Chúa Nhật IV Mùa Vọng - B: Triều Đại Người Vô Cùng Vô Tận

Fri,22/12/2023
Lượt xem: 968

Chúa nhật 4 Mùa vọng B

(1Sm 7,1-5.8b-12.14a.16;Tv 88; Rm 16,25-27;  Lc 1,26-38)

“Triều Đại Người Vô Cùng Vô Tận”

Chúa nhật cuối Mùa vọng, chúng ta được sống trong bầu khí vui mừng hân hoan của Đại lễ Giáng sinh kề cận, trong đó, Phụng vụ Giáo hội cho chúng ta sống thời khắc đất trời giao duyên, Thiên Chúa thành hình trong cung lòng thánh thiện và trinh trong của Đức Mẹ. Con người muốn làm nhà cho Chúa, nhưng thực ra Chúa xây nhà cho chúng ta, Người kiến tạo một “Nhà vững bền mãi mãi”. Theo đó, xin được gợi lên ba điểm để cùng suy niệm qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay.

1.       Mong ước làm nhà cho Chúa

Thiên Chúa thực hiện kế hoạch yêu thương của Người qua việc tuyển chọn và thiết lập nhà Israel. Suốt dọc dài lịch sử, Thiên Chúa luôn đi bên, ân cần chăm sóc dân riêng của Người, để họ trở thành mầm mống, Nhà của Thiên Chúa ở trần gian, nơi Người thực hiện việc quy tập toàn thể nhân loại trong một Nhà duy nhất – Gia đình con cái Chúa. Thời vàng son trong lịch sử của Nhà Israel được đánh dấu với quân vương David, người đã thực hiện một nền quân chủ vững chãi, nhưng thực ra Thiên Chúa mới là Quân vương đích thực của nhà Israel. Chính Người sẽ duy trì dòng dõi nhà Israel, thắp cho họ một “ngọn đèn luôn luôn cháy sáng” và có một “triều đại sẽ vô cùng vô tận”.

Khi được “yên cửa yên nhà”, “thành thơi tư bề”, David muốn dựng cho Chúa một Đền thờ, một nơi xứng với Chúa uy dũng, quyền năng, Đấng đã đi với dân trong suốt hành trình của họ. David ấp ủ niềm khao khát dựng xây cho Chúa một Ngôi đền: “Tôi ở trong nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều bằng vải” (2Sm 7,5). Ước vọng của ông được Salomon, người kế vị sẽ hoàn thành. Salomon đã xây Đền thờ kính Đức Chúa. Ông huy động mọi nguồn lực, những gì là quý giá và những thợ tài ba để xây cất Nhà, Đền thánh cho Chúa (x. 1V 5,15-6,37). Chúa hài lòng với việc này và hứa giữ lòng trung tín với nhà Israel, bởi Người chọn Sion: “Đây là chốn Ta nghỉ ngơi đến muôn đời, Ta sẽ ngự nơi này, vì Ta ưa thích. Nơi đây, Ta sẽ cho David một dòng dõi hùng cường, sẽ thắp cho người Ta đã xức dầu phong vương một ngọn đèn luôn luôn cháy sáng” (Tv 131,13-17)

Tình yêu và lòng thành tín của Thiên Chúa luôn có đó: “Ta giao ước với người ta tuyển chọn, đã thề cùng David, nghĩa bộc Ta, rằng: dòng dõi người Ta thiết lập cho đến ngàn đời, ngai vàng người, Ta xây dựng qua muôn thế hệ” (Tv 88,4). Sự hưng thịnh của triều đại David phụ thuộc vào lòng trung tín của họ với Thiên Chúa, nếu họ giữ giao ước và mệnh lệnh Chúa truyền, thì con cái họ đến muôn đời cũng sẽ được lên kế vị ngươi!” (Tv 131,11-12).

Đền thờ lộng lẫy, nguy nga của Salomon cũng bị bào mòn và sụp đổ bởi thời gian và sự phá hủy của ngoại xâm, nhất là sự bất trung của con cái Israel. Tuy nhiên, Thiên Chúa không thất tín, Người duy trì vương quyền của Người không phải ở những ngôi nhà bằng gỗ đá, mà với kế hoạch yêu thương của Người. Nhà - Đền thờ - Triều đại - Vương quyền mà Đức Chúa muốn mạc khải qua thị kiến với ngôn sứ Nathan mang một ý nghĩa căn bản: Nhà  - Triều đại  vững bền mãi mãi nơi dòng dõi Abraham.

2.       Chúa dựng nhà của Người giữa chúng ta

Lời sấm của Đức Chúa qua môi miệng Nathan, đáp lại niềm khắc khoải của David mang hai ý nghĩa: “Không phải David sẽ xây nhà cho Chúa ngự”, mà chính Chúa sẽ gầy dựng nhà David (2Sm 7,5-7); người thừa kế ngai vàng của ông sẽ xây – Salomon (2Sm 5,12-13). Qua mạc khải này, Thiên Chúa cho thấy chính Người sẽ kiến tạo Nhà của Người, sẽ cho xuất hiện “từ dòng dõi David, Vị Cứu Tinh quyền thế”, Đấng Messia sẽ dựng xây một Triều đại “vững bền mãi mãi”. Lời sấm đó được thành tựu trong biến cố Nhập thể của Ngôi Lời mà chúng ta nghe trong bài Tin mừng hôm nay.

Chúng ta nhận ra một sự dịch chuyển về ý nghĩa: không phải nhà bằng gỗ, đá quý giá mà là lòng người; không phải vương quyền trần thế mà là quyền uy của Đấng tối cao. Thiên Chúa sáng tạo con người, chọn một dòng dõi cho sự ra đời của Con Một của Chúa Cha để thiết lập vương quyền của Người giữa trần gian. Theo kế hoạch đó, Đức Maria là thánh điện được Thiên Chúa chuẩn bị, trang hoàng diễm lệ để cho Hoàng tử đích thực ngự đến như Lời tổng nguyện lễ Mẹ vô nhiệm, Hội thánh tuyên xưng: “Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Ðức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ”.

Đức Maria là cung điện xứng đáng, được điểm trang không phải bằng vàng, đá quý, “lụa là gấm vóc” mà bằng ân sủng của Chúa và hương nhân đức của Mẹ. Quả vậy, Mẹ được gọi là tota pulchra – tuyệt mỹ vì “Mẹ đầy ơn phúcgratia plena, Thiên Chúa ở cùng Mẹ - Dominus te cum”, được Chúa Thánh Thần chiếm lấy và “quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên Mẹ”, và “Mẹ diễm phúc” vì đã đặt niềm tín thác hoàn toàn vào kế hoạch của Thiên Chúa đối với Mẹ - “Thiếu nữ Sion”, “Nữ tỳ hèn mọn”, với con cái tổ phụ Abraham và toàn thể nhân loại. Qua Mẹ, Thiên Chúa thực hiện lời hứa với Nhà Israel về triều đại vững bền qua sự xuất hiện của Minh Vương – Vị Cứu Tinh, Người sẽ đưa Nhà David đạt tới sự thịnh vượng và hòa bình đích thực. Đó là tin mừng trọng đại mà sứ thần Gabriel loan cho Mẹ’:

Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là con Đấng tối cao. Đức Chúa sẽ ban cho Người ngài vàng David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận (Lc 1,31-33).

Thiên Chúa thực sự đi vào trần gian. Người thực hiện lời hứa về một dòng dõi hùng cường, vững bền muôn đời – triều đại của Vua Giêsu, Vương quyền của tình yêu mà Vịnh gia 88 tuyên xưng: “Tình thương và lòng tín thành” của Chúa được rao truyền, loan báo cho “muôn ngàn thế hệ”. “Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín được thiết lập trên trời” (Tv 88, 2.3). Như thế, Nhà không còn là một khối vật chất được xây cất trong không gian thời gian, triều đại lâu bền không phải “con dòng cháu nối” mà là Con Người duy nhất – Đức Giêsu, Nhà – Đền thờ - Vương quyền đích thực và vững bền. Nhà của mọi người. Vương quyền của tình yêu sung mãn đến cùng.

Những lời sấm, những khắc khoải và những công trình trong Cựu ước được viên thành nơi Đức Giêsu Kitô. Người là Đền thờ đích thực, là “Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mạnh, Người Cha muôn thuở, Hoàng Tử hòa bình” (Is 9,5). Người hoàn thành việc thiết lập Vương quốc của Thiên Chúa qua mầu nhiệm tử nạn phục sinh trên ngai vàng Thập giá, khi Người trở nên Đền thờ đích thực, nơi mọi người được tái tạo và quy tập để “thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật” (Ga 4,24).

3.       Nhà nhân tâm

Từ Nhà – Triều đại – Đền thờ theo nghĩa chân thực của chúng, Lời Chúa dẫn chúng ta tới việc chân nhận đạo lý căn bản của mạc khải – thực tại mà chúng diễn tả: Đức Giêsu Kitô, “Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Thiên Chúa đã cắm lều ở trần gian và kêu mời chúng ta đi vào trong một Nhà duy nhất, Nhà của con cái Thiên Chúa – Hội thánh để kiến tạo Thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô và để được thừa hưởng gia nghiệp dành cho công dân Nước trời. Quả thực, Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu Kitô, do lượng hải hà, “Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai (1Pr 1,3-5).

Như thế, Nhà của Thiên Chúa không phụ thuộc vào không - thời gian, không chỉ dành cho một chi tộc mà của tất cả mọi người, mọi nơi, mọi thời; không phân biệt Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, mà là của tất cả. Vương quốc của Đức Giêsu không có biên cương, vì “đất”, “lãnh thổ” của Nhà Đức Chúa là “nhân tâm”. Trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa xây dựng, mở rộng và trang điểm Nhà – Vương quyền của Người qua Hội thánh là Thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, để “có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5, 27). Và nơi từng người trong tư cách chi thể của Thân thể, cần chăm sóc đền thờ cõi lòng như Thánh Phaolô nhắn gửi: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3,16-23).

Hội thánh và từng người chúng ta, những kitô hữu, chi thể của Thân thể mầu nhiệm, được kêu mời: Hãy nới rộng lều ngươi đang ở, căng các tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ. Nối dây thừng dài thêm, đóng cọc lều cho chắc” (Is 54,2).[1] Để sống và làm phong nhiêu Vương quốc của Chúa, cần phải nới rộng căn lều, tác động lên ba yếu tố cấu trúc của lều: Yếu tố thứ nhất là vải lều che nắng, gió và mưa, phân định không gian sống và vui vầy. Vải lều cần được căng ra, để cũng có thể bảo vệ những ai còn ở bên ngoài và cảm thấy được kêu gọi bước vào bên trong; Yếu tố thứ hai là các sợi dây căng vải lều. Chúng phải có đủ độ căng để giữ cho lều không bị võng và đủ độ giãn để giảm bớt tác động của gió. Đó là lý do tại sao nếu nới rộng căn lều, cần phải kéo dài các sợi dây để duy trì độ căng giãn cho phù hợp; Yếu tố thứ ba là cọc lều: chúng neo chặt lều xuống đất và bảo đảm lều được vững chắc, nhưng vẫn có khả năng chuyển dời khi cần dựng lều ở nơi khác.

Hình ảnh này mời gọi chúng ta hình dung Hội thánh như một căn lều của gặp gỡ và đồng hành, vì thế, lều ấy cần được nới rộng ra và dời chuyển. Ở giữa lều, Nhà tạmsự hiện diện của Chúa. Lều được buộc chặt nhờ sự vững chắc của các cọc lều, nghĩa là các nền tảng của đức tin, vốn không thay đổi nhưng có thể chuyển dời và trồng xuống vùng đất mới, để lều có thể đồng hành cùng dân qua cuộc hành trình theo dòng lịch sử. Và để lều không bị võng, cấu trúc của lều phải giữ cân bằng giữa các lực đẩy và lực căng tác động lên nó: đó là ẩn dụ cho thấy sự cần thiết của phân định. Hội thánh, Nhà của Thiên Chúa, một nơi ở rộng lớn nhưng không đồng nhất, có khả năng thu nhận mọi người và cởi mở để mọi người có thể ra vào. Việc nới rộng lều đòi hỏi phải đón nhận những người khác, dành chỗ cho sự đa dạng, sự phong phú của Hội thánh như là kinh nghiệm của việc trở nên rỗng không để được lấp đầy bởi Chúa Thánh Thần của Đức Kitô.

Xin Chúa giúp chúng ta ý thức thuộc về Nhà, Gia đình của Thiên Chúa trong việc sống xứng hợp với phẩm hạnh của mình, đồng thời biết rộng mở biên cương cõi lòng với tha nhân: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương” (1Pr 2,9-10).

Lm. Hoa Thập Tự



[1] X. Tài liệu làm việc của THĐ về Hiệp Hành của Á châu, nn. 25-28.

Nguồn tin:
Tags :