏ lộ là hữu tự thân là sự tự-trình, là sự thống nhất uyên nguyên của biết và được biết. Dù chưa đi đến cuối công trình của mình, nhưng tác giả đã có đầy đủ bằng chứng xác tín rằng “một triết học tôn giáo đích thực nhất phải là một sự chứng minh về khả năng (possibility) của một mạc khải thần linh”[7]. Nếu mạc khải là sự tự-tỏ lộ của đấng tuyệt đối cho tinh thần hữu hạn, thì điều này giả định hai điều[8] :
- Theo nguyên tắc, mọi hữu thể đều có thể trình lộ bằng một thông truyền hướng tới tinh thần ấy hay nói cách khác sự tỏ lộ phải nằm trong địa hạt ý thức của con người. Hữu thể tối hậu được xem là có sự thống nhất tối hậu của hữu và tri (knowing) nên hoàn toàn có sự thông truyền chính nó, hữu thể thuần túy, trong “thần tính” của nó cho con người ngang qua lời.
- Điều kiện cần có cho khả năng của mạc khải là bản chất con người phải có một sự mở ra đối với sự trình tỏ của hữu thể tối hậu bằng lời hiển sáng.
Ở đây, một lần nữa hình ảnh chiếc bản lề xuất hiện, trong đó một phần của nó là việc hữu thể tuyệt đối phải thông truyền chính mình cho tinh thần con người và phần còn lại là sự kiện con người có khả năng để tri hội sự thông truyền ấy.
Với tất cả những trình luận trên, người viết thiết tưởng đã tóm lược được một vài điểm căn bản trong rất nhiều những lý giải của triết gia Karl Rahner để có thể bắt đầu phần nội dung chính yếu của bài viết này. Phạm vi bài viết gói gọn trong “phần bản lề thứ hai”, điều kiện hay khả năng để con người đón nhận được mạc khải, nếu có, đến từ Hữu Thể Tuyệt Đối. Điều kiện ấy chính là Vorgriff. Vì thế, trước tiên người viết sẽ trình bày những lý giải của tác giả dẫn tới hạn từ này, kế đến là phần trình bày những đặc tính của Vorgriff và cuối cùng là đích đến của Vorgriff.
Diễn trình đưa tới việc nhận ra Vorgriff
Chúng ta là những hữu thể tự-tồn trong tri thức. Con người tự-tồn (human self-subsistence) xuất hiện trong tất cả các hoạt động của chúng ta trong mức độ nó là những hoạt động của con người. Nó xuất hiện trong phán đoán. Mọi phán đoán đều quy chiếu một điều được biết vào một đối tượng, một vị ngữ cho một chủ ngữ. Và trong mức độ một phán đoán là đúng, nó nhắm tới bất cứ cái gì mà vị ngữ quy chiếu vào và cái đó độc lập với bản thân hành vi phán đoán. Điều này có nghĩa là đối tượng được nhận biết như nó là trong chính bản thân nó. Theo cách này, với tư cách là chủ thể phán đoán, tôi đặt để đối tượng của phán đoán của tôi khác với bản thân tôi ; đồng thời, bằng việc tách mình ra khỏi đối tượng ấy, tôi đặt bản thân tôi đối lập với đối tượng đó. Do đó, xét như là chủ thể tôi nắm bắt bản thân mình như là đứng tách biệt khỏi đối tượng của phán đoán của tôi. Trong mọi phán đoán tôi nhận biết mình như là một chủ thể tự tồn trong chính mình; và vì là con người, chúng ta luôn suy tưởng chỉ bằng những phán đoán (chúng ta luôn nghĩ cái gì đó “về” cái gì đó, tức là chúng ta phán đoán), tiến trình trên xảy ra trong tất cả suy tưởng của chúng ta.
Con người tự-tồn cũng xuất hiện trong mọi hành vi. Hành vi của con người là tự do. Nhưng sự tự do chỉ có một cách tiên thiên khi với tư cách là những chủ thể hành động, chúng ta chiếm một vị trí độc lập với vị trí của đối tượng của hành động của chúng ta. Vì chúng ta hoàn toàn quay vào trong chính mình nơi những phán đoán của ta, do đó đối lập và độc lập với đối tượng của tri thức, chúng ta tự do trước đối tượng này và có thể hành động cách tự do đối với nó. Ngược lại vì chúng ta có thể hành động cách tự do với các sự vật nên khi chúng ta hành động có mục đích thì chúng ta đang tự-tồn trong tri thức và trong hành động của mình. Do đó sự tự-tồn nhận thức này (knowing self-subsistence) thuộc về bản chất cốt yếu của chúng ta. Chúng ta cho thấy và khẳng định nó trong mọi tiến trình hiện hữu làm người của mình.[9] Nhưng câu hỏi đặt ra là cái gì là điều kiện siêu nghiệm tiên thiên cho khả năng của sự tự-tồn này[10] ? Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta phải xem xét kĩ hơn bản chất đặc trưng của một phán đoán.
Dạng thức tổng quát nhất của một phán đoán là mệnh đề : cái này thế này hay thế kia. Trong hành động của con người, dạng thức phán đoán này cũng xuất hiện vì khi hành động, chúng ta đối diện với một điều gì đó là thế này hay thế kia, thuộc loại này hay loại kia. Như thế chúng ta đang nắm bắt một đối tượng đơn biệt nào đó của tư tưởng và hành động của ta bằng một khái niệm phổ quát. Chính khi nắm bắt đối tượng đơn biệt ấy bằng khái niệm là khi chúng ta đạt tới sự tự-tồn trong tri thức của ta. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta nhận biết được điều gì đó của cái gì đó nhờ những khái niệm của chúng ta. Biết được điều gì đó của cái gì đó tức là chúng ta đang quy chiếu một khái niệm phổ quát vào một cái this nào đó mà nó gắn vào. Cái this này bây giờ đối diện với ta như một đối tượng và do đó ta đạt đến sự tự-tồn trong tri thức[11]. Hơn thế, con người tồn tại trong một thế giới các đối tượng. Ngang qua phán đoán và hoạt động, chúng ta đưa (extrapose) những đối tượng này ra như những sự vật trong chính bản thân chúng. “Điều này cho phép chúng ta trở về với chính mình, trở thành tự tồn trong tri thức. Trong sự tự tồn này chúng ta nắm bắt các đối tượng dưới các khái niệm, dưới một quan điểm phổ quát”[12]. Vậy đâu là nền tảng của sự tự-tồn như thế hay cái làm cho nó khả hữu? Câu trả lời đồng nghĩa với việc truy vấn về cái khiến ta có thể đưa một đối tượng đơn biệt vào một khái niệm, để nắm bắt cái phổ quát trong cái đơn lẻ. Thánh Tô ma gọi đó là sự trừu tượng hóa. “Trừu tượng hóa cho phép ta nắm bắt cái phổ quát trong cái đặc thù và là điều kiện cho khả năng của việc phán đoán, do đó là của sự tự tồn nhận thức (knowing self-subsistence)” [13]. Vậy chúng ta phải nghiên cứu cái khiến cho sự trừu tượng hóa là khả hữu.
Khi chúng ta trừu tượng hóa, ta biết rằng ta có thể tách cái niệm tính (quiddity hay whatness) hay “yếu tính được diễn tả qua một khái niệm”[14] ra từ một sự vật riêng lẻ nơi mà niệm tính ấy tỏ trình cho chúng ta. Yếu tính (essence) của cái “what” này không chỉ được nhận ra trong đối tượng riêng biệt này. Do đó, trừ tượng hóa có nghĩa là biết rằng cái niệm tính có trong đối tượng cá biệt này là vô hạn, theo nghĩa này là nó cũng có thể có trong những đối tượng riêng biệt khác. “Cái whatness này được nắm bắt như một xác định (determination) áp dụng vượt ngoài đối tượng riêng biệt ấy, cái mà trong nó cái whatness xuất hiện và được kinh nghiệm nhờ giác quan của ta”[15].
Vấn đề cần giải quyết lúc này là truy vấn điều kiện siêu nghiệm cho phép chủ thể nhận thức ấy biết rằng niệm tính ấy là vô hạn, mặc dù nó được kinh nghiệm như là niệm tính của một sự vật đơn lẻ. Chúng ta đang tra vấn điều kiện siêu nghiệm cho khả năng xảy ra sự trừu tượng hóa này. Điều kiện ấy phải có trước bất kì một tri thức hay sự trừu tượng hóa nào và phải tồn tại trong chủ thể nhận thức, như là điều kiện nhờ đó mới có các tri thức hay sự trừu tượng hóa. Truy vấn về điều kiện cho khả năng này cũng chính là xem xét bản chất nội tại của năng lực (power) trừu tượng.
Năng lực trừu tượng hóa là năng lực nhận biết rằng cái whatness là không bị giới hạn. Cái whatness này ban đầu đối với ta như là bị giới hạn vào một đối tượng giác quan riêng lẻ nào đó. Vậy nếu chúng ta nhờ năng lực trừu tượng mà đồng thời biết rằng cái whatness này là không bị giới hạn, thì một cách nào đó chúng ta phải nắm bắt được rằng sự giới hạn của nó đến từ đối tượng giác quan đơn lẻ ấy. Nếu chúng ta ý thức sự giới hạn này xảy ra là vì cái “thisness” của đối tượng đơn lẻ ấy, chúng ta cũng sẽ ý thức được tính vô hạn của cái whatness ấy.
Một giới hạn được kinh nghiệm như là một cản trở đối với một điều gì đó muốn vượt trên nó. Chúng ta ý thức rằng đối tượng giác quan đơn biệt (single) đã giới hạn cái whatness được kinh nghiệm bằng tri giác. Tính vô hạn của cái whatness cũng được đồng nhận thức khi ta ý thức về sự giới hạn ấy. Ta chỉ ý thức được cả sự hữu hạn và vô hạn ấy của whatness nếu như hành vi nắm bắt đối tượng giác quan riêng biệt (individual) ấy vươn ra khỏi đối tượng riêng biệt này, vươn xa hơn đối tượng như đối tượng là.
Hành vi vươn xa “hơn” này không thể nào lại đạt tới cùng đích là một đối tượng riêng biệt nào đó khác cùng loại với cái đã được trừu tượng. Nếu không chúng ta lại phải tiếp tục trừu tượng hóa đối tượng mới này và lặp lại toàn bộ việc truy vấn mà không có đích đến. Cái “hơn” này chỉ có thể là khung trời tuyệt đối (absolute range) của tất cả những đối tượng khả tri”[16]. Sự vươn tới cái hơn này được gọi là “Vorgriff”[17].
Đặc tính của Vorgriff
Việc nắm bắt các đối tượng đơn biệt được ý thức thực hiện trong Vorgriff, cái vươn tới khung trời tuyệt đối của tất cả mọi đối tượng khả hữu của ý thức. Vì thế trong mỗi một hành vi tri thức, ý thức luôn đã vươn lên trên đối tượng riêng biệt của từng hành vi ấy. Vorgriff là điều kiện cho khả năng của một khái niệm phổ quát, của sự trừu tượng hóa. Tuy đây là một cố gắng nhằm mô tả thuật ngữ này nhưng nó vẫn còn rất chung và mơ hồ. Vậy cụ thể Vorgriff là gì?
“Vorgriff là một năng lực tiên thiên đi theo bản chất của con người”[18]. Bản chất của con người là tinh thần, theo cách nhìn của nhân học siêu hình. Vì thế có thể nói cách khác, Vorgriff là một chuyển động năng động (dynamic movement) của tinh thần hướng về khung trời tuyệt đối của mọi đối tượng khả hữu, tức có thể được ý thức con người nhận biết. Đó là một chuyển động hướng về cùng đích (finality) trong đó các đối tượng đơn biệt được nắm bắt như là những giai chặng (stages) đơn biệt của chuyển động ấy. Lĩnh hội trọn vẹn khung trời tuyệt đối của mọi đối tượng khả hữu là lý tưởng tri thức tuyệt đối của con người. Tất nhiên đó chỉ là lý tưởng. Chúng ta chỉ có thể “nhìn thấy” chân trời của lý tưởng ấy mà thôi. Nhờ Vorgriff, một đối tượng đơn biệt đã luôn luôn được nhận biết trong đường chân trời của lý tưởng tri thức tuyệt đối và được đặt để trong địa hạt ý thức của mọi điều có thể được biết. Vì thế đối tượng đơn biệt này được nhận biết là không thể hoàn toàn lấp đầy được địa hạt ý thức vì nó nằm trong địa hạt đó, do vậy nó được biết như bị giới hạn. Như đã trình bày, việc trừu tượng hóa cho thấy rằng tuy đối tượng đơn biệt này bị giới hạn nhưng cái whatness của nó lại có tính vô hạn.
“Vorgriff là một năng lực tiên thiên, được ban cho chính bản chất của tinh thần, để miêu tả cho chính người đó những yếu tính đơn biệt được mang lại bởi tri thức thụ nhận của giác quan trong một năng động tiên thiên vươn lên của tinh thần tới khung trời tuyệt đối của những đối tượng khả hữu của nó. Đối tượng đơn biệt này được nắm bắt như là một giai đoạn trong sự vươn lên của tinh thần đối với sự viên mãn của năng lực của nó. Do đó từ đầu một đối tượng luôn đã được nhìn dưới chân trời của cùng đích của tinh thần”[19]. Chỉ khi Vorgriff này và khung trời của những cái khả tri được tỏ lộ bởi nó, được ý thức thì sự trừu tượng hóa mới có khả năng xảy ra. Sự ý thức này là điều kiện phải có trước để ta có thể có tri thức về đối tượng đơn biệt đã được trừu tượng. Tuy vậy, nó chỉ xuất hiện trong và cùng với tri thức của đối tượng đơn biệt ấy. Vorgriff làm cho ta ý thức bằng cách mở ra chân trời trong đó đối tượng đơn biệt của tri thức con người được nhận biết.
Để xác định rõ hơn bản chất của Vorgriff này chúng ta sẽ xác định chính xác hơn phạm vi của đường chân trời cái mà nó mở ra và trong đó nó đặt để một đối tượng đơn biệt của tri thức. Như đã đề cập, rõ ràng là “điểm đến” (whither) của Vorgriff không thể là một đối tượng cùng loại với đối tượng đã được nó làm cho có thể trừu tượng hóa và trở thành tri thức khách quan. Lí do là một đối tượng như thế sẽ đòi hỏi một Vorgriff tương tự để được nhận biết và rồi, Vorgriff này cũng phải được ý thức. Mặc dù Vorgriff chỉ là điều kiện cho sự khả hữu của tri thức, nhưng chúng ta phải nhận thức nó như một loại tri thức tự thân nào đó vì nếu không ta không thể đưa ra một tư tưởng nào về sự vươn ra khỏi tri thức của ta tới những đối tượng không ngừng xa hơn nữa. Vậy nếu là một loại tri thức nào đó thì “đối tượng” của Vorgriff là gì?
Như đã đề cập, cái tổng thể mọi đối tượng khả hữu của tri thức con người chính là đối tượng của Vorgriff. Vì không dễ để xác định chính xác hơn cái tổng thể này nên thay vì nói về cái “tổng thể” của mọi đối tượng khả hữu của tri thức, chúng ta có thể chỉ hỏi: nhận thức tiền tri (anticipating knowing) của con người sẽ vượt hơn đối tượng đơn biệt mà nó nắm bắt tới đâu? Có ba nỗ lực đã cố gắng trả lời cho câu hỏi này là khuynh hướng triết học lưu niên (từ Plato tới Hegel), nỗ lực của Kant và quan điểm của Heidegger. Karl Rahner hoàn toàn được thuyết phục bởi khuynh hướng đầu tiên. Khuynh hướng này cho rằng: “Phạm vi của Vorgriff mở rộng hướng về hữu, không có giới hạn nội tại trong bản thân nó, và do đó bao hàm luôn cả hữu tuyệt đối của Thiên Chúa”[20].
Tóm lại, Vorgriff là điều kiện tất yếu và đã luôn được đáp ứng cho khả năng có được mọi tri thức về các đối tượng. Bản thân Vorgriff không bao giờ hình dung một đối tượng nào trong chính nó. Nó là sự siêu vượt của tinh thần, sự vượt lên của tinh thần con người, trong đó chúng ta nắm bắt được đối tượng đơn biệt vì, chúng ta đã nhìn bên trên nó vào trong khung trời tuyệt đối của các đối tượng khả hữu của ta. Sự siêu vượt này không đơn thuần là sự siêu vượt hướng về vòng hữu hạn của các đối tượng khả hữu, cũng không phải là sự siêu vượt hướng về hư vô, nhưng nó là sự siêu vượt hướng về hữu thể thuần túy cái tự bản chất không có giới hạn trong chính nó.
Vorgriff không phải là…
Vorgriff không nên được hiểu như “một ý tưởng bẩm sinh của hữu, và lại càng không phải là một trực giác khách quan của một ý tưởng riêng biệt nào đó về hữu hay về chính hữu thuần túy của Thiên Chúa”[21]. Vì tất cả điều này sẽ mâu thuẫn với tính thụ nhận nguyên thủy của tri thức con người. Nếu Vorgriff là một trong số các cách hình dung trên, con người sẽ có một tri thức tuyệt đối độc lập với tri thức thụ nhận nhờ giác quan về các đối tượng đơn biệt trong thế giới. Do đó Vorgriff không phải là một tri thức tiên thiên về một đối tượng, nhưng là cách thức tiên thiên của việc biết những gì xuất hiện cách hậu nghiệm. Nó không phải là một sự nắm bắt có tính tự tồn về hữu, nhưng là một sự tiên đoán hay dự tri về hữu.
Vorgriff nhắm hướng về đâu ?
Câu hỏi đầu tiên và tổng quát nhất về hữu của chúng ta chỉ là một cách chính thức hóa việc diễn đạt mỗi phán đoán. Ta biết rằng mọi phán đoán đều là phán đoán về cái có đó, hay về hữu và rằng phán đoán về hữu ẩn dưới mọi hành động và tư tưởng của con người. Trong phần truy vấn bản chất của mọi phán đoán, ta đã tìm kiếm nền tảng của khả năng tự-tồn trong tri thức bằng việc truy vấn nền tảng khả hữu của sự trừu tượng hóa. Cuối cùng, Vorgriff được tìm thấy như là điều kiện cho năng lực trừu tượng của con người. Do đó chúng ta có thể nói rằng mỗi phán đoán đều chứa đựng Vorgriff hướng hữu trong tính vô hạn của phán đoán đó. Nếu câu hỏi này về hữu cũng như phán đoán và hành vi tự do tất yếu thuộc về yếu tính của con người, thì Vorgriff hướng hữu trong tính vô hạn tất yếu của nó cũng thuộc về bản chất căn cơ của hiện hữu con người.
Sự cần thiết đã thôi thúc con người đặt câu hỏi về hữu và dự tri (anticipate) hữu cũng khiến chúng ta đồng khẳng định (co-affirm) hiện hữu vô hạn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể khẳng định rằng Vorgriff hình dung Thiên Chúa như là một đối tượng của tâm trí, vì bản thân Vorgriff không bao giờ hình dung một đối tượng nào trong chính nó. Nó chỉ là điều kiện tất yếu và đã luôn được đáp ứng của mọi tri thức và hành động của con người. Nhưng trong một điều kiện như thế thì “sự tồn tại của một hữu thể tuyệt đối, tức của Thiên Chúa, luôn đã được đồng khẳng định, mặc dù không được biểu đạt”[22]. Vorgriff đồng khẳng định cách khách quan hết mức có thể rằng bất kì một đối tượng khả hữu nào cũng đều có thể xuất hiện trong khung trời của nó; nếu không nó sẽ lại hướng tới hư vô. Khung trời của Vorgriff chỉ được hoàn toàn lấp đầy bởi một hữu thể tuyệt đối. Do vậy hữu thể tuyệt đối được đồng khẳng định là thực, vì nó không thể được nắm bắt chỉ như là một khả năng thuần túy khách quan và vì Vorgriff chính yếu nhắm tới không phải là khả năng của hữu nhưng là hữu đích thực. Như thế, chúng ta có thể và phải nói rằng: “Vorgriff nhắm hướng Thiên Chúa”[23]. Điều này không có nghĩa là Thiên Chúa được Vorgriff hướng tới trực tiếp đến nỗi hữu thể tuyệt đối này được nó trực tiếp biểu đạt trong chính nó như một đối tượng, để rồi hữu thể này được trực tiếp nhận biết trong bản thân Vorgriff. “Vorgriff nhắm hướng hữu tuyệt đối của Thiên Chúa theo nghĩa này là hữu thể tuyệt đối thì luôn luôn và căn bản đã được đồng khẳng định bởi khung trời vô hạn của Vorgriff”[24].
Để cứu xét kĩ hơn, tác giả đã gợi nhắc thuật ngữ agent intellect (trí năng hoạt động) của thánh Tô-ma. Karl Rahner nhận định rằng trí năng hoạt động chính là năng lực trừu tượng hóa. Ông cũng nhận ra rằng năng lực ấy cũng chính là “năng lực của Vorgriff hướng về hữu”[25].
“Agent intellect là “ánh sáng” thấm nhập vào đối tượng khả giác và đồng thời đặt nó vào trong địa hạt của hữu, do đó tỏ lộ cách nó thông dự vào hữu. Mặt khác, đối tượng thực hữu khả tri xuất hiện theo cách này làm cho ánh sáng ấy, tức là việc biết về hữu như thế, trong giãn độ vô hạn của nó, xuất hiện trong ý thức của con người”[26]. Như thế, hữu nói chung chứ không phải là hữu không-thời gian mới là đối tượng chính thức của tinh thần, và tinh thần là tinh thần vì nó nắm bắt mọi thứ từ quan điểm của hữu. Đúng hơn điều này có nghĩa là “đã là con người thì tức là tinh thần bởi vì, ngay từ đầu, trong năng động của chúng ta hướng về hữu, chúng ta nắm bắt những đối tượng đơn biệt như là những khoảnh khắc hay giai chặng của một chuyển động vô tận của tinh thần ấy; chúng ta thấy chúng ngay dưới chân trời của hữu, vì điều đó mà chúng ta đã luôn mở ra với hữu tuyệt đối của Thiên Chúa”[27].
Câu hỏi siêu hình học đầu tiên về hữu dẫn ta tới kết luận: bản chất căn cơ của con người là sự mở ra tuyệt đối đối với hữu. Nhờ Vorgriff, cái là điều kiện cho khả thể của tri thức khách quan và của sự tự tồn của ta, chúng ta không ngừng siêu vượt mọi sự để hướng tới hữu thuần túy. Con người luôn mở ra với sự trọn vẹn tuyệt đối của hữu vì chỉ nhờ sự mở ra này mà mọi tri thức riêng lẻ mới có thể có được. Do vậy mọi địa hạt của hữu đều nằm trong đường chân trời mà trong đó ta nhận biết các đối tượng, và ngang qua tri thức này, chúng ta tự-tồn và có khả năng hành xử cách tự do và tự quyết định vận mệnh đời ta. Đây chính là bản chất thiêng liêng của chúng ta.
Là người tức là tinh thần. Tinh thần ấy tuy sống trong thế giới nhưng không ngừng vươn tới cái tuyệt đối, trong sự nới mở hướng về Thiên Chúa. Sự nới mở hướng về Thiên Chúa này không phải một khả năng có thể xảy ra hay không xảy ra, với người này mà không với người kia một lúc nào đó. “Nó là điều kiện cho khả thể của những gì chúng ta là và phải là và cũng luôn là trong cuộc sống tẻ nhạt nhất hằng ngày của ta”[28]. Chỉ có điều đó mới làm cho chúng ta là người. Như vậy, ngay từ phút giây hiện hữu, dù muốn hay không, con người đã đi trên con đường hướng về Thiên Chúa, bất kể ta có biết hay không. Sự mở ra vô tận hướng về Thiên Chúa mãi mãi thuộc về thân phận hữu hạn của chúng ta.
Chúng ta có thể làm rõ hơn nữa đích đến của Vorgriff bằng việc xem xét khả năng của việc đặt để một thực tại vào trong tổng thể các đối tượng khả hữu.
Hữu khả tri trong chính nó vì mọi đối tượng khả hữu của tri thức thì đã được nhìn thấy bởi sự dự tri dưới khía cạnh chung nhất của hữu. Do vậy không thể có hữu thể nào mà tự nó có thể đặt mình ngoài phạm vi của hữu.
“Cái gì đó là bất tất, trong sự bất tất đơn thuần của nó, sẽ lỏng lẻo và rời rạc. Khi hoàn toàn được tách biệt, nó sẽ không thể đặt mình trong tổng thể của hữu. Chỉ khi nối kết với hữu tổng thể mới khiến cho những hữu thể đặc thù khả tri”[29]. Do đó một thực thể bất tất như thế sẽ căn bản là bất khả tri. Nhưng phát biểu tổng quát đầu tiên của ta về hữu thể luận nói rằng bản chất của hữu là biết và được biết, tức là khả tri. Do đó thuật ngữ khả tri phải được dành cho hoặc là chính bản thân hữu thể tuyệt đối, vì, như là điểm tới của Vorgriff con người, nó khiến tinh thần mở ra đối với tổng thể của các đối tượng khả hữu, hoặc hữu thể hữu hạn đơn biệt cái bắt nguồn từ hữu thể tuyệt đối thuần túy này. Nếu không như thế, tính khả tri của hữu thể đơn biệt này sẽ không có nền tảng, vì hữu thể hữu hạn bắt nguồn từ hữu thể tuyệt đối là cái gì đó đứng trong chân trời tuyệt đối cuả các đối tượng khả hữu của tri thức. Điều này đúng chỉ khi nếu chân trời tri thức tuyệt đối được chính hữu thể này tạo ra (điều này là bất khả vì tính hữu hạn không cho phép nó lấp đầy chân trời này), hoặc nó phải được nắm bắt như là được nối kết với chân trời tri thức tuyệt đối ấy. Tóm lại, nó phải được đặt nền trong hữu thể tuyệt đối[30].
Vậy một thực tại khả tri và có khả năng nằm trong tổng thể các đối tượng khả hữu của tri thức khi thực tại đó là bản thân hữu thể thuần túy, đích đến cuối cùng của mọi nỗ lực để thấu hiểu, hoặc vì nó phát xuất từ hữu thể thuần túy này.
Chúng ta là những nhân vị tự tồn, có khả năng phán đoán và tự do hành động, chỉ vì chúng ta tiếp tục vươn vào trong một địa hạt mà chỉ có sự toàn vẹn của hữu tuyệt đối của Thiên Chúa mới có thể lấp đầy được[31].
Tạm kết
Con người là tinh thần được phú ban một sự mở ra tuyệt đối hướng về hữu. Sở dĩ con người có khả năng nhận thức các đối tượng hay nói cách khác là có khả năng có được tri thức là nhờ bởi ngay chính trong bản chất của mình, con người đã mang chứa Vorgriff, điều kiện tiên thiên và tất yếu của mọi tri thức khả hữu. Vorgriff đó được tìm thấy khi tra vấn về nền tảng của năng lực trừu tượng hóa cũng như nền tảng của con người tự-tồn trong tri thức của ta. Vorgriff cũng được hiểu là một chuyển động năng động của tinh thần hướng về khung trời tuyệt đối của mọi đối tượng khả hữu. Cuối cùng, điểm đến hay cùng đích của sự chuyển động ấy cũng chính là đích nhắm của Vorgriff là hữu thể thuần túy, là chính Thiên Chúa. Tự nơi sâu thẳm hiện hữu của con người, một khắc khoải tìm về Đấng Tuyệt Đối đã được đặt để.
Bibliography
Hearer Of The Word. (1994). (J. Donceel, Trans.) New York: Continuum.
[1] Josheph Donceel, trans., Hearer Of The Word (New York: Continuum, 1994), 23.
[2] Ibid., 55.
[3] Ibid., 27.
[4] Josheph Donceel, trans., Hearer Of The Word (New York: Continuum, 1994), 28.
[5] Ibid., 33.
[6] Ibid., 39-40.
[7] Cf. Josheph Donceel, trans., Hearer Of The Word (New York: Continuum, 1994), 40.
[8] Josheph Donceel, 40-41.
[9] Josheph Donceel, trans., Hearer Of The Word (New York: Continuum, 1994), 43.
[10] Ibid., 43.
[11] Ibid., 45.
[12] Ibid., 121.
[13] Ibid., 46.
[14] Phần tham khảo này lấy từ bản dịch tiếng việt tựa đề Siêu Hình Học do cha Đỗ Ngọc Bảo, O.P. dịch năm 2008 tại trang số 73.
[15] Josheph Donceel, trans., Hearer Of The Word (New York: Continuum, 1994), 46.
[16] Josheph Donceel, trans., Hearer Of The Word (New York: Continuum, 1994), 47.
[17] Cf. Ibid., 47.
[18] Ibid., 47.
[19] Josheph Donceel, trans., Hearer Of The Word (New York: Continuum, 1994), 121.
[20] Josheph Donceel, trans., Hearer Of The Word (New York: Continuum, 1994), 49.
[21] Josheph Donceel, trans., Hearer Of The Word (New York: Continuum, 1994), 122.
[22] Josheph Donceel, trans., Hearer Of The Word (New York: Continuum, 1994), 51.
[23] Ibid., 51.
[24] Ibid., 51.
[25] Ibid., 52.
[26] Josheph Donceel, trans., Hearer Of The Word (New York: Continuum, 1994), 52.
[27] Ibid., 52.
[28] Ibid., 53.
[29] Josheph Donceel, trans., Hearer Of The Word (New York: Continuum, 1994), 78.
[30] Cf. Josheph Donceel, 78.
[31] Josheph Donceel, trans., Hearer Of The Word (New York: Continuum, 1994), 54.