Mục Vụ Tân Tòng Sau Ngày Cưới

Fri,01/03/2019
Lượt xem: 3297

1. Những nguyên nhân dẫn đến hôn nhân khác đạo ngày càng gia tăng

Thông thường hôn nhân là kết quả của tình yêu. Hôn nhân được xây dựng trên tình yêu. Tình yêu được hình thành và phát triển từ tình bạn. Tình bạn được xây dựng trên sự gặp gỡ, quen biết, giao lưu. Gặp gỡ quen biết được xuất phát từ những mối quan hệ trong cuộc sống; qua lao động, làm việc cùng cơ quan, xí nghiệp, trên giảng đường. Không gian, thời gian, địa điểm, phương tiện, quan niệm sống ngày hôm nay rất thuận lợi để cho mọi người có cơ hội làm quen nhau.
 
Trong những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, các ngành khoa học phát triển đến chóng mặt, nhất là trên các lĩnh vực công nghệ thông tin. Tại một thời điểm, mọi người khắp thế giới có thể xem cùng một sự kiện đang xảy ra tại một nơi nào đó cách xa hàng chục ngàn kilômét. Chỉ cần rê ‘con chuột’ trên máy vi tính ít phút người ta có thể nắm bắt được biết bao nhiêu sự kiện đang diễn ra trên thế giới. Bạn muốn kết bạn với ai đó thì chỉ cần lập một cái ‘nick yahoo’ hay ‘facebook’, sau vài phút ‘click’ chuột đã có hàng trăm bạn bè khắp thế giới, chưa nói đến điện thoại di động và nhiều phương tiện khác. Nhờ đó, nhân loại như được xích lại gần nhau và thân thiện hơn. 
 
Cùng với sự phát triển các lĩnh vực khoa học, nền kinh tế thế giới cũng không ngừng tăng trưởng. Việc đi lại giữa các vùng miền cũng như giữa các quốc gia rất thuận lợi và nhanh chóng. Tại các thành phố lớn, khu công nghiệp mọc lên như nấm. Việt Nam là một đất nước nông nghiệp lạc hậu, đói kém. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam vẫn là nước có nền kinh tế nông nghiệp với 73,3% dân số nông thôn, trong số này tỷ lệ hộ nghèo chiếm 23% (!). Hộ nghèo là thu nhập bình quân cả hộ mỗi tháng dưới 200 000 đồng, nghĩa là chưa mua được 20 kg gạo, làm sao nuôi nổi một hộ bình quân 3-4 nhân khẩu (thống kê năm 2006)?  
 
Dân số đông, đất sản xuất ít, giá trị nông sản thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao. Tiêu chuẩn cuộc sống dân Việt được xếp vào những nước nghèo đói của thế giới. Vì thế, mỗi năm với hàng chục ngàn người từ những vùng quê xa xôi đổ xô lên thành phố kiếm việc làm mong sớm thay đổi ‘số kiếp lầm than’ cho bản thân và gia đình. Trong lớp người ấy chủ yếu là những bạn trẻ với tuổi đời mười tám đôi mươi, dĩ nhiên phần đa là họ chưa lập gia đình. Sự hội nhập văn hóa giữa các dân tộc và quốc gia ngày càng mạnh, đặc biệt văn hóa phương Tây được giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng. Tự do con người được đề cao. Quan niệm nam nữ ‘thụ thụ bất thân’ đối với giới trẻ hôm nay coi như chuyện cổ tích, lỗi thời, không phù hợp với lối sống hiện đại. Chuyện ‘trinh tiết’ của con gái một thời được coi như ‘viên ngọc quý’, là ‘khó báu vô giá’ thì nay ít người quan tâm. Sự quen biết, gặp gỡ nhau dễ dàng và ‘thoáng’ hơn xưa kia rất nhiều. Cơn lốc kinh tế thị trường làm cho con người lao vào vòng xoáy của tiền bạc, hưởng thụ, lừa dối. Trước một hiện trạng xã hội như vậy, các bạn trẻ Công giáo cũng không nằm ngoài những biến động và vòng xoáy ấy. Người Công giáo có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đến các doanh nghiệp tư nhân hay các cơ quan nhà nước. Quan niệm giáo dục gia đình cũng đã thay đổi, cởi mở hơn trước. Trong vấn đề hôn nhân, trước đây ‘cha mẹ đặt đâu con ngồi đó,’ bây giờ ‘con cái đặt cha mẹ ngồi đâu thì cha mẹ ngồi đó’. Đó là những nguyên nhân dẫn đến các cuộc hôn nhân khác đạo ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là những giáo xứ tọa lạc nơi các thành thị và những vùng phụ cận. Thậm chí hôn nhân khác đạo nay như trở thành một phong trào của giới trẻ. 
 
Đây là một xu thế của thời đại, chúng ta không thể cưỡng lại và buộc chúng ta phải chấp nhận. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề nảy sinh trong đời sống hôn nhân khác đạo. Hạnh phúc có đó, nhưng đổ vỡ cũng nhiều và để lại không ít gánh nặng cho Giáo hội và xã hội. Chúng ta thừa biết rằng, khi hạnh phúc gia đình đổ vỡ, phần thiệt thòi nhiều nhất thường là bên Công giáo. Vì thế, mục vụ tân tòng sau ngày cưới là một điều đáng để cho mọi người quan tâm, suy nghĩ. Đây cũng là một vấn đề nhức nhối trong các giáo xứ và là một công việc mục vụ khó khăn cho linh mục quản xứ.
 
2, Những thuận lợi
 
Hàng năm Giáo hội Việt Nam đón nhận hàng trăm, thậm chí hàng ngàn anh chị em ngoại giáo xin gia nhập Giáo hội qua con đường hôn nhân. Nếu xét về ‘lượng’ thì đây cũng là điều ‘đáng mừng’, vì có thêm nhiều người biết và thờ phượng Chúa. Không hiếm những gia đình ngoại giáo đã biết Chúa và xin gia nhập đạo sau khi con cái họ kết hôn với người Công giáo. Họ cũng là những ‘Phaolô mới’, là tông đồ dân ngoại ngày hôm nay. Không ít những anh chị em tân tòng sau khi sau khi kết hôn đã tham gia các phong trào giáo xứ như ca đoàn, đội kèn, hội Thánh Tâm, hội Phan Sinh tại thế..., thậm chí có những người sau nhiều năm theo đạo họ còn đứng lớp dạy Giáo lý cho các em. Đây đó thỉnh thoảng vẫn có những linh mục, tu sĩ xuất thân từ những gia đình này. Hội Thánh tin tưởng ở thiện chí của họ và ước mong rằng “chồng ngoại được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại được thánh hóa nhờ người chồng có đạo” (1Cr 7,14). “Thật là một niềm vui lớn cho bên Công giáo và cho Hội Thánh nếu ‘việc thánh hóa’ này đưa người không ngoại tự nguyện đón nhận đức tin Công giáo. Chính tình yêu hôn nhân chân thành, việc khiêm tốn, kiên nhẫn thực thi những nhân đức gia đình và siêng năng cầu nguyện có thể chuẩn bị cho người không có đạo được ơn làm con Chúa.”  
 
3, Những thách đố
 
Trong thực tế cho thấy, những cuộc hôn nhân khác đạo thường gặp nhiều thách đố hơn những những đôi hôn nhân cùng Công giáo. Nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ các cuộc hôn nhân này có rất nhiều, chủ quan có, khách quan có. Thời gian tìm hiểu nhau qúa ít. Khi yêu tất cả những gì nơi người yêu mình có đều đẹp. Khi đã yêu thường họ nhìn nhau với ánh mắt chủ quan và phiến diện. Lý trí tạm nhường chỗ cho tiếng nói của con tim hoạt động. Trước khi gia nhập Giáo hội, anh chị em tân tòng thường chỉ tham gia một lớp học Giáo lý dự tòng và hôn nhân với thời gian khoảng 3 tháng đến một năm, thậm chí có trường hợp đặc biệt chỉ được một tháng hay vài tuần thì làm sao họ hiểu biết Giáo lý và tâm tình mến Chúa được. Bên cạnh đó những anh chị em tân tòng gia nhập cộng đoàn Giáo hội địa phương sau ngày thành hôn thường ‘bị quên lãng.’ Sự đổ vỡ hay thiếu hạnh phúc nơi các gia đình như thế khá phổ biến. Một câu nói châm biếm mà có lẽ nhiều người chúng ta đã nghe khi một người ngoại đạo nào đó cầu nguyện rằng : "Con quỳ lạy Chúa Ba Ngôi, con cưới được vợ con thôi nhà thờ". Tôi xin nêu ra đây một vài trường hợp hôn nhân khác đạo mà tôi đã biết trong muôn vàn hoàn cảnh tương tự (xin dấu tên): Ngày kia, tại một giáo xứ nọ, một người quen dẫn tôi tới thăm một gia đình. Khi vào nhà tôi được người đi cùng giới thiệu tôi với gia đình vài câu ‘xã giao’ để làm quen. Gia đình ‘có vẻ hạnh phúc’. Tuy nhiên sau khi về người quen mới cho tôi biết rằng chồng cô ta là tân tòng. Chị ấy xuất thân từ gia đình Công giáo. Hai người cưới nhau theo phép đạo đường hoàng. Anh chị sinh được bốn người con. Tuy nhiên, ba cô con gái đầu anh đồng ý cho rửa tội. Đến khi chị sinh đứa con thứ tư, con trai, anh ta không cho chịu phép rửa tội. Câu chuyện thứ hai, cô gái tên H.Y ở một giáo xứ nọ (xin dấu tên). Khi lớn lên, chị đã sở hữu được nhan sắc trời phú và thân hình cân đối mà biết bao cô gái cùng trang lứa thầm mơ ước. Dĩ nhiên là cô được rất nhiều đấng mày râu vây quanh và muốn được nên nghĩa vợ chồng. Trong số ấy có nhiều chàng trai là người Công giáo tử tế. Nhưng rồi một hôm, một chàng trai ngoại giáo ở xa hơn nửa ngàn cây số xuất hiện. Với kinh nghiệm từng trải, anh ta đã chinh phục được trái tim nàng. Trong thời gian học dự tòng, một giáo lý viên dạy cho anh ta khen với tôi rằng, anh ấy học hành chăm chỉ, học giỏi, thấy ‘cũng được’. Thời gian lẵng lẽ trôi. Khoảng hơn một năm sau tôi trở lại nơi ấy, thấy cô gái năm kia ẵm đứa bé khoảng hai tháng tuổi về ở bên ngoại rất lâu. Cảm giác tôi cho biết có lẽ chuyện gia đình chị chẳng lành. Đúng thật, hàng xóm cho biết, sau khi cô ta sinh cháu gái đầu được mấy tuần anh ta đã bỏ mẹ con cô ấy và đi tìm người con gái khác. Và vô vàn câu chuyện như thế đang diễn ra trong cuộc sống quanh ta mỗi ngày. Vì thế, Giáo hội Công giáo rất quan tâm đến vấn đề hôn nhân khác đạo. Nếu hôn nhân đổ vỡ, phần thiệt thường phía bên Công giáo phải gánh chịu và dẫn đến chán nạn, lạnh nhạt và dần đi đến bỏ đạo. Các linh mục quản xứ cũng gặp nhiều khó khăn trong khi thi hành mục vụ đối với họ. Tuy nhiên, gặp khó khăn không có nghĩa là các linh mục quản xứ cần ngăn cấm những cuộc hôn nhân này. Đây cũng là trào lưu mang tính quy luật của sự phát triển kinh tế xã hội và hội nhập văn hóa toàn cầu, nhưng không phải không có giải pháp.
 
4, Hướng mục vụ
 
Như chúng ta đã biết, đức tin người tân tòng như một cây xanh ta vừa bứng từ chổ này tới chổ kia để trồng. Cây càng lớn, càng nhiều tuổi, càng khó chăm sóc, nhất là những cây đã hết thời kỳ sinh trưởng. Vậy muốn nó bén rễ sâu, đảm bảo sự sống cho nó thì người trồng luôn phải tưới nước, chăm sóc đặc biệt trong những ngày đầu, nhất là khi gặp thời tiết khô hanh. Nếu như chúng ta làm được như vậy và gặp phải nơi đất tốt thì cây đó phát triển xanh tươi đến dường nào. 
 
Người tân tòng cũng vậy, vì mới được tiếp cận và sống trong một môi trường mới nên biết bao bỡ ngỡ. Có nhiều điều trong đạo mà chính những người đạo ‘gốc’ như chúng ta vẫn không hiểu nổi huống chi những anh chị em tân tòng. Vì vậy, sự quan tâm của linh mục quản xứ đối với họ là một điều rất cần thiết chẳng khác gì những giọt nước thấm xuống những mạnh đất khô cằn làm cho biết bao nhiêu hạt nảy mầm và sự sống được mọc lên. Với kinh nghiệm qua lịch sử Giáo hội, hầu hết linh mục quản xứ khi thấy con chiên của mình lên trình hôn nhân với một anh hoặc chị là người ngoại giáo thì các ngài tỏ ra ái ngại và phía sau đó là ‘một tiếng thở dài não nề.’ Nếu có cơ hội gặp riêng anh chị bên Công giáo tôi thấy các linh mục quản xứ thường không đồng ý cho con chiên của mình lấy người ngoại giáo. Tuy nhiên, các ngài rất tôn trọng tình yêu của họ và tạo điều kiện để họ tiến đến hôn nhân. Sau đây là những giải pháp có tính thực tiễn:
 
a, Tĩnh tâm
 
Linh mục quản xứ cần thu xếp thời gian, lịch trình cụ thể để tĩnh tâm riêng cho những người tân tòng vào dịp thuận lợi nhất trong năm, có thể một đến hai lần, tốt nhất nên thực hiện vào mùa Chay. Vì trước khi cưới, những người tân tòng chỉ học những cái rất cơ bản và thời gian học lại quá ngắn, nhiều người học tập lúc ấy chỉ có tính cách ‘đối phó’ để cho việc thành hôn theo nghi thức Công giáo được êm xuôi, vinh dự với bố mẹ, ông bà và anh chị em bạn bè bên người Công giáo. Vì thế, thời gian tĩnh tâm là dịp thuận lợi để linh mục quản xứ gặp gỡ, chia sẽ với họ nhiều điều trong cuộc sống, giải đáp những thắc mắc của họ về Giáo lý, Kinh Thánh. Đây cũng là cơ hội tốt để linh mục quản xứ cung cấp thêm những kiến thức Giáo lý cần thiết cho họ. Có những anh chị tân tòng sau khi cưới nhau họ bỏ luôn việc tham dự hai bí tích Hòa giải và Thánh Thể. Họ bỏ vì nhiều lý do khác nhau như gia đình công giáo mà họ sống đó khô khan trong việc giữ đạo, không hướng dẫn, thúc đẩy họ. Giáo lý của những anh chị tân tòng này còn non kém. Có trường hợp tôi dạy cho mấy người dự tòng sau nhiều năm họ không tham dự các bí tích. Họ không biết công thức xưng tội và xưng như thế nào nên vào tòa rất sợ cha giải tội. Rất may là dịp ấy thuận lợi nên cha xứ tổ chức một lớp giáo lý sau ngày cưới. Chủ yếu là giúp họ về hai bí tích Giải tội và Thánh Thể. 
 
b, Tổ chức những bữa tiệc
 
Qua bữa tiệc giúp người ta dễ gần gủi với nhau. Bữa ăn nói lên tình huynh đệ, sự yêu thương, thân thiện, xóa bỏ mọi hận thù. Qua bữa tiệc người ta có thể gửi cho nhau những thông điệp, chia sẽ những nỗi lòng mà không có dịp nào thuận lợi hơn. Linh mục quản xứ cũng cần tổ chức những bữa tiệc dành riêng cho những cặp hôn nhân có vợ hoặc chồng là tân tòng trong giáo xứ mình coi sóc vào những dịp đặc biệt như dịp như lễ Giáng Sinh, Phục Sinh hay ngày Tết. Những người được mời dự tiệc như vậy họ cảm thấy bản thân mình có vị trí trong Giáo hội, thấy mình không bị bỏ rơi mặc dầu mình là người ‘đạo mới’. Tôi đã từng nghe một bà vợ tươi cười kể với mọi người bằng một giọng rất phấn khởi và tự hào rằng: "Hôm qua anh ấy (chồng chị) được cha xứ mời ăn cơm, ăn cơm xong cha xứ còn cho một cuốn sách Kinh Thánh nữa, anh ấy vui lắm."  Sau lần ấy, anh ta có phần cải thiện đời sống đạo hơn và không khí gia đình đã ấm lên đáng kể. 

c, Thăm viếng/ Chúc mừng
 
Thăm viếng một ai là nói lên sự quan tâm của mình đối với người ấy. Người được thăm viếng cảm thấy mình hạnh phúc, vinh dự, bớt đi sự cô đơn. Đã là con người ai cũng thích mình được kẻ khác quan tâm, chăm sóc. Người có uy thế, địa vị xã hội cao bao nhiêu khi quan tâm đến ta, niềm tự hào của ta được nâng lên bấy nhiêu. Họ cũng vậy. Các thầy các sơ đến thăm gia đình những người tân tòng là một niềm vui lớn đối với họ. Nhưng với một linh mục quản xứ ghé thăm thì danh dự và niềm vui của họ được tăng lên gấp bội. Không ít người đã tự hào với làng xóm về chuyến thăm mục vụ của linh mục quản xứ đến với gia đình họ. Chuyến thăm ấy có khi trở thành kỷ niệm cho gia đình. Thậm chí có nhiều lúc ơn gọi tu trì con cái họ được thai nghén và lớn lên nhờ hình ảnh thân thương của linh mục quản xứ qua những lần thăm viếng ấy. Họ nhận thấy rằng cuộc đời đáng sống vì còn biết bao nhiêu người yêu thương mình. 
 
Sự thăm viếng là một nguồn động viên vô cùng quý giá không chỉ đối với người ốm đau nhưng ngay cả với người khỏe mạnh. Linh mục quản xứ cần lấy tâm hồn mục tử nhân lành để thăm viếng yên ủi, giúp đỡ họ bằng cả vật chất (nếu có) và tinh thần. Nếu vì điều kiện không thăm viếng được thì cha xứ có thể gọi điện hỏi thăm hay bằng những phương thức khác để nói lên sự quan tâm của cha phần linh hồn đối với họ. Nhất là những khi gia đình họ có niềm vui hay nỗi buồn thì việc chúc mừng hay chia sẽ cảm thông của cha quản xứ thì không thể thiếu.
 
d, Những ngày lễ riêng và tham gia các hội đoàn
 
Linh mục quản xứ cần tổ chức một ngày lễ đặc biệt trong năm dành cho người tân tòng trong giáo xứ và tạo điều kiện cho họ phục vụ thánh lễ ấy nếu khả năng của họ đáp ứng được. Trong ngày lễ ấy cũng cần tạo những sân chơi giải trí cho họ. Động viên họ tham gia các đoàn thể trong giáo xứ như ca đoàn, hội Thánh Tâm, hội Phan Sinh Tại Thế,... Nếu cần thiết có thể trao cho họ một số nhiệm vụ trong các hội đoàn mà khả năng họ có thể đảm nhận được. 
 
5, Một vài suy nghĩ
 
Mục vụ hôn nhân gia đình là một vấn đề khó khăn và phức tạp; mục vụ tân tòng lại càng khó khăn và phức tạp hơn. Tuy nhiên nếu linh mục quản xứ có phương thức mục vụ phù hợp và mang tính khoa học cũng như tâm lý thì hy vọng rằng cây đức tin trong anh chị em tân tòng sẽ phát triển cách mạnh mẽ và có chiều sâu, làm trổ sinh nhiều hoa trái cho Giáo hội, và biết đâu chính mỗi người trong họ sẽ là một ‘Phaolô mới’ cho dân ngoại ngày hôm nay.
 
Về phía nhà đào tạo cũng cần có những hướng dẫn, những chương trình cụ thể hay tạo điều kiện như thế nào để các chủng sinh được làm quen với hình thức mục vụ này. Chủng sinh cũng cần tự đào tạo cho mình bằng cách tìm hiểu sách vở hay đi thực tế một số giáo xứ trong dịp hè để học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Những kinh nghiệm ấy là bài học quý báu và thiết thực để làm hành trang cho công việc mục vụ của mình sau này, hầu mang lại nhiều hoa trái cho Giáo hội và sinh ích cho các linh hồn. 
 
Giuse Nguyễn Văn Thương, K.11
Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 02
Nguồn tin: