Covid-19, đôi điều cảm nghĩ

Sun,14/11/2021
Lượt xem: 1151

Covid 19, nỗi ám ảnh kinh hoàng còn đeo đuổi nhân loại. Tuy đó đây đã có những nỗ lực tìm ra những phương thế ngăn ngừa, mà một trong những thành công là chế tạo ra nhiều loại vắc-xin.[1] Song, những biến thể khôn lường của chủng virus này theo dòng thời gian ngày càng đa dạng, khiến cho nhiều quốc gia và các nhà khoa học “trở tay” không kịp. Có những lúc mọi cố gắng xem ra vô nghĩa và bao người đã thấm mệt. Vắc-xin xem ra chưa phải là liệu pháp an toàn. Vì đó, thế giới phải nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến sinh tử này. Cần những hành động mạnh mẽ trước một một đại dịch ngày càng phức tạp hơn, độ nguy hiểm ngày càng cao hơn.

Đụng chạm đến thân phận hiện sinh, ai cũng cảm thấy sợ hãi và tìm cách trốn chạy khi mỗi ngày phải chứng kiến hàng ngàn ca tử vong và lây nhiễm. Mọi ngóc ngách, khu phố, thôn làng, thành thì đến nông thôn, covid đã ghé thăm và gieo rắc sự ớn lạnh trong đời sống con người. Nếu như trước đây, qua báo chí hay những phương tiện khác nhau, khi được nghe đến những đại dịch lớn trong lịch sử nhân loại[2], ai cũng cảm thấy “sởn tóc gáy” thì nay covid 19 ở trước mắt, lẽ nào không cảm thấy sợ?

Mỗi ngày, các phương tiện truyền thông, truyền hình, hệ thống loa truyền thanh nơi các khu xóm không ngừng phát đi những thông tin được cập nhật về đại dịch, đưa ra lời cảnh báo nguy hiểm của việc để lây nhiễm. Đồng thời, kêu gọi mọi người tuân thủ cách nghiêm ngặt các biện pháp đã được đưa ra nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và trên hết là tính mạng con người. Trước sự tồn vong của nhân loại, không ai được chủ quan trước đại dịch này.

Thật đáng trân trọng biết bao, những hình ảnh của nhiều cá nhân, tổ chức đã và đang dấn thân không biết mệt mỏi trong cơn đại dịch. Cao quý thay những tấm lòng quảng đại, những người sẵn sàng hiến dâng mạng sống của mình cho người khác. Tất cả vì sự sống còn của anh em đồng loại. Những mẫu gương ấy còn sáng lên giá trị. Âm vang của những hành động anh dùng có sức đánh động cõi lòng con người. Trong ý hướng tốt lành, sẽ không bao giờ là đủ nếu mỗi hành động bác ái được tiếp tục hiện diện đó đây. Lúc này, con người thực sự cần đến nhau, hỗ trợ và giúp nhau vượt qua khó khăn. Có thể, thử thách sẽ không tan đi nếu chỉ có một mình chống chọi, nhưng sự cộng tác của nhiều người sẽ góp phần xua tan bóng tối đang phủ vây.

Trong hoàn cảnh mà nhiều nơi trở thành bi đát, những lời kêu gọi hành động trở nên khẩn thiết hơn. Trách nhiệm cộng đồng được đặt để ở mức cao hơn. Không ai được phép lơ là. Lợi ích của mỗi người là lợi ích của mọi người. Nói gì đi nữa, chung tay đẩy lùi dịch bệnh là phận vụ mà ai cũng được mời gọi tham phần, dù được thể hiện bằng cách này hay cách khác. Phải nói thế nào khi covid xuất hiện ngay trước cửa nhà mình? Ai còn dám thờ ơ trước vận mệnh nhân loại. Hiện thực hơn là vận mệnh của chính mình và của những người thân yêu. Hãy là một bàn tay trong vô số bàn tay chìa ra hợp lực tiêu trừ dịch bệnh. Thành quả có thể không đến tức thì, nhưng hoa trái sẽ được trổ bông trong thời gian ngắn.

Thế giới này không của riêng ai, nhưng là của chung cho mọi người. Hiện hữu trong thân phận lữ hành, không ai là một hòn đảo, lại không phải là một loài hoa lạc loài. Xác quyết rằng, con người không thể giải thoát chính mình. Trên hết, con người luôn cần đến ơn cứu độ, nhưng ơn cứu độ ấy không được ban cách riêng rẽ mà “chúng ta được cứu độ cùng với nhau.”[3]

Về phần các Kitô hữu, niềm tin vào ơn giải thoát là hiện thực sống động trong đời sống. Bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi người đều phải sẻ chia thân phận trần thế với mọi người, để “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.”[4] Hành động của các Kitô hữu đích thực là minh chứng về một “Giáo Hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự yếu hèn của con người.”[5]

Trước tình trạng khổ đau của nhân loại và ngay trên quê hương, đất nước mình, hơn bao giờ hết, lời cầu nguyện phải là âm vang liên lỉ trong đời sống cá nhân và cộng đoàn. Đó là phương thế kêu cầu Thiên Chúa cất đi cơn đại dịch, vì Thiên Chúa làm chủ mọi sự (1 Cr 15,28), sẽ giải thoát những ai kêu cầu Người (Cv 2,21; Tv 57,4). Niềm vui sẽ trở lại. Mỗi cá nhân hãy tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa là Đấng “chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở con.” Trong khi lo cho mình thì cũng không được phép lãng quên những người bên cạnh. Nỗi đau phải được san sẻ. Ngay cả những người đang sống trong vùng được cho là an toàn, cũng không vì thế mà trở nên lãnh đạm trước số phận của bao người khác. Não trạng “sống chết mặc bay” phải bị khải tử. Thay vào đó, tình yêu phải chiếm ngự con tim của tất cả những ai “mang trong mình niềm vui của Tin Mừng.”[6]

Với tất cả niềm tin và lòng trông cậy, hướng về Thiên Chúa với trọn tâm hồn: “Lạy Thiên Chúa, xin giải thoát và thương xót con cùng”, và lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng “vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.”

 

                                                                                                      Giuse Nguyễn Văn Lâm
                                                                                                 ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê



[1] Một số loại vắcxin hiện nay đang được sử dụng: Vaccine AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (còn gọi là SPUTNIK V), Comirnaty – Pfizer, SARSCoV-2 Vaccine (còn gọi là Vero Cell), Vaccine Moderna, Sinopharm.

[2] Có thể kể ra đây những đại dịch: Dịch cúm, Dịch tả, đại dịch HIV và AIDS, dịch bệnh Ebola, Đậu mùa, Sởi, Lao, Bệnh phong, Sốt rét, Sốt vàng da, dịch hạch, Sốt xuất huyết, SARS (2002 -2003)….

[3] Cf. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 9; ĐGH. Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, số 32.

[4] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 1.

[5] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 8.

[6] ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 1.

Nguồn tin:
Tags :