Ngày 3/12 - Thánh Phanxicô Xaviê – Linh mục: Bổn Mạng Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Phanxicô Xaviê qua đời ngày 3 tháng 12 năm 1552 trên tiểu đảo Thượng Xương, ngoài khơi bờ biển Quảng Đông (Trung Quốc). Ngài được Đức Giáo Hoàng Grégoire XV phong thánh cùng thời với thánh Ignatiô Loyola, năm 1622, được ghi tên vào lịch Rôma năm 1623 và được tuyên phong là bổn mạng Ấn Độ và các nước Viễn Đông năm 1748. Năm 1927, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên phong là bổn mạng các xứ truyền giáo, cùng với thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu.
Ngài tên thật là Francesco de Jassu, gọi là Javier, sinh tại lâu đài Navarre (Tây Ban Nha). Ngài là con thứ sáu trong gia đình. Cha ngài đậu bằng tiến sĩ luật và phục vụ cho vị lãnh chúa người Pháp Jean d’Albert. Mười tám tuổi, ngài sang học tại Paris và trở thành giáo sư triết học và thần học. Mười năm sau, năm 1534, ngài từ bỏ nghề giảng dạy trong Giáo Hội và gia nhập nhóm người sau này sẽ trở thành những vị sáng lập Dòng Tên, cùng với thánh Ignatiô Loyola và Pierre Favre người xứ Savoie. Ngày 15 tháng 8, lễ Đức Mẹ Lên Trời, trước phần mộ của thánh Denis ở Montmartre, Phanxicô Xaviê cùng với Ignati Loyola, Pierre Favre và bốn người bạn tuyên thệ sống nghèo khó và thanh khiết, rồi cùng lên đường đi Đất Thánh để cải hoá dân ngoại. Sau chặng dừng chân ở Venise –tại đây Phanxicô được thụ phong linh mục– vì không thể lên tàu đi Palestina (Venise đang lâm chiến với người Thổ), nên bảy người bạn đi tới Rôma để phục vụ Đức giáo hoàng.
Năm 1541, Xaviê được Ignatiô cử đi truyền giáo ở miền Ấn Độ thuộc Bồ Đào Nha, thay thế một hội viên đang bị bệnh không thể đi được. Thế là ngày 6 tháng 5 năm 1542, sau một năm hành trình, Phanxicô cập bến Goa (Ấn Độ thuộc Bồ Đào Nha) trong tư cách khâm mạng và đặc sứ của Đức giáo hoàng. Mười một năm truyền giáo rất sôi động đang chờ đợi ngài: dạy gáo lý, rửa tội, chăm sóc bệnh nhân, xét xử… Nhiều cộng đoàn Kitô hữu được thiết lập, cùng với nhiều trường học, chủng viện được mở khắp nơi.
Những lá thư thánh Phanxicô Xaviê viết cho thánh Ignatiô được phổ biến trên báo chí đã làm cả châu Âu phấn khởi trước công cuộc truyền giáo. Chúng ta có thể theo dõi những lộ trình của ngài như sau: từ Goa đến Travancore (nam Ấn Độ), rồi lại trở về Goa, trước khi đi qua Cochin (Kerala), rồi đến Tuticorin (cực nam). Năm 1545, ngài rời Ấn Độ để qua Malacca (Mã Lai), tại đây lần đầu tiên ngài gặp những người Nhật Bản, rồi ngài đi đến quần đảo Moluques (quần đảo của Inđônêxia). Tại đảo này, cho tới hôm nay, chúng ta vẫn còn gặp được những cộng đoàn Kitô giáo phồn thịnh đã từng được chính thánh Phan-xi-cô Xaviê rao giảng Tin Mừng lần đầu tiên.
Khao khát mang đức tin Kitô đến mọi nơi, ngày 15 tháng 8 năm 1549 ngài đi tàu đến Kagoshima (đảo Kyushu), Nhật Bản. Năm 1551, một cộng đoàn Kitô giáo nhỏ bé được lập ở Yamaguchi. Các nhà thông thái Nhật Bản khuyên ngài: “Hãy bắt đầu chinh phục Trung Hoa”. Thế là ngài rời Nhật Bản, quay trở lại Goa để chuẩn bị một phái đoàn đến hoàng đế Trung Hoa. Được sự giới thiệu của một vị phó vương, và nhờ các thương gia châu Âu giúp đỡ, ngài thành công đặt chân lên đảo nhỏ Sơn Trang, nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Đông. Mùa đông vừa bắt đầu, nhà truyền giáo vĩ đại bị kiệt lực vì các cơn sốt và đã qua đời ngay lúc ngài sắp sửa đặt chân lên lục địa ở sát bên cạnh. Ngài tắt thở trong khi cầu khẩn Chúa Ba Ngôi, danh thánh Chúa Giêsu và Đức Mẹ, tay cầm một cây nến. Ngài chỉ mới bốn mươi sáu tuổi. Trong mười một năm tám tháng truyền giáo, bằng những phương tiện của thời ấy, ngài đã đi khoảng tám mươi ngàn kilô mét, chỉ với một mục đích duy nhất là rao giảng Tin Mừng và thiết lập Hội Thánh.
II. Thông điệp và tính thời sự
Lời Nguyện của ngày làm nổi bật việc rao giảng của thánh Phanxicô Xaviê, người đã kêu gọi biết bao dân tộc phương Đông đến với Tin Mừng. Trong mười hai năm làm tông đồ, rảo bước trên nhiều đất nước, ngài đã viết lên một trong những trang hùng ca truyền giáo đẹp nhất. Xác tín việc rao giảng Tin Mừng là công việc của Thiên Chúa hơn là của chúng ta, ngài trước tiên lo lắng “gieo trồng” Giáo Hội bằng một hoạt động nhắm tới cái cốt yếu: dạy những chân lý cơ bản của đức tin chúng ta, những giới răn, những kinh nguyện “cổ điển”. . . Ngài giải tội hàng giờ và rửa tội cho vô số người. Ngài tự nhủ, điều quan trọng lúc ban đầu là mở một con đường cho Tin Mừng. Vì thế trong một thư gửi thánh Ignatiô, ngài viết: “Từ khi con tới đây, con không bao giờ dừng chân: con chủ động rảo qua khắp các làng mạc, rửa tội cho tất cả những trẻ em chưa chịu phép rửa. Con cũng đã tái sinh cho vô vàn thơ nhi mà người ta thường nói là chưa biết phân biệt tay phải với tay trái.” Còn các trẻ em đi theo ngài để ngài dạy đọc kinh, ngài không bao giờ xua đuổi: “…bằng cách bắt đầu việc tuyên xưng Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, con dạy cho chúng Kinh Tin Kính, Lạy Cha, và Kính Mừng.”
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng hoạt động tông đồ của thánh Phanxicô Xaviê phát sinh từ đời sống cầu nguyện và mở lòng với Thiên Chúa: “Con cầu nguyện liên ly – ngài viết – để xin Chúa ban cho con nghe được thánh ý Người, với quyết tâm vững vàng thực hiện thánh ý Chúa.” Đứng trước ngưỡng cửa của Trung Hoa, ngài lặp đi lặp lại: “Lạy Chúa Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót con. Xin thương tha tội con.” Và ngài nói tiếp: “Lạy Mẹ Đồng Trinh, Mẹ Thiên Chúa, xin nhớ đến con!”
Cũng trong Lời Nguyện của ngày, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta, “cho mọi người đã được rửa tội, có cùng một lòng nhiệt thành truyền giáo” như thánh Phanxicô Xaviê, để Hội Thánh “khắp nơi được hân hoan đón nhận thêm nhiều con cái.” Lời cầu này của Hội Thánh hình như là âm vang lời ước mà vị thánh truyền giáo đã diễn tả với thánh Ignatiô: “Trong nước này, còn có biết bao người chưa trở thành Kitô hữu, chỉ vì hôm nay không có ai làm cho họ trở thành Kitô hữu.Con rất thường có ý tưởng đến khắp các trường đại học ở châu Âu, và trước tiên là ở Paris, để kêu gào một cách điên dại: “Trời ơi, biết bao linh hồn không được lên thiên đàng, phải sa xuống hoả ngục, vì lỗi của anh em !” Xúc động vì ý tưởng này, nhiều người trong số họ. . .sẽ tự nhủ: “Lạy Chúa, con đây; Chúa muốn con làm gì ? Xin hãy sai con đi bất cứ đâu, thậm chí tới Ấn Độ.”
Ở Paris, thánh Ignatiô đã cố gắng cải hóa chàng sinh viên trẻ tuổi Xaviê bằng các nói đi nói lại với anh: “Con người được cả thế gian mà mất linh hồn mình thì có ích gì ?” Và thế là Phanxicô Xaviê, không chỉ vì lo cứu rỗi linh hồn mình cho bằng “bị lôi kéo đi khắp các miền xa xăm vì lòng hăng say muốn cứu rỗi mọi người” (Lời Nguyện trên lễ vật), nên đã dấn thân hoàn toàn cho việc rao giảng Tin Mừng, “để giao hòa thế giới, mang theo điều duy nhất là tình yêu” (Xướng đáp Giờ Kinh Sách).
Ngài viết cho một người bạn: “Trong giấc mơ, tôi trông thấy những gì tôi phải chịu vì vinh quang Chúa Giêsu Kitô: trước mắt tôi là những hải đảo hoang vu, những miền đất man rợ báo trước cho tôi cảnh đói khát, chết chóc dưới muôn vàn hình thức…. Lúc đó tôi bắt đầu la lên: Nhiều hơn nữa, lạy Chúa, nhiều hơn nữa !” Vì thế Lời nguyện riêng của Dòng Tên cầu xin Chúa thế này: “Chúa đã đốt lên trong lòng thánh Phanxicô Xaviê ngọn lửa bác ái và nhiệt thành đối với các linh hồn. Không sợ hiểm nguy, nhọc mệt và đau khổ, thánh nhân đã loan báo Tin Mừng cho các nước, để biến họ thành những phần tử của Dân Chúa.” (Kinh Tiền Tụng). Ước gì “lò lửa tình yêu” nơi thánh Phanxicô bị thiêu đốt vì phần rỗi các linh hồn (Lời Nguyện sau hiệp lễ) được nhóm lên nơi mỗi người Kitô hữu, để đến lượt mình, chúng ta có thể “sống chứng nhân cho Tin Mừng, để được sớm đến với Chúa cùng đông đảo các anh em mình” (Lời nguyện trên lễ vật).
Enzo Lodi