Chủng Sinh Giữa Môi Trường Sống Hôm Nay

Thu,05/10/2023
Lượt xem: 685

Thiên Chúa lúc nào cũng kêu gọi các linh mục của Ngài giữa những môi trường nhân sinh và môi trường Giáo hội nhất định, cho nên các linh mục không thể không mang dấu vết của những môi trường ấy và chính trong những môi trường ấy mà họ được sai đến để phục vụ Tin Mừng Chúa Kitô (x. PDV 5).

Khi bàn về tác vụ và đời sống linh mục, Công đồng Vaticanô II đã dạy rằng: “Các linh mục không thể là thừa tác viên của Đức Kitô nếu không trở nên chứng nhân và nên người ban phát một đời sống khác với đời sống trần thế này, tuy nhiên các ngài không thể phục vụ nhân loại nếu trở nên xa lạ với cuộc đời và những hoàn cảnh sống của nhân loại. Chính thừa tác vụ đặc biệt của các ngài đòi buộc các ngài không được sống rập theo đời này (x. Rm 12,2); nhưng đồng thời lại đòi hỏi các ngài phải sống giữa mọi người trong thế gian này” (PO 3).

Trong tiến trình đào tạo và tự đào tạo nên những mục tử như lòng Chúa mong ước (x. Gr 3,15), các chủng sinh cần được chuẩn bị kỹ lưỡng với những khả năng cần thiết để có thể “sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (x. Ga 17,14-16; PO 17; PDV 30). Ở đây, xin chia sẻ một vài gợi ý trong đời sống tu trì, cách riêng là đời sống chủng sinh trước những biến chuyển mạnh mẽ và mau lẹ trong thế giới hôm nay.

1. HOÀ NHẬP CHỨ KHÔNG HOÀ TAN

Kitô giáo là tôn giáo nhập thể theo mẫu mực của Ngôi Lời làm người đã đảm nhận trần thế để cứu chuộc nó từ bên trong. Quy luật tất yếu của việc tông đồ là nhập thể. Trong Thư gửi các linh mục năm 1979, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắn nhủ: “Hoạt động mục vụ đòi chúng ta phải sống gần với con người và với tất cả những vấn đề của họ, thì phải gần gũi với tư cách một linh mục” (số 7). Điều này cũng cần áp dụng đối với các chủng sinh. Chủng sinh cũng phải gần gũi con người, phải hiện diện với thời đại mình, nhưng với tư cách một chủng sinh. Sự hiện diện có tính thừa sai này đòi nhà tông đồ phải sống hoà hợp với xã hội xung quanh nhưng không phải một sự hoà đồng thái quá đến độ đánh mất chân tính mình, hay thậm chí trở thành đồng loã, “bồ bịch” với tinh thần thế gian. Chủng sinh không thể “cứ xả láng” nhưng là “ráng giữ mình”. Không thể tìm kiếm sự tán đồng của thế gian bằng cách hùa theo nó: “Ai sao mình vậy, ai làm bậy mình cũng theo luôn”. Đời tu không phải dửng dưng, sợ hãi hay miệt thị thế gian nhưng là giữ một sự xa cách nào đó với thế gian, thế nhân và thế sự. Mong muốn đời tu phải “hợp thời” không có nghĩa đòi hỏi đời tu phải đáp ứng hữu hiệu những đòi hỏi của thế giới hiện nay.

Khi bàn về mẫu quân tử, Khổng Tử viết: “Quân tử hoà nhi bất đồng” hay “Quân tử hoà nhi bất lưu”, nghĩa là bậc quân tử hài hoà với mọi người mà vẫn có kiến giải riêng, không mù quáng theo trào lưu. Một cách nào đó, các ứng sinh linh mục cũng cần hoà mình với nhân loại để có khả năng đối thoại với mọi người (x. OT 19) chứ không phải đồng hoá với tất cả. Giáo dân có quyền mong đợi những chủng sinh (nhất là các linh mục) gần gũi nhưng dường như họ không mong muốn những người dâng mình cho Chúa trở nên như họ trong mọi sự. Thành ra, chủng sinh cần ý thức có những lời không nên nói, những việc không nên làm, những nơi chốn không được phép đặt chân vào và những mối liên hệ tình cảm mập mờ không nên dây dưa, nhùng nhằng. Thiên Chúa không hài lòng và cũng không ai muốn những linh mục tương lai rơi vào “một hiện hữu nhạt nhẽo và xoàng xĩnh” (GE 1) trước một xã hội có nguy cơ “toàn cầu hoá sự tầm thường” và chấp nhận chủ nghĩa tương đối về mặt luân lý. Đi tu đúng ra là một con đường hẹp nhưng không khéo lại biến nó thành con đường rộng rãi hơn con đường của người đời.

Ơn gọi thánh hiến là bước theo sát Chúa Kitô, và là một Đức Kitô vác thập giá tiến vào vinh quang phục sinh cho nên không thể biến đời tu thành một cuộc sống dễ chịu, cởi mở quá mức khi để mình dễ dãi chạy theo những tiện nghi và thoả mãn, tệ hơn là nguy cơ “pha loãng căn tính” của mình khi đi tìm an ủi bù trừ trong các phương thế nhân loại (tình, tiền, tửu). Như thế, chủng sinh biết tự nguyện từ chối những gì được phép nhưng không thích hợp (x. OT 9), biết từ khước những nhu cầu chính đáng nhưng không tuyệt đối cần thiết. Hơn hết là từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo Thầy Chí Thánh (x. Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23). Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nói: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con đã bỏ trước”[1]. Thánh giá mới là bằng chứng của tình yêu lớn nhất. Đón nhận thập giá là làm chứng về mối quan hệ nhiệm mầu giữa từ bỏ và an vui, giữa hy sinh và tâm hồn được mở rộng, giữa kỷ luật và sự tự do tinh thần (x. ET 29).

2. CHỌN CHÍNH CHÚA CHỨ KHÔNG PHẢI VIỆC CỦA CHÚA

Sự tận hiến là nền tảng của đời tu. Ơn gọi trước hết nằm ở chỗ thuộc trọn về Chúa trước khi nghĩ đến các hoạt động khác vì Chúa. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng: “Điều quan trọng hơn cả không phải là những gì chúng ta làm mà là chính con người tận hiến cho Thiên Chúa”[2]. Thật vậy, dù bề ngoài hoạt động tông đồ hay mục vụ xem ra rất thành công nhưng đời tu không thể đứng vững mà không có một đời sống cầu nguyện sâu xa, nhận biết Chúa một cách nồng nàn và riêng tư. Thiên Chúa, Đấng luôn phải là người đàm thoại chính yếu và trên hết trong mọi diễn tiến của ngày sống dù rất bận rộn. Nói khác đi, người tu trì phải biết tạo ra “sa mạc giữa thành phố”, tức là tạo ra những vùng thinh lặng dành cho việc tôn thờ, cầu nguyện, suy niệm ngay giữa những hoạt động tông đồ. Bằng chính của lịch sử cho thấy trung thành cầu nguyện hay phế bỏ cầu nguyện là bản trắc nghiệm cho thấy đời tu trì còn sống động hay đã suy thoái (x. ET 42).

Văn kiện Chiều kích chiêm niệm của đời tu (12/8/1980) của Bộ Tu sĩ đưa ra nhận định: “Mối nguy cơ đe doạ các người thợ tông đồ chính là để cho mình bị chi phối bởi các hoạt động vì Chúa tới mức lãng quên chính Chúa của tất cả mọi hoạt động” (số 4). Chính đời sống cầu nguyện kết hợp với Chúa mới là cần thiết, là nền tảng và nguồn sức mạnh của đời tông đồ mục vụ (x. PDV 18). Nếu không có đời sống thiêng liêng, đời tu có thể sẽ ra vô nghĩa vì chỉ như xây nhà trên cát (x. Mt 7,26-27). Chủng sinh cần nhớ rằng mình được Chúa kêu gọi đến “ở với Người” (chiêm niệm) trước khi “được Người sai đi” (hoạt động)[3]. Trong một cuộc phỏng vấn, Đức Thánh cha Phanxicô quả quyết: “Không có niềm say mê của tình yêu đối với Đức Giêsu, đời sống thánh hiến không có tương lai”[4].

Chủng viện là thời gian dành cho việc huấn luyện và phân định. Bí quyết của sự thánh thiện là tình bạn với Đức Kitô và tuân theo ý của Người[5]. Theo nghĩa này, chủng viện thực sự là “trường học nên thánh” trước khi hướng đến là “trường dạy mục vụ”. Các chủng sinh phải luôn ưu tiên lựa chọn chính Chúa chứ không phải chọn công việc của Chúa và tâm niệm rằng Đức Kitô mới là kho tàng duy nhất đáng để ta tìm kiếm (x. SAC 22). Như thế, chủng sinh phải xem đời tu là một sự tìm kiếm Nước Thiên Chúa không ngưng nghỉ chứ không phải một hoạt động, một hiệu năng, dầu là hiệu năng có tính Tin Mừng. Hướng về sự thánh thiện, đó mới là bản tóm kết chương trình mọi cuộc đời thánh hiến (x. VC 93). Không gì khác hơn, “sự thánh thiện của chủng sinh ở ngay trong thái độ nhập cuộc vào công việc đào tạo. Đọc được mong ước của Chúa Kitô và của Giáo hội trong việc đào tạo linh mục và tham gia hết mình, như là nhân vật chính yếu, đó là sự thánh thiện của chủng sinh”[6].

3. LÔI CUỐN CHỨ KHÔNG LÔI KÉO

Khi bàn đến những cơn cám dỗ cho những người hoạt động mục vụ, Đức Thánh cha Phanxicô đặc biệt nhấn mạnh đến “tính thế tục thiêng liêng”, nấp đằng sau vẻ đạo đức bề ngoài và cả tình yêu đối với Giáo hội, chủ yếu là việc đi tìm vinh quang và hạnh phúc cá nhân, thay vì vinh quang Thiên Chúa (x. EG 93). Đây là một cám dỗ tinh vi nhưng mạnh mẽ với ý muốn lôi kéo người khác đến với mình hơn là lôi cuốn họ về phía Chân Thiện Mỹ mà mình đang cố truyền đạt. Luôn luôn có cám dỗ làm cho người truyền thông điệp quan tâm đến việc cố gây ấn tượng với người khác bằng tài năng, sự sáng tạo và trí tuệ của mình hơn là truyền đi thông điệp một cách thuần tuý và chân thực. Nhu cầu muốn được nổi bật, gây ấn tượng, tạo danh tiếng khiến màn trình diễn có thể áp đảo làm cho bài hát bị thay thế bởi ca sĩ. Khi khán giả tập trung vào tính cách của chúng ta hơn là bài hát thì có lẽ chúng ta đang say đắm bản thân và người hâm mộ của mình hơn là say đắm bài hát[7].

Ratio 2016 của Bộ Giáo sĩ đề nghị các chủng sinh cần nhận thức và loại bỏ mọi “hình thức thế tục thiêng liêng” như: tôn sùng hình thức bề ngoài, tìm kiếm “an toàn” trong giáo thuyết hay trong kỷ luật cách cao ngạo, say mê chính mình và độc đoán, tham vọng muốn áp đặt chính mình, chỉ chăm chút bề ngoài và làm một cách phô trương khi hoạt động phụng vụ, thích vinh quang phù phiếm, cá nhân chủ nghĩa, thiếu khả năng lắng nghe người khác, và mọi hình thức tham vọng địa vị (x. EG 93-97, Ratio 42). Chủng sinh nên học điểm này nơi thánh Gioan Tẩy Giả. Khi được dân chúng tung hô, ngài thẳng thắn tuyên bố: “Tôi không phải là Đấng Kitô” (Ga 1,20) và hơn nữa, “tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27). Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi (x. Ga 3,30). Thánh nhân không đặt mình ở vị trí trung tâm sự chú ý vì biết rằng mình không phải là nhân vật chính nhưng chỉ là tiếng hô, là người chỉ đường (x. Ga 1,23).

Bổn phận đầu tiên của đời sống thánh hiến là làm hiển thị những sự nhiệm lạ mà Thiên Chúa thực hiện trong nhân tính mỏng giòn của những người được Thiên Chúa kêu gọi (x. VC 20). Không ai được phép tự coi mình là xứng đáng trước mặt Thiên Chúa và mỗi chủng sinh cần ý thức mình chỉ là đầy tớ vô dụng, hèn yếu nhưng được Chúa yêu thương gọi vào làm việc trong vườn nho của Ngài. Vì thế, sẽ không còn quá nặng nề tìm kiếm “những điều thuộc về tôi” nhưng yêu thích gắn bó “những điều thuộc về Đức Kitô” và tìm cách làm đẹp lòng Thiên Chúa chứ không phải làm vừa lòng người đời. Một cám dỗ nữa đối với các chủng sinh là nôn nóng thành công mau lẹ và nổi bật, loay hoay tìm cách khẳng định mình qua những thành tích bên ngoài. Vì thế dễ dẫn đến nguy cơ lấy bản thân mình làm đối tượng loan báo, thay vì loan báo trọn vẹn chân lý về Đức Kitô. Trong khi sứ mạng của người môn đệ là hãy sống làm sao để khi gặp người môn đệ của Thầy thì biết Thầy[8]. Chủng sinh cần tập luyện một sự thanh thoát, không phải tranh thủ tình cảm để tìm kiếm sự ngưỡng mộ, tung hô nhằm lôi kéo người khác về phía mình nhưng là dùng chính đời sống và lời rao giảng làm cầu nối để lôi cuốn, thu hút người khác đến với Chúa.

4. HIẾN THÂN CHỨ KHÔNG TIẾN THÂN

Dù có lúc người ta giảm sút lòng kính trọng, thậm chí thiếu cả sự tin tưởng vào đời sống thánh hiến (x. SAC 12) nhưng xét trên bình diện thực tế tại Việt Nam, đời sống tu sĩ, chủng sinh và nhất là linh mục vẫn còn là một sự thăng tiến không những cho đương sự mà còn cho cả gia đình, làng xóm nữa. Một cách nào đó, môi trường và bối cảnh xã hội như vậy cũng vô tình đề cao những động lực ơn gọi mang tính trần tục. Tuy nhiên, giáo huấn của Giáo hội xác quyết: “Các chủng sinh phải hiểu thật rõ mục đích của họ không là đi tìm quyền lực hay danh vọng, nhưng để hoàn toàn phụng sự Thiên Chúa và thực thi tác vụ mục tử” (OT 9). Các chủng viện không thể tiếp nhận các ứng viên có bất cứ động cơ ơn gọi nào gắn liền với sự bất an tình cảm hoặc sự tìm kiếm quyền lực, vinh quang nhân loại hoặc sung túc về kinh tế (x. EG 107). Đời sống thánh hiến phải thật sự là ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, trong tương quan với Cha và với anh em Người (x. VC 22). Nói cách khác, đời tu có thể được coi như một cách chú giải sống động Lời của Đức Giêsu (x. VC 82) hay như một chương Kitô học thực hành.

Cám dỗ tìm kiếm hiệu năng và duy hoạt động luôn có nguy cơ làm lu mờ tính độc đáo của Tin Mừng và làm suy yếu các động cơ thiêng liêng. Nếu đi tu là để làm một điều gì đó thì chủng sinh sẽ gồng mình gắng sức tìm kiếm công trạng, để được nổi tiếng dù bên ngoài tuyên bố là làm cho Chúa, cho người khác. Nếu đi tu vì con mắt người đời thì chủng sinh luôn bận tâm lo lắng về sự thành công và thất bại, đặt nặng dáng vẻ đạo đức bên ngoài, cốt làm sao để thiên hạ thấy mình là người tu hành mẫu mực. Trong khi đúng ra, chủng sinh hiến mình để được ân sủng Chúa nhào nắn, mãi giũa, theo cách thế và ý muốn của Người, bao lâu Người muốn. “Đời sống thánh hiến không nhằm tìm kiếm sự tôn vinh và tán thưởng của con người, nhưng được đền đáp bằng niềm vui khi được tiếp tục làm việc không mệt mỏi vì Nước Thiên Chúa, được trở nên hạt giống của sự sống đang âm thầm lớn lên, không chờ đợi bất cứ phần thưởng nào khác ngoài phần thưởng Chúa Cha sẽ ban tặng trong ngày sau hết (x. Mt 6,6)” (SAC 13).

Một khi vui tươi bước đi theo Chúa Kitô trên con đường tận hiến cho Thiên Chúa qua việc thực hành ba lời khuyên Phúc Âm, cùng lúc các chủng sinh sẽ khám phá những khía cạnh tích cực của các lời khuyên này hơn là coi đó như những thứ kỷ luật gò bó. Tinh thần khó nghèo phát sinh không phải từ một sự thiếu thốn nhưng từ một sự sung mãn: Nếu ta có Chúa tràn đầy trong tâm hồn rồi, tức khắc ta sẽ không còn cảm thấy thiếu thốn gì nữa, mà ngược lại, sẽ coi mọi sự là dư thừa, và bấy giờ nghèo khó sẽ là một niềm vui sâu sắc[9]. Đức khiết tịnh trong đời sống độc thân không phải là một gánh nặng, một thứ cống nạp cho Thiên Chúa cho bằng là một hồng ân có sức giải thoát được lãnh nhận từ lòng thương xót của Người (x. Ratio 110). Đức vâng phục tu trì minh chứng rằng vâng phục và tự do không mâu thuẫn với nhau. Hơn nữa, ai vâng phục thì được bảo đảm là mình đang thi hành sứ mạng, bước theo Chúa chứ không phải là theo ước muốn hay theo cảm hứng riêng của mình (x. VC 91-92).

5. SỨ VỤ CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ DỊCH VỤ

Khi noi gương Đức Giêsu, Con yêu dấu “mà Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (Ga 10,36), những người được Thiên Chúa gọi đi theo Người, được thánh hiến và được mời gọi tiếp tục sứ vụ của Người trên trần gian. Thật vậy, chính đời thánh hiến, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, trở thành một sứ vụ, như cả cuộc đời Đức Giêsu đã là sứ vụ. Trước khi được thể hiện bằng những công việc bên ngoài, sứ vụ cốt ở việc làm cho chính Đức Kitô hiện diện bằng chứng tá bản thân (x. VC 72). Thế nhưng, sứ vụ luôn có nguy cơ bị đồng hoá với một nghề nghiệp cần thực hiện nhằm thể hiện bản thân, và vì vậy, nó do cá nhân điều động[10]. Mối quan tâm tích trữ và nhu cầu khẳng định mình khiến con người có xu hướng tìm thoả mãn sở thích, cái gì thích thì cho là thánh thiện, cái gì không thích thì cho là không được. Đang khi sứ vụ đòi hỏi phải vận dụng hết khả năng và tài trí của con người với lòng khao khát chu toàn Thánh ý của Thiên Chúa.

Trở thành linh mục không phải chỉ là đạt được một số kiến thức, một số kỹ năng mục vụ, nhưng là một tiến trình “biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Mục Tử”. Linh mục không phải là một người lo các dịch vụ tôn giáo, nhưng là một người được Chúa Giêsu sai đi qua Giáo hội: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21)[11]. Linh mục không phải là những công chức của một cơ chế, cũng không phải là những “kế toán thiêng liêng” nhưng là người Samaritanô nhân hậu (x. Ratio 120). Chức năng của đời tu là âm thanh, tiếng gọi, sự hiện diện và ngôn sứ chứ không phải là một lực lượng lao động. Thực tế, ngày nay dễ dàng nhận thấy nơi những người thánh hiến xu hướng không gắn bó với những sinh hoạt đòi nhiều hy sinh âm thầm và kiên nhẫn, mà thích dấn thân vào những công tác xã hội cũng như những sinh hoạt giao tế với kết quả trực tiếp và dễ thấy. Một khi ý thức toàn thể đời sống chính là sứ vụ (x. VC 72; GE 23) thì chủng sinh sẽ không giản lược cuộc sống vào những con số, thước đo. Mang trong mình thao thức dấn thân thì sẽ vui tươi đảm nhận những công việc dù hèn mọn nhất. Sẽ không còn ngại ngần trước bất kỳ sứ vụ nào được giao, nhiệm vụ nào được đảm trách, công việc nào được phân công. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Chúa trồng con ở đâu, con nở hoa ở đó”.

Ơn gọi là sáng kiến tình yêu tự do của Thiên Chúa nhưng cũng là lời đáp trả trọn vẹn, dứt khoát và vĩnh viễn. Không có “ơn gọi bán thời gian” và vì thế cũng không có “linh mục bán thời gian” hay “chủng sinh bán thời gian”, nghĩa là dành một phần thời giờ cho công việc bổn phận và một phần khác cho đời tư. Các chủng sinh và “những ai đã được ban hồng ân vô giá là theo Chúa Giêsu sát hơn tất nhiên hiểu rằng Người phải được yêu mến với một trái tim không chia sẻ, và mình phải dâng hiến cho Người tất cả cuộc sống chứ không phải chỉ vài cử chỉ, vài mảnh thời gian hay vài công việc” (VC 104). Ngay cả khi bị người ta hiểu lầm, thành quả bị phủ nhận, sự nỗ lực không được đền đáp hay dù có gặp thái độ vô ơn, chống đối thì biết rằng mình hiện diện cho Chúa và cho con người. Thiên Chúa đòi nơi mỗi người sự trung tín dấn thân hơn là sự thành công (x. VC 64). Như lời thánh Tông đồ Phaolô: “Trong Chúa, mọi khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (1Cr 15,58).

6. PHỤC VỤ CHỨ KHÔNG PHẢI HƯỞNG THỤ

“Ham làm lớn, ưa được kẻ hầu người hạ” là điểm chung cố hữu của loài người, không loại trừ những người sống đời thánh hiến. Các sách Tin Mừng cũng kể lại cho chúng ta biết cơn cám dỗ này ở ngay nơi nhóm môn đệ thân tín của Đức Giêsu. Chúa loan báo cuộc Thương Khó thì “điếc có chọn lựa”, không hiểu và cũng không muốn hiểu. Chân vẫn bước theo Thầy, nhưng lòng thì đi ngược chiều: Thầy đi tới Thập giá còn môn đệ cãi nhau giành địa vị. Chuyện một người trong Nhóm sắp nộp Thầy thì chỉ bàn tán, không biết được mấy phút, chuyện địa vị cá nhân thì cãi nhau sôi nổi ngay trước mặt Thầy[12]. Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ, cũng là nhắc nhở những ai muốn bước đi theo Ngài: Ai muốn làm đầu phải hầu thiên hạ (x. Lc 22,26); ai muốn làm lãnh tụ phải phục vụ anh em[13]. Và quả thực, chính Người đã sống giữa các môn đệ như một người phục vụ (x. Lc 22,27), nhất là đã nêu gương phục vụ khi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,4-5.14-15).

Noi gương Thầy Chí Thánh đến để phục vụ chứ không phải để được người ta phục vụ (x. Mc 10,45; Mt 20,28), theo sát Chúa Kitô trong thân phận huỷ mình ra không, mỗi chủng sinh cũng cần nuôi dưỡng trong mình lý tưởng phục vụ chứ không phải tự coi mình là hàng ưu tuyển để đòi hỏi cho mình những đặc quyền, đặc lợi. Sống giữa một thế giới đầy não trạng thực dụng, sợ thiệt thòi, ngại liên luỵ, đời thánh hiến phải làm chứng: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây phải thiệt thân” (x. Ga 2,17; Tv 69,10). Trong một nền văn hoá có khuynh hướng thiên về cái bề mặt và coi sự nhỏ bé đồng nghĩa với thất bại, đời tu phải làm chứng: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Trong một xã hội toan tính đến độ “toàn cầu hoá sự vô cảm”, đời tu phải là chứng cho sự hy sinh chỉ vì tình yêu chứ không cần bất cứ điều kiện nào cả. Thánh Josemaria Escriva dạy rằng: “Anh em đừng quên rằng người có rất nhiều là người cần rất ít. Anh em đừng tạo ra cho mình những nhu cầu”.

Tinh thần phục vụ đòi phải thi hành trách nhiệm, hy sinh trong âm thầm khiêm tốn. Phục vụ là quên mình, là cho không. Phục vụ không cần người khác phải thấy hay công nhận. Phục vụ không đòi đền đáp. Hơn nữa, việc phục vụ này không chỉ giới hạn ở bổn phận trách nhiệm được giao vào những giờ giấc cố định với kế hoạch rõ ràng nhưng là tinh thần mau mắn thi hành ngay trong những công việc có tính bất ngờ. “Vị Thiên Chúa hay quấy rầy” ưa làm phiền thay đổi thời khắc nhưng Ngài muốn đo lường con tim sẵn sàng của chúng ta dành cho con người và sứ vụ đến mức độ nào[14]. Hơn nữa, mang trong mình tinh thần phục vụ thì đời sống chủng sinh sẽ không còn tình trạng căng thẳng, kèn cựa, tranh giành ảnh hưởng trong hoạt động mục vụ với những người khác (nhất là với các tu sĩ nam nữ) và tránh được cám dỗ ghen tỵ vì biết rằng chúng ta cùng hội cùng thuyền và cùng đi về một hướng (x. EG 99). Có như thế sau này khi trở thành linh mục mới vui vẻ nhượng cho các anh em đồng sự khoảng cách cần thiết để họ có thể biểu dương tài nghệ và khả năng của họ, mà không hề ganh tỵ, phân bì hoặc kình chống (x. PDV 28).

7. AN VUI CHỨ KHÔNG AN PHẬN

Trong Tông thư gửi tất cả các người tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến (30/11/2014-02/02/2016), Đức Thánh cha Phanxicô viết rằng: “Tôi ước mong rằng giữa chúng ta không có những khuôn mặt buồn rầu, những con người bực bội bất mãn. Ai buồn bã đi theo Chúa thì việc theo Chúa đáng buồn” (II,1). Nhiều lần ngài lặp lại “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”, nghĩa là những người thánh hiến phải xuất hiện giữa thế giới như những con người mang trong mình đầy niềm vui. Nói như triết gia Leon Bloy: “Niềm vui là dấu chỉ chắc chắn về cuộc sống của một tâm hồn có Chúa trong lòng”[15]. Thế giới không nhận Tin Mừng từ những người buồn phiền và thất vọng cho nên một người loan báo Tin Mừng không được phép mang khuôn mặt đưa đám (x. EG 10). Cuộc đời tận hiến đòi phải từ bỏ và khổ chế nhưng phải được thực hành trong quân bình và vui tươi để biết vươn lên những lý tưởng cao thượng.

Thế nhưng cũng xuất hiện nơi một số người sống đời thánh hiến tình trạng an tâm với tính đơn sơ khó nghèo của căn phòng mình mà lại thờ ơ với cộng đoàn, với công việc, với sứ vụ. Hay tệ hơn là biến mình thành những người độc thân ích kỷ, sống trong những “ốc đảo sung túc” giữa một “đại dương khó nghèo”. An vui theo Chúa không phải là an trú trong mình để tìm sự thư thái hay ra khỏi mình nhưng lại tìm hạnh phúc trong sự tiêu khiển cá nhân. Thật khó để có những người mục tử thao thức, dấn thân hết mình vì đoàn chiên nếu hôm nay là những chủng sinh theo đuổi triết lý an phận, bởi lẽ “chủng sinh thế nào, linh mục thế ấy”. Bài học ngôn sứ Giôna dạy chúng ta biết can đảm chèo ra chỗ nước sâu (x. Lc 5,4) chứ không bị cám dỗ giữ thuyền sát bờ, trốn tránh ở một chỗ trú an toàn (x. GE 130.134). Con người chỉ thực sự trưởng thành trong chính những thử thách, va vấp. Bông hoa đẹp nhất hẳn phải là bông hoa nở trong nghịch cảnh. Trong một bài cầu nguyện, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận viết: “Xin mời con ra khỏi pháo đài, đó không phải chỗ của người muốn theo Chúa”[16].

Cũng trong Tông thư trên, Đức Thánh cha đề nghị những người thánh hiến đừng khép lại trong chính mình, đừng để mình bị ngột ngạt với những chuyện lẩm cẩm trong nhà, đừng bị giam hãm trong những vấn đề nội bộ. Hãy đi ra để tìm thấy sự sống khi ban phát sự sống, tìm thấy hy vọng khi ban phát hy vọng, tìm thấy yêu thương bằng cách yêu thương (x. II,4). Trong tiến trình biến đổi, chủng sinh cần sẵn sàng chọn cái khó hơn để rèn luyện bản thân, dám rời bỏ sự an toàn của cái đã biết để dấn thân vào những nơi và công việc chưa biết (x. SAC 36). Thời gian đào tạo chắc chắn không phải là thời gian “nín thở qua cầu”, khoanh tay chờ đợi ra làm cha xứ nhưng là thời gian vui tươi tiến bước. Chủng sinh là con người của niềm vui nhưng là niềm vui có Chúa, niềm vui đời sống hiệp thông huynh đệ, niềm vui dấn thân phục vụ[17]. Và như thế mới có niềm vui thực sự khi là chủng sinh và chủng sinh sẽ là niềm vui cho mọi người.

8. BIẾN ĐỔI CHỨ KHÔNG PHẢI BIẾN TƯỚNG

Bản Định hướng và chỉ dẫn Đào tạo Linh mục năm 2012 của Hội đồng Giám mục Việt Nam khẳng định: “Không có biến đổi sẽ không có đào tạo” (số 32). Đó là sự biến đổi toàn diện nơi con người chủng sinh, thể hiện qua cách suy nghĩ, cách yêu thương, cách phản ứng, cách hành động theo gương Chúa Giêsu Mục Tử. Thật vậy, đào tạo linh mục là công trình biến đổi, công trình này đổi mới con tim và trí óc, để các chủng sinh có thể “phân định đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt lành, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo (Rm 12,2), nhờ đó biết chọn lựa, quyết định và hành động theo ý Thiên Chúa (x. Ratio 43). Chủng sinh phải ý thức đời tu của mình là một sự đáp trả tình yêu của Chúa, một lời mời gọi biến đổi chứ không phải một hành vi anh hùng như thể can đảm chấp nhận hy sinh từ bỏ để rồi sau này dễ có nguy cơ lấy lại những gì mình từ bỏ hay sẽ đi tìm kiếm bù trừ. Động lực cuối cùng của mọi ơn gọi là tình yêu. Động lực cuối cùng của đời tu là một tình yêu không chia sẻ dành cho một mình Thiên Chúa, và chứng tá của nó.

Các chủng sinh được đào tạo để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Mục Tử chứ không phải trở nên “dị dạng” giữa trần gian. Cần một sự khác biệt với trần gian chứ không phải là “khác người”. Không phải là nuôi dưỡng “những chỗ không tưởng” trên trần thế này nhưng là biết tạo ra “những chỗ khác” cho mình[18]. Nên nhớ rằng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa trọn vẹn và cũng là con người toàn vẹn. Chỉ khi nào nên giống với Đức Kitô, vị Thiên Chúa làm người thì chúng ta mới thực sự là con người hoàn hảo. Hiểu như thế, chủng viện thực sự là vườn ươm, là thời gian ở với Chúa để được Ngài huấn luyện trở nên người hơn. Sự trưởng thành không gì khác hơn là những kinh nghiệm về sự biến đổi không ngừng[19].

Ngoài ra, vì được huấn luyện thiêng liêng kỹ càng nên những người tận hiến có thể có cảm giác mình khá hơn các tín hữu khác (x. VC 65). Điều này dẫn đến nguy cơ tạo cho mình một dáng vẻ oai phong bệ vệ, một giọng điệu kẻ cả dạy đời, một thái độ hống hách trịch thượng. Con người hôm nay cũng như mọi thời rất ghê tởm lối sống giả hình và rất nghi ngờ những người mang “bộ mặt đạo đức”. Hơn ai hết, chính Đức Giêsu là người mạnh mẽ chỉ trích thói giả hình, phô trương. Đào tạo là công trình biến đổi toàn diện chứ không phải chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài. Chiếc áo chùng thâm không làm cho chủng sinh trở nên “có giá” hơn người khác nhưng giúp họ ý thức căn tính là người thánh hiến dành riêng cho Thiên Chúa và sứ mạng của Ngài. Được Chúa thương chọn gọi nhưng chưa phải nghiễm nhiên nên thánh, vì thế chủng sinh cần nỗ lực cộng tác với ơn Chúa để có được những tâm tình, thái độ của Chúa Giêsu, nhờ đó biến đổi lối suy nghĩ, phán đoán, chọn lựa, ứng xử, hành động theo các “tiêu chuẩn trần thế” sang theo những “giá trị Tin Mừng”.

KẾT LUẬN

Xã hội hôm nay dù có nhiều cám dỗ và thách đố nhưng không phải là cái gì xa lạ, càng không phải là kẻ thù nhưng là đối tượng và môi trường rao giảng Tin Mừng, là cánh đồng truyền giáo Chúa muốn. Được trao phó trọng trách thực hiện niềm hy vọng của Giáo hội và ơn cứu rỗi của các linh hồn (x. OT, Kết luận), các ứng sinh linh mục cần luyện tập giữ chừng mực và khoảng cách cần thiết để đủ vững vàng sống giữa đời nhưng không nhiễm thói đời, để có thể “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Giáo hội đang mong đợi những linh mục tương lai thực sự là những mục tử như lòng Chúa mong ước, là những thợ gặt có năng lực trong cánh đồng của Chúa, là những nhà truyền giáo không mệt mỏi công bố Tin Mừng cứu độ. Đó là hình ảnh người linh mục sẵn sàng dấn thân phục vụ Thiên Chúa và con người giữa thế giới trong tư cách là người của Thiên Chúa sống vì mọi người, như những “chuyên viên của Tin Mừng”, “nhà giáo dục về cầu nguyện” (x. PDV 47), “chuyên viên hiệp thông, của truyền giáo và của đối thoại” (x. PDV 18; Ratio 42), “con người biết phân định” (x. Ratio 43), “con người của đức ái” (x. PDV 49)...

Xin được kết thúc với những lời nhắn nhủ của vị cha chung Giáo hội: “Để trở thành nhân vật chính trong việc đào tạo, chủng sinh hay linh mục phải nói những tiếng “vâng” và “không”: môi trường con người càng ồn ào, thì càng phải ưa thích thinh lặng và cầu nguyện; càng bị cuốn hút vào những công việc riêng, thì càng phải biết phó mình vào đôi tay của người thợ gốm và sự sáng tạo quan phòng của Người; càng có những lược đồ đã được thiết kế sẵn, thì càng phải để cho mình được hướng dẫn bởi một tâm hồn bồn chồn cách lành mạnh để hướng sự chưa hoàn thành của mình về niềm vui trong sự gặp gỡ với Thiên Chúa và với anh em [...] Linh mục được đào tạo như thế đó: tránh một thứ linh đạo phi xác thể hoặc ngược lại, một sự dấn thân trần thế không có Thiên Chúa”[20].

Xuân Giang

Nguồn: gpbuichu.org (29.07.2023)

 

Các chữ viết tắt:

OT: Sắc lệnh Optatam Totius (28/10/1965) của Công đồng Vaticanô II

PO: Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (07/12/1965) của Công đồng Vaticanô II

ET: Tông huấn Evangelica Testificatio (29/6/1971) của ĐGH Phaolô VI

PDV: Tông huấn Pastores Dabo Vobis (25/3/1992) của ĐGH Gioan Phaolô II

VC: Tông huấn Vita Consercrata (25/3/1996) của ĐGH Gioan Phaolô II

EG: Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013) của ĐGH Phanxicô

GE: Tông huấn Gaudete et Exsultatae (19/3/2018) của ĐGH Phanxicô

Ratio: Bản Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (08/12/2016) của Bộ Giáo sĩ

SAC: Huấn thị Starting Afresh from Christ (19/5/2002) của Bộ các Hội dòng tận hiến và Tu đoàn tông đồ.

 


[1] NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường hy vọng, số 3.

[2]  x. GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp gửi tới Khoá họp của Bộ các Tu sĩ và Tu hội đời, tháng 3/1980.

[3] x. PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), số 262: “Những người loan báo Tin Mừng đầy Thần Khí có nghĩa là những người loan báo Tin Mừng luôn cầu nguyện và làm việc... Điều cần phải có là khả năng vun đắp một không gian nội tâm, là không gian có thể đem lại ý nghĩa Kitô giáo cho việc dấn thân và hoạt động. Nếu không có những khoảng thời gian dài thờ phượng, gặp gỡ Lời trong tâm tình cầu nguyện thì công việc của chúng ta sẽ dễ dàng mất hết ý nghĩa, chúng ta sẽ đánh mất nghị lực do mệt mỏi và do những khó khăn, và lòng nhiệt thành sẽ tắt ngấm”.

[4] PHANXICÔ (trò chuyện với Fernando Prado), Sức mạnh của ơn gọi: Đời sống Thánh hiến ngày nay, Lm. Lê Công Đức, PSS. dịch, Nxb Đồng Nai, 2019, tr. 46.

[5] x. BÊNÊĐICTÔ XVI, Gặp các chủng sinh Colonia, ngày 19/8/2005.

[6] x. NGUYỄN TRỌNG SƠN, “Thánh Giuse, gương mẫu đời sống thánh thiện” trong CAO MINH TRIẾT VÀ TGK, Tâm tình dâng Cha, Nxb Đồng Nai, 2021, tr. 46-47.

[7] x. RONALD ROLHEISER, Đôi mắt của tình yêu (Tổng hợp những bài viết năm 2021), JB. Thái Hoà chuyển ngữ, Antôn & Đuốc sáng, 2022, tr. 75-77.

[8] Linh mục Nguyễn Hồng Giáo, OFM nhận xét: Thực ra người giáo dân rất tinh mắt. Họ nhận ra ngay ai là người của họ, người hết lòng với họ, cũng như ai thực sự là người của Chúa. Ngay người lương dân cũng kính nể những con người chân tu. Một linh mục đích thực, thánh thiện, nghèo khó, khiêm nhường, khắc khổ, sẵn sàng phục vụ, đầy tinh thần Phúc Âm... thì bao giờ cũng được yêu mến, kính nể trong bất cứ bối cảnh chính trị xã hội nào, và vẫn thành công hơn mọi sáng kiến, mọi phương pháp, mọi kỹ năng, mọi “ngón nghề” (x. NGUYỄN HỒNG GIÁO, Chúa gọi tôi đi theo Người, Nxb Phương Đông, TP. HCM, 2009, tr. 96).

[9] x. NGUYỄN HỒNG GIÁO, Chúa gọi tôi đi theo Người, Nxb Phương Đông, TP. HCM, 2009, tr. 183

[10] x. BỘ CÁC HỘI DÒNG TẬN HIẾN VÀ CÁC TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ, Huấn thị Quyền bính và Vâng phục (11/5/2008), số 23.

[11] x. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Đào tạo linh mục: Định hướng và Chỉ dẫn (11/4/2012), số 30.

[12] x. NGUYỄN CÔNG ĐOAN, Đời sống thánh hiến trong Hội Thánh hôm nay, Nxb Đồng Nai, 2019, tr. 49-58.

[13] x. Điệp ca Thánh ca Tin Mừng Kinh Chiều Lễ Thánh Tông đồ.

[14] x. ENRICO MASSERONI, Thầy đã làm gương cho anh em, Lm. Augustinô Nguyễn Văn Dụ chuyển ngữ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr. 115.

[15] x. TIMOTHY M. DOLAN, Linh mục cho ngàn năm thứ ba, Lm. Micae Trần Đình Quảng chuyển ngữ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2009, tr. 264.

[16] NGUYỄN VĂN THUẬN, Cầu nguyện, Bài 9: Mời con ra khỏi pháo đài.

[17] x. GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Ecclesia in Asia (06/11/1999), số 44: “Việc tìm kiếm Thiên Chúa, đời sống hiệp thông huynh đệ và phục vụ tha nhân là ba đặc điểm quan trọng nhất của đời sống thánh hiến, những đặc điểm ấy có thể đưa ra một chứng tá Kitô giáo đầy sức thuyết phục cho người Á châu ngày nay”.

[18] x. Tông thư gửi tất cả các người tận hiến (II,2) của Đức Thánh cha Phanxicô nhân dịp Năm Đời sống Thánh hiến.

[19] Đức Hồng y John Henry Newman nói: “Trên thượng giới thì khác, còn dưới đây, sống là biến đổi, và nên hoàn thiện là phải biến đổi thường xuyên”.

[20] x. PHANXICÔ, Bài nói chuyện với các tham dự viên của Hội nghị quốc tế do Bộ Giáo sĩ tổ chức ngày 07/10/2017

 

Nguồn tin: gpbuichu.org
Tags :