Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm B: Thiên Chúa Đầy Lòng Trắc Ẩn

Sat,09/03/2024
Lượt xem: 2331

Chúa nhật 4 Mùa chay B

(2Sb 36,34,14-16.19-23; Tv 136; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21)

Thiên Chúa Đầy Lòng Trắc Ẩn

Lịch sử cứu độ là chương trình tình thương của Thiên Chúa, trong đó chúng ta thấy một Thiên Chúa không biết mệt mỏi thi thố tình yêu thương xót và luôn tha thứ của Người với nhân loại bối tín, thất trung. Sứ điệp của Chúa Nhật IV mùa chay hôm nay mời gọi chúng ta suy ngắm tình yêu siêu nhiệm của Thiên Chúa và sự thất trung của chúng ta.

1.       Sự thất trung của con người

Lịch sử dân Chúa là lịch sử của Giao ước giữa Thiên Chúa tín nghĩa, luôn trung thành với lời hứa và rất mực yêu thương  với dân ưu tuyển và toàn thể nhân loại. Trong khi đó, con người, cách riêng riêng của Dân Thiên Chúa được trình bày với khuôn mặt của người phụ nữ ngoại tình, thất trung, lỗi lời đoan hứa cùng Đức Chúa, Đấng cứu thoát họ.

Bài đọc thứ nhất, trích trong đoạn cuối của Sách thứ hai Sử Biên Niên, đưa ra một sự phê phán chung về sự thất trung của dân Chúa, sự thất trung đã đưa đến sự sụp đổ của vương quốc Giuda (-587 BC), Đền Thờ, Nhà Đức Chúa ở Giêrusalem, biểu tượng của đức tin, niềm tự hào của dân tộc bị phá đổ, bị dày xéo, bị xâm phạm, dân bị đưa đi lưu đày khổ sai. Một sự băng hoai kinh khủng, từ người lãnh đạo tới bần dân, tác giả Sách thánh viết: “Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày thêm bất trung bất nghĩa, học theo thói ghê tởm của chư dân, và làm cho nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giêrusalem ra ô uế” (2Sb 36,14). Dân mỗi ngày một lún sâu trong đường tội. Sự thất trung dẫn tới việc khinh thường, bỏ ngoài tai, thậm chí chế diễu những lời cảnh cáo của Thiên Chúa qua các sứ giả của Người. Hậu quả việc lãng quên Thiên Chúa là sự tàn lụi như Daniel trong cuộc lưu đày đã diễn tả: “Lạy Chúa, vì tội lỗi chún con, chúng con đã trở thành dân nhỏ nhất, đã mến mùi ô nhục trên khăp hoàn cầu. Chẳng còn ngôn sứ, chẳng còn thủ lãnh. Chẳng còn nơi dâng lễ, của đầu mùa lên Chúa” (Đn 3,37-38).

Thảm trạng của dân tộc Chúa xưa cũng là tình trạng khốn cùng thất trung của con người hôm nay. Nhân loại cũng đang chạy theo thói đời, cuốn theo trào lưu thế tục, không coi trọng luật Chúa, giáo huấn của Giáo hội. Người tin Chúa mà chùa đền nào cũng vái lạy. Là Kitô hữu những lại làm những việc ghê tởm của thói dân ngoại: ngoại tình, dâm đãng, trộm cắp, thậm chí, người ta đánh mất cảm thức siêu việt, Thiên Chúa bị loại ra ngoài cuộc nhân sinh.

Mùa chay là thời gian thuận tiện, như dân Chúa trong chốn lưu đày, hồi tưởng lại tình Chúa yêu thương, về Đền thờ của Chúa, về với niềm vui đức tin trong nhà Chúa, nơi quê hương xứ sở như bài Đáp Ca chúng ta vừa cất lên: “Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên người thì lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm” (Tv 136,5). Giêrusalem là biểu tưởng cho sự hiện diện của Chúa, nếu lãng quên tình Chúa, dửng dưng với thực tại thần linh, thì con người sẽ rơi vào sự khốn cùng, “lưỡi dính với hàm”. Nghĩa là rơi vào sự câm lặng kinh hoàng. Bởi vậy, thời phát lưu của dân Chúa, và Mùa chay của chúng ta, là thời điểm để hồi tâm, nhận ra sự thất trung của mình và điều quan trọng hơn là tin vào lời hứa của Thiên Chúa, lời hứa Cứu độ của Đức Chúa, Đấng giải thoát chúng ta.

2.       Thiên Chúa, Đấng Cứu độ, Đấng giải thoát con người.

Bài Tin mừng đưa chúng ta tới với niềm hy vọng cứu độ. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một của Người để ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết những được sống muôn đời” (Ga 3,16). Con người bất trung, bội tín, song Thiên Chúa luôn trung thành, ban ơn cứu độ cho con người. Câu chuyện con rắn đồng trong sa mạc gợi nhớ về sự thất trung của dân và tình thương cứu độ của Thiên Chúa (x. Ds 21,4-9).

Nhận loại hôm nay, và mỗi chúng ta cũng đang bị lây nhiễm bởi những thứ độc tố của thời đại, của sự dưng dưng đối với Thiên Chúa và đồng loại, để được cứu thoát, chúng ta hãy nhìn lên Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô, đã bị treo lên để chúng ta được sống. Người đã mang vác tất cả tội lỗi, sự bất trung, khổ lụy của chúng ta và đóng đinh vào thập giá. Người là ánh sáng chiếu soi bóng tối thế gian, bóng tối tội lỗi đang phủ kín chúng ta, để dẫn chúng ta tới nguồn sống thật của đời sống Thiên Chúa.

Đây là thời gian thuận tiện, chúng ta hãy chỗi dậy, hãy đến với Chúa của chúng ta để được chữa lành. Hãy tín thác vào tình yêu Chúa như thánh Phaolô nhắn gửi hôm nay: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời.” (Ep 4,5-6).

Trong sứ điệp Mùa chay 2024 với Chủ đề: “Thiên Chúa dẫn chúng ta đi qua sa mạc đến tự do”, Đức Phanxicô mời gọi:

Mùa chay là thời gian hành động, và trong Mùa chay, hành động cũng có nghĩa là dừng lại. Dừng lại trong cầu nguyện, để đón nhận Lời Chúa, và dừng lại như người Samaria, trước sự hiện diện của người anh em bị thương tích. Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là một tình yêu duy nhất. Không có các thần khác có nghĩa là dừng lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa, bên cạnh thân xác của tha nhân. Vì thế, cầu nguyện, bố thí và ăn chay không phải là ba việc làm độc lập, mà là một động tác duy nhất cởi mở và dứt bỏ: loại bỏ những thần tượng đang đè nặng chúng ta, loại bỏ những ràng buộc đang giam cầm chúng ta. Khi đó trái tim teo tóp và cô độc sẽ thức tỉnh. Vì thế hãy chậm lại và dừng lại. Chiều kích chiêm niệm của cuộc sống mà Mùa chay giúp chúng ta khám phá lại, sẽ sinh ra những nguồn năng lượng mới. Trước sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta trở thành anh chị em, nhạy cảm hơn với nhau: thay vì những mối đe dọa và kẻ thù, chúng ta tìm thấy những người bạn đồng hành. Đây là giấc mơ của Thiên Chúa, miền đất hứa mà chúng ta hướng tới một khi thoát khỏi cảnh nô lệ.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con trở về, biết hướng lên với Chúa, Đấng đang dang rộng cánh tay ôm ấp chúng con. Xin kéo chúng con ra khỏi vụng lầy của thế gian, của tội lỗi. Amen.

Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin: