“Tình Anh Đối Với Tôi Thật Diệu Kì Hơn Cả Tình Nhi Nữ!”

Thu,01/07/2021
Lượt xem: 1310

P.T.H, K.XVI

Trích từ tâp san Đức Tin và Văn Hóa số 15

 

Viết cho em.

Trong Đức Kitô anh hy vọng em luôn bình an và hạnh phúc.

Em thân mến, để nói về đời sống tinh thần của con người chúng ta sẽ không bao giờ đi tới hồi kết. Ở bức thư trước, anh đã nói về tình yêu trong đời sống con người, đặc biệt là tình yêu đôi lứa hướng tới một gia đình. Dù chỉ là một khía cạnh nhỏ, ta đã thấy được sự cần thiết của tình yêu, sức mạnh của tình yêu đối với cuộc sống con người. Quả thật “tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng. Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8, 6-7). Ở bức thư này, anh muốn chia sẻ với em một đề tài khác cũng không kém phần quan trọng, nó góp thêm bông hoa làm phong phú khu vườn tinh thần con người, đó là tình bạn. Nếu người ta ca ngợi tình yêu tuyệt diệu thế nào thì tình bạn cũng diệu kì không kém. Có lúc, tình bạn còn được ca ngợi hơn cả tình yêu đôi lứa. Vua Đavít đã khóc thương người bạn của mình là Giônathan bằng những lời ca:

“Giônathan, anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh!

Tôi thương anh biết mấy!

Tình anh đối với tôi thật diệu kì hơn cả tình nhi nữ.

Than ôi! Anh hùng nay ngã gục, võ khí đã tan tành!” (2Sm 3, 26-27).

Vậy điều gì làm cho tình bạn giữa Đavít và Giônathan trở nên thiêng liêng như vậy? Điều gì đã gắn kết hai người vốn dĩ không thuộc về nhau lại trở nên diệu kì hơn tình nhi nữ? Chúng ta thử luận bàn về tình bạn dựa vào bản văn Kinh Thánh mô tả lại cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Giônathan và Đavít nhé. Kinh Thánh viết:

Ông Ðavít vừa nói với vua Saun xong thì tâm hồn ông Giônathan gắn bó với tâm hồn ông Ðavít, và ông Giônathan yêu mến ông như chính mình. Hôm ấy vua Saun giữ ông Ðavít lại và không cho về nhà cha ông. Ông Giônathan lập giao ước với ông Ðavít, vì ông yêu mến ông ấy như chính mình. Ông Giônathan cởi chiếc áo khoác đang mặc mà cho ông Ðavít, cho áo, cho cả gươm, cả cung, cả thắt lưng của ông” (1Sm 18, 1-4).

1. Cảm mến yêu thương  

Trong thế giới này, con người trổi vượt hơn tất cả, và không có một loài nào có đời sống tinh thần phong phú nhưng cũng đầy phức tạp như con người. Chỉ có con người mới có khả năng suy tư về mọi sự và nhất là ngay chính sự hiện hữu của mình. Đấng tạo hóa không tạo nên và để con người đơn độc nhưng đã đặt con người trong một thế giới với những mối tương quan. Trong tương quan với người khác con người tồn tại, cũng nhờ đó con người được phát triển toàn diện về tri thức lẫn tâm hồn. Con người là thụ tạo duy nhất ý thức về thời gian.[1] Con người đưa quá khứ hay tương lai vào cuộc sống hiện tại để nhìn lại hoặc hướng tới. Con người có thể xây dựng các mối tương quan, tương quan với những người thân, quen biết đến ngay cả tương quan với những người lạ, những người chưa một lần gặp mặt nhất là trong thế giới phẳng như hiện nay. Cuộc sống mỗi người tùy thuộc vào thái độ của từng người, nó là đơn điệu khi nó vô nghĩa nhưng không đơn điệu khi tìm được một mục đích.[2] Mục đích tối hậu nhất vẫn là trở về với Đấng đã tạo nên mình, đó là sự sống đời đời. Nhưng để đạt được mục đích tối hậu đó chúng ta một mình đơn độc rất khó để bước đi. Vì thế, không chỉ sống tương quan chiều dọc với Đấng tạo nên mình, mà con người còn phải sống tương quan chiều ngang với vũ trụ và đồng loại. Có nhiều cách để đời sống của một người tự nó có ý nghĩa cho họ.[3] Trong đó, việc sống với tha nhân và nhờ tha nhân, con người nhận thấy bổn phận và trách nhiệm của mình. Nó tạo nên tình liên đới trong xã hội để xây dựng và hướng đến mục đích cuối cùng là hạnh phúc. Yếu tố không thể thiếu để làm nên sợi dây liên kết giữa con người với con người là tình yêu. Tình yêu vốn dĩ là một khái niệm trừu tượng nhưng được biểu hiện một cách rõ ràng, cụ thể qua cuộc sống. Là con người thì phải luôn tôn trọng phẩm giá của chính đồng loại mình. Yêu người khác, con người cần phải đặt hết tâm tình vào việc làm cho người khác, dù là ngôn ngữ không lời hay là hành động cụ thể. Để có được tình yêu vị tha như vậy, con người cần một tình yêu vị kỉ. Tình yêu vị kỉ đây không hướng đến là chỉ lo cho bản thân. Nhưng qua việc yêu mến bản thân, con người hướng đến yêu mến tha nhân, từ đó cùng nhau hướng tới mục đích cuối cùng là hạnh phúc trong Đấng tạo nên mình. Vậy, ta phải bắt đầu xây dựng các mối tương quan thế nào? Ở đây, anh tập trung nhiều vào tương quan tình bạn em nhé. 

Có lẽ, khả năng ngạc nhiên là khởi điểm cho một tình bạn diệu kì em nhỉ? Khi đứng trước một bông hoa, một ngọn cỏ, khi thả mình trước một quang cảnh hết sức thơ mộng, tiếng réo rắt của con suối, tiếng líu lo của ngàn chim hay dìm mình trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên núi cao biển cả em thấy ngạc nhiên. Em sẽ ngạc nhiên vì tự bản chất chúng mang vẻ đẹp diệu kì như vậy. Trái tim em sẽ rung động, tâm hồn em sẽ tràn ngập niềm vui và muốn gieo mình hòa làm một với chúng. Những xúc cảm ban đầu đó có thể là khởi điểm cho một tình cảm em muốn gắn bó. Trong tình yêu, những cái ấn tượng ban đầu mà đôi khi ta gọi là “tiếng sét ái tình” cũng khiến trái tim ta loạn nhịp. Ánh mắt, hành vi, và ngay cả lời nói của người khác đôi khi khiến ta mất ăn mất ngủ. Đó là những khởi điểm của một tình yêu. Trong tình bạn cũng vậy, khởi đầu của một tình bạn thực sự có lẽ là những ấn tượng ban đầu của họ đối với mình. Tại sao vậy? Khi Ađam thức dậy sau cơn ngủ do Chúa đưa đến, ông đã ngạc nhiên trước một tạo vật vừa mới, vừa có cái gì đó gần gũi với ông. Ông đã thốt lên “Phen này xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (St 2, 23), còn điều gì hay hơn sự ngạc nhiên về vẻ đẹp đang ở trước ông. Từ cái ngạc nhiên đó, ông tìm thấy được trợ tá tương xứng cho mình. Ông không còn cô đơn, ông không cần phải tâm sự với những con vật không hiểu tâm sự của ông, nhưng ông đã tìm được một người bạn, là bà Evà.      

Em thân mến, mỗi người là một nhân vị cần được tôn trọng. Đứng trước thế giới tự nhiên mà em còn ngạc nhiên thì huống gì trước một con người sống động. Không chỉ vậy, em phải nhận ra được Đấng đã tạo nên điều kì diệu hiện diện sau vẻ đẹp đó. Em cần phải nhận ra nhân phẩm, vẻ đẹp nơi người đối diện thì mới mong tìm thấy nơi người đó một tình bạn. Khi em tôn trọng họ như chính họ LÀ, có nghĩa là không chỉ hướng đến vẻ đẹp bên ngoài mà còn phải hướng đến cái gì sâu xa hơn trong họ để nhìn nhận họ là một con người. Dù người đó có vẻ bề ngoài khiếm khuyết đi chăng nữa, dù người đó có một mẫu mã tuấn tú hay là một người vì lý do nào đó mà họ thiếu đi một vài bộ phận hoặc do lỗi cấu trúc mà họ nên như vậy, thì họ cũng xứng đáng để em tôn trọng. Có lẽ vô phúc cho ai nhìn nhận người khác không phải là một con người. Người nào không nhìn nhận nơi mỗi người một nhân phẩm cần tôn trọng thì chính người đó không xứng đáng được gọi là người. Khả năng biết tôn trọng người khác là yếu tố cần thiết để có thể tôn trọng người bạn của mình. Nếu không biết tôn trọng người khác thì chắc chắn em cũng sẽ không có được một tình bạn, dù là bạn đồng nghiệp hay chỉ là bạn xã giao, chứ chưa nói đến một tình bạn thân có thể đồng cam cộng khổ. Rồi em sẽ đối diện với mỗi thế giới riêng trong mỗi người mà em gặp, và có những người sẽ làm em không hài lòng, có những người em sẽ không bao giờ tìm thấy điểm chung giữa em và họ, hơn lúc nào hết em phải tôn trọng họ. Chính khi em biết tôn trọng người khác như chính em, em sẽ bắt đầu được một tình bạn mà hơn cả em mong đợi. Người bạn được em tôn trọng, họ cũng sẽ tôn trọng chính em.  

Mỗi người bạn là cả một thế giới tinh thần trong họ. Đấng tạo hóa đã rất tài tình khi tạo ra thế giới tự nhiên, nhưng ta còn phải khuất phục trước vẻ đẹp của một thế giới trong mỗi con người, đó là thế giới tinh thần. Em đừng nghĩ chỉ có những người tài giỏi, xinh đẹp mới có một thế giới tinh thần vui vẻ, hạnh phúc. Chưa chắc đâu! Em cũng đừng cho rằng chỉ có những người giàu, những người có điều kiện về kinh tế mới là những người có cuộc sống hạnh phúc. Cũng không nhất thiết chỉ những người không bao giờ gặp đau khổ trong cuộc sống, không bao giờ gặp chuyện buồn mới là những người có trọn niềm vui. Đó chỉ là một cách nhìn phiến diện thôi em ạ. Cuộc sống phải là sự hòa hợp của tất cả, một chút buồn sẽ giúp cảm nhận được thế nào mới là niềm vui thực sự. Một chút bất hạnh mới cho thấy được thế nào là hạnh phúc. Một tia hy vọng khi thất vọng sẽ cho thấy được thế nào là cuộc đời này còn ý nghĩa. Khi em nhận ra được vẻ đẹp trong mỗi con người, em sẽ nảy sinh lòng yêu mến và muốn gắn bó với họ, vì đối với em, họ sẽ là tất cả như em nhìn ra nơi họ.   

Giônathan đã yêu mến Đavít như yêu chính mình. Tại sao vậy? Vì ông nhận ra nơi con người Đavít những phẩm chất tốt đẹp. Tâm hồn ông gắn bó với tâm hồn Đavít, ông không còn chính là ông mà đã hòa vào làm một với tâm hồn Đavít. Lúc này nhờ tình yêu nối kết mà họ trở nên “mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai.” Ông khởi đầu tình bạn khi chính ông nhận ra nơi con người Đavít là một nhân vị như chính ông. Ông tôn trọng Đavít với tình yêu như yêu chính mình.

2. Thiết lập tương quan, những móc xích trong tình bạn

Em thân mến, khi ta bắt đầu cảm mến một người nào đó, ta sẽ tiến tới thiết lập tương quan với người đó. Kinh Thánh nói tiếp: “Ông Giônathan lập giao ước với ông Đavít”, giao ước là dấu chỉ để nối kết hai người. Khi mối tương quan bắt đầu thì ta ngầm hiểu giao ước cũng từ đó mà bắt đầu. Để có được mối tương quan bền vững giữa bạn bè cũng không thể thiếu những yếu tố như tin tưởng, chân thành. Ông Giônathan tin ông Đavít là người luôn trung thành với vua cha là Saun, dù sau này ông biết Đavít được Chúa chọn để thay Saun. Đứng trước sự truy đuổi của vua cha đối với Đavít, Giônathan đứng làm trung gian để nói đỡ cho Đavít. Dầu Giônathan phải chịu sự giằng co trong nội tâm giữa chữ hiếu đối với cha và chữ tình đối với bạn, ông cũng không vì thế mà phản bội bạn và bất hiếu với cha. Một mặt ông tin tưởng Đavít là người tốt, không hề có ý dành giật ngôi báu của cha, mặt khác ông khuyên nhủ cha cũng tin tưởng Đavít làm mọi sự vì cha.  

Em thấy đó, lòng tin tưởng giữa những người bạn cần thiết biết mấy. Nếu cuộc sống không có lòng tin tưởng nhau thì không thể sống được với nhau. Sách Huấn ca dạy: “Hãy giữ chữ tín với người bạn lâm cảnh cơ hàn, để khi nó thịnh vượng, con cũng được no thỏa” (Hc 22, 23). Ngạn ngữ cũng có câu “một lần bất tín vạn lần mất tin”, điều đó cho thấy được sức mạnh của lòng tin tưởng. Rồi em sẽ đối mặt với những hoàn cảnh éo le, những hoàn cảnh có thể đẩy em vào những thái cực mà buộc em phải lựa chọn. Có những trường hợp sẽ đẩy em đối diện với sự nghi ngờ về người bạn của mình. Phải chăng, hơn lúc nào hết thì bây giờ lòng tin tưởng lại cần thiết để tiếp tục duy trì một tình bạn bền vững hay sẽ chấm dứt mãi mãi? Dĩ nhiên, để có thể tin tưởng bạn bè không hề một sớm một chiều mà em xây dựng được lòng tin đó. Vì trong cuộc sống cũng lắm bạn nhiều bè, có những người lật lõng như trở bàn tay, họ dễ dàng thay đổi trắng đen. Vì có người chỉ là bạn nhất thời, ngày em gặp khó họ chẳng còn là bạn nữa. Những người bạn này theo em chỉ vì lợi ích của họ. Có người là bạn nhưng lại trở nên thù. Họ có thể trở nên thù khi cái tôi ích kỉ của họ không thể giữ lại tình bạn với em. Với những người này thật đáng sợ, họ sẽ tiết lộ chuyện riêng khiến ta phải xấu hổ. Do đó, lòng tin tưởng vào bạn bè cũng phải được thử thách: “Nếu con muốn làm bạn với ai thì hãy thử người ấy trước, nhưng đừng vội tin tưởng ngay” (Hc 6, 7).

Là bạn bè, ta cũng không thể thiếu sự chân thành. Có được sự chân thành thì cuộc sống của ta sẽ nhiều niềm vui hơn, cuộc sống sẽ bớt lo lắng hơn vì đã có người cũng chia sẻ với ta mọi chuyện: “Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng. Không gì đổi lấy được một người bạn trung thành, và giá trị của người bạn ấy, không cân nào lường được. Người bạn trung thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời, những ai kính sợ Đức Chúa sẽ gặp được người như vậy. Người kính sợ Đức Chúa thì điều khiển được tình bạn của mình vì bản thân mình thế nào, thì cận thân mình cũng thế” (Hc 6, 14-17). Em thấy đó, một người bạn chân thành là nơi để ta chia sẻ những chuyện buồn vui. Chỉ nơi những người bạn chân thành ta mới có thể khóc, chỉ nơi họ mới chạm được nỗi lòng của ta “chạm vào mắt làm tuôn rơi nước mắt, chạm vào lòng khiến lộ ra nỗi lòng” (Hc 22, 19).

Trong các hợp đồng, điều người ta cần là sự công bằng, nhất là về lợi nhuận và trách nhiệm của cả đôi bên. Trong tình bạn cũng thế, là những người bạn với nhau em cần phải sống bình đẳng với bạn của em. Em đừng lớn tiếng dạy đời khi cho rằng bạn em làm sai hay thiếu sót. Em cũng đừng tự cho rằng nếu không có em thì bạn của em sẽ không thể tìm được lối thoát, không tìm được những con đường, những biện pháp để giải quyết công việc trong cuộc sống. Ngược lại, em phải đối xử với bạn một cách bình đẳng, đối xử với bạn như đối xử với bản thân em. Chúa Giêsu đã gọi các môn đệ là bạn hữu, Ngài nói “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ mà là bạn hữu, vì những gì Thầy nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy cho anh em biết” (Ga 15, 15). Em thấy đó, chỉ có tình bằng hữu mới dễ dàng chia sẻ cho nhau những tâm sự. Đôi lúc, những tâm sự em không thể nói với bố mẹ, người thân mà lại có thể chia sẻ với những người bạn. Tôn trọng sự bình đẳng trong tình bạn là em đang tôn trọng họ, nhất là tôn trọng những khoảng khắc riêng tư, tôn trọng những không gian riêng tư và ngay cả thế giới riêng tư trong họ. Có được sự bình đẳng ta sẽ không đòi hỏi người bạn của mình phải thế này phải thế khác đối với ta hay ngay cả đối với họ. Nhưng họ sẽ tự động chia sẻ cho ta những khó khăn và yêu cầu ta đưa ra những lời khuyên, cùng nhau tìm hướng giải quyết. Em thấy đó, bình đẳng giữa bạn bè với nhau cũng là một điều cần thiết để tương quan được bền vững hơn.

Có lẽ điều đáng sợ nhất trong tình bạn là sự phản bội. Trong Kinh Thánh cho ta thấy điều này rất rõ, mỗi lần dân Ítrael phản bội lại Giao ước là họ lại gặp thử thách và bị trừng phạt. Có những lần bị rắn lửa cắm, có những người bị đất mở ra nuốt chửng, và sự trừng phạt lớn nhất có lẽ là phải đi lưu đày, phải rời xa thành thánh Giêrusalem, rời xa hòm bia Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói về cái chết của Người như là công trình của Chúa Cha, nhưng Người cũng nói đến sự phản bội đáng lên án “Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26, 24). Sự phản bội sẽ giết chết đi tình bạn. Đó có thể là những lời nói móc họng, những lời vu cáo, lăng nhục hạ bệ nhân phẩm, danh dự của bạn mình trước mặt mọi người. Sự phản bội cũng đôi lúc thật tinh vi như việc nịnh hót bạn để được bạn quan tâm. Có thể là trước mặt bạn thì nói ngon nói ngọt mà khi vắng bạn thì bàn tán không lời chê, có câu ngạn ngữ ta thường dùng để nói về người có dã tâm độc ác “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm.” Những người công khai phản bội tình bạn đáng trách rồi nhưng không đến nỗi quá sợ, có chăng đáng sợ nhất vẫn là những người ta không thể nắm bắt được con người thực của họ là gì. Kinh nghiệm cha ông ta thường nói “ở hiền thì gặp lành, ác giả ác báo” là sự thật. Những người phản bội tình bạn thì trước sau gì cuộc sống của họ cũng vất vả, khó khăn, nhất là sẽ có lúc họ bị người khác phản bội lại. Những người đó sẽ khó để có được niềm vui trong cuộc sống, vì sâu thẳm trong họ, sẽ có lúc lương tâm khiến họ dằn vặt về những hành vi của họ. Trong tình yêu hay trong tình bạn và nói chung trong tất cả các mối tương quan, điều đáng sợ nhất và cũng là điều đáng lên án nhất là sự phản bội. Để có một tương quan tốt giữa tình bạn thì mỗi người phải hiểu ngầm là có một giao ước ngầm mà ai cũng phải nhận ra những đòi hỏi của giao ước đó, đó là sự tin tưởng, đó là lòng chân thành, là sự bình đẳng và không bao giờ phản bội giao ước đó. Để tình bạn được triển nở hơn, mỗi người cần phải vun đắp nó bằng các hành vi như là dấu chứng tình bạn.

3. Trao ban tình yêu

Trong tình yêu, hai người yêu nhau thường trao tặng các kỉ vật để làm bảo chứng tình yêu. Một trong những bảo chứng làm dấu chỉ tình yêu và lòng chung thủy đó là chiếc nhẫn. Dù là chiếc nhẫn bằng sắt, bằng đồng hay chất liệu gì đi chăng nữa, khi nó trở thành một vật như dấu chỉ của tình yêu thì nó đã mang một giá trị mà có thể gọi là “vô giá”. Không có gì có thể trao đổi hay thay thế chiếc nhẫn đó nếu cả hai đều xem tình yêu là tất cả. Em thấy đó, giá trị không nằm ở món quà là gì, mà những tình cảm ta đặt trong món quà làm nên giá trị cho nó. Không chỉ trong tình yêu mới cần sự trao ban như thế. Ngay trong tình bạn, đôi lúc chúng ta cũng cần có những món quà trao nhau như là tình yêu dành cho nhau. Món quà đó đôi khi là vật chất, nhưng có lẽ món quà tinh thần mới mang lại giá trị vững bền hơn. Câu nói “của cho không bằng cách cho” hay “tình yêu thì trọng hơn của lễ” (Hs 6, 6) nói lên được tình yêu mà mình dành cho người bạn của mình. Chúng ta có quá nhiều món quà tinh thần để có thể trao ban cho bạn như là dấu chỉ tình bạn.

Với Giônathan, ông đã trao cho Đavít tất cả những gì ông có. Ông cởi chiếc áo khoác đang mặc mà cho ông. Trong Kinh Thánh, chiếc áo cũng mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Thiên Chúa đã lấy da làm thành chiếc áo mà mặc cho Ađam và Evà sau khi hai ông bà phạm tội (x.St 3,21). Thiên Chúa không muốn con người phải xấu hổ vì tội lỗi của mình. Ngài vẫn yêu thương và khoác lên con người tình yêu bằng chiếc áo da tạm thời như là giữ lại nhân phẩm cho con người và sau này chính Đức Kitô sẽ phục hổi phẩm giá đó cho con người bằng chiếc áo của sự công chính (x.Is 61, 10) khi con người mang lấy Đức Kitô (x.Gl 3, 27). Ông Giacóp yêu thương Giuse hơn các anh em khác vì Giuse được sinh ra khi ông tuổi đã già. Ông đã may cho Giuse một chiếc áo thể hiện tình yêu cha dành cho con, khiến các anh phải ghen tị (x.St 37, 3-4). Rồi trong dụ ngôn người cha nhân hậu (x.Lc 15, 11-32), người cha đã đợi chờ đứa con bỏ nhà ra đi trở về, ông đã làm gì khi thấy đứa con từ xa? Kinh Thánh diễn tả ông thấy con từ xa, ông chạy ra đón lấy và không để đứa con “xin lỗi” hết lời. Ông đã sai gia nhân lấy áo mới, lấy nhẫn đeo vào cho con. Chiếc áo thể hiện tình yêu của người cha dành cho con, tha thứ, đón nhận và phục hồi lại địa vị cho đứa con. Trở lại câu chuyện của Giônathan, Kinh Thánh còn viết gì? Ông Giônathan còn trao cả gươm, cả cung và cả thắt lưng cho ông Đavít. Gươm, cung là những cái gắn bó với một người chiến sĩ. Trong Cựu Ước, các vua thường cũng là một chiến sĩ, do đó phải ra trận. Là một thái tử, ông có thể trở thành người kế vị vua cha, nhưng Giônathan đã trao gươm, cung cho Đavít như trao luôn chức vị cho ông. Và trao luôn chiếc thắt lưng như có ý lấy dây đai làm sợi dây nối kết giữa hai người. Ta thấy điểm thú vị là đối với nền văn hóa Á Đông việc trao y phục như là trao tình yêu, “yêu nhau cởi áo cho nhau”, “hôm qua tát nước đầu đình, bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen. Em được thì cho anh xin, hay là em để làm tin trong nhà.” Chỉ mới gặp Đavít lần đầu, nhưng Giônathan đã trao ban tình yêu cho ông bằng cách cho đi tất cả. Vậy đối với ta, để có một tình bạn, chúng ta không trao ban gì chăng?  

Em có thể trao ban bằng sự hy sinh. Em nghĩ thế nào về điều này? Nếu như tình yêu cần đến sự hy sinh nhiều thế nào thì tình bạn cũng cần sự hy sinh như vậy. Hy sinh là dấu chứng của tình yêu.[4] Có thể là hy sinh thời gian. Một người bạn chân thành là một người bạn mà có thể hy sinh thời gian cho bạn của mình. Những lúc em vui hay nhất là những lúc em buồn, em cô đơn, em thất vọng, hơn bao giờ hết em cần một người bạn ở bên để tâm sự, để chia sẻ. Nếu như bạn của em không thể dành thời gian cho em, em sẽ cảm thấy thế nào? Có phải thất vọng về người bạn thân của mình? Mỗi người đều có những kế hoạch, những chương trình riêng của mình. Mỗi phút trôi qua đối với mỗi người là quan trọng. Như vậy, khi em biết hy sinh thời gian của mình cho người bạn đang cần mình hơn thì có gì đáng trân trọng hơn sự hy sinh đó? Để hy sinh thời gian em cần phải biết từ bỏ, nhất là từ bỏ những công việc riêng của mình để đến bên bạn khi bạn cần. 

Từ bỏ ý riêng cũng không phải là dễ dàng. Như ta thấy, mỗi người là cả một thế giới tinh thần trong họ. Mỗi người đều có những mục đích và ý hướng riêng của mình. Do đó, để hy sinh ý riêng cho người bạn đòi hỏi phải có một tình yêu thật lớn thì may ra mới dễ dàng từ bỏ. Muốn vậy, em phải sống khiêm nhường, không coi mình là trung tâm, không coi mình là tất cả của bạn. Người khiêm nhường sẽ thấy nơi tha nhân những điều tốt đẹp.[5]

Đó có thể là lòng bao dung, tha thứ. Trong cuộc sống, ai dám đảm bảo mình không bao giờ sai lỗi? Là con người, phạm lỗi là điều bình thường, nhưng cần phải làm gì sau khi phạm lỗi. Nếu cái tôi của mình quá lớn, ta sẽ không dễ dàng làm hòa, dù ta đúng hay sai. Thời gian là cần thiết để hàn gắn tình bạn, nhưng đi kèm với nó phải là lòng bao dung, tha thứ. Nếu vì chỉ một lời nói, một việc làm nhỏ nhặt hay ngay cả một vấn đề mà đối với em là quan trọng đi chăng nữa mà em mổ xẻ cho nó ra thành một vấn đề lớn và làm cho rắc rối “từ bé xé ra to” thì làm sao nối kết lại. Có tha thứ, bỏ qua và cùng nhau nhìn lại những mâu thuẫn thì mới tìm ra được cách giải quyết ổn thỏa. Tha thứ là em cần phải biết tươi cười khi một người nói móc họng, cần thinh lặng trước một vu cáo bất công, yêu thương một người phản bội, và không nói một lời hóc búa trả đũa.[6] Thực tế cho thấy, biến yêu thương thành hận thù là chuyện dễ dàng, còn ngược lại từ hận thù thành yêu thương là khó khăn vô cùng.[7]

Tương quan tình bạn sẽ tốt hơn nếu ta biết đồng cảm với người bạn của mình. Từ ban đầu ta đã nói đến thế giới tinh thần của con người. Thế giới đó thật thú vị nhưng cũng đầy phức tạp. Tâm trạng của mỗi người trong từng giây phút sẽ không giống nhau. Có những người chỉ mới lúc nãy đang vui đùa hạnh phúc nhưng một lát sau lại rơi vào cô đơn, buồn chán. Tận trong tâm hồn, ai cũng khát khao mình được hạnh phúc, vui vẻ. Ai cũng khát khao mình được mọi người yêu thương, tôn trọng. Ai cũng mong tìm kiếm được việc làm ổn định, cuộc sống thanh bình. Nhưng thật trớ trêu, những gì ta ước mơ thật là tốt đẹp thì dường như không bao giờ đạt được trọn vẹn theo ý ta muốn, ngược lại ta theo đuổi những thứ đó và nó mang lại cho ta biết bao sầu khổ, thất vọng, chán nản. Cũng chính vì thế, mỗi con người mà em gặp họ đều có cả một quá khứ, một câu chuyện lịch sử hình thành nên con người của họ hiện tại. Do đó, điều em cần phải nắm rõ là đồng cảm với họ, với những câu chuyện vui buồn của họ, với những tính cách thất thường của họ. 

Cuối cùng, một điều mà em không thể bỏ qua đó là lòng biết ơn. Biết ơn còn chưa đủ, còn phải nhớ ơn và mang ơn người bạn của mình. Thật vậy, đôi lúc ta chỉ nói lời cảm ơn đầu môi chót lưỡi mà không nhìn ra được tình yêu họ đã dành cho ta. Họ đã hy sinh dù những điều nhỏ nhặt hay có những điều to lớn như hy sinh thời gian với gia đình, hy sinh chương trình riêng để hiện diện cùng ta khi ta đối diện với những khó khăn hay khi ta nhận được niềm vui. Biết nhận ra ơn để cám ơn là một điều đáng trân trọng rồi, nhưng em còn phải nhớ ơn và mang ơn nữa. Vì chỉ khi em biết mang ơn người khác thì em mới dám hy sinh sống cho người khác như sống cho bản thân. 

Tạm kết 

Em thân mến, để nói về tình yêu hay tình bạn trong cuộc sống này thì còn nhiều điều để chia sẻ. Anh sẽ tiếp tục nói chuyện với em trong những bức thư tới. Tóm lại, cuộc đời thật ý nghĩa khi chúng ta tìm được mục đích sống cho mình. Nó còn ý nghĩa hơn khi chúng ta không chỉ tìm thăng tiến bản thân mà thăng tiến những người bạn của mình. Mục đích sâu xa con người phải đạt đến là đời sống mai sau, nơi đó ánh sáng của Đấng tạo hóa sẽ làm cho con người không còn đau khổ. Con đường dẫn đến ánh sáng đó là con đường đầy hy vọng.[8] Chúng ta sẽ không cô đơn một mình để tiến về đích, mà còn phải cậy nhờ người khác, cùng với người khác hướng về nó. Chúng ta được sinh ra không đơn độc mà được đặt trong những tương quan. Vì thế, ngoài những tương quan với người than, em hãy tìm cho bản thân những người bạn thật chân thành, đáng tin cậy. Cuộc sống của chúng ta có những lúc khó khăn, những lúc thuận lợi cũng giống như thời tiết có nắng và có mưa. Mỗi người đều thích mưa, vì mưa xuống làm cho thời tiết mát mẻ hơn, làm cho cây cối có một chút hồi sinh, tươi xanh và mưa xuống làm cho tâm hồn con người thoải mái hơn. Nhưng dường như những cơn mưa mang nguồn sức sống thì ít hơn là những ngày nắng nóng cướp đi nguồn sinh lực của con người. Tình bạn cũng thế, đôi lúc tình bạn được trình ra như một bán sa mạc, ẩn sâu dưới sa mạc có những dòng nước ngầm. Tình bạn chân thành cũng có những nguồn nước như thế. Nhưng nếu không biết khai thác, dòng nước mãi là dòng nước ngầm không có giá trị. Dòng nước đó không chi khác đó là một tâm hồn, một trái tim chan chứa niềm vui, yêu thương đối với bản thân, tha nhân và môi trường xung quanh. Dòng nước đó sẽ mang lại những cơn mưa, nguồn sức sống cho mỗi người khi mỗi người biết tận dụng nó. Em hãy tận dụng những nguồn nước ngầm đó nhé. Hãy tạo cho tâm hồn niềm vui, bình an và hãy ra sức sống với bạn một cách đầy trách nhiệm. Chúc em xây dựng được những tình bạn chân thành, đáng trân trọng để khi được ai hỏi về tình bạn của em thì có thể ca ngợi nó “tình anh đối với tôi thật diệu kì hơn cả tình nhi nữ” em nhé.

 


[1] Fulton Sheen (Montfort Phạm Quốc Huyên và Eymard Nguyễn Trọng Tôn dịch), Cuộc Đời Đáng Sống, Nxb. Đồng Nai, Tp.HCM, 2018, 10.

[2] Ibid., 69.

[3] Samuel Enoch Stumpf (Lưu Văn Hy dịch), Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2007, 631.

[4] Fx. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, 73.

[5] Fulton Sheen (Montfort Phạm Quốc Huyên và Eymard Nguyễn Trọng Tôn dịch), Cuộc Đời Đáng Sống, op. cit., 27.

[6] Fx. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, 74.

[7] Fulton Sheen, (Montfort Phạm Quốc Huyên và Eymard Nguyễn Trọng Tôn dịch), Cuộc Đời Đáng Sống, op. cit., 80.

[8] Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên O.Cist, Cuộc Đời Là Một Chuyến Đi, Nxb. Phương Đông, Tp. HCM, 2016, 213. 

 

Nguồn tin:
Tags :