Lời Cầu Xin Hiệp Nhất

Fri,25/06/2021
Lượt xem: 2686

JB. Trần Khánh Duy, K.XVI

Trích từ tập san Đức Tin và Văn Hóa số 15

 

 

 

 Lạy Cha xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một,

như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha.

Xin Cha cho mọi người nên một trong chúng ta,

 hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con.

 

Lời cầu xin được cất lên trong những giây phút tôn thờ Thánh Thể, nó đã không ít lần khiến tôi phải để ý đến. Tại sao nó được đặt trong khung cảnh của giờ chầu Mình Thánh Chúa Kitô? Thánh Thể và hiệp nhất có mối liên hệ gì? Đặc biệt hơn nữa là nội dung của lời cầu xin. Tôi đã cố gắng tìm hiểu và suy nghĩ, để hôm nay, tôi viết ra đây như một chia sẻ nhỏ cho những ai vẫn luôn nghĩ đến điều gọi là Hiệp Nhất.

Trước hết, về mặt nội dung, lời cầu được lấy từ Tin mừng Gioan chương 17, câu 21: Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con.” Chương 17 nói về những lời nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, câu 21 thuộc phần cầu xin hiệp nhất cho những người tin vào Người. Đặt trên môi miệng của người sắp ra đi, như thế, sự hiệp nhất có một ý nghĩa và giá trị quan trọng trong đời sống. Câu chuyện dân gian “Bó Đũa”[1] cũng lấy bối cảnh của người cha già sắp chết nói chuyện hiệp nhất với con cái mình.

Hiệp nhất theo nguyên nghĩa là gộp lại, hợp lại làm nên một. Hiệp nhất là nguyên lý thống nhất mọi sự. Hiệp nhất là một siêu phẩm tính của hữu thể.[2] Hiệp nhất tạo nên sức mạnh và tự nó, hiệp nhất cũng chính là sức mạnh. Hiệp nhất để cùng hướng về cùng đích tối hậu. Cá nhân cần thống nhất nội tại để có thể tồn tại. Tập thể cần hiệp nhất để vươn tới thành tựu.

Ý đầu tiên, “Như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha” – tôi gọi đây là hình mẫu của sự hiệp nhất. Sự hiệp nhất của con người phải theo gương mẫu hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Đức Giêsu trong các bài giảng đã mặc khải nhiều điều về mối tương quan với Cha Người: “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi” (Ga 8, 29), “Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người.” (Ga 8, 55), “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30), “Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14, 11), “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy” (Ga 14, 20)… Những điều đó cho thấy, có một sự kết hợp mật thiết và hữu thể giữa Chúa Cha và Chúa Con, nó không đơn thuần như mối liên hệ giữa hai con người nhân loại.

Thánh Gregory thành Nyssa đã mình giải sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con dưới khía cạnh triết học, rằng “cái ousia (bản thể) của Cha, Con và Thánh Thần không phải là một bản thể thứ cấp vì Cha, Con và Thánh Thần không có cùng một ousia, các Ngài là cùng một ousia. Các Ngài là một ousia vì các Ngài là một Thiên Chúa.”[3] Như thế, sự hiệp nhất giữa Cha – Con là một sự hiệp nhất thuộc về hữu thể, rằng hai ngôi không hề tách rời riêng biệt với nhau, nhưng nên một với nhau tự bản thể.

Con người không thể đạt được sự hiệp nhất về mặt hữu thể như Thiên Chúa. Tuy nhiên, trên nền tảng cùng bản tính, cùng những khát mong về cuộc sống và hạnh phúc, cùng sống trong một thời đại với những đặc điểm xã hội tương tự, con người có khả năng để nên một với nhau theo hình mẫu của Thiên Chúa. Con người “ở trong nhau” là mang lấy tâm tình của nhau. Con người “ở trong nhau” là chia sẻ những khát vọng của nhau. Con người “ở trong nhau” là cảm nhận được những nỗi đau khổ của nhau. Con người gần với nhau nhất khi cùng có một tâm tình, một cảm nghĩ, một khát vọng, một hướng nhìn.

“Như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha” còn diễn tả một sự thật nền tảng của sự hiệp nhất nơi Thiên Chúa. Sự hiệp nhất đó đến từ Cha và cũng đến từ Con. Nó không bắt đầu từ một phía. Cha không lấn át Con và Con không bị che khuất bởi Cha. Đó là sự bình đẳng của Ngôi Vị - nền tảng của sự hiệp nhất.[4] Sự hiệp nhất nơi những người tin cũng phải được xây dựng dựa trên nền tảng này: sự bình đẳng của mỗi nhân vị trong cộng đoàn. Sự hiệp nhất quy tụ mọi người lại với nhau, nhưng không đánh mất phẩm vị của mỗi người.

Ý thứ hai, “Để họ nên một trong chúng ta” – Tôi gọi đây là lý tưởng của sự hiệp nhất. Mức độ hoàn hảo của hiệp nhất là hiệp nhất trong Thiên Chúa. “Nên một trong chúng ta” nên một trong Thiên Chúa.

Triết gia Plotin đã có ý tưởng về một Nhất Thể - là nguyên lý phát sinh mọi sự và cũng là nguồn cho mọi sự quy hướng về. Hữu thể nên thật là hữu thể trong mức độ nó tham dự, kết hợp với Nhất Thể. Nhất Thể còn là một sự duy nhất, trọn vẹn và tràn đầy. Con người là một hữu thể có khả năng mở ra với thần linh, nó tham dự vào Nhất Thể là đi vào một sự duy nhất và trọn vẹn. Khả năng mở ra với thần linh chính là điều làm cho con người khác biệt và cao cả: “Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tới kết hiệp với Thiên Chúa.”[5]

Như thế, sự hiệp nhất giữa con người và Thiên Chúa là điều khả hữu. Khả năng siêu việt của con người mời gọi con người không ngừng vươn lên cao. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Mt 4, 4), họ khao khát hoàn thiện bản thân và cao hơn, họ mong được yên nghỉ trong Đấng tạo nên mình như một nỗi khắc khoải lớn lao của phận người.[6]

Hẳn nhiên, về phương diện trần thế, khi cầu nguyện cho “mọi người được hiệp nhất trong chúng ta”, Đức Giêsu muốn cho những người tin được sống trong Thiên Chúa. Ngài cầu xin cho mỗi người sống một đời sống trong sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi. Một đời sống trong Thiên Chúa là một đời sống thánh thiện (x. Mt 5, 48), nhân từ (x. Lc 6, 36) và đầy Thần Khí. Sống trong Thiên Chúa là sống theo ý muốn của Người. Sống trong Thiên Chúa là sống trong tình yêu vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8).

Ý thứ ba, “Để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” – Tôi gọi đây là mục đích của sự hiệp nhất. Sự hiệp nhất nơi những người tin vào Đức Giêsu có mục đích này là: Để thế gian tin rằng Chúa Cha đã sai Chúa Con xuống thế gian.

Chúng ta biết rằng ý định xuống thế cứu chuộc nhân loại tội lỗi của Chúa Con đã được sắp đặt từ muôn thuở. Sự kiện đó được các ngôn sứ và tiên tri loan báo trong thời Cựu ước. Muôn dân cũng đang mong đợi ngày Đấng Mêssia xuất hiện. Thế nhưng, sự xuất hiện của Chúa Giêsu không được nhiều người Do thái công nhận. Và cả đến hôm nay, những luận điệu về một Thiên Chúa vắng mặt, về thân phận đích thực của Chúa Giêsu vẫn còn là một chấm hỏi lớn đối với rất nhiều người. Trong bối cảnh đó, sự hiệp nhất của những người tin vào Đức Kitô sẽ là một dấu chỉ quý giá cho những người chưa tin vì những lý do sau.

Thứ nhất, sự hiệp nhất của những người tin họa lại sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha và Chúa Con hiệp nhất với nhau trong Chúa Thánh Thần. Mọi người khi chịu phép Rửa Tội, họ được chia sẻ cùng một đức tin, một Thần Khí, cùng trở nên một dân thánh và cùng quy hướng về một Thiên Chúa duy nhất (x. Ep 4, 5-6). Thế gian nhận biết sự đa dạng và khác biệt của đời sống, vì thế, sự hiệp nhất của những người tin từ mọi nơi và mọi thời, thuộc mọi dân tộc, ngôn ngữ sẽ là một dấu chỉ cho thấy cộng đoàn đó thuộc về Thiên Chúa. Sự hiệp nhất đó phải đến từ Thiên Chúa chứ không thể là của con người.[7]

Thứ đến, sự hiệp nhất của những người tin đặt nền tảng trên tình yêu. Bởi tình yêu mà Chúa Cha sinh ra Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Bởi tình yêu mà Thiên Chúa đã ban Con Một để cứu độ nhân loại (x. Ga 3, 16). Mỗi Kitô hữu đều được mời gọi sống yêu thương. Yêu thương là giới luật của dân Chúa. Yêu thương là hiệp nhất. Trong yêu thương, mỗi người thuộc về nhau, sống cho và vì nhau. Thế gian khi thấy anh em sống yêu thương sẽ nhận ra Thiên Chúa và anh em là con cái của Người (x. Ga 13, 35).

Tiếp nữa, sự hiệp nhất của những người tin bày tỏ rõ nét niềm tin vào Chúa Kitô. Niềm tin của cộng đoàn không đến từ ai khác, nhưng đến từ Đức Kitô – Đấng được Chúa Cha sai đến trong thế gian. Tin vào Đức Kitô là tin nhận thân phận đích thực của Người. Bước theo Đức Kitô là xác nhận giáo lý chân thật của Người. Sống cho Đức Kitô là hi vọng vào Lời sự sống của Người. Sự hiệp nhất của cộng đoàn nhân danh Người, cùng quy tụ bên vị mục tử nhân lành (x. Ga 10, 16), sẽ là một minh chứng sống động cho thế gian về Đức Kitô. Đồng thời, sự hiệp nhất cũng sẽ là một tiêu chí để thế gian đánh giá công cuộc thiên sai của Chúa Giêsu.[8] Công cuộc thiên sai của Chúa Giêsu có đem lại giá trị gì cho con người? Những gì Chúa Giêsu rao giảng và thực hiện có thay đổi phần nào bộ mặt thế gian? Sự hiệp nhất sẽ minh chứng cho những gì Chúa Giêsu đã làm. Chính những điều đó sẽ làm chứng cho Ngài: “những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi”(Ga 5, 36).

Những ý tưởng trên đây đã giúp chúng ta hiểu được một phần nào đó nội dung của lời cầu xin nhưng vẫn còn đó nỗi băn khoăn về vị trí của nó. Hiệp nhất có mối liên hệ gì với Thánh Thể? Tại sao lời cầu xin được đặt trong các giờ chầu?

Huấn thị về “Mầu Nhiệm Thánh Thể” số 6 nói rằng: “Bí tích Thánh Thể biểu thị và thể hiện chính thức thực chất của Hội thánh là hiệp nhất Dân Thiên Chúa.” Theo đó, Thánh Thể chính là nguyên lý thống nhất mọi Kitô hữu. Khi cùng chia sẻ một tấm bánh, mỗi người cùng được hiệp thông với nhau trong cùng một Thân Thể duy nhất là Đức Kitô. Nói cách khác, mỗi người lúc này mang trong mình một phần của một bản thể thiêng liêng duy nhất. Nghĩa là trong chúng ta lúc này có một phần thân thể của Chúa Kitô. Chúng ta cùng thuộc về Người. Chúng ta có mối liên hệ với nhau. Như thế, hiệp nhất và Thánh Thể có một sự liên kết nội tại. Qua Thánh Thể, hiệp nhất được tỏ lộ. Nhờ Thánh Thể, hiệp nhất được kiện toàn. Thánh Thể khơi nguồn và nuôi dưỡng sự hiệp nhất. Một sự hiệp nhất sâu xa không chỉ giữa những người tin với nhau, nhưng còn giữa con người với Thiên Chúa, giữa nhân loại với thần linh.

Trong những phút giây quỳ gối trước Thánh Thể, mỗi tín hữu đều cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã hiến tế chính mình để cứu chuộc nhân loại. Tôi đã được Chúa cứu. Có một điều gì đó thực sự đụng chạm cách riêng tư đến tâm hồn của mỗi người. Để từ đó, một sự biết ơn nảy sinh trong tôi, không chỉ trong tôi mà trong tất cả những ai đang quỳ gối với tôi. Chính tâm tình đó giúp mỗi người ý thức được chính mình – cùng là những kẻ nhận ơn, hành động sao cho xứng đáng với ân huệ được nhận lãnh. Vì tội lỗi và chia rẽ mà mọi người không thể cùng nhau tham dự bàn tiệc Thánh Thể, thì nhờ lời cầu nguyện và cung cách sống yêu thương sẽ lôi kéo và gắn kết mọi người với nhau. Thánh Thể lúc này đã trở nên mối dây bác ái, liên kết mọi người trong tình thương, hiệp nhất trong cùng một tâm tình.

Đến đây, chúng ta phần nào đã hiểu được nội dung của lời cầu xin và ý nghĩa của nó trong mối liên hệ với Thánh Thể. Việc đặt lời cầu xin hiệp nhất để kết thúc cho giờ chầu một đàng bày tỏ ước nguyện của mỗi người về một cộng đoàn hiệp nhất, một thế giới hiệp nhất; đàng khác như thôi thúc, mời gọi mỗi người hãy ra đi để hành động trong yêu thương và bác ái để xây dựng mối hiệp nhất đó. Và cho dầu thế nào đi nữa, chúng ta vẫn phải luôn liên kết sự hiệp nhất với Thánh Thể. Bởi vì, Thánh Thể là nguồn mạch phát sinh và nuôi dưỡng sự hiệp nhất mà mỗi người hướng đến. Thánh Augustin đã từng thốt lên trước sự cao cả của mầu nhiệm Thánh Thể: “Ôi bí tích tình yêu! Ôi dấu chỉ hiệp nhất! Ôi mối dây bác ái!”[9]

 


[1] Câu chuyện kể về người cha già, trước khi chết, ông gọi các con lại, đưa một bó đũa và bảo xem ai bẻ gãy được. Nhưng tất cả đều không bẻ được. Ông liền tách bó đũa ra, lấy riêng từng chiếc một để bẻ để dạy các con phải sống hiệp nhất.

[2] Nguyễn Đình Diễn, Từ điển Công giáo Anh – Việt. Nxb. Đồng Nai, Đồng Nai, 2014, 2109.

[3] Diogenes Allen (Nguyễn Khoa Luật và Vĩnh An chuyển ngữ), Từ Triết Học Đến Thần Học, Nxb. Từ điển Bách Khoa, 2010, 137.

[4] David Guzik, “John 17 – Jesus’ Great Prayer”,

2020, https://enduringword.com. Truy cập ngày 7-3-2021.

[5] Sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo, 27.

[6] Augustinô (Vân Thúy dịch), Tự Thuật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2010, 32.

[7] William Barclay, “Bible Commentaries of John 17”,

2020, https://www.studylight.org. Truy cập ngày 7-3-2021.

[8] David Guzik, “John 17 – Jesus’ Great Prayer”,

2020, https://enduringword.com. Truy cập ngày 7-3-2021.

[9] Augustinô, In Iohannis Evangelium Tractatus, 26, 13; CCL 36, 266 (PL 35, 1613).

Nguồn tin: