Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Năm: Thánh Thần, Đấng Biến Đổi

Sat,18/05/2024
Lượt xem: 555

   Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

(Cv 2,1-11; Tv 103; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)

Thánh Thần, Đấng biến đổi

Lễ Hiện Xuống được xem là ngày khai sinh Giáo hội, ngày Giáo hội nhận lãnh Tặng phẩm Thần linh của Đấng Phục sinh và xuất hiện trước muôn dân với lời chứng về Đức Giêsu Kitô. Với việc Thánh Thần được ban tặng, bộ mặt mới của cộng đoàn môn đệ được kiến tạo.

1.       Thánh Thần, Thần Khí của sự biến đổi

Bài đọc thứ nhất ghi lại buổi khai sinh Giáo hội với sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần, Đấng thanh tẩy và biến đổi các môn đệ thành những thụ tạo mới, dẫn họ vào trong sự thật toàn vẹn, sự thật của con người mới mang lấy tầm vóc của Đấng, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Từ biến cố này, các ông thực hiện cuộc canh tân mặt địa cầu. Đó là cuộc thanh tẩy, hay nói khác đi, chính Thánh Thần là kiến trúc sư, kiến tạo những con người mới: con người được phục hồi giống hình ảnh Chúa, là nghĩa tử của Thiên Chúa, được gọi Người là Abba, Cha ơi! (Rm 8,5-27). Người kiến tạo những con người của bình an được mang lấy báo chứng của bình an (20,19.21), và niềm vui cho các tông đồ (20,20), cho mọi tín hữu. Đọc lại lịch sử Giáo hội, của mỗi chúng ta, chúng ta nhận ra tác động của Thần Khí Chúa, Đấng đang:

Biến đổi những con người chạy trốn, sợ hãi và khép kín thành chứng nhân kiên cường của sứ điệp Tin mừng: “Ai nấy đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần và mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa” (Cv 4,31), loan báo mầu nhiệm Chúa Kitô cho muôn dân tại Công trường, trong Đền Thờ, tại Hội đồng Do thái hay tại tư gia.

Biển đổi các ông từ những kẻ thểu não, u buồn, khiếp sợ trước biến cố thập giá thành những con người của niềm vui, bình an và hoan lạc như Công vụ Tông đồ ghi lại: “Các Tông đồ ra khỏi Hội đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì Danh Chúa Kitô” (Cv 5,41). Đó là niềm vui sung mãn không ai lấy được mà Đức Giêsu đã hứa ban nhờ Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi (x. Ga 16,22);

Biến đổi những con người tối dạ, ít học thuộc hạng bình dân (x. Cv 4,13) thành những nhà hùng biện sắc sảo làm rung động nhân tâm, đánh thức tâm khảm không chỉ người Do thái mà cả người ngoại về ơn gọi Siêu Việt;

Biến đổi những kẻ chậm tin, chai cứng trong cái nhìn thành những con người ngoan ngùy trước thánh ý Chúa: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời” (Cv 5,29); Biến các ông từ những kẻ tư lợi, “tìm chỗ đứng bên phải bên trái trong Nước Chúa” thành những người xả kỉ, giám hy sinh tất cả vì Đức Kitô, vì Tin mừng của Người, Vì Nước Trời, vì phần rỗi nhân loại như Thánh Phaolo quả quyết: “Tôi coi mọi sự là thua lỗ bất lợi so với cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi, và được thuộc về Người” (Pl 3,8), “đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21), và đã “trở nên mọi sự cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin mừng tôi làm tất cả điều đó, để được thông chia phần phúc của Tin mừng” (1Cr 9,22-23).

Biển đối những người bị phân mảnh, tan vỡ thành những người đồng tâm nhất trí với nhau (Cv 4,32; 5,11), Người làm cho các dân tộc, tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng cùng tuyên xưng một ngôn ngữ duy nhất, ngôn ngữ đức tin (x. Ep 4,4-5).

2.       Bước theo Thần Khí

Thánh Phaolô, vị Tông đồ đã được biến đổi bởi Thần Khí của Đấng Phục sinh đã kêu mời chúng ta hãy hãy bước đi theo Thần Khí, và dưới sự hướng dẫn của Thần Khí để được biến đổi trở nên con người tự do, con người thoát khỏi sự lệ thuộc của tính xác thịt và đạt tới hoa trái đích thức: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (x. Gl 5,16-25). Thánh Ignatio nói: “Bước theo Thần Khí chứ đừng đi trước Thần Khí”, nghĩa là không bỏ rớt sự trợ giúp của Thần Khí. Giáo hội Chúa Kitô và cách riêng mỗi chúng ta, những người Sequela Christi luôn được mời gọi để tiến bước theo sự hướng dẫn của Thần Khí, Thầy nội tâm, Kiến trúc sư nhào nắn tầm vóc của môn đệ của Đức Kitô.

Trên bình diện cộng đoàn  - Giáo hội

Vaticanô II được coi là một cuộc Hiện xuống mới, một cuộc thay máu trong cách thức tiếp cận của Giáo hội đối với thế giới đương đại, phục vụ ơn cứu độ nhân loại của Giáo hội. Công cuộc đó tiếp tục mời gọi toàn thể Giáo hội bước vào cuộc canh tân, ra khỏi chính mình để bước vào thế giới đang chuyển mình của thời toàn cầu và hội nhập văn hóa. Tông huấn Niềm vui Tin mừng viết:

Trong sự đa dạng của các dân tộc trải nghiệm ân huệ của Thiên Chúa… Hội thánh diễn tả tính công giáo đích thực của mình và phô bày ‘vẻ đẹp của khuôn mặt đa dạng mình’. Nơi các tập tục của một dân đã được Phúc Âm hóa, Chúa Thánh Thần trang điểm Hội Thánh, chỉ cho Hội Thánh thấy những khía cạnh mới của mặc khải và ban cho Hội Thánh bộ mặt mới (n. 116).

Chính Thánh Thần hiến kế, chỉ cho Giáo hội những nẻo đường mới mẻ để canh tân nhân tâm và Phúc Âm hóa. Người khơi dậy những đặc sủng khác nhau và trong đó có đặc sủng của ơn gọi truyền giáo trong Giáo hội.

Trên bình diện cá vị, những môn đệ

Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta sống kí ức về Chúa Giêsu: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân Danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Định hướng & Chỉ dẫn việc đào tạo linh mục khẳng định: Chúa Thánh Thần là linh hồn của việc đào tạo linh mục trong Hội Thánh. Người đóng vai trò là nhà đào tạo chính yếu, là “nguồn lực đào tạo”:

Trước hết, Người khởi nguồn và phát triển ơn gọi, giúp mỗi người khi được mời gọi “đạt tới sự triển nở của ơn gọi của bản thân” (ĐH & CD, 158); Thứ đến, trong thời gian đào tạo, Chúa Thánh Thần là nhà đào tạo chính, bởi “sống trong chủng viện, trường dạy Tin mừng, có nghĩa là nối gót Đức Kitô theo các Tông đồ, để cho Người dẫn đưa vào công cuộc phụ vụ Chúa Cha, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và để cho mình nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Mục Tử Nhân Lành” (PDV 41). Chính Thánh Thần cho thấy chiều kích Ba Ngôi của chức linh mục. Người biến đổi chủng sinh thành linh mục, ‘nên giống Chúa Kitô linh mục, thay mặt Chúa Kitô là Đầu mà hành động’ (x. Số 17); Cuối cùng, sau khi chịu chức, linh mục vẫn tiếp tục được đào tạo, nâng đỡ bởi Chúa Thánh Thần, linh mục “sống và hoạt động trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhằm phục vụ Giáo Hội và cứu độ thế giới” (PDV 12).

Đời sống kitô hữu là đời sống trong Thần Khí, nghĩa là được khơi dậy và lớn mạnh trong Thần khí của Thiên Chúa. Không có Thánh Thần thì không có đời sống Kito hữu, không thể đạt tới niềm hy vọng cứu độ: “Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (Ep 1, 14).

Lạy Chúa Thánh Thần, Thượng Khách thân yêu của linh hồn chúng con. Xin ngự đến tràn ngập tâm hồn chúng con và đốt lửa mến yêu trong lòng mỗi chúng con. Amen.

Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin:
Tags :
Thống kê
Số người online: 476
Tổng số truy cập:16.329.941