Linh mục trao gì cho dân chúng?

Tue,27/07/2021
Lượt xem: 1470

Lm. Giuse Lê Công Đức
Giáo sư Đại Chủng Viện Huế

Trong sa mạc, ông Mô sê lại bị dân ta thán vì thiếu thốn lương thực, ông kêu xin Chúa, và Chúa ban cho dân Manna… Ở Biển Hồ, Đức Giêsu ngồi dưới thuyền và giảng cho dân chúng trên bờ, Người giảng về chính việc giảng Lời Chúa và những thái độ đón nhận Lời khác nhau – qua dụ ngôn về người gieo giống…

Trong dòng suy tư về sứ vụ và con người linh mục, hai câu chuyện trên đây lập tức gợi lên câu hỏi căn bản: Linh mục trao gì cho dân chúng? Câu trả lời tức khắc: Thánh Thể và Lời. Trong thực tế, tác vụ Lời của linh mục thường thời sự hơn tác vụ Thánh Thể – như có thể thấy nơi sự quan tâm của dân chúng đối với bài giảng của các cha!

Tác vụ Lời Chúa còn gọi là sứ vụ ngôn sứ hay sứ vụ giảng dạy, trong đó việc giảng lễ chiếm vị trí đặc biệt đệ nhất. Đây là tác vụ hàng đầu của linh mục theo Vatican II (khác với Công đồng Trento trước đó, vốn xem tác vụ tư tế mới là hàng đầu!). Ở đại chủng viện có môn Giảng lễ, thường khoảng 30 hay 40 tiết, giúp trang bị cho các thầy những nhận thức căn bản về giảng lễ và những việc ‘bếp núc’ trong chuẩn bị và thực hiện bài giảng lễ. Thật ra, tất cả các môn học, tất cả nền đào tạo và tất cả kinh nghiệm cá nhân của ứng viên đều góp phần cho việc thi hành tác vụ này.

Hơi tiếc là sau khi chịu chức, dường như ít linh mục tiếp tục ‘học giảng lễ’ – theo nghĩa là an phận, ‘có sao hay vậy’, không cảm thấy nhu cầu cải thiện chất lượng giảng lễ của mình. Cũng hiếm thấy các giáo phận có sáng kiến và những chương trình thường huấn về giảng lễ cho các cha! Mà đây chắc hẳn là một trong những điều được giáo dân mong đợi nhất. Cần nhớ, thông điệp là cái được nhận chứ không phải là cái được trao – và dân chúng có quyền nhận được những bài giảng tốt từ các mục tử của mình.

Những bài giảng tốt! Vâng, không nhất thiết phải giảng hay, theo nghĩa hùng biện rổn rảng – nhưng linh mục cần cố gắng giảng tốt, theo nghĩa giúp người nghe được đánh động bởi Lời Chúa cách thâm trầm. Nhiều linh mục giảng tốt và hay, ôi tạ ơn Chúa! Nhưng ngay cả dù không giảng hay, không hùng biện, không văn hoa bay bướm, linh mục vẫn giảng tốt được. Giảng tốt là điều nằm trong khả năng của mọi linh mục; nếu tự thấy mình giảng chưa tốt, linh mục nên khiêm tốn và kiên nhẫn chỉnh sửa chính mình, chắc chắn sẽ tốt hơn. Đồng thời, chẳng có linh mục nào đã giảng tốt đủ cả. Linh mục nào cũng có bổn phận cố gắng giảng lễ tốt hơn – chính đức ái mục tử thúc đẩy điều đó. Đức thánh cha Phan xi cô dành hàng chục trang trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng của ngài để huấn dụ các linh mục cách riêng về giảng lễ, vì ngài rất thấu hiểu tầm quan trọng của tác vụ này.

Một bài giảng tốt có thể rất gọn nhẹ, đơn sơ, không đao to búa lớn, không hoạt ngôn, không hàn lâm… Nhưng để thực sự là tốt, nó trước hết phải phát toả niềm xác tín từ trong tâm hồn của người giảng – như người ta nói: ‘từ trái tim đến trái tim’! Có cả ngàn yếu tố góp phần trong một bài giảng tốt, nhưng đáng lưu ý cách riêng:

– Lòng yêu mến Lời Chúa và cảm thức về tính sống động, mới mẻ của Lời Chúa.

– Lòng yêu mến cộng đoàn và sự quan tâm nắm hiểu hoàn cảnh thực tế của cộng đoàn.

– Sự chuẩn bị chu đáo hết sức có thể cho bài giảng, nhưng không phải để thể hiện mình, mà chỉ nhằm giúp người nghe được biến đổi nhờ điều Chúa muốn nói với họ trong cử hành phụng vụ cụ thể ở đây và lúc này.

Đức Giêsu xác nhận rõ ràng rằng Maria (ở Bêtania) đã chọn phần tốt nhất – là chăm chú lắng nghe Lời. Vì thế, dân chúng cũng đang chọn phần tốt nhất khi qui tụ lại và lắng nghe Lời Chúa qua tác vụ của linh mục. Sự trân trọng của linh mục đối với tác vụ Lời, vì thế, có bao giờ là thừa không? 

Nguồn tin: giaophankontum.com